BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2766/TB-BNN-VP |
Hà Nội, ngày 11 tháng 06 năm 2014 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG LÊ QUỐC DOANH TẠI HỘI NGHỊ “SƠ KẾT SẢN XUẤT VỤ ĐÔNG XUÂN 2013-2014; TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH VỤ HÈ THU, VỤ MÙA VÀ ĐỊNH HƯỚNG VỤ ĐÔNG 2014 CÁC TỈNH PHÍA BẮC”
Ngày 27/5/2014 tại thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị “Sơ kết sản xuất vụ Đông Xuân 2013-2014; triển khai kế hoạch vụ Hè Thu, vụ Mùa và định hướng vụ Đông 2014 các tỉnh phía Bắc”. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT: Tổng cục Thủy lợi, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và một số Viện thành viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương; Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh, thành phố phía Bắc, đại diện một số doanh nghiệp và các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Lê Quốc Doanh và đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì Hội nghị.
Hội nghị đã nghe các báo cáo của Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Tổng cục Thủy lợi, Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; ý kiến tham luận của các đại biểu Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố và một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vật tư, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kết luận Hội nghị như sau:
1. Đánh giá công tác chỉ đạo sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2013-2014
Sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2013-2014 các tỉnh phía Bắc gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bất lợi về thời tiết, nhưng về cơ bản là thắng lợi. Vùng Bắc Trung Bộ (BTB) được mùa lớn nhất trong những năm gần đây, vùng Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH) và Trung du miền núi phía Bắc (TDMNPB) năng suất lúa ở phần lớn các tỉnh cao hơn vụ Đông Xuân 2012-2013. Diện tích gieo cấy toàn vùng đạt khoảng 1.159 nghìn ha, giảm khoảng gần 1,5 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước, trong đó có một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả được các địa phương chủ động chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả hơn; năng suất lúa toàn vùng ước đạt 62,4 tạ/ha, cao hơn vụ Đông Xuân năm trước 0,5 tạ/ha. Sản lượng thóc ước đạt 7,22 triệu tấn, cao hơn vụ Đông Xuân năm trước khoảng 49,2 nghìn tấn.
Có được kết quả trên là do sự nỗ lực của bà con nông dân, sự chỉ đạo, điều hành và phối hợp kịp thời giữa các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương. Nhiều giải pháp tiến bộ kỹ thuật (TBKT) đã được áp dụng như chuyển mạnh sang trà xuân muộn với giống ngắn ngày, tăng diện tích lúa lai đặc biệt ở các tỉnh BTB, TDMNPB, tăng tỷ trọng lúa chất lượng, mở rộng diện tích gieo thẳng, công tác bảo vệ thực vật được dự tính, dự báo và triển khai phòng trừ quyết liệt, kịp thời.
Ngoài ra, nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất của Trung ương và địa phương đã được thực hiện, đặc biệt nhiều địa phương, doanh nghiệp đã có chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình “cánh đồng lớn” và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, mang lại hiệu quả cao cho nông dân.
2. Một số giải pháp cần tập trung chỉ đạo trong sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa và định hướng vụ Đông năm 2014
Để đảm bảo sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa 2014 đạt thắng lợi cần phải tập trung chỉ đạo một số việc sau:
- Do ảnh hưởng của thời tiết, thời gian thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2013-2014 của một số tỉnh phía Bắc sẽ chậm hơn khoảng 7-10 ngày nên các địa phương tuyên truyền và khuyến cáo nông dân thu hoạch nhanh gọn lúa Đông Xuân, thu hoạch đến đâu làm đất ngay đến đó, không để mất nấm trên ruộng; sử dụng các chế phẩm sinh học, nấm Tricoderma để đẩy nhanh quá trình phân giải tránh ngộ độc hữu cơ cho lúa Hè Thu, lúa Mùa sau cấy; bố trí thời vụ và cơ cấu giống hợp lý, huy động tối đa mọi nguồn lực “cấy càng sớm càng tốt” để đảm bảo an toàn, né tránh được những bất thuận của thời tiết và đảm bảo kế hoạch gieo trồng cây vụ Đông.
Đối với các tỉnh vùng BTB bố trí thời vụ gieo cấy lúa Hè Thu vùng chạy lụt đảm bảo thu hoạch trước ngày 5/9, vùng Hè Thu thâm canh thu hoạch chậm nhất 20/9, vụ Mùa sớm thu hoạch trong tháng 9, vụ Mùa chính vụ kết thúc cấy trong tháng 7.
Đối với các tỉnh vùng ĐBSH và TDMNPB bố trí trà Mùa sớm diện tích khoảng 450-500 nghìn ha, trong đó vùng ĐBSH khoảng 35-40% diện tích lúa để có quỹ đất làm vụ Đông, đặc biệt cây vụ Đông ưa ấm gieo mạ từ 5-15/6, cấy trong tháng 6, đầu tháng 7; vụ Mùa trung gieo mạ 15-20/6, cấy trước 20/7; vụ Mùa muộn gieo cấy các giống lúa dài ngày, phản ứng ánh sáng (các giống lúa đặc sản (Tám, Nếp), Bao thai, Mộc tuyền,..) gieo mạ trong tháng 6, cấy trước 30/7.
Lúa gieo thẳng cần được quy hoạch thành vùng, chủ động tưới tiêu, thời vụ gieo từ 15-25/6.
- Về cơ cấu giống tăng cường sử dụng các giống cực ngắn và ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu khá với sâu bệnh và điều kiện bất thuận. Mỗi địa phương nên cơ cấu 3-4 giống lúa chủ lực và 3-4 giống lúa bổ sung, không khuyến khích sử dụng giống Bắc Thơm 7 và những giống dễ nhiễm bạc lá; gieo tập trung theo vùng để thuận lợi cho việc quản lý sâu bệnh và áp dụng các TBKT.
- Tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, sử dụng phân bón hợp lý, bón lót sâu, tập trung nặng đầu nhẹ cuối, tránh hiện tượng thừa đạm làm phát sinh dịch hại, đặc biệt chú ý bệnh bạc lá ở các tỉnh BTB và ĐBSH; các địa phương sớm có phương án tưới tiêu hợp lý, khoa học ở vụ Mùa không để tình trạng úng ngập đầu vụ gây chết lúa sau cấy và kéo dài thời gian sinh trưởng do úng ngập; đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, chuyển giao các TBKT mới nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế.
- Tiếp tục phát triển mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo mô hình “cánh đồng lớn”; áp dụng đồng bộ các TBKT nhằm tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế.
- Tiếp tục thực hiện chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng hàng năm có giá trị và hiệu quả kinh tế cao hơn, đổi mới cơ cấu cây trồng trong sản xuất, kết hợp phát triển cây vụ Đông.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh giống, phân bón, thuốc BVTV, đảm bảo cung cấp nguồn vật tư nông nghiệp chất lượng cho sản xuất.
- Các địa phương tiếp tục thực hiện các chính sách đã được Trung ương, địa phương ban hành, đồng thời có các chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các Doanh nghiệp, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và các tổ hợp tác, mở rộng các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ tiêu thụ nông sản; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thực hiện mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng.
- Xây dựng các phương án phòng chống thiên tai, dịch bệnh để chủ động đối phó với diễn biến bất thường của thời tiết và dịch hại xảy ra.
Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo để các đơn vị biết và phối hợp thực hiện./.
Nơi nhận: |
TL. BỘ TRƯỞNG |
Thông báo 2766/TB-BNN-VP năm 2014 về kết luận của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tại Hội nghị “Sơ kết sản xuất vụ Đông Xuân 2013-2014; triển khai kế hoạch vụ Hè Thu, vụ Mùa và định hướng vụ Đông 2014 các tỉnh phía Bắc” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu: | 2766/TB-BNN-VP |
---|---|
Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký: | Nguyễn Văn Việt |
Ngày ban hành: | 11/06/2014 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông báo 2766/TB-BNN-VP năm 2014 về kết luận của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tại Hội nghị “Sơ kết sản xuất vụ Đông Xuân 2013-2014; triển khai kế hoạch vụ Hè Thu, vụ Mùa và định hướng vụ Đông 2014 các tỉnh phía Bắc” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Chưa có Video