Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

SẮC LỆNH

CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI SỐ 63/SL NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 1945

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

RA SẮC LỆNH:

Điều thứ 1: Để thực hiện chính quyền nhân dân địa phương trong nước Việt Nam, sẽ đặt hai thứ cơ quan: Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính.

Hội đồng nhân dân do dân bầu ra theo lối phổ thông và trực tiếp đầu phiếu là cơ quan thay mặt cho dân.

Uỷ ban hành chính do các Hội đồng nhân dân bầu ra là cơ quan hành chính vừa thay mặt cho dân vừa đại diện cho Chính phủ.

Ở hai cấp xã và tỉnh có Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính ở các cấp huyện và kỳ chỉ có Uỷ ban hành chính.

Cách tổ chức quyền hạn và cách làm việc của các cơ quan nói trên sẽ quy định theo như sắc lệnh này.

Chương thứ 1

CÁCH TỔ CHỨC

TIẾT THỨ NHẤT: CÁCH TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CẤP XÃ

Điều thứ 2: Ở Mỗi Xã sẽ đặt một Hội đồng nhân dân gồm có từ 15 đến 25 hội viên chính thức và từ 5 đến 7 hội viên dự khuyết.

Một đạo nghị định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ định rõ cách tính tính số hội viên tuỳ theo dân số.

Điều thứ 3: Tất cả những công dân Việt Nam, 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam, nữ, không thuộc một trong ba hạng kể trong điều thứ 2, đoạn 2, 3 và 4 sắc lệnh số 51 ngày 17 tháng 10 năm 1945 về thể lệ cuộc tổng tuyển cử quốc dân đại hội, đều có quyền bầu cử Hội đồng nhân dân hàng xã nếu nguyên quán ở xã hay trú nghị ở xã 3 tháng trở lên (lúc đến trú ngụ phải báo cho Uỷ ban hành chính xã biết là mình định đến ở hẳn tại xã thì sau này mới được biên tên vào danh sách cử tri).

Các binh lính, công chức có quyền bầu cử ở xã mà mình đến đóng hay làm việc, không cần phải trú ngụ quá 3 tháng.

Điều thứ 4: Chỉ có những người có tên trong danh sách cử tri của xã mới được ứng cử vào Hội đồng nhân dân hàng xã và nếu là người trú ngụ thì phải ở tại xã 6 tháng trở lên mới được ứng cử.

Các công chức cũng có quyền ứng cử vào Hội đồng nhân dân hàng xã nếu đủ những điều kiện trên.

Điều thứ 5: Cách lập danh sách cử tri, thể lệ bầu cử, ngày bầu cử các Hội đồng nhân dân xã toàn quốc sẽ do nghị định Bộ trưởng Bộ Nội vụ ấn định.

Điều thứ 6: Thời hạn làm việc của các Hội đồng nhân dân hàng xã là 2 năm. Nhưng khoá đầu thời hạn làm việc của các Hội đồng nhân dân hàng xã chỉ có một năm thôi.

Điều thứ 7: Khi hai phần năm (2/5) số cử tri yêu cầu phục quyết Hội đồng nhân dân hàng xã thì Uỷ ban hành chính xã phải tổ chức ngay cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu quá nửa tổng số cử tri không tín nhiệm Hội đồng nhân dân xã thì Uỷ ban hành chính tỉnh sẽ tuyên bố giải tán Hội đồng nhân dân xã.

Điều thứ 8: Khi Hội đồng nhân dân xã ra một quyết nghị trái với mệnh lệnh cấp trên thì ngoài sự thủ tiêu quyết nghị sẽ nói ở chương thứ hai, Uỷ ban hành chính cấp huyện sẽ cảnh cáo Hội đồng và nếu Hội đồng vẫn không tuân lệnh thì Uỷ ban hành chính cấp tỉnh có thể giải tán Hội đồng.

Điều thứ 9: Khi Hội đồng bị giải tán theo một trong hai điều nói trên thì Uỷ ban hành chính tỉnh, theo lời đề nghị của Uỷ ban hành chính huyện, chỉ định một Uỷ ban tạm thời 5 người (lấy người trong xã) làm nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân xã và của Uỷ ban hành chính xã.

Nếu còn hơn 6 tháng nữa mới đến kỳ tổng tuyển cử thì trong hạn 10 ngày Uỷ ban tạm thời nói trên sẽ triệu tập cử tri để bầu lại Hội đồng. Hội đồng mới sẽ làm việc đến kỳ tổng tuyển cử.

Nếu còn không đầy 6 tháng nữa đã đến kỳ tổng tuyển cử thì Uỷ ban tạm thời nói trên sẽ làm việc đến kỳ tổng tuyển cử.

Điều thứ 10: Khi vì một lý do gì Hội đồng nhân dân xã thiếu hội viên chính thức thì hội viên dự khuyết sẽ theo thứ tự được cử thay vào.

Điều thứ 11: Uỷ ban hành chính tỉnh phụ trách việc xét xem cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân hàng xã có hợp lệ không.

TIẾT THỨ HAI: CÁCH TỔ CHỨC UỶ BAN HÀNH CHÍNH CẤP XÃ

Điều thứ 12: Ở mỗi xã sẽ đặt một Uỷ ban hành chính gồm có 5 uỷ viên chính thức (1 Chủ tịch, 1 Phó chủ tịch, 1 thứ ký, 1 thủ quỹ và 1 uỷ viên) và 2 uỷ viên dự khuyết.

Điều thứ 13: Uỷ ban hành chính xã do Hội đồng nhân dân xã bầu ra. Lúc bầu sẽ bầu riêng Chủ tịch, Phó chủ tịch, thứ ký, thủ quỹ và uỷ viên.

Điều thứ 14: Muốn ứng cử vào Uỷ ban hành chính xã phải có chân trong Hội đồng nhân dân xã và phải biết đọc, biết viết.

Điều thứ 15: Thể lệ bầu cử vào Uỷ ban hành chính xã do nghị định Bộ trưởng Bộ Nội vụ ấn định.

Điều thứ 16: Uỷ ban hành chính xã bầu xong phải được Uỷ ban hành chính tỉnh chuẩn y rồi mới được nhậm chức. Uỷ viên nào không được chuẩn y thì phải bầu lại. Nếu lần bầu lại uỷ viên ấy vẫn được trúng cử thì Uỷ ban hành chính tỉnh phải công nhận.

Điều thứ 17: Thời hạn làm việc của Uỷ ban hành chính xã là 2 năm. Những khoá đầu, thời hạn làm việc của các Uỷ ban hành chính xã chỉ có một năm thôi.

Điều thứ 18: Nếu một phần ba (1//3) số hội viên Hội đồng nhân dân xã yêu cầu phúc quyết Uỷ ban hành chính xã thì Uỷ ban hành chính xã phải triệu tập ngay Hội đồng nhân dân xã để bỏ phiếu tín nhiệm. Khi bỏ phiếu tín nhiệm thì những người có chân trong Uỷ ban hành chính cũng bỏ phiếu như những hội viên khác trong Hội đồng nhân dân xã. Nếu quá nửa tổng số hội viên Hội đồng nhân dân xã bỏ phiếu không tín nhiệm Uỷ ban hành chính thì Uỷ ban hành chính xã bắt buộc phải từ chức. Những uỷ viên phải từ chức vẫn giữ tư cách hội viên Hội đồng nhân dân xã.

Điều thứ 19: Nếu Uỷ ban hành chính xã không tuân lệnh cấp trên thì Uỷ ban hành chính huyện yêu cầu Hội đồng nhân dân xã can thiệp. Nếu Hội đồng nhân dân giải quyết không xong thì Uỷ ban hành chính xã. Những uỷ viên của Uỷ ban bị giải tán sẽ mất tư cách hội viên Hội đồng nhân dân xã.

Điều thứ 20: Khi một uỷ viên Uỷ ban hành chính xã phạm lỗi trong lúc thừa hành chức vụ, thì Uỷ ban hành chính tỉnh sẽ khiển trách hoặc cách chức theo đề nghị của Uỷ ban hành chính xã hay Uỷ ban hành chính huyện.

Uỷ viên bị cách chức sẽ mất tư cách hội viên Hội đồng nhân dân xã.

Nếu tội của uỷ viên phạm đến luật hình thì uỷ viên sẽ bị đưa ra toà án truy tố.

Điều thứ 21: Khi nào Uỷ ban hành chính bắt buộc phải từ chức hay bị giải tán theo những điều thứ 18 và 19 thì trong hạn 5 ngày Uỷ ban hành chính huyện sẽ triệu tập hội đồng nhân dân xã để bầu người thay. Khi nào một vài uỷ viên bị cách chức hay xin từ chức thì những uỷ viên dự khuyết sẽ theo thứ tự được cử thay.

TIẾT THỨ BA: CÁCH TỔ CHỨC UỶ BAN HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN

Điều thứ 22: Ở mỗi huyện sẽ đặt một Uỷ ban hành chính gồm có: 3 uỷ viên chính thức (1 Chủ tịch, Phó chủ tịch, 1 thư ký) và 2 uỷ viên dự khuyết.

Điều thứ 23: Uỷ ban hành chính cấp huyện do hội viên các Hội đồng nhân dân xã trong huyện bầu ra. Hội viên Hội đồng nhân dân xã nào bỏ phiếu ở xã ấy. Lúc bầu thì bầu riêng Chủ tịch, Phó chủ tịch và thư ký.

Điều thứ 24: Tất cả những người đủ điều kiện để đi bầu cử quốc dân đại hội theo Điều thứ 2, Sắc lệnh số 51 ngày 17 tháng 10 năm 1945 và biết đọc biết viết đều có quyền ứng cử vào các Uỷ ban hành chính huyện không phân biệt là người ở huyện hay không, nhưng chỉ được ứng cử ở một huyện thôi.

Điều thứ 25: Thể lệ bầu cử các Uỷ ban hành chính huyện do nghị định Bộ trưởng Bộ Nội vụ ấn định.

Điều thứ 26: Uỷ ban hành chính huyện bầu xong phải được Uỷ ban hành chính kỳ chuẩn y rồi mới được nhậm chức. Uỷ viên nào không được chuẩn y thì phải bầu lại. Nếu lần bầu lại, uỷ viên ấy vẫn được trúng cử thì Uỷ ban hành chính kỳ phải công nhận.

Điều thứ 27: Thời hạn làm việc của Uỷ ban hành chính huyện là hai năm nhưng khoá đầu thời hạn ấy chỉ có một năm thôi.

Điều thứ 28: Khi một phần ba (1/3) tổng số hội viên tất cả các Hội đồng nhân dân xã yêu cầu phục quyết, Uỷ ban hành chính huyện thì Uỷ ban hành chính tỉnh phái người về tổ chức cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Hội viên Hội đồng nhân dân xã nào bỏ phiếu ở xã ấy. Nếu quá nửa tổng số hội viên các Hôi đồng nhân dân xã không tín nhiệm Uỷ ban thì Uỷ ban hành chính huyện phải từ chức. Những uỷ viên phải từ chức nếu là hội viên Hội đồng nhân dân một xã trong huyện thì vẫn được giữ tư cách ấy.

Điều thứ 29: Khi Uỷ ban hành chính huyện không tuân lệnh trên thì Uỷ ban hành chính tỉnh có thể đề nghị lên Uỷ ban hành chính kỳ giải tán Uỷ ban hành chính huyện. Những uỷ viên Uỷ ban bị giải tán nếu có chân trong Hội đồng nhân dân xã trong huyện thì mất cả tư cách hội viên.

Điều thứ 30: Nếu một uỷ viên phạm lỗi trong khi thừa hành chức vụ thì Uỷ ban hành chính tỉnh theo lời đề nghị của Uỷ ban hành chính huyện hoặc khiển trách hoặc cách chức uỷ viên phạm lỗi. Uỷ viên bị cách chức nếu có chân trong Hội đồng nhân dân một xã trong huyện thì mất cả tư cách hội viên. Nếu lỗi của uỷ viên phạm vào luật hình thì uỷ viên sẽ bị đưa ra toà án truy tố.

Điều thứ 31: Khi nào Uỷ ban hành chính huyện bắt buộc phải từ chức hay bị giải tán theo điều thứ 28 và 29 thì Uỷ ban hành chính tỉnh phải tổ chức ngày cuộc bầu Uỷ ban hành chính huyện mới.

Khi nào một vài uỷ viên bị cách chức hay xin từ chức thì những uỷ viên dự khuyết sẽ theo thứ tự được cử thay.

TIẾT THỨ TƯ: CÁCH TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CẤP TỈNH

Điều thứ 32: Ở mỗi tỉnh sẽ đặt một Hội đồng nhân dân gồm có từ 20 đến 30 hội viên chính thức và 5 hội viên dự khuyết.

Một đạo nghị định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ định rõ cách tính tổng số hội viên các Hội đồng nhân dân tỉnh tuỳ theo dân số.

Điều thứ 33: Đơn vị tuyển cử là huyện. Số hội viên chia cho mỗi huyện sẽ do nghị định của Uỷ ban hành chính kỳ ấn định.

Điều thứ 34: Tất cả các cử tri các Hội đồng nhân dân xã trong tỉnh đều có quyền bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều thứ 35: Tất cả những người đủ điều kiện để đi bầu cử quốc dân đại hội theo Điều thứ 2 Sắc lệnh ngày 17 tháng 10 năm 1945 đều có quyền ứng cử vào các Hội đồng nhân dân các tỉnh, không phân biệt là người ở tỉnh hay không, nhưng chỉ được ứng cử ở một tỉnh thôi.

Điều thứ 36: Thể lệ bầu cử và ngày bầu cử các Hội đồng nhân dân tỉnh toàn quốc sẽ do nghị định Bộ trưởng Bộ Nội vụ ấn định.

Điều thứ 37: Thời hạn làm việc của các Hội đồng nhân dân tỉnh là 2 năm. Những khoá đầu thời hạn làm việc của các Hội đồng nhân dân hàng tỉnh chỉ có một năm thôi.

Điều thứ 38: Nếu Hội đồng nhân dân tỉnh ra một Quyết nghị trái với mệnh lệnh cấp trên thì ngoài sự thủ tiêu Quyết nghị do cấp trên sẽ nói ở chương thứ 2, Uỷ ban hành chính kỳ sẽ cảnh cáo Hội đồng và nếu Hội đồng vẫn không tuân lệnh thì Uỷ ban hành chính kỳ có thể đề nghị lên Chính phủ giải tán Hội đồng tỉnh.

Điều thứ 39: Khi Hội đồng nhân dân tỉnh bị giải tán thì Uỷ ban hành chính kỳ chỉ định một Uỷ ban tạm thời ba người làm nhiệm vụ của một Hội đồng nhân dân và của Uỷ ban hành chính tỉnh.

Nếu còn hạn sáu tháng nữa mới đến kỳ tổng tuyển cử thì trong hạn 10 ngày Uỷ ban nói trên sẽ triệu tập cử tri để bầu lại Hội đồng. Hội đồng mới sẽ làm việc đến kỳ tổng tuyển cử.

Nếu còn không đầy sáu tháng nữa đã đến kỳ tổng tuyển cử thì Uỷ ban tạm thời nói trên sẽ làm việc đến kỳ tổng tuyển cử.

Điều thứ 40: Khi vì một lý do gì Hội đồng nhân dân tỉnh thiếu hội viên chính thức thì hội viên dự khuyết sẽ theo thứ tự được cử thay vào.

Điều thứ 41: Uỷ ban hành chính kỳ phụ trách việc xét xem cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân hàng tỉnh có hợp lệ không.

TIẾT THỨ NĂM: CÁCH TỔ CHỨC UỶ BAN HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH

Điều thứ 42: Ở mỗi tỉnh sẽ đặt một Uỷ ban hành chính gồm có: 3 uỷ viên chính thức (1 Chủ tịch, 1 Phó chủ tịch và 1 thứ ký) và 2 uỷ viên dự khuyết.

Điều thứ 43: Uỷ ban hành chính tỉnh do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu ra. Lúc bầu sẽ bầu riêng Chủ tịch, Phó chủ tịch và thư ký.

Điều thứ 44: Muốn ứng cử vào Uỷ ban hành chính tỉnh phải có chân trong Hội đồng nhân dân tỉnh và phải biết viết biết đọc.

Điều thứ 45: Thể lệ bầu cử các Uỷ ban hành chính tỉnh do nghị định Bộ trưởng Bộ Nội vụ ấn định.

Điều thứ 46: Uỷ ban hành chính tỉnh bầu xong phải được Uỷ ban hành chính kỳ chuẩn y rồi mới được nhậm chức. Uỷ viên nào không được chuẩn y thì phải bầu lại. Nếu lần bầu lại, uỷ viên ấy vẫn được trúng cử thì Uỷ ban hành chính kỳ phải công nhận.

Điều thứ 47: Thời hạn làm việc của Uỷ ban hành chính tỉnh là hai năm nhưng khoá đầu thời hạn ấy chỉ có một năm thôi.

Điều thứ 48: Khi một phần ba (1/3) tổng số hội viên tất cả các Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu phúc quyết, Uỷ ban hành chính tỉnh thì Uỷ ban hành chính tỉnh phải triệu tập ngay Hội đồng nhân dân tỉnh để bỏ phiếu tín nhiệm. Khi bỏ phiếu tín nhiệm những uỷ viên Uỷ ban hành chính cũng bỏ phiếu như những hội viên khác trong Hội đồng nhân dân tỉnh. Nếu quá nửa tổng số hội viên của Hôi đồng nhân dân tỉnh bỏ phiếu không tín nhiệm Uỷ ban hành chính thì Uỷ ban hành chính tỉnh bắt buộc phải từ chức. Những uỷ viên phải từ chức vẫn được giữ tư cách hội viên Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều thứ 49: Nếu Uỷ ban hành chính tỉnh không tuân lệnh trên thì Uỷ ban hành chính kỳ yêu cầu Hội đồng nhân dân tỉnh can thiệp. Nếu Hội đồng nhân dân không giải quyết xong thì Uỷ ban hành chính kỳ đề nghị lên Chính phủ giải tán Uỷ ban hành chính tỉnh. Những uỷ viên Uỷ ban bị giải tán sẽ mất cả tư cách hội viên Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều thứ 50: Khi một uỷ viên Uỷ ban hành chính tỉnh phạm lỗi trong lúc thừa hành chức vụ, thì Uỷ ban hành chính kỳ theo lời đề nghị của Uỷ ban hành chính tỉnh, hoặc khiển trách, hoặc cách chức uỷ viên phạm lỗi. Uỷ viên bị cách chức mất luôn cả tư cách hội viên Hội đồng nhân dân tỉnh.

Nếu tội của uỷ viên phạm đến luật hình thì uỷ viên sẽ bị đưa ra toà án truy tố.

Điều thứ 51: Khi Uỷ ban hành chính bắt buộc phải từ chức hay bị giải tán, theo những Điều thứ 48 và 49 thì trong hạn 5 ngày Uỷ ban hành chính kỳ sẽ triệu tập Hội đồng nhân dân tỉnh để bầu người thay.

Khi nào một vài uỷ viên bị cách chức hay xin từ chức thì những uỷ viên dự khuyết sẽ theo thứ tự được cử thay.

TIẾT THỨ SÁU: CÁCH TỔ CHỨC UỶ BAN HÀNH CHÍNH CẤP KỲ

Điều thứ 52: Ở mỗi kỳ sẽ đặt một Uỷ ban hành chính gồm có 5 uỷ viên chính thức (1 Chủ tịch, 1 Phó chủ tịch và 1 thứ ký và 2 uỷ viên) và 2 uỷ viên dự khuyết.

Điều thứ 53: Uỷ ban hành chính kỳ do hội viên các Hội đồng nhân dân tỉnh trong kỳ bầu ra. Hội viên Hội đồng nhân dân tỉnh nào bỏ phiếu ở tỉnh lỵ tỉnh ấy.

Không bầu riêng Chủ tịch, Phó chủ tịch và thư ký, chỉ bầu chung 5 uỷ viên chính thức và 2 uỷ viên dự khuyết.

Điều thứ 54: Uỷ ban trúng cử sẽ tự bầu lấy Chủ tịch, Phó Chủ tịch và thư ký.

Điều thứ 55: Tất cả những người đủ điều kiện để đi bầu cử quốc dân đại hội theo Điều thứ 2 Sắc lệnh số 51 ngày 17 tháng 10 năm 1945 và biết đọc biết viết đều có quyền ứng cử vào các Uỷ ban hành chính kỳ, không phân biệt là người ở trong kỳ hay không, những chỉ được ứng cử ở một kỳ thôi.

Điều thứ 56: Thể lệ bầu cử các Uỷ ban hành chính kỳ do nghị định Bộ trưởng Bộ Nội vụ ấn định.

Điều thứ 57: Uỷ ban hành chính kỳ bầu xong phải được Hội đồng Chính phủ chuẩn y rồi mới được nhậm chức. Uỷ viên nào không được chuẩn y thì phải bầu lại. Nếu lần bầu lại, uỷ viên ấy vẫn được trúng cử thì Hội đồng Chính phủ phải công nhận.

Điều thứ 58: Hạn làm việc của Uỷ ban hành chính kỳ là 3 năm nhưng khoá đầu thời hạn ấy chỉ có một năm thôi.

Điều thứ 59: Khi một phần ba tổng số hội viên tất cả các Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu phúc quyết Uỷ ban hành chính kỳ thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ phái người về tổ chức cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Hội viên Hội đồng nhân dân tỉnh nào bỏ phiếu ở tỉnh ấy. Nếu quá nửa tổng số hội viên các hội đồng nhân dân tỉnh không tín nhiệm Uỷ ban hành chính kỳ thì Uỷ ban hành chính kỳ phải xin từ chức. Những uỷ viên từ chức nếu là hội viên Hội đồng nhân dân một tỉnh trong kỳ sẽ vẫn được giữ tư cách ấy.

Điều thứ 60: Khi Uỷ ban hành chính kỳ không tuân lệnh trên thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị lên Hội đồng Chính phủ giải tán Uỷ ban hành chính kỳ. Những uỷ viên Uỷ ban bị giải tán nếu có chân trong một Hội đồng nhân dân thì mất cả tư cách hội viên hội đồng ấy.

Điều thứ 61: Nếu một uỷ viên Uỷ ban hành chính kỳ phạm lỗi trong khi thừa hành chức vụ, thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ theo lời đề nghị của Uỷ ban hành chính kỳ hoặc khiển trách hoặc cách chức uỷ viên phạm lỗi. Nếu lỗi của uỷ viên phạm đến luật hình thì uỷ viên sẽ bị đưa ra toà án truy tố.

Điều thứ 62: Khi Uỷ ban hành chính kỳ bắt buộc phải từ chức hay bị giải tán, theo những điều thứ 59 và 60, thì Bộ Nội vụ phải tổ chức ngay cuộc bầu cử Uỷ ban hành chính mới. Khi một vài uỷ viên bị cách chức hay xin từ chức thì những uỷ viên dự khuyết sẽ theo thứ tự được cử thay.

TIẾT THỨ BẢY: KHOẢN CHUNG

Điều thứ 63: Một người không có thể ở trong hai Uỷ ban hành chính được.

Một người có thể vừa ở trong Hội đồng nhân dân xã mình vừa ở trong Hội đồng nhân dân tỉnh mình và vừa ở trong Nghị viện nhân dân nữa.

Điều thứ 64: Hai vợ chồng, ba cha con, ba mẹ con, ba anh em ruột hay ba chị em ruột không được cùng ở trong một Uỷ ban hành chính (xã, huyện, tỉnh hay kỳ).

Điều thứ 65: Các công chức và binh sĩ, tại ngũ có thể là hội viên các Hội đồng nhân dân được.

Các công chức nếu được bầu vào một Uỷ ban hành chính (xã, huyện, tỉnh hay kỳ) thì phải hoặc xin từ chức, hoặc từ chối không nhân vào Uỷ ban hành chính.

Các binh sĩ tại ngũ không được ứng cử vào các Uỷ ban hành chính (xã, huyện hay tỉnh hay kỳ).

Chương thứ 2

QUYỀN HẠN VÀ PHÂN CÔNG

TIẾT THỨ 1: QUYỀN HẠN VÀ PHÂN CÔNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN XÃ

Điều thứ 66: Hội đồng nhân dân hàng xã có quyền quyết nghị về tất cả các vấn đề thuộc trong phạm vi xã mình. Những quyết nghị của Hội đồng nhân dân hàng xã không được trái với chỉ thị của các cấp trên.

Điều thứ 67: Trong hạn 8 ngày Uỷ ban hành chính xã phải đệ biên bản quyết nghị của Hội đồng nhân dân xã lên Uỷ ban hành chính huyện. Uỷ ban hành chính huyện phải ghi ngày nhận vào sổ rồi phát biên lai cho Uỷ ban hành chính xã.

Điều thứ 68: Trong hạn 5 ngày sau ngày nhận được biên bản quyết nghị và phát biên lai, Uỷ ban hành chính huyện có quyền thủ tiêu hoặc giao về sửa chữa các quyết nghị của Hội đồng hàng xã nhưng phải nói rõ nguyên nhân sự thủ tiêu hay sự yêu cầu sửa chữa ấy. Hạn 5 ngày nói trên không thể gia thêm được.

Điều thứ 69: Nếu trong hạn nói trên mà quyết nghị không bị thủ tiêu hay giao về sửa chữa thì có thể thi hành được trừ những quyết nghị kể trong các Điều thứ 70 và 71.

Điều thứ 70: Những quyết nghị về các vấn đề sau này phải được Uỷ ban hành chính huyện chuẩn y rồi mới được thi hành:

1- Cho thuê hoặc thuê bất động sản trong một thời hạn quá 3 năm;

2- Thay đổi tác dụng của một bất động sản của xã;

3- Đặt, sửa chữa, mở mang phố xá, đường cái hay công viên trong xã;

4- Mở hay bỏ chợ.

Điều thứ 71: Những quyết nghị về các vấn đề sau này phải được Uỷ ban hành chính tỉnh chuẩn y rồi được thi hành:

1- Bán, nhường, đổi bất động sản của xã;

2- Mua bất động sản, làm hay sửa chữa nhà cửa, cầu cống khi số tiền cần tiêu phải vay hoặc không dự tính trong ngân sách xã;

3- Ngân sách của xã;

4- Đóng góp bất thường hoặc vay;

5- Định thuế suất (tarif) các thứ thuế riêng mà đã được phép thu;

6- Tự quản lý hoặc dự một phần vào công cuộc kinh doanh có tính cách công ích: tiếp tế cho dân chúng, cứu tế, xã hội, v.v...

Điều thứ 72: Khi việc gấp thì Uỷ ban hành chính xã có thể xin Uỷ ban hành chính huyện hay tỉnh duyệt định ngay quyết nghị của Hội đồng nhân dân xã.

Điều thứ 73: Khi Uỷ ban hành chính huyện hoặc tỉnh thủ tiêu hoặc không chuẩn y quyết nghị của mình thì Hội đồng nhân dân xã có quyền kháng cáo:

a) Lên Uỷ ban hành chính tỉnh nếu quyết nghị bị Uỷ ban hành chính huyện thủ tiêu hay không chuẩn y;

b) Lên Uỷ ban hành chính kỳ nếu quyết nghị bị Uỷ ban hành chính tỉnh thủ tiêu hay không chuẩn y.

TIẾT THỨ HAI: QUYỀN HẠN VÀ PHÂN CÔNG CỦA UỶ BAN HÀNH CHÍNH XÃ

Điều thứ 74: Quyền hạn của Uỷ ban hành chính xã như sau này:

1- Thi hành các mệnh lệnh của các cấp trên, các nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã và các bản án của các toà án;

2- Triệu tập Hội đồng nhân dân xã;

3- Kiểm soát các cơ quan chuyên môn cấp xã về cách thừa hành chức vụ;

4- Giải quyết các công việc vặt trong phạm vi xã;

5- Phát lệnh viên (ordonnateur) ngân sách hàng xã.

Điều thứ 75: Về tư pháp, Ban thường vụ (Chủ tịch, Phó chủ tịch và thư ký) có quyền:

1- Hoà giải về tất cả các việc;

2- Xử các việc vi cảnh, nhưng chỉ được phạt tiền.

Điều thứ 76: ở cấp xã phân công như sau này:

1- Hành chính, tư pháp;

2- Xã hội y tế, cứu tế, tài chính;

3- Kinh tế, giao thông, địa bạ;

4- Giáo dục, tuyên truyền, khánh tiết;

5- Trị an và quân vụ.

Ban thường vụ gồm có Chủ tịch, Phó chủ tịch và thư ký phụ trách mục "hành chính tư pháp". Còn những mục khác thì mỗi uỷ viên phụ trách một mục tuỳ theo tài năng của từng người.

Điều thứ 77: Uỷ ban hành chính xã có thể lập những tiểu ban để giúp việc. Những người làm việc trong các tiểu ban do toàn ban chọn theo lỗi đề nghị của một hay nhiều uỷ viên.

TIẾT THỨ BA: QUYỀN HẠN VÀ PHÂN CÔNG CỦA UỶ BAN HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN

Điều thứ 78: Quyền hạn của Uỷ ban hành chính cấp huyện như sau này:

1- Thi hành và kiểm soát sự thi hành mệnh lệnh của các cấp trên.

Kiểm soát các Uỷ ban hành chính xã và các Hội đồng nhân dân xã;

2- Thủ tiêu theo như điều thứ 68 những quyết nghị của các Hội đồng nhân dân xã trái với chỉ thị của các cấp trên hay trái với quyền lợi của dân xã;

3- Duyệt y hoặc đệ lên Uỷ ban hành chính tỉnh duyệt y các quyết nghị của các Hội đồng nhân dân xã theo như các Điều thứ 70 và 71;

4- Kiểm soát các cơ quan chuyên môn về cách thừa hành chức vụ;

5- Giải quyết các công việc vặt trong phạm vi huyện;

6- Điều khiển đội cảnh binh đặt ở huyện để lo việc tuần phòng và trị an. Đội cảnh binh này sẽ do nghị định Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định sau.

Điều thứ 79: Ở cấp huyện phân công theo năng lực của uỷ viên. Riêng việc hành chính thì toàn ban phụ trách.

TIẾT THỨ 4: QUYỀN HẠN VÀ PHÂN CÔNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CẤP TỈNH

Điều thứ 80: Hội đồng nhân dân tỉnh có quyền quyết nghị về tất cả các vấn đề thuộc phạm vi tỉnh mình. Nhưng quyết nghị của Hội đồng nhân dân hàng tỉnh không được trái với chỉ thị của các cấp trên. Hội đồng có thể hỏi ý kiến các nhà chuyên môn trước khi quyết nghị một vấn đề có liên can đến một hay nhiều ngành chuyên môn.

Điều thứ 81: Trong hạn tám ngày Uỷ ban hành chính phải để biên bản quyết nghị của Hội đồng nhân dân tỉnh lên Uỷ ban hành chính kỳ. Uỷ ban hành chính kỳ phải ghi ngày nhận vào sổ rồi phát biên lai cho Uỷ ban hành chính tỉnh.

Điều thứ 82: Trong hạn 15 ngày sau ngày nhận được biên bản quyết nghị và phát biên lai, Uỷ ban hành chính kỳ có quyền thủ tiêu hay giao về sửa chữa các quyết nghị của Hội đồng nhân dân tỉnh nhưng phải nói rõ nguyên nhân sự thủ tiêu hay sự yêu cầu sửa chữa ấy. Hạn nói trên, Uỷ ban kỳ có thể gia thêm lên 15 ngày nữa nhưng phải báo cho Uỷ ban hành chính tỉnh biết trước khi hết hạn 15 ngày đầu.

Điều thứ 83: Nếu hết hạn nói trong Điều thứ 82 mà quyết nghị không bị thủ tiêu hay giao về sửa chữa thì có thể thi hành được trừ những quyết nghị kể trong các Điều thứ 84 và 85.

Điều thứ 84: Những quyết nghị về các vấn đề sau này phải được Uỷ ban hành chính kỳ chuẩn y rồi mới được thi hành:

1- Nhận những tặng vật và di sản mà người tặng có đặt điều kiện;

2- Bán, mua hoặc đổi bất động sản của tỉnh;

3- Kiện hoặc theo kiện;

4- Quy định về các công chức thuộc ngạch hàng tỉnh.

Điều thứ 85: Những quyết nghị về các vấn đề sau này phải được Hội đồng Chính phủ duyệt y rồi mới được thi hành:

1- Ngân sách tỉnh;

2- Vay tiền;

3- Định những bách phân phụ thu cho quỹ hàng tỉnh, khi có các bách phân phụ thu ấy to hơn số cấp trên đã định;

4- Cho thầu một công vụ;

5- Định thuế suất (tarif) các thuế đặc biệt được phép thu trong phạm vi tỉnh.

Điều thứ 86: Khi việc gấp thì Uỷ ban hành chính tỉnh có thể xin Uỷ ban hành chính kỳ hay Hội đồng Chính phủ quyết định ngay quyết nghị của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều thứ 87: Khi Uỷ ban hành chính kỳ thủ tiêu hoặc không chuẩn y quyết nghị của mình thì Hội đồng nhân dân tỉnh có quyền kháng cáo lên Hội đồng Chính phủ.

TIẾT THỨ 5: QUYỀN HẠN VÀ PHÂN CÔNG CỦA UỶ BAN HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH

Điều thứ 88: Quyền hạn của Uỷ ban hành chính tỉnh như sau này:

1- Thi hành các mệnh lệnh của cấp trên và các quyết nghị của Hội đồng nhân dân tỉnh;

2- Kiểm soát các Uỷ ban hành chính và Hội đồng nhân dân các cấp dưới;

3- Duyệt y các quyết nghị của Hội đồng nhân dân xã theo Điều thứ 70;

4- Xử những kháng cáo của Hội đồng nhân dân xã về việc thủ tiêu hay không chuẩn y các quyết nghị của Hội đồng;

5- Triệu tập Hội đồng nhân dân tỉnh;

6- Điều khiển các viên chức thuộc ngạch hàng tỉnh;

7- Kiểm soát các cơ quan chuyên môn về cách thừa hành chức vụ;

8- Giải quyết các việc vặt trong phạm vi tỉnh;

9- Phát lệnh ngân sách tỉnh;

10- Cho phép trưng khẩn đất công đến một phạm vi sẽ định sau;

11- Ra nghị định để giữ việc trị an trong tỉnh;

12- Điều khiển đội cảnh binh để lo việc tuần phòng và trị an. Đội cảnh binh này sẽ do nghị định Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định sau;

13- Ra lệnh điều động quân đôi (requérir le force armeo) đóng trong tỉnh, trong những trường hợp tối khẩn cấp để bảo vệ đất nước, nhưng phải báo lên Uỷ ban hành chính kỳ ngay.

Điều thứ 89: Ở cấp tỉnh phân công tuỳ theo năng lực của uỷ viên.

TIẾT THỨ 6: QUYỀN HẠN VÀ PHÂN CÔNG CỦA UỶ BAN HÀNH CHÍNH CẤP KỲ

Điều thứ 90: Quyền hạn của Uỷ ban hành chính kỳ như sau này:

1- Thi hành mệnh lệnh của Chính phủ;

2- Kiểm soát các Uỷ ban hành chính và Hội đồng nhân dân cấp dưới.

3- Duyệt các quyết nghị của Hội đồng nhân dân tỉnh theo điều thứ 84;

4- Xử những kháng cáo của Hội đồng nhân dân xã khi Uỷ ban hành chính tỉnh thủ tiêu hay không chuẩn y các quyết nghị của Hội đồng;

5- Điều khiển các viên chức thuộc ngạch kỳ;

6- Ra nghị định để thi hành các luật lệ theo mệnh lệnh của Chính phủ trong phạm vi kỳ;

7- Kiểm soát các cơ quan chuyên môn về cách thừa hành chức vụ;

8- Cho phép trưng khẩn đất công đến một phạm vi sẽ định sau;

9- Trị an toàn kỳ;

10- Ra lệnh điều động quân đội trong những trường hợp tối khấn cấp để bảo vệ đất nước, nhưng phải báo ngay cho Chính phủ biết.

Điều thứ 91: Khi bổ nhiệm một nhân viên chuyên môn đến làm việc trong một kỳ nào, các bộ phải thoả thuận với Uỷ ban hành chính kỳ ấy.

Điều thứ 92: Một sắc lệnh sẽ quy định ngân sách kỳ.

Điều thứ 93: Ở cấp kỳ phân công tuỳ theo năng lực của uỷ viên..

TIẾT THỨ 7: ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều thứ 94: Khi một cơ quan chuyên môn ở bất cứ cấp nào nhận được một mệnh lệnh của cơ quan chuyên môn cấp trên phải thông tri cho Uỷ ban hành chính cấp tương đương trước rồi mới được thi hành.

Điều thứ 95: Khi một cơ quan chuyên môn ở bất cứ cấp nào có sáng kiến gì muốn thực hiện trong phạm vi cấp mình thì phải thảo luận với Uỷ ban hành chính cấp ấy trước rồi mới thi hành hay đề nghị lên cơ quan chuyên môn cấp trên.

Chương thứ 3

CÁCH LÀM VIỆC

TIẾT THỨ 1: CÁCH LÀM VIỆC CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN XÃ

Điều thứ 96: Hội đồng nhân dân xã mỗi tháng họp một kỳ Hội nghị thường do Uỷ ban hành chính triệu tập.

Điều thứ 97: Hội đồng nhân dân xã có thể họp hội nghị bất thường trong những trường hợp sau này:

1- Theo mệnh lệnh của Uỷ ban hành chính huyện;

2- Khi hau phần ba số hội viên đề nghị cho Uỷ ban hành chính xã. Trừ khi nào yêu cầu phục quyết 1/3 số hội viên đề nghị cùng dự (Điều thứ 18);

3- Khi Uỷ ban hành chính xã triệu tập.

Điều thứ 98: Mỗi kỳ họp thì Hội đồng nhân dân xã bầu ra một người chủ toạ. Thư ký tất cả các buổi họp là thư ký của Uỷ ban hành chính xã.

Điều thứ 99: Hội đồng có thể mời những người ngoài dự bàn. Những người được mời có quyền phát biểu ý kiến, nhưng không có quyền biểu quyết.

Điều thứ 100: Trừ những trường hợp đặc biệt phải họp kín, còn thì Hội đồng nhân dân xã họp công khai. Dân xã có quyền dự thính nhưng không có quyền chất vấn.

Điều thứ 101: Chỉ khi nào quá nửa số hội viên chính thức có mặt thì Hội đồng nhân dân hàng xã mới có thể thảo luận và biểu quyết được.

Điều thứ 102: Khi Hội đồng biểu quyết thì quyết nghị của Hội đồng sẽ theo biểu quyết của đa số hội viên. Khi số phiếu hai bên ngang nhau thì quyết nghị của Hội đồng theo biểu quyết của người chủ toạ Hội đồng.

Điều thứ 103: Chủ toạ và thư ký Hội đồng phải lập biên bản mỗi phiên họp của Hội đồng.

TIẾT THỨ 2: CÁCH LÀM VIỆC CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CẤP TỈNH

Điều thứ 104: Hội đồng nhân dân tỉnh bốn tháng họp một kỳ hội nghị thường, mỗi kỳ dài nhất là 10 ngày, kỳ họp bàn về ngân sách có thể dài đến 15 ngày.

Điều thứ 105: Hội đồng nhân dân tỉnh có thể họp bất thường trong những trường hợp sau này:

1- Theo mệnh lệnh của Uỷ ban hành chính cấp kỳ;

2- Khi quá nửa tổng số hội viên đề nghị cho Uỷ ban hành chính tỉnh. Trừ khi nào yêu cầu phục quyết 1/3 số hội viên đề nghị cũng đủ (Điều thứ 48);

3- Khi Uỷ ban hành chính tỉnh triệu tập.

Điều thứ 106: Mỗi kỳ họp, thì Hội đồng nhân dân tỉnh bầu ra một người chủ toạ. Thư ký của tất cả các buổi họp là thư ký của Uỷ ban hành chính tỉnh.

Điều thứ 107: Hội đồng có thể mời người ngoài dự bàn được. Những người được mời có quyền phát biểu ý kiến, nhưng không có quyền biểu quyết.

Điều thứ 108: Trừ những trường hợp đặc biệt phải họp kín, còn thì Hội đồng nhân dân tỉnh họp công khai. Dân tỉnh có quyền dự thính nhưng không có quyền chất vấn.

Điều thứ 109: Chỉ khi nào quá nửa số hội viên chính thức có mặt thì Hội đồng nhân dân hàng tỉnh mới có thể thảo luận và biểu quyết được.

Điều thứ 110: Khi Hội đồng biểu quyết, quyết nghị của Hội đồng sẽ theo biểu quyết của đa số hội viên. Khi số phiếu hai bên ngang nhau thì quyết nghị của Hội đồng theo biểu quyết của người chủ toạ Hội đồng.

Điều thứ 111: Chủ toạ và thư ký Hội đồng phải lập biên bản mỗi phiên họp Hội đồng.

TIẾT THỨ 3: CÁCH LÀM VIỆC CỦA CÁC UỶ BAN HÀNH CHÍNH

Điều thứ 112: Các Uỷ ban hành chính (xã, huyện, tỉnh và kỳ) là những cơ quan thường trực.

Điều thứ 113: Các Uỷ ban hành chính bao giờ cũng họp kín.

Chương thứ 4

TỔNG LỆ

Điều thứ 114: Khi các cơ quan địa phương tổ chức theo sắc lệnh này thành lập và nhận chức rồi, thì các Uỷ ban nhân dân tạm thời hiện có ở các địa phương sẽ giải tán.

Điều thứ 115: Bộ trưởng Bộ Nội vụ thi hành Sắc lệnh này.

 

Hồ Chí Minh

(Đã ký)

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Sắc lệnh số 63/SL về việc tổ chức các Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính do Chủ tịch Chính phủ lâm thời ban hành

Số hiệu: 63/SL
Loại văn bản: Sắc lệnh
Nơi ban hành: Chủ tịch nước
Người ký: Hồ Chí Minh
Ngày ban hành: 22/11/1945
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Sắc lệnh số 63/SL về việc tổ chức các Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính do Chủ tịch Chính phủ lâm thời ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [5]
Văn bản hướng dẫn - [1]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [3]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…