VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 265/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 30 tháng 08 năm 2016 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Ngày 07 và 08 tháng 8 năm 2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và dự Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch Tỉnh năm 2016; tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ban Kinh tế Trung ương. Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo kết quả kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới và một số kiến nghị; phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
1. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về những nỗ lực và kết quả đã đạt được trong thời gian qua: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2010 - 2015 tăng 9%/năm; công nghiệp, dịch vụ phát triển. Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,04%; trong đó, khu vực dịch vụ tăng 8,03%, công nghiệp - xây dựng tăng 5,36%. Thu ngân sách 2.815 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 8.170 tỷ đồng, tăng 8,2% so cùng kỳ. Có 275 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 3% với số vốn đăng ký đạt 1.034,5 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Tỷ lệ dân/doanh nghiệp của tỉnh đạt 168/1. Có 20 xã, chiếm 21,7% đạt chuẩn nông thôn mới.
Tỉnh đã chủ động, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục thiệt hại sự cố môi trường biển; thực hiện nghiêm túc quyết định của Thủ tướng Chính phủ và của Tỉnh về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các huyện ven biển bị sự cố môi trường, bảo đảm giữ vững ổn định, trật tự xã hội.
Các lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục phát triển; giáo dục và đào tạo, y tế, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo được quan tâm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm khá nhanh, năm 2015 còn 4,5% (theo chuẩn nghèo 2011 - 2015). An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
2. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của Tỉnh còn một số khó khăn: Nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ sở hạ tầng du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch còn hạn chế. Sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, tăng trưởng âm. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thấp (đứng thứ 29/63 tỉnh/thành phố). Mức huy động tín dụng trên địa bàn Tỉnh còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo và số học sinh bỏ học trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2016 về các giải pháp chỉ đạo, điều hành chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 về giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, góp phần cùng cả nước hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016; Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016.
2. Tiếp tục đổi mới tư duy trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần quyết liệt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân để có nguồn lực xã hội tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, du lịch, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phấn đấu đạt tỷ lệ doanh nghiệp bằng tỷ lệ bình quân chung của cả nước.
3. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành, có nguyên tắc thị trường rất cao. Với tỷ lệ đóng góp khoảng 55% GDP, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thừa Thiên Huế. Để phát triển, khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng còn rất lớn của ngành du lịch, Tỉnh cần chủ động, tích cực đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, chính sách, mà trước hết là nội dung về quản lý đối với tiềm năng này để huy động mọi nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước tham gia đầu tư phát triển du lịch. Thời gian tới cần tiếp tục khai thác, phát huy tốt hơn các sản phẩm du lịch sẵn có, như: di sản văn hóa, ẩm thực, áo dài..đồng thời, phát triển thêm các sản phẩm du lịch khác biệt, đẳng cấp đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, chữa bệnh và hội thảo.
4. Tăng cường quản lý quy hoạch đất đai, đô thị, môi trường, quản lý tài nguyên nước; ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Có giải pháp trước mắt và lâu dài hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do hải sản chết bất thường tại địa phương, không để người dân thiếu đói, sớm ổn định cuộc sống; đẩy mạnh hỗ trợ đánh bắt hải sản xa bờ, đồng thời chuyển đổi ngành nghề phù hợp cho ngư dân, tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân tiếp tục bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo.
5. Chủ động đề xuất và tích cực tham gia thực hiện liên kết các địa phương khu vực miền Trung, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và cả vùng, khắc phục khó khăn, cùng phân công, điều phối giữa các địa phương trong vùng; tiếp thu và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới; tìm kiếm, mở rộng thị trường để thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển Tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận số 48-KL/TW ngày 25 tháng 5 năm 2009 và Thông báo số 175-TB/TW ngày 01 tháng 8 năm 2014 của Bộ Chính trị.
6. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về xây dựng đề án Đô thị di sản Huế: Đồng ý về chủ trương. Tỉnh thành lập Ban soạn thảo, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan xây dựng đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Về vay vốn Kho bạc Nhà nước Trung ương để trùng tu di tích Cố đô Huế: Bộ Tài chính xem xét, xử lý đề nghị của Tỉnh theo đúng quy định.
3. Về hỗ trợ nguồn ngân sách từ Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa của Chính phủ, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi dành cho văn hóa: Đồng ý chủ trương, Tỉnh làm việc với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch để cân đối nguồn trong kế hoạch 2016 - 2020.
4. Về việc trùng tu, tôn tạo và khai thác Quần thể Di tích Cố đô Huế: Đồng ý để Tỉnh xây dựng đề án theo hướng huy động các nguồn vốn hợp pháp, các nguồn vốn xã hội hóa, lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia và các chuyên gia, nhà khoa học, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5. Việc miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với hộ dân thuộc Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nhà vườn và hộ dân trong khu vực Kinh thành Huế: Tỉnh phân loại các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở trong khu vực Kinh Thành Huế và Nhà vườn Huế thuộc đối tượng không chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, gửi Bộ Tài chính xem xét, xử lý theo quy định. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
6. Việc thu hồi đất và miễn tiền thuê đất đối với các dự án du lịch trên địa bàn đô thị Huế: Tỉnh xử lý theo thẩm quyền và quy định của Luật Đất đai năm 2013, quy định của pháp luật về thuế và đầu tư. Trường hợp khó khăn, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, mặt nước.
7. Việc cho phép kinh doanh Casino dành cho người nước ngoài tại Khu nghỉ dưỡng Laguna - Lăng Cô Huế: Ghi nhận đề nghị của Tỉnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét cụ thể sau khi Chính phủ ban hành Nghị định về kinh doanh Casino.
8. Về đầu tư mở rộng nhà ga hành khách Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài theo hình thức BOT: Đồng ý chủ trương, giao Bộ Giao thông vận tải xem xét, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
9. Về đầu tư xây dựng đường cất, hạ cánh thứ hai Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài: Đồng ý chủ trương, Tỉnh làm việc với Bộ Giao thông vận tải để thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét việc điều chỉnh quy hoạch tại Quyết định số 1029/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.
10. Về việc tăng chuyến bay nội địa và quốc tế đến Huế: Đồng ý như đề nghị của Tỉnh, giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan đánh giá nhu cầu vận tải thực tế, đề xuất việc tăng chuyến bay của các hãng hàng không trong nước đến Huế và cơ chế hỗ trợ các chuyến bay quốc tế mới, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
11. Về bổ sung quy hoạch một số sân golf: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
12. Về việc mời gọi Nhà đầu tư chiến lược: Tỉnh xác định cụ thể danh mục dự án kêu gọi đầu tư, hình thức đầu tư của địa phương; trên cơ sở đó, tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến đầu tư để lãnh đạo Tỉnh trực tiếp mời gọi các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến đầu tư. Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành hỗ trợ Tỉnh thực hiện chủ trương này.
13. Về việc hỗ trợ vốn đầu tư các dự án chống sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa biển thuộc Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai: Đồng ý chủ trương, Tỉnh rà soát quy mô, tổng mức đầu tư của từng dự án, sắp xếp thứ tự ưu tiên để đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020 của Tỉnh, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp theo quy định của Luật Đầu tư công, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
14. Về các giải pháp phục hồi, khắc phục sự cố ô nhiễm nước biển và cá chết cho đối tượng bị ảnh hưởng: Chính phủ đang lập phương án xử lý chung đối với các địa phương bị ảnh hưởng bởi sự cố, trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế.
15. Việc nâng cấp Trường Cao đẳng Công nghiệp tỉnh thành Trường Đại học Công nghiệp và thành lập Học viện Du lịch Huế: Tỉnh chủ động làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
16. Việc hoàn vốn ứng Dự án định cư và cải thiện đời sống dân Vạn đò trên sông Hương, thành phố Huế: Đồng ý như đề nghị của Tỉnh. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 4186/VPCP-KTTH ngày 08 tháng 6 năm 2015.
17. Về việc áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP, dự án đầu tư sử dụng các khu đất quỹ đất có giá trị thương mại cao: Tỉnh thực hiện theo đúng quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu.
18. Việc giữ lại nguồn thu từ thoái vốn nhà nước khi cổ phần hóa các doanh nghiệp do Tỉnh quyết định thành lập: Tỉnh làm việc với Bộ Tài chính để được hướng dẫn thực hiện.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Thông báo 265/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 265/TB-VPCP |
---|---|
Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Người ký: | Nguyễn Sỹ Hiệp |
Ngày ban hành: | 30/08/2016 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông báo 265/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế do Văn phòng Chính phủ ban hành
Chưa có Video