ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1129/QĐ-UBND |
Hà Nam, ngày 05 tháng 7 năm 2018 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;
Căn cứ Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII;
Căn cứ Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố; Thông tư số 09/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ Nội vụ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Chương trình hành động số 54-Ctr/TU ngày 31/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của Đảng.
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định, trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
SẮP XẾP, SÁP NHẬP CÁC THÔN, TỔ DÂN PHỐ CHƯA ĐỦ TIÊU CHUẨN
THEO QUY ĐỊNH, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM
(Kèm theo Quyết định số 1129/QĐ-UBND ngày 05/7/2018 của UBND tỉnh)
Thực hiện Chương trình hành động số 54-CTr/TU ngày 31/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) của Đảng; căn cứ vào các quy định của Trung ương và tình hình thực tiễn của địa phương, Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định, trên địa bàn tỉnh Hà Nam, cụ thể như sau:
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Cơ sở pháp lý
- Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
- Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;
- Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII;
- Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố;
- Thông tư số 09/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ Nội vụ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố;
- Chương trình hành động số 54-CTr/TU ngày 31/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của Đảng;
- Các Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND tỉnh về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
2. Sự cần thiết
Trong những năm qua Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở, như việc sắp xếp tổ chức bộ máy, quy định điều kiện, tiêu chuẩn và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Do đó hiệu quả hoạt
động của hệ thống chính trị ở cơ sở được nâng lên một bước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình chính trị ở địa phương.
Tuy nhiên, do lịch sử để lại còn nhiều thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình thấp hơn nhiều so với quy định. Trong khi số người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố vẫn phải bố trí đủ số lượng theo quy định. Do vậy, việc sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định, được xác định là chủ trương đúng đắn và rất cần thiết, đây là một trong các giải pháp để giảm số thôn, tổ dân phố; góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, tạo điều kiện giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã và hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của thôn, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh.
1. Thực trạng thôn, tổ dân phố
Toàn tỉnh hiện có 1239 thôn, tổ dân phố (1095 thôn, 144 tổ dân phố). Trong đó: Thôn, tổ dân phố loại 1 là 40; thôn, tổ dân phố loại 2 là 153; thôn, tổ dân phố loại 3 là 1046.
- Về số lượng người hoạt động không chuyên trách: Theo Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND ngày 19/7/2017 của HĐND tỉnh, Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND ngày 17/8/2017 của UBND tỉnh quy định: Mỗi thôn loại 1, loại 2 thuộc xã, thị trấn được bố trí không quá 04 người; các thôn, tổ dân phố còn lại được bố trí không quá 03 người. Tổng số người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố hiện nay của toàn tỉnh là 4.468 người.
TT |
Đơn vị |
Số thôn, tổ dân phố |
Số người hoạt động không chuyên trách ở thôn, TDP |
|||
Tổng số |
Loại 1 |
Loại 2 |
Loại 3 |
|||
1 |
Phủ Lý |
178 |
6 |
24 |
148 |
539 |
2 |
Duy Tiên |
139 |
17 |
37 |
85 |
498 |
3 |
Thanh Liêm |
167 |
9 |
28 |
130 |
578 |
4 |
Bình Lục |
231 |
4 |
24 |
203 |
967 |
5 |
Lý Nhân |
345 |
0 |
12 |
333 |
1339 |
6 |
Kim Bảng |
179 |
4 |
28 |
147 |
547 |
Tổng số |
1239 |
40 |
153 |
1046 |
4468 |
- Về quy mô số hộ gia đình:
Theo Thông tư số 09/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố quy định về điều kiện thành lập thôn mới, tổ dân phố mới: Thôn có từ 400 hộ gia đình trở lên; tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên;
Quy mô số hộ gia đình ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh:
- Thôn có số hộ gia đình từ 400 hộ trở lên có 93 thôn (chiếm 8,50%); tổ dân phố có số hộ gia đình từ 500 hộ trở lên có 07 tổ dân phố (chiếm 4,86%);
- Thôn có số hộ gia đình dưới 200 hộ có 589 thôn; tổ dân phố có số hộ gia đình dưới 250 hộ có 87 tổ dân phố.
2. Tồn tại hạn chế
Phần lớn các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh có quy mô số hộ gia đình không đạt tiêu chuẩn theo Thông tư 09/2017/TT-BNV của Bộ Nội vụ (trên 90%). Trong đó có 589/1095 thôn có dưới 200 hộ gia đình và có 87/144 tổ dân phố có dưới 250 hộ gia đình (chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định).
Do quy mô thôn, tổ dân phố nhỏ, dẫn đến số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố nhiều, từ đó ngân sách chi cho đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố là rất lớn.
1. Mục tiêu, nguyên tắc sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố
a) Mục tiêu
- Sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố đảm bảo quy mô số hộ gia đình sau sáp nhập phù hợp với Thông tư 09/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ Nội vụ; đồng thời khuyến khích sáp nhập các thôn quy mô lớn khi có cùng các thiết chế văn hoá, tín ngưỡng và được sự đồng thuận của nhân dân, để giảm số lượng thôn, tổ dân phố, từ đó giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; góp phần giảm chi ngân sách, nâng cao chất lượng hoạt động hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị; phát huy vai trò tự quản, tự chủ và hiệu quả huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, xây dựng nông thôn mới.
- Đến năm 2020: Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định.
b) Nguyên tắc sắp xếp, sáp nhập
- Sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố để thành lập các thôn, tổ dân phố mới thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII; phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (Thông tư số 04/2012/TT-BNV; Thông tư 09/2017/TT-BNV) và trên cơ sở quy hoạch phát triển đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với thực tiễn, đặc điểm, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi địa phương; đảm bảo thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.
- Sáp nhập thôn với thôn khác liền kề trong cùng xã, thị trấn để thành lập thôn mới; sáp nhập tổ dân phố với tổ dân phố khác liền kề trong cùng phường, thị trấn để thành lập tổ dân phố mới. Việc sáp nhập các thôn, tổ dân phố có quy mô nhỏ để thành lập thôn mới, tổ dân phố mới theo quy định tại Thông tư 09/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ Nội vụ.
- Quá trình sáp nhập thôn, tổ dân phố phải theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật, dân chủ, công khai, minh bạch đảm bảo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, ổn định tình hình địa phương; đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng; điều hành của chính quyền các cấp; hướng dẫn, triển khai của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện thống nhất với kiện toàn, sắp xếp lại Chi bộ, Ban công tác mặt trận ở thôn, tổ dân phố.
- Bố trí, sắp xếp và giải quyết tốt các chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, ở những đơn vị sáp nhập.
2. Tổ chức sắp xếp, sáp nhập
a) Tiêu chí sáp nhập thôn, tổ dân phố
Tiêu chí tối thiểu để sáp nhập thôn, tổ dân phố chưa đạt 50% tiêu chuẩn về quy mô số hộ gia đình (theo quy định tại Thông tư số 09/2017/TT-BNV của Bộ Nội vụ):
- Thôn có quy mô số hộ gia đình dưới 200 hộ.
- Tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình dưới 250 hộ.
Các thôn, tổ dân phố sau khi sáp nhập để thành lập thôn mới, tổ dân phố mới phải đảm bảo điều kiện quy định tại Thông tư 09/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ Nội vụ.
Đối với các thôn, tổ dân phố có số hộ gia đình lớn hơn tiêu chí trên nhưng có chung truyền thống văn hóa (cùng làng hoặc đội sản xuất trước đây); phù hợp các đặc thù về tín ngưỡng, tôn giáo và được nhân dân đồng tình thì thực hiện sáp nhập.
b) Thời gian thực hiện sắp xếp, sáp nhập
- Đối với các thôn, tổ dân phố có đủ điều kiện thực hiện sáp nhập ngay, trình HĐND tỉnh tại kỳ họp giữa năm 2018.
- Các thôn, tổ dân phố còn lại, hoàn thành việc sắp xếp, sáp nhập xong trong năm 2019.
3. Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm
- Các địa phương tiến hành rà soát hiện trạng quy mô số hộ gia đình của các thôn, tổ dân phố trên địa bàn; xây dựng Đề án chi tiết, cụ thể sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đạt tiêu chuẩn theo tiêu chí trên.
- Cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, mục đích của việc sáp nhập các thôn, tổ dân phố; đây là nội dung quan trọng góp phần tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII);
- Căn cứ Đề án của tỉnh và Nghị quyết của Trung ương, các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện, chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn xây dựng Đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện cụ thể của các địa phương.
- Bố trí sắp xếp đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố mới sáp nhập.
- Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ đối với những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố khi thôi đảm nhiệm chức vụ, chức danh sau khi sáp nhập.
- Củng cố cơ sở vật chất sau khi sáp nhập thôn, tổ dân phố: Các thôn, tổ dân phố trước khi sáp nhập đã có nhà văn hóa - khu thể thao mà vẫn đáp ứng được sinh hoạt của cộng đồng dân cư thì tiếp tục sử dụng; trường hợp chưa có hoặc sau khi sáp nhập không thể sử dụng được, cần cải tạo hoặc xây dựng mới thì trong Đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố, UBND xã, phường, thị trấn phải dự kiến cụ thể vị trí, diện tích và nhu cầu kinh phí cần thiết để xây dựng mới hoặc cải tạo lại các thiết chế văn hóa.
1. Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
- Thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ, đảng viên, công chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của việc sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố; triển khai, quán triệt và chỉ đạo thực hiện nội dung của Đề án.
- Tiến hành rà soát những thôn, tổ dân phố không đảm bảo quy mô số hộ gia đình theo tiêu chí đã được xác định; xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố cho từng trường hợp cụ thể, báo cáo UBND cấp huyện; lấy ý kiến cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình; trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết nghị; hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo UBND huyện, thành phố.
- Chuẩn bị công tác nhân sự đối với những người hoạt động không chuyên trách khi tiến hành sáp nhập thôn, tổ dân phố; giải quyết, sắp xếp người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sáp nhập.
2. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố
- Thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến các xã, phường, thị trấn và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về ý nghĩa, mục đích của việc sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố.
- Triển khai, quán triệt và chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án của UBND tỉnh.
- Căn cứ vào Đề án của tỉnh và quy hoạch phát triển đô thị của các huyện, thành phố đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng Đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố cho từng trường hợp cụ thể; thực hiện trình tự, thủ tục sáp nhập thôn, tổ dân phố theo đúng quy định của pháp luật; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; thẩm định, phê duyệt Đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố của các xã, phường, thị trấn.
- Hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thực hiện các chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố nghỉ việc do sáp nhập thôn, tổ dân phố theo quy định của tỉnh, của Trung ương.
3. Sở Nội vụ
- Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố tổ chức, triển khai thực hiện; đôn đốc, kiểm tra, báo cáo kết quả về UBND tỉnh;
- Thẩm định hồ sơ, trình tự, thủ tục sáp nhập các thôn, tổ dân phố theo đề nghị của UBND các huyện, thành phố; báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét ban hành Nghị quyết. Sau khi có Nghị quyết của HĐND tỉnh, tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định sáp nhập thôn, tổ dân phố.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố nghỉ việc do sáp nhập thôn, tổ dân phố.
4. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố theo quy định.
- Thẩm định đề nghị của các địa phương về kinh phí thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố và kinh phí hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố nghỉ việc do sáp nhập, theo quy định của Trung ương, của tỉnh. Bố trí ngân sách cho các địa phương, đơn vị để thực hiện Đề án.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh:
Chỉ đạo, tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của tổ chức thành viên và các hội viên từ đó thực hiện có hiệu quả các nội dung, công việc trong quá trình sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn việc tổ chức, kiện toàn Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận, Chi hội, Chi đoàn và các tổ chức khác gắn với sáp nhập thôn, tổ dân phố.
6. Các sở, Ban, ngành của tỉnh:
Theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm hướng dẫn UBND các huyện, thành phố thực hiện các nội dung công việc liên quan khi tiến hành sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết hoặc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Đề án, các cơ quan, đơn vị chủ động đề xuất, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để xem xét, kịp thời chỉ đạo./.
Quyết định 1129/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Đề án sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định trên địa bàn tỉnh Hà Nam
Số hiệu: | 1129/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hà Nam |
Người ký: | Nguyễn Xuân Đông |
Ngày ban hành: | 05/07/2018 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 1129/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Đề án sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định trên địa bàn tỉnh Hà Nam
Chưa có Video