Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2459/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 23 tháng 7 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM CHUYỂN GIAO MỘT SỐ NHIỆM VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG THỰC HIỆN QUA DỊCH VỤ BƯU CHÍNH CÔNG ÍCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính;

Căn cứ Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Văn bản số 504/STTTT-BCVT ngày 05/6/2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ hành chính công thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; Giám đốc Bưu điện tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Cục KSTTHC-VP Chính phủ;
- TTr TU, TTr HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam;
- Ban Pháp chế HĐND tỉnh;
- Các PVP Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh;
- Lưu: VT, PC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Quốc Vinh

 

ĐỀ ÁN

THÍ ĐIỂM CHUYỂN GIAO MỘT SỐ NHIỆM VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG THỰC HIỆN QUA DỊCH VỤ BƯU CHÍNH CÔNG ÍCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2459 /QĐ-UBND ngày 23/7/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh)

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Sự cần thiết

Trong những năm qua, cùng với tăng trưởng kinh tế, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Hà Tĩnh từng bước được cải thiện, năm 2017, đứng thứ 33/63 tỉnh thành, năm 2018 vượt lên đứng thứ 23 của cả nước. Chỉ số về cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục được nâng cao, năm 2017 đứng thứ 17/63 tỉnh, thành, năm 2018 đứng thứ 13/63.

Để tiếp tục tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước nói chung và công tác CCHC nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC, qua đó cải thiện được môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời đẩy mạnh vai trò của bưu chính công ích và ứng dụng thực hiện các dịch vụ hành chính công qua dịch vụ bưu chính công ích trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ hành chính công (HCC); cũng như để cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước như: Nhiệm vụ số 38 tại Quyết định số 53/QĐ-BCĐCCHC ngày 13/02/2018 của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ về việc nghiên cứu xây dựng “Đề án triển khai thực hiện và cung ứng dịch vụ công qua dịch vụ bưu chính công ích nhằm phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp bưu chính công ích trong cung ứng dịch vụ HCC, góp phần thúc đẩy sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính và tinh giản biên chế”; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước 2019, trong đó có nhiệm vụ 167: xây dựng “Đề án thí điểm thực hiện và cung ứng dịch vụ công qua mạng bưu chính công cộng, dịch vụ bưu chính công ích tại địa phương”.

Tỉnh Hà Tĩnh xây dựng và ban hành Đề án thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ hành chính công thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần minh bạch hóa, rút ngắn thời gian và tạo điều kiện thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền trong việc thực hiện các TTHC.

2. Căn cứ xây dựng Đề án

- Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;

- Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Ban Chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;

- Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 13/6/2016 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 30c/NQ-CP;

- Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ ban hành Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước;

- Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC;

- Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế;

- Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ; Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát TTHC;

- Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019;

- Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích;

- Quyết định số 53/QĐ-BCĐCCHC ngày 13/02/2018 của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ về việc ban hành kế hoạch hành động năm 2018 của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ;

- Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về  việc  Ban hành Kế  hoạch thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC;

- Thông tư số 01/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính;

- Kế hoạch số 431/KH-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh về công tác CCHC tỉnh Hà Tĩnh năm 2019.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục đích

- Giúp cho các cơ quan hành chính nhà nước tinh giản biên chế, giảm tải công việc, giảm chi phí đầu tư cơ sở vật chất và khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất, các dịch vụ bưu chính công cộng do Nhà nước đầu tư thông qua việc có nhiều dịch vụ công được thực hiện qua BCCI.

- Góp phần đẩy mạnh cải cách TTHC chung của tỉnh, đẩy mạnh xã hội hoá các dịch vụ hành chính công, mang lại lợi ích và tạo thuận lợi nhiều hơn nữa cho người dân, tổ chức trong quá trình thực hiện các TTHC.

2. Yêu cầu

- Đảm bảo chất lượng phục vụ của Bưu điện đối với một số nhiệm vụ dịch vụ hành chính công được cơ quan hành chính nhà nước chuyển giao; đồng thời có sự giám sát, theo dõi thường xuyên từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của việc chuyển giao.

- Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hành chính nhà nước và Bưu điện trong việc thực hiện các nhiệm vụ có liên quan, đảm bảo công tác giải quyết TTHC kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện, đúng pháp luật, công bằng, bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm chất lượng dịch vụ, an toàn, chính xác, kịp thời và tiết kiệm chi phí khi thực hiện TTHC.

- Việc chuyển giao một số nhiệm vụ dịch vụ HCC qua dịch vụ BCCI được thực hiện theo lộ trình phù hợp, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, đúng với các quy định của pháp luật và năng lực của Bưu điện hiện hành.

3. Đối tượng và phạm vi của Đề án

3.1. Đối tượng

- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện; UBND cấp xã có thủ tục hành chính đang tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công cấp huyện, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp xã và hệ thống Bưu điện.

- Công chức làm nhiệm vụ tại Bộ phận Một cửa các cấp.

- Nhân viên Bưu điện được giao làm nhiệm vụ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

- Các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.

3.2. Phạm vi

Đề án thí điểm áp dụng chuyển giao thực hiện một số nhiệm vụ dịch vụ HCC qua dịch vụ BCCI trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Trước mắt, ủy quyền nhiệm vụ cho Bưu điện thực hiện tham gia hỗ trợ việc trực, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết một số TTHC cho tổ chức, cá nhân tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả (Bộ phận Một cửa) của các cấp, cụ thể:

a) Ở cấp tỉnh: Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh. b) Ở cấp huyện: Trung tâm Hành chính công cấp huyện.

c) Ở cấp xã: Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thuộc UBND cấp xã.

III. HIỆN TRẠNG VIỆC TIẾP NHẬN, TRẢ KẾT QUẢ GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CỦA TỈNH

1. Khái quát về tổ chức Bộ phận Một cửa trên địa bàn tỉnh

Thực hiện các quy định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, thời gian qua Bộ phận Một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cơ bản được tổ chức như sau:

a) Cấp tỉnh:

- Đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2017 đến nay. Trung tâm là đơn vị hành chính đặc thù thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh. Trụ sở được bố trí tại địa chỉ: Số 02A Nguyễn Chí Thanh, thành phố Hà Tĩnh.

- Hiện tại, nhân sự tại Trung tâm Phục vụ HCC bao gồm: Nhân sự quản lý, phục vụ và nhân sự thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC (31 người). Tổng nhân sự toàn Trung tâm khoảng 36 người phục vụ cho cá nhân, tổ chức với sự tham gia của 20 đơn vị, lượng hồ sơ giải quyết bình quân mỗi tháng trên 3.400 hồ sơ và tập trung ở một số ngành như: Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư...

- Quy trình giải quyết TTHC:

Khi cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải quyết TTHC, cán bộ, công chức, viên chức được giao tiếp nhận hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh thực hiện hướng dẫn, kiểm tra hồ sơ, thu phí, lệ phí (nếu có) và cấp giấy hẹn cho người nộp. Sau khi tiếp nhận hồ sơ theo quy định, cán bộ, công chức, viên chức chuyển hồ sơ cho phòng ban chuyên môn của Sở, ngành thẩm định trình Lãnh đạo có thẩm quyền ký phê duyệt. Khi có kết quả giải quyết TTHC, các phòng ban chuyên môn chuyển lại cho Bộ phận tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả tại Trung tâm để trả cho tổ chức, cá nhân.

b) Cấp huyện:

- Đến nay, 100% UBND cấp huyện đã thành lập Trung tâm Hành chính công. Trụ sở đều nằm trong hoặc ngay gần khuôn viên UBND cấp huyện.

- Trung tâm Hành chính công cấp huyện là đầu mối tập trung để tiếp nhận hơn 300 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, các phòng chuyên môn và một số TTHC thuộc thẩm quyền của các cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn (Công an, Thuế, Bảo hiểm xã hội, Điện lực). Nhân sự tại đây gồm các công chức, viên chức thuộc biên chế của Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện và các phòng chuyên môn, có từ 08 đến 28 người (kể cả cơ quan ngành dọc); số lượng hồ sơ TTHC tiếp nhận, giải quyết bình quân mỗi tháng hơn 2.800 hồ sơ/đơn vị cấp huyện.

- Quy trình giải quyết TTHC:

Khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải quyết TTHC, cán bộ, công chức, viên chức hồ sơ tại Trung tâm HCC cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra hồ sơ, thu phí, lệ phí (nếu có) và cấp giấy hẹn cho người nộp. Sau khi tiếp nhận hồ sơ theo quy định, cán bộ, công chức, viên chức chuyển hồ sơ cho bộ phận chuyên môn tại các Phòng, Trung tâm để thẩm định. Cán bộ các Phòng, Trung tâm sau khi thẩm định sẽ trực tiếp ký hoặc trình Lãnh đạo cấp huyện ký phê duyệt. Sau khi có kết quả giải quyết TTHC sẽ được chuyển cho Trung tâm Hành chính công để trả cho tổ chức, cá nhân đã yêu cầu. Trường hợp TTHC liên thông thì hồ sơ sẽ được chuyển tiếp cho cấp có thẩm quyền liên quan để giải quyết.

c) Cấp xã:

- 262/262 UBND cấp xã đã thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thuộc UBND cấp xã. Địa điểm làm việc của Bộ phận Một cửa cấp xã đều nằm trong khuôn viên trụ sở UBND cấp xã. Tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp xã đã triển khai mô hình một cửa, một cửa liên thông TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã với hơn 130 TTHC.

- Số lượng nhân sự hiện đang bố trí tại quầy tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cấp xã từ 03 đến 05 người tùy theo địa bàn hành chính từng xã. Số công chức được biên chế này được bố trí từ số biên chế công chức cấp xã.

- Mỗi lĩnh vực, số lượng hồ sơ giải quyết TTHC phát sinh bình quân hằng tháng tại mỗi xã khoảng 200 hồ sơ; trong đó lượng hồ sơ sao y, chứng thực lĩnh vực Hộ tịch - Tư pháp chiếm từ 70 đến 80%.

- Quy trình giải quyết TTHC:

Khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải quyết TTHC, cán bộ tại Bộ phận Một cửa cấp xã hướng dẫn, kiểm tra hồ sơ, thu phí, lệ phí (nếu có), tiếp nhận, trực tiếp thẩm định hồ sơ và trình Lãnh đạo UBND cấp xã ký kết quả sau đó tới văn thư đóng dấu và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp TTHC liên thông thì hồ sơ sẽ được chuyển tiếp lên cấp trên để giải quyết.

2. Thuận lợi, khó khăn

a) Thuận lợi:

- Các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định.

- Việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được thực hiện đúng quy trình, tỷ lệ hồ sơ trả trước và đúng hẹn cao.

- Hầu hết các cơ quan, đơn vị đã bố trí đủ số lượng nhân sự cần thiết tại bộ phận “Một cửa” theo từng lĩnh vực để phục vụ yêu cầu của tổ chức, cá nhân.

- Quy trình thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông từ khâu tiếp nhận đến khâu giải quyết hồ sơ và trả kết quả được thực hiện chặt chẽ thông qua phần mềm một cửa điện tử và phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ.

- Hầu hết các địa phương đã quan tâm đầu tư xây dựng trụ sở, bố trí các trang thiết bị hiện đại, khang trang, đồng thời triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết.

b) Hạn chế, khó khăn:

- Ở cấp tỉnh, cấp huyện trong điều kiện các cơ quan, đơn vị đang thực hiện tinh giản biên chế, việc bố trí số lượng công chức, viên chức tại Bộ phận Một cửa theo từng lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu của các quy định mới về cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã tạo áp lực không nhỏ cho một số cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện, giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức. Mặt khác một số lĩnh vực, TTHC lại phát sinh quá ít hồ sơ gây lãng phí nguồn nhân lực trực tiếp nhận và CSVC đảm bảo (chi tiết theo phụ lục 01; phụ lục 02).

- Ở cấp xã, ngoài khó khăn chung về con người thì cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị phục vụ cho việc giải quyết TTHC đang là trở ngại, thách thức lớn nhất của các địa phương.

- Tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết qua các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 còn rất thấp, tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích chưa đảm bảo theo yêu cầu, dẫn đến điểm chỉ số CCHC của tỉnh (Par index) bị giảm.

3. Nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn

- Theo quy định hiện hành, mỗi Sở, Ban, ngành của tỉnh, mỗi lĩnh vực tại cấp huyện, xã đều phải có cán bộ, công chức chuyên môn phụ trách việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Trong khi đó, một số Sở, Ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã một số lĩnh vực phát sinh ít hồ sơ TTHC, hoặc một số lĩnh vực có phát sinh hồ sơ nhưng hồ sơ không quá phức tạp vẫn phải bố trí số lượng nhân sự theo yêu cầu, nên dẫn đến tình trạng lãng phí biên chế lẫn chi phí của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Chưa triển khai được giải pháp hiệu quả, khả thi để thông tin, tuyên truyền nhằm giúp tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sử dụng được các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cũng như thực hiện tiếp nhận và trả hồ sơ giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI.

IV. TÌNH HÌNH THAM GIA THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ, DỊCH VỤ CÔNG QUA MẠNG BƯU CHÍNH CÔNG ÍCH

1. Các nhiệm vụ, dịch vụ công đã thực hiện trong thời gian qua

- Trước khi có Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg, Bưu điện tỉnh đã tham gia vào quá trình giải quyết TTHC dưới hình thức chuyển phát hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC. Tuy nhiên, việc tham gia này mới ở mức chuyển phát giữa người dân và cơ quan hành chính, chưa có sự kiểm tra, hướng dẫn của nhân viên Bưu điện cho tổ chức, cá nhân để bảo đảm hồ sơ được đầy đủ nội dung, hình thức theo đúng quy định.

- Triển khai thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích và Quyết định số 1174/QĐ-UBND ngày 03/5/2017 của UBND tỉnh về việc công bố danh mục TTHC được tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, căn cứ Quyết định này, với vai trò là doanh nghiệp nhà nước được chỉ định cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, Bưu điện tỉnh đã ký kết Thỏa thuận phối hợp với các sở, ngành, địa phương; đã thành lập Bưu cục Hành chính công tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; đã phối hợp tổ chức đào tạo tập huấn cho nhân viên Bưu điện và tổ chức triển khai cung cấp dịch vụ cho người dân, tổ chức tại các điểm phục vụ trên toàn tỉnh.

- Đối với dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả (hồ sơ 2 chiều): Đã phát sinh nhiều giao dịch tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đối với các TTHC, trong đó phát sinh số lượng nhiều là các dịch vụ: Tiếp nhận Hồ sơ Bảo hiểm Xã hội (giải quyết chế độ thai sản, ốm đau, thất nghiệp).

- Đối với dịch vụ trả kết quả: Bưu điện tỉnh đã bố trí quầy giao dịch tại Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh và một số Trung tâm HHC cấp huyện. Các thủ tục điển hình như: Chuyển trả Chứng minh nhân dân, chuyển phát Giấy đăng ký xe, Hộ chiếu, hồ sơ Bảo hiểm, hồ sơ lĩnh vực Giao thông vận tải, Tư pháp, cụ thể:

+ Năm 2017, hơn 148.817 lượt hồ sơ (14.382 hồ sơ tiếp nhận, 134.435 hồ sơ trả kết quả) giao dịch nộp hồ sơ, trả kết quả giải quyết THHC được thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích.

+ Năm 2018, hơn 156.218 lượt hồ sơ (tăng 7.401 lượt hồ sơ so cùng kỳ năm 2017), trong đó, 16.269 hồ sơ tiếp nhận và 139.949 hồ sơ trả kết quả. Riêng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh: 13.416 hồ sơ TTHC trả kết quả Bưu chính công ích, đạt 16 % tổng số hồ sơ trả kết quả TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

- Ngoài ra Bưu điện còn thực hiện một số nhiệm vụ như: Chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH; chi trả bảo trợ xã hội; thu BHXH, BHYT tự nguyện; thu tiền phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ vi phạm giao thông; điều tra thống kê, tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT,... Trong quá trình cung cấp dịch vụ, chất lượng dịch vụ luôn được bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn chất lượng do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định; độ an toàn đạt tỷ lệ 100%, thời gian hành trình theo đúng quy định, chưa để xảy ra các vụ việc khiếu nại của tổ chức, cá nhân.

2. Năng lực của Bưu điện tỉnh

a) Nguồn nhân lực:

Với 298 lao động dài hạn, trong đó số lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên 143 người chiếm 48% và 438 lao động phát xã, Bưu điện Văn hóa xã và lao động khác.

b) Mạng lưới và cơ sở hạ tầng:

- Hệ thống điểm phục vụ bưu chính gồm: 283 điểm phục vụ, trong đó 01 bưu cục cấp 01; 12 bưu cục cấp 02; 38 bưu cục cấp 03; 232 điểm Bưu điện Văn hóa xã, trong đó 100% điểm đã ứng dụng CNTT, kết nối online. Bán kính phục vụ bình quân đạt 2,36 km/điểm. Tất cả các điểm giao dịch của Bưu điện đều đặt tại nơi trung tâm các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn, được trang bị đầy đủ két sắt, tủ sắt, máy tính kết nối Internet nên thuận tiện về giao thông cho người dân đến giao dịch cũng như đảm bảo cho tổ chức, cá nhân tiếp cận sử dụng dịch vụ.

- Mạng lưới vận chuyển: Hiện nay Bưu điện tỉnh có 19 xe ô tô vận chuyển các loại. Việc thu gom hồ sơ từ các điểm về Bưu điện Trung tâm các huyện, thị và thành phố được thực hiện bằng phương tiện vận chuyển ô tô hoặc xe máy tuỳ thuộc vào khoảng cách.

- Hệ thống công nghệ thông tin: Hiện nay, hệ thống Bưu điện tỉnh đang có hệ thống xử lý các giao dịch thu hộ tại quầy và tại địa chỉ khách hàng là hệ thống PayPost, Sim Bông Sen (mobile payment).

- Đối với hệ thống bưu chính chuyển phát: Quy trình nghiệp vụ được hỗ trợ bởi hệ thống máy móc thiết bị hiện đại và ứng dụng CNTT tiên tiến: Hệ thống tra cứu bưu gửi online, tra cước online, Hệ thống in bưu gửi gắn mã tự động, đọc mã vạch…

- Đối với dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC: Đã xây dựng hệ thống cho phép tra cứu tất cả các TTHC trên cả nước, tiếp nhận, cập nhật thông tin và quản lý đối với tất cả các hồ sơ TTHC nộp và nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.

- Trong tháng 7/2018, được sự cho phép của UBND tỉnh, Bưu điện tỉnh đã hoàn thành việc kết nối công nghệ thông tin với trang dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến dễ dàng kết nối với dịch vụ chuyển phát hồ sơ của Bưu điện.

3. Thuận lợi, khó khăn của Bưu điện trong việc tham gia cung ứng dịch vụ công

a) Thuận lợi:

- Bưu điện tham gia triển khai các nhiệm vụ, dịch vụ công là phù hợp với các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong công cuộc CCHC và được các sở, ban, ngành, địa phương rất quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện; được người dân đồng tình, ủng hộ và bước đầu ghi nhận, đánh giá cao.

- Doanh nghiệp có hệ thống CNTT hiện đại, các điểm giao dịch được nối mạng nên phù hợp và đáp ứng xu thế ứng dụng CNTT trong việc cung cấp các dịch vụ HCC của các cơ quan hành chính các cấp.

- Khi triển khai Chính phủ điện tử, ứng dụng CNTT trong việc cung cấp các dịch vụ HCC, để sử dụng dịch vụ công trực tuyến đòi hỏi người dân phải có thiết bị kết nối mạng thông tin điện tử của cơ quan hành chính, phải có kỹ năng sử dụng máy tính và thao tác trên mạng. Tuy nhiên, đối với đa số người dân, đặc biệt tại các địa bàn nông thôn, việc tự thực hiện sử dụng dịch vụ công trực tuyến là khá khó khăn. Với mạng lưới rộng khắp, bao gồm các bưu cục, điểm Bưu điện văn hóa xã được kết nối mạng, doanh nghiệp sẽ giúp cho người dân trên địa bàn sử dụng được dịch vụ và phát huy được hiệu quả của Chính phủ điện tử. Khi có nhu cầu, người dân chỉ cần đến điểm phục vụ gần nhất của doanh nghiệp và nhân viên ở đây sẽ căn cứ yêu cầu của người dân và các quy định về TTHC tương ứng để đăng ký dịch vụ HCC trực tuyến cho người dân.

- Doanh nghiệp có  nguồn nhân lực lớn, có trình độ và kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ nên khi được giao tham gia triển khai, thực hiện nhiệm vụ, dịch vụ công và được tập huấn các nghiệp vụ cơ bản, nhân viên tại các điểm phục vụ sẽ là người hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan hành chính trong việc giải quyết các công việc không đòi hỏi chuyên môn sâu nhưng mất nhiều thời gian như tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, thu tiền, chuyển nộp tiền vào ngân sách nhà nước, trả kết quả cho người dân.

- Doanh nghiệp đã có kinh nghiệm triển khai cung cấp các dịch vụ thu hộ, chi hộ trên phạm vi cả nước (trong đó có các khoản thu ngân sách), có khả năng quản lý, kiểm soát các dòng tiền lớn an toàn. Do đó, khi được giao tham gia thực hiện các nhiệm vụ công hoặc cung cấp các dịch vụ công có liên quan đến thu, chi tiền Bưu điện sẽ thực hiện an toàn, đảm bảo.

- Doanh nghiệp là đơn vị có khả năng cung cấp dịch vụ tích hợp bao gồm cả chuyển, phát và thu tiền đến tận cấp xã trên toàn quốc.

b. Khó khăn:

- Các chủ trương cho phép doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công đã có trên cơ sở các Nghị quyết của Chính phủ, nhưng việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan vẫn đang trong quá trình thực hiện.

- Phạm vi triển khai đối với một số dịch vụ còn hẹp nên chưa phát huy tối đa hiệu quả. Một số dịch vụ mới triển khai thí điểm tại một số địa bàn nên việc truyền thông chưa được thực hiện một cách rộng rãi, dẫn đến chưa nhiều người dân biết và sử dụng dịch vụ.

V. NỘI DUNG, PHƯƠNG ÁN CHUYỂN GIAO MỘT SỐ NHIỆM VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG THỰC HIỆN QUA DỊCH VỤ BƯU CHÍNH CÔNG ÍCH

1. Nội dung thí điểm chuyển giao

a) Thực hiện việc chuyển giao vị trí tiếp nhận hồ sơ tại Trung tâm Hành chính công cấp huyện, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả UBND cấp xã đến trụ sở Bưu điện, khi có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết; ưu tiên bố trí Bộ phận Một cửa tại trụ sở của Bưu điện có vị trí giao thông thuận tiện, dễ nhận biết và thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đến thực hiện TTHC.

b) Các TTHC được chuyển giao, nhân viên Bưu điện thực hiện việc tham gia hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả khi tổ chức, cá nhân đến giao dịch với quy trình cụ thể như sau:

- Thực hiện việc hướng dẫn và kiểm tra thành phần hồ sơ, số lượng TTHC, hỗ trợ việc thu phí, lệ phí (nếu có) theo quy định.

- Cập nhật thông tin hồ sơ TTHC vào phần mềm, ghi Phiếu hẹn và Trả kết quả TTHC cho tổ chức, cá nhân vào sổ theo dõi theo quy định.

- Bàn giao hồ sơ TTHC tiếp nhận cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết TTHC.

- Nhận kết quả từ cơ quan có thẩm quyền giải quyết TTHC.

- Chuyển trả kết quả giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức.

- Báo cáo thống kê, theo dõi tình trạng giải quyết TTHC.

- Thực hiện nhiệm vụ khác liên quan đến hồ sơ TTHC, khi được lãnh đạo có thẩm quyền phân công.

2. Phương án triển khai

a) Về công tác chuẩn bị:

- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bưu điện tỉnh có Kế hoạch tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân về vai trò, tác dụng của việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Bưu điện tỉnh chủ động phối hợp với các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện; UBND cấp xã tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên Bưu điện trong việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC.

- Các lĩnh vực, TTHC chuyển giao cho Bưu điện thực hiện theo Đề án này được lựa chọn dựa trên tiêu chí từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp theo lộ trình phù hợp với năng lực của nhân viên Bưu điện.

b) Về bố trí mặt bằng, trụ sở để thực hiện Đề án:

Dự kiến bố trí mặt bằng, trụ sở Bộ phận Một cửa các cấp được thực hiện như sau:

- Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh: Theo hiện trạng.

- Trung tâm Hành chính công cấp huyện: Theo hiện trạng các trung tâm đã được xây dựng.

Riêng tại huyện Lộc Hà và huyện Kỳ Anh xem xét thực hiện thí điểm việc xây dựng Trung tâm Hành chính công tại trụ sở Bưu điện huyện, do Bưu điện tỉnh đầu tư xây dựng. Chuyển toàn bộ trang thiết bị, con người từ Trung tâm HCC hiện nay về Trung tâm Hành chính công mới đảm bảo thuận tiện cho người dân hơn.

- Bộ phận Một cửa cấp xã: Đối với các đơn vị đã có Bộ phận Một cửa riêng, đủ tiêu chuẩn về diện tích, trang thiết bị tiếp tục thực hiện theo quy định; đối với các đơn vị đã có Bộ phận Một cửa, tuy nhiên chưa đảm bảo yêu cầu đề ra sẽ cải tạo nâng cấp các điểm Bưu điện - Văn hóa xã theo mô hình kết hợp Bưu điện với Bộ phận Một cửa cấp xã.

c) Về bố trí nhân lực:

Bố trí tối đa số lượng nhân viên Bưu điện có thể hỗ trợ tại Bộ phận Một cửa các cấp, phù hợp với năng lực tiếp nhận chuyển giao để trên cơ sở đó thay thế dần cho các công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC, cụ thể:

- Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh:

+ Bộ phận quản lý, điều hành: Sử dụng theo hiện trạng.

+ Công chức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc biên chế các Sở, Ban, ngành của tỉnh được cử đến làm việc tại Trung tâm phục vụ HCC tỉnh theo quy định.

+ Giám đốc Bưu điện tỉnh có trách nhiệm làm việc với lãnh đạo Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, bố trí nhân viên để đảm bảo thực hiện hỗ trợ việc trực, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm cho tổ chức, cá nhân.

+ Lãnh đạo Trung tâm phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện rà soát các TTHC có thành phần hồ sơ đơn giản, số lượng hồ sơ ít, yêu cầu và điều kiện pháp lý đơn giản để Bưu điện có thể tiếp nhận được; đến khi nào có đủ điều kiện thì thực hiện chuyển giao việc tiếp nhận và trả kết quả thay cho công chức thuộc biên chế của các Sở, Ban, ngành được cử đến làm việc tại Trung tâm.

- Tại Bộ phận Một cửa cấp huyện:

+ Bộ phận quản lý, điều hành: Sử dụng theo hiện trạng.

+ Công chức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc biên chế các phòng chuyên môn và Trung tâm thuộc UBND cấp huyện được cử đến làm việc theo quy định.

+ Giám đốc Bưu điện tỉnh có trách nhiệm làm việc với lãnh đạo Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện, bố trí nhân viên để đảm bảo thực hiện hỗ trợ việc trực, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm cho tổ chức, cá nhân.

+ Lãnh đạo Văn phòng HĐND và UBND phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện rà soát các TTHC có thành phần hồ sơ đơn giản, số lượng hồ sơ ít, yêu cầu và điều kiện pháp lý đơn giản để Bưu điện có thể tiếp nhận được; đến khi nào có đủ điều kiện thì thực hiện chuyển giao việc trực, tiếp nhận và trả kết quả thay cho công chức, viên chức thuộc biên chế của các Phòng, Trung tâm được cử đến làm việc tại Trung tâm Hành chính công cấp huyện.

- Tại Bộ phận Một cửa cấp xã:

+ Triển khai thực hiện thí điểm đưa một số Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết TTHC chưa đủ tiêu chuẩn về diện tích, trang thiết bị sang điểm Bưu điện - Văn hóa xã có vị trí gần với Trụ sở UBND cấp xã.

+ Giám đốc Bưu điện tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Giám đốc Bưu điện huyện có các xã thí điểm phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo UBND các xã cùng tham gia điều hành các hoạt động tiếp nhận và trả kết quả TTHC theo quy định.

+ Lãnh đạo cấp xã căn cứ tình thực tiễn của địa phương, thực hiện việc chuyển công chức làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thuộc UBND các xã nêu trên sang điểm Bưu điện - Văn hóa xã để phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ trực, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tại điểm Bưu điện

- Văn hóa xã và thực hiện rà soát các TTHC có thành phần hồ sơ đơn giản, số lượng hồ sơ ít, yêu cầu và điều kiện pháp lý đơn giản để thực hiện.

+ Nhân viên Bưu điện thực hiện hỗ trợ việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC; đến khi nào có đủ điều kiện việc tiếp nhận và trả kết quả được chuyển giao cho nhân viên Bưu điện, cán bộ công chức viên chức thuộc biên chế của UBND các xã được rút về thực hiện công việc chuyên môn.

d) Về quy trình thực hiện TTHC:

- Quy trình thực hiện TTHC của các cơ quan hành chính nhà nước theo Đề án phải tuân thủ theo các quy định tại các Điều: 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22 của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và Quy chế tổ chức, hoạt động của Bộ phận Một cửa do UBND các cấp ban hành và các quy định tại Thông tư số 17/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định một số nội dung và biện pháp thi hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích.

- Hệ thống cơ quan Bưu điện tham gia, hỗ trợ tích cực vào việc thực hiện các TTHC liên thông giữa các Bộ, ngành, Trung ương; các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện; UBND cấp xã tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa các cấp.

e) Về việc quản lý, giám sát nhân viên Bưu điện thực hiện các nhiệm vụ được chuyển giao:

- Nhân viên Bưu điện thực hiện các nhiệm vụ được chuyển giao theo Đề án này chịu sự quản lý, giám sát của các chủ thể sau đây:

+ Bộ phận quản lý, điều hành của Trung tâm Phục vụ HCC Tỉnh, Trung tâm HCC cấp huyện và cán bộ quản lý, điều hành của Bộ phận một cửa cấp xã.

+ Lãnh đạo Bưu điện Tỉnh cử bộ phận phối hợp quản lý, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ của nhân viên Bưu điện.

f) Về trang thiết bị, phương tiện làm việc khi chuyển giao:

- Tại Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh, Trung tâm HCC cấp huyện: Trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin: Sử dụng theo hiện trạng.

+ Công chức, viên chức tại Bộ phận Một cửa sử dụng theo hiện trạng, Bưu điện sẽ đầu tư trang bị theo lộ trình chuyển giao.

+ Nhân viên Bưu điện hỗ trợ tiếp nhận TTHC: Bưu điện tự trang bị.

- Đối với Bộ phận Một cửa cấp xã:

+ Công chức, viên chức tại Bộ phận Một cửa sử dụng theo hiện trạng.

+ Trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin: Sử dụng theo hiện trạng.

+ Khi đủ điều kiện chuyển giao việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết các TTHC sang nhân viên Bưu điện, cán bộ Công chức được rút về thì Bưu điện tỉnh sẽ đầu tư thay thế các trang thiết bị đảm bảo đủ điều kiện triển khai việc thực hiện tiếp nhận trả kết quả tại điểm Bưu điện - Văn hóa xã theo quy định.

- Trong quá trình vận hành, việc sửa chữa, thay mới các thiết bị, phương tiện sẽ do Bưu điện đầu tư có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước (khi có điều kiện).

g) Chi phí đầu tư và vận hành:

- Để tạo điều kiện tốt nhất cho việc tổ chức triển khai Đề án, trong quá trình thử nghiệm, tùy vào điều kiện cụ thể sẽ xem xét hỗ trợ một phần ngân sách nhà nước về chi phí đầu tư và vận hành cho Bưu điện tỉnh ở một số nội dung cần thiết.

- Việc hỗ trợ được thực hiện trên nguyên tắc chia sẻ chi phí giữa tỉnh Hà Tĩnh với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. Kết thúc giai đoạn thử nghiệm, sẽ có đánh giá về hiệu quả và cách tính các chi phí liên quan cho phù hợp, đảm bảo thực thi thí điểm Đề án đạt hiệu quả tốt nhất.

- Về đầu tư cơ sở vật chất

+ Ở cấp tỉnh, cấp huyện: Sử dụng cơ sở, vật chất, trang thiết bị hiện có của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công cấp huyện.

Riêng huyện Lộc Hà và huyện Kỳ Anh, sẽ xem xét tổ chức thí điểm việc Bưu điện tỉnh đầu tư xây dựng trụ sở Trung tâm Hành chính công.

+ Ở cấp xã: Bưu điện tỉnh đầu tư, nâng cấp các điểm Bưu điện văn hóa xã thực hiện thí điểm có sự hỗ trợ của Nhà nước theo Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động điểm Bưu điện Văn hóa xã gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020. Về trang, thiết bị phục vụ giao dịch “một cửa” khi chuyển giao, Bưu điện tỉnh sẽ đầu tư để thực hiện nhiệm vụ.

h) Về cơ chế trả lương và các khoản khác:

- Cơ quan, đơn vị quản lý, điều động công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp thực hiện chi trả lương và các khoản khác theo quy định hiện hành.

- Lương và các khoản phụ cấp khác cho nhân viên Bưu điện thay thế cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ trực, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa các cấp do Bưu điện chi trả.

- Ngân sách các cấp hỗ trợ thực hiện Đề án thí điểm. Định mức, nội dung hỗ trợ cụ thể trong thời gian thí điểm giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Tài chính tham mưu trình UBND tỉnh xem xét, quyết định

3. Lộ trình triển khai thực hiện thí điểm Đề án

Lộ trình chuyển giao theo Đề án, dự kiến được thực hiện như sau:

Thời gian

Nội dung công việc

Đến 25/7/2019

Trình phê duyệt Đề án

Đến 20/8/2019

Trình ban hành Kế hoạch triển khai Đề án và chuẩn bị các điều kiện thực hiện thí điểm trên địa bàn

Từ 01/10/2019

- Triển khai trên các địa bàn:

+ Cấp tỉnh (Trung tâm Phục vụ hành chính công của Tỉnh): tại các Sở có số lượng hồ sơ phát sinh ít;

+ Cấp huyện: Tại 02 Bộ phận Một cửa thuộc UBND huyện huyện Lộc Hà và huyện Kỳ Anh;

+ Cấp xã: Tại 8 điểm đang thực hiện mô hình kết hợp Bưu điện với Bộ phận Một cửa cấp xã: Tượng Sơn, Thạch Văn, Thạch Thắng, Thạch Kênh, Mỹ Lộc, Xuân Lộc, Mai Phụ, Phù Lưu.

Tháng 04/2020

Tổ chức sơ kết đánh giá thực hiện thí điểm Đề án

Tháng 05/2020

Triển khai nhân rộng các TTHC đơn giản tại các đơn vị cấp tỉnh; cấp huyện và các xã còn lại.

Tháng 12/2020

Tổ chức sơ kết đánh giá

Tháng 01/2021

Triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh

VI. ĐÁNH GIÁ VỀ TÍNH KHẢ THI, HIỆU QUẢ VÀ LỢI ÍCH MANG LẠI CỦA ĐỀ ÁN

Việc triển khai thực hiện Đề án thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ dịch vụ hành chính công qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn tỉnh sẽ mang lại các lợi ích thiết thực cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp; góp phần đẩy mạnh CCHC, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, thể hiện ở một số nội dung như sau:

1. Về tính khả thi

Việc triển khai Đề án có tính khả thi cao bởi các lý do sau:

- Việc triển khai các nội dung của Đề án phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

- Doanh nghiệp thực hiện là doanh nghiệp nhà nước được chỉ định thực hiện duy trì quản lý mạng lưới bưu chính công cộng, cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, có năng lực và kinh nghiệm trong việc triển khai cung cấp các dịch vụ công, đã đạt kết quả tốt trong việc triển khai các dịch vụ công này.

+ Năng lực: Nguồn nhân lực dồi dào, với trên 736 lao động; Mạng lưới và cơ sở hạ tầng rộng khắp trên toàn tỉnh, với gần 278 điểm phục vụ bưu chính, bán kính phục vụ bình quân đạt 2,36 km/điểm và đều nằm ở các vị trí trung tâm các xã nên rất thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận sử dụng dịch vụ.

+ Ứng dụng CNTT hiện đại: Gần 283 điểm phục vụ ứng dụng CNTT, kết nối xử lý giao dịch trực tuyến; quy trình nghiệp vụ được hỗ trợ bởi ứng dụng CNTT ...

+ Kinh nghiệm trong việc cung ứng dịch vụ công: Tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC, thu chi công (BHXH).

- Việc triển khai các nội dung trong Đề án thực chất là tham gia sâu, rộng hơn vào các dịch vụ công mà doanh nghiệp đang triển khai.

2. Về tính hiệu quả

Việc tham gia triển khai các nhiệm vụ công và cung cấp dịch vụ công qua mạng bưu chính công cộng, dịch vụ bưu chính công ích trong thời gian qua đã được thực hiện một cách an toàn, bảo đảm chất lượng dịch vụ, góp phần giảm tải cho các cơ quan hành chính, tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho người dân, được các cơ quan hữu quan và người dân ghi nhận, đánh giá cao, cụ thể:

a) Đối với Nhà nước

- Việc triển khai Đề án sẽ góp phần hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong CCHC; góp phần thực hiện được mục tiêu triển khai chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến.

- Giúp cho các cơ quan hành chính các cấp giảm tải được công việc để tập trung cho chuyên môn, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước được tốt hơn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính các cấp; giúp có điều kiện để kiện toàn lại bộ máy, bố trí sắp xếp lao động để tinh giảm biên chế.

- Góp phần cùng các cơ quan quản lý nhà nước đẩy nhanh cải cách các TTHC, đem lại sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, tổ chức và các cơ quan hành chính; thực hiện vai trò là cánh tay nối dài của các cơ quan hành chính để phục vụ những dịch vụ công tốt nhất, thuận tiện nhất, giảm thiểu tiêu cực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

- Giảm chi phí liên quan đến hoạt động tại các bộ phận một cửa về nhân lực và vật lực; hạn chế phiền hà cho người dân khi làm thủ tục; giảm bớt áp lực đối với các bộ phận nhận và trả kết quả giải quyết TTHC, tạo điều kiện để cán bộ công chức có thêm thời gian vào công việc chuyên môn, nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, giúp lành mạnh hoá các TTHC.

b) Đối với người dân

- Tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân.

- Được phục vụ thuận tiện, thoải mái hơn khi giải quyết TTHC và sử dụng các dịch vụ công khác.

- Giảm thiểu số lượt người dân tham gia giao thông, tránh gây ùn tắc giao thông, tiết kiệm chi phí cho người dân và xã hội.

c) Đối với doanh nghiệp được chỉ định

- Việc triển khai các nội dung của Đề án sẽ giúp cho thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, khai thác hiệu quả mạng bưu chính công cộng do Nhà nước đầu tư, tạo công ăn việc làm và bảo đảm đời sống cho người lao động.

- Khai thác tối đa và nâng cao hiệu quả hạ tầng mạng lưới bưu chính công cộng rộng khắp toàn tỉnh, kết hợp việc cung cấp các dịch vụ bưu chính công ích và các dịch vụ công tới người dân, phát huy được hiệu quả mạng lưới bưu chính công cộng do Nhà nước đầu tư.

- Khẳng định uy tín và vai trò của doanh nghiệp được chỉ định đối với cộng đồng.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai đề án theo lộ trình đề ra; kiểm tra, giám sát việc thực Đề án và Kế hoạch triển khai Đề án.

- Chủ trì, phối hợp với Bưu điện tỉnh, cơ quan và địa phương liên quan chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích và những nội dung liên quan đến Đề án.

- Chủ trì tổ chức công tác tuyên truyền đề án; đào tạo, tập huấn cho đội ngũ nhân viên Bưu điện triển khai Đề án; phối hợp với Bưu điện tỉnh tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá hiệu quả triển khai thực hiện thí điểm Đề án và có giải pháp đề xuất, báo cáo UBND tỉnh triển khai nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh.

2. Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh

- Tạo tài khoản trên phần mềm một cửa điện tử và tập huấn cho nhân viên Bưu điện sử dụng phần mềm để thực hiện các nhiệm vụ được chuyển giao theo Đề án; hỗ trợ, tạo điều kiện để Bưu điện phối hợp thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong việc đề xuất các TTHC có thành phần hồ sơ đơn giản, số lượng TTHC phát sinh ít, yêu cầu và điều kiện về TTHC không phức tạp, thí điểm chuyển giao cho nhân viên Bưu điện thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa các cấp theo lộ trình.

- Thực hiện nghiêm việc kiểm tra giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa của các cấp theo quy định tại Thông tư số 02/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Văn phòng Chính phủ về hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát TTHC.

3. Sở Nội vụ

Giúp UBND tỉnh theo dõi các tác động của Đề án đối với chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máy, xã hội hoá dịch vụ hành chính công và CCHC tại các ngành, các cấp, kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các nội dung, nhiệm vụ có liên quan.

4. Sở Tài chính

Thẩm định, tham mưu UBND tỉnh xem xét hỗ trợ bố trí một phần kinh phí (khi có điều kiện) để thực hiện Đề án; Kế hoạch thực hiện đề án phải bảo đảm hài hòa lợi ích về tài chính, ngân sách giữa cơ quan hành chính nhà nước và Bưu điện tỉnh theo quy định của pháp luật.

5. Các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã

- Là cơ quan, đơn vị trực tiếp chuyển giao cho Bưu điện thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa các cấp có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ có liên quan của Đề án; phối hợp chặt chẽ với Bưu điện để tổ chức tập huấn cho nhân viên Bưu điện thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC theo quy định.

- Chỉ đạo các phòng chuyên môn trực thuộc rà soát các TTHC thuộc quyền quản lý, giải quyết để tham mưu cấp có thẩm quyền phê duyệt đưa vào thực hiện giải quyết tại Bộ phận Một cửa các cấp theo quy định; phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để nhân viên Bưu điện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

- UBND cấp huyện, UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo Đài Phát thanh và Truyền hình cấp huyện, Trạm Truyền thanh cấp xã thường xuyên đưa tin rộng rãi trên Sóng phát thanh của địa phương để tổ chức, cá nhân biết và thực hiện nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết các TTHC qua dịch vụ Bưu chính công ích.

6. Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh

- Tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ có liên quan của Đề án; bố trí nhân viên Bưu điện có đủ trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức tốt để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC; phân công lãnh đạo, điều hành nhân viên Bưu điện làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp.

- Có Kế hoạch cụ thể về bố trí trụ sở Bưu điện làm việc của Bộ phận Một cửa các cấp và các trang thiết bị, phương tiện làm việc cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ được chuyển giao theo lộ trình của Đề án; phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh, Bộ phận Một cửa các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong việc triển khai các nội dung, nhiệm vụ của Đề án.

- Chủ động bố trí kinh phí thực hiện Đề án, kịp thời báo cáo Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Đề án; phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan chuẩn bị tốt nội dung Hội nghị sơ kết đánh giá một năm triển khai thực hiện thí điểm Đề án.

- Chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn, chính xác, bảo mật thông tin hồ sơ trong quá trình tiếp nhận, vận chuyển và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân đúng quy định của pháp luật và Điều 15 của Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg. Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo số liệu, chất lượng dịch vụ bưu chính công ích theo quy định.

Trong quá trình triển khai thực hiện lộ trình thí điểm của Đề án, nếu gặp khó khăn, vướng mắc thì tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để kịp thời tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

PHỤ LỤC 1

HỒ SƠ GIẢI QUYẾT TTHC TẠI TRUNG TÂM PHỤC VỤ HCC TỈNH NĂM 2018

TT

Sở ban ngành

Tổng số hồ sơ giải quyết

Số hồ sơ mỗi tháng giải quyết

Tổng số hồ sơ trả kết quả qua BCCI năm 2018

1

Công an tỉnh

1597

133

 

2

Ban QLKKT

290

24

 

3

Sở Tài chính

852

71

 

4

Sở GTVT

10212

851

6485

5

Sở xây dựng

906

75

 

6

Sở Công thương

4016

334

 

7

Sở Kế hoạch và Đầu tư

5184

432

109

8

Sở Lao động, TB và XH

11344

945

24

9

Sở Khoa học và Công nghệ

190

16

 

10

Sở Tư pháp

13265

1105

6623

11

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch

292

24

 

12

Sở Giáo dục và Đào tạo

1135

94

 

13

Sở Nông nghiệp & PTNT

2100

175

44

14

Sở Tài nguyên và Môi trường

748

62

 

15

Sở ngoại vụ

115

10

39

16

Sở Thông tin và Truyền thông

144

12

 

17

Sở Nội vụ

561

46

 

18

Sở Y tế

1423

119

54

Tổng

54.378

 

13.416

 

PHỤ LỤC 2

HỒ SƠ GIẢI QUYẾT TTHC TẠI TRUNG TÂM PHỤC VỤ HCC TỈNH 5 THÁNG ĐẦU NĂM

(Từ ngày 01/01 đến 31/5/2019)

TTT

Sở ban ngành

Tổng số hồ sơ giải quyết

Số hồ sơ mỗi tháng giải quyết

Tổng số hồ sơ trả kết quả qua BCCI 5 tháng đầu năm 2019

11

Công an tỉnh

512

102

3

22

Ban QLKKT

417

83

 

33

Sở Tài chính

163

32

 

44

Sở GTVT

5.037

1007

3.110

55

Sở xây dựng

906

181

3

66

Sở Công thương

1.583

317

5

77

Sở Kế hoạch và Đầu tư

1.240

248

70

88

Sở Lao động, TB và XH

4.522

904

12

99

Sở KH & CN

151

30

1

110

Sở Tư pháp

6.770

1.354

3.663

111

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch

122

24

6

112

Sở Giáo dục và Đào tạo

378

76

51

113

Sở Nông nghiệp & PTNT

446

89

10

114

Sở Tài nguyên và Môi trường

494

99

 

115

Sở ngoại vụ

52

10

17

116

Sở Thông tin và Truyền thông

31

6

 

117

Sở Nội vụ

325

65

 

118

Sở Y tế

999

200

346

Tổng

24.148

 

7.297

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 2459/QĐ-UBND năm 2019 về Đề án thí điểm chuyển giao nhiệm vụ hành chính công thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Số hiệu: 2459/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký: Đặng Quốc Vinh
Ngày ban hành: 23/07/2019
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [3]
Văn bản được căn cứ - [16]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 2459/QĐ-UBND năm 2019 về Đề án thí điểm chuyển giao nhiệm vụ hành chính công thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…