Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 140/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 6 năm 1978

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI THÀNH PHỐ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chánh các cấp ngày 27-10-1962;
Căn cứ vào nghị định của Hội đồng Chánh phủ số 24-CP ngày 2-2-1976 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chánh quyền Nhà nước cấp tỉnh, thành phố trong lĩnh vực quản lý kinh tế;
Căn cứ vào bản quy định tạm thời về phân công quản lý giữa các sở, ban, ngành của thành phố và phân cấp quản lý giữa cấp thành phố và cấp huyện, quận ban hành kèm theo quyết định số 612/QĐ-UB-TC ngày 16-11-1977 của Ủy ban Nhân dân thành phố;
Xét yêu cầu về củng cố và tăng cường tổ chức quản lý công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng phát triển ngành giao thông vận tải của thành phố,
Xét đề nghị của các đồng chí Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền thành phố.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Sở Giao thông vận tải là cơ quan chuyên môn của Ủy ban Nhân dân thành phố, chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân thành phố về thống nhất quản lý hành chánh, kinh tế, nghiệp vụ, kỹ thuật của ngành giao thông vận tải (bao gồm tất cả các thành phần kinh tế quốc doanh, công tư hợp doanh, tập thể, tư doanh) của thành phố từ cấp thành đến quận, huyện, phường, xã và trực tiếp quản lý một số mặt sản xuất, xây dựng chuyên dùng phục vụ ngành giao thông vận tải theo đúng đường lối, chánh sách của Đảng và Nhà nước, đúng chủ trương, kế hoạch của Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố.

Sở chịu sự lãnh đạo toàn diện của Ủy ban Nhân dân thành phố, đồng thời chịu sự chỉ đạo về kế hoạch nghiệp vụ, chuyên môn, kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải. Sở có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng, mở tài khoản ở Ngân hàng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 2. Sở Giao thông vận tải có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Nghiên cứu xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành giao thông vận tải và xây dựng cân đối kế hoạch vận tải, kế hoạch sản xuất ngắn hạn, dài hạn thuộc phạm vi giao thông vận tải của thành phố. Tổ chức, quản lý, chỉ đạo việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch ấy sau khi được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt, nhằm đáp ứng đầy đủ kịp thời yêu cầu về giao thông vận tải ngày càng tăng trong công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở thành phố.

Trong công tác quy hoạch, phải kết hợp chặt chẽ quy hoạch của thành phố với quy hoạch ngành của trung ương trên phạm vi lãnh thổ thành phố. Chỉ đạo, hướng dẫn đến các huyện ngoại thành xây dựng quy hoạch đường giao thông trong huyện, theo sự phấn cấp cho huyện, quy hoạch đường giao thông trong nông thôn kết hợp với xây dựng thủy lợi, xây dựng đồng ruộng và xây dựng địa bàn cơ giới hóa nông nghiệp trong huyện. Chỉ đạo, hướng dẫn các quận quy hoạch đường giao thông ở các phường, phần phân cấp cho quận quản lý.

2. Nghiên cứu cụ thể hóa các chánh sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức của ngành trung ương vận dụng vào thành phố; đồng thời xây dựng các chánh sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức của ngành mà trung ương chưa ban hành để áp dụng trong thành phố, sau khi đã được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt.

Tổ chức thực hiện chánh sách kinh tế, kỹ thuật thống nhất trong ngành; tổ chức chỉ đạo công tác nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiến bộ trong ngành.

Kiểm tra các ngành, các cấp, các đơn vị kinh tế trong thành phố về việc chấp hành các chánh sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức và luật lệ giao thông vận tải thuộc phạm vi trách nhiệm được giao.

3. Về giao thông:

- Tổ chức và quản lý toàn bộ việc duy tu, bảo dưỡng, mở rộng, nâng cấp và xây dựng phát triển hệ thống cầu, đường, cảng, bến, bãi của thành phố (bao gồm nội và ngoại thành), nhất là chú trọng xây dựng phát triển cách đường giao thông thủy bộ ở các khu kinh tế mới, nhằm bảo đảm giao thông thông suốt, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển kinh tế và đời sống của thành phố.

- Tổ chức và quản lý tốt công tác đăng kiểm các phương tiện giao thông vận tải thủy và bộ.

- Quản lý toàn bộ hệ thống thoát nước ra sông, rạch, tu bổ, nạo vét, rạch và thông sửa những đường ống thoát nước. Trong việc nạo vét sông, rạch, Sở Giao thông vận tải phải kết hợp với Sở Thủy lợi để thống nhất kế hoạch, biện pháp thực hiện, nhằm bảo đảm vừa phục vụ cho giao thông vận tải thủy, vừa phục vụ cho tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp.

- Tổ chức thực hiện các biện pháp tiêu nước ở các khu vực trũng thấp trong thành phố khi trời mưa nước bị ứ đọng và quy hoạch cải tạo, xây dựng lại hệ thống thoát nước trong thành phố.

4. Về vận tải:

Quản lý, cải tạo, tổ chức lại, điều hành sử dụng toàn bộ các loại phương tiện vận tải thủy bộ cho hợp lý và có hiệu quả kinh tế. Đối với các phương tiện vận tải thủy bộ chuyên dùng đã phân công cho các ngành khác trực tiếp quản lý và lực lượng vận tải đã phân cấp cho quận, huyện quản lý, khi cần thiết huy động, Sở giao thông vận tải bàn bạc nhất trí với các cơ quan chủ quản và quận, huyện nhằm khai thác tận dụng tối đa công suất của các phương tiện vận tải để tổ chức điều hòa vận tải cho hợp lý, bảo đảm hoàn thành kế hoạch vận tải của thành phố.

5. Trực tiếp quản lý, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở hoàn thành kế hoạch Nhà nước và mọi nhiệm vụ công tác do Sở giao, tổ chức đưa các đơn vị sản xuất, kinh doanh vào nền nếp quản lý kinh tế - tài chánh, hạch toán kinh tế, theo đúng chánh sách, chế độ Nhà nước quy định. Các đơn vị này bao gồm các đơn vị quốc doanh, công tư hợp doanh về: vận tải thủy bộ, xây dựng giao thông (duy tu, bảo dưỡng đường, sửa chữa và thi công xây dựng mới cầu, đường, cảng, bến bãi), sản xuất và sửa chữa các phương tiện vận tải thủy bộ (bao gồm cả phục hồi và sản xuất phụ tùng để sửa chữa) và một số đơn vị khai thác đá, cát, sỏi, sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn và một số vật tư chuyên dùng khác phục vụ ngành giao thông vận tải.

6. Chỉ đạo về kế hoạch, chuyên môn, kỹ thuật, nghiêp vụ đối với các Phòng giao thông vận tải quận, huyện và các đơn vị giao thông vận tải do quận, huyện quản lý.

Phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận, huyện (thông qua Phòng Giao thông vận tải quận, huyện) thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa ngành giao thông vận tải theo sự phân cấp quản lý giữa Sở và quận, huyện.

7. Trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn, Sở được quyền quyết định các biện pháp thực hiện các điều hòa, phối hợp công tác các đơn vị trong ngành, của các ngành giao thông vận tải quận, huyện, để bảo đảm hoàn thành kế hoạch Nhà nước và các nhiệm vụ công tác ngành.

8. Quản lý và sử dụng tiết kiệm, hợp lý vốn, vật tư, thiết bị và lao động của Sở. Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo xây dựng cho ngành giao thông vận tải toàn thành phố một đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ và công nhân kỹ thuật vừa có phẩm chất đạo đức chánh trị tốt, vừa có trình độ, khả năng giỏi về nghề nghiệp, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của toàn thể cán bộ, công nhân viên chức thuộc Sở.

Điều 3. Sở Giao thông vận tải do một Giám đốc phụ trách và có một số Phó Giám đốc giúp việc Giám đốc, được Giám đốc phân công phụ trách một số mặt công tác của Sở. Cơ cấu tổ chức của Sở Giao thông vận tải bao gồm:

a) Bộ máy cơ quan Sở với nhiệm vụ giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý hành chánh, kinh tế toàn ngành giao thông vận tải của thành phố và giúp Giám đốc chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh, sự nghiệp trực thuộc Sở:

1 Văn phòng (tổng hợp, thi đua, hành chánh, quản trị);

2 Phòng Kế hoạch tổng hợp;

3 Phòng Kỹ thuật;

4 Phòng Kế toán tài vụ;

5 Phòng Tổ chức và cán bộ;

6 Phòng Lao động tiền lương;

7 Phòng Vận tải;

8 Phòng Giao thông;

9 Ban Thanh tra và pháp chế;

10 Ban Cải tạo.

b) Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở:

1 Ban đăng kiểm (đơn vị sự nghiệp có thu);

2 Phân viện thiết kế tổng hợp;

3 Trường nghiệp vụ;

4 Trường lái xe;

5 Trường công nhân kỹ thuật;

6 Trạm điều dưỡng;

7 Trạm kinh tế mới Thủ Đức (phục vụ trung chuyển đồng bào miền Bắc đi kinh tế mới).

Các đơn vị sự nghiệp nêu trên được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản ở Ngân hàng (trừ Trạm điều dưỡng không có tài khoản ở Ngân hàng).

(Ngoài ra, các đơn vị có đủ tiêu chuẩn thì được thành lập Trạm Y tế theo quy định của Bộ Y tế trong thông tư số 14, ngày 9-5-1977).

c) Các tổ chức sản xuất, kinh doanh

c1. Hệ vận tải hàng hóa

1. Công ty Vận tải hàng hóa đường bộ (hạch toán kinh tế tổng hợp), trực tiếp quản lý các đơn vị hạch toán kinh tế độc lập:

- Các xí nghiệp quốc doanh và công tư hợp doanh vận tải hàng hóa đường bộ (do Ủy ban Nhân dân thành phố ra quyết định thành lập từng xí nghiệp trong quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa);

- Xí nghiệp công tư hợp doanh sửa chữa ô tô;

- Trạm bảo dưỡng tập trung xe ô tô.

2. Công ty vận tải thủy (hạch toán kinh tế tổng hợp), trực tiếp quản lý các đơn vị hạch toán kinh tế độc lập:

- Xí nghiệp quốc doanh vận tải sông (đã có);

- Các xí nghiệp công tư hợp doanh vận tải sông (do Ủy ban Nhân dân thành phố ra quyết định thành lập từng xí nghiệp trong quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa);

- Xí nghiệp công tư hợp doanh sửa chữa tàu, xà lan;

- Bến sông Bình Đông và lực lượng công nhân bốc vác;

- Đội công trình thủy.

3. Xí nghiệp bốc xếp cơ giới (hạch toán kinh tế tổng hợp), trực tiếp quản lý các đơn vị hạch toán kinh tế nội bộ:

- Các đội xe cơ giới bốc xếp;

- Xưởng sửa chữa xe máy bốc xếp;

- Trạm bảo dưỡng xe máy bốc xếp;

- Hệ thống kho hàng.

c2. Hệ vận tải hành khách

4. Công ty xe khách Thành (hạch toán kinh tế độc lập), trực tiếp quản lý các đơn vị hạch toán kinh tế nội bộ:

- Các đội xe buýt quốc doanh và công tư hợp doanh tổ chức theo các lộ trình nội ngoại thành;

- Xí nghiệp công tư hợp doanh sửa chữa xe khách;

- Trạm bảo dưỡng tập trung;

- Hệ thống bến, trạm hành khách và kiểm soát.

Ngoài ra, Công ty còn có trách nhiệm tổ chức và quản lý các hợp tác xã xe lam hành khách nằm chung trong màng lưới xe buýt an toàn thành phố.

5. Công ty xe khách liên tỉnh miền Tây (hạch toán kinh tế độc lập), trực tiếp quản lý các đơn vị hạch toán kinh tế nội bộ:

- Các đội xe khách quốc doanh và công tư hợp doanh theo các lộ trình nối liền thành phố với các tỉnh đồng bằng và các khu kinh tế mới của thành phố nằm ở trong các tỉnh này;

- Bến xe miền Tây;

- Bến xe Chợ lớn;

- Xí nghiệp công tư hợp doanh sửa chữa xe khách;

- Trạm bảo dưỡng tập trung.

6. Công ty xe khách liên tỉnh miền Đông (hạch toán kinh tế độc lập), trực tiếp quản lý các đơn vị hạch toán kinh tế nội bộ:

- Các đội xe khách quốc doanh và công tư hợp doanh theo các lộ trình nối liền thành phố với các tỉnh miền Đông, Tây Nguyên, Trung Bộ và các khu kinh tế mới của thành phố nằm ở các tỉnh này;

- Bến xe miền Đông;

- Xí nghiệp công tư hợp doanh sửa chữa xe khách;

- Trạm bảo dưỡng tập trung.

7. Công ty xe du lịch (hạch toán kinh tế độc lập), trực tiếp quản lý các đơn vị hạch toán kinh tế nội bộ:

- Các đội xe du lịch quốc doanh;

- Các đội xe Taxi quốc doanh và công tư hợp doanh hoặc hợp tác xã;

- Xí nghiệp sửa chữa xe du lịch;

- Trạm bảo dưỡng tập trung;

- Các trạm xe và tụ điểm.

c3. Hệ công nghiệp giao thông vận tải

8. Công ty cơ khí tàu xe (hạch toán kinh tế tổng hợp), trực tiếp quản lý các đơn vị hạch toán kinh tế nội bộ:

- Xí nghiệp quốc doanh sửa chữa xe số 1 (xe tải) (Công xưởng thành phố cũ);

- Xí nghiệp quốc doanh sửa chữa xe số 2 (xe du lịch) (xưởng Hưng Hiệp cũ);

- Xí nghiệp công tư hợp doanh sửa chữa xe hơi số 1 (Đại Hưng + Thống Nhất);

- Xí nghiệp quốc doanh đóng tàu, sà lan số 1 (An Phú cũ);

- Xí nghiệp công tư hợp doanh đóng tàu, sà lan số 2 (Đỗ Văn Tiếu + Thanh Bình),

9. Công ty sản xuất vật tư (hạch toán kinh tế tổng hợp), trực tiếp quản lý các đơn vị hạch toán kinh tế nội bộ:

- Xí nghiệp quốc doanh đắp lốp Thủ Đức;

- Xí nghiệp công tư hợp doanh đắp lốp:

- Phạm Hiệp

- Châu Bá

- Lê Văn Hậu

- Xí nghiệp công tư hợp doanh sản xuất phụ tùng xe lam;

- Xí nghiệp quốc doanh tái sinh dầu nhớt và sản xuất dầu thắng;

- Xí nghiệp công tư hợp doanh bê tông đúc sẵn;

- Xí nghiệp khai thác cát, đá, sỏi;

- Xí nghiệp gạch, gốm (gạch ống cống);

- Xí nghiệp cưa gỗ (ván cầu và tàu ghe);

- Xí nghiệp cung ứng vật tư (tự sản xuất và gia công thu mua).

c4. Hệ công trình giao thông vận tải

10. Công ty cầu đường nội thành (hạch toán kinh tế độc lập), trực tiếp quản lý các đơn vị hạch toán kinh tế nội bộ:

- Các đội duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa đường;

- Các đội nạo vét cống rãnh thoát nước;

- Đội sửa cầu;

- Đội thi công (xây lắp cống rãnh và công trình giao thông vận tải nội thành);

- Xưởng bảo dưỡng sửa chữa xe máy thi công;

- Xưởng vật liệu và đội vận tải;

11. Công ty cầu đường ngoại thành (hạch toán kinh tế độc lập), trực tiếp quản lý các đơn vị hạch toán kinh tế nội bộ:

- Các đội thi công cầu;

- Các đội thi công đường;

- Đội xáng (nạo vét kinh rạch);

- Đội khảo sát thiết kế;

- Xưởng bảo dưỡng sửa chữa xe máy thi công;

- Xưởng vật liệu và đội vận tải

12. Ban Kiến thiết .

Các công ty nêu trên là những đơn vị kế hoạch hoàn chỉnh của Sở, hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế xã hội chủ nghĩa. Các đơn vị hạch toán kinh tế tổng hợp và hạch toán kinh tế độc lập nêu trên, đều có tư cách pháp nhân, được cấp vốn và vay vốn của Ngân hàng để hoạt động, được mở tài khoản ở Ngân hàng và dùng con dấu riêng.

Điều 4. Giám đốc Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm xây dựng điều lệ về tổ chức hoạt động của từng công ty (bao gồm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của công ty và các đơn vị trực thuộc), trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt.

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Sở nêu ở điều 1 và điều 2 trên đây, Giám đốc Sở Giao thông vận tải quy định nhiệm vụ cụ thể, mối quan hệ công tác, chế độ, lề lối làm việc cho các phòng, ban thuộc bộ máy cơ quan Sở và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở. Biên chế lao động khu vực không sản xuất vật chất được Ủy ban Nhân dân thành phố giao chỉ tiêu theo từng kế hoạch, trên nguyên tắc tổ chức bộ máy tinh, gọn, có hiệu lực.

Lao động thuộc khu vực sản xuất, kinh doanh do Sở xây dựng kế hoạch cân đối với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, trình Ủy ban Nhân dân thành phố xét duyệt, trên nguyên tắc tỷ lệ lao động gián tiếp không vượt mức do Nhà nước quy định.

Điều 5. Quyết định này có giá trị thi hành kể từ ngày ban hành. Các quy định của thành phố ban hành trước đây, trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 6. Các đồng chí ChánhVăn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Tài chánh, Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền và thủ trưởng các ngành, các cấp của thành phố có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Văn Đại

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 140/QĐ-UB năm 1978 quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Sở Giao thông vận tải thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu: 140/QĐ-UB
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký: Văn Đại
Ngày ban hành: 26/06/1978
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [3]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 140/QĐ-UB năm 1978 quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Sở Giao thông vận tải thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [5]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [2]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…