Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
CỤC HÀNG KHÔNG VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 220/QĐ-CHK

Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ BÁO CÁO AN TOÀN HÀNG KHÔNG

CỤC TRƯỞNG CỤC HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

Căn cứ Quyết định số 94/2009/QĐ-TTg ngày 16/07/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hàng không Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 75/2007/NĐ-CP ngày 09/05/2007 về điều tra sự cố, tai nạn tàu bay dân dụng;

Căn cứ Nghị định số 94/2007/NĐ-CP ngày 04/6/2007 của Chính phủ về quản lý hoạt động bay;

Căn cứ Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT ngày 27/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Bộ quy chế an toàn Hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay;

Căn cứ Thông tư số 16/2010/TT-BGTVT ngày 30/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay;

Căn cứ Quyết định số 32/2007/QĐ-BGTVT ngày 05/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chế không lưu Hàng không dân dụng;

Căn cứ Quyết định số 14/2007/QĐ-BGTVT ngày 26/3/2007 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chế thông tin, dẫn đường, giám sát hàng không dân dụng;

Căn cứ Thông tư số 53/2011/TT-BGTVT ngày 26/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về an toàn hoạt động bay;

Căn cứ Tài liệu Hướng dẫn quản lý an toàn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO - Doc 9859);

Xét đề nghị của Trưởng phòng Tiêu chuẩn an toàn bay, Trưởng phòng Quản lý hoạt động bay, Trưởng phòng Quản lý Cảng hàng không, sân bay và Chánh Văn phòng Cục,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế báo cáo an toàn hàng không”.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 01/4/2014. Bãi bỏ công văn số 4144/CHK-QLHĐB ngày 31 tháng 12 năm 2008 hướng dẫn về báo cáo và xử lý sự cố trong lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Trưởng phòng Tiêu chuẩn an toàn bay, Quản lý Cảng hàng không sân bay, Quản lý Hoạt động bay và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các TCT: Hàng không Việt Nam, Quản lý bay Việt Nam, Cảng Hàng không Việt Nam; Trực thăng Việt Nam; JPA, JVA, VAECO, VASCO, HVHK.
- Website Cục HKVN;

- Lưu: VT, TH.

CỤC TRƯỞNG




Lại Xuân Thanh

 

QUY CHẾ

BÁO CÁO AN TOÀN HÀNG KHÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 220/QĐ-CHK ngày 25 tháng 01 năm 2014 của Cục Hàng không Việt Nam)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này hướng dẫn thực hiện công tác báo cáo tai nạn, sự cố hàng không; báo cáo giảng bình và thực hiện các biện pháp khắc phục, phòng ngừa và báo cáo tổng hợp định kỳ về công tác bảo đảm an toàn hàng không.

2. Quy chế này áp dụng đối với người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay, tổ chức cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, người khai thác cảng hàng không, sân bay và các cá nhân có trách nhiệm báo cáo tai nạn, sự cố hàng không theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Phân loại tai nạn, sự cố hàng không và chế độ báo cáo

1. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm báo cáo Cục Hàng không Việt Nam về tai nạn, sự cố nghiêm trọng tại Phụ lục I và các sự cố hàng không phải báo cáo quy định tại Phụ lục II của Quy chế này.

2. Các tai nạn, sự cố phải báo cáo được phân theo các mức A, B, C, D và E theo tính chất, mức độ và được quy định cụ thể tại Phụ lục III của Quy chế này.

3. Chế độ báo cáo bao gồm:

a) Báo cáo ban đầu: báo cáo nhanh về tai nạn, sự cố nghiêm trọng và các sự cố khác thuộc mức B, C và D theo quy định tại Điều 5 của Quy chế này;

b) Báo cáo sơ bộ: báo cáo sơ bộ về tai nạn, sự cố hàng không theo quy định tại Điều 6 của Quy chế này;

c) Báo cáo giảng bình: báo cáo việc giảng bình về tai nạn, sự cố hàng không theo quy định tại Điều 7 của Quy chế này.

4. Cục Hàng không Việt Nam sẽ xem xét báo cáo, quyết định phân loại sự cố, trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo bổ sung.

Điều 3. Báo cáo sự cố tự nguyện

1. Báo cáo sự cố tự nguyện là báo cáo được thực hiện do tổ chức hoặc cá nhân không yêu cầu buộc phải thực hiện báo cáo theo các quy định của pháp luật và Quy chế này.

2. Phương thức, quy trình tiếp nhận và xử lý báo cáo tự nguyện áp dụng tương tự đối với báo cáo bắt buộc.

3. Cục Hàng không Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện báo cáo sự cố tự nguyện vì mục đích an toàn của hoạt động hàng không dân dụng. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm bảo đảm:

a) Báo cáo tự nguyện và các phân tích tiếp theo sẽ được sử dụng dưới dạng hạn chế và không thể hiện các thông tin liên quan đến người, tổ chức báo cáo;

b) Bảo mật các báo cáo tự nguyện, thông tin sử dụng từ các báo cáo tự nguyện không làm ảnh hưởng đến người, tổ chức báo cáo.

Điều 4. Nguyên tắc điều tra, giảng bình đối với tai nạn, sự cố hàng không

1. Cục Hàng không Việt Nam thực hiện điều tra tai nạn, sự cố nghiêm trọng theo quy định tại Nghị định 75/2007/NĐ-CP ngày 09/5/2007 và ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

2. Tổ chức có trách nhiệm báo cáo phải thực hiện công tác giảng bình đối với tai nạn, sự cố hàng không thuộc trách nhiệm của mình theo quy trình được thiết lập trong Tài liệu hệ thống quản lý an toàn của đơn vị. Quá trình tổ chức, thực hiện công tác giảng bình không được ảnh hưởng đến việc bảo vệ hiện trường, chứng cứ phục vụ công tác điều tra của Cục Hàng không Việt Nam.

Chương 2.

BÁO CÁO TAI NẠN, SỰ CỐ HÀNG KHÔNG VÀ BÁO CÁO GIẢNG BÌNH ĐỐI VỚI TAI NẠN, SỰ CỐ HÀNG KHÔNG

Điều 5. Báo cáo ban đầu về tai nạn và sự cố hàng không

1. Tai nạn, sự cố nghiêm trọng và các sự cố khác thuộc các mức B, C và D phải được báo cáo tới Cục Hàng không Việt Nam ngay lập tức hoặc ngay khi có thể bằng các phương tiện thông tin liên lạc thuận tiện nhất, theo yêu cầu sau:

a) Người khai thác tàu bay Việt Nam báo cáo ngay về tai nạn, sự cố hàng không đối với tàu bay do mình khai thác.

b) Tổ chức cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay báo cáo ngay về tai nạn, sự cố hàng không xảy ra trong công tác cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trong vùng trời Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý;

c) Người khai thác Cảng hàng không, sân bay báo cáo ngay về tai nạn, sự cố hàng không xảy ra tại cảng hàng không sân bay, đồng thời thông báo cho Cảng vụ hàng không;

d) Cảng vụ hàng không báo cáo về các tai nạn, sự cố hàng không xảy ra trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của Cảng vụ.

2. Báo cáo ban đầu gồm các thông tin quy định tại Phụ lục V của Quy chế này.

3. Địa chỉ nhận báo cáo ban đầu quy định tại Phần 1 - Phụ lục IV của Quy chế này.

Điều 6. Báo cáo sơ bộ về tai nạn, sự cố hàng không

1. Báo cáo sơ bộ về tai nạn, sự cố hàng không phải được gửi đến Cục Hàng không bằng văn bản theo thời hạn sau đây:

a) Báo cáo sơ bộ về tai nạn: Trong vòng 24 giờ kể từ khi xảy ra tai nạn;

b) Báo cáo sơ bộ về sự cố nghiêm trọng: Trong vòng 48 giờ kể từ khi xảy ra sự cố nghiêm trọng.

c) Báo cáo sơ bộ về sự cố hàng không quy định tại Phụ lục II của quy chế này: 72 giờ kể từ khi xảy ra sự cố tàu bay; trong trường hợp chưa xác định được đầy đủ thông tin về sự cố, báo cáo chi tiết bổ sung theo quy định tại Điều 7 của Quy chế này.

2. Thủ tục thực hiện báo cáo sự cố:

a) Người khai thác tàu bay, Tổ chức bảo dưỡng tàu bay báo cáo sự cố theo thủ tục quy định tại Phụ lục VI của Quy chế này;

b) Đối với sự cố hoạt động bay, tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm báo cáo theo thủ tục quy định tại Phụ lục VII của Quy chế này;

c) Người khai thác cảng hàng không báo cáo sự cố theo thủ tục quy định tại Phụ lục XII của Quy chế này;

3. Nội dung báo cáo:

a) Nội dung báo cáo sự cố hàng không thực hiện theo Mẫu báo cáo chung về sự cố hàng không quy định tại Phụ lục VIII của Quy chế này;

b) Nội dung báo cáo đối với các sự cố hoạt động bay thực hiện theo quy định tại Phụ lục VII của Quy chế này;

c) Nội dung báo cáo sự cố cảng hàng không, sân bay thực hiện theo quy định tại Phụ lục XII Quy chế này.

4. Địa chỉ nhận báo cáo sơ bộ quy định tại Phần II - Phụ lục IV của Quy chế này.

Điều 7. Báo cáo giảng bình đối với tai nạn, sự cố hàng không

1. Người khai thác tàu bay, tổ chức cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và người khai thác cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm báo cáo giảng bình gồm các thông tin cơ bản như sau:

a) Các thông tin bổ sung cần thiết về tai nạn, sự cố hàng không đã được báo cáo;

b) Diễn biến tai nạn, sự cố hàng không theo trình tự thời gian;

c) Phân tích, đánh giá, các phát hiện và kết luận về nguyên nhân tai nạn, sự cố hàng không;

d) Các khuyến cáo an toàn và các biện pháp khắc phục;

đ) Báo cáo giảng bình đối với tai nạn, sự cố liên quan đến hoạt động bay nêu chi tiết tại Phụ lục IX của Quy chế này.

3. Thời hạn gửi báo cáo giảng bình về Cục Hàng không Việt Nam được quy định như sau:

a) Đối với tai nạn: 60 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn;

b) Đối với sự cố nghiêm trọng: 45 ngày kể từ ngày xảy ra sự cố;

c) Đối với các sự cố khác quy định tại Phụ lục II của Quy chế này: 30 ngày kể từ ngày xảy ra sự cố.

3. Địa chỉ nhận báo cáo giảng bình quy định tại Phần III - Phụ lục IV của Quy chế này.

Chương 3.

BÁO CÁO ĐỊNH KỲ

Điều 8. Báo cáo định kỳ

1. Người khai thác tàu bay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và tổ chức bảo dưỡng tàu bay có trách nhiệm báo cáo an toàn định kỳ gửi về Cục Hàng không Việt Nam các nội dung sau đây:

a) Tình hình hoạt động của tổ chức, đơn vị thông qua các số liệu, chỉ tiêu đánh giá lĩnh vực hoạt động: khai thác tàu bay; bảo đảm hoạt động bay; khai thác cảng, hàng không sân bay; bảo dưỡng tàu bay. Nội dung báo cáo tình hình hoạt động được quy định tại Phụ lục XIII của Quy chế này;

b) Các yếu tố chủ quan, khách quan gây ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an toàn hàng không của đơn vị;

c) Các sự cố xảy ra trong kỳ báo cáo; tổng hợp sự cố theo các chỉ số an toàn theo Chương trình an toàn hàng không quốc gia; kết quả của việc giảng bình đối với tai nạn, sự cố hàng không; tình hình thực hiện các biện pháp khắc phục, phòng ngừa đối với các sự cố xảy ra trong kỳ báo cáo gần nhất;

d) Việc tổ chức thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn hàng không;

đ) So sánh số sự cố xảy ra và các chỉ số an toàn theo Chương trình an toàn hàng không quốc gia kỳ hiện tại với kỳ trước và cùng kỳ năm trước; các giải pháp sẽ được triển khai, áp dụng trong thời gian tới; nhận xét, đánh giá;

e) Các kiến nghị (nếu có).

2. Các báo cáo được thực hiện trên cơ sở thống kê số liệu từ ngày 16 tháng trước đến ngày 15 của tháng sau, với thời hạn nộp cụ thể như sau:

a) Báo cáo tháng: trước ngày 17 hàng tháng;

b) Báo cáo Quý: trước ngày 17 các tháng 3, 6, 9;

c) Báo cáo năm: trước ngày 17 tháng 12 hàng năm.

3. Báo cáo tình hình hoạt động bay hàng ngày quy định tại Phụ lục X của Quy chế này.

4. Báo cáo định kỳ hàng tháng về các trường hợp có sai lệch lớn về độ cao (LHD) trong quá trình khai thác giảm tiêu chuẩn phân cách cao (RVSM) quy định tại Phụ lục XI của Quy chế này.

Điều 9. Tổng hợp báo cáo định kỳ của Cục Hàng không Việt Nam

1. Các phòng có trách nhiệm tổng hợp báo cáo về bảo đảm an toàn hàng không gửi Văn phòng Cục trước 16h30 ngày 19 hàng tháng, cụ thể như sau:

a) Công tác bảo đảm an toàn lĩnh vực khai thác tàu bay: Phòng Tiêu chuẩn An toàn bay.

b) Công tác bảo đảm an toàn lĩnh vực hoạt động bay: Phòng Quản lý hoạt động bay.

c) Công tác bảo đảm an toàn trong công tác khai thác, điều hành, phối hợp tại cảng hàng không, sân bay: Phòng Quản lý cảng hàng không, sân bay.

d) Công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn hàng không: Thanh tra hàng không.

đ) Công tác tìm kiếm, cứu nạn hàng không: Phòng Quản lý hoạt động bay.

e) Văn phòng Cục tổng hợp, trình Cục trưởng ký văn bản báo cáo Phó Thủ tướng phụ trách Ngành, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ Giao thông vận tải trước 16h30 ngày 21 hàng tháng.

2. Nội dung báo cáo thường kỳ về công tác bảo đảm an toàn hàng không của Cục Hàng không Việt Nam bao gồm:

a) Số liệu hoạt động của ngành hàng không: số lượng hãng hàng không, đội tàu bay; sản lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa; sản lượng phục vụ hành khách tại cảng hàng không; sản lượng điều hành bay;

b) Số liệu về tai nạn, sự cố hàng không: danh mục sự cố xảy ra trong kỳ báo cáo; so sánh các chỉ số an toàn theo Chương trình an toàn hàng không quốc gia kỳ hiện tại với kỳ trước và cùng kỳ năm trước; công tác điều tra, xác minh, tìm hiểu nguyên nhân và các biện pháp khắc phục; tình hình thực hiện các biện pháp khắc phục, phòng ngừa đối với các sự cố xảy ra trong kỳ báo cáo gần nhất;

c) Công tác cấp phép, giám sát bảo đảm an toàn hàng không; thanh tra, kiểm tra;

d) Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn liên quan đến an toàn hàng không; công tác chỉ đạo điều hành của Cục Hàng không Việt Nam;

đ) Nhận xét, đánh giá: các yếu tố ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an toàn hàng không; thuận lợi, khó khăn;

e) Các giải pháp, kiến nghị.

Chương 4.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm tổ chức, thực hiện

1. Người khai thác tàu bay, người khai thác cảng hàng không, sân bay, tổ chức cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và tổ chức bảo dưỡng tàu bay có trách nhiệm:

a) Xây dựng quy trình nội bộ tiếp nhận, xử lý thông tin, chỉ định, phân công trách nhiệm thực hiện thông báo và lập báo cáo về tai nạn, sự cố hàng không;

b) Phổ biến các quy định của Quy chế này đến các tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc quyền quản lý.

2. Các cơ quan thuộc Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm:

a) Triển khai thực hiện, kiểm tra và giám sát việc thực hiện Hướng dẫn này;

b) Tổng hợp, tổ chức phân tích và đánh giá các báo cáo tai nạn, sự cố hàng không thuộc chức năng của mình; lập tài liệu tham khảo về tai nạn, sự cố hàng không;

c) Tham mưu, đề xuất với Cục Hàng không Việt Nam tiến hành điều tra đối với các sự cố hàng không trong trường hợp cần thiết;

d) Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung nội dung Hướng dẫn này phù hợp với quy định của pháp luật, của ICAO và yêu cầu thực tế.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 220/QĐ-CHK năm 2014 về Quy chế báo cáo an toàn hàng không do Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ban hành

Số hiệu: 220/QĐ-CHK
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Cục Hàng không Việt Nam
Người ký: Lại xuân Thanh
Ngày ban hành: 25/01/2014
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [8]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 220/QĐ-CHK năm 2014 về Quy chế báo cáo an toàn hàng không do Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [1]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [1]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…