ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1461/QĐ-UBND |
Thanh Hóa, ngày 27 tháng 4 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU VỀ QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG QUỸ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TỈNH THANH HÓA BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 214/QĐ-UBND NGÀY 18/01/2016 CỦA CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HÓA
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013;
Căn cứ Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai; Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 214/QĐ-UBND ngày 18/01/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh;
Căn cứ Quyết định số 215/QĐ-UBND ngày 18/01/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập Ban quản lý Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 33/TTr-SNN&PTNT ngày 19/3/2020; của Giám đốc Sở Nội vụ tại Công văn số 669/SNV-TCBC ngày 14/4/2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều về Quy chế tổ chức và hoạt động Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa ban hành kèm theo Quyết định số 214/QĐ-UBND ngày 18/01/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh, cụ thể:
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2, Điều 4 như sau:
“1. Quỹ Phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở cấp tỉnh, do UBND tỉnh quản lý. Tồn Quỹ cuối năm được chuyển sang năm sau.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý Quỹ. Ban quản lý Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (được thành lập tại Quyết định số 215/QĐ-UBND ngày 18/01/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh) là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý hoạt động của Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa. Ban quản lý Quỹ có con dấu riêng, hạch toán độc lập, tự đảm bảo 100% kinh phí hoạt động và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để quản lý Quỹ. Giám đốc Quỹ do Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật và quy định phân công, phân cấp quản lý cán bộ hiện hành của UBND tỉnh.”
2. Sửa đổi điểm g, khoản 1, Điều 6 như sau:
“g) Thành viên hộ gia đình thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo; thành viên thuộc hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ, tai nạn; thành viên thuộc hộ gia đình ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung các văn bản nêu trên (nếu có).”
3. Sửa đổi điểm b, điểm c, điểm d, khoản 2, Điều 8 như sau:
“b) UBND cấp xã căn cứ vào việc quản lý nhân khẩu, tổ chức thu của các đối tượng lao động khác trên địa bàn và nộp vào tài khoản cấp huyện. Việc thu bằng tiền mặt phải có chứng từ theo mẫu quy định hiện hành của Bộ Tài chính (hiện nay là Thông tư số 70/2019/TT-BTC ngày 03/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã); UBND cấp xã chủ động thực hiện in Phiếu thu để thực hiện.
c) Cục Thuế tỉnh:
- Phối hợp với Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh trong việc hỗ trợ thu Quỹ, cung cấp thông tin tổng giá trị tài sản hiện có tại Việt Nam theo báo cáo tài chính hàng năm đối với tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài đóng trên địa bàn tỉnh (do Cục Thuế tỉnh trực tiếp quản lý) cho Cơ quan quản lý Quỹ cấp tỉnh để lập kế hoạch thu Quỹ; đồng thời đôn đốc các tổ chức kinh tế này thu, nộp Quỹ trực tiếp vào tài khoản của Cơ quan quản lý Quỹ cấp tỉnh.
- Chỉ đạo Chi cục Thuế cấp huyện phối hợp trong việc hỗ trợ thu Quỹ tại địa phương và cung cấp thông tin tổng giá trị tài sản đối với các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài thuộc phạm vi quản lý đóng trên địa bàn cho UBND cấp huyện để lập kế hoạch thu Quỹ, đôn đốc các tổ chức kinh tế này thu, nộp Quỹ vào tài khoản cấp huyện.
d) Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan và đoàn thể cấp tỉnh; Thủ trưởng các đơn vị lực lượng vũ trang (trừ chiến sỹ tham gia nghĩa vụ) và cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh phối hợp tổ chức thu của cán bộ, nhân viên, người lao động thuộc phạm vi quản lý và chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Cơ quan quản lý Quỹ cấp tỉnh.”
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 8 như sau:
“4. Căn cứ quy định tại khoản 4, khoản 5, Điều 1, Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019 của Chính phủ, số tiền thu Quỹ thực tế được phân bổ như sau:
a) UBND cấp huyện được để lại 20% tổng số thu Quỹ trên địa bàn để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và 3% tổng số thu trên địa bàn để hỗ trợ chi thù lao cho lực lượng trực tiếp thu ở cấp xã và các chi phí hành chính phát sinh liên quan đến công tác thu Quỹ trên địa bàn huyện; số tiền còn lại (77%), UBND cấp huyện thực hiện nộp về Cơ quan quản lý Quỹ cấp tỉnh.
b) Cơ quan quản lý Quỹ cấp tỉnh được sử dụng không quá 3% tổng số thu để chi phí hành chính phát sinh liên quan đến công tác thu Quỹ ở cấp tỉnh.”
5. Sửa đổi điểm a, điểm b, khoản 1, Điều 9 như sau:
“1. Chi hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai và ưu tiên hỗ trợ cho các hoạt động quy định tại các điểm a, b, c, khoản 3, Điều 10, Luật Phòng, chống thiên tai và các hoạt động sau đây:
a) Chi hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai, bao gồm:
- Cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai: Cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai; hỗ trợ tu sửa nhà ở, cơ sở y tế, trường học, xử lý vệ sinh môi trường vùng thiên tai, tu sửa nhà sơ tán phòng tránh thiên tai; tháo bỏ hạng mục, vật cản gây nguy cơ rủi ro thiên tai; tu sửa, xử lý khẩn cấp đê, kè, cống và công trình phòng, chống thiên tai được hỗ trợ kinh phí không quá 3 tỷ đồng (ba tỷ đồng)/1 công trình.
- Hỗ trợ các hoạt động ứng phó thiên tai: Sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm; chăm sóc y tế; thực phẩm, nước uống cho người dân nơi sơ tán đến; hỗ trợ quan trắc, thông tin, thông báo, cảnh báo thiên tai tại cộng đồng; tuần tra, kiểm tra phát hiện khu vực nguy cơ xảy ra rủi ro thiên tai, sự cố công trình phòng, chống thiên tai.
- Hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa: Xây dựng và phổ biến, tuyên truyền kiến thức pháp luật; lập, rà soát kế hoạch phòng, chống thiên tai; tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức cho các lực lượng tham gia công tác phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương và cộng đồng; diễn tập phòng, chống thiên tai ở các cấp; tập huấn và duy trì hoạt động cho các đối tượng tham gia hộ đê, lực lượng quản lý đê nhân dân, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.
b) Nội dung chi hỗ trợ thù lao cho lực lượng trực tiếp thu và chi phí hành chính phát sinh liên quan đến công tác thu Quỹ (3%), gồm: Chi thù lao cho lực lượng trực tiếp thu, in ấn Phiếu thu, phát hành văn bản, chi phí thuê mướn, hội họp, văn phòng phẩm, công tác phí, xăng xe, thanh toán dịch vụ công cộng, thi đua khen thưởng,...và các chi phí hành chính phát sinh khác theo quy định.
6. Sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 2, Điều 9 như sau:
“b) Về việc sử dụng Quỹ Phòng, chống thiên tai:
- Đối với phần kinh phí do Cơ quan quản lý Quỹ cấp tỉnh quản lý:
+ Về hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai: Cơ quan quản lý Quỹ cấp tỉnh căn cứ hồ sơ, gồm: Quyết định phê duyệt hỗ trợ kinh phí của Chủ tịch UBND tỉnh; kế hoạch hoặc phương án, kèm theo dự toán chi tiết được duyệt làm cơ sở để cấp kinh phí cho các địa phương, đơn vị; nội dung chi, mức chi thực hiện theo các quy định hiện hành của nhà nước như đối với nguồn ngân sách cấp cho công tác phòng, chống thiên tai; trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp phát kinh phí từ nguồn của Quỹ Phòng, chống thiên tai cấp tỉnh theo hướng dẫn của Sở Tài chính. Quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, đơn vị khắc phục hậu quả thiên tai thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 1, Quyết định số 37/2019/QĐ-TTg ngày 27/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg ngày 19/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai.
+ Về hỗ trợ chi phí hành chính phát sinh liên quan đến công tác thu Quỹ (3%): Cơ quan quản lý Quỹ cấp tỉnh căn cứ kế hoạch dự kiến thu Quỹ và nhu cầu kinh phí trong năm, lập dự toán chi tiết, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt cùng với kế hoạch thu Quỹ hàng năm; nội dung chi, mức chi, hồ sơ, chứng từ thanh, quyết toán thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật; trường hợp số thu Quỹ trong năm không đạt theo kế hoạch được duyệt, Cơ quan quản lý Quỹ cấp tỉnh căn cứ số thu Quỹ thực tế đến ngày 31/12 của năm đó làm cơ sở để thực hiện.
- Đối với phần kinh phí do UBND cấp huyện, xã quản lý:
+ Về hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai: Hàng năm, căn cứ kế hoạch thu Quỹ trên địa bàn, UBND cấp huyện lập, phê duyệt kế hoạch sử dụng nguồn thu được để lại (20%) để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai tại địa phương theo đề nghị của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, bao gồm: hỗ trợ cho hoạt động phòng, chống thiên tai cấp huyện, hỗ trợ cho UBND các xã nơi thường xuyên xảy ra thiên tai nhưng không quá 20% số thu trên địa bàn xã; nội dung chi, mức chi, chứng từ chi thực hiện theo các quy định hiện hành của nhà nước như đối với nguồn ngân sách cấp cho công tác phòng, chống thiên tai.
+ Về hỗ trợ chi thù lao cho lực lượng trực tiếp thu và chi phí hành chính phát sinh liên quan đến công tác thu Quỹ (3%): UBND huyện quyết định hỗ trợ cho UBND các xã chi thù lao cho lực lượng trực tiếp thu và các chi phí hành chính phát sinh liên quan đến công tác thu Quỹ ở xã nhưng không quá 3% tổng số thu trên địa bàn xã; chi phí hành chính phát sinh liên quan đến công tác thu Quỹ tại cấp huyện.
Trường hợp trong năm các địa phương không có nhu cầu sử dụng hoặc không sử dụng hết kinh phí thì kết chuyển nguồn sang năm sau. Cuối mỗi niên độ kế toán, UBND cấp huyện, xã phải thực hiện quyết toán nguồn thu, chi và được tổng hợp trong báo cáo quyết toán hàng năm của địa phương, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp”.
7. Bổ sung khoản 3 vào Điều 10 như sau:
“3. Quỹ Phòng, chống thiên tai thực hiện chế độ kế toán theo quy định hiện hành của pháp luật về kế toán và hướng dẫn của Bộ Tài chính.”
Điều 2. Thay đổi cụm từ “tổ chức kinh tế hạch toán độc lập” thành cụm từ “tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài” tại khoản 1, Điều 5; khoản 1, khoản 2, Điều 6; khoản 2, khoản 3, Điều 8 và khoản 4, Điều 14 Quyết định số 214/QĐ-UBND ngày 18/01/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và các nội dung khác thực hiện theo quy định tại Quyết định số 214/QĐ-UBND ngày 18/01/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT.
CHỦ TỊCH |
Quyết định 1461/QĐ-UBND năm 2020 sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa kèm theo Quyết định 214/QĐ-UBND
Số hiệu: | 1461/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thanh Hóa |
Người ký: | Nguyễn Đức Quyền |
Ngày ban hành: | 27/04/2020 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 1461/QĐ-UBND năm 2020 sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa kèm theo Quyết định 214/QĐ-UBND
Chưa có Video