ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3447/QĐ-UBND |
Thanh Hóa, ngày 04 tháng 9 năm 2021 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 47/2019/QH14 ngày 22/11/2019;
Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về việc hướng dẫn nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 07/01/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính năm 2021;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 1566/TTr-SKHCN ngày 31 tháng 8 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thông qua phương án đơn giản hóa 01 thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hoạt động khoa học và công nghệ thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa (có Phụ lục kèm theo).
Điều 2. Giao Sở Khoa học và Công nghệ dự thảo Báo cáo kết quả rà soát, đánh giá thủ tục hành chính của UBND tỉnh kèm theo Phương án đơn giản hóa đã được thông qua tại Quyết định này, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt gửi Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC
HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 3447/QĐ-UBND ngày 04/09/2021 của Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa)
Thủ tục: Bổ nhiệm giám định viên tư pháp
1.1. Tên thủ tục hành chính
Đề nghị sửa lại tên thủ tục hành chính từ thủ tục “Bổ nhiệm giám định viên pháp y” thành “Thủ tục bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ”.
Lý do: Theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Thông tư số 35/2014/TT-BKHCN ngày 11/12/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về giám định tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ thì thủ tục hành chính có tên gọi là “Thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp”.
Tuy nhiên, hiện nay theo quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì thủ tục này đã được sửa thành “Thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp và cấp thẻ giám định viên tư pháp”. Do đó, để thuận tiện cho các tổ chức cá nhân trong quá trình tra cứu, thực hiện thủ tục hành chính, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, sửa đổi Điều 6, Điều 7 Thông tư số 35/2014/TT-BKHNC ngày 11/12/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ để đảm bảo phù hợp với Luật Giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung năm 2020, đồng thời bổ sung thêm cụm từ “trong hoạt động khoa học và công nghệ” đối với thủ tục này để tránh nhầm lẫn với thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong các lĩnh vực khác.
1.2. Trình tự thực hiện
Hiện nay trình tự thực hiện đối với thủ tục này tại các văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định phù hợp và thống nhất. Cụ thể:
- Tại Luật Giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung năm 2020 và Thông tư số 11/2020/TT-BTP ngày 31/12/2020 của Bộ Tư pháp quy định về mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp có quy định thêm trình tự cấp thẻ giám định viên tư pháp. Tuy nhiên tại Thông tư số 35/2014/TT-BKHCN ngày 11/12/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ thì chưa có quy định về việc cấp thẻ.
- Việc bổ nhiệm và cấp thẻ được quy định tại Khoản 5 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung năm 2020 và Điều 6, Điều 8 Thông tư số 11/2020/TT-BTP ngày 31/12/2020 của Bộ Tư pháp có nhiều điểm không hợp lý. Theo đó, trình tự thực hiện như sau: Cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh tiếp nhận hồ sơ, xin ý kiến Sở Tư pháp, sau đó trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ gửi về Sở Tư pháp. Sở Tư pháp sẽ thực hiện việc cấp thẻ giám định viên. Như vậy, cơ quan chuyên môn sẽ tham mưu chính về hồ sơ bổ nhiệm (thẩm định, lưu trữ hồ sơ bổ nhiệm), còn việc cấp thẻ do Sở Tư pháp thực hiện (phôi thẻ, số thẻ) và cùng một thủ tục hành chính nhưng do 02 cơ quan phụ trách tham mưu. Việc quy định như vậy là không hợp lý. Hơn nữa, việc cơ quan chuyên môn nhận hồ sơ mà Sở Tư pháp lại trả kết quả là không phù hợp với quy định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 11/2020/TT-BTP ngày 31/12/2020 của Bộ Tư pháp, việc cấp mới thẻ giám định viên tư pháp được thực hiện đồng thời với thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp và nộp hồ sơ tại cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (Ví dụ: Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ...). Tuy nhiên việc cấp lại thẻ giám định viên tư pháp theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 11/2020/TT-BTP ngày 31/12/2020 của Bộ Tư pháp thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ lại là Sở Tư pháp. Việc quy định như vậy là không phù hợp.
Mặt khác, xét từ tính chất, mức độ ảnh hưởng thì việc cấp thẻ giám định viên nên giao cho các Sở quản lý chuyên ngành thực hiện sẽ phù hợp và thuận lợi hơn. Đặc biệt khi thực hiện cấp lại thẻ không phải trình Chủ tịch UBND tỉnh ký mà Sở quản lý chuyên ngành sẽ thực hiện luôn.
Từ những lý do trên, để tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của đơn vị tham mưu, giảm áp lực cho người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh và phù hợp với định hướng chung của Nghị quyết đại hội toàn quốc lần thứ 13 về tăng cường phân cấp, ủy quyền, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, sửa đổi lại trình tự thực hiện theo hướng giao cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh tham mưu phụ trách thẩm định hồ sơ bổ nhiệm và thực hiện cấp mới và cấp lại thẻ theo ngành, lĩnh vực quản lý. Ví dụ: Giám định viên tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ do Sở Khoa học và Công nghệ phụ trách; Giám định viên pháp y, giám định viên tâm thần do Sở Y tế phụ trách; giám định viên về xây dựng do Sở Xây dựng phụ trách; Sở Tư pháp chỉ tham gia phối hợp, cho ý kiến, thực hiện quản lý nhà nước chung về lĩnh vực giám định tư pháp (nhận báo cáo từ các cơ quan chuyên môn để báo cáo Bộ Tư pháp); Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định bổ nhiệm. Việc quy định theo hướng này cũng đảm bảo phù hợp và thống nhất từ Trung ương, vì theo quy định tại Luật Giám định sửa đổi, bổ sung năm 2020 và Thông tư số 11/2020/TT-BTP ngày 31/12/2020 của Bộ Tư pháp thì tại Trung ương, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp mới, cấp lại, thu hồi thẻ giám định viên theo lĩnh vực quản lý mà không phải do Bộ Tư pháp thực hiện.
1.3. Thành phần hồ sơ
- Đề nghị sửa thành phần hồ sơ “Công văn đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của Thủ trưởng đơn vị” tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 35/2014/TT-BKHCN ngày 11/12/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ thành: “Văn bản đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Luật Giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung hoặc đơn đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của cá nhân đã là giám định viên tư pháp nhưng bị miễn nhiệm do nghỉ hưu hoặc thôi việc để thành lập Văn phòng giám định tư pháp”. Lý do: để đảm bảo phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung năm 2020.
- Đề nghị bỏ thành phần hồ sơ “Phiếu lý lịch tư pháp” đối với trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp đang là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng (được quy định tại Khoản 3 Điều 7 Thông tư số 35/2014/TT-BKHCN ngày 11/12/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ).
Lý do: Tại Khoản 4 Điều 1 Luật giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định “Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp đang là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì không cần có Phiếu lý lịch tư pháp”. Do đó đề nghị bỏ thành phần hồ sơ “Phiếu Lý lịch tư pháp” đối với trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp đang là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng để đảm bảo phù hợp với quy định mới của Luật, giảm chi phí tuân thủ tục hành chính cho cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.
- Đề nghị bỏ thành phần hồ sơ: “Giấy xác nhận về thời gian thực tế hoạt động chuyên môn nơi người được đề nghị bổ nhiệm làm việc” quy định tại Khoản 4 Điều 7 Thông tư số 35/2014/TT-BKHCN ngày 11/12/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Lý do: Các nội dung trong Giấy xác nhận này bao gồm: họ tên, ngày tháng năm sinh, chỗ ở hiện nay, đơn vị công tác, lĩnh vực hoạt động chuyên môn, thời gian hoạt động, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp đã thể hiện tại Sơ yếu lý lịch. Do đó không cần thiết phải nộp “Giấy xác nhận về thời gian thực tế hoạt động chuyên môn nơi người được đề nghị bổ nhiệm làm việc” nữa.
- Đề nghị bổ sung quy định về thành phần hồ sơ: nộp 02 ảnh màu chân dung cỡ 2cm x 3cm (chụp trong thời gian 6 tháng gần nhất) để thực hiện việc cấp thẻ giám định viên tư pháp.
1.4. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 11/2020/TT-BTP ngày 31/12/2020 của Bộ Tư pháp thì việc cấp thẻ giám định viên tư pháp do Sở Tư pháp thực hiện tham mưu, giúp Chủ tịch UBND tỉnh trong việc cấp thẻ. Như vậy, trong cùng 1 thủ tục hành chính mà quy trình bổ nhiệm thì do Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu trình Chủ tịch ký quyết định; còn quy trình cấp thẻ lại do Sở Tư pháp tham mưu (quản lý phôi thẻ, số thẻ) trình Chủ tịch UBND tỉnh, việc quy định như vậy là bất hợp lý. Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính, tránh chồng chéo trong quá trình quản lý và giải quyết thủ tục hành chính, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp xem xét, sửa lại cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo hướng giao cho Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu cả việc bổ nhiệm và cấp thẻ, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ ra Quyết định bổ nhiệm và Sở Tư pháp chỉ tham gia phối hợp và quản lý nhà nước chung về giám định viên tư pháp. Theo đó:
- Cơ quan thực hiện: Sở Khoa học và Công nghệ;
- Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp;
- Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định bổ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện cấp thẻ giám định.
2.1. Đề nghị sửa đổi Điểm c Khoản 5 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung năm 2020, như sau:
“c) Bổ sung Khoản 4 vào sau Khoản 3 như sau:
“4. Người được bổ nhiệm giám định viên tư pháp được cấp thẻ giám định viên tư pháp.
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có thẩm quyền cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp.
- Mẫu thẻ được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
- Trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp thực hiện theo quy định của các Bộ, Cơ quan ngang bộ theo từng ngành, lĩnh vực quản lý”
2.2. Đề nghị sửa đổi Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 35/2014/TT-BKHCN ngày 11/12/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ (theo hướng bổ sung thêm bước cấp thẻ giám định viên để phù hợp với Luật Giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung năm 2020) như sau:
“2. Thủ tục bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp ở địa phương:
+ Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp pháp thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Khoa học và Công nghệ có văn bản hướng dẫn đơn vị hoặc cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ;
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định hồ sơ và xin ý kiến của Sở Tư pháp về hồ sơ bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, Sở Tư pháp có trách nhiệm cho ý kiến bằng văn bản gửi Khoa học và Công nghệ.
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản tham gia ý kiến của Sở Tư pháp, Khoa học và Công nghệ nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ bổ nhiệm. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày có Quyết định bổ nhiệm, Khoa học và Công nghệ thực hiện cấp thẻ giám định viên tư pháp. Trường hợp từ chối bổ nhiệm và cấp thẻ thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do từ chối”.
2.3. Đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 2 và bãi bỏ Khoản 4 Điều 7 Thông tư số 35/2014/TT-BKHCN ngày 11/12/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ, theo đó Điều 7 Thông tư số 35/2014/TT-BKHCN đề nghị sửa lại theo phương án như sau:
“Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên được lập thành 01 bộ, bao gồm:
1. Văn bản đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Luật Giám định tư pháp hoặc đơn đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của cá nhân đã là giám định viên tư pháp nhưng bị miễn nhiệm do nghỉ hưu hoặc thôi việc để thành lập Văn phòng giám định tư pháp.
2. Bản sao bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với lĩnh vực chuyên môn đề nghị bổ nhiệm
3. Sơ yếu lý lịch và phiếu lý lịch tư pháp;
Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp đang là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì không cần có Phiếu lý lịch tư pháp.
4. 02 ảnh màu chân dung cỡ 2cm x 3cm (chụp trong thời gian 6 tháng gần nhất)”.
2.4. Đề nghị bãi bỏ Điều 6 Thông tư số 11/2020/TT-BTP ngày 31/12/2020 của Bộ Tư pháp.
2.5. Đề nghị sửa đổi Khoản 3 Điều 8 Thông tư số 11/2020/TT-BTP ngày 31/12/2020 của Bộ Tư pháp theo phương án sau:
“Đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp lại thẻ giám định viên tư pháp.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp lại thẻ giám định viên tư pháp, Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được phân công làm đầu mối quản lý chung công tác giám định tư pháp trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định cấp lại thẻ giám định viên tư pháp; Giám đốc cơ quan chuyên môn thuộc UBND trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cấp lại thẻ giám định viên tư pháp.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp lại thẻ giám định viên tư pháp, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cấp lại thẻ giám định viên tư pháp; trường hợp từ chối thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Thẻ giám định viên tư pháp cấp lại trong trường hợp bị mất, bị hỏng được giữ nguyên số thẻ đã được cấp trước.
Thẻ giám định viên tư pháp cấp lại trong trường hợp thay đổi nội dung thông tin ghi trên thẻ được đánh số mới theo quy định tại Điều 4 Thông tư này”.
3. Lợi ích phương án đơn giản hóa
- Tỷ lệ cắt giảm sau đơn giản hóa: 50,017%.
- Tổng chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 801.758 đồng/năm.
- Tổng chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 400.740 đồng/năm.
- Tổng chi phí tiết kiệm: 401.018 đồng/năm.
Quyết định 3447/QĐ-UBND năm 2021 thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hoạt động khoa học và công nghệ thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa
Số hiệu: | 3447/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thanh Hóa |
Người ký: | Nguyễn Văn Thi |
Ngày ban hành: | 04/09/2021 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 3447/QĐ-UBND năm 2021 thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hoạt động khoa học và công nghệ thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa
Chưa có Video