Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 333/2004/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 06 tháng 04 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC CHUYỂN VƯỜN QUỐC GIA CÁT BÀ VỀ THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG QUẢN LÝ 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001.
Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày 12 tháng 8 năm 1991.
Căn cứ Luật Đất đai ngày 14 tháng 7 năm 1993, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đất đai ngày 02 tháng 12 năm 1998, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ngày 29 tháng 6 năm 2001.
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý đầy tư và xây dựng và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng; Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2003 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ.
Xét đề nghị của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng (tờ trình số 38/TT-UB ngày 01 tháng 10 năm 2002, công văn số 5358/CV-UB ngày 24 tháng 11 năm 2003 và công văn số 915/CV-UB ngày 03 tháng 3 năm 2004), ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Chuyển Vườn quốc gia Cát Bà hiện đang thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý về Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng quản lý.

Điều 2. Đồng ý về nguyên tắc, cho phép thành phố Hải Phòng chuẩn bị các điều kiện và làm các thủ tục để đề nghị UNESCO công nhận quần đảo Cát Bà là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (trong hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam), bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Tên gọi: Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà.

2. Vị trí và toạ độ địa lý:

- Vị trí địa lý: Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà thuộc huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng; phía Bắc giáp vịnh Hạ Long, phía Tây giáp đảo Cát Hải, phía Đông và phía Nam giáp biển Đông.

- Toạ độ địa lý: Từ 200 42' 40'' đến 200 52'45'' Vĩ độ Bắc.

Từ 1060 54' 11'' đến 1070 07' 05'' Kinh độ Đông.

3. Diện tích: Tổng diện tích tự nhiên là: 26.240 ha, trong đó:

- Diện tích đất đảo là 17.040 ha.

- Diện tích mặt nước biển là 9.200 ha.

4. Các phân vùng chức năng:

- Vùng lõi: Có hai vùng lõi. Vùng lõi phía Đông Nam có 6.900 ha (trong đó có 5.300 ha thuộc phần đảo, 1.600 ha thuộc phần biển) và vùng lõi phía Tây Bắc có 1.600 ha (trong đó 1.200 ha thuộc phần đảo, 400 ha thuộc phần biển). Đây là vùng phải được tổ chức quản lý bảo vệ nghiêm ngặt.

- Vùng đệm: Có hai vùng đệm. Vùng đệm trung tâm nằm giữa vùng lõi Đông Nam (vùng đệm Việt Hải) có 141 ha và vùng đệm tiếp giáp có 7.600 ha (trong đó có 4.800 ha thuộc phần đảo và 2.800 ha thuộc phần biển). Đây là vùng có chức năng phát triển điều hoà, tôn trọng hiện trạng, phù hợp với tiêu chí bảo tồn của vùng lõi, vì vậy phải bảo đảm sự phát triển có hạn định trong vùng này.

- Vùng Chuyển tiếp: Có hai vùng chuyển tiếp. Vùng chuyển tiếp phía Bắc (xã Gia Luận) có 1.300 ha (trong đó có 1.000 ha thuộc phần đảo và 300 ha thuộc phần biển) và vùng chuyển tiếp phía Nam có 8.700 ha (trong đó 4.500 ha thuộc phần đảo và 4.200 ha thuộc phần biển). Đặc điểm của vùng chuyển tiếp này là nơi tập trung dân cư đông, hiện đang sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp và khai thác thuỷ sản, nên chú trọng khuyến khích phát triển cộng đồng, hướng các dự án vào phát triển nông nghiệp, nông thôn trong đó có nuôi trồng thuỷ sản, thu hút một bộ phận dân cư chuyển sang dịch vụ du lịch và đào tạo những lao động có tay nghề, kỹ thuật cao về đánh bắt hải sản để phát triển nghề cá khơi.

5. Mục tiêu nhiệm vụ:

- Khai thác hợp lý tiềm năng, nguồn lợi to lớn của Khu Dự trữ sinh quyển, gắn liền với kiểm soát chất lượng môi trường, lợi ích cộng đồng để phát triển bền vững về kinh tế xã hội, đặc biệt là phát triển ngành du lịch và ngành thuỷ sản.

- Bảo tồn tính đa dạng hệ sinh thái quần đảo biển vùng Đông Bắc của Việt Nam và bảo tồn các nguồn gen bao gồm các nguồn gen quý hiếm, đặc hữu tiêu biểu, đại diện cho toàn khu vực Cát Bà -Hạ Long; đại diện cho toàn bộ hệ thống đảo đá vôi của Việt Nam cả về sinh thái, cảnh quan, địa hình karst; bảo vệ và phát triển hệ sinh thái thực vật ngập mặn, phục hồi và phát triển hệ sinh thái san hô, cỏ biển.

6. Về tổ chức bộ máy:

Sắp xếp tổ chức lại bộ máy quản lý và đội ngũ cán bộ công nhân viên chức của Vườn quốc gia Cát Bà để phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn và khai thác Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà và Vườn quốc gia Cát Bà theo đúng các quy định của Nhà nước.

7. Vốn đầu tư xây dựng:

Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà và Vườn quốc gia Cát Bà được ngân sách Nhà nước cấp theo quy định hiện hành (đối với các khu bảo tồn thiên nhiên) và được tiếp nhận các nguồn viện trợ của các nước, các tổ chức quốc tế và trong nước để thực hiện các nội dung đầu tư, xây dựng, quản lý, phát triển và khai thác Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà và Vườn Quốc gia Cát Bà theo đúng quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 3. Giao Bộ Tài chính hướng dẫn và kiểm tra việc ghi tăng, giảm vốn tài sản để bàn giao Vườn quốc gia Cát Bà theo đúng quy định hiện hành.

Điều 4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

- Bàn giao Vườn quốc gia Cát Bà cho Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng quản lý để thống nhất với việc quản lý Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà.

- Hướng dẫn Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Quy chế hoạt động và nhiệm vụ cụ thể của Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà và Vườn quốc gia Cát Bà phù hợp với quy định tại Quyết định số 08/2001/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên và phù hợp với các quy định của Nhà nước có liên quan.

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà và Vườn quốc gia Cát Bà theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thuỷ sản, Tài chính, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng, Công an, Nội vụ, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Thủ trưởng các Bộ, ngành liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP.
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư.
 Thuỷ sản, NN& PTNT, Tài nguyên và MT,
 Khoa học và CN, Tài chính, Ngoại giao,
 Quốc phòng, Công an, Nội vụ
- Tổng cục Du lịch.
- Văn phòng Quốc hội,
- Văn phòng Chủ tịch nước.
- Văn phòng TW Đảng.
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
 - Toà án nhân dân tối cao.
- HĐND, UBND thành phố Hải Phòng.
 - Công báo.
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cục.
 - Lưu NN, VT.

KT.THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
 



Nguyễn Tấn Dũng

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 333/2004/QĐ-TTg về việc chuyển Vườn quốc gia Cát Bà về thành phố Hải Phòng quản lý do Thủ Tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu: 333/2004/QĐ-TTg
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 06/04/2004
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [1]
Văn bản được căn cứ - [6]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 333/2004/QĐ-TTg về việc chuyển Vườn quốc gia Cát Bà về thành phố Hải Phòng quản lý do Thủ Tướng Chính phủ ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…