BỘ
QUỐC PHÒNG |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 60/2003/QĐ-BQP |
Hà Nội, ngày 23 tháng 5 năm 2003 |
BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm
1996 và được sửa đổi, bổ sung một số điều ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 41/CP ngày 05 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ về chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Quốc phòng,
Căn cứ Nghị định số 15/2001/NĐ-CP ngày 01 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ về
giáo dục quốc phòng;
Theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tổng tham mưu,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Biệt phái 26 sĩ quan sang 26 Sở Giáo dục và Đào tạo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trọng điểm để giúp Giám đốc Sở thực hiện công tác quốc phòng và giáo dục quốc phòng của địa phương (có danh sách kèm theo).
Điều 2. Các sĩ quan biệt phái có chức năng, nhiệm vụ cụ thể sau đây:
1. Chức năng: Tham mưu cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nội dung, chương trình môn học giáo dục quốc phòng và chỉ đạo thực hiện một số nội dung công tác quân sự, quốc phòng của ngành giáo dục ở địa phương.
2. Nhiệm vụ:
a) Tham mưu cho lãnh đạo Sở quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo về công tác giáo dục quốc phòng, quân sự trong cơ quan và các nhà trường thuộc ngành giáo dục và đào tạo quản lý.
b) Đề xuất mọi mặt về công tác giáo dục quốc phòng; tổ chức phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan, Ban, ngành trong tỉnh để thực hiện công tác giáo dục quốc phòng trong học sinh, sinh viên theo yêu cầu nhiệm vụ.
c) Giúp lãnh đạo Sở quản lý, chỉ đạo xây dựng kế hoạch học tập và tổ chức phương pháp thực hiện môn học giáo dục quốc phòng trong các trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, trường đại học và cao đẳng thuộc tỉnh, phù hợp với điều kiện của địa phương.
d) Lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giáo dục quốc phòng theo kế hoạch của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
đ) Giúp Giám đốc Sở tổ chức xây dựng hoạt động của lực lượng tự vệ ở các trường và cơ quan thuộc ngành giáo dục đào tạo tại địa phương.
e) Phối hợp với Ban dân quân tự vệ đề xuất Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh (thành phố) và Sở Giáo dục và Đào tạo về công tác thanh tra, kiểm tra giáo dục quốc phòng hàng năm trong học sinh, sinh viên
h) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở giao.
Điều 3. Tiêu chuẩn, mối quan hệ, quy chế hoạt động, chế độ chính sách và các mặt bảo đảm khác của sĩ quan biệt phái.
1. Tiêu chuẩn:
a) Cán bộ có đầy đủ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức để làm tham mưu và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
b) Phải có bằng cử nhân trở lên.
c) Có thời gian thực hiện nhiệm vụ từ 3 năm trở lên trong công tác quân sự địa phương và có kinh nghiệm trong huấn luyện đào tạo.
d) Sĩ quan được biệt phái sang Sở Giáo dục và Đào tạo có trần quân hàm tương đương trợ lý chủ chốt ở cấp tỉnh, từ đại úy đến thiếu tá, trường hợp đặc biệt có thể đến trung tá.
2. Mối quan hệ, quy chế hoạt động, chế độ chính sách và các mặt bảo đảm khác.
Thực hiện theo nội dung quy định tại các văn bản hiện hành có liên quan.
Điều 4. Trách nhiệm của các cơ quan đơn vị chức năng Bộ Quốc phòng.
1. Bộ Tổng tham mưu:
a) Là cơ quan chủ trì cùng với Tổng cục Chính trị giúp Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai, thực hiện việc biệt phái sĩ quan sang Sở Giáo dục và Đào tạo theo yêu cầu nhiệm vụ. Giao chỉ tiêu biên chế cho 26 Ban chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trọng điểm có tên tại Điều 1, mỗi Ban chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố 01 sĩ quan, để biệt phái sang các Sở Giáo dục và Đào tạo.
b) Phối hợp cùng với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan, đơn vị có liên quan, quản lý, kiểm tra việc thực hiện nội dung, chương trình môn học giáo dục quốc phòng và trong thực hiện công tác giáo dục quốc phòng tại địa phương của đội ngũ sĩ quan được biệt phái sang Sở Giáo dục và Đào tạo
2. Tổng cục Chính trị:
a) Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Tổng tham mưu, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan chức năng có liên quan, bảo đảm số lượng, chất lượng sĩ quan biệt phái sang Sở Giáo dục và Đào tạo, đúng tiêu chuẩn, đúng đối tượng để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
b) Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm cho sĩ quan biệt phái.
Điều 5. Quyết định này có liệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 6. Các đồng chí Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
|
Phạm Văn Trà (Đã ký) |
DANH SÁCH CÁC TỈNH VÀ THÀNH PHỐ ĐƯỢC BIỆT PHÁI SĨ QUAN SANG SỞ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
(Kèm theo Quyết định số 60/2003/QĐ-BQP ngày 23 tháng 5 năm 2003 của Bộ trưởng
Bộ Quốc phòng về việc biệt phái sĩ quan sang Sở Giáo đục và Đào tạo)
1. An Giang
2. Cao Bằng
3. Đắc Lắc
4. Đồng Nai
5. Gia Lai
6. Hà Giang
7. Thành phố Hà Nội
8. Hà Tây
9. Hải Dương
10. Thành phố Hải Phòng
11. Thành phố Hồ Chí Minh
12. Kiên Giang
13. Lai Châu
14. Lâm Đồng
15. Long An
16. Nghệ An
17. Phú Thọ
18. Quảng Nam
19. Quảng Ngãi
20. Quảng Ninh
21. Sơn La
22. Thanh Hóa
23. Thừa Thiên - Huế
24. Cần Thơ
25. Đà Nẵng
26. Hà Tĩnh.
Quyết định 60/2003/QĐ-BQP về việc biệt phái sỹ quan sang Sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trọng điểm do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
Số hiệu: | 60/2003/QĐ-BQP |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Bộ Quốc phòng |
Người ký: | Phạm Văn Trà |
Ngày ban hành: | 23/05/2003 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 60/2003/QĐ-BQP về việc biệt phái sỹ quan sang Sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trọng điểm do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
Chưa có Video