Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 62/2012/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 29 tháng 10 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN ĐỒNG NAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;

Trên cơ sở thực hiện Quyết định số 169/QĐ-UBND ngày 12 tháng 01 năm 2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai;

Trên cơ sở thực hiện Quyết định số 940/QĐ-UBND ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc bổ sung Quyết định 169/QĐ-UBND ngày 12/01/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai;

Theo đề nghị của Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên -Văn hóa Đồng Nai - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai tại Tờ trình số 32/TTr-BQLKDTSQĐN ngày 09 tháng 8 năm 2012 của Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định quy chế quản lý Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai gồm 03 chương, 11 điều.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đinh Quốc Thái

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 62/2012/QĐ-UBND ngày 29 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định mục tiêu, nguyên tắc và nội dung quản lý Nhà nước đối với Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (Khu DTSQ Đồng Nai).

2. Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước và nước ngoài đang hoạt động trong phạm vi Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Khu dự trữ sinh quyển thế giới: Là hệ thống những vùng có hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái ven biển hoặc những hệ sinh thái kết hợp những thành phần đó được Quốc tế công nhận trong phạm vi chương trình của UNESCO về Con người và Sinh quyển (MAB).

2. Bảo tồn đa dạng sinh học: Là quá trình quản lý các mối tác động qua lại giữa con người với các gen, các loài và các hệ sinh thái nhằm mang lại lợi ích lớn cho thế hệ hiện tại và vẫn duy trì tiềm năng của chúng để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của các thế hệ tương lai.

3. Hệ sinh thái: Là hệ thống các quần thể sinh vật sống chung và phát triển trong một môi trường nhất định, giữa chúng có mối quan hệ tương tác với nhau và với môi trường đó.

4. Vùng lõi: Là khu vực ưu tiên cho bảo tồn đa dạng sinh học và giám sát các hệ sinh thái, nghiên cứu, giáo dục mà không ảnh hưởng tới đa dạng sinh học.

5. Vùng đệm: Là khu vực xung quanh các vùng lõi, có vai trò hạn chế tác động của con người đến hoạt động bảo tồn ở vùng lõi. Là nơi diễn ra hoạt động phát triển kinh tế, khai thác hợp lý tài nguyên, phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu, giáo dục đào tạo, tạo sinh kế cho người dân.

6. Vùng chuyển tiếp: Là khu vực nằm ở ngoài cùng. Tại đây, các hoạt động kinh tế vẫn duy trì bình thường trên cơ sở phát triển bền vững nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên đem lại.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý

1. Quản lý Khu DTSQ Đồng Nai phải bằng các biện pháp tổng hợp dựa trên cơ sở có sự tham gia của cộng đồng địa phương.

2. Tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam và Công ước Quốc tế liên quan đến lĩnh vực đa dạng sinh học mà Việt Nam là thành viên.

3. Quản lý Khu DTSQ Đồng Nai phải tuân thủ 12 nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái (theo Công ước Đa dạng sinh học):

Nguyên tắc 01: Các mục tiêu quản lý tài nguyên đất đai, nước và sự sống là sự lựa chọn mang tính xã hội.

Nguyên tắc 02: Quản lý phải được phân quyền đến cấp thích hợp thấp nhất. Nguyên tắc 03: Các nhà quản lý hệ sinh thái phải xem xét các hiệu quả (thực tế hoặc tiềm năng) của các hoạt động của họ đối với các hệ sinh thái lân cận và các hệ sinh thái khác.

Nguyên tắc 04: Nhận thức rõ những lợi ích có thể đạt được từ quản lý. Bất cứ chương trình quản lý hệ sinh thái nào cũng phải đạt các mục tiêu:

- Giảm bớt những tác động tiêu cực của thị trường có ảnh hưởng bất lợi đến sự đa dạng sinh học.

- Khuyến khích để thúc đẩy việc sử dụng bền vững và bảo tồn sự đa dạng sinh học.

- Chủ quan hóa các chi phí và các lợi ích trong hệ sinh thái đã quy định vào phạm vi khả thi.

Nguyên tắc 05: Việc bảo tồn cấu trúc và chức năng của hệ sinh thái phải là mục tiêu ưu tiên của phương thức tiếp cận hệ sinh thái.

Nguyên tắc 06: Các hệ sinh thái phải được quản lý trong các giới hạn về chức năng của chúng.

Nguyên tắc 07: Việc tiếp cận hệ sinh thái phải được thực hiện ở các quy mô thích hợp về mặt không gian và thời gian.

Nguyên tắc 08: Công nhận sự thay đổi các quy mô theo thời gian và các kết quả diễn ra từ từ được đặc trưng bởi các quá trình sinh thái, các mục tiêu đối với việc quản lý hệ sinh thái phải được thiết lập mang tính dài hạn.

Nguyên tắc 09: Việc quản lý phải công nhận sự thay đổi là điều không thể tránh khỏi.

Nguyên tắc 10: Tiếp cận hệ sinh thái phải tìm kiếm sự cân bằng thích hợp giữa sự hợp thành một hệ thống thống nhất của việc bảo tồn và sử dụng đa dạng sinh học.

Nguyên tắc 11: Tiếp cận hệ sinh thái phải xem xét tất cả các dạng thông tin tương ứng, bao gồm kiến thức, các đổi mới và các thực tiễn của khoa học, của cư dân bản địa và cư dân địa phương.

Nguyên tắc 12: Tiếp cận hệ sinh thái phải liên quan đến tất cả các lĩnh vực xã hội và các ngành khoa học có liên quan tương ứng.

Điều 4. Mục tiêu quản lý

1. Phát huy tốt 03 chức năng của Khu DTSQ Đồng Nai:

a) Chức năng bảo tồn: Đóng góp vào việc bảo tồn đa dạng di truyền, loài, hệ sinh thái và duy trì đa dạng sinh học.

b) Chức năng phát triển: Thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững về sinh thái cũng như các giá trị văn hóa truyền thống.

c) Chức năng hỗ trợ: Tạo điều kiện cho các hoạt động nghiên cứu, giám sát, giáo dục và trao đổi thông tin giữa các địa phương, trong nước và Quốc tế về bảo tồn và phát triển bền vững.

2. Phương thức quản lý:

Quản lý Khu DTSQ Đồng Nai dựa trên các mối quan hệ hành chính và ngoài hệ thống hành chính, nhằm tạo nên mối liên kết và hợp tác trong các lĩnh vực: Bảo tồn đa dạng sinh học, đa dạng văn hóa, phát triển bền vững, kêu gọi đầu tư và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, giám sát nguồn lợi và phát triển kinh tế - xã hội, du lịch sinh thái, giáo dục và đào tạo,… các hoạt động này sẽ được triển khai dựa trên sự phân vùng chức năng của Khu DTSQ Đồng Nai, cụ thể như sau:

Khu DTSQ Đồng Nai có diện tích 966.563 ha, trong đó:

- Vùng lõi: Có diện tích 169.072 ha, gồm:

+ Vườn Quốc gia Cát Tiên: 71.920 ha.

+ Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai: 97.152 ha (bao gồm rừng, đất rừng và di tích lịch sử, văn hóa: 64.752 ha; vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An: 32.400 ha).

Diện tích vùng lõi thuộc tỉnh Đồng Nai 136.779 ha chiếm 80,90%; tỉnh Lâm Đồng 27.850 ha chiếm 16,47%; tỉnh Bình Phước 4.443 ha chiếm 2,63%.

- Vùng đệm: Có diện tích 349.995 ha, gồm:

Thuộc địa phận các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai); huyện Đạ Tẻ, Cát Tiên, Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng); huyện Bù Đăng, Đồng Xoài, Đồng Phú (tỉnh Bình Phước); huyện Tân Uyên (tỉnh Bình Dương).

- Vùng chuyển tiếp: Có diện tích 447.496 ha, gồm:

Thuộc địa phận các huyện Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, Long Thành, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai); huyện Phú Giáo, Tân Uyên (tỉnh Bình Dương); huyện Bù Đăng, Đồng Phú, Đồng Xoài (Bình Phước); huyện Đạ Hoai, Đạ Tẻ, Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng); huyện Đắk Glong, Đắk R’lấp (Đắk Nông).

Điều 5. Cơ chế quản lý

1. Ban Quản lý Khu DTSQ Đồng Nai không trực tiếp quản lý về mặt lãnh thổ nhưng căn cứ quy định của luật pháp Việt Nam và các quy định của các Công ước Quốc tế để tổ chức điều phối các hoạt động với sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư.

a) Vùng lõi của Khu DTSQ Đồng Nai, gồm Vườn Quốc gia Cát Tiên và Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai phải tuân thủ các quy định của Chính phủ về quản lý rừng đặc dụng, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, môi trường nước hồ Trị An và hạ lưu sông Đồng Nai.

b) Vùng đệm và vùng chuyển tiếp thuộc sự quản lý trực tiếp của chính quyền địa phương. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước, thay đổi quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững được UBND tỉnh phê duyệt.

2. Công việc điều phối của Ban Quản lý Khu DTSQ Đồng Nai dựa trên các quy định về hành chính và quy định của các Công ước Quốc tế có liên quan trên các lĩnh vực: Bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, phát triển bền vững, kêu gọi đầu tư và trợ giúp các hoạt động nghiên cứu, giám sát bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội.

Chương II

NỘI DUNG QUẢN LÝ

Điều 6. Nội dung tổng thể

1. Điều hòa các mối quan hệ giữa con người và môi trường trong phạm vi Khu DTSQ Đồng Nai.

2. Bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa truyền thống của Khu DTSQ Đồng Nai.

3. Phát triển kinh tế xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học

a) Sử dụng bền vững các thành phần về đa dạng sinh học.

b) Bảo đảm sự cân bằng động của hệ sinh thái nhân văn Khu DTSQ Đồng Nai.

Điều 7. Nội dung chi tiết

1. Điều tra, đánh giá, lập kế hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên nhằm đánh giá trữ lượng, khả năng tái sinh, giá trị kinh tế, giá trị đa dạng sinh học để làm căn cứ lập kế hoạch sử dụng, bảo vệ và xác định mức độ giới hạn cho phép khai thác ở từng vùng chức năng: Vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp.

2. Bảo vệ đa dạng sinh học trong phạm vi Khu DTSQ Đồng Nai

a) Việc bảo vệ đa dạng sinh học phải được thực hiện trên cơ sở bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư địa phương và các đối tượng có liên quan.

b) Thành lập các ngân hàng gen để bảo vệ và phát triển các nguồn gen bản địa quý hiếm. Giới hạn việc du nhập các giống, loài không phải là bản địa nếu chưa được nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học và được cấp có thẩm quyền cho phép.

c) Xây dựng kế hoạch bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng; áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc săn bắt, khai thác kinh doanh, sử dụng trái phép các loài này đồng thời thực hiện các chương trình cứu hộ, chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ theo chế độ đặc biệt phù hợp với từng loài.

3. Duy trì các giá trị truyền thống, kiến thức bản địa, phục hồi các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian, trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, bảo vệ di chỉ khảo cổ…

4. Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Khuyến khích cộng đồng địa phương sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được khai thác từ gió, mặt trời, thủy năng… trong phạm vi Khu DTSQ Đồng Nai.

5. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, bảo vệ Khu DTSQ cho mọi tầng lớp nhân dân.

6. Đối với các làng nghề:

a) Việc quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển làng nghề phải gắn với việc bảo vệ môi trường, có hệ thống thu gom tập trung các loại chất thải có từ sản xuất và sinh hoạt.

b) Khuyến khích sử dụng công nghệ sạch, tạo những sản phẩm mang thương hiệu Khu DTSQ Đồng Nai.

7. Bảo vệ cảnh quan đối với các công trình xây dựng, các công trình xây dựng trong phạm vi Khu DTSQ Đồng Nai phải hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, không phá vỡ cân bằng sinh thái, không phá vỡ không gian của các di tích. Mọi hoạt động xây dựng phải được cấp có thẩm quyền cho phép.

Điều 8. Tổ chức bộ máy

1. Ban Quản lý Khu DTSQ Đồng Nai (sau đây viết tắt là Ban Quản lý) chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh Đồng Nai về thực thi nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm pháp lý về các hoạt động thuộc thẩm quyền và chức năng đảm nhận.

2. Hội đồng tư vấn Khu DTSQ Đồng Nai (sau đây viết tắt là Hội đồng tư vấn) gồm các đồng chí lão thành cách mạng, nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp có uy tín, gắn bó với công tác sinh quyển.

Hội đồng tư vấn do Ban Quản lý đề cử và quyết định thành lập sau khi được sự đồng ý của các thành viên. Thành phần gồm:

- Chủ tịch Hội đồng tư vấn.

- Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn.

- Ủy viên hội đồng gồm: Các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp do lãnh đạo Hội đồng tư vấn mời.

3. Ban Thư ký gồm 01 Trưởng ban và 07 thành viên giúp việc cho Ban Quản lý và Hội đồng tư vấn.

Ban Thư ký do Ban Quản lý quyết định thành lập.

Lương và các khoản phụ cấp của Ban Quản lý, Hội đồng tư vấn và Ban Thư ký được hưởng theo chế độ kiêm nhiệm (trừ một số thành viên chuyên trách của Ban Thư ký).

4. Ban Quản lý Khu DTSQ Đồng Nai có con dấu riêng và được mở tài khoản tại ngân hàng.

5. Văn phòng Ban Quản lý Khu DTSQ Đồng Nai đặt tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm phối hợp quản lý Nhà nước

1. Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai và Vườn Quốc gia Cát Tiên:

a) Tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch quản lý, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống địa phương, tuyên truyền giáo dục bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của Khu DTSQ Đồng Nai.

b) Tổ chức quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, khôi phục và bảo tồn nguyên vẹn các hệ sinh thái, bảo tồn tính đa dạng của Khu DTSQ Đồng Nai; phối hợp với chính quyền địa phương để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường trong Khu DTSQ Đồng Nai.

c) Phối hợp với chính quyền địa phương, sở, ngành thực hiện công tác thông tin tuyên truyền pháp luật, những quy định về bảo tồn, ý nghĩa, tầm quan trọng của Khu DTSQ đến mọi tầng lớp nhân dân.

d) Tham mưu cho chính quyền địa phương chiến lược phát triển kinh tế xã hội, xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại địa phương vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Khuyến khích người dân sống trong vùng đệm tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu Khu DTSQ Đồng Nai.

e) Nghiên cứu và đề xuất cơ chế chia sẻ nguồn lợi tài nguyên như: Lâm sản ngoài gỗ, nuôi trồng thủy sản...

f) Nâng cao điều kiện sống của cộng đồng dân cư sống trong vùng đệm, đặc biệt là dân tộc bản địa trong vùng. Tạo điều kiện bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong việc phối hợp với các sở, ngành liên quan để tham gia quản lý Khu DTSQ Đồng Nai theo quy định hiện hành.

b) Phối hợp trong việc quan hệ với các tổ chức khoa học trong nước và Quốc tế, tham gia thẩm định các chương trình, kế hoạch, đề án liên quan đến việc bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế người dân vùng đệm.

c) Tuyên truyền, vận động người dân vùng đệm ứng dụng các mô hình sản xuất sạch, thân thiện, ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp.

d) Cùng chính quyền địa phương nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao đời sống người dân và an toàn đa dạng sinh học.

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

a) Tham mưu UBND tỉnh trong việc quy hoạch các dự án quản lý, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, khai thác các di tích lịch sử văn hóa trong Khu DTSQ Đồng Nai.

b) Phối hợp xây dựng các tuyến du lịch sinh thái tại Khu DTSQ Đồng Nai. Tham gia tạo các sản phẩm du lịch mang thương hiệu Khu DTSQ Đồng Nai.

c) Phối hợp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên, thực hiện các chương trình hành động cụ thể đối với bảo tồn thiên nhiên và di sản văn hóa trong Khu DTSQ Đồng Nai.

d) Giới thiệu, quảng bá Khu DTSQ Đồng Nai trên các phương tiện truyền thông.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Phối hợp, hỗ trợ Ban Quản lý Khu DTSQ Đồng Nai trong việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong phạm vi Khu DTSQ theo xu hướng phát triển bền vững.

b) Tham gia quản lý tổng hợp các vùng đất ngập nước, lưu vực sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa phận tỉnh Đồng Nai.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo:

a) Có kế hoạch lồng ghép vào chương trình giảng dạy và học việc giới thiệu, quảng bá thành quả cũng như trách nhiệm về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương đối với Khu DTSQ Đồng Nai.

b) Tổ chức học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động về giáo dục truyền thống cách mạng tại các khu di tích lịch sử văn hóa, giáo dục môi trường.

6. Sở Ngoại vụ:

a) Phối hợp với Ban Quản lý trong việc giới thiệu các nguồn huy động của tổ chức phi Chính phủ cho công tác bảo tồn.

b) Phối hợp Ban Quản lý trong việc tuyên truyền và giới thiệu, quảng bá hình ảnh và thế mạnh về tiềm năng du lịch sinh thái, sự đa dạng sinh học của Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai đến các tổ chức Quốc tế trong và ngoài nước.

c) Phối hợp với Ban Quản lý nhằm phát triển các mối liên hệ hợp tác với các tổ chức ở nước ngoài.

7. Sở Tài chính:

a) Phối hợp với Ban Quản lý trong việc cân đối nguồn ngân sách Nhà nước, các khoản thu từ nhận viện trợ để thực hiện các hoạt động của Khu dự trữ sinh quyển.

b) Phối hợp với Ban Quản lý trong việc quyết toán thu chi theo đúng quy định của pháp luật.

8. Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai:

Phối hợp Ban Quản lý trong công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, mọi tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển.

9. UBND cấp huyện, xã, thị trấn quản lý hành chính trong phạm vi Khu DTSQ Đồng Nai:

a) Chỉ đạo các lực lượng đơn vị trực thuộc, đoàn thể tại địa phương phối hợp, hỗ trợ tích cực cho các chương trình hoạt động của Ban Quản lý Khu DTSQ Đồng Nai.

b) Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các văn bản pháp quy về việc bảo vệ và phát triển bền vững Khu DTSQ Đồng Nai.

c) Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia vào các hoạt động bảo tồn, tự giác chấp hành các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã…

10. Công an tỉnh Đồng Nai: Phối hợp về công tác bảo vệ an toàn, trật tự.

11. Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy: Phối hợp về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

12. Phối hợp với các cơ quan báo, đài về công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giáo dục tư tưởng trong việc vận động, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường.

Điều 10. Nguồn kinh phí hoạt động

1. Một phần nguồn ngân sách Nhà nước.

2. Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai.

3. Các dự án.

4. Các nhà tài trợ.

5. Từ các nguồn thu khác được Nhà nước cho phép.

Điều 11. Trách nhiệm thực hiện

1. Ban Quản lý Khu DTSQ Đồng Nai có trách nhiệm giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Quy chế này.

2. Ban Quản lý Khu DTSQ Đồng Nai, các sở, ngành, các tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này. Trong quá trình thực hiện có nội dung cần bổ sung, điều chỉnh kịp thời báo cáo UBND tỉnh để sửa đổi cho phù hợp./.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 62/2012/QĐ-UBND về Quy chế quản lý Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai

Số hiệu: 62/2012/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
Người ký: Đinh Quốc Thái
Ngày ban hành: 29/10/2012
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [3]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 62/2012/QĐ-UBND về Quy chế quản lý Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai

Văn bản liên quan cùng nội dung - [4]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…