ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3225/QĐ-UBND |
Thanh Hóa, ngày 12 tháng 9 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÔNG QUA PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ; NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ, AN TOÀN BỨC XẠ VÀ HẠT NHÂN THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH THANH HÓA
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 47/2019/QH14 ngày 22/11/2019;
Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về việc hướng dẫn nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Quyết định số 4657/QĐ-UBND ngày 26/12/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính năm 2023;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 1448/TTr-SKHCN ngày 31 tháng 8 năm 2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thông qua phương án đơn giản hóa 04 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa (có Phụ lục kèm theo).
Điều 2. Giao Sở Khoa học và Công nghệ dự thảo Báo cáo kết quả rà soát, đánh giá thủ tục hành chính của UBND tỉnh kèm theo Phương án đơn giản hóa đã được thông qua tại Quyết định này, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt gửi Bộ Khoa học và Công nghệ.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
PHỤ LỤC
PHƯƠNG
ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG
NGHỆ; NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ, AN TOÀN BỨC XẠ VÀ HẠT NHÂN THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI
QUYẾT CỦA SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH THANH HÓA
(kèm theo Quyết định số: 3225/QĐ-UBND ngày 12/9/2023 của Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh Thanh Hóa)
1. Thủ tục Gia hạn giấy phép tiến hành công việc bức xạ - sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế (Mã TTHC: 2.002381.000.00.00.H56)
1.1. Nội dung đơn giản hóa
- Đề nghị bỏ thành phần hồ sơ “Bản sao giấy phép đã được cấp hoặc sắp hết hạn”
Lý do: Cơ quan có thẩm quyền cấp phép cũng chính là cơ quan có thẩm quyền cấp gia hạn và giấy phép sau khi được cấp thì được lưu trữ tại cơ quan cấp phép (theo quy định tại khoản 4 Điều 78 Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008). Đồng thời, trong đơn đề nghị gia hạn có ghi thông tin số giấy phép, ngày cấp, thời hạn nên dễ dàng trong việc tra cứu tại kho lưu trữ. Do đó, khi đề nghị cấp gia hạn không cần thiết phải nộp lại bản sao giấy phép đã được cấp.
- Đề nghị bỏ thành phần hồ sơ “Phiếu khai báo đối với nhân viên bức xạ hoặc người phụ trách an toàn bức xạ (nếu có thay đổi so với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép gần nhất)” và “Báo cáo đánh giá an toàn bức xạ theo mẫu tương ứng quy định tại Phụ lục V Nghị định số 142/NĐ-CP (nếu có thay đổi so với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép gần nhất).”
Lý do: Theo quy định tại Điều 20 Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 thì định kỳ hàng năm hoặc khi có yêu cầu của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân, tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải lập báo cáo thực trạng an toàn tiến hành công việc bức xạ gửi đến cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân. Trong báo cáo thực trạng an toàn tiến hành công việc bức xạ đã bao gồm nội dung những thay đổi so với hồ sơ xin cấp giấy phép (nếu có). Như vậy nếu có sự thay đổi thì đơn vị đã có báo cáo trong báo cáo thực trạng an toàn tiến hành công việc bức xạ hàng năm.
1.2. Kiến nghị thực thi:
Bãi bỏ điểm b, e, g khoản 3 Điều 30 Nghị định số 142/2020/NĐ-CP ngày 09/12/2020 của Chính phủ quy định về việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử.
1.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 59.310.706 đồng/năm.
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 39.981.681 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 19.329.025 đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí sau đơn giản hóa: 32,59%.
2. Thủ tục Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lần đầu của tổ chức Khoa học và Công nghệ (Mã TTHC: 1.001786.000.00.00.H56)
2.1. Nội dung đơn giản hóa
a) Về cách thức thực hiện: Bổ sung cách thức trực tuyến
Lý do: Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định cách thức thực hiện là trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện. Tuy nhiên, xét thấy thành phần hồ sơ đơn giản, dễ thực hiện, đồng thời phù hợp với giai đoạn chuyển đổi số, tiết kiệm thời gian chi phí cho công dân nên việc quy định bổ sung cách thức thực hiện “trực tuyến” là hoàn toàn phù hợp.
b) Về Thành phần hồ sơ:
+ Bỏ thành phần hồ sơ “Đơn đề nghị được làm việc chính thức”
Lý do: Đơn đề nghị được làm việc chính thức đã được nộp cho Tổ chức Khoa học và Công nghệ theo dõi, quản lý mà không cần thiết phải nộp cho cơ quan nhà nước; đồng thời nhân lực làm việc chính thức đã được liệt kê tại danh sách nhân lực (mẫu 08 kèm theo Thông tư số 03/2014/TT-BKHCN). Mặt khác, người đứng đầu tổ chức đương nhiên hoạt động theo chế độ chính thức không phải chế độ kiêm nhiệm (do là người chịu tư cách pháp nhân, chủ tài khoản...).
+ Bỏ thành phần hồ sơ “Đơn đề nghị được làm việc kiêm nhiệm”.
Lý do: Nhân lực làm việc kiêm nhiệm đã được liệt kê tại Bảng Danh sách nhân lực (mẫu 08 kèm theo Thông tư số 03/2014/TT-BKHCN) và đơn này được nộp cho Tổ chức KH&CN để quản lý, theo dõi mà không cần thiết phải nộp cho cơ quan nhà nước.
c) Số lượng hồ sơ: Sửa đổi 02 bộ thành 01 bộ.
Lý do: Việc yêu cầu nộp 02 bộ hồ sơ là không phù hợp, gây tốn kém cho tổ chức. Cơ quan nhà nước chỉ cần 01 bản để đối soát trong quá trình xử lý công việc và phù hợp với cách thức nộp trực tuyến.
d) Mẫu đơn:
+ Đề nghị bổ sung nội dung “Lĩnh vực hoạt động chủ yếu và lĩnh vực khác” vào mục 5 của mẫu “Đơn đăng ký hoạt động KH&CN” ban hành kèm theo Thông tư số 15/2023/TT-BKHCN.
Lý do: Để làm rõ nội dung đăng ký lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ, có căn cứ xác định nhân lực hoạt động chủ yếu và nhân lực ngoài lĩnh vực chủ yếu quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP. Thực tế, khi tổ chức nộp hồ sơ thường không ghi rõ ràng, cụ thể lĩnh vực hoạt động chính nên khó khăn cho cơ quan nhà nước trong thẩm định hồ sơ.
+ Đề nghị bổ sung mẫu Điều lệ hoạt động của tổ chức KH&CN do các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và doanh nghiệp thành lập.
Lý do: Hiện nay chưa có mẫu Điều lệ hoạt động của tổ chức KH&CN dạng này nên đang vận dụng Nghị định số 08/2014/NĐ-CP và mẫu số 7 kèm theo Thông tư số 03/2014/TT-BKHCN. Để tổ chức, cá nhân dễ dàng hơn trong việc lập hồ sơ và cơ quan nhà nước thuận lợi hơn trong tiếp nhận hồ sơ thì việc quy định mẫu Điều lệ hoạt động là cần thiết, đảm bảo thống nhất dùng chung.
2.2. Kiến nghị thực thi:
- Sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ như sau:
“a) Hồ sơ đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ được lập thành 01 (một) bộ và gửi đến cơ quan có thẩm quyền đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại Điều 8 Nghị định này bằng đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp hoặc trực tuyến”.
- Bổ sung vào mục 5 của mẫu “Đơn đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ” tại Mẫu 5 phụ lục kèm theo Thông tư số 15/2023/TT-BKHCN ngày 26/7/2023 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2011/TT-BKHCN và Thông tư số 03/2014/TT-BKHCN, như sau:
“5. Lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ: ghi tóm tắt (căn cứ vào quyết định thành lập và điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức)
– Lĩnh vực hoạt động chủ yếu: …..;
- Lĩnh vực khác: …..”
- Tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 15/2023/TT-BKHCN ngày 26/7/2023 của Bộ trưởng KH&CN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2011/TT-BKHCN và Thông tư số 03/2014/TT-BKHCN, bỏ: “Đơn đề nghị được làm việc chính thức theo Mẫu 9 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này” và bỏ “Đơn đề nghị được làm việc kiêm nhiệm theo Mẫu 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này”.
- Bổ sung mẫu Điều lệ hoạt động của tổ chức KH&CN do các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và doanh nghiệp thành lập vào Mẫu 7 Phụ lục kèm theo Thông tư 03/2014/TT- BKHCN ngày 31/3/2014 Bộ trưởng Bộ KH&CN hướng dẫn điều kiện thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ, văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ.
2.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 19.383.740 đồng/năm.
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 15.468.460 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 3.915.280 đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí sau đơn giản hóa: 20,2%.
3. Thủ tục Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của tổ chức Khoa học và Công nghệ (Mã TTHC: 1.001770.000.00.00.H56)
3.1. Nội dung đơn giản hóa
a) Về cách thức thực hiện: Bổ sung cách thức trực tuyến
Lý do: Theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định cách thức thực hiện là trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện. Tuy nhiên, xét thấy thành phần hồ sơ đơn giản, dễ thực hiện, đồng thời phù hợp với giai đoạn chuyển đổi số, tiết kiệm thời gian chi phí cho công dân nên việc quy định bổ sung cách thức thực hiện “trực tuyến” là hoàn toàn phù hợp.
b) Thành phần hồ sơ:
+ Bỏ thành phần hồ sơ “Xác nhận của cơ quan công an”
Lý do: Theo quy định, tổ chức bị mất giấy chứng nhận đã cấp phải khai báo với cơ quan công an nơi mất và xin xác nhận. Tuy nhiên, cơ quan công an không thể xác minh được chính xác việc mất giấy tờ trên địa bàn là đúng sự thật hay không và không gắn trách nhiệm này cho cơ quan công an được. Do đó, việc xin xác nhận của cơ quan công an là không phù hợp.
+ Bỏ thành phần hồ sơ “Giấy biên nhận của cơ quan báo, đài đã đăng thông báo này”.
Lý do: Theo quy định, việc mất giấy chứng nhận yêu cầu tổ chức phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, thực hiện thông báo về việc mất giấy tờ tại các cơ quan báo đài không mang lại hiệu quả thực tế. Cần tăng tính tự chịu trách nhiệm của tổ chức về việc mất Giấy chứng nhận. Tại Tờ khai, tổ chức đã cam kết chịu trách nhiệm trước thông tin đã khai và Giấy chứng nhận cấp trước đó và Giấy chứng nhận mới đều do cùng một cơ quan nhà nước cấp nên có tài liệu lưu trữ.
Do đó, Giấy Xác nhận của cơ quan công an và Giấy biên nhận của cơ quan báo, đài đã đăng thông báo này không có giá trị bảo đảm cho việc mất giấy chứng nhận là thật hay giả.
c) Số lượng hồ sơ: Sửa đổi 02 bộ thành 01 bộ.
Lý do: Việc yêu cầu nộp 02 bộ hồ sơ là không phù hợp, gây tốn kém cho tổ chức. Cơ quan nhà nước chỉ cần 01 bản để đối soát trong quá trình xử lý công việc và phù hợp với cách thức nộp trực tuyến.
3.2. Kiến nghị thực thi:
- Sửa đổi khoản 2, 3 Điều 10 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ như sau:
“2. Đối với trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, hồ sơ bao gồm:
a) Đơn của tổ chức khoa học và công nghệ;
b) Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ đã được cấp đối với trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ bị rách, nát.
“3. Hồ sơ đề nghị thay đổi, bổ sung, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ được lập thành 01 (một) bộ và gửi đến cơ quan có thẩm quyền đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại Điều 8 Nghị định này bằng đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp hoặc trực tuyến…”.
- Sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 7 Thông tư 03/2014/TT-BKHCN ngày 31/3/2014 Bộ trưởng Bộ KH&CN hướng dẫn điều kiện thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ, văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ như sau:
“2. Đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận:
a) Trường hợp mất Giấy chứng nhận, hồ sơ gồm có:
- Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận của tổ chức khoa học và công nghệ theo Mẫu 13 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này”.
3.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 2.820.345 đồng/năm.
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 999.690 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 1.820.655 đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí sau đơn giản hóa: 64,5%.
4. Thủ tục thay đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của tổ chức Khoa học và Công nghệ (Mã TTHC: 1.001747.000.00.00.H56)
4.1. Nội dung đơn giản hóa
a) Về cách thức thực hiện: Bổ sung cách thức trực tuyến
Lý do: Theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định cách thức thực hiện là trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện. Tuy nhiên, xét thấy thành phần hồ sơ đơn giản, dễ thực hiện, đồng thời phù hợp với giai đoạn chuyển đổi số, tiết kiệm thời gian chi phí cho công dân nên việc quy định bổ sung cách thức thực hiện “trực tuyến” là hoàn toàn phù hợp.
b) Số lượng hồ sơ: Sửa đổi 02 bộ thành 01 bộ.
Lý do: Việc yêu cầu nộp 02 bộ hồ sơ là không phù hợp, gây tốn kém cho tổ chức. Cơ quan nhà nước chỉ cần 01 bản để đối soát trong quá trình xử lý công việc và phù hợp với cách thức nộp trực tuyến.
4.2. Kiến nghị thực thi:
- Sửa đổi khoản 3 Điều 10 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ như sau: “3. Hồ sơ đề nghị thay đổi, bổ sung, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ được lập thành 01 (một) bộ và gửi đến cơ quan có thẩm quyền đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại Điều 8 Nghị định này bằng đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp hoặc trực tuyến…”.
4.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 8.205.575 đồng/năm.
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 6.531.083 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 1.674.492 đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí sau đơn giản hóa: 20,41%./.
Quyết định 3225/QĐ-UBND năm 2023 thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa
Số hiệu: | 3225/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thanh Hóa |
Người ký: | Nguyễn Văn Thi |
Ngày ban hành: | 12/09/2023 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 3225/QĐ-UBND năm 2023 thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa
Chưa có Video