Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 213-CP

Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 1961 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ CÔNG NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG
(bao gồm xí nghiệp quốc doanh địa phương, công tư hợp doanh và thủ công nghiệp)

Để tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo tập trung của Chính phủ đồng thời tăng cường hơn nữa tính tích cực, tinh thần sáng tạo của các ngành, các địa phương trong việc quản lý công nghiệp địa phương (bao gồm xí nghiệp quốc doanh địa phương, công tư hợp doanh và thủ công nghiệp). Hội đồng Chính phủ trong phiên họp hội nghị thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 09 tháng 10 năm 1961 quyết định:

1. Việc lãnh đạo thống nhất và phân công quản lý công nghiệp địa phương giữa các Bộ, các ngành và các địa phương theo nguyên tắc sau đây:  

a) Việc lãnh đạo và chỉ đạo công nghiệp địa phương về mọi mặt là do Ủy ban hành chính các địa phương phụ trách. Các Sở, Ty chuyên môn có nhiệm vụ trực tiếp quản lý các ngành công nghiệp địa phương dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và Ủy ban hành chính địa phương.

b) Các xí nghiệp quốc doanh địa phương và công tư hợp doanh thuộc Bộ nào, ngành nào thì giao cho Bộ đó, ngành đó chỉ đạo và giúp đỡ về nghiệp vụ, kỹ thuật và kế hoạch, cụ thể là:

- Bộ Công nghiệp nặng chỉ đạo và giúp đỡ các ngành cơ khí, khai khoáng, luyện kim, phân bón hóa chất cơ bản.

- Bộ Công nghiệp nhẹ chỉ đạo và giúp đỡ các ngành thực phẩm, dệt, vật dụng, cưa xẻ, chế biến gỗ, hàng mỹ nghệ, và các xí nghiệp quốc doanh địa phương chế biến lương thực.

- Bộ Kiến trúc chỉ đạo và giúp đỡ các ngành sản xuất vật liệu xây dựng như gạch, ngói, vôi, cát, sỏi, đá.

- Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo và giúp đỡ các ngành đóng các phương tiện giao thông vận tải.

- Bộ Thủy lợi và Điện lực chỉ đạo và giúp đỡ các cơ sở nhiệt điện và thủy điện.

- Bộ Nội thương chỉ đạo và giúp đỡ các ngành làm bánh mứt kẹo nhỏ, chế biến các thức ăn bán ngay, các cơ sở giày, dép, mũ, may mặc nhỏ (không có tính chất sản xuất công nghiệp).

- Bộ Văn hóa chỉ đạo và giúp đỡ ngành in và ngành nhiếp ảnh, điện ảnh.

- Tổng cục Lương thực chỉ đạo và giúp đỡ hệ thống máy xay, xát gạo và ngành chế biến lương thực trong các hợp tác xã thủ công và hợp tác xã nông nghiệp.

- Tổng cục Thủy sản chỉ đạo và giúp đỡ ngành đánh cá, các cơ sở chế biến thủy sản, sản xuất các phương tiện đánh cá.

- Tổng cục Lâm nghiệp chỉ đạo và giúp đỡ ngành khai thác gỗ.

Ngoài các cơ quan Nhà nước, còn có hệ thống tổ chức hợp tác xã thủ công nghiệp trong đó Ban Chủ nhiệm liên hiệp hợp tác xã thủ công nghiệp các cấp là tổ chức kinh tế, được quần chúng xã viên bầu ra để quản lý kinh tế tập thể của quần chúng về mọi mặt, tổ chức này được sự giúp đỡ của các cơ quan Nhà nước.

Ở địa phương tùy tình hình cụ thể từng nơi, nếu khu, thành phố, tỉnh nào mà công nghiệp và thủ công nghiệp đã phát triển các Sở, Ty chuyên môn đã được kiện toàn và có khả năng quản lý tốt, đẩy mạnh được sản xuất thì Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh sẽ giao nhiệm vụ cho các Sở, Ty chuyên môn quản lý các ngành công nghiệp như sự phân công của các Bộ, các ngành ở trung ương. Ngược lại, ở những nơi công nghiệp và thủ công nghiệp chưa phát triển, tình hình tổ chức của các Sở, Ty chuyên môn chưa vững mạnh và chưa đủ khả năng quản lý thì không nhất thiết phải phân công cho các Sở, Ty đó quản lý mà cứ giao nhiệm vụ cho các Sở, Ty công nghiệp quản lý chung tất cả các ngành công nghiệp địa phương. Vấn đề này do Ủy ban hành chính khu thành phố, tỉnh quyết định. Còn các hợp tác xã thủ công nghiệp thì do Ban Chủ nhiệm liên hợp hợp tác xã các cấp khu, thành phố, tỉnh trực tiếp quản lý về mọi mặt, có sự giúp đỡ về sản xuất và kỹ thuật của các cơ quan Nhà nước.

2. Nhiệm vụ của các Bộ, các ngành, các địa phương:  

a) Các Bộ, các ngành ở trung ương:

- Chỉ đạo và giúp đỡ các cơ quan địa phương có quản lý công nghiệp thuộc Bộ mình ngành mình về việc lập kế hoạch, quy hoạch, về mặt kỹ thuật, nghiệp vụ và đào tạo cán bộ.

- Hướng dẫn giúp đỡ các hợp tác xã thủ công nghiệp về kỹ thuật và quy hoạch chung.

- Giúp Đảng và Chính phủ nghiên cứu chủ trương, chính sách xây dựng và phát triển công nghiệp địa phương thuộc ngành mình và chỉ đạo thực hiện chủ trương chính sách đó.

b) Văn phòng Công nghiệp Phủ Thủ tướng:

- Theo dõi và tổng hợp tình hình chung để giúp Hội đồng Chính phủ và thường vụ Hội đồng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các Bộ, các ngành các địa phương thi hành chủ trương đường lối của Đảng và Chính phủ và thực hiện chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước về công nghiệp địa phương, và thủ công nghiệp.

- Giúp Đảng và Chính phủ nghiên cứu và ban hành những chính sách cụ thể nhằm đẩy mạnh việc phát triển công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp.

c) Ủy ban Kế hoạch Nhà nước:

- Nghiên cứu quy hoạch toàn diện phát triển các ngành công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp một cách cân đối và ăn khớp với các ngành công nghiệp trung ương.

- Tổng hợp kế hoạch của các địa phương đồng thời hướng dẫn các địa phương xây dựng và quản lý kế hoạch.

d) Ban Chủ nhiệm liên hiệp hợp tác xã trung ương:

- Ban Chủ nhiệm Liên hiệp hợp tác xã trung ương là một tổ chức quản lý kinh tế tập thể của quần chúng có nhiệm vụ thi hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ và thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước giao cho các ngành thủ công nghiệp, Ban có trách nhiệm quản lý về chính trị và tư tưởng đối với quần chúng lao động thủ công nghiệp, tổng hợp tình hình chung của ngành sản xuất thủ công nghiệp, giúp Chính phủ nghiên cứu những chế độ, chính sách cụ thể đối với thủ công nghiệp, liên hệ với các ngành có liên quan để xây dựng quy hoạch phát triển những ngành nghề chính của thủ công nghiệp, hướng dẫn và tổng hợp các kế hoạch sản xuất của các ngành thủ công ở các địa phương; tổ chức kiểm tra đôn đốc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao cho các ngành thủ công; tổ chức phổ biến và trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương, hướng dẫn về nghiệp vụ quản lý, phổ biến kinh nghiệm về kỹ thuật tiên tiến, đào tạo cán bộ cho các hợp tác xã ở các địa phương. Các Ban Chủ nhiệm liên hiệp hợp tác xã khu, tỉnh và thành phố có nhiệm vụ chỉ đạo và quản lý trực tiếp các hợp tác xã thủ công nghiệp về mọi mặt, dưới sự lãnh đạo của các cấp Đảng, chính quyền địa phương và Ban Chủ nhiệm liên hiệp hợp tác xã trung ương.

e) Các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh thông qua Ủy ban kế hoạch tỉnh, thành, khu, các Sở, Ty chuyên môn, các liên hợp hợp tác xã mà chỉ đạo và quản lý công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp; chấp hành đường lối, chủ trương xây dựng và phát triển công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp, đồng thời căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương mình mà có kế hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp.

3. Về tổ chức bộ máy quản lý công nghiệp địa phương.  

a) Các Bộ, các Tổng cục cần tổ chức một bộ phận theo dõi công nghiệp địa phương ở trong Vụ Kế hoạch đồng thời phải tận dụng khả năng của các Cục Quản lý, các Vụ, Viện ở Bộ hoặc Tổng cục mình để giúp các Bộ hoặc Tổng cục theo dõi và chỉ đạo công nghiệp địa phương được chặt chẽ.

b) Văn phòng công nghiệp Phủ Thủ tướng và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cần tăng thêm một số cán bộ để theo dõi và tổng hợp tình hình và làm nhệm vụ như đã quy định.

c) Các khu, thành phố, tỉnh cần tăng cường cán bộ có chất lượng phụ trách công nghiệp địa phương và củng cố các Sở, Ty công nghiệp địa phương, củng cố Ủy ban Kế hoạch địa phương, đồng thời bổ sung cán bộ và giúp đỡ phương tiện hoạt động cho liên hiệp hợp tác xã thủ công nghiệp các cấp để có khả năng giúp Ủy ban hành chính lãnh đạo và chỉ đạo công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp được tốt hơn.

Sở, Ty Công nghiệp địa phương quản lý chung cả công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ đồng thời có nhiệm vụ theo dõi và tổng hợp tình hình chung về công nghiệp địa phương (kể cả thủ công nghiệp).

d) Ở các khu phố của các thành phố lớn, các thị xã và các huyện mà công nghiệp địa phương đã phát triển thì cần tăng cường lãnh đạo và có người chuyên trách về công nghiệp địa phương để giúp Ủy ban hành chính theo dõi và chỉ đạo các cơ sở sản xuất. Đồng thời ở những nơi xét thấy cần thiết sẽ lập liên hiệp hợp tác xã thủ công nghiệp khu phố, huyện, thị xã theo sự hướng dẫn của Ban Chủ nhiệm liên hiệp hợp tác xã thủ công nghiệp trung ương để quản lý hợp tác xã thủ công nghiệp.

Ở các nơi công nghiệp địa phương ít phát triển thì Ủy ban hành chính huyện, thị xã cần tăng cường lãnh đạo đối với phòng Công thương để tích cực giúp đỡ cho công nghiệp địa phương phát triển, tránh tình trạng coi nhẹ công nghiệp địa phương.

4. Quyết định này được thi hành kể từ ngày ban hành. 

 

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG



 
 
Lê Thanh Nghị

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 213-CP năm 1961 về việc tổ chức quản lý công nghiệp địa phương do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

Số hiệu: 213-CP
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
Người ký: Lê Thanh Nghị
Ngày ban hành: 18/12/1961
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 213-CP năm 1961 về việc tổ chức quản lý công nghiệp địa phương do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…