UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2299/2003/QĐ-UB |
Long xuyên, ngày 13 tháng 11 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG LĨNH VỰC THANH TRA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) được Quốc hội
thông qua ngày 21/6/1994;
Căn cứ Pháp lệnh Thanh tra được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 01/4/1990 quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống Thanh tra;
Xét đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp và Trưởng ban Tổ chức
Chính quyền tỉnh An Giang,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này Bản quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thanh tra trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các văn bản về trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thanh tra trên địa bàn tỉnh đã ban hành trước đây có nội dung trái với quy định này đều bãi bỏ.
Điều 3: Ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng ban Tổ chức Chính quyền tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban ngành và Chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Nơi nhận: |
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG |
BẢN QUY ĐỊNH
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG
LĨNH VỰC THANH TRA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2299 /2003/QĐ.UB ngày 13 /11 /2003 của Uỷ
ban nhân dân tỉnh An Giang).
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh tra nhà nước, phục vụ yêu cầu cải cách hành chính, phân định rõ chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực Thanh tra Nhà nước giữa Chánh Thanh tra tỉnh với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, thành phố (gọi chung là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện), Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Quy định này điều chỉnh mối quan hệ giữa Chánh Thanh tra tỉnh với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện trong lĩnh vực thanh tra nhà nước, phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chánh Thanh tra tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện trong việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến công tác thanh tra nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 2: Thanh tra tỉnh là cơ quan chuyên môn trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, có chức năng giúp Uỷ ban nhân dân quản lý nhà nước về công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh An Giang.
Chánh Thanh tra tỉnh chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và Tổng Thanh tra nhà nước trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra ở địa phương, được quyết định và trực tiếp giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác thanh tra mà Pháp lệnh đã quy định hoặc được sự uỷ quyền và chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và Tổng Thanh tra nhà nước.
Điều 3: Uỷ ban nhân dân cấp huyện là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực thanh tra trên địa bàn huyện.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh và Hội đồng nhân dân huyện về hoạt động quản lý trong lĩnh vực thanh tra nhà nước trên địa bàn cấp huyện, được quyền quyết định và trực tiếp giải quyết các vấn đề có liên quan đến thẩm quyền, phân cấp quản lý của tỉnh.
Chương II
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA THANH TRA TỈNH VÀ UỶ BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN.
Điều 4: Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh:
1. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, kế hoạch nhà nước của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh An Giang, trừ các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, của các cơ quan điều tra, kiểm sát, toà án và tranh chấp hợp đồng kinh tế, dân sự.
2. Xem xét kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết, hoặc giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực hành chính.
3. Trong phạm vi chức năng của mình, chỉ đạo về tổ chức và hoạt động thanh tra đối với các cơ quan tổ chức hữu quan.
4. Tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về thanh tra.
5. Thực hiện quyền hạn của mình trong quá trình thanh tra mà Pháp lệnh Thanh tra đã quy định.
6. Kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với yêu cầu của quản lý nhà nước.
Điều 5: Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chánh Thanh tra tỉnh:
1. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nội dung tại Điều 4 của bản quy định này.
2. Chủ động kết hợp với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện triển khai và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch của ngành Thanh tra trên địa bàn huyện.
3. Phối hợp tổ chức với các ngành, các cấp, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước có liên quan đến công tác thanh tra.
4. Thực hiện quyền thanh tra theo Pháp lệnh Thanh tra về việc thực hiện các chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, kế hoạch nhà nước của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh.
5. Thường xuyên tiếp dân, tiếp nhận đơn, xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết hoặc giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo... theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.
6. Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho Thanh tra cấp huyện.
7. Trả lời chất vấn của Hội đồng nhân dân và Đại biểu HĐND về những vấn đề có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Thanh tra.
8. Tổng hợp tình hình, báo cáo và đề xuất kịp thời những chủ trương, chính sách, giải pháp với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và các nhiệm vụ của ngành Thanh tra.
9. Tổ chức các hội nghị sơ, tổng kết để đánh giá kết quả việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án có liên quan đến việc chấp hành, thực thi pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 6: Nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân cấp huyện:
1. Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác thanh tra trong phạm vi cấp huyện, trên cơ sở chương trình kế hoạch công tác thanh tra của tỉnh trong từng thời kỳ.
2. Tổ chức triển khai và thực hiện các văn bản pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến công tác thanh tra.
3. Kết hợp với Thanh tra tỉnh thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác thanh tra như: Thanh tra việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân, xem xét giải quyết các khiếu nại, tố cáo trên địa bàn huyện.
Điều 7: Nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện:
1. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nội dung quy định tại Điều 6 của bản quy định này.
2. Chủ động phối hợp với Chánh Thanh tra tỉnh triển khai và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, công tác liên quan đến công tác thanh tra, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn huyện.
3. Tổ chức, chỉ đạo và triển khai thực hiện các văn bản pháp luật, các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tổ chức sơ tổng kết để đáng giá hiệu quả, việc thực hiện các chương trình, đề án liên quan đến việc chấp hành pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật trên địa bàn huyện.
4. Tổ chức và quản lý hoạt động của Thanh tra huyện và các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực thanh tra ở cấp huyện.
5. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan chuyên môn cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
6. Kết hợp với Chánh Thanh tra tỉnh và các cơ quan chuyên môn để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thanh tra xã, phường, thị trấn và lực lượng Thanh tra nhân dân.
Chương III
PHÂN ĐỊNH TRÁCH NHIỆM VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC CHÁNH THANH TRA TỈNH VÀ CHỦ TỊCH UBND CẤP HUYỆN.
Điều 8: Việc xây dựng chương trình công tác thanh tra:
1. Chánh Thanh tra tỉnh chủ động, phối hợp với thủ trưởng các Sở, ban ngành có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thanh tra hàng năm trong phạm vi toàn tỉnh, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
2. Căn cứ chương trình, kế hoạch công tác thanh tra hàng năm, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thanh tra ở cấp huyện, thống nhất với Thanh tra tỉnh về biện pháp thực hiện chương trình kế hoạch thanh tra hàng năm của địa phương mình.
Điều 9: Nhiệm vụ công tác thanh tra ở cấp huyện:
1. Trách nhiệm của Chánh Thanh tra tỉnh:
a) Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra tỉnh, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn và kiểm tra các Thanh tra huyện, thị xã, thành phố trong việc thực hiện công tác về thanh tra.
b) Xét giải quyết các khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo.
2. Trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện:
- Chỉ đạo thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác thanh tra trên địa bàn, đảm bảo thực hiện đúng các quy trình, thanh kiểm tra việc tuân thủ các chủ trương, chính sách pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, giải quyết các khiếu nại, tố cáo trên địa bàn.
- Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về tình hình thanh, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức và cá nhân, trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng và giải quyết các khiếu nại, tố cáo nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn.
Điều 10: Việc tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch thanh tra ở cấp huyện:
- Chánh Thanh tra tỉnh xây dựng chương trình kế hoạch công tác thanh tra và chịu trách nhiệm về nội dung chuyên môn trong các chương trình, kế hoạch đó.
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, tổ chức triển khai thực hiện, các chương trình kế hoạch công tác thanh tra, giải quyết các khiếu nại, tố cáo trên địa bàn huyện theo thẩm quyền.
Điều 11: Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan ngành Thanh tra:
- Chánh Thanh tra tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch đề xuất ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan ngành Thanh tra và tổ chức chỉ đạo thực hiện kế hoạch trong phạm vi tỉnh.
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm triển khai chỉ đạo thực hiện các văn bản của tỉnh trong phạm vi huyện.
- Chánh Thanh tra tỉnh có kế hoạch đóng góp các dự án luật, pháp lệnh theo chỉ đạo của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh đối với các văn bản có liên quan đến ngành Thanh tra Nhà nước. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến đóng góp ở địa phương theo chương trình, kế hoạch của tỉnh.
Điều 12: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật:
- Chánh Thanh tra tỉnh chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp và các ngành liên quan xây dựng chương trình kế hoạch phổ biến giáo dục dài hạn, định kỳ hàng năm trong toàn tỉnh nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho lực lượng thanh tra viên và Thanh tra nhân dân.
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc triển khai, thực hiện chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thanh tra nói riêng và pháp luật nói chung trên địa bàn huyện.
Điều 13: Công tác tổ chức và đào tạo:
1. Trách nhiệm của Chánh Thanh tra tỉnh:
a) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Thanh tra cấp huyện. phối hợp với Mặt trận Tổ quốc bồi dưỡng về nghiệp vụ cho thanh tra cấp xã và lực lượng Thanh tra nhân dân .
b) Quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh Thanh tra huyện trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện.
c) Đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm thanh tra viên công tác tại các cơ quan Thanh tra do tỉnh quản lý.
2. Trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện :
a) Chỉ đạo toàn diện về tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện.
b) Bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó Chánh Thanh tra huyện và điều động thanh tra viên, cán bộ, công chức thuộc Thanh tra huyện sau khi thống nhất ý kiến với Chánh Thanh tra tỉnh.
3. Trong trường hợp Chủ tịch huyện chưa thống nhất ý kiến với Chánh Thanh tra tỉnh về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra huyện, điều động thanh tra viên, cán bộ, công chức thuộc Thanh tra huyện thì báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.
Điều 14: Quan hệ công tác giữa Chánh Thanh tra tỉnh với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện:
1. Chánh Thanh tra tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện trực tiếp làm việc, thống nhất giải quyết những vấn đề liên quan đến công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn huyện. Trường hợp đặc biệt có thể phân công cấp phó làm việc và quyết định công việc nhưng Chánh Thanh tra tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện là người chịu trách nhiệm cuối cùng trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh
2. Chánh Thanh tra tỉnh có trách nhiệm nghiên cứu giải quyết hoặc trả lời những đề xuất, kiến nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện liên quan đến lĩnh vực thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Chánh Thanh tra tỉnh phải trả lời bằng văn bản cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Nếu quá thời hạn trên mà Chánh Thanh tra tỉnh không trả lời thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện báo cáo bằng văn bản với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết.
Đối với những đề nghị có liên quan đến các ngành thì Chánh Thanh tra tỉnh làm đầu mối, chủ động trao đổi với các Sở, ban, ngành có liên quan và trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, trong thời hạn 15 ngày Chánh Thanh tra tỉnh phải có văn bản trả lời cho Chủ tịch UBND cấp huyện.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15: Chánh Thanh tra tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện bản quy định này đến các phòng và Thanh tra các huyện, thị, thành phố.
Điều 16: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện phối hợp với Chánh Thanh tra tỉnh tổ chức triển khai và thực hiện bản quy định này đến các cơ quan, đơn vị cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã.
Điều 17: Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện quy định này và kịp thời đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp trong quá trình tổ chức thực hiện.
Quyết định 2299/2003/QĐ-UB ban hành Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh tra trên địa bàn tỉnh An Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành
Số hiệu: | 2299/2003/QĐ-UB |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh An Giang |
Người ký: | Nguyễn Minh Nhị |
Ngày ban hành: | 13/11/2003 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 2299/2003/QĐ-UB ban hành Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh tra trên địa bàn tỉnh An Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành
Chưa có Video