BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 165/2003/QĐ-BTC |
Hà Nội, ngày 25 tháng 09 năm 2003 |
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị định số
86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ - CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Công văn số 1912/BNV-TCBC ngày 15/8/2003 của Bộ Nội vụ về việc thoả thuận
thành lập phòng tại một số đơn vị của Bộ Tài chính;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Vụ
trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (sau đây gọi là Vụ Tài chính ngân hàng) là đơn vị thuộc bộ máy quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thống nhất quản lý nhà nước đối với hoạt động của các quỹ đầu tư, quỹ tài chính của nhà nước và hoạt động xổ số, cá cược, vui chơi có thưởng; quản lý nhà nước về tài chính đối với hoạt động của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính và hoạt động xổ số, cá cược, vui chơi có thưởng.
Điều 2: Vụ Tài chính ngân hàng có nhiệm vụ:
1. Trình Bộ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, hàng năm, năm năm về phát triển thị trường vốn, thị trường xổ số, cá cược, vui chơi có thưởng; tham gia xây dựng chiến lược tài chính quốc gia.
2. Trình Bộ các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý của Vụ.
3. Tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các văn bản quy phạm pháp luật trên sau khi được phê duyệt; phối hợp với Vụ Pháp chế và Văn phòng Bộ tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Vụ.
4. Về quản lý tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ và tín dụng:
a. Chuẩn bị ý kiến để Bộ tham gia với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chiến lược phát triển thị trường tiền tệ, tín dụng của Việt Nam;
b. Tham mưu cho Bộ để tham gia với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc xây dựng, điều hành các chính sách huy động vốn, lãi suất, tỷ giá và các vấn đề khác trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng;
c. Đề xuất ý kiến xử lý những vấn đề liên quan đến hoạt động ngân hàng trong mối quan hệ với tài chính nhà nước để Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền;
d. Trình Bộ quy chế giám sát đối với hoạt động in, đúc, phát hành, tiêu huỷ tiền và dự trữ ngoại hối của Nhà nước. Tổ chức việc thực hiện giám sát theo phân công của Bộ;
đ. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tài chính đối với hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách, các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức khác hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng;
e. Tham gia ý kiến với các đơn vị trong Bộ về các chính sách tài chính và xử lý các vấn đề về tài chính có liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, ngân hàng.
5. Về quản lý các quỹ đầu tư và quỹ tài chính của Nhà nước:
a. Trình Bộ các cơ chế, chính sách huy động, quản lý và sử dụng vốn tín dụng hỗ trợ phát triển của Nhà nước; cơ chế quản lý tài chính đối với tổ chức thực hiện chức năng tín dụng hỗ trợ phát triển của Nhà nước; giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ của tổ chức này;
b. Trình Bộ cơ chế hoạt động, cơ chế quản lý tài chính và chính sách huy động, quản lý sử dụng vốn của các quỹ đầu tư và quỹ tài chính của Nhà nước; giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ của các quỹ này;
c. Trình Bộ quyết định lãi suất huy động vốn cho tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; lãi suất cho vay hỗ trợ phát triển của Nhà nước; quyết định các vấn đề liên quan thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính;
d. Kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng hỗ trợ phát triển của Nhà nước; hoạt động của các quỹ đầu tư và quỹ tài chính của Nhà nước trong việc tiếp nhận, huy động vốn vay vốn; tài trợ, sử dụng vốn; giám sát tài chính đối với các tổ chức liên quan;
đ. Giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý, giám sát các tổ chức thực hiện tín dụng hỗ trợ phát triển của Nhà nước theo uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ.
6. Về quản lý hoạt động xổ số, cá cược, vui chơi có thưởng:
a. Trình Bộ các chính sách, cơ chế tài chính; ban hành, phê chuẩn, xác nhận hoàn tất thủ tục đăng ký thể lệ, quy chế phát hành từng loại hình xổ số, cá cược, vui chơi có thưởng;
b. Tiếp nhận, kiểm tra và thẩm định hồ sơ cấp phép, sửa đổi, bổ sung hoặc thu hồi giấy phép hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh xổ số, cá cược và vui chơi có thưởng để trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định theo quy định của pháp luật;
c. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Nhà nước đối với hoạt động xổ số, cá cược và vui chơi có thưởng;
d. Đề xuất và thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực xổ số, cá cược và vui chơi có thưởng theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
7. Về quản lý hoạt động thị trường vốn và thị trường tài chính:
a. Thẩm tra phương án phát hành trái phiếu của chính quyền địa phương, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu doanh nghiệp; trình Bộ trưởng quyết định phương án lãi suất đối với trái phiếu đầu tư của Chính phủ theo quy định của pháp luật;
b. Giúp Bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán theo phân công của Chính phủ;
c. Thẩm định hồ sơ thành lập quỹ đầu tư phát triển các tỉnh, thành phố, các quỹ đầu tư chuyên ngành và các trung gian tài chính khác trên thị trường tài chính để trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định theo quy định của pháp luật.
8. Trình Bộ ban hành cơ chế tài chính; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tài chính đối với hoạt động của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, các Trung tâm giao dịch chứng khoán, các đơn vị trực thuộc Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, các tổ chức tài chính phi ngân hàng, các trung gian tài chính và các tổ chức tài chính khác.
9. Tổng hợp tình hình hoạt động của tất cả các loại quỹ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính; tình hình hoạt động của thị trường tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, dịch vụ kế toán, kiểm toán…).
10. Giúp Bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Vụ theo quy định của pháp luật.
11. Tổ chức công tác thống kê, phân tích dự báo đối với các lĩnh vực quản lý của Vụ; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Bộ.
12. Đánh giá hiệu quả chi ngân sách nhà nước trong các lĩnh vực quản lý của Vụ gửi Vụ Ngân sách Nhà nước để tổng hợp chung.
13. Tổ chức nghiên cứu khoa học hoặc hợp tác nghiên cứu khoa học với các đơn vị trong và ngoài ngành theo kế hoạch và nội dung đề tài được Bộ duyệt;
Điều 3: Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng có quyền:
1. Phối hợp với các cơ quan có liên quan để giải quyết những vấn đề chuyên môn nghiệp vụ trong phạm vi nhiệm vụ được Bộ giao; được nhận các hồ sơ, tài liệu, số liệu và yêu cầu các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan tài chính địa phương, các ngành, các tổ chức liên quan cung cấp các tài liệu, văn bản để thực hiện nhiệm vụ được giao.
2. Được ký các chứng từ, thông tri duyệt y dự toán, các lệnh thu nộp ngân sách Nhà nước theo uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
3. Được ký các công văn giải thích, trả lời các vướng mắc thuộc phạm vi quản lý của Vụ; ký văn bản trả lời các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân theo phân công của Bộ.
Điều 4: Vụ Tài chính ngân hàng có Vụ trưởng và một số Phó Vụ trưởng.
Vụ trưởng có trách nhiệm quản lý toàn diện công chức của Vụ theo quy định của Bộ; tổ chức học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho công chức; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính về toàn bộ hoạt động của Vụ.
Phó Vụ trưởng chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng về nhiệm vụ được phân công.
Vụ Tài chính ngân hàng có các phòng:
1. Phòng Ngân hàng
2. Phòng Xổ số
3. Phòng Thị trường vốn.
Nhiệm vụ cụ thể của từng phòng do Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng quy định.
Vụ Tài chính ngân hàng làm việc theo chế độ chuyên viên kết hợp với tổ chức phòng.
Đối với những công việc thực hiện theo chế độ chuyên viên, Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng có trách nhiệm tổ chức công việc, phân công nhiệm vụ cho từng công chức phù hợp với chức danh tiêu chuẩn, năng lực và chuyên môn được đào tạo để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Biên chế của Vụ Tài chính ngân hàng do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.
Điều 5: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Bãi bỏ Quyết định số 1071 TC/QĐ/TCCB ngày 4/10/1995 ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Quyết định số 1713/QĐ/BTC ngày 27/1/1998 về việc điều chỉnh nhiệm vụ của một số tổ chức trực thuộc Bộ và đơn vị thuộc Bộ, Quyết định số 146/1999/QĐ-BTC ngày 26/11/1999 về việc bổ sung nhiệm vụ của Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính.
Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính và Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: |
BỘ
TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
Quyết định 165/2003/QĐ-BTC quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu: | 165/2003/QĐ-BTC |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Bộ Tài chính |
Người ký: | Nguyễn Sinh Hùng |
Ngày ban hành: | 25/09/2003 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 165/2003/QĐ-BTC quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Chưa có Video