Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 4224/2003/QÐ-BYT

Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA CƠ QUAN BỘ Y TẾ

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NÐ-CP ngày 05/11/ 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 23/2003/NÐ-CP ngày 12/3/2003 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 49/2003/NÐ-CP ngày 15/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của ông Chánh Văn phòng Bộ Y tế.

QUYẾT ĐỊNH

Ðiều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế làm việc của Cơ quan Bộ Y tế.

Ðiều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành và thay thế Quyết định số 863/BYT-QÐ ngày 05/10/1994 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế làm việc của Cơ quan Bộ Y tế.

Ðiều 3. Các ông, bà: Bộ trưởng, Thứ trưởng, Lãnh đạo và cán bộ, công chức của các Vụ, Cục, Thanh tra và Văn phòng Bộ thuộc Cơ quan Bộ Y tế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




Trần Thị Trung Chiến

 

QUY CHẾ LÀM VIỆC

CỦA CƠ QUAN BỘ Y TẾ

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 4224 /2003/QÐ-BYT ngày 11 tháng 8 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Y tế )

Chương I

NGUYÊN TẮC, PHẠM VI QUYỀN HẠN, TRÁCH NHIỆM VÀ CÁCH THỨC GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC; MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC TRONG CƠ QUAN BỘ

Ðiều 1. Nguyên tắc làm việc của Bộ trưởng, Thứ trưởng và Lãnh đạo các Vụ, Cục, Thanh tra và Văn phòng Bộ Y tế

A. NGUYÊN TẮC LÀM VIỆC CỦA BỘ TRƯỞNG, THỨ TRƯỞNG

1. Bộ trưởng, Thứ trưởng làm việc theo chế độ Thủ trưởng

- Bộ trưởng là thành viên của Chính phủ, người đứng đầu Ngành và là Thủ trưởng Bộ, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trước Quốc hội về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân; thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ đối với toàn Ngành y tế theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng chịu trách nhiệm về các quyết định của Thứ trưởng đối với những nhiệm vụ được Bộ trưởng phân công.

- Thứ trưởng giúp Bộ trưởng chỉ đạo từng lĩnh vực công tác của Bộ theo sự phân công của Bộ trưởng, sử dụng quyền hạn của Bộ trưởng để giải quyết các công việc thuộc lĩnh vực được phân công. Thứ trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về các quyết định liên quan đến việc thực hiện các công việc được Bộ trưởng phân công.

2. Mọi hoạt động của Bộ trưởng, Thứ trưởng phải bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Ðảng và Nhà nước nhằm chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân ngày càng tốt hơn.

3. Giải quyết công việc phải đúng thẩm quyền, phạm vi quyền hạn, trách nhiệm và bảo đảm rõ ràng, minh bạch, công bằng, hiệu quả. Mỗi việc chỉ một người phụ trách và chịu trách nhiệm chính. Phải tuân thủ trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết công việc theo kế hoạch, chương trình công tác và theo đúng quy định của pháp luật.

4. Coi trọng sự phối hợp công tác, trao đổi thông tin giữa Bộ trưởng, Thứ trưởng trong việc chỉ đạo, giải quyết công việc cũng như trong mọi hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm được phân công

5. Giữ vững kỷ cương, đoàn kết nhất trí, phát huy dân chủ, tính chủ động sáng tạo và trí tuệ tập thể; luôn lắng nghe ý kiến của cấp dưới, của cán bộ công chức; tranh thủ sự phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ của các Bộ, ngành, đoàn thể xã hội, chính quyền các cấp và sự hợp tác quốc tế trong quá trình chỉ đạo, điều hành mọi lĩnh vực hoạt động công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

B. NGUYÊN TẮC LÀM VIỆC CỦA LÃNH ĐẠO CÁC VỤ, CỤC, THANH TRA VÀ VĂN PHÒNG BỘ Y TẾ

1. Lãnh đạo các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng Bộ Y tế (dưới đây gọi chung là Lãnh đạo các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ) làm việc theo chế độ Thủ trưởng:

- Cấp Trưởng đơn vị là người đứng đầu đơn vị, giúp Bộ trưởng và các Thứ trưởng; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Thứ trưởng về lĩnh vực được Bộ trưởng phân công, về các hoạt động của cấp Phó đơn vị và của cán bộ, công chức dưới quyền.

- Cấp Phó đơn vị là người giúp cấp Trưởng đơn vị, được cấp Trưởng đơn vị phân công phụ trách một số mặt công tác và phải chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được phân công.

2. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quyền hạn, trách nhiệm về quản lý Nhà nước đối với đơn vị; Lãnh đạo các đơn vị phải quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách và quan điểm y tế của Ðảng để chủ động, tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá và báo cáo kết quả công tác của đơn vị theo quy định của Bộ trưởng, Thứ trưởng.

3. Khi được Bộ trưởng, Thứ trưởng giao nhiệm vụ, phải chủ động giải quyết công việc, nếu có vấn đề gì liên quan đến đơn vị khác thì trực tiếp trao đổi với Lãnh đạo của đơn vị có liên quan để giải quyết. Trường hợp ngoài khả năng giải quyết của đơn vị mình thì báo cáo Bộ trưởng, Thứ trưởng đã giao nhiệm vụ để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết.

4. Mọi hoạt động của Lãnh đạo các đơn vị Cơ quan Bộ phải bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Ðảng, Nhà nước của Ban cán sự Ðảng và của Bộ trưởng,Thứ trưởng nhằm phục vụ tốt sức khoẻ nhân dân.

5. Phải tuân thủ, nắm vững nguyên tắc làm việc theo phạm vi và cách thức giải quyết công việc của Bộ trưởng, Thứ trưởng để phát huy tinh thần làm chủ, giữ vững kỷ cương, đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ðiều 2. Phạm vi quyền hạn, trách nhiệm và cách thức giải quyết công việc của Bộ trưởng

A. PHẠM VI QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ TRƯỞNG:

1. Lãnh đạo và điều hành hoạt động của Bộ Y tế, thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn quản lý Nhà nước đối với toàn Ngành được quy định tại Nghị định số 86/2002/NÐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ, Cơ quan ngang Bộ và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể theo Nghị định số 49/2003/NÐ-CP ngày 15/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế.

2. Trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Xây dựng chiến lược phát triển Ngành, xây dựng cơ chế chính sách của Ngành, công tác chính trị tư tưởng, công tác tổ chức cán bộ và một số công tác quan trọng khác của Ngành.

3. Phân công cho mỗi Thứ trưởng phụ trách một số lĩnh vực công tác và theo dõi chỉ đạo hoạt động của một số đơn vị thuộc Cơ quan Bộ, đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các Bộ, ngành.

4. Căn cứ yêu cầu chỉ đạo, điều hành trong từng thời gian, Bộ trưởng có thể trực tiếp giải quyết một số công việc đã phân công cho Thứ trưởng hoặc điều chỉnh lại sự phân công giữa các Thứ trưởng.

5. Uỷ quyền cho Thứ trưởng giải quyết công việc của Bộ trưởng khi Bộ trưởng vắng mặt.

6. Ký các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ ban hành, ký các Công văn, Báo cáo, Tờ trình của Bộ gửi cấp trên. Trường hợp Bộ trưởng đi vắng mà công việc cấp bách thì mới giao cho Thứ trưởng ký thay.

7. Báo cáo, trả lời chất vấn, phản ánh tình hình tâm tư, nguyện vọng của cán bộ y tế và hoạt động của Ngành tại các phiên họp của Chính phủ và các kỳ họp của Quốc hội; chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

8. Chủ trì hoặc phối hợp để xử lý những vấn đề quan trọng có tính liên ngành.

9. Chủ động giải quyết những vấn đề đột xuất, mới phát sinh như dịch bệnh, thảm hoạ, tai nạn thương tích hàng loạt, nếu sự việc vượt quá khả năng giải quyết của Bộ thì báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

B. CÁCH THỨC GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC CỦA BỘ TRƯỞNG

1. Xử lý công việc trên cơ sở tài liệu, công văn của Cơ quan Bộ, từ các nguồn trong và ngoài Ngành gửi đến (từ cơ quan Trung ương đến địa phương, của các tổ chức trong hệ thống chính trị và công dân gửi đến).

2. Tổ chức, chủ trì các cuộc họp, làm việc với Lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các cơ quan đoàn thể quần chúng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về những vấn đề có liên quan công tác y tế. Trình tự các cuộc họp, làm việc thực hiện theo quy định.

3. Tiếp khách, làm việc, ký kết các văn bản hợp tác với đại diện Chính phủ và các tổ chức quốc tế về hợp tác y tế theo quy trình tiếp, làm việc đối với khách quốc tế.

4. Chủ trì các hội nghị, hội thảo, lễ kỷ niệm lớn của Ðảng, Nhà nước và của Ngành theo tính chất và tầm quan trọng của hội nghị, hội thảo, lễ kỷ niệm do cấp trên phân công và theo chức năng của Bộ.

5. Chỉ đạo và thực hiện các công việc: Tiếp công dân, xử lý công việc khẩn, công việc mật, đi công tác theo quy định.

Ðiều 3. Phạm vi quyền hạn, trách nhiệm và cách thức giải quyết công việc của Thứ trưởng

A. PHẠM VI QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA THỨ TRƯỞNG

1. Chủ động giải quyết công việc thường xuyên thuộc thẩm quyền mà Bộ trưởng đã phân công; trực tiếp phụ trách một số công tác; theo dõi chỉ đạo hoạt động của một số đơn vị thuộc Cơ quan Bộ và các đơn vị y tế khác do Bộ trưởng phân công.

2. Nghiên cứu, tham mưu cho Bộ trưởng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án về cơ chế chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển Ngành, nhiệm vụ chính trị của Ngành trong lĩnh vực công việc phụ trách hoặc Bộ trưởng phân công để Bộ trưởng ban hành hoặc trình cấp trên ban hành.

3. Chỉ đạo và kiểm tra thực hiện các quyết định, kế hoạch, chương trình công tác thuộc lĩnh vực được Bộ trưởng phân công, đồng thời phát hiện, báo cáo đề xuất với Bộ trưởng về những vấn đề nảy sinh cần được khắc phục, sửa đổi cho phù hợp với nhiệm vụ công tác chung của Ngành.

4. Ðược Bộ trưởng uỷ quyền giải quyết công việc do Bộ trưởng trực tiếp phụ trách khi Bộ trưởng vắng mặt, giải quyết công việc của Thứ trưởng khác khi Thứ trưởng vắng mặt do Bộ trưởng phân công.

5. Ký thay Bộ trưởng các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng trong phạm vi lĩnh vực được phân công theo dõi hoặc được Bộ trưởng uỷ quyền ký các văn bản của Bộ trưởng khi Bộ trưởng đi công tác.

6. Ðược Bộ trưởng phân công chủ trì hoặc tham dự các cuộc họp, giao ban, hội nghị, hội thảo, lễ hội do Bộ tổ chức hay do các cơ quan Trung ương, địa phương tổ chức mời Bộ trưởng, Thứ trưởng.

7. Ðược Bộ trưởng phân công tiếp, làm việc với khách quốc tế và cử đi nước ngoài.

8.Tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân theo lĩnh vực Thứ trưởng phụ trách hoặc các lĩnh vực khác do Bộ trưởng phân công.

9. Ðồng chí Thứ trưởng được Bộ trưởng phân công phụ trách chỉ đạo, theo dõi hoạt động của các đơn vị và các tổ chức đoàn thể trong Cơ quan Bộ có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Chính quyền với Công đoàn, Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong Cơ quan Bộ; Ðịnh kỳ (6tháng, 1năm) họp liên tịch để kiểm điểm, đánh giá kết quả phối hợp công tác giữa các bên và trình Bộ trưởng xem xét giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của cán bộ công chức Cơ quan Bộ.

B. CÁCH THỨC GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC CỦA THỨ TRƯỞNG

1. Căn cứ lĩnh vực công tác được Bộ trưởng phân công, hàng ngày giải quyết công việc trên cơ sở tài liệu, công văn do Bộ trưởng chuyển, do Lãnh đạo các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ trình hoặc các đơn vị trưởng chuyển, do Lãnh đạo các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ trình hoặc các đơn vị

2. Giải quyết công việc trong phạm vi quyền hạn và nhiệm vụ được Bộ trưởng phân công, nhưng nếu có vấn đề liên quan đến lĩnh vực do Thứ trưởng khác phụ trách thì chủ động phối hợp trao đổi ý kiến với Thứ trưởng đó để cùng giải quyết; trường hợp ý kiến không thống nhất thì Thứ trưởng chủ trì giải quyết công việc phải báo cáo Bộ trưởng để quyết định.

3. Căn cứ Kế hoạch, Chương trình công tác tổng thể của Bộ để lập Kế hoạch, Chương trình công tác hàng quý, hàng tháng và Lịch công tác hàng tuần để giải quyết công việc đã được Bộ trưởng phân công.

4. Xử lý công việc mật, công việc khẩn, công việc đột xuất do Bộ trưởng phân công.

5. Trong quá trình xử lý, giải quyết công việc và qua thực tiễn khảo nghiệm, các Thứ trưởng cần xem xét, đánh giá, tổng kết rút ra các bài học chỉ đạo Ngành; Ðồng thời đề xuất với Bộ trưởng để giải quyết những vấn đề tồn tại cho phù hợp.

Ðiều 4. Phạm vi quyền hạn, trách nhiệm và cách thức giải quyết công việc của Chánh Văn phòng Bộ

1. Giúp Bộ trưởng giải quyết công việc và thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với Văn phòng Bộ, bảo đảm điều kiện phục vụ sự chỉ đạo, điều hành công việc của Bộ trưởng, Thứ trưởng và các điều kiện làm việc cho các đơn vị Cơ quan Bộ; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về những công việc thuộc phạm vi trách nhiệm của Văn phòng và các công việc được Bộ trưởng,Thứ trưởng giao cho .

2. Trình Bộ trưởng, Thứ trưởng xử lý công văn đến, công văn đi và xử lý công việc hàng ngày theo Chương trình công tác hàng tuần của Bộ.

3. Trực tiếp hoặc làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan để giúp Bộ trưởng, Thứ trưởng việc tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện các Ðề án, Kế hoạch, Chương trình công tác của Bộ. Thực hiện công tác cải cách hành chính, xã hội hoá công tác y tế, phòng chống thảm hoạ, ứng dụng công nghệ thông tin của Ngành và một số công tác khác do Bộ trưởng, Thứ trưởng giao cho.

4.Thực hiện công việc tổng hợp, báo cáo (tuần, tháng); báo cáo sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng (6 tháng, 1 năm); nghiên cứu đề xuất tình hình hoạt động của Cơ quan Bộ, của toàn Ngành và tổ chức xử lý công việc thường xuyên hoặc đột xuất của Bộ theo sự phân công của Bộ trưởng, Thứ trưởng.

5.Theo dõi, đôn đốc tình hình các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ được Bộ trưởng, Thứ trưởng giao.

6. Ðược tham dự các cuộc giao ban Bộ, một số cuộc họp, hội nghị, hội thảo và đi công tác địa phương do Bộ trưởng, Thứ trưởng phân công.

7. Làm nhiệm vụ thông báo ý kiến chỉ đạo, kết luận của Bộ trưởng, Thứ trưởng đến các đơn vị có liên quan.

8.Quản lý việc ban hành các văn bản của Bộ trưởng,Thứ trưởng; hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ về công tác văn thư, lưu trữ.

9.Quản lý kinh phí và tài sản của Cơ quan Bộ (trừ các Cục), bảo đảm hậu cần phục vụ cho hoạt động của Cơ quan Bộ.

Ðiều 5. Phạm vi quyền hạn, trách nhiệm và cách thức giải quyết công việc của Vụ trưởng, Cục trưởng và Chánh thanh tra Bộ

1. Vụ trưởng, Cục trưởng và Chánh thanh tra Bộ giúp Bộ trưởng chỉ đạo và thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với những lĩnh vực của đơn vị được Bộ trưởng giao cho.

2. Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về lĩnh vực công tác của đơn vị (bao gồm cả chính trị, chuyên môn, nhân lực, tài chính, vật tư tài sản và các quy định của Bộ), về các hoạt động của cấp Phó và của cán bộ, công chức dưới quyền.

3. Căn cứ kế hoạch, chương trình công tác của Bộ để xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của đơn vị và tổ chức triển khai, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp, phân tích, đánh gía kết quả thực hiện.

4. Làm đầu mối phối hợp với các đơn vị, tổ chức xã hội, Hội nghề nghiệp liên quan để tham mưu giúp Bộ trưởng xây dựng hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các Ðề án về cơ chế chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển thuộc lĩnh vực được Bộ trưởng phân công.

5.Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

6. Ban hành các văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ quản lý, hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ đối với lĩnh vực đơn vị phụ trách theo uỷ quyền của Bộ trưởng.

7. Cục trưởng có thêm các nhiệm vụ:

a. Thực hiện một số quyền do Bộ trưởng phân cấp để giải quyết những việc cụ thể chuyên ngành đối với đơn vị sự nghiệp và các doanh nghiệp nhà nước có liên quan.

b. Tổ chức thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về chuyên ngành; thực hiện nhiệm vụ với tư cách pháp nhân công quyền (cấp, thu hồi các loại giấy phép, chứng chỉ, chứng nhận; tổ chức thu phí, lệ phí; đình chỉ hoạt động hoặc cho phép tiến hành một số hoạt động về chuyên môn, nghiệp vụ trong phạm vi chuyên ngành phụ trách theo quy định của pháp luật).

Ðiều 6. Phạm vi quyền hạn, trách nhiệm và phương thức giải quyết công việc của Phó Vụ trưởng, Phó Cục trưởng, Phó Chánh thanh tra, Phó Văn phòng Bộ

1. Phó Vụ trưởng, Phó Cục trưởng, Phó Chánh thanh tra, Phó Chánh Văn phòng Bộ thực hiện một số mặt công tác của đơn vị và chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được cấp Trưởng đơn vị phân công.

2. Xây dựng kế hoạch, chương trình công tác thuộc lĩnh vực được cấp Trưởng đơn vị phân công và chủ động tổ chức triển khai ở đơn vị có hiệu quả.

3. Giải quyết công việc của cấp Trưởng do cấp Trưởng uỷ quyền khi vắng mặt.

4. Ðược cấp Trưởng uỷ quyền ký thay một số văn bản của đơn vị.

5. Cùng cấp Trưởng chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho cán bộ công chức trong đơn vị và chịu trách nhiệm về những việc làm của mình khi được phân công.

Ðiều 7. Trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ công chức của các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ

Cán bộ công chức (bao gồm cả cán bộ nhân viên hợp đồng dài hạn và ngắn hạn) có trách nhiệm và nghĩa vụ:

1. Trong giờ làm việc, phải mặc trang phục nghiêm chỉnh, đeo Thẻ cán bộ, công chức theo quy định; nơi làm việc phải thường xuyên gọn gàng, sạch đẹp.

2. Hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, công việc được giao; không để xẩy ra sai sót về chuyên môn, nghiệp vụ do thiếu tinh thần trách nhiệm.

3. Khi tiếp xúc, làm việc với khách, thái độ phải niềm nở, tận tình, không gây khó khăn, hách dịch; giải quyết công việc phải kịp thời, đúng hẹn với khách theo quy định.

4. Tham gia nghiên cứu khoa học; học tập nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và tin học.

5. Chấp hành nghiêm Pháp luật, Nội quy, Quy chế của cơ quan, đơn vị; tham gia các hoạt động xã hội của cơ quan; thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội.

6. Thực hiện Quy chế dân chủ, đoàn kết, tôn trọng cấp trên và đồng nghiệp, không đùn đẩy trách nhiệm cho đồng nghiệp, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ.

Ðiều 8. Mối quan hệ làm việc trong Cơ quan Bộ

1. Quan hệ làm việc giữa Bộ trưởng với các Thứ trưởng, Lãnh đạo và cán bộ, công chức các đơn vị là quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, là quan hệ đồng chí để giúp cho Bộ trưởng hoàn thành nhiệm vụ mà Ðảng và Nhà nước giao cho. Quan hệ làm việc giữa các Thứ trưởng với Lãnh đạo và cán bộ, công chức các đơn vị cũng là quan hệ cấp trên với cấp dưới, quan hệ đồng chí để giúp cho các Thứ trưởng hoàn thành nhiệm vụ được Bộ trưởng giao.

2. Quan hệ giữa các Thứ trưởng là mối quan hệ phối hợp trách nhiệm để cùng giúp Bộ trưởng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với Ngành y tế. Khi giải quyết công việc nếu có liên quan đến lĩnh vực công tác do Thứ trưởng khác phụ trách, trước khi trình Bộ trưởng quyết định hoặc tự quyết định thì trực tiếp tham khảo, trao đổi ý kiến với Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực đó; trường hợp còn có ý kiến khác nhau thì trình Bộ trưởng quyết định.

3. Quan hệ giữa Lãnh đạo các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ là quan hệ đồng chí, quan hệ ngang và phối hợp trách nhiệm nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mỗi đơn vị, của Cơ quan Bộ và của toàn Ngành do Bộ trưởng, Thứ trưởng phân công.

4. Khi giải quyết công việc, nếu có vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị khác thì Thủ trưởng đơn vị phải chủ động trao đổi ý kiến với các đơn vị khác có liên quan; ý kiến tham khảo được trả lời bằng văn bản theo đúng nội dung và thời gian yêu cầu, trường hợp có ý kiến khác nhau thì báo cáo Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực liên quan để quyết định.

5. Mối quan hệ giữa Ban cán sự Ðảng (BCSÐ), Bộ-Thứ trưởng (BTT) với Ðảng uỷ cơ quan (ÐUCQ), Công đoàn cơ quan (CÐCQ), Ðoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cơ quan (ÐTNCQ) được xác định: Mối quan hệ giữa BCSÐ với BTT là mối quan hệ giữa tổ chức Ðảng và Chính quyền cao nhất của Ngành thể hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về công tác y tế. Mối quan hệ giữa BCSÐ với ÐUCQ là mối quan hệ giữa tổ chức Ðảng cấp trên với cấp dưới trong Ngành; ÐUCQ Bộ chịu sự lãnh đạo tuyệt đối của BCSÐ Bộ Y tế và chịu sự lãnh đạo của Ðảng uỷ Khối khoa giáo TW. Mối quan hệ giữa BCSÐ, ÐUCQ với CÐCQ và ÐTNCQ là mối quan hệ tổ chức Ðảng lãnh đạo các đoàn thể quần chúng, cán bộ đoàn viên được phát huy quyền làm chủ tham gia công tác quản lý, thực hiện các phong trào thi đua xây dựng cơ quan, đơn vị. Mối quan hệ giữa BTT với CÐCQ và ÐTNCQ là mối quan hệ phối hợp giữa Chính quyền với các Ðoàn thể quần chúng nhằm mục đích thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ, xây dựng và phát triển Ngành, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho cán bộ công chức Cơ quan Bộ.

Chương II

LẬP CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC VÀ XÂY DỰNG ÐỀ ÁN

A. LẬP CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC

Ðiều 9. Lập kế hoạch, chương trình công tác của Bộ

1. Căn cứ vào kế hoach Nhà nước, chương trình công tác của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng và dự kiến kế hoạch, chương trình công tác thuộc lĩnh vực của các đơn vị đề xuất, Vụ Kế hoạch-Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ chịu trách nhiệm chuẩn bị kế hoạch, chương trình công tác hàng năm của Bộ để trình Bộ trưởng phê duyệt và chuẩn bị những nội dung công tác lớn của Bộ để gửi lên Văn phòng Chính phủ vào tuần đầu tháng 8 hàng năm.

2. Văn phòng Bộ lập chương trình công tác hàng tuần của Bộ trên cơ sở Lịch công tác của Bộ trưởng,Thứ trưởng. Căn cứ Lịch công tác của Bộ, Lãnh đạo các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện.

3. Việc điều chỉnh chương trình công tác của Bộ được thực hiện trên cơ sở chỉ đạo điều hành của Bộ trưởng và đề nghị của Thứ trưởng, Thủ trưởng các đơn vị đã được Bộ trưởng nhất trí.

Ðiều 10. Lập kế hoạch, chương trình công tác của đơn vị

1. Trên cơ sở kế hoạch, chương trình công tác của Bộ, các đơn vị dự kiến kế hoạch, chương trình công tác thuộc lĩnh vực do đơn vị phụ trách và xây dựng kế hoạch, chương trình công tác hàng năm của đơn vị với yêu cầu sau:

a. Kế hoạch, chương trình công tác được xây dựng phải có tính khả thi, phải cụ thể về thời gian, nội dung thực hiện từng công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao thường xuyên theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

b. Ðối với dự kiến kế hoạch, chương trình công tác thuộc lĩnh vực của đơn vị để đề xuất đưa vào kế hoạch, chương trình công tác năm sau của Ngành hoặc Bộ trình lên Trung ương, trình lên Chính phủ thì chỉ nêu ra những vấn đề lớn.

2. Quy định về thời gian:

- Dự kiến kế hoạch, chương trình thuộc lĩnh vực để đưa vào kế hoạch, chương trình công tác năm sau của Ngành gửi Vụ KHTC vào đầu tháng 7 hàng năm.

- Kế hoạch, chương trình công tác của đơn vị phải trình Bộ trưởng phê duyệt trước ngày 30 tháng 10 hàng năm.

B. XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Ðiều 11. Phân công làm chủ đề án, chủ trì soạn thảo đề án, văn bản quy phạm pháp luật

1. Ðề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

a. Ðề án hoặc văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi chung là đề án) trình Chính phủ sẽ do Bộ trưởng hoặc một Thứ trưởng được Bộ trưởng phân công làm chủ đề án.

b.Tuỳ tính chất nội dung của đề án, Bộ trưởng giao cho một đơn vị làm đầu mối chủ trì soạn thảo đề án với sự tham gia của các đơn vị cơ quan Bộ có liên quan. Những đề án có liên quan đến chế độ, chính sách đối với cán bộ y tế thì phải tham khảo ý kiến của Công đoàn Y tế Việt Nam, các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Y tế ngành. Sau khi dự thảo đề án được thông qua trong nội bộ ngành thì đơn vị chủ trì soạn thảo đề án tổ chức xin ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, các đoàn thể xã hội (nếu có liên quan); Sau đó hoàn chỉnh đề án và chuẩn bị Tờ trình của Bộ trưởng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Ðề án trình Bộ trưởng phê duyệt

a. Ðề án trình Bộ trưởng phê duyệt ban hành theo thẩm quyền do một đơn vị được lãnh đạo Bộ phân công chủ trì việc soạn thảo. Nếu đề án có liên quan đến nhiều lĩnh vực, đơn vị soạn thảo phải lấy ý kiến tham gia của các đơn vị có liên quan trước khi trình Bộ trưởng phê duyệt.

b. Các đề án thuộc lĩnh vực do Thứ trưởng phụ trách thì Thứ trưởng phải xem xét và có ý kiến trước khi trình Bộ trưởng.

Ðiều 12. Quy định về hồ sơ của một đề án

1. Hồ sơ của một đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phải có các văn bản sau:

a. Dự thảo Tờ trình của Bộ trưởng trình Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

- Sự cần thiết phải xây dựng đề án;

- Luận cứ của đề án, quá trình xây dựng đề án, ý kiến tham gia ( hoặc thẩm định ) của các Bộ, ngành liên quan;

- Nội dung cơ bản của đề án;

- Những vấn đề chưa được các Bộ, ngành nhất trí thì phải có giải trình nêu rõ quan điểm của Bộ và xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

b. Dự thảo đề án.

c. Văn bản tham gia ý kiến hoặc thẩm định của các Bộ, ngành có liên quan (bản chính thức).

d. Dự thảo các văn bản hướng dẫn thực hiện đề án.

e . Kế hoạch, chương trình hành động tổ chức triển khai thực hiện sau khi đề án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Hồ sơ của một đề án trình Bộ trưởng phê duyệt:

a. Tờ trình của Thủ trưởng đơn vị chủ trì đề án trình Bộ trưởng phê duyệt phải có các yêu cầu sau:

- Tóm tắt thực trạng hiện tại để nêu lên sự cần thiết phải xây dựng đề án.

- Luận cứ của đề án, quá trình xây dựng đề án, ý kiến của các đơn vị liên quan và của các Bộ, ngành liên quan (nếu có yêu cầu).

- Kiến nghị của Thủ trưởng đơn vị về những vấn đề chưa nhất trí cần xin ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng.

b. Dự thảo đề án.

c. Kế hoạch, chương trình hành động tổ chức triển khai thực hiện sau khi đề án được phê duyệt.

3.Quy định về thời gian của đề án:

a. Vụ Pháp chế là đầu mối làm Báo cáo danh mục các đề án (được thể hiện rõ: tên đề án, tư tưởng nội dung chính của đề án, cấp quyết định và thời hạn theo Quý trình từng đề án) của Bộ đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm sau, phải trình Bộ trưởng ký duyệt và gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 30 tháng 10 hàng năm.

b. Các đơn vị có đề án trình, phải chuẩn bị đề án theo quy trình và gửi Văn phòng Chính phủ trước 01 tháng của mốc thời gian đăng ký danh mục các đề án.

Chương III

GIẢI QUYẾT CÔNG VĂN ĐẾN VÀ KÝ BAN HÀNH VĂN BẢN

Ðiều 13. Quy trình giải quyết công văn đến Cơ quan Bộ

1.Tất cả các văn bản đến cơ quan Bộ đều phải đăng ký vào Sổ công văn đến tại Phòng Hành chính và được đóng dấu công văn đến, ghi rõ ngày tháng công văn đến. Trường hợp đặc biệt đơn vị có thể nhận trực tiếp công văn nhưng sau đó phải đăng ký vào Sổ công văn đến tại Phòng Hành chính để được theo dõi.

2. Ðối với văn bản Luật, Pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ ban hành hoặc các Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành được gửi đến Bộ Y tế thì giải quyết theo trình tự sau đây:

a. Phòng Hành chính đăng ký vào Sổ công văn đến và chuyển cho Chánh Văn phòng Bộ để báo cáo Bộ trưởng, Thứ trưởng.

b. Căn cứ vào nội dung văn bản và chức năng nhiệm vụ của mỗi đơn vị, Bộ trưởng, Thứ trưởng sẽ xem xét để giao nhiệm vụ cho các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện.

c.Việc lưu trữ các văn bản này được quy định như sau:

- Ðối với văn bản Luật, Pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ ban hành được lưu bản chính tại Tổ thư ký, Văn phòng Bộ sao gửi các đơn vị liên quan và Vụ Pháp chế để tổ chức việc thực hiện theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng, Thứ trưởng.

- Ðối với văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành thì bản chính được chuyển và lưu trữ tại các đơn vị chức năng được Bộ trưởng, Thứ trưởng giao cho việc tổ chức triển khai thực hiện, đơn vị sẽ sao gửi Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan để phối hợp triển khai theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng, Thứ trưởng.

- Tất cả các văn bản chính nói trên chỉ được lưu tại Tổ thư ký và tại các đơn vị trong thời gian một năm, đến Quý I năm sau phải chuyển cho Phòng Lưu trữ Văn phòng Bộ để văn bản được lưu trữ theo quy định của Nhà nước về lưu trữ.

Ðiều 14. Thủ tục trình ký văn bản

1. Các văn bản trình Bộ trưởng, Thứ trưởng phê duyệt, Cấp trưởng hoặc Phó đơn vị được giao nhiệm vụ soạn thảo phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung, ký tắt vào văn bản và gửi qua Phòng Hành chính Văn phòng Bộ.

2. Văn bản quy phạm pháp luật do Bộ ban hành theo thẩm quyền, khi trình Bộ trưởng, Thứ trưởng ký phải có chữ ký tắt của Lãnh đạo đơn vị soạn thảo văn bản, của Lãnh đạo Vụ Pháp chế và gửi qua Phòng Hành chính Văn phòng Bộ.

3. Tờ trình Trung ương Ðảng, Nhà nước về dự thảo đề án, văn bản quy phạm pháp luật, khi trình Bộ trưởng phải có chữ ký tắt của Lãnh đạo đơn vị dự thảo văn bản, của Lãnh đạo Vụ Pháp chế, Lãnh đạo Văn phòng Bộ và chuyển qua Phòng Hành chính trình Bộ trưởng ký duyệt.

4. Khi trình văn bản phải kèm theo toàn bộ hồ sơ có liên quan đến việc chuẩn bị văn bản trình.

Ðiều 15. Thẩm quyền ký ban hành văn bản

1. Các dự thảo Luật, Pháp lệnh, văn bản quy phạm pháp luật và đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải được Bộ trưởng duyệt dự thảo và ký Tờ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc do Thứ trưởng được Bộ trưởng uỷ quyền ký Tờ trình.

2.Văn bản quy phạm pháp luật của Bộ ban hành theo thẩm quyền phải do Bộ trưởng ký hoặc Thứ trưởng được phân công phụ trách lĩnh vực đó ký và báo cáo với Bộ trưởng.

3. Công văn gửi đến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải do Bộ trưởng,Thứ trưởng ký. Lãnh đạo đơn vị (trừ các Cục) được thừa lệnh Bộ trưởng ký công văn gửi các đơn vị trong Ngành với nội dung đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn, trả lời các vấn đề về nghiệp vụ, chuyên môn, việc thực hiện các quy định của Nhà nước và của Bộ. Lãnh đạo các đơn vị ký các công văn gửi các cơ sở y tế, các cơ quan của các Bộ, ngành khác với nội dung trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao nhưng không được trái với các quy định của Nhà nước và của Bộ Y tế. Trong một số trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng sẽ xem xét và cho phép Cục trưởng được ký thừa lệnh Bộ trưởng và đóng dấu của Bộ.

4. Việc ký Giấy mời hội họp:

a. Nếu tổ chức hội nghị có mời Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Lãnh đạo các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương tham dự thì Giấy mời phải do Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng ký.

b. Các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn, giao ban mang tính chất quản lý nhà nước có mời Lãnh đạo Sở Y tế, Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ phải được Bộ trưởng, Thứ trưởng phê duyệt và Chánh Văn phòng Bộ ký Giấy mời.

c. Ðối với các hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyên môn nghịêp vụ thuần tuý và của các chương trình, dự án thuộc các đơn vị cơ quan Bộ tổ chức do Lãnh đạo đơn vị chủ trì ký Giấy mời được đóng Dấu của Bộ (đối với các Vụ và Văn phòng Bộ), Dấu của Cục (đối với các Cục), Dấu của Thanh tra Bộ (đối với Thanh tra Bộ) và phải lưu trữ (bản chính và danh sách kèm Giấy mời) theo quy định của công tác văn thư, lưu trữ.

Ðiều 16. Thực hiện công tác văn thư, lưu trữ

Bộ trưởng, Thứ trưởng và Thủ trưởng các đơn vị phải quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác văn thư, lưu trữ đã được quy định tại Quyết định số 2508/1999/QÐ-BYT ngày 19/8/1999 của Bộ trưởng Bộ Y tế; Phải quan tâm việc quản lý con Dấu, quản lý công văn, hồ sơ tài liệu nhất là đối với các loại hồ sơ tài liệu mật, lý lịch cán bộ không để bị thất lạc, hư hỏng.

Chương IV

TIẾP KHÁCH, HỘI HỌP, ĐI CÔNG TÁC

Ðiều 17. Bộ trưởng, Thứ trưởng tiếp khách trong nước

1. Khách cần gặp làm việc với Bộ trưởng, Thứ trưởng phải có thông báo bằng điện thoại, fax hoặc bằng văn bản đề nghị (trừ trường hợp đặc biệt khách liên hệ trực tiếp với Bộ trưởng, Thứ trưởng) gửi Văn phòng Bộ nói rõ mục đích, nội dung, địa điểm và thời gian cuộc gặp làm việc.

2. Văn phòng Bộ có nhiệm vụ:

- Trình Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực công việc liên quan về đề nghị xin gặp và làm việc của khách.

- Thông báo kịp thời cho khách ý kiến của Bộ trưởng, Thứ trưởng về việc Bộ trưởng, Thứ trưởng tiếp hay không tiếp, ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Thứ trưởng về thành phần tham dự tiếp khách (nếu tiếp) và cùng phối hợp với đơn vị liên quan chuẩn bị nội dung phục vụ cho việc tiếp khách.

Ðiều 18. Bộ trưởng, Thứ trưởng tiếp khách nước ngoài

Tiếp khách nước ngoài có các hình thức: Tiếp xã giao, tiếp làm việc, ký kết văn bản ghi nhớ, hợp tác, tài trợ, vv...thì tuỳ theo đối tượng khách, Bộ trưởng,Thứ trưởng sẽ tiếp theo quy định của Nhà nước, Bộ Ngoại giao.

Giao cho Vụ Hợp tác quốc tế làm các thủ tục theo quy định và đề xuất các hình thức tiếp, nội dung, thời gian và đề nghị Bộ tưởng hay Thứ trưởng tiếp.

Sau cuộc tiếp, nếu có vấn đề giải quyết nhưng không thuộc thẩm quyền thì phải gửi văn bản đến cơ quan cấp trên, cấp có thẩm quyền để đề nghị xem xét giải quyết.

Ðiều 19. Tổ chức giao ban, hội họp

1. Tổ chức giao ban

- Ngày thứ Hai hàng tuần: Buổi sáng, giao ban của các đơn vị; Buổi chiều, giao

ban của Ban cán sự Ðảng, Bộ trưởng, Thứ trưởng (do Bộ trưởng quyết định) và giao ban Bộ gồm Bộ trưởng, Thứ trưởng, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ và Lãnh đạo một số đơn vị theo chỉ định của Bộ trưởng.

- Bộ trưởng chủ trì giao ban Bộ. Trường hợp Bộ trưởng đi công tác vắng, đồng chí Thứ trưởng trực tuần Cơ quan là người chủ trì giao ban Bộ.

- Yêu cầu các cuộc giao ban phải bảo đảm về số lượng thành phần giao ban, không bố trí Bộ trưởng, Thứ trưởng dự hội họp khác hoặc đi công tác vắng giao ban Bộ (trừ các trường hợp bất khả kháng).

- Văn phòng Bộ tổ chức phục vụ và thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Thứ trưởng sau buổi giao ban để các đơn vị làm căn cứ xây dựng kế hoạch hành động và triển khai thực hiện.

2. Tổ chức hội họp của Cơ quan Bộ, của Ngành

- Cơ quan Bộ tổ chức sinh hoạt chính trị mỗi quý/1 lần, Hội nghị cán bộ, công chức mỗi Năm/ 1 lần và tổ chức các cuộc họp, hội nghị chuyên đề khác.

- Ðịnh kỳ 6 tháng, 1 năm Bộ trưởng, Thứ trưởng họp với Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, Lãnh đạo các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ để sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện kế hoạch công tác và sự chỉ đạo điều hành của Bộ.

- Hàng năm tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 có thể gắn với tổng kết năm và phát động phong trào thi đua toàn Ngành.

- Yêu cầu các cuộc hội họp của Cơ quan Bộ và của Ngành: Lãnh đạo các đơn vị và cán bộ, công chức các đơn vị được mời dự hội họp phải đi đúng thành phần, đúng thời gian quy định và phải dự hết chương trình thời gian hội họp (trừ các trường hợp bất khả kháng).

Ðiều 20. Ði công tác cơ sở , địa phương và đi công tác nước ngoài

1. Ði công tác cơ sở, địa phương

- Bộ trưởng, Thứ trưởng, Lãnh đạo và cán bộ công chức các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ đi công tác cơ sở, địa phương theo kế hoạch hoặc theo nhu cầu cần thiết của công việc phải bảo đảm chuyến đi thiết thực và tiết kiệm; có thể báo trước hoặc không báo trước cho cơ sở, địa phương; không gây phiền hà cho cơ sở, địa phương. Sau mỗi chuyến đi công tác, cán bộ, công chức phải báo cáo kết quả với Lãnh đạo đơn vị, nêu ra các đề nghị và giải pháp giúp đỡ cho cơ sở, địa phương.

- Cấp quyết định đi công tác cơ sở, địa phương: Thứ trưởng đi công tác do Bộ trưởng quyết định, Thủ trưởng các đơn vị đi công tác do Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực công tác của đơn vị quyết định, cấp Phó và cán bộ công chức đi công tác do cấp Trưởng đơn vị quyết định; kinh phí và phương tiện đi lại theo chế độ tài chính hiện hành.

- Văn phòng Bộ có trách nhiệm làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị cho chuyến đi công tác cơ sở, địa phương của Bộ trưởng,Thứ trưởng về chương trình, nội dung, thời gian và thành phần của đoàn công tác để báo trước cho cơ sở, địa phương.

2. Ði công tác nước ngoài

- Bộ trưởng đi công tác nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Thứ trưởng đi công tác nước ngoài do Bộ trưởng quyết định theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Vụ Hợp tác quốc tế làm đầu mối cùng các đơn vị liên quan làm các thủ tục cho Bộ trưởng, Thứ trưởng theo quy định.

- Bộ trưởng, Thứ trưởng hoặc cấp được uỷ quyền xem xét quyết định cho Thủ trưởng các đơn vị và cán bộ, công chức đi công tác, nghiên cứu, học tập ở nước ngoài. Vụ TCCB, Vụ HTQT làm thủ tục theo quy định các đoàn ra. Sau 07 ngày làm việc kết thúc chuyến đi, Trưởng đoàn (hoặc cá nhân) công tác phải có văn bản báo cáo Bộ trưởng, đồng gửi Vụ HTQT để biết kết quả.

3. Nghỉ phép, thăm viếng tang lễ

a, Chế độ nghỉ phép năm, nghỉ bù, nghỉ ốm, trực, làm việc ngoài giờ được thực hiện theo quy định của pháp luật lao động.

b. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ quyết định việc nghỉ phép, nghỉ bù, nghỉ ốm, trực, làm thêm giờ theo quy định hiện hành.

c. Ðối với việc thăm viếng, quy định như sau:

- Ði thăm viếng tang lễ Lãnh đạo cấp trên do Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng làm Trưởng đoàn, Văn phòng Bộ là đầu mối tổ chức.

- Ði thăm viếng tang lễ vợ, chồng và tứ thân phụ mẫu của Bộ trưởng, Thứ trưởng, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ và trực thuộc Bộ: Vụ TCCB là đầu mối, các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ có liên quan cùng phối hợp giải quyết.

- Ði thăm viếng tang lễ vợ, chồng và tứ thân phụ mẫu của cán bộ, công chức ở các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ thì do Lãnh đạo các đơn vị trực tiếp tổ chức và Vụ TCCB cùng phối hợp giải quyết.

Chương V

CÔNG TÁC THANH TRA, TIẾP CÔNG DÂN; GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Ðiều 21. Trách nhiệm của Bộ trưởng,Thứ trưởng và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ trong công tác kiểm tra, thanh tra, tiếp công dân; giải quyết đề nghị, kiến nghị của các đơn vị, cơ quan và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân

1. Bộ trưởng, Thứ trưởng chỉ đạo Thanh tra Bộ tổ chức kiểm tra, thanh tra thường kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách, nhiệm vụ được giao của các đơn vị, cá nhân phụ trách, nhất là đối với các lĩnh vực quản lý tài chính, vật tư tài sản và xây dựng cơ bản; không để xẩy ra tình trạng lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, gây thiệt hại lớn và không để xẩy ra những vụ việc khiếu kiện tồn đọng kéo dài, đông người, vượt cấp; chỉ đạo Thủ trưởng các đơn vị tổ chức kiểm điểm, sửa chữa kịp thời những vi phạm; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của thanh tra bảo đảm dân chủ và công khai trong quá trình xử lý.

2. Bộ trưởng, Thứ trưởng và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ đều phải tham gia công tác tiếp công dân theo quy định tại Nghị định số 89/CP ngày 07/8/1997 của Chính phủ (Bộ trưởng quyết định danh sách Thứ trưởng và Lãnh đạo các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ tiếp công dân hàng tháng).

3. Phải gắn công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo với công tác quản lý hành chính nhà nước; giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật những đề nghị, kiến nghị của đơn vị, cơ quan và những khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

4 .Quy định về thời gian trả lời công văn, đơn thư của tập thể, cá nhân:

- Các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ phải trả lời bằng văn bản cho cá nhân, cơ quan Trung ương và địa phương, tổ chức xã hội trong thời gian tối đa không quá sau 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị.

- Các đề nghị với đơn vị thuộc Cơ quan Bộ, phải được trả lời trong thời gian tối đa không quá sau 02 ngày làm việc.

- Các đề nghị của các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ với Bộ trưởng, Thứ trưởng, phải được trả lời trong thời gian tối đa không quá sau 03 ngày làm việc.

- Bộ trưởng, Thứ trưởng giải quyết đề nghị của Bộ, ngành Trung ương, của Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền và trả lời bằng văn bản trong thời gian kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị là không quá sau 15 ngày làm việc nếu không phải lấy ý kiến của các cơ quan khác, không quá sau 30 ngày làm việc nếu phải lấy ý kiến của các cơ quan khác về nội dung các công việc có liên quan.

Trường hợp bên phía trả lời xét thấy chưa thể thực hiện được theo thời gian quy định trên đây thì phải báo cáo (bằng công văn hoặc điện thoại, FAX, Email) nêu lý do và xin thêm thời gian đối với phía đề nghị, kiến nghị.

Ðiều 22. Quyền hạn và trách nhiệm của Thanh tra Bộ Y tế

1.Thực hiện quyền thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật về thanh tra.

2. Thanh tra việc chấp hành pháp luật, việc thực hiện chế độ, chính sách và nhiệm vụ được giao đối với các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ theo quy định của pháp luật.

3. Giúp Bộ trưởng, Thứ trưởng về công tác tiếp công dân và giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

Chương VI

CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO

- Các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ phải bảo đảm chế độ thông tin, báo cáo chính xác, kịp thời để phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng, Thứ trưởng; thực hiện công tác quản lý thông tin, báo cáo, giử bí mật thông tin, báo cáo; thực hiện đúng quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng; quản lý tốt các phương tiện thông tin: Máy vi tính, Ðiện thoại, FAX, Email, Internet.

- Các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ phải thực hiện nghiêm chỉnh và đúng quy trình các thể loại Báo cáo sau đây:

1. Báo cáo tuần

a. Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS báo cáo tình hình dịch bệnh, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm báo cáo tình hình ngộ độc thực phẩm, Vụ Ðiều trị báo cáo tình hình công tác khám chữa bệnh của các cơ sở y tế.

b. Ðối với đơn vị khác phải báo cáo và đề xuất cách giải quyết lên Bộ trưởng, Thứ trưởng khi có vấn đề đột xuất xẩy ra.

- Nội dung báo cáo phải nêu rõ tình hình (có số liệu cụ thể), nguyên nhân, các hoạt động đã triển khai, dự báo tình hình tiến triển trong thời gian tới và những việc cần xin ý kiến của Bộ trưởng, Thứ trưởng.

- Báo cáo gửi về Văn phòng Bộ trong thời gian từ 16h00-16h30 ngày Thứ sáu hàng tuần hoặc chậm nhất trước 9h00 ngày Thứ hai tuần sau.

2. Báo cáo tháng

a. Các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ báo cáo tháng theo các nội dung sau:

- Ðánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên và các việc đột xuất. Báo cáo không liệt kê tên các hoạt động mà phải tập trung vào các mặt công tác chủ yếu của đơn vị trong tháng với các kết quả (có số liệu cụ thể), nhận xét tình hình, dự báo tình hình (nếu có);

- Nêu các trọng tâm công tác của đơn vị sẽ triển khai tháng tiếp theo;

- Những vấn đề cần đề xuất với Bộ trưởng, Thứ trưởng giải quyết hoặc kiến nghị lên Chính phủ xem xét, giải quyết.

b. Báo cáo gửi về Văn phòng Bộ trước 16 giờ 00 ngày 17 hàng tháng. Văn phòng Bộ chịu trách nhiệm tổng hợp thành bản Báo cáo của Bộ, trình Bộ trưởng duyệt ký để gửi lên Văn phòng Chính phủ trước ngày 20 hàng tháng.

3. Báo cáo 6 tháng đầu năm

a. Nội dung báo cáo:

- Các đơn vị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch, Chương trình công tác của Ðơn vị trong 6 tháng đầu năm (có số liệu cụ thể), những tồn tại và các biện pháp cần khắc phục.

- Nêu Kế hoạch, Chương trình công tác 6 tháng cuối năm;

- Nhũng vấn đề cần đề xuất với Bộ trưởng, Thứ trưởng giải quyết hoặc kiến nghị lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.

b. Báo cáo gửi về Vụ Kế hoạch-Tài chính trước ngày 10 tháng 6 hàng năm. Vụ Kế hoạch-Tài chính chịu trách nhiệm tổng hợp thành bản Báo cáo của Bộ, trình Bộ trưởng duyệt ký để gửi lên Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch-Ðầu tư và Tổng cục thống kê trước ngày 15 tháng 6 hàng năm.

4. Báo cáo năm

a. Nội dung báo cáo:

- Các đơn vị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình công tác

trong năm, nêu kết quả đạt được các mặt công tác, các đề án (có số liệu cụ thể), những tồn tại, nguyên nhân và các biện pháp khắc phục, đề xuất, kiến nghị;

- Tình hình quản lý ngân sách y tế;

- Xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của đơn vị trong năm tới.

b. Báo cáo gửi về Vụ Kế hoạch-Tài chính trước ngày 15 tháng 10 hàng năm. Vụ Kế hoạch -Tài chính chịu trách nhiệm tổng hợp thành bản Báo cáo của Bộ, trình Bộ trưởng duyệt ký để gửi lên Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan trước ngày 30 tháng 10 hàng năm.

5. Báo cáo đột xuất

a. Khi có các sự việc đột xuất, quan trọng xẩy ra thuộc trách nhiệm quản lý của Ngành mà cần thiết phải báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên thì tuỳ theo từng sự việc cụ thể, Bộ trưởng, Thứ trưởng sẽ giao cho đơn vị chịu trách nhiệm làm Báo cáo với yêu cầu về nội dung gồm:

- Tóm tắt tình hình diễn biến và các ảnh hưởng của sự việc và nguyên nhân phát sinh;

- Những biện pháp xử lý và kết quả xử lý;

- Những đề nghị, kiến nghị lên cấp trên.

b. Báo cáo phải hoàn thành khẩn trương theo thời gian quy định từng trường hợp cụ thể, trình Bộ trưởng phê duyệt và gửi lên cơ quan cấp trên bằng phương tiện thông tin nhanh nhất.

6. Báo cáo chuyên đề

- Báo cáo chuyên đề áp dụng đối với những chương trình, đề án, những cơ chế chính sách, công tác đặc biệt, quan trọng theo yêu cầu của các cơ quan cấp trên.

- Chánh Văn phòng Bộ được thừa lệnh Bộ trưởng thông báo cho đơn vị liên quan có trách nhiệm làm Báo cáo theo yêu cầu nội dung của Báo cáo chuyên đề.

Chương VII

ÐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Ðiều 24. Tổ chức triển khai, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy chế

1. Bộ trưởng, Thứ trưởng, Lãnh đạo và cán bộ, công chức các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ Y tế chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

2. Chánh Văn phòng Bộ chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế và định kỳ (6 tháng, 1 năm) báo cáo Bộ trưởng.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì cần bổ sung, sửa đổi Quy chế thì Chánh Văn phòng Bộ tổng hợp ý kiến đề xuất của các Thứ trưởng và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ để báo cáo Bộ trưởng xem xét giải quyết.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 4224/2003/QĐ-BYT về Quy chế làm việc của Cơ quan Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu: 4224/2003/QĐ-BYT
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Y tế
Người ký: Trần Thị Trung Chiến
Ngày ban hành: 11/08/2003
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [3]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 4224/2003/QĐ-BYT về Quy chế làm việc của Cơ quan Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [4]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…