Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1397/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 14 tháng 9 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÔNG QUA PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA 09 THỦ TỤC HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC TƯ PHÁP; TÀI CHÍNH; NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN; VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH; KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ; THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2021

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/06/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 48 /2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 92/2017/NĐ -CP ngày 07/08/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Quyết định số 50/QĐ-UBND ngày 08/02/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về việc ban hành Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2021;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thông qua Phương án đơn giản hóa 09 thủ tục hành chính trong lĩnh vực Tư pháp; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh Tuyên Quang năm 2021 (có Phụ lục kèm theo).

Điều 2. Giao Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở; Thủ trưởng Ban, Ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Cục KSTTHC-VPCP; (báo cáo)
- Các Bộ: Tư pháp; Tài chính; NN&PTNT; KH&CN; VH,TT&DL (báo cáo)
- Chủ tịch UBND tỉnh; (báo cáo)
- Các PCT UBND tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Như Điều 3; (thực hiện)
- Cổng thông tin điện tử tỉnh; (đăng tải)
- Phòng Tin học - Công báo;
- Lưu: VT, KSTTHC(Mai).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sơn

 

PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA 09 THỦ TỤC HÀNH CHÍNH (TTHC) LĨNH VỰC TƯ PHÁP; TÀI CHÍNH; NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN; VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH; KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2021

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1397/QĐ-UBND ngày 14/9/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang)

A. LĨNH VỰC TƯ PHÁP (04 thủ tục)

I. Thủ tục hành chính cấp tỉnh (03 thủ tục)

* Lĩnh vực Quốc tịch: Thủ tục thôi quốc tịch Việt Nam ở trong nước

a) Nội dung đơn giản hóa:

Đề nghị sửa đổi, bổ sung thành phần hồ sơ như sau: Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (trừ trường hợp người dưới 14 tuổi xin thôi quốc tịch Việt Nam). Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ.

Lý do:

Khoản 1 Điều 28 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam, gồm có:

“1. Hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam bao gồm:

a) Đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam;

b) Bản khai lý lịch;

c) Bản sao Hộ chiếu Việt Nam, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ khác quy định tại Điều 11 của Luật này;

d) Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;

đ) Giấy tờ xác nhận về việc người đó đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật nước đó không quy định về việc cấp giấy này

e) Giấy xác nhận không nợ thuế do Cục thuế nơi người xin thôi quốc tịch Việt Nam cư trú cấp;

g) Đối với người trước đây là cán bộ, công chức, viên chức hoặc phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã nghỉ hưu, thôi việc, bị miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc giải ngũ, phục viên chưa quá 5 năm thì còn phải nộp giấy cơ quan, tổ chức, đơn vị đã ra quyết định cho nghỉ hưu, cho thôi việc, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc giải ngũ, phục viên xác nhận việc thôi quốc tịch Việt Nam của người đó không phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam”.

Tại khoản 4 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, quy định: “Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản”.

Tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự:

“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng...”

Theo đó, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người phạm tội là từ đủ 14 tuổi trở lên, còn người dưới 14 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi tội phạm. Vì vậy, trường hợp người dưới 14 tuổi khi thực hiện thủ tục thôi quốc tịch Việt Nam ở trong nước thì không cần thiết phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp để chứng minh cá nhân có hay không có án tích.

b) Kiến nghị thực thi:

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 28 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008.

c) Lợi ích phương án đơn giản hóa:

Việc cắt giảm thành phần hồ sơ đối với trường hợp người dưới 14 tuổi sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng khi thực hiện thủ tục hành chính:

+ Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 35.167.670 đồng/năm.

+ Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 30.597.770 đồng/năm.

+ Chi phí tiết kiệm: 4.569.900 đồng/năm.

+ Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 13%.

* Lĩnh vực Công chứng: Thủ tục đăng ký hành nghề và cấp Thẻ công chứng viên

a) Nội dung đơn giản hóa:

Đề nghị sửa đổi, bổ sung thành phần hồ sơ như sau: Giấy tờ chứng minh công chứng viên là hội viên Hội công chứng viên tại địa phương (trường hợp địa phương chưa có Hội công chứng viên thì nộp giấy tờ chứng minh là hội viên Hiệp hội công chứng viên Việt Nam); trường hợp công chứng viên sau khi chấm dứt hành nghề công chứng tại một số tổ chức hành nghề công chứng lại có nhu cầu đăng ký hành nghề công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng khác trên cùng địa bàn thì không phải nộp Giấy tờ chứng minh công chứng viên là hội viên Hội công chứng viên tại địa phương .

Lý do:

Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 01/2021/TT-BTP ngày 03/02/2021 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng quy định thành phần hồ sơ đăng ký hành nghề và cấp Thẻ cho công chứng viên như sau:

“a) Giấy đề nghị đăng ký hành nghề và cấp Thẻ công chứng viên (Mẫu TP-CC-06);

b) Quyết định bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại công chứng viên (bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm theo bản chính để đối chiếu);

c) 01 ảnh chân dung cỡ 2cm x 3cm của công chứng viên được đề nghị đăng ký hành nghề và cấp Thẻ (ảnh chụp không quá 06 tháng trước ngày nộp hồ sơ);

d) Giấy tờ chứng minh công chứng viên là hội viên Hội công chứng viên tại địa phương (trường hợp địa phương chưa có Hội công chứng viên thì nộp giấy tờ chứng minh là hội viên Hiệp hội công chứng viên Việt Nam);

đ) Giấy tờ chứng minh nơi cư trú của công chứng viên tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đăng ký hoạt động;

e) Quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, Chứng chỉ hành nghề đấu giá, quyết định miễn nhiệm Thừa phát lại, giấy tờ chứng minh đã chấm dứt công việc thường xuyên khác; giấy tờ chứng minh đã được Sở Tư pháp xóa đăng ký hành nghề ở tổ chức hành nghề công chứng trước đó hoặc văn bản cam kết chưa đăng ký hành nghề công chứng kể từ khi được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên”.

Tuy nhiên, trên thực tế có các trường hợp công chứng viên sau khi chấm dứt hành nghề công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng lại có nhu cầu tiếp tục đăng ký hành nghề công chứng tại một tổ chức hành nghề công chứng khác hoạt động trên cùng một địa bàn, thì việc yêu cầu công chứng viên nộp giấy tờ chứng minh công chứng viên là hội viên Hội công chứng viên tại địa phương hoặc là hội viên Hiệp hội công chứng viên Việt Nam là không cần thiết. Vì giấy tờ trên đã được Sở Tư pháp theo dõi, quản lý từ khi công chứng viên đăng ký hành nghề công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng trước đó tại Sở Tư pháp.

b) Kiến nghị thực thi:

Sửa đổi, bổ sung vào khoản 1 Điều 4 Thông tư số 01/2021/TT-BTP ngày 03/02/2021 của Bộ Tư pháp.

c) Lợi ích phương án đơn giản hóa:

Tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho công chứng viên khi thực hiện thủ tục hành chính.

+ Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 5.375.790 đồng/năm.

+ Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 5.275.790 đồng/năm.

+ Chi phí tiết kiệm: 100.000 đồng/năm.

+ Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 2%.

* Lĩnh vực Hòa giải thương mại: Thủ tục Thay đổi tên gọi trong Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm hòa giải thương mại

a) Nội dung đơn giản hóa:

Đề nghị bỏ trình tự thực hiện: “Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày văn bản chấp thuận của Bộ Tư pháp về việc thay đổi tên gọi có hiệu lực, Trung tâm hòa giải thương mại có văn bản đề nghị thay đổi tên gọi trong Giấy đăng ký hoạt động gửi Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Trung tâm đăng ký hoạt động”.

Lý do:

Tại khoản 1 Điều 26 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại quy định:

“Trường hợp có nhu cầu thay đổi về tên gọi …, Trung tâm hòa giải thương mại gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị thay đổi đến Bộ Tư pháp. Hồ sơ bao gồm:

a) Giấy đề nghị thay đổi theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;

b) Giấy tờ liên quan đến việc thay đổi.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thay đổi, Bộ Tư pháp có văn bản chấp thuận nội dung thay đổi; trường hợp từ chối phải thông báo lý do bằng văn bản.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày văn bản chấp thuận của Bộ Tư pháp về việc thay đổi tên gọi có hiệu lực, Trung tâm hòa giải thương mại có văn bản đề nghị thay đổi tên gọi trong Giấy đăng ký hoạt động gửi Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Trung tâm đăng ký hoạt động…”

Theo đó, khi tổ chức có nhu cầu thay đổi tên gọi của Trung tâm thì phải nộp Giấy đề nghị thay đổi cho Bộ Tư pháp để được chấp thuận nội dung thay đổi của tổ chức; sau khi nhận được văn bản chấp thuận, tổ chức tiếp tục làm văn bản đề nghị thay đổi tên gọi trong Giấy đăng ký hoạt động gửi Sở Tư pháp để được cấp Quyết định thay đổi tên gọi trong Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm.

Tuy nhiên, việc yêu cầu tổ chức phải đi lại nhiều lần để thực hiện 2 thủ tục trên, đồng thời phải nộp 02 lần đơn đề nghị khi có nhu cầu thay đổi tên gọi Trung tâm là không cần thiết. Vì khi Bộ Tư pháp có văn bản chấp thuận về việc thay đổi tên gọi của Trung tâm thì có thể đồng gửi một bản cho Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Trung tâm đăng ký hoạt động và Sở Tư pháp sẽ căn cứ vào văn bản chấp thuận của Bộ Tư pháp để ra Quyết định thay đổi tên gọi trong Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm, mà không cần phải đợi “15 ngày, kể từ ngày văn bản chấp thuận của Bộ Tư pháp về việc thay đổi tên gọi có hiệu lực”, Trung tâm hòa giải thương mại làm văn bản đề nghị thay đổi tên gọi trong Giấy đăng ký hoạt động gửi Sở Tư pháp.

b) Kiến nghị thực thi:

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 26 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại.

c) Lợi ích phương án đơn giản hóa:

Tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho Văn phòng công chứng khi thực hiện thủ tục hành chính.

+ Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 4.531.780 đồng/năm.

+ Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 1.747.920 đồng/năm.

+ Chi phí tiết kiệm: 2.783.860 đồng/năm.

+ Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 61%.

II. Thủ tục hành chính cấp xã (01 thủ tục)

* Lĩnh vực Hộ tịch: Thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước

a) Nội dung đơn giản hóa:

Đề nghị bỏ thành phần hồ sơ “Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân”.

Lý do:

Tại Điều 17 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định:

“Hồ sơ của người nhận con nuôi gồm có:

1. Đơn xin nhận con nuôi;

2. Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

3. Phiếu lý lịch tư pháp;

4. Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

5. Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp ; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật này”.

Tuy nhiên, trong Văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi đã có nội dung thông tin thể hiện tình trạng hôn nhân của người nhận con nuôi do chính cán bộ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người nhận con nuôi thực hiện xác nhận. Vì vậy, việc quy định thành phần hồ sơ “Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân” đối với người nhận con nuôi là không cần thiết.

b) Kiến nghị thực thi :

Sửa đổi, bổ sung Điều 17 Luật Nuôi con nuôi năm 2010.

c) Lợi ích phương án đơn giản hóa:

Việc bỏ thành phần hồ sơ có nội dung thông tin trùng lặp sẽ cắt giảm chi phí, thời gian đồng thời tạo sự đơn giản, nhanh chóng cho người yêu cầu trong quá trình chuẩn bị hồ sơ mà vẫn đảm bảo sự chặt chẽ khi thực hiện thủ tục hành chính.

+ Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 1.257.920 đồng/năm.

+ Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 1.099.430 đồng/năm.

+ Chi phí tiết kiệm: 158.490 đồng/năm.

+ Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 13%.

B. LĨNH VỰC TÀI CHÍNH (01 thủ tục hành chính cấp tỉnh)

* Lĩnh vực Quản lý công sản: Thủ tục quyết định xử lý tài sản phục vụ hoạt động của dự án khi dự án kết thúc

a) Nội dung đơn giản hóa:

- Đề nghị bỏ thành phần hồ sơ “Hồ sơ, giấy tờ khác liên quan đến việc xử lý tài sản”.

Lý do:

Tại điểm c khoản 1 Điều 93 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công quy định:

“Hồ sơ đề nghị xử lý tài sản gồm:

- Văn bản đề nghị xử lý tài sản của cơ quan chủ quản dự án (kèm theo danh mục tài sản đề nghị xử lý): 01 bản chính;

- Báo cáo của Ban Quản lý dự án (kèm theo danh mục tài sản đề nghị xử lý): 01 bản sao;

- Biên bản kiểm kê tài sản: 01 bản sao;

- Văn kiện dự án: 01 bản sao;

- Hồ sơ, giấy tờ khác liên quan đến việc xử lý tài sản: 01 bản sao”.

Tuy nhiên, trong thành phần hồ sơ đề nghị xử lý tài sản đã yêu cầu đầy đủ thông tin về tài sản phải xử lý, do đó việc đề nghị đơn vị cung cấp thêm “Hồ sơ, giấy tờ khác liên quan đến việc xử lý tài sản” là không cần thiết. Đồng thời, việc quy định chung chung như vậy gây ra tình trạng cán bộ tuỳ tiện tiếp nhận thêm thành phần hồ sơ không cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chuẩn bị và cung cấp hồ sơ.

b) Kiến nghị thực thi:

Sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 93 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

c) Lợi ích phương án đơn giản hóa:

Việc loại bỏ thành phần hồ sơ không cần thiết tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính:

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 1.536.159 đồng/năm

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 382.527 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 1.153.632 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 75%.

C. LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN (01 thủ tục hành chính cấp tỉnh)

* Lĩnh vực Lâm nghiệp: Thủ tục Phê duyệt chương trình, dự án và hoạt động phi dự án được hỗ trợ tài chính của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh

a) Nội dung đơn giản hóa:

Đề nghị quy định rõ số lượng hồ sơ mà đối tượng phải nộp khi thực hiện TTHC.

Lý do:

Tại Khoản 2, Điều 84 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp có quy định về trình tự, thành phần hồ sơ thực hiện TTHC . Tuy nhiên, không quy định rõ số lượng hồ sơ, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.

b) Kiến nghị thực thi:

Bổ sung quy định về số lượng hồ sơ thực hiện TTHC tại Điều 84 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.

c) Lợi ích phương án đơn giản hóa :

Việc quy định rõ số lượng hồ sơ tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính, tránh tình trạng tiêu cực, yêu cầu nhiều bộ hồ sơ gây tốn kém chi phí cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC.

D. LĨNH VỰC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH (02 thủ tục hành chính cấp tỉnh)

* Lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn

1. Thủ tục tổ chức biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn quản lý (không thuộc trường hợp khuôn khổ hợp tác quốc tế của các hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn thuộc Trung ương, đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật thuộc Trung ương)

a) Nội dung đơn giản hóa:

Đề nghị sửa đổi cơ quan giải quyết TTHC từ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành "Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch".

Lý do:

- Tại điểm a, khoản 3, Điều 9 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức biểu diễn tiếp nhận thông báo của cơ quan, đơn vị trực thuộc các bộ, ban, ngành trung ương, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế”.

- Điểm b, khoản 2, Điều 10 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật được tổ ch ức trên địa bàn quản lý không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này”.

- Khoản 5, Điều 10 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn: “Hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn thuộc Trung ương, đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật thuộc Trung ương thực hiện thông báo theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định này tới Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức biểu diễn sau khi có văn bản chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ hợp tác quốc tế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.

Việc quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức biểu diễn có thẩm quyền tiếp nhận thông báo, chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật cho các tổ chức sẽ kéo dài thời gian để giải quyết; mặt khác, việc phân cấp trong giải quyết thủ tục tổ chức biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn quản lý cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn đảm bảo kết quả giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo nguyên tắc quản lý ngành, hạn chế tình trạng nhiều tầng nấc, qua đó có thể rút ngắn thời gian giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân.

b) Kiến nghị thực thi:

Sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 9; điểm b khoản 2, Điều 10; khoản 5, Điều 10 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

c) Lợi ích phương án đơn giản hóa:

Việc sửa đổi cơ quan giải quyết TTHC sẽ cắt giảm được chi phí, thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức trong quá trình thực hiện TTHC, cụ thể:

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 13.580.000 đồng/năm

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 9.120.000 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 4.460.000 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 33%.

2. Thủ tục tổ chức cuộc thi, liên hoan trên địa bàn quản lý (không thuộc trường hợp toàn quốc và quốc tế của hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn thuộc Trung ương, đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật thuộc Trung ương)

a) Nội dung đơn giản hóa:

Đề nghị sửa đổi cơ quan giải quyết TTHC từ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành "Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch".

Lý do:

- Điểm a, khoản 2, Điều 12 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức cuộc thi, liên hoan tiếp nhận thông báo của cơ quan, đơn vị trực thuộc các bộ, ban, ngành Trung ương, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế”.

- Điểm b, khoản 2, Điều 13 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận tổ chức cuộc thi, liên hoan được tổ chức trên địa bàn quản lý không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này”.

- Khoản 5, Điều 13 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn: “Hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn thuộc Trung ương, đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật thuộc Trung ương thực hiện thông báo theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định này tới Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức cuộc thi, liên hoan sau khi có văn bản chấp thuận tổ chức cuộc thi, liên hoan toàn quốc và quốc tế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.

Việc quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức biểu diễn tiếp nhận thông báo, chấp nhận tổ chức cuộc thi, liên hoan của các tổ chức sẽ kéo dài thời gian để giải quyết; mặt khác, việc phân cấp trong giải quyết thủ tục tổ chức cuộc thi, liên hoan trên địa bàn quản lý cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn đảm bảo kết quả giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo nguyên tắc quản lý ngành, hạn chế tình trạng nhiều tầng nấc, qua đó có thể rút ngắn thời gian giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân.

b) Kiến nghị thực thi:

Sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12; điểm b, khoản 2, Điều 13; khoản 5, Điều 13 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

c) Lợi ích phương án đơn giản hóa:

Việc sửa đổi cơ quan giải quyết TTHC sẽ cắt giảm được chi phí, thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức trong quá trình thực hiện TTHC, cụ thể:

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 13.580.000 đồng/năm

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 9.120.000 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 4.460.000 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 33%.

E. LĨNH VỰC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ (01 thủ tục hành chính cấp tỉnh)

* Lĩnh vực Hoạt động khoa học và công nghệ : Thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp

a) Nội dung đơn giản hóa:

Đề nghị bỏ thành phần hồ sơ “Giấy xác nhận về thời gian thực tế hoạt động chuyên môn nơi người được đề nghị bổ nhiệm làm việc” và bổ sung thêm nội dung “xác nhận về thời gian thực tế hoạt động chuyên môn” vào trong “Công văn đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của Thủ trưởng đơn vị”.

Lý do: Tại Điều 7 Thông tư số 35/2014/TT-BKHCN ngày 11/12/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về giám định tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ, quy định hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ:

“1. Công văn đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của Thủ trưởng đơn vị.

2. Bản sao bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với lĩnh vực chuyên môn đề nghị bổ nhiệm.

3. Sơ yếu lý lịch và Phiếu lý lịch tư pháp.

4. Giấy xác nhận về thời gian thực tế hoạt động chuyên môn nơi người được đề nghị bổ nhiệm làm việc”.

Tuy nhiên, trong thành phần hồ sơ có 02 loại giấy tờ yêu cầu cá nhân nộp là “Công văn đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp” “Giấy xác nhận về thời gian thực tế hoạt động chuyên môn” đều do Thủ trưởng đơn vị nơi người được đề nghị bổ nhiệm làm việc xác nhận. Vì vậy, chỉ cần gộp nội dung “xác nhận về thời gian thực tế hoạt động chuyên môn” vào Công văn đề nghị bổ nhiệm của Thủ trưởng đơn vị nêu trên vẫn đảm bảo hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp, đồng thời giảm bớt giấy tờ, thành phần hồ sơ (do cùng một đơn vị ký xác nhận) cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.

b) Kiến nghị thực thi:

Bãi bỏ khoản 4 Điều 7 và sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 7 Thông tư số 35/2014/TT-BKHCN ngày 11/12/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về giám định tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ.

c) Lợi ích phương án đơn giản hóa:

Tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính.

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 1.600.000 đồng/năm.

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 1.350.000 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 250.000 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 4,5 %.

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 1397/QĐ-UBND thông qua Phương án đơn giản hóa 09 thủ tục hành chính trong lĩnh vực Tư pháp; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh Tuyên Quang năm 2021

Số hiệu: 1397/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
Người ký: Nguyễn Văn Sơn
Ngày ban hành: 14/09/2021
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [7]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 1397/QĐ-UBND thông qua Phương án đơn giản hóa 09 thủ tục hành chính trong lĩnh vực Tư pháp; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh Tuyên Quang năm 2021

Văn bản liên quan cùng nội dung - [8]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…