UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1955/QĐ-UBND |
Huế, ngày 30 tháng 8 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP CHI CỤC KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ NGUỒN LỢI THUỶ SẢN
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 1505/2008/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2008 của UBND tỉnh về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 893/TTr-SNV ngày 18 tháng 8 năm 2008 và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1031/TTr-NNPTNT ngày 06 tháng 8 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
1. Vị trí, chức năng:
Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tham mưu giúp Giám đốc Sở quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật nghề cá trên biển, sông hồ, đầm phá, các vùng đất ngập nước khác.
Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản chịu sự quản lý, chỉ đạo của Giám đốc Sở; đồng thời, chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản có tư cách pháp nhân; có trụ sở, có tài khoản và con dấu riêng.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn:
a) Tham mưu Giám đốc Sở trình Ủy ban Nhân dân tỉnh:
- Dự thảo quyết định, chỉ thị; quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, 05 năm và hàng năm; chương trình, đề án, dự án về khai thác, bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản; bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản;
- Dự thảo Quy chế khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa, vùng khai thác thủy sản ở sông, hồ, đầm phá và các vùng nước tự nhiên khác; quy định hành lang cho các loài thủy sản di chuyển trên các sông, rạch... theo phân cấp trên địa bàn tỉnh quản lý;
- Dự thảo bổ sung danh mục các loài thủy sản bị cấm khai thác; chủng loài, kích cỡ tối thiểu của các loài thủy sản được phép khai thác; các phương pháp khai thác và các loại ngư cụ cấm sử dụng hoặc hạn chế sử dụng; mùa vụ cấm khai thác; các khu vực cấm khai thác, cấm khai thác có thời hạn đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố nhưng còn thiếu trên địa bàn tỉnh quản lý.
b) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản; về phân cấp quản lý tàu cá, cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và hoạt động của chợ thủy sản đầu mối trên địa bàn tỉnh; quy hoạch, kế hoạch phát triển, chương trình, đề án, dự án, tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế- kỹ thuật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được phê duyệt; thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao.
c) Tổ chức quản lý các khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa, các khu vực cấm khai thác, cấm khai thác có thời hạn thuộc phạm vi quản lý của địa phương; tổ chức đánh giá nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh thuộc phạm vi nhà nước được giao; tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về đăng ký, cấp và thu hồi giấy phép khai thác thủy sản cho tổ chức, cá nhân theo phân cấp; cấp phép, phê duyệt hồ sơ thiết kế đóng mới, cải hoán tàu cá; thực hiện việc đăng kiểm, đăng ký tàu cá và đăng ký thuyền viên tàu cá; kiểm định an toàn kỹ thuật các trang thiết bị sử dụng trong nghề cá đòi hỏi nghiêm ngặt về an toàn theo quy định của pháp luật.
d) Xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ tư liệu về khai thác thủy sản, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản; tổ chức công tác dự báo, thông báo ngư trường, mùa vụ khai thác thủy sản và đề xuất, chỉ đạo thực hiện các biện pháp, giải pháp về bảo vệ, khắc phục sự cố môi trường sống của các loài thủy sinh vật trên địa bàn tỉnh.
đ) Hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện các dự án và xây dựng các mô hình quản lý khai thác, bảo vệ, bảo tồn và phát triển các nguồn lợi thủy sản có sự tham gia của cộng đồng; các mô hình tổ chức khai thác trên biển theo tổ, đội, nhóm nghề.
e) Đề xuất và chỉ đạo thực hiện phương án giải quyết các rủi ro về tàu cá, thuyền viên thuộc phạm vi quản lý của tỉnh trên các vùng biển; các phương án, giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tai nạn trên biển; tham gia công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên các vùng biển, các thủy vực thuộc phạm vi quản lý của tỉnh. Đầu mối theo dõi báo cáo tình hình hoạt động của người và tàu cá trên các vùng biển theo định kỳ và đột xuất theo quy định.
g) Phối hợp triển khai các hoạt động khuyến ngư trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phát triển cơ sở dịch vụ hoạt động thủy sản; đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản theo phân công của Giám đốc Sở.
h) Tham mưu cho Giám đốc Sở và UBND tỉnh trong lĩnh vực khoa học công nghệ về chuyên ngành khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chỉ đạo và kiểm tra thực hiện các đề tài, dự án về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
i) Hướng dẫn về thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về chuyên ngành khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định; giải quyết hoặc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của tổ chức, công dân liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý của Chi cục; tổ chức việc tiếp công dân theo quy định của pháp luật; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện phân cấp quản lý về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Chi cục; thanh tra chuyên ngành khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản và xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
k) Trình Giám đốc Sở dự toán ngân sách hàng năm, kế hoạch ngân sách trung hạn, ngắn hạn của Chi cục; chịu trách nhiệm quyết toán các nguồn kinh phí do Chi cục trực tiếp quản lý; quản lý và chịu trách nhiệm về tài sản của nhà nước giao cho Chi cục quản lý theo phân cấp của Giám đốc Sở và theo quy định của pháp luật.
l) Thực hiện một số nhiệm vụ khác theo sự phân công của Giám đốc Sở.
Điều 2. Cơ cấu tổ chức và biên chế:
1. Lãnh đạo Chi cục:
a) Chi cục có Chi cục trưởng và các Phó Chi cục trưởng;
b) Chi cục trưởng chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Chi cục; Phó Chi cục trưởng chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công;
c) Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và miễn nhiệm Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng thực hiện theo Quyết định số 4071/QĐ-UBND ngày 03/12/2004 của UBND tỉnh về việc phân cấp công tác tổ chức bộ máy và công chức, viên chức.
2. Các tổ chức thuộc Chi cục:
a) Phòng Hành chính - Tổng hợp;
c) Phòng Quản lý Tàu cá và hậu cần nghề cá;
d) Phòng Quản lý Khai thác và Nguồn lợi thủy sản.
Chi cục trưởng có trách nhiệm xây dựng chức năng, nhiệm vụ của các phòng trực thuộc, quy chế tổ chức và hoạt động của Chi cục trình Giám đốc Sở phê duyệt.
3. Biên chế của Chi cục là biên chế hành chính nhà nước được UBND tỉnh giao hàng năm trong tổng biên chế của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quyết định trước đây của UBND tỉnh trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
Quyết định 1955/QĐ-UBND năm 2008 về thành lập Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế
Số hiệu: | 1955/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thừa Thiên Huế |
Người ký: | Nguyễn Ngọc Thiện |
Ngày ban hành: | 30/08/2008 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 1955/QĐ-UBND năm 2008 về thành lập Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế
Chưa có Video