Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 24/1998/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 22 tháng 07 năm 1998 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUY ĐỊNH PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ PHỐI HỢP HỢP QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND;
Căn cứ Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa ban hành ngày 27 tháng 12 năm 1990;
Căn cứ Nghị định 86/CP ngày 08 tháng 12 năm 1995 của Chính phủ qui định về phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về Chất lượng hàng hóa và các thông tư Liên Bộ hướng dẫn thi hành NĐ 86/CP;
Theo đề nghị của Giám đốc sở Khoa học Công nghệ và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. - Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định phân công trách nhiệm và phối hợp quản lý chất lượng hàng hóa trên địa bàn Thành phố Hà nội".

Điều 2. - Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những qui định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. - Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc Sở KHCN và MT, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành liên quan, Chủ tịch UBND các Quận, Huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

Nơi nhận:
- Như điều III (để b/c)
- TVTU (nt)
- TTHĐND TP (nt)
- Bộ KHCN & MT (nt)
- Tổng cục TC-ĐL-CL (nt)
- CT và các Phó CT UBND TP (nt)
- Chi cục TC-ĐL-CL
- Lưu VP UBND TP

TM/ ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KT/ CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH



 
Lưu Minh Trị

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ PHỐI HỢP QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI (BAN HÀNH THEO KÈM QUYẾT ĐỊNH SỐ 24/1998/QĐ-UB NGÀY 22/7/1998 CỦA UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Bản qui định này qui định trách nhiệm, những nguyên tắc phối hợp giữa các Sở chuyên ngành và UBND Quận, Huyện về hoạt động quản lý Nhà nước đối với chất lượng hàng hóa (CLHH) trong sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; nhằm ngăn ngừa hậu qủa gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước, quyền lợi và sức khỏe của nhân dân do hàng hóa không đảm bảo chất lượng gây ra; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (gọi tắt là cơ sở) phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và Quốc tế.

Điều 2: Việc phân công trách nhiệm và phối hợp thực hiện theo các nguyên tắc:

1. Bảo đảm việc quản lý tập trung thống nhất trên địa bàn Thành phố, đồng thời phân công trách nhiệm hợp lý trong một số lĩnh vực đối với các Sở, Ngành, Quận, Huyện nhằm tránh chồng chéo hoặc bỏ sót đối tượng quản lý.

2. Các Sở, Ngành, Quận, Huyện chịu trách nhiệm trực tiếp trước UBND Thành phố trong phạm vi được phân công quản lý.

3. Các cơ quan được phân công quản lý Nhà nước về CLHH phải phối hợp với các Sở Ngành chức năng để tổ chức kiểm tra, giám sát, thanh tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những diễn biến xấu về CLHH gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng, đến an toàn và vệ sinh môi trường, trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan và yêu cầu công tác từng thời gian, địa điểm và lĩnh vực cụ thể.

Điều 3: Các Sở chuyên ngành được phân công trách nhiệm quản lý chất lượng hàng hóa thực hiện những nhiệm vụ sau:

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý và nâng cao CLHH (theo từng thời kỳ, từng năm).

- Chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về CLHH thuộc phạm vi ngành mình quản lý và phải phối hợp chặt chẽ với các Sở Ngành chức năng để quản lý hiệu qủa CLHH.

Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường là cơ quan chức năng giúp UBND Thành phố chỉ đạo và thống nhất quản lý Nhà nước về CLHH; nghiên cứu đề xuất với UBND Thành phố các chủ trương và qui định chung của địa phương phù hợp với qui định của Pháp luật; quản lý thống nhất về nghiệp vụ; kiểm tra đôn đốc các Sở, Ngành, Quận, Huyện trong việc thực hiện các nhiệm vụ được UBND Thành phố phân công.

Chương 2:

PHÂN CÔNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA

Điều 4: Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường chịu trách nhiệm:

1. Tham mưu và làm đầu mối giúp UBND Thành phố thống nhất quản lý Nhà nước về CLHH trên địa bàn; lập qui hoạch, kế hoạch về công tác quản lý CLHH, xây dựng các văn bản pháp qui về hoạt động quản lý chất lượng hàng hóa sản xuất trên địa bàn trình UBND Thành phố ký ban hành; tổ chức phổ biến và kiểm tra việc thực hiện các văn bản đó.

2/ Chủ trì trong việc hướng dẫn các cơ sở xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến đã được Nhà nước định hướng để nâng cao chất lượng và hiệu qủa các hoạt động sản xuất kinh doanh.

3/ Tiến hành cấp đăng ký chất lượng cho hàng hóa được sản xuất trên địa bàn Thành phố nằm trong danh mục hàng hóa phải đăng ký chất lượng do Bộ KHCN và MT công bố.

4/ Căn cứ danh mục hàng hóa bắt buộc đăng ký CLHH do Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường công bố và căn cứ thực tế địa phương, đề xuất với UBND Thành phố ban hành danh mục hàng hóa trọng điểm được sản xuất và lưu thông trên địa bàn phải qua kiểm Nhà nước về chất lượng, đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra chất lượng các hàng hóa đó và xử lý những vi phạm về đo lường chất lượng hàng hóa của các cơ sơ trong địa bàn Thành phố.

5/ Tổ chức hoạt động đo lường và thử nghiệm giám định CLHH phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra CLHH, quản lý thị trường và sản xuất kinh doanh khi có yêu cầu.

6/ Thông tin, tư vấn và đào tạo nghiệp vụ về quản lý và bảo đảm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho các Ngành, Quận, Huyện và cơ sở.

7/ Là cơ quan thường trực Hội đồng sơ tuyển trên địa bàn Thành phố về Giải thưởng chất lượng Việt Nam hàng năm theo Qui chế của Bộ KHCN & MT.

8/ Tổng hợp báo cáo định kỳ tình hình TC-ĐL-CL trên địa bàn Thành phố theo tháng, qúy, 6 tháng và cả năm theo yêu cầu của các cấp thẩm quyền.

Điều 5: Sở Thương mại chịu trách nhiệm :

1/ Chủ trì trong công tác đấu tranh chống hàng giả, kinh doanh trái phép.

2/ Chủ trì tổ chức và phối hợp với cơ quan hữu quan như Chi cục TC-ĐL-CL Hà Nội, thanh tra chuyên ngành của Trung ương và Địa phương để thực hiện kiểm tra và xử lý vi phạm qui định về đo lường, chất lượng đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường và các hoạt động khác (khuyến mại, giới thiệu sản phẩm...), kể cả các hàng hóa đặc thù đã được phân công cho các ngành quản lý chất lượng theo thông tư liên Bộ Thương mại - Khoa học Công nghệ và Môi trường số 12/TTLB ngày 12/7/1996 "Hướng dẫn việc tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về đo lường, chất lượng hàng háo lưu thông trên thị trường nội địa".

Điều 6: Sở Y tế chịu trách nhiệm :

1/ Quản lý chất lượng đối với dược phẩm, dược liệu, các loại mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, trang thiết bị dụng cụ y tế; chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tươi sống và đã qua chế biến công nghiệp; các loại thực phẩm ăn, uống, chè, thuốc lá.

2/ Đăng ký chất lượng cho các loại thực phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn Thành phố theo danh mục các hàng hóa thực phẩm phải đăng ký chất lượng (do Bộ Y tế ban hành) theo thông tư Liên bộ Y tế - Khoa học Công nghệ và Môi trường số 07/TTLB ngày 01/7/1996 và các văn bản pháp qui khác hướng dẫn thực hiện Nghị định 86/CP.

3/ Thanh tra vệ sinh, an toàn thực phẩm trên thị trường; trực tiếp tổ chức thanh tra và xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, các loại nước uống, rượu, thuốc lá theo qui định của Pháp luật và phối hợp chặt chẽ các cơ quan hữu quan trong hoạt động này.

Điều 7: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm:

1/ Quản lý giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn chăn nuôi theo qui định của các Nghị định 07/CP ngày 05/02/1996, 14/CP và 15/CP ngày 19/3/1996.

2/ Quản lý thuốc thú y, quản lý chất lượng, an toàn và vệ sinh đối với các sản phẩm động vật theo Pháp lệnh thú y và Nghị định số 93/CP ngày 27/11/1994 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh thú y.

3/ Quản lý thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, nước sạch theo các qui định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

4/ Quản lý các loại giống phục vụ nuôi trồng thủy sản theo qui định của Bộ thủy sản.

Điều 8: Sở Giao thông công chính chịu trách nhiệm:

Quản lý chất lượng các phương tiện vận tải và công trình giao thông đường bộ, đường thủy, thiết bị nâng hạ từ 1 tấn trở lên, nồi hơi, bình chịu áp lực sử dụng trong giao thông vận tải theo phân cấp của Bộ giao thông vận tải, cụ thể:

1/ Đối với phương tiện vận tải đường bộ: Trạm Đăng kiểm ô tô thực hiện theo qui phạm của Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục Đường bộ.

2/ Đối với phương tiện vận tải đường thủy, theo phân cấp của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

3/ Công trình giao thông: Ban quản lý các dự án giao thông thuộc Sở Giao thông công chính quản lý theo các Nghị định 42/CP, 43/CP ngày 16/7/1996, Nghị định số 92/CP, 93/CP ngày 23/8/1997 của Chính phủ và các qui định có liên quan của Nhà nước về quản lý chất lượng các công trình hạ tầng giao thông công chính.

Điều 9: Sở Công nghiệp chịu trách nhiệm

1/ Quản lý chất lượng các vật liệu nổ công nghiệp, tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa và xử lý kịp thời các vi phạm về quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn.

2/ Quản lý chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp (Nhà nước và ngoài quốc doanh) trên địa bàn thuộc phạm vi phân cấp quản lý của Sở do UBND Thành phố qui định.

3/ Phối hợp giữa các Sở, Ngành trong việc kiểm tra CLHH của từng doanh nghiệp thuộc từng ngành quản lý.

4/ Chỉ đạo hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ đối với cơ quan chuyên môn làm công tác công nghiệp ở Quận, Huyện.

Điều 10: Các ngành doanh nghiệp: Liên hiệp Xí nghiệp xe đạp xe máy, Liên hiệp thực phẩm vi sinh, Công ty Điện tử Hà nội (thuộc UBND Thành phố) chịu trách nhiệm:

Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa của các đơn vị sản xuất, kinh doanh do doanh nghiệp (ngành) quản lý.

Điều 11: Sở Xây dựng chịu trách nhiệm:

1/ Quản lý Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng theo "Điều lệ quản lý đầu tư xây dựng" ban hành kèm theo Nghị định số 42/CP ngày 16/7/1996 của Chính phủ và Nghị định số 92/CP ngày 23/8/1997 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 42/CP và Quyết định số 498/BXD-QĐ ngày 18/9/1996 của Bộ xây dựng ban hành "Điều lệ quản lý chất lượng các công trình xây dựng" và các qui định khác có liên quan của Nhà nước và UBND Thành phố.

2/ Phối hợp với Sở KHCN và MT (Chi cục TC-ĐL-CL) về quản lý chất lượng vật liệu xây dựng trên địa bàn Thành phố.

Điều 12: Sở Văn hóa Thông tin chịu trách nhiệm:

1/ Quản lý Nhà nước chất lượng các ấn phẩm, nhạc cụ và các sản phẩm văn hóa theo hướng dẫn của Luật xuất bản, Luật báo chí và các Nghị định 194/CP ngày 31/12/1994 về "Hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam", Nghị định 87/CP ngày 12/12/1997 về "Tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng" của Chính phủ, cũng như Thông tư số 37/VHTT ngày 01/7/1995 của Bộ Văn hóa Thông tin hướng dẫn thi hành Nghị định 194/CP;

2/ Chủ trì và phối hợp với các cơ quan Đài, Báo của Thành phố, các Sở Thương mại, Khoa học Công nghệ và Môi trường, Y tế, hướng dẫn các hoạt động quảng cáo, đặc biệt là các nội dung có liên quan đến chất lượng hàng hóa nhằm đảm bảo đúng pháp luật, tính trung thực và chính xác.

Điều 13: UBND các Quận, Huyện chịu trách nhiệm:

- Đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc quyền quản lý trên địa bàn thực hiện nghiêm chỉnh các qui định của Nhà nước về CLHH.

- Phối hợp với các đơn vị có thẩm quyền của Thành phố thanh tra kiểm CLHH trong sản xuất lưu thông trên địa bàn quản lý.

- Thực hiện thẩm quyền xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực chất lượng hàng hóa thuộc đối tượng quản lý ở địa phương mình theo qui định tại Điều 27 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Chương 3:

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN CÓ LIÊN QUAN

Điều 14: Các Sở, Ngành, Quận, Huyện được phân công quản lý Nhà nước về CLHH phải chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác quản lý CLHH; trong việc lập kế hoạch và triển khai công tác quản lý CLHH phải phối hợp với Sở KHCN và MT, đảm bảo chế độ báo cáo định kỳ CLHH theo tháng gửi về UBND Thành phố và Bộ quản lý chuyên ngành đồng gửi về Sở KHCN và MT (Chi cục TC-ĐL-CL) để tổng hợp báo cáo tình hình chung.

Điều 15: Đối với các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, cơ quan được giao nhiệm vụ cấp giấy phép đăng ký kinh doanh chỉ cấp ĐKKD cho những cơ sở đã đảm bảo đủ các điều kiện cho phép, theo qui định tại Nghị định 66/HĐBT ngày 2/3/1992 về cá nhân và nhóm kinh doanh có vốn thấp hơn vốn pháp định qui định trong Nghị định 221/HĐBT ngày 23/7/1991.

Điều 16: Các cơ quan được giao nhiệm vụ đăng ký CLHH phải thực hiện đúng "Qui định về đăng ký CLHH" ban hành kèm theo Quyết định số 2576/QĐ-TĐC ngày 28/10/1996 của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường.

Điều 17: Các lực lượng có chức năng thanh tra, kiểm tra chất lượng hàng hóa và chống hàng giả khi cần lấy mẫu phải theo đúng qui định về phương pháp lấy mẫu rồi chuyển đến các phòng thử nghiệm được công nhận hoặc chỉ định theo qui định số 2175 QĐ-UB ngày 9/12/1991 của UBND Thành phố về qui trình thủ tục và thẩm quyền yêu cầu giám định hàng nghi giả trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Điều 18: Các cơ quan thử nghiệm có trách nhiệm tiến hành việc thử nghiệm và trả kết qủa kịp thời các mẫu hàng hóa do các lực lượng thanh tra, kiểm tra gửi đến và chịu trách nhiệm về kết qủa thử nghiệm của mình.

Điều 19: Căn cứ kế hoạch hàng năm, các Sở chủ động xây dựng kế hoạch tài chính, bao gồm cả kinh phí kiểm tra, kiểm nghiệm hàng hóa theo đúng qui định của Luật Ngân sách, thống nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính Vật giá về kinh phí này, trình UBND Thành phố phê duyệt. Phí kiểm nghiệm áp dụng theo Thông tư Liên Bộ 65/TTLB ngày 19/8/1995 của Bộ Tài chính - Khoa học Công nghệ và Môi trường và các văn bản hiện hành.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20: Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chịu trách nhiệm về hàng hóa của mình (kể cả mua bán trao đổi trên thị trường) về nguồn gốc và CLHH, về định lượng bao gói sẵn và cả về nội dung quảng cáo:

Điều 21: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm qui định về quản lý Đo lường và CLHH tùy theo tính chất mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý theo qui định tại Nghị định số 57/CP ngày 31/5/1997 của Chính phủ về "Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hóa".

Điều 22: Tổ chức, cá nhân nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các qui định của Nhà nước về CLHH và các điều khoản của bản Qui định này, có hành vi bao che dung túng cho người vi phạm, gây hậu qủa nghiêm trọng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định của Pháp định.

Điều 23: Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn chi tiết, tổ chức thực hiện và định kỳ báo cáo UBND Thành phố và Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường về việc thực hiện Qui định này.

Điều 24: Trong qúa trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, tổ chức cá nhân phản ánh về Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường để tổng hợp trình UBND Thành phố xem xét sửa đổi, bổ sung.

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 24/1998/QĐ-UB ban hành "Quy định phân công trách nhiệm và phối hợp hợp quản lý chất lượng hàng hóa trên địa bàn Thành phố Hà Nội của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội

Số hiệu: 24/1998/QĐ-UB
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
Người ký: Lưu Minh Trị
Ngày ban hành: 22/07/1998
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [9]
Văn bản được căn cứ - [2]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 24/1998/QĐ-UB ban hành "Quy định phân công trách nhiệm và phối hợp hợp quản lý chất lượng hàng hóa trên địa bàn Thành phố Hà Nội của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội

Văn bản liên quan cùng nội dung - [1]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…