BỘ
CÔNG AN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1960/QĐ-BCA-C41 |
Hà Nội, ngày 08 tháng 06 năm 2017 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CHUYỂN HÓA ĐỊA BÀN TRỌNG ĐIỂM, PHỨC TẠP VỀ TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI ĐẾN NĂM 2020
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
Căn cứ Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Kết luận số 05-KL/TW ngày 15 tháng 7 năm 2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW;
Căn cứ Nghị định số 106/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Căn cứ Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 05-KL/TW ngày 15 tháng 7 năm 2016 của Ban Bí thư và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm đến năm 2020;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội đến năm 2020”, với các nội dung sau:
1.1. Mục tiêu
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; xác định rõ vai trò trách nhiệm các cấp, các ngành, đầu tư nguồn lực, phương tiện, lực lượng, tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và người dân ở cơ sở thực hiện chuyển hóa thành công địa bàn xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội thành địa bàn an toàn, giảm tội phạm và tệ nạn xã hội, không để hình thành điểm nóng phức tạp về trật tự, an toàn xã hội. Hàng năm tổ chức chuyển hóa thành công ít nhất 60% tổng số địa bàn được lựa chọn chuyển hóa;
- Thực hiện có hiệu quả các giải pháp để duy trì bền vững kết quả đã đạt được, ít nhất 85% các địa bàn đã chuyển hóa thành công không phức tạp trở lại sau chuyển hóa.
1.2. Chỉ tiêu
+ Tại các địa bàn chuyển hóa không có dấu hiệu hoạt động của tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; Tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt từ 80% trở lên, các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 95% trở lên trong tổng số án khởi tố. 100% tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố được tiếp nhận, xử lý.
+ Giảm tỷ lệ tái phạm tội trong số người chấp hành xong án phạt tù và đặc xá về cư trú tại địa bàn xuống dưới 15%.
+ Các địa bàn được lựa chọn chuyển hóa củng cố được hệ thống chính trị, hoạt động hiệu quả, vững mạnh, đoàn kết.
+ 100% các địa bàn được lựa chọn chuyển hóa tiến hành xây dựng và củng cố ít nhất 01 mô hình vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải, hoạt động hiệu quả; xây dựng và duy trì thực hiện các nội quy, quy tắc nếp sống cộng đồng văn minh, tiến bộ.
+ 100% các hộ dân tại địa bàn chuyển hóa được phổ biến, tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
2. Phạm vi, địa bàn, tiêu chí xác định địa bàn, thời gian
2.1. Phạm vi: Đề án được triển khai thực hiện tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2.2. Địa bàn chuyển hóa: Là tất cả các xã, phường, thị trấn được Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cấp tỉnh lựa chọn, quyết định tổ chức chuyển hóa.
Hàng năm, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào các nhóm chỉ tiêu cụ thể xác định, lựa chọn địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cùng cấp xem xét, quyết định.
Tổng số đơn vị cấp xã được xác định là trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội để thực hiện chuyển hóa hàng năm không vượt quá 15% tổng số đơn vị hành chính cấp xã hiện có tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với các xã, phường, thị trấn đã chuyển hóa thành công được đưa ra khỏi diện.
Đối với các xã, phường, thị trấn được công nhận là trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự (quy định tại Thông tư số 15/2010/TT-BCA ngày 24/5/2010 của Bộ Công an) nếu phức tạp về trật tự, an toàn xã hội thì cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của đề án này.
2.3. Các nhóm tiêu chí xác định địa bàn gồm
a, Nhóm tiêu chí về hình sự:
+ Số vụ phạm pháp hình sự xảy ra
+ Số đối tượng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang thi hành các bản án hình sự nhưng giao cho địa phương quản lý.
+ Số người vi phạm pháp luật trong diện quản lý, giáo dục, cảm hóa tại địa bàn dân cư theo Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP.
+ Số đối tượng sưu tra về hình sự.
+ Số đối tượng truy nã hoặc trốn thi hành án.
+ Số băng, ổ, nhóm tội phạm đang hoạt động trên địa bàn nhưng chưa được xử lý.
+ Số tụ điểm hoặc điểm phức tạp về tệ nạn xã hội chưa được triệt xóa.
+ Số tin báo, tố giác tội phạm
b, Nhóm tiêu chí về ma túy:
+ Số vụ phạm tội về ma túy.
+ Số tụ điểm hoặc điểm phức tạp về mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
+ Số đối tượng sưu tra về ma túy.
+ Số người nghiện có hồ sơ quản lý và số người sử dụng ma túy trên địa bàn.
+ Tình trạng trồng, tái trồng cây hoặc nghi tái trồng cây có chứa chất ma túy.
c, Nhóm tiêu chí về kinh tế, môi trường:
+ Số vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về kinh tế, môi trường.
+ Số đối tượng sưu tra về kinh tế, môi trường.
+ Các cơ sở kinh doanh, sản xuất, tàng trữ, mua bán hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm với số lượng lớn hoặc tái phạm nhiều lần.
+ Các cơ sở kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân vi phạm nghiêm trọng pháp luật bảo vệ môi trường hoặc đã bị xử lý hành chính nhiều lần mà vẫn vi phạm vào những nội dung sau: vi phạm về xử lý nước thải, rác thải, hóa chất độc hại, khói bụi, chất rắn gây ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, khai thác khoáng sản, tài nguyên rừng trái phép làm hủy hoại môi trường....
d, Các tiêu chí khác:
+ Địa bàn đang có tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, gây rối trật tự công cộng... phức tạp về trật tự an toàn xã hội.
+ Địa bàn tập trung khách sạn, nhà nghỉ, vũ trường, nhà hàng, cơ sở kinh doanh karaoke, cơ sở cầm đồ, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, khu kinh tế các công trình quan trọng, có nhiều bệnh viện, trường học, tập trung đông người... thường xuyên xảy ra vi phạm quy định về an ninh trật tự, vi phạm pháp luật.
+ Địa bàn có chợ, bến tàu, bến xe, bến cảng, khu công nghiệp nơi tập trung đông người lao động ngoài địa phương, người nước ngoài sinh sống và làm việc.
+ Địa bàn có tuyến giao thông thường xuyên xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông nghiêm trọng do các hành vi vi phạm pháp luật về ATGT, thường xuyên có các đối tượng tụ tập tổ chức đua xe trái phép, số vụ tai nạn giao thông; có nhiều hàng quán vỉa hè, tụ tập nhiều thành phần gây rối trật tự công cộng....
+ Địa bàn có khu vực tập trung hoạt động khai thác khoáng sản (khai thác vàng sa khoáng, cát, sỏi...).
+ Địa bàn giáp ranh nơi tội phạm hay lợi dụng ẩn náu và hoạt động.
+ Số vụ cháy nổ và các tai nạn khác gây hậu quả nghiêm trọng; có phát hiện những vi phạm về tàng trữ, mua bán sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển và sử dụng pháo trái phép.
+ Địa bàn hệ thống chính trị ở cơ sở yếu kém, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, để tội phạm hoạt động lộng hành.
+ Địa bàn thường xảy ra tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội nhưng không có mô hình quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự hoặc có nhưng hoạt động không hiệu quả.
2.4. Các tiêu chí để đánh giá địa bàn chuyển hóa thành công gồm: Địa bàn đạt 80% các chỉ tiêu của đề án trở lên (quy định tại điểm 1.2 mục 1 điều 1 của quyết định này), trong đó giảm cơ bản tội phạm và tệ nạn xã hội, không để phức tạp nổi lên về trật tự, an toàn xã hội.
2.5. Thời gian thực hiện:
- Thời gian thực hiện đề án: từ nay đến hết năm 2020.
- Thời gian thực hiện chuyển hóa mỗi địa bàn: 01 năm.
3.1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo
- Đề nghị cấp ủy Đảng các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tội phạm; lồng ghép nội dung lãnh đạo chỉ đạo công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội vào trong nội dung chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động cụ thể hàng năm để tổ chức thực hiện, đưa vào một trong những tiêu chí để bình xét thi đua hàng năm.
- Ủy ban nhân dân các cấp ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn, xác định rõ chỉ tiêu địa bàn được chuyển hóa trong từng năm, từng giai đoạn; Chỉ đạo các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và nhân dân tích cực, chủ động tham gia công tác phòng, chống tội phạm nói chung, công tác chuyển hóa địa bàn nói riêng.
- Xác định vai trò trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, công an địa bàn trong việc thực hiện chuyển hóa; gắn trách nhiệm cá nhân cụ thể. Phát huy vai trò gương mẫu, tiên phong trong phòng, chống tội phạm ngay từ trong gia đình, nơi cư trú của mỗi cán bộ, đảng viên, thực hiện nghiêm túc Quy định số 181-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về xử lý, kỷ luật đảng viên trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm.
- Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; quản lý chặt chẽ các đối tượng là thanh thiếu niên hư, đối tượng mắc các tệ nạn xã hội, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, lang thang, cơ nhỡ...
- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội; định kỳ sơ kết, tổng kết để đề ra chủ trương, đường lối phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; kịp thời khen thưởng, động viên những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
3.2. Tổ chức kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở
- Khảo sát, đánh giá chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở địa bàn được lựa chọn chuyển hóa, đặc biệt là chất lượng, năng lực trình độ cán bộ, hiệu quả hoạt động; trên cơ sở đó có biện pháp củng cố, điều động, luân chuyển, bố trí sắp xếp lại cán bộ chuyên trách và không chuyên trách đáp ứng yêu cầu công tác nói chung và công tác phòng, chống tội phạm nói riêng.
- Tiếp tục kiện toàn, hợp nhất các Ban Chỉ đạo về phòng chống tội phạm, phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở xã, phường, thị trấn theo hướng thu gọn đầu mối và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo.
- Phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức ở địa bàn có phẩm chất, năng lực công tác tốt nhưng chưa đảm bảo trình độ chuyên môn theo quy chuẩn vị trí đang đảm nhiệm.
3.3. Củng cố, tăng cường năng lực của lực lượng Công an
- Tăng cường, bố trí lực lượng Công an ở đơn vị cấp xã được lựa chọn chuyển hóa, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại địa bàn chuyển hóa.
- Nghiên cứu rà soát các chế độ chính sách cho lực lượng Công an cơ sở, đặc biệt là chế độ đãi ngộ, thù lao, động viên khuyến khích lực lượng nòng cốt, Công an xã trong thực thi nhiệm vụ.
- Từng bước đầu tư, trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ và các điều kiện phục vụ cho lực lượng Công an xã bảo đảm thực hiện công tác.
- Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức bản lĩnh nghề nghiệp, năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm, thái độ ứng xử của lực lượng Công an ở địa bàn cơ sở.
- Tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, trao đổi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
3.4. Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở
- Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan về tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
- Phát huy tốt vai trò của các phương tiện truyền thông tại cơ sở tuyên truyền phòng, chống tội phạm, nhất là phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm để nhân dân cảnh giác, chủ động phòng chống và hỗ trợ các lực lượng chức năng đấu tranh, xử lý tội phạm và tệ nạn xã hội.
- Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, xây dựng, củng cố, nhân rộng mô hình quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở nhất là các tổ hòa giải, tổ tự quản, thực hiện phong trào thi đua “Học tập, đuổi kịp và vượt các điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
- Thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Phân công các tổ chức đoàn thể, cán bộ, hội viên, đoàn viên trực tiếp tham gia phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền và các gia đình để quản lý, giáo dục, giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, số đối tượng có nguy cơ phạm tội cao, người lầm lỗi, người được đặc xá, tha tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Tổ chức thực hiện tốt việc thi hành các bản án ngoài hình phạt tù tại địa phương.
- Kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân có tích cực trong phát hiện, điều tra bắt giữ tội phạm. Có chính sách bảo vệ hỗ trợ thỏa đáng cho tập thể, cá nhân bị thương, hy sinh, hoặc bị thiệt hại về tài sản khi tham gia phòng, chống tội phạm. Xã hội hóa công tác phòng, chống tội phạm, huy động sự đóng góp, hỗ trợ nguồn lực từ các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân.
3.5. Tổ chức phòng ngừa nghiệp vụ và quản lý nhà nước về an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở
- Thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản, nhất là công tác điều tra cơ bản quản lý chặt chẽ các địa bàn, đối tượng để chủ động phòng ngừa, phát hiện tội phạm và vi phạm pháp luật; củng cố và phát huy vai trò của lực lượng cơ sở, nhất là Cảnh sát khu vực, Công an xây dựng phong trào và phụ trách xã về an ninh, trật tự, Công an xã, phường, thị trấn, Dân phòng, Bảo vệ dân phố; các lực lượng tự quản về an ninh trật tự, thành lập các tổ tuần tra kiểm soát và duy trì hoạt động tuần tra kiểm soát hành chính nhằm phòng ngừa, hạn chế thấp nhất các vi phạm pháp luật.
- Quản lý chặt chẽ các cơ sở, ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, nhất là các cơ sở cầm đồ, lưu trú, massage... Tăng cường quản lý cư trú; kiểm tra, kiểm soát kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông, cháy nổ; phát hiện và xử lý kịp thời các tụ điểm tệ nạn xã hội về cờ bạc, mại dâm, ma túy, mê tín dị đoan, truyền đạo trái pháp luật, truyền bá và phát tán văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực gia đình, ngược đãi trẻ em...
- Rà soát, lập hồ sơ đưa người có hành vi vi phạm pháp luật vào diện giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; quản lý chặt chẽ số người nghiện ma túy trên địa bàn đồng thời không để phát sinh người nghiện mới.
- Tiếp tục vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ góp phần phòng ngừa tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án.
3.6. Tổ chức đấu tranh, trấn áp, xử lý các loại tội phạm
- Chủ động phòng ngừa, kết hợp chặt chẽ với tích cực tấn công trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm nhất là các loại tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm kinh tế, tham nhũng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm mua bán người, tội phạm về ma túy. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, phòng, chống oan sai, bỏ lọt tội phạm. Tổ chức vận động đối tượng truy nã ra đầu thú.
- Tiến hành phân công rõ trách nhiệm cho các lực lượng nghiệp vụ cấp tỉnh, cấp huyện tăng cường cán bộ hỗ trợ cho các lực lượng tại chỗ trong việc phát hiện, điều tra xử lý các loại tội phạm trên địa bàn thực hiện chuyển hóa; kịp thời phát hiện, điều tra xử lý các loại tội phạm, nhất là các vụ án nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân.
- Lực lượng Công an phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân cùng cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, lựa chọn đưa ra xét xử lưu động tại địa bàn cấp xã đối với một số vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp nhằm giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.
- Xây dựng, thực hiện cơ chế, các biện pháp phối hợp phòng, chống tội phạm tại các địa bàn giáp ranh; duy trì ổn định địa bàn đã chuyển hóa không để xảy ra hiện tượng tái phức tạp trở lại.
Kinh phí triển khai thực hiện đề án do ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành. Căn cứ các nhiệm vụ được giao tại quyết định này, các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương chủ động bố trí trong dự toán chi thường xuyên được giao để thực hiện đề án; lồng ghép với việc thực hiện Chương trình mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống tội phạm và ma túy của Bộ Công an (2016-2020).
Nguồn kinh phí địa phương: Hàng năm đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, cân đối ngân sách địa phương chi hỗ trợ thực hiện đề án này.
Nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Điều 2. Cơ chế điều hành thực hiện đề án
1. Cơ quan quản lý, chủ trì, phối hợp và cơ chế điều hành
- Cơ quan quản lý: Bộ Công an
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Tổng cục Cảnh sát
- Cơ quan phối hợp:
+ Ở Trung ương: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin Truyền thông và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công an.
+ Ở địa phương: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Thành lập Ban Chủ nhiệm đề án ở Trung ương do đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an, Phụ trách Tổng cục Cảnh sát làm Trưởng ban; 01 đồng chí lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát làm Phó Trưởng ban. Thành viên tham gia là đại diện cấp vụ, cục của các bộ, ngành liên quan và một số vụ, cục thuộc Bộ Công an.
Ban Chủ nhiệm đề án có trách nhiệm ban hành quy chế hoạt động. Định kỳ 6 tháng, 01 năm Ban Chủ nhiệm đề án tổ chức họp, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công và xác định chương trình, kế hoạch công tác cho thời gian tiếp theo.
- Cục Tham mưu Cảnh sát là Cơ quan Thường trực Ban Chủ nhiệm đề án, có trách nhiệm giúp Ban Chủ nhiệm triển khai, theo dõi, tổng hợp, chuẩn bị nội dung và tổ chức các cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện đề án, định kỳ báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) và Thủ tướng Chính phủ.
2. Tổ chức thực hiện
2.1. Bộ Công an: chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đề án.
2.2. Đề nghị các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện hoặc phối hợp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của đề án.
2.3. Đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Bộ Công an lập dự toán báo cáo Chính phủ hằng năm ưu tiên nguồn kinh phí đảm bảo. Tham gia kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện đề án.
3. Chế độ thông tin báo cáo
Các bộ, ngành, địa phương tham gia thực hiện đề án hàng năm có báo cáo tình hình, kết quả thực hiện đề án gửi về Bộ Công an trước ngày 25/11 hàng năm (qua Ban Chủ nhiệm đề án) để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo 138/CP và Thủ tướng Chính phủ.
Hàng năm, tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện đề án; cuối năm 2020 tiến hành tổng kết việc thực hiện đề án, đề ra phương hướng, giải pháp tiếp tục thực hiện giai đoạn 2021 - 2025.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Giao Tổng cục Cảnh sát có trách nhiệm giúp lãnh đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP và các địa phương đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn và tổ chức thực hiện đề án./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
Quyết định 1960/QĐ-BCA-C41 năm 2017 phê duyệt Đề án chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội đến năm 2020 do Bộ Công an ban hành
Số hiệu: | 1960/QĐ-BCA-C41 |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Bộ Công An |
Người ký: | Lê Quý Vương |
Ngày ban hành: | 08/06/2017 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 1960/QĐ-BCA-C41 năm 2017 phê duyệt Đề án chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội đến năm 2020 do Bộ Công an ban hành
Chưa có Video