THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
137/1998/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 31 tháng 7 năm 1998
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC QUẢN LÝ LƯƠNG THỰC DỰ TRỮ QUỐC GIA
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Quy chế quản lý dự trữ quốc gia ban hành kèm theo Nghị định số 10/CP
ngày 24 tháng 2 năm 1996 của Chính phủ;
Để bảo đảm an toàn lương thực quốc gia và tăng cường công tác quản lý lương
thực dự trữ quốc gia;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Dự trữ quốc gia,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Lương thực dự trữ quốc gia là lượng thóc, gạo của Nhà nước được bảo quản có đủ
tiêu chuẩn chất lượng theo quy định để sử dụng vào mục đích: an toàn lương thực
quốc gia; phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai; phục vụ an ninh, quốc phòng
và các yêu cầu khác của Chính phủ.
Cục Dự trữ quốc
gia trực tiếp quản lý lượng lương thực dự trữ này.
Điều 2.
Quản lý lương thực dự trữ quốc gia được thực hiện theo các quy định trong Quyết
định này và theo Quy chế quản lý dự trữ quốc gia ban hành kèm theo Nghị định số
10/CP ngày 24 tháng 2 năm 1996 của Chính phủ.
Điều 3.
Căn cứ vào tình hình sản xuất, tiêu dùng lương thực, mục tiêu an toàn lương thực
quốc gia, thời hạn lưu kho và quy trình công nghệ bảo quản, hàng năm Cục Dự trữ
quốc gia phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết
định các chỉ tiêu kế hoạch về lương thực dự trữ quốc gia:
- Tổng mức dự trữ;
- Cơ cấu (thóc, gạo);
- Tổng lượng mua vào (bao gồm
mua tăng dự trữ và mua đổi hàng);
- Tổng lượng bán ra (bao gồm xuất
bán giảm dự trữ và bán đổi hàng);
- Vốn ngân sách cấp.
Điều 4.
Căn cứ kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cục Dự trữ quốc gia phải
đảm bảo số lượng lương thực dự trữ thường xuyên trong kho đạt mức dự trữ do Thủ
tướng Chính phủ quy định; quyết định và chịu trách nhiệm về việc luân phiên đổi
hàng lương thực dự trữ quốc gia. Trong thời gian luân
phiên đổi hàng thì số lượng lương thực dự trữ trong kho không được thấp hơn 60%
tổng mức quy định.
Điều 5.
Khi cần thiết, để can thiệp thị trường lương thực, bảo đảm quyền lợi của người
sản xuất, người tiêu dùng lương thực và yêu cầu khác, Thủ tướng Chính phủ quyết
định việc nhập hoặc xuất lương thực ngoài kế hoạch đã được phê duyệt hàng năm.
Điều 6.
Việc mua, bán lương thực dự trữ quốc gia thực hiện theo quy chế đấu thầu. Trường
hợp đặc biệt tổ chức Dự trữ quốc gia phải mua lẻ của nông dân và bán lẻ cho người
tiêu dùng thì trên cơ sở giá mua (giá trần), giá bán (giá sàn) do Ban Vật giá
Chính phủ quy định, Cục Dự trữ quốc gia chỉ đạo các Chi cục Dự trữ chủ trì, phối
hợp với Sở Tài chính - Vật giá địa phương quyết định giá mua, giá bán sát với
giá thị trường tại thời điểm mua, bán ở từng khu vực trong khung giá quy định.
Điều 7.
Khi xuất bán lương thực dự trữ quốc gia mà trong nước không có nhu cầu mua, Cục
Dự trữ quốc gia được phép xuất khẩu theo quy định chung của Nhà nước.
Điều 8.
Sau khi đã thỏa thuận với các cơ quan liên quan, Cục Dự trữ quốc gia xây dựng
và ban hành tiêu chuẩn chất lượng, quy trình, quy phạm bảo quản và thời hạn lưu
kho lương thực dự trữ quốc gia theo thẩm quyền.
Điều 9.
Kho chứa lương thực dự trữ quốc gia phải bố trí, phù hợp với quy hoạch ở các địa
bàn chiến lược do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ở từng địa bàn bố trí kho, hệ
thống kho phải tập trung, có sân phơi, tường rào bảo vệ và các thiết bị phơi sấy,
bảo quản ..., hệ thống bảo đảm an toàn và các biện pháp phòng, chống thiên tai;
phòng, chống cháy; ngăn ngừa các hành vi xâm hại khác.
Cục Dự trữ quốc gia căn cứ vào mục
tiêu dự trữ lương thực, các điều kiện thực tế về khí hậu ở từng vùng, về kho
tàng, thiết bị bảo quản, đặc tính từng loại lương thực dự trữ để nghiên cứu xây
dựng các vùng kho với quy mô thích hợp, tập trung, lựa chọn ứng dụng công nghệ
bảo quản tiên tiến, nhằm giữ được phẩm cấp chất lượng lương thực lâu dài hơn so
với hiện nay.
Điều 10.
Hàng năm ngân sách Nhà nước cân đối để:
- Tăng lương thực dự trữ hoặc
mua bù số lương thực đã xuất không thu tiền theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ;
- Bù cho phần giá trị bị giảm của
số lương thực xuất đổi hạt do chất lượng lương thực bị suy giảm tự nhiên trong
quá trình bảo quản; số hao hụt theo định mức và tổn thất do các lý do bất khả
kháng.
Điều 11.
Đối với vốn ngân sách Nhà nước cấp cho mua lương thực dự trữ quốc gia theo dự
toán, nếu giá mua giảm so với kế hoạch thì ngân sách Nhà nước chỉ cấp theo mức
khối lượng lương thực dự trữ mà Thủ tướng Chính phủ đã quyết định. Trường hợp
do giá mua tăng, ngân sách Nhà nước cấp theo dự toán không mua đủ số lượng
lương thực dự trữ đã được giao thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Tài
chính và Cục Dự trữ quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều 12.
Các tổ chức, cá nhân trong ngành dự trữ được giao nhiệm vụ quản lý lương thực dự
trữ quốc gia, do thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc không thực hiện đúng các quy
định của Nhà nước về mua, bán lương thực, gây hao hụt quá định mức hoặc để thất
thoát trong bảo quản lương thực, thì phải bồi thường vật chất tương ứng với số
lương thực bị thiệt hại. Nếu gây thiệt hại nghiêm trọng thì ngoài việc bồi thường
vật chất, còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 13.
Cục trưởng Cục Dự trữ quốc gia và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong phạm vi
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo và tổ
chức thực hiện Quyết định này.
Điều 14. Quyết định này
có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.