Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 59/2012/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 19 tháng 10 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÉT CÔNG NHẬN NGHỀ TRUYỀN THỐNG, LÀNG NGHỀ, LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về việc phát triển ngành nghề nông thôn; Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT ngày 26/12/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về bảo vệ môi trường làng nghề;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 3556/SNN-PTNT ngày 10/10/2012 kèm theo ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Báo cáo số 1050/BC-STP ngày 04/10/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định trình tự, thủ tục xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Tĩnh; Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Lưu: VT, CN1.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Minh Kỳ

 

QUY ĐỊNH

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÉT CÔNG NHẬN NGHỀ TRUYỀN THỐNG, LÀNG NGHỀ, LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 59/2012/QĐ-UBND ngày 19/10/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này quy định các nội dung, tiêu chí, thủ tục công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống và quản lý nhà nước về trợ giúp, khôi phục và tạo điều kiện phát triển các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh; thu hút nghệ nhân, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất, dịch vụ ngành nghề nông thôn tại địa bàn nông thôn. Sau đây gọi chung là cơ sở ngành nghề nông thôn bao gồm:

a) Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp;

b) Hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã;

c) Hộ kinh doanh cá thể đăng ký theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh.

2. Các làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn.

Điều 3. Các hoạt động ngành nghề nông thôn

Các hoạt động ngành nghề nông thôn tại địa bàn nông thôn quy định trong Văn bản này bao gồm:

1. Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản.

2. Sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, cơ khí nhỏ.

3. Xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn.

4. Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

5. Trồng và kinh doanh sinh vật cảnh.

6. Xây dựng, vận tải trong nội bộ xã, liên xã và các dịch vụ khác phục vụ đời sống dân cư nông thôn.

7. Tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề; tư vấn sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

1. Nghề truyền thống là nghề đã hình thành từ lâu đời, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có tính riêng biệt, được lưu truyền và phát triển đến ngày nay hoặc có nguy cơ bị mai một, thất truyền.

2. Làng nghề là một hoặc nhiều cụm dân cư thôn, ấp, bản, làng, buôn, phun, sóc hoặc các điểm dân cư tương tự trên địa bàn một xã, thị trấn, có các hoạt động ngành nghề nông thôn, sản xuất ra một hoặc nhiều loại sản phẩm khác nhau.

3. Làng nghề truyền thống là làng nghề có nghề truyền thống được hình thành từ lâu đời.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Tiêu chí công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống

1. Tiêu chí công nhận nghề truyền thống

Nghề được công nhận là nghề truyền thống phải đạt 03 tiêu chí sau:

a) Nghề đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận;

b) Nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc;

c) Nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.

2. Tiêu chí công nhận làng nghề

Làng nghề được công nhận phải đạt những tiêu chí sau:

a) Có tối thiểu 30% tổng số hộ trên địa bàn tham gia các hoạt động ngành nghề nông thôn;

b) Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận;

c) Chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước;

d) Đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường tại Điều 7, Chương II, Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT ngày 26/12/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Tiêu chí công nhận làng nghề truyền thống

Làng nghề truyền thống phải đạt tiêu chí làng nghề và có ít nhất một nghề truyền thống theo quy định tại Văn bản này.

Đối với những làng chưa đạt tiêu chuẩn điểm a, b của tiêu chí công nhận làng nghề tại khoản 2, Điều 5 nhưng có ít nhất một nghề truyền thống được công nhận theo quy định của Văn bản này thì cũng được công nhận là làng nghề truyền thống.

Điều 6. Trình tự, thủ tục xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống

1. Trình tự xét công nhận

a) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (Sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) có các ngành nghề quy định tại Điều 3 và đạt các tiêu chí quy định tại Điều 5 của Quy định này lập hồ sơ đề nghị nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống và gửi văn bản đề nghị (kèm theo hồ sơ) đến Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (Sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện).

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp hồ sơ do Ủy ban nhân dân cấp xã gửi lên, lập danh sách (kèm theo hồ sơ) gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định; tiến hành thẩm định và xét duyệt công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, chọn những đối tượng đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Văn bản này và các quy định có liên quan trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

d) Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định và cấp giấy công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo các tiêu chí quy định tại Điều 5 của Quy định này.

2. Hồ sơ thủ tục

a) Hồ sơ đề nghị xét công nhận nghề truyền thống:

- Bản tóm tắt quá trình hình thành, phát triển của nghề truyền thống, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Bản sao giấy chứng nhận huy chương đã đạt được trong các cuộc thi, triển lãm trong nước và quốc tế hoặc có tác phẩm đạt nghệ thuật cao được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên trao tặng (nếu có);

Đối với những tổ chức, cá nhân không có điều kiện tham dự các cuộc thi, triển lãm hoặc không có tác phẩm đạt giải thưởng thì phải có bản mô tả đặc trưng mang bản sắc văn hóa dân tộc của nghề truyền thống.

- Bản sao giấy công nhận Nghệ nhân của cơ quan có thẩm quyền (nếu có).

b) Hồ sơ đề nghị xét công nhận làng nghề:

- Danh sách các hộ tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Bản tóm tắt kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn trong 02 năm gần nhất;

- Bản xác nhận thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.

c) Hồ sơ đề nghị xét công nhận làng nghề truyền thống:

- Hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề truyền thống bao gồm hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống và hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề theo Điểm a, b Khoản 2, Điều 6 của Quy định này.

- Trường hợp đã được công nhận làng nghề, hồ sơ thực hiện như hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 6 của Quy định này. Nếu chưa được công nhận làng nghề nhưng có nghề truyền thống đã được công nhận, hồ sơ thực hiện như hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 6 của Quy định này.

- Những làng nghề chưa đạt tiêu chuẩn Điểm a, b của tiêu chí công nhận làng nghề tại Khoản 2, Điều 5 của Quy định này, hồ sơ gồm:

+ Bản tóm tắt quá trình hình thành, phát triển của nghề truyền thống có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã;

+ Bản sao các giấy chứng nhận huy chương đã đoạt được trong các cuộc thi, triển lãm trong nước và quốc tế hoặc có tác phẩm đạt nghệ thuật cao cấp tỉnh, thành phố trở lên trao tặng (nếu có).

Đối với những tổ chức, cá nhân không có điều kiện tham dự các cuộc thi, triển lãm hoặc không có tác phẩm đạt giải thưởng thì phải có bản mô tả đặc trưng mang bản sắc văn hóa dân tộc của nghề truyền thống.

+ Bản sao giấy công nhận Nghệ nhân của cơ quan có thẩm quyền (nếu có);

+ Bản xác nhận thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước có xác nhận Ủy ban nhân dân cấp xã.

d) Số lượng hồ sơ và cách thức thực hiện:

- Số lượng hồ sơ: 01 (bộ) hồ sơ.

- Cách thức thực hiện: Nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở cơ quan hành chính và có thể nộp qua đường bưu điện.

Điều 7. Thời gian xét duyệt, công nhận, thu hồi giấy công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống

1. Thời gian xét duyệt

a) Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành khảo sát, lập danh sách và gửi văn bản đề nghị (kèm theo hồ sơ) lên Ủy ban nhân dân cấp huyện.

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp hồ sơ do Ủy ban nhân dân cấp xã gửi lên, lập danh sách (kèm theo hồ sơ) gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ từ Ủy ban nhân dân cấp xã;

c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định; tiến hành thẩm định và xét duyệt công nhận, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ từ Ủy ban nhân dân cấp huyện.

2. Thời gian tổ chức lễ công nhận

Thời gian công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh được tổ chức vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm.

3. Thu hồi giấy công nhận

a) Nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận, sau 05 năm liền không đạt theo tiêu chí quy định tại Điều 5 của Quy định này sẽ bị thu hồi giấy công nhận.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện danh sách các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống không đảm bảo theo tiêu chí quy định. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp danh sách và gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND tỉnh xem xét và thu hồi giấy công nhận.

Điều 8. Trách nhiệm và quyền lợi của nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống sau khi được công nhận

1. Trách nhiệm

a) Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân, các nghệ nhân xây dựng, phát triển nghề, làng nghề gắn với văn hóa và các phong trào xã hội khác, góp phần xây dựng kinh tế địa phương ngày càng phát triển;

b) Chủ động cải tiến thiết bị, đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường;

c) Nộp ngân sách đầy đủ và kịp thời theo quy định của pháp luật;

d) Thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn cảnh quan phạm vi tổ chức hoạt động để duy trì tồn tại và phát triển.

2. Quyền lợi

a) Nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận được hưởng các chính sách ưu đãi về phát triển ngành nghề nông thôn theo quy định tại Nghị định số 66/2006/NĐ-CP, Thông tư số 113/2006/TT-BTC ngày 28/12/2006 của Bộ Tài chính về hướng dẫn một số nội dung về ngân sách Nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 66/2006/NĐ-CP, Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT ngày 26/12/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

b) Nghề truyền thống, được công nhận đạt tiêu chí, được khen thưởng và kèm theo mức tiền thưởng 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng).

c) Làng nghề, làng nghề truyền thống, được công nhận đạt tiêu chí, được khen thưởng và kèm theo mức tiền thưởng 50.000.000đ (Năm mươi triệu đồng).

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan

1. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc các Sở, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp có trách nhiệm triển khai thực hiện các nội dung của Quy định này.

2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định và xét duyệt công nhận ngành nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện gắn việc khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để có kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển ngành nghề.

4. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phân công cán bộ theo dõi, quản lý ngành nghề nông thôn, tập hợp các thông tin, kiến nghị của người làm nghề, giải thích chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển ngành nghề nông thôn, quyền lợi, trách nhiệm của các đơn vị sản xuất ngành nghề nông thôn đối với chính quyền và nhân dân sở tại biết và thực hiện.

5. Định kỳ hàng năm, các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm báo cáo tình hình phát triển ngành nghề nông thôn tại địa phương cũng như những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị chính sách phát triển ngành nghề nông thôn về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 59/2012/QĐ-UBND Quy định trình tự, thủ tục xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

Số hiệu: 59/2012/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký: Trần Minh Kỳ
Ngày ban hành: 19/10/2012
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [3]
Văn bản được căn cứ - [5]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 59/2012/QĐ-UBND Quy định trình tự, thủ tục xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [12]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [1]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [1]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…