VĂN PHÒNG
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 229/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 18 tháng 5 năm 2024 |
KẾT LUẬN CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT DỮ LIỆU
Ngày 13 tháng 5 năm 2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ cho ý kiến về Đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu.
Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang và đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan: Quốc phòng, Công an, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông và Văn phòng Chính phủ. Trên cơ sở báo cáo của lãnh đạo Bộ Công an, ý kiến của lãnh đạo các bộ, cơ quan tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ kết luận như sau:
Đánh giá cao Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan lập Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật nhằm quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về dữ liệu; khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế; thực hiện thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; phục vụ công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Thường trực Chính phủ, ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện theo hướng:
- Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về dữ liệu; kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan như: Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, … và các văn bản về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là các luật liên quan về cơ sở dữ liệu; bảo đảm các chính sách hợp lý, hiệu quả và khả thi. Tích cực tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về quản lý dữ liệu, ứng dụng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ dữ liệu cá nhân, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam; tích cực tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học; đẩy mạnh truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận; phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan liên quan.
- Tiếp tục rà soát, nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; phân cấp, phân quyền tối đa gắn với phân bổ nguồn lực và trách nhiệm; không quy định về tổ chức bộ máy trong luật.
- Về Chính sách 1: Thống nhất với mục tiêu của Chính sách. Tuy nhiên, để tránh gây xung đột trong hệ thống pháp luật, đề nghị rà soát, đánh giá kỹ lưỡng bảo đảm không chồng chéo với các luật liên quan như Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử năm 2023, Luật Viễn thông, … nhất là Đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số đã được Chính phủ thông qua có phạm vi điều chỉnh về dữ liệu; bảo vệ dữ liệu; cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương, cơ sở dữ liệu dùng chung, … Tiếp tục làm rõ về khái niệm dữ liệu, đối tượng, phạm vi quản lý.
Về Chiến lược dữ liệu: đề nghị chỉ quy định ban hành Chiến lược quốc gia, các bộ, ngành ban hành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược; tiếp tục rà soát thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm phù hợp với Luật Tổ chức Chính phủ, trong đó rà soát thẩm quyền ban hành Chiến lược dữ liệu quốc gia cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia: đề nghị tiếp tục rà soát để tránh trùng lắp; bảo đảm linh hoạt, hiệu quả trong huy động nguồn lực.
- Về Chính sách 2: Cơ bản thống nhất với mục tiêu của chính sách. Bộ Công an phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát để làm rõ việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các ngành, lĩnh vực bảo đảm không chồng chéo, trùng dẫm, gây lãng phí; đồng thời bảo đảm bí mật thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm các cơ quan quản lý nhà nước cùng khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên cơ sở dữ liệu chung cho mục đích quản lý nhà nước.
- Về Chính sách 3: Cơ bản thống nhất với mục tiêu của chính sách. Tuy nhiên, đề nghị Luật này chỉ quy định mang tính nguyên tắc về Trung tâm dữ liệu quốc gia, các nội dung cụ thể giao Chính phủ quy định bảo đảm công tác điều hành.
- Về Chính sách 4: Cơ bản thống nhất với mục tiêu của chính sách. Đề nghị tiếp tục rà soát bảo đảm thống nhất về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan; làm rõ quy định dữ liệu là tài sản, mua, bán dữ liệu, quản lý tài sản dữ liệu, quản lý dịch vụ dữ liệu bảo đảm các quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành sở hữu CSDL, phù hợp với pháp luật về ngân sách nhà nước, quản lý tài sản công, đầu tư, giá, phí, …
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, trình Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 5 năm 2024.
Lưu ý: Tờ trình Chính phủ cần ngắn gọn, nêu rõ các vấn đề xin ý kiến Chính phủ, các vấn đề còn ý kiến khác nhau và việc tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, kết luận của Thường trực Chính phủ. Đồng thời, làm rõ các nội dung sửa đổi, bổ sung so với luật hiện hành, lý do sửa đổi, bổ sung; làm rõ các thủ tục hành chính sẽ được cắt giảm, bổ sung so với luật hiện hành và nêu rõ lý do.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan biết, thực hiện./.
|
BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Thông báo 229/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Thường trực Chính phủ về Đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 229/TB-VPCP |
---|---|
Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Người ký: | Trần Văn Sơn |
Ngày ban hành: | 18/05/2024 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông báo 229/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Thường trực Chính phủ về Đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu do Văn phòng Chính phủ ban hành
Chưa có Video