UỶ BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 291/2014/QĐ-UBND |
Bắc Ninh, ngày 27 tháng 6 năm 2014 |
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỨC THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 23/11/2009;
Căn cứ Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ;
Căn cứ Nghị quyết số 121/2014/NQ-HĐND17 ngày 24/4/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định mức thu, quản lý, sử dụng quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh;
Xét đề nghị của Bộ CHQS tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Quy định mức thu, quản lý và sử dụng quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. UBND TỈNH |
MỨC THU, QUẢN LÝ
VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định
số 291/2014/QĐ-UBND ngày 27 tháng 6 năm 2014 của UBND tỉnh Bắc Ninh)
Quy định này quy định mức thu, quản lý và sử dụng quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Quỹ quốc phòng - an ninh được lập ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã), do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hộ gia đình đang hoạt động, cư trú trên địa bàn tự nguyện đóng góp để hỗ trợ cho xây dựng, huấn luyện, hoạt động của Dân quân tự vệ và các hoạt động giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cấp xã.
Quỹ quốc phòng - an ninh tiếp nhận mọi khoản đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
Điều 2. Đối tượng vận động đóng góp quỹ quốc phòng - an ninh
1. Cơ quan, nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp.
2. Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đóng trên địa bàn tỉnh.
3. Hộ gia đình cư trú trên địa bàn tỉnh.
4. Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
1. Đối tượng không thuộc diện vận động đóng góp quỹ quốc phòng - an ninh, gồm:
Hộ gia đình có người là thương binh, hưởng chính sách như thương binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng; gia đình liệt sỹ; gia đình có người nhiễm chất độc da cam/dioxin không còn khả năng lao động; hộ gia đình làm nông nghiệp hết tuổi lao động; hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo hiện hành, người khuyết tật được trợ cấp xã hội; người hưởng chính sách bảo trợ xã hội.
Các đối tượng quy định tại khoản 1 điều này nếu tự nguyện tham gia đóng góp quỹ quốc phòng - an ninh thì được khuyến khích và tiếp nhận.
2. Đối tượng tạm dừng vận động đóng góp quỹ quốc phòng - an ninh gồm:
a) Hộ gia đình cư trú trên địa bàn cấp xã nơi bị thiên tai, dịch bệnh hoặc thảm hoạ nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân.
b) Cơ quan, tổ chức bị thiên tại, hoả hoạn hoặc thảm hoạ khác ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền xem xét, quyết định việc tạm dừng vận động đóng góp quỹ quốc phòng - an ninh đối với các trường hợp quy định tại điểm a, b khoản này.
Điều 4. Nguyên tắc vận động thu, quản lý, sử dụng quỹ quốc phòng - an ninh
1. Quỹ quốc phòng - an ninh do UBND cấp xã tổ chức quản lý thống nhất, quỹ được mở tài khoản riêng tại kho bạc Nhà nước (kho bạc nhà nước nơi UBND cấp xã mở tài khoản thu, chi ngân sách cấp xã) để theo dõi, quản lý.
2. Việc vận động thu quỹ quốc phòng - an ninh theo quy định của pháp luật. Việc đóng góp quỹ quốc phòng - an ninh thực hiện theo nguyên tắc công bằng, dân chủ, công khai, đúng pháp luật.
3. Việc quản lý, sử dụng quỹ quốc phòng - an ninh theo nguyên tắc dân chủ, công khai, hiệu quả, tiết kiệm, đúng nội dung, mục đích, chế độ quy định.
MỨC ĐÓNG GÓP QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH
Đơn vị cấp Trung ương, cấp tỉnh: 300.000 đồng/đơn vị/năm.
Đơn vị cấp huyện: 200.000 đồng/đơn vị/năm.
Điều 6. Mức vận động đóng góp đối với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế
Doanh nghiệp có bậc thuế môn bài bậc 1: 2.000.000 đồng/đơn vị/năm.
Doanh nghiệp có bậc thuế môn bài bậc 2: 1.500.000 đồng/đơn vị/năm.
Doanh nghiệp có bậc thuế môn bài bậc 3: 1.000.000 đồng/đơn vị/năm.
Doanh nghiệp có bậc thuế môn bài bậc 4: 600.000 đồng/đơn vị/năm.
Điều 7. Mức vận động đóng góp đối với hộ gia đình
1. Hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ:
Hộ gia đình có bậc thuế môn bài bậc 1: 120.000 đồng/hộ/năm.
Hộ gia đình có bậc thuế môn bài bậc 2: 100.000 đồng/hộ/năm.
Hộ gia đình có bậc thuế môn bài bậc 3: 80.000 đồng/hộ/năm.
Hộ gia đình có bậc thuế môn bài bậc 4, 5, 6: 60.000 đồng/hộ/năm.
2. Hộ gia đình không có hoạt động sản xuất, kinh doanh:
Hộ gia đình ở các phường, thị trấn: 40.000 đồng/hộ/năm.
Hộ gia đình ở các xã: 20.000 đồng/hộ/năm.
Điều 8. Đối với những trường hợp khác
1. Cá nhân trong và ngoài tỉnh, tổ chức ngoài tỉnh: Mức vận động đóng góp quỹ quốc phòng - an ninh dựa vào khả năng đóng góp của cá nhân, tổ chức.
2. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân tự nguyện đóng góp cao hơn mức vận động tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 của quy định này thì được khuyến khích và thu theo mức tự nguyện đóng góp.
VẬN ĐỘNG ĐÓNG GÓP, THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH
Điều 9. Vận động đóng góp, thu quỹ quốc phòng - an ninh
1. Hàng năm, UBND cấp xã chủ trì phối hợp với Uỷ ban Mặt Trận tổ quốc cấp xã và các tổ chức đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động đóng góp quỹ quốc phòng - an ninh.
2. Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự, Trưởng công an, công chức Tài chính - Kế toán, công chức Văn hoá - xã hội cấp xã có trách nhiệm tham mưu, giúp UBND cùng cấp tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, thu quỹ quốc phòng - an ninh theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trưởng Thôn, khu phố, tổ dân phố có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị cấp xã trong việc tuyên truyền, vận động thu quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
3. Tuỳ tình hình thực tiễn địa phương, UBND cấp xã quyết định phương thức và thời gian vận động thu quỹ quốc phòng - an ninh cho phù hợp.
4. Việc thu tiền đóng góp quỹ quốc phòng - an ninh phải có biên lai thu tiền theo mẫu thống nhất và phải giao biên lai thu tiền cho người nộp tiền theo quy định.
Điều 10. Nội dung chi quỹ quốc phòng - an ninh
1. Quỹ quốc phòng - an ninh cùng với nguồn ngân sách và các nguồn thu hợp pháp khác của cấp xã phục vụ công tác quốc phòng, an ninh được chi cho các nội dung sau:
a) Đăng ký, quản lý, xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ.
b) Xây dựng phương án Dân quân tự vệ tham gia hoạt động khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện, hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự ở cấp xã.
c) Tập huấn, huấn luyện, diễn tập và hội diễn, hội thao quốc phòng.
d) Tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cấp xã.
đ) Tuần tra, canh gác, kiểm tra, kiểm soát địa bàn và phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự cơ sở.
e) Mua sắm trang thiết bị cần thiết phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh ở cấp xã.
g) Hỗ trợ tiền ăn, tiền ngày công lao động trong thời gian được huy động làm nhiệm vụ theo quy định tại Điều 8 Luật Dân quân tự vệ, được cụ thể hoá tại Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2013 của UBND tỉnh quy định chế độ, chính sách đối với lực lượng DQTV trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
h) Chi hỗ trợ hoạt động của lực lượng bảo vệ dân phố theo quy định tại Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ và của lực lượng dân phòng tự quản theo quyết định số 181//2013/QĐ-UBND ngày 15/5/2013 của UBND tỉnh.
i) Chi hỗ trợ một số chế độ, chính sách khác quy định tại Thông tư liên tịch số 102/2010/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BNV-BTC ngày 02/8/2012 của Bộ Quốc phòng - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ và việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách cho công tác Dân quân tự vệ.
k) Chi công tác tuyên truyền, tổ chức thu quỹ quốc phòng - an ninh.
l) Chi công tác sơ, tổng kết, thi đua khen thưởng về quốc phòng, an ninh.
m) Các chi phí cần thiết khác cho việc thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh ở cấp xã.
2. Quỹ quốc phòng - an ninh cùng với nguồn ngân sách và các nguồn thu hợp pháp khác do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định chi theo nội dung chi quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 11. Quản lý thu, chi quỹ quốc phòng - an ninh
Việc quản lý thu, chi quỹ quốc phòng - an ninh thực hiện theo quy định tại Thông tư số 60/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn và quy định này.
Công chức Tài chính - Kế toán cấp xã có trách nhiệm tham mưu, giúp UBND cùng cấp quản lý thu, chi quỹ quốc phòng - an ninh và thực hiện chế độ kế toán, thống kê, báo cáo theo quy định. Các khoản thu, chi quỹ quốc phòng - an ninh phải được mở sổ theo dõi đúng chế độ kế toán quy định tại Quyết định số 94/2005/QĐ-BTC ngày 12/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã, Thông tư số 146/2011/TT-BTC ngày 26/10/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán ngân sách tài chính xã ban hành kèm theo Quyết định số 94/2005/QĐ-BTC ngày 12/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Điều 12. Lập dự toán, quyết toán thu, chi quỹ quốc phòng - an ninh
1. Hàng năm, UBND cấp xã lập dự toán thu, chi quỹ quốc phòng - an ninh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua. Thời gian lập, gửi dự toán thu, chi quỹ quốc phòng - an ninh cùng với thời gian lập, gửi dự toán thu, chi ngân sách cấp xã theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản thi hành.
2. Cuối năm, UBND cấp xã báo cáo quyết toán thu, chi quỹ quốc phòng - an ninh, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, phê chuẩn.
3. Việc lập dự toán và báo cáo quyết toán thu, chi quỹ quốc phòng - an ninh gửi đến Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện để kiểm tra, thẩm định dự toán và báo cáo quyết toán thu, chi quỹ quốc phòng - an ninh cấp xã.
4. Hội đồng nhân dân cấp xã thông qua dự toán, phê chuẩn quyết toán thu, chi quỹ quốc phòng - an ninh cùng cấp theo quy định của pháp luật; đồng thời giám sát việc thực hiện quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
5. Dự toán, quyết toán về thu, chi quỹ quốc phòng - an ninh sau khi được thông qua phải được công khai và niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã theo quy định của pháp luật về công khai tài chính.
Điều 13. Trách nhiệm của các sở, ngành liên quan, UBND các cấp
1. Bộ CHQS tỉnh chủ trì phối hợp với Công an tỉnh và các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, Bộ CHQS tỉnh và Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
2. UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra các xã, phường, thị trấn trong việc tuyên truyền vận động thu, quản lý, sử dụng quỹ quốc phòng - an ninh ở địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện hướng dẫn các xã, công tác vận động thu, quản lý, sử dụng quỹ quốc phòng - an ninh kịp thời chấn chỉnh những sai sót, vi phạm trong việc thu, quản lý, sử dụng quỹ quốc phòng - an ninh ở địa phương.
3. UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện công tác thu, quản lý, sử dụng quỹ quốc phòng - an ninh ở địa phương theo đúng quy định của pháp luật và quy định này; Chú trọng công tác tuyên truyền vận động, giáo dục để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân nắm vững và nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quốc phòng, an ninh, tự nguyện đóng góp xây dựng quỹ quốc phòng - an ninh; Kịp thời tham mưu trình Hội đồng nhân dân cấp xã thông qua dự toán, phê chuẩn quyết toán thu, quản lý, sử dụng quỹ quốc phòng - an ninh theo qui định.
Điều 14. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân
Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện đúng chính sách, pháp luật về quốc phòng, an ninh; Tham gia thực hiện công tác quốc phòng, an ninh ở địa phương theo quy định; Có trách nhiệm thực hiện đúng chủ trương, chính sách, pháp luật về đóng góp quỹ quốc phòng - an ninh ở địa phương.
Điều 15. Trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn thể.
1. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quốc phòng, an ninh và các quy định về vận động đóng góp, thu, quản lý, sử dụng quỹ quốc phòng - an ninh trên các phương tiện thông tin đại chúng, để mọi cơ quan, tổ chức cá nhân nâng cao vai trò, trách nhiệm và tinh thần tự giác, tự nguyện đóng góp xây dựng quỹ quốc phòng - an ninh.
2. Đề nghị Hội đồng nhân dân, Uỷ ban mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên các cấp trong tỉnh phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tích cực tham gia đóng góp xây dựng quỹ quốc phòng - an ninh; Thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình, kết quả việc thu, quản lý, sử dụng quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn./.
Quyết định 291/2014/QĐ-UBND về mức thu, quản lý và sử dụng quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
Số hiệu: | 291/2014/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bắc Ninh |
Người ký: | Nguyễn Tử Quỳnh |
Ngày ban hành: | 27/06/2014 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 291/2014/QĐ-UBND về mức thu, quản lý và sử dụng quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
Chưa có Video