Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2778/PC-ĐB

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 1996

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG TRẠM CÂN XE"

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông ngày 2/12/1994;
Căn cứ Nghị định 22/CP ngày 22/3/1994 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định 36/CP ngày 29/5/1995 của Chính phủ về đảm bảo trật tự ATGT đường bộ và trật tự ATGT đô thị và Nghị định 49/CP ngày 26/7/1995 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm trật tự ATGT đường bộ và trật tự ATGT đô thị;
Căn cứ Quyết định 455/TTg ngày 4/9/1993 của Chính phủ về việc thành lập các trạm kiểm tra các loại xe có tải trọng lớn và xe bánh xích hoạt động trên đường bộ và văn bản số 7268/KTN ngày 26/12/1994 của Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Giao thông được lắp đặt thêm hoặc điều chỉnh các trạm cân trên đường bộ;
Để kiện toàn và hoạt động thống nhất các trạm cân trong toàn quốc;
Theo đề nghị của ông Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy chế về tổ chức và hoạt động của trạm cân kiểm tra xe quá tải, quá khổ giới hạn cầu đường, xe bánh xích hoạt động trên đường bộ công cộng (gọi tắt là trạm cân xe)".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Những Quyết định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các văn bản trước đây có những quy định trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các đơn vị trực tiếp quản lý trạm cân, phối hợp với các ngành liên quan tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố cụ thể hoá các quy định trong bản quy chế này cho phù hợp với tinh thần cụ thể ở địa phương trên cơ sở không trái với tinh thần, nội dung những điều khoản ghi trong quy chế này và pháp luật hiện hành để thi hành.

Điều 4. Các ông Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở GTVT có quản lý trạm cân, và các ông Tổng Giám đốc các khu QLĐB có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Bùi Văn Sướng

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRẠM CÂN KIỂM TRA XE QUÁ TẢI, QUÁ KHỔ GIỚI HẠN CẦU ĐƯỜNG, XE BÁNH XÍCH HOẠT ĐỘNG TRÊN ĐƯỜNG BỘ
(Ban hành kèm theo QĐ số 2778/PC-ĐB ngày 21/10/1996 của Bộ Giao thông vận tải)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Trạm cân xe có nhiệm vụ kiểm tra các xe chở quá tải, quá khổ giới hạn của cầu đường và xe bánh xích hoạt động không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng không theo đúng quy định trong giấy phép trên đường bộ công cộng nhằm bảo vệ cầu đường để đảm bảo an toàn người và tài sản của Nhà nước, của nhân dân.

Điều 2.

- Trạm gồm 3 lực lượng: Giao thông, Cảnh sát giao thông và Kiểm soát quân sự. (Riêng lực lượng ngành Giao thông, các chức danh trực tiếp với các đối tượng kiểm tra phải là Thanh tra giao thông).

- Trạm được sử dụng con dấu riêng, có trụ sở cố định, có kho bãi, các phương tiện, dụng cụ cần thiết để phục vụ cho việc cân xe, hạ tải.

Điều 3.

- Kinh phí để trang bị, duy trì hoạt động của trạm trích trong kinh phí sự nghiệp đường bộ do Ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí khác được các cấp có thẩm quyền quy định (nếu có).

- Trạm có 1 trạm trưởng và từ 1 đến 2 trạm phó và các thành viên khác của trạm thực hiện chế độ công tác theo quy định của pháp luật hiện hành và các quy định cụ thể của quy chế này.

- Trạm chịu sự lãnh đạo trực tiếp của cơ quan quản lý đường bộ theo quy định tại các quyết định riêng từng trạm của cấp có thẩm quyền.

Chương 2:

CHỨC NĂNG - NHIỆM VỤ - QUYỀN HẠN CỦA TRẠM CÂN XE

Điều 4.- Trạm chỉ thực hiện nhiệm vụ cân kiểm tra tải trọng và kiểm tra khổ xếp hàng hoá của các loại xe có dấu hiệu vi phạm khả năng chịu tải và khổ giới hạn của cầu đường, xe bánh xích hoạt động trên đường được quy định tại Điều 19 của Nghị định 36/CP ngày 29/5/1995 và Điều 16 Nghị định số 49/CP ngày 26/7/1995. Riêng đối với xe vi phạm chở hàng quá khổ giới hạn cầu đường, trong khi chờ có quy định về mức phạt trạm được xử lý và áp dụng theo quy định về mức phạt quy định tại Điều 13 Nghị định 49/CP. Trong quá trình kiểm tra tải trọng, khổ hàng hoá... nếu phát hiện có vi phạm những quy định khác của Nhà nước có nghĩa vụ báo cáo cho các cơ quan có trách nhiệm giải quyết.

Các loại xe có dấu hiệu vi phạm là căn cứ đối chiếu với các quy định hiện hành về quản lý xe quá khổ quá tải, xe bánh xích hoạt động trên đường bộ giấy phép lưu hành đặc biệt của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp.

Điều 5.- Trạm có quyền thực hiện các nhiệm vụ sau:

a. Trong khi làm nhiệm vụ được phép dừng các loại xe đang lưu hành để kiểm tra nếu xét thấy các xe đó có dấu hiệu chở hàng quá tải, quá khổ giới hạn cầu đường, các loại xe bánh xích tự hành trên đường mà không có biện pháp để tránh sự phá hoại của bánh xích trực tiếp đi trên mặt đường gây nguy hại cho cầu đường.

b. Kiểm tra giấy phép lưu hành đặc biệt của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp.

c. Cân tải trọng xe, đo khổ xe và hàng hoá. Xử lý vi phạm theo quy định.

d. Buộc các lái xe phải dỡ hàng phần quá tải, quá khổ.

e. Đình chỉ lưu hành, tạm giữ giấy phép lái xe, giấy phép lưu hành, đăng ký xe, giấy phép lưu hành đặc biệt nếu xe không chấp hành xử lý.

g. Trạm được phép tổ chức dịch vụ cẩu, dỡ và bảo quản hàng hoá nếu có yêu cầu của chủ xe, chủ hàng hoặc lái xe theo giá quy định hiện hành của từng địa phương, khu vực.

Điều 6.- Xử lý vi phạm

Việc xử lý vi phạm phải bảo đảm đúng trình tự, theo thủ tục các quy định sau đây:

a. Về mẫu biểu, theo quy định thống nhất, bao gồm phiếu cân đo, biên bản vi phạm, quyết định xử phạt, biên bản đề nghị chuyển lên cấp trên xử lý (trường hợp vượt quá thẩm quyền xử lý của trạm). Các giấy tờ trên phải đánh máy không viết tay vào biểu mẫu in sẵn, phải lưu giữ ở trạm và lái xe vi phạm giữ 01 bản. Những giấy tờ tạm giữ cũng phải ghi rõ vào biên bản.

b. Các trường hợp tăng nặng, giảm nhẹ phải thực hiện đúng quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền. Cấm tuỳ tiện giải quyết. Trường hợp có ý kiến của các cấp đều phải báo cáo Khu QLĐB hoặc Sở GTVT quản lý trạm cân giải quyết và lưu giữ đầy đủ chứng cứ.

c. Thực hiện việc nộp phạt tại các cơ sở của Kho bạc theo quy định.

d. Trường hợp xe vi phạm làm hỏng cầu đường như xe bánh xích tự hành không có guốc gây nên... ngoài việc xử lý vi phạm theo quy định, còn buộc phải khôi phục tình trạng cầu đường do xe vi phạm gây ra, hoặc buộc bồi thường thiệt hại đến 1 triệu đồng và lập biên bản chuyển lên cấp có thẩm quyền giải quyết nếu mức bồi thường lớn hơn 1 triệu đồng.

Điều 7.- Nghiêm cấm vi phạm những việc sau đây:

- Tuỳ tiện ngăn, dừng các loại xe không trong diện kiểm tra đã quy định.

- Khám xét, bắt giữ hàng hoá, phương tiện, đồ vật trái pháp luật. - Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, gây phiền hà, nhận hối lộ.

- Có thái độ hống hách, thiếu lễ độ hoặc có hành vi xâm hại đến danh dự, sức khoẻ, thân thể và tài sản của lái xe, người đi theo xe.

- Chiếm đoạt hàng hoá, tang vật, phương tiện tạm giữ và các hành vi khác trái pháp luật.

- Phạt tiền cho đi và không hạ tải.

Chương I3:

TỔ CHỨC CỦA TRẠM CÂN XE

Điều 8.

- Cơ quan quản lý đường bộ được giao quản lý trạm cân phối hợp với các ngành có trách nhiệm liên quan bàn bạc thống nhất về các thành viên của trạm trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định. Thành viên tham gia trạm bao gồm:

+ Lực lượng ngành giao thông, chủ yếu do đơn vị quản lý trạm đảm nhận. (Các chức danh trực tiếp với đối tượng kiểm tra phải là Thanh tra giao thông). Trường hợp cần thiết nếu là trạm của đơn vị Trung ương quản lý có thể bố trí thêm Thanh tra Giao thông của Sở GTVT (GTCC) mỗi ca một người.

+ Lực lượng Cảnh sát giao thông, mỗi ca bố trí ít nhất một người (không kể người tham gia chỉ huy trạm).

+ Lực lượng Kiểm soát quân sự: mỗi ca bố trí từ 1 đến 2 người. ở những trạm không có hoặc có ít xe vận tải quân sự hoạt động, có thể không cần thiết bố trí lực lượng Kiểm soát quân sự.

- Trường hợp chưa có lực lượng khác tham gia trạm, lực lượng Thanh tra giao thông phải đảm đương toàn bộ nhiệm vụ của trạm.

- Biên chế của trạm, tuỳ theo lưu lượng xe quá tải, quá khổ chạy qua có thể bố trí từ 18 đến 28 người.

Điều 9.

- Trạm trưởng là người được Giám đốc Sở GTVT, Tổng giám đốc Khu QLĐB có quản lý trạm cân bổ nhiệm phụ trách chung, chịu trách nhiệm về việc quản lý thực hiện nhiệm vụ của các trạm trước cơ quan quản lý trực tiếp trạm (Phân khu, Khu QLĐB, Sở GTVT). Trạm trưởng có những nhiệm vụ sau:

+ Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành có liên quan trên địa bàn đóng trụ sở của trạm để hỗ trợ, phối hợp cho hoạt động của trạm.

+ Chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng đúng quy cách các loại tài sản, hồ sơ, tài liệu, trang thiết bị được trang cấp trong quá trình hoạt động.

+ Điều hành mọi hoạt động của trạm, phân công công tác, quản lý cán bộ nhân viên trạm, quyết định việc kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

+ Thực hiện các chế độ, chính sách đối với nhân viên của trạm theo quy định (trong đó bao gồm cả việc sơ kết, tổng kết, khen thưởng, kỷ luật, bồi dưỡng bằng hiện vật...).

+ Thực hiện các chế độ về tài chính kế toán, về số liệu và chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định.

- Phó trạm trưởng là người giúp việc cho Trạm trưởng, thay mặt Trạm trưởng khi Trạm trưởng đi vắng, Phó Trạm trưởng có thể được uỷ quyền toàn bộ hoặc uỷ quyền một số lĩnh vực công tác của trạm.

Phó trạm trưởng phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện những nhiệm vụ được giao.

Điều 10.- Các thành viên khác của trạm thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo phân công của lãnh đạo trạm, dựa trên cơ sở chức trách của từng chuyên ngành, đồng thời chịu trách nhiệm trước cơ quan đơn vị trực tiếp quản lý cử đến tham gia trạm.

Phó ban TTGT của Sở hoặc của Khu QLĐB được giao kiêm nhiệm trạm trưởng, phó trạm trưởng thực hiện quyền hạn được Trưởng ban uỷ quyền theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 11.- Trong một số trường hợp đặc biệt, tuỳ theo tình hình và yêu cầu cụ thể, nếu được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trương ương đồng ý - Giám đốc Sở GTCT hoặc Tổng giám đốc Khu QLĐB quản lý trạm xe được uỷ quyền giao cho trạm tổ chức một bộ phận lưu động không thường xuyên trong phạm vi 20 km về mỗi phía để tuần tra phát hiện và xử phạt các xe quá tải quá khổ đi tránh trạm, hạ tải hạ khổ trước khi vào trạm hoặc lên tải sau khi qua trạm.

Chương 4:

HOẠT ĐỘNG CỦA TRẠM CÂN XE

Điều 12. Trạm được trang bị cân bàn điện tử, trường hợp chưa lắp đặt kịp hoặc trong thời gian chờ sửa chữa, hiệu chỉnh cân được phép sử dụng cân sách tay nhưng phải đảm bảo độ tin cậy, chính xác được kiểm định của cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Điều 13.

- Trạm phải có biển tên trạm có kích thước 1m x 1,5m chiều cao chữ 25cm ghi: "Trạm kiểm tra tải trọng xe" (ghi tên địa danh theo danh mục của QĐ 455/TTg hoặc QĐ bổ sung, điều chỉnh của Bộ Giao thông Vận tải). Mỗi trạm đặt 3 biển (1 biển đặt trước trạm, mặt nhìn ra đường, 2 biển đặt ở 2 phía đến ở 2 đầu, cách trạm từ 50-100m, mặt biển đặt chính diện với hướng xe đến và bằng sơn phản quang), biển đặt trước cửa trạm nền đỏ chữ vàng, hai biển đặt 2 phía đầu trạm nền xanh da trời chữ trắng.

- Bảng niêm yết tóm tắt nhiệm vụ, quyền hạn của trạm.

- Bảng tóm tắt quy định về tải trọng theo Thông tư số 239/TT-PC ngày 30/9/1995 của Bộ Giao thông vận tải và Thông báo về tải trọng được phép của các cơ quan quản lý đường bộ.

- Bảng quy định mức phạt (theo Nghị định số 49/CP).

- Bảng sai số cân được phép và quy định về tăng nặng, giảm nhẹ... và niêm yết những quy định khác như giấy uỷ quyền của Trưởng Ban Thanh tra Khu hoặc Sở cho Phó Ban là Trạm trưởng, Phó Trạm trưởng ở trạm....

Điều 14.

- Hàng ngày trạm hoạt động 24/24 giờ, chia làm 3 ca. Mỗi ca có 1 trưởng ca (Phó trạm trưởng có thể kiêm nhiệm 1 ca), trưởng ca điều hành mọi công việc trong ca theo sự phân công của trạm trưởng.

- Trong thời gian hoạt động nhất thiết phải có 1 chỉ huy trạm (Trạm trưởng hoặc Phó trạm trưởng) thường trực để điều hành và xử lý vi phạm.

Điều 15. Các nhân viên làm nhiệm vụ ở mỗi ca được bố trí chủ yếu dựa theo chức trách chuyên môn của mỗi ngành tham gia như việc dừng xe để kiểm tra do Cảnh sát giao thông đảm nhận, cân xe do Thanh tra Giao thông kiểm tra các giấy tờ cần thiết, kiểm tra quá khổ do Thanh tra Giao thông và Cảnh sát Giao thông phối hợp. Xe tải quân sự do Kiểm soát quân sự dừng và kiểm tra giấy tờ... Tuy nhiên, tuỳ theo tình hình thực tế ở mỗi trạm có thể bàn bạc thống nhất điều hoà cho phù hợp.

Điều 16. Các nhân viên, chiến sĩ tham gia trạm, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải thực hiện điều lệnh theo chuyên ngành. Phải có trang phục, sắc phục, phù hiệu theo quy định của từng ngành. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm phải chấp hành đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Trang phục và phương tiện của các thành viên trong khi làm nhiệm vụ tại trạm thuộc ngành nào, ngành đó cấp và sử dụng theo quy định của ngành đó.

Điều 17. Khi thực hiện nhiệm vụ có thể có ý kiến khác nhau giữa các thành viên của mỗi ngành. Trạm trưởng được quyền quyết định. Khi cần thiết phải xin ý kiến cấp trên trực tiếp giải quyết.

Điều 18. - Lương và phụ cấp của các thành viên tham gia trạm do cơ quan có người cử đến đài thọ. Phụ cấp làm việc tại trạm do đơn vị trực tiếp quản lý trạm giải quyết và các quyền lợi khác theo quy định hiện hành.

- Việc sinh hoạt đoàn thể của các thành viên tham gia công tác tại trạm thực hiện theo quy định về tổ chức các đoàn thể thuộc cơ quan, đơn vị quản lý thành viên đó.

Điều 19.- Khen thưởng, kỷ luật

Cán bộ, chiến sĩ, nhân viên công tác tại trạm có thành tích trong nhiệm vụ góp phần vào công việc ngăn chặn sự vi phạm của các lái xe quá tải, quá khổ giới hạn cầu đường, xe bánh xích hoạt động trên đường bộ làm hư hỏng cầu đường. Giữ gìn kỷ cương pháp luật một cách nghiêm minh sẽ được khen thưởng về tinh thần, vật chất theo chế độ quy định.

Những cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của trạm nếu vi phạm những điều nghiêm cấm và vi phạm nội quy kỷ luật của Trạm, tuỳ mức độ vi phạm sẽ bị kỷ luật hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Bản Quy chế này được áp dụng thống nhất đối với tất cả các trạm cân trong phạm vi toàn quốc.

Điều 21. Các đơn vị trực tiếp quản lý trạm cân, chủ động phối hợp với các ngành liên quan và xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cụ thể hoá những quy định có liên quan cho phù hợp với tình hình cụ thể của từng nơi, trên cơ sở không trái với tinh thần nội dung bản Quy chế này và các quy định của Pháp luật hiện hành.

Điều 22. Những quy chế đã có do UBND các tỉnh ký ban hành, trong đó những điều khoản phù hợp với những quy chế này và pháp luật hiện hành đều có hiệu lực thi hành. Những quy định trái với Pháp luật và nội dung tinh thần của bản quy chế này đều bãi bỏ.

Điều 23. Việc thành lập các trạm cân xe là nhằm mục đích bảo vệ cầu đường theo Quy định của Chính phủ, UBND các cấp, các ngành có liên quan có trách nhiệm đôn đốc chỉ đạo và phối hợp giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các trạm cân hoàn thành nhiệm vụ. Việc ngừng hoạt động của trạm cân bất kể lý do nào cũng phải được Tổng giám đốc Khu QLĐB hoặc Giám đốc sở GTVT quản lý trạm cân quyết định. Trường hợp ngừng lâu dài từ 1 tháng trở lên phải xin ý kiến Cục ĐBVN, Bộ GTVT trước khi quyết định.

Điều 24. Bộ GTVT uỷ quyền cho Cục ĐBVN tổ chức chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc việc hoạt động và hàng năm sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm về các mặt của những trạm cân xe.

Trong quá trình thực hiện Quy chế này nếu có gì vướng mắc hoặc cần sửa đổi, bổ sung, các đơn vị báo cáo để Bộ GTVT xem xét giải quyết.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 2778/PC-ĐB năm 1996 về Quy chế hoạt động trạm cân xe do Bộ Giao Thông Vận Tải ban hành

Số hiệu: 2778/PC-ĐB
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
Người ký: Bùi Văn Sướng
Ngày ban hành: 21/10/1996
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [2]
Văn bản được căn cứ - [2]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 2778/PC-ĐB năm 1996 về Quy chế hoạt động trạm cân xe do Bộ Giao Thông Vận Tải ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [2]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [2]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…