Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 821/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 25 tháng 05 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TRỰC BAN ỨNG PHÓ SỰ CỐ, THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013;

Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính phủ Quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

Căn cứ Quyết định số 1304/QĐ-TTg ngày 03/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

Căn cứ Thông tư số 31/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi đối với người lao động làm việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 142/QĐ-UBND ngày 17/3/2016 của UBND tỉnh ban hành Quy định chi tiết một số nội dung về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;

Xét đề nghị của Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi tại Tờ trình số 75/TTr-PCTTTKCN ngày 15/5/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế trực ban ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các cơ quan thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, ban, ngành tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Ban Chỉ huy ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016 - 2020 và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (báo cáo);
- Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (báo cáo);
- CT, PCT UBND tỉnh;
- VPUB: PCVP, các Phòng n/cứu, CB-TH;
- Lưu: VT, NN-TN(tnh387).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tăng Bính

 

QUY CHẾ

VỀ TRỰC BAN ỨNG PHÓ SỰ CỐ, THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 821/QĐ-UBND ngày 25/5/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi áp dụng: Quy chế này quy định công tác trực ban ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các cơ quan thực hiện công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh.

2. Đối tượng áp dụng: Các cơ quan thực hiện công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, gồm:

a) Cơ quan thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai: Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các sở, ngành, các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn.

b) Cơ quan thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, cứu hộ, cứu nạn:

- Cơ quan thường trực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên sông, đất liền: Tại cấp tỉnh là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; tại cấp huyện là Ban Chỉ huy Quân sự huyện, thành phố; tại cấp xã là Ban Chỉ huy Quân sự xã, phường, thị trấn.

- Cơ quan thường trực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển và vùng biên giới biển: Tại cấp tỉnh là Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; tại cấp huyện là Đồn Biên phòng đóng quân trên địa bàn huyện, thành phố ven biển, đảo.

- Các Sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công Thương, Công an tỉnh, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh, Ban Chỉ huy ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016 - 2020, Ban Chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn.

c) Công tác kiểm tra, xử lý tại hiện trường nơi xảy ra sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 2. Thời gian trực ban

1. Trực phòng, chống thiên tai (áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh).

- Từ ngày 01/01 đến 14/5: Trực theo chế độ 12/24 giờ (từ 08h00 sáng đến 20h00 cùng ngày).

- Từ ngày 15 tháng 5 đến hết ngày ngày 31 tháng 12: Trực theo chế độ 24/24 giờ.

Ngoài ra, khi xảy ra tình huống thiên tai bất thường hoặc sự cố tàu, thuyền bị nạn trên biển từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 14 tháng 5 thì các đơn vị liên quan bố trí trực ban bất thường (24/24 giờ) cho đến khi kết thúc tình huống.

2. Trực ứng phó sự cố và cứu hộ, cứu nạn (áp dụng với các cơ quan thực hiện ứng phó sự cố và cứu hộ cứu nạn). Bố trí cán bộ thường trực để tiếp nhận thông tin; khi nhận được thông tin về các sự cố được quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính phủ thì bố trí trực ban (24/24 giờ) từ khi nhận thông tin đến khi kết thúc thông tin về trường hợp sự cố và tìm kiếm cứu nạn.

3. Tham gia Đoàn công tác của Ban Chỉ huy để chỉ đạo, kiểm tra và xử lý hiện trường: Thời gian trực được xác định trong suốt thời gian tham gia Đoàn công tác (bao gồm cả thời gian đi và về).

4. Đối với các cơ quan: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện công tác trực ban theo quy định của ngành.

Điều 3. Thành phần trực ban

1. Trực chỉ đạo: Lãnh đạo cơ quan thường trực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

2. Trực nghiệp vụ: Trong trường hợp bình thường, thành phần trực ban gồm 01 trưởng ca trực và 01 cán bộ trực nghiệp vụ; trường hợp thiên tai, sự cố diễn biến phức tạp, số lượng cán bộ ca trực được huy động bổ sung để hỗ trợ theo sự phân công của thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

3. Trực chỉ đạo, kiểm tra và xử lý tại hiện trường: Trưởng Đoàn công tác chỉ đạo, kiểm tra và xử lý tại hiện trường và thành viên Đoàn công tác theo yêu cầu.

Điều 4. Phương thức truyền tin

1. Fax trực tiếp cho nơi cần thông báo tin, sau đó gửi bản gốc bằng đường chuyển công văn để đối chiếu; lưu trữ bản fax và cuống fax để kiểm tra khi cần thiết. Đối với thông tin quan trọng cần kiểm tra lại việc nhận thông tin bằng hình thức đàm thoại.

2. Đọc trực tiếp, trao đổi bằng đàm thoại (ghi rõ tên người, giờ, ngày nhận điện).

3. Email.

4. Gửi văn bản, công văn, công điện qua đường bưu điện.

5. Gửi tin nhắn thông qua hệ thống nhắn tin cảnh báo thiên tai.

6. Trường hợp các công điện, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh ứng phó với các tình huống thiên tai nguy hiểm thì phải chuyển ngay đến các cơ quan thông tin đại chúng gồm: Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi, Báo Quảng Ngãi để kịp đưa vào bản tin gần nhất.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Nhiệm vụ của ca trực

1. Trực chỉ đạo, điều hành: Lãnh đạo cơ quan thường trực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm:

- Chỉ đạo công tác trực, theo dõi, xử lý các thông tin liên quan đến công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

- Điều chỉnh phân công nhiệm vụ phục vụ công tác trực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

- Chỉ đạo hoặc tham mưu chỉ đạo các biện pháp ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

- Kiểm tra và ký ban hành các báo cáo liên quan.

2. Trực nghiệp vụ, chuyên môn

a) Cán bộ trực phải có mặt liên tục tại trụ sở trực trong suốt thời gian trực; có trách nhiệm thu thập, tiếp nhận đầy đủ, chính xác mọi thông tin; xử lý kịp thời các tình huống xảy ra trong ca trực; báo cáo và tham mưu cho lãnh đạo cơ quan để chỉ đạo ứng phó và khắc phục kịp thời các tình huống sự cố, thiên tai.

b) Cập nhật tin tức, thường xuyên theo dõi các thông tin liên quan đến sự cố, thiên tai và công tác tìm kiếm cứu nạn để kịp thời báo cáo, đề xuất phương án xử lý các tình huống.

c) Chuyển tiếp các thông tin liên quan về sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cơ quan, đơn vị liên quan để xử lý theo thẩm quyền. Fax các công điện, văn bản chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh, các văn bản chỉ đạo và thông tin đến các cơ quan, đơn vị có liên quan để tổ chức thực hiện.

d) Ghi chép đầy đủ mọi công việc có liên quan của ca trực vào sổ trực và bàn giao cho ca trực sau. Ca trực sau có trách nhiệm tiếp nối, cập nhật và xử lý thông tin tiếp theo.

đ) Chuẩn bị các nội dung báo cáo để họp giao ban hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu.

3. Trực theo dõi, xử lý hiện trường

a) Cập nhật tin tức, thường xuyên theo dõi, nắm chắc mọi thông tin tại hiện trường để tham mưu báo cáo Trưởng Đoàn công tác xử lý.

b) Thường xuyên giữ thông tin liên lạc với cán bộ trực ứng phó sự cố, thiên tai tại trụ sở để nắm bắt kịp thời các thông tin, chỉ đạo điều hành; cập nhật, cung cấp thông tin về diễn biến về sự cố, thiên tai, công tác tìm kiếm cứu nạn và tình hình thực tế tại hiện trường về các cơ quan thường trực.

c) Chuẩn bị các báo cáo phục vụ họp tại hiện trường.

d) Xử lý các tình huống tại hiện trường theo sự phân công, chỉ đạo cụ thể của Trưởng Đoàn công tác.

4. Trực theo dõi tàu, thuyền và cứu hộ, cứu nạn

a) Trên cơ sở thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão xuất hiện trên Biển Đông của các cơ quan khí tượng thủy văn và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố ven biển và huyện Lý Sơn tổng hợp, báo cáo các phương tiện, tàu thuyền của tỉnh hoạt động trên các vùng biển.

b) Trong trường hợp nhận thông tin từ các Đài thông tin Duyên hải, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn hoặc của các địa phương, đơn vị về trường hợp tàu, thuyền của tỉnh gặp sự cố hoặc tai nạn, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẩn trương phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản tỉnh tham mưu các biện pháp hỗ trợ, ứng cứu phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả việc dự thảo văn bản đề nghị Trung ương, Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải các khu vực và lực lượng chức năng có liên quan hỗ trợ giúp đỡ); đồng thời tổ chức trực theo dõi cho đến khi kết thúc vụ việc.

5. Trực điều hành hồ chứa nước: Trong thời gian xảy ra mưa, lũ hoặc thông tin dự báo về diễn biến của các hình thái có nguy cơ gây mưa, lũ (bão, ATNĐ,...), Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh có nhiệm vụ:

a) Đối với các hồ chứa thủy lợi (hồ chứa nước: Núi Ngang, Liệt Sơn, Diên Trường): Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thủy lợi thu thập đầy đủ các thông tin hồ chứa khi có tình huống mưa, lũ để báo cáo; phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi để tổ chức vận hành công trình theo đúng Quy trình vận hành công trình đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

b) Đối với các hồ chứa thủy điện Đakđrinh, hồ chứa nước Nước Trong: Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường (cơ quan chủ trì tham mưu vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Trà Khúc), Sở Công Thương, Công ty Cổ phần Thủy điện Đakđrinh, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi, Công ty cổ phần thủy điện Nước Trong và chủ các công trình thủy điện Sơn Trà 1, ĐăkRe, Sơn Tây để thu thập thông tin về lưu lượng, mực nước của hồ, làm cơ sở báo cáo và phối hợp tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh xử lý các tình huống theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Trà Khúc đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

c) Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện khác: Thường xuyên cập nhật tình hình thông tin hồ chứa để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét quyết định xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.

Điều 6. Họp giao ban (áp dụng đối với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, huyện)

1. Thời gian: Vào đầu giờ làm việc (08 giờ sáng); trường hợp cần thiết sẽ do lãnh đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh quyết định.

2. Thành phần tham gia giao ban (qua hệ thống hội nghị trực tuyến)

a) Thiên tai cấp 1, 2:

- Chủ trì: Lãnh đạo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh;

- Tham dự: Lãnh đạo và cán bộ ca trực của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố.

b) Thiên tai cấp 3:

- Chủ trì: Lãnh đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh;

- Tham dự:

+ Cấp tỉnh: Đại diện lãnh đạo các cơ quan thường trực: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

+ Cấp huyện: Lãnh đạo Ban Chỉ huy, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, đại diện các cơ quan quân sự, biên phòng (nếu có).

c) Thiên tai cấp 4 trở lên

- Chủ trì: Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Tham dự: Toàn thể thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp tỉnh, huyện.

- Đại diện lãnh đạo địa phương, các cơ quan theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 7. Chế độ cho người làm nhiệm vụ trực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (không áp dụng cho các đơn vị vũ trang: công an, quân sự, biên phòng, phòng cháy và chữa cháy)

1. Người làm nhiệm vụ trực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngoài thời gian làm việc bình thường được tính làm thêm giờ; số giờ làm thêm không quá 4 giờ trong một ngày và tổng số giờ làm thêm không vượt quá 300 giờ trong một năm đối với các cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai; không quá 200 giờ/ năm đối với các cơ quan ứng phó sự cố khác, được quy định tại Điều 106 và Điều 107 Bộ Luật Lao động.

2. Người thực hiện nhiệm vụ trực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được trả lương làm thêm giờ vào ngày thường, ngày nghỉ hàng tuần, ngày nghỉ lễ và làm thêm giờ vào ban đêm theo quy định tại Điều 97 và Điều 105 Bộ Luật Lao động.

Điều 8. Thời gian làm thêm giờ

1. Thời gian làm thêm giờ, làm đêm được tính như sau:

- Ngày thường: Số giờ làm thêm được tính 16 giờ trong đó có 08 giờ làm đêm: Từ 11 giờ 30 phút đến 13 giờ 30 phút và từ 17 giờ đến 07 giờ sáng ngày hôm sau.

- Ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương: số giờ làm thêm được tính 24 giờ trong đó có 08 giờ làm đêm.

- Thời gian làm đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.

2. Trong trường hợp sự cố, thiên tai và yêu cầu công tác cứu hộ, cứu nạn diễn biến phức tạp, số giờ làm thêm được tính theo thời gian huy động của lãnh đạo cơ quan thường trực nhưng không vượt quá chế độ trực 24/24 giờ đối với ngày thường và ngày nghỉ hàng tuần, ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương.

Điều 9. Thời gian nghỉ ngơi

1. Nghỉ bù trực

a) Người lao động thực hiện chế độ thường trực 24/24 giờ được nghỉ và được hưởng nguyên lương như sau:

- Thường trực vào ngày thường: Được nghỉ bù một ngày vào ngày làm việc sau phiên thường trực.

- Thường trực vào ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ, tết được nghỉ bù hai ngày vào ngày làm việc sau phiên trực.

b) Trường hợp do yêu cầu công việc trong lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn mà không thể bố trí nghỉ bù, thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan thường trực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải trả tiền lương làm thêm giờ tương ứng với số giờ vượt quá thời gian làm việc trong chế độ thường trực:

- Vào ngày thường: số giờ làm thêm tương ứng là 12 giờ.

- Vào ngày nghỉ hàng tuần, ngày nghỉ lễ, tết: số giờ làm thêm tương ứng là 24 giờ.

c) số thời gian không nghỉ bù và được trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động trong trường hợp quy định tại điểm b nêu trên không tính vào quỹ thời gian làm thêm giờ trong năm.

2. Thời gian nghỉ ngơi

Khi thực hiện chế độ thường trực 24/ 24 giờ tại cơ quan thường trực, người lao động được nghỉ giải lao tối thiểu 45 phút vào ban ngày và 60 phút vào ban đêm và được tính vào thời gian thường trực. Trong giờ giải lao, người lao động không được rời khỏi nơi thường trực.

Điều 10. Kinh phí thực hiện

- Hằng năm, các địa phương, đơn vị thực hiện công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn lập dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ hằng năm gửi cơ quan thường trực tổng hợp, báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương, đơn vị được phân bổ hằng năm.

Điều 11. Sửa đổi, bổ sung

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh quyết định./.

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 821/QĐ-UBND năm 2018 về Quy chế trực ban ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu: 821/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký: Nguyễn Tăng Bính
Ngày ban hành: 25/05/2018
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [1]
Văn bản được căn cứ - [7]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 821/QĐ-UBND năm 2018 về Quy chế trực ban ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Văn bản liên quan cùng nội dung - [4]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…