VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 13 tháng 01 năm 2014 |
Ngày 03 tháng 01 năm 2014, tại trụ sở Chính phủ, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP, đồng chí Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP đã chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2013 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2014 của Ban Chỉ đạo 138/CP. Tham dự Hội nghị có các Thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Thành viên Tổ chuyên viên liên ngành giúp việc Ban Chỉ đạo 138/CP.
Sau khi nghe đồng chí Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP báo cáo kết quả công tác phòng, chống tội phạm năm 2013, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2014 và ý kiến tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP đã kết luận như sau:
Năm 2013, công tác bảo đảm an ninh quốc gia được giữ vững, góp phần giữ ổn định về chính trị, xã hội. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội có chuyển biến tích cực; nhận thức của hệ thống chính trị rõ hơn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo thế tấn công, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, nhân dân đã yên tâm, tin tưởng hơn. Tuy nhiên, tình hình tội phạm về trật tự xã hội so với năm 2012 tăng 5,03% số vụ, tội phạm về kinh tế, tham nhũng diễn ra nghiêm trọng ở một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, tội phạm có tổ chức có nơi vẫn hoạt động phức tạp.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, nòng cốt là lực lượng Công an, cùng với sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, công tác phòng, chống tội phạm đã huy động được cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia đạt kết quả tích cực. Cụ thể:
- Ban Chỉ đạo 138 từ Trung ương đến địa phương đã tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ; thực hiện tốt kế hoạch công tác năm 2013 của Ban Chỉ đạo, kiện toàn Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm các địa phương, định kỳ sơ kết 3 tháng, 6 tháng.
- Phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành Quy định số 181-QĐ/TW ngày 30 tháng 3 năm 2013 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, trong đó có xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống tội phạm, từ đó nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, đảng viên trong phòng, chống tội phạm.
- Công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm tiếp tục được đổi mới với nhiều nội dung, hình thức thiết thực, phù hợp hơn; đã tuyên truyền tới từng người dân trên địa bàn dân cư. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc đã gắn kết chặt chẽ với thực hiện các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đã xuất hiện nhiều mô hình tốt như: "tự phòng, tự quản, tự bảo vệ", mô hình "5+1", "3 trong 1"...
- Về công tác đấu tranh, xử lý tội phạm: tổ chức làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, đạt tỷ lệ 90,5%; đánh trúng, đúng bọn tội phạm, triệt phá trên 2.600 băng, nhóm tội phạm, trong đó có nhiều băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, khám phá trên 44.000 vụ phạm pháp hình sự, bắt xử lý trên 88.200 đối tượng, đạt tỷ lệ 74,9% (so với năm 2012 cao hơn 1,09%); nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn đã được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh có tác dụng răn đe, giáo dục phòng ngừa cao. Việc phối hợp các cơ quan bảo vệ pháp luật (Công an - Viện Kiểm sát - Tòa án) chặt chẽ hơn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
- Công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự được tăng cường, nhất là quản lý ngành, nghề có điều kiện về an ninh, trật tự; phối hợp chặt chẽ lực lượng: Công an, Quân đội... trong công tác tuần tra, kiểm soát, mô hình 141 của Hà Nội đã được nhân rộng ở nhiều địa phương. Việc phối hợp giữa các địa phương giáp ranh trong tấn công tội phạm đã phát huy hiệu quả.
- Công tác xây dựng lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm được quan tâm, xác định rõ hơn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và thủ trưởng Công an các cấp trong phòng, chống tội phạm. Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm từ Trung ương đến địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc tấn công tội phạm, nhất là ở các địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự.
- Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được tăng cường; hoạt động hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm triển khai đồng bộ, toàn diện, có chiều sâu và đi vào thực chất, hiệu quả.
Công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản ở một số đơn vị, địa bàn chưa sâu, do đó tham mưu đề xuất những giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự chưa thật chủ động, hiệu quả đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm chưa cao; việc chấp hành các quy định của pháp luật trong điều tra tội phạm ở một số nơi còn chưa nghiêm, để xảy ra vi phạm nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật. Một số vụ phạm tội xảy ra trong thời gian dài mới được phát hiện, xử lý. Tỷ lệ điều tra, khám phá án ở một số đơn vị, địa phương còn thấp.
Một số địa phương cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, nhất là các đơn vị cấp huyện, xã và một số cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm của mình, chưa huy động được toàn dân tích cực tham gia nên công tác phòng, chống tội phạm chưa đạt hiệu quả cao.
Việc phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng chưa phản ánh đầy đủ thực trạng tình hình. Hiệu quả phòng ngừa tội phạm nói chung, tội phạm do nguyên nhân xã hội nói riêng chưa cao.
4. Nguyên nhân của tồn tại và hạn chế
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì chủ yếu do các nguyên nhân chủ quan sau: Sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức xã hội, đề cao lối sống vật chất, coi thường pháp luật của một bộ phận dân chúng; vai trò của gia đình, nhà trường trong quản lý, giáo dục con em, học sinh, sinh viên chưa được quan tâm đúng mức, nên đã dẫn đến tình trạng phạm tội trong thanh, thiếu niên tăng, đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa, tội phạm liên quan đến ma túy chưa được kiềm chế.
Một số mặt của công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự còn lỏng lẻo, nhất là quản lý vũ khí, vật liệu nổ; quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, quản lý tài chính, ngân hàng, chứng khoán... còn bộc lộ nhiều sơ hở, thiếu sót.
Tinh thần trách nhiệm của một số đơn vị, cá nhân chưa cao, năng lực của bộ phận cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu; nhiều vụ án quá trình điều tra, truy tố, xét xử kéo dài, không mang hiệu quả răn đe.
Hệ thống pháp luật còn chưa đồng bộ, nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện chậm ban hành, gây khó khăn trong công tác phòng, chống tội phạm.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA BAN CHỈ ĐẠO 138/CP NĂM 2014
Để tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân, các Thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tiếp tục xác định, nâng cao trách nhiệm của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm từ Trung ương đến địa phương và các cấp ủy Đảng, chính quyền là phải bảo đảm cuộc sống bình yên của nhân dân, kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, nêu cao trách nhiệm cá nhân, tập thể trong phòng, chống tội phạm. Nơi nào để tình hình tội phạm phức tạp kéo dài thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng Công an phải chịu trách nhiệm. Việc này phải được kiểm tra đánh giá thường xuyên, kịp thời khen thưởng cũng như nhanh chóng kỷ luật đối với các trường hợp vi phạm.
2. Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 37/2012/QH13 và Nghị quyết số 63/2013/QH13 của Quốc hội, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Áp dụng nghiêm túc Quy định số 181-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, đặc biệt các quy định về vi phạm trong công tác phòng, chống tội phạm.
3. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, trước mắt là thực hiện tốt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Tập trung triệt phá các băng, nhóm tội phạm tổ chức, tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm kinh tế, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm môi trường, ma túy, mua bán người...; đánh mạnh, đánh trúng tội phạm nhưng không để oan sai, lọt tội phạm; chỉ đạo chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự, trong đó tập trung ở 18 tỉnh, thành phố trọng điểm về tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, 10 địa phương trọng điểm về tội phạm có tổ chức.
4. Cải tiến công tác tuyên truyền cả bề rộng và chiều sâu, nâng cao ý thức cảnh giác và tinh thần trách nhiệm tham gia phòng, chống tội phạm cho nhân dân.
5. Tập trung nghiên cứu, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2015 - 2025, định hướng đến năm 2030.
6. Xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, để thật sự là lực lượng nòng cốt, chủ công trong công tác phòng, chống tội phạm.
7. Đề nghị các cơ quan tư pháp (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án) phối hợp chặt chẽ trong điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; truy tố, xét xử kịp thời những vụ án lớn, dư luận xã hội quan tâm; tăng cường xét xử lưu động để răn đe tội phạm.
8. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các ngành, đoàn thể chính trị, xã hội tiếp tục phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm; gắn phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” và xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học... an toàn về an ninh, trật tự, không có tội phạm và tệ nạn xã hội.
9. Khắc phục sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý vũ khí, vật liệu nổ, ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm.
10. Nghiên cứu, xây dựng, bổ sung và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm.
11. Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP (Bộ Công an) tập hợp các kiến nghị của Bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị này để xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý, phục vụ kịp thời công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
12. Năm 2014, Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP xây dựng kế hoạch để các Thành viên Ban Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tội phạm.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan và Thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP biết, phối hợp thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Thông báo 14/TB-VPCP năm 2014 kết luận Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2014 của Ban Chỉ đạo 138/CP do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 14/TB-VPCP |
---|---|
Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Người ký: | Nguyễn Quang Thắng |
Ngày ban hành: | 13/01/2014 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông báo 14/TB-VPCP năm 2014 kết luận Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2014 của Ban Chỉ đạo 138/CP do Văn phòng Chính phủ ban hành
Chưa có Video