ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2022/QĐ-UBND |
Quảng Nam, ngày 09 tháng 3 năm 2022 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
Thực hiện Quyết định số 1432/QĐ-TTg ngày 25 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 430/TTr-SNV ngày 28 tháng 02 năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 3 năm 2022.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện: Nam Giang, Phước Sơn và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BAN QUẢN
LÝ VƯỜN QUỐC GIA SÔNG THANH, TRỰC THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09/2022/QĐ-UBND ngày 09 tháng 3 năm
2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam)
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
1. Vị trí pháp lý
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh (dưới đây gọi tắt là BQL VQG Sông Thanh) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam; có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở các tài khoản giao dịch theo quy định của pháp luật.
BQL VQG Sông Thanh chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp và toàn diện của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam.
2. Chức năng
BQL VQG Sông Thanh thực hiện chức năng theo quy định tại khoản 2 Điều 5, khoản 1 Điều 46 Luật Lâm nghiệp năm 2017; tại Điều 1 Quyết định số 1432/QĐ-TTg ngày 25/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập BQL VQG Sông Thanh trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam và các quy định hiện hành; cụ thể như sau:
BQL VQG Sông Thanh thực hiện chức năng quản lý, bảo vệ và phát triển VQG Sông Thanh theo quy định của pháp luật và phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam.
BQL VQG Sông Thanh bảo tồn các giá trị tự nhiên, giá trị đa dạng sinh học, các loài động thực vật nguy cấp, quý, hiếm; bảo tồn các giá trị văn hóa và phát triển kinh tế xã hội bền vững; bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời góp phần bảo vệ quốc phòng an ninh, phát triển du lịch và phát triển bền vững trong khu vực. Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái, giáo dục môi trường và đầu tư phát triển vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia Sông Thanh.
BQL VQG Sông Thanh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 37, Điều 38, Điều 39, Điều 40, Điều 73, Điều 74 và Điều 75 của Luật Lâm nghiệp năm 2017; Điều 29 của Luật Đa dạng sinh học năm 2008; Điều 11, khoản 1 Điều 12, khoản 1 Điều 13, khoản 1, 3, 5, 6 Điều 14, Điều 15, Điều 16, điểm b khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều 45, khoản 1 Điều 49, khoản 2, 4 Điều 51, khoản 1, 2 Điều 52, khoản 1 Điều 53, khoản 1 Điều 64, Điều 65, điểm c, d khoản 3 Điều 70 của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp và các quy định hiện hành, cụ thể như sau:
1. Nhiệm vụ
a) Trình Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định để tổ chức thực hiện:
- Phương án Quản lý rừng bền vững tại Vườn Quốc gia Sông Thanh theo từng giai đoạn;
- Các dự án đầu tư phát triển Vườn Quốc gia và vùng đệm Vườn Quốc gia Sông Thanh;
- Đề án vị trí việc làm, số lượng người làm việc của BQL VQG Sông Thanh;
- Phương án (Đề án) tự chủ tài chính của BQL VQG Sông Thanh;
- Các nội dung khác liên quan đến tổ chức và hoạt động của BQL VQG Sông Thanh thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) BQL VQG Sông Thanh quyết định và chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức thực hiện:
- Bảo tồn, phục hồi tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái của Vườn Quốc gia:
Bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng các hệ sinh thái đặc trưng trong khu vực được giao quản lý với chỉ tiêu cụ thể: Bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng nhiệt đới lá rộng thường xanh vùng thấp và núi thấp còn tương đối nguyên sinh là các hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học cao nhất, đặc biệt là bảo tồn loài Lim xanh (Erythrophleum fordii), Gõ (Afzelia xylocarpa), Giổi (Michelia mediocris) và Pơ mu (Fokienia hodginsii) đặc trưng trong các hệ sinh thái này;
Duy trì được độ che phủ của rừng và nâng cao chất lượng rừng thông qua phục hồi được các trạng thái rừng của các hệ sinh thái đã bị suy thoái trong khu vực, đồng thời đảm bảo cấu trúc và chức năng dịch vụ sinh thái của rừng;
Bảo tồn và phát triển các giá trị đa dạng động vật, thực vật nói chung, đồng thời bảo tồn các loài đặc hữu: Voọc Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus), Voọc chà vá chân xám (Pygathrix cinerea), các loài nguy cấp, quý, hiếm như Gấu ngựa (Ursus thibetanus), Tê Tê (Manis javanica), Mang lớn (Muntiacus vuquangensis), Mang Trường sơn (Muntiacus truongsonensis), Trĩ sao (Rheinardia ocellata), Thỏ Vằn (Nesolagus Timminsi)…, với mục tiêu cuối cùng là ổn định thành phần loài, tăng số lượng cá thể và quần thể, đồng thời bảo tồn các loài linh trưởng, các loài đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm khác;
Tăng cường chức năng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ môi trường của rừng trong khu vực và vùng hạ lưu các sông suối, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Tổ chức nghiên cứu khoa học và hợp tác với các tổ chức quốc tế phục vụ công tác bảo tồn:
Tổ chức nghiên cứu khoa học về bảo vệ, bảo tồn, phát triển động thực vật rừng, đa dạng sinh học, đặc biệt là đối với các loài động thực vật quý hiếm đặc biệt nguy cấp.
Tổ chức các dịch vụ nghiên cứu khoa học, học tập tại Vườn Quốc gia.
Xây dựng chương trình kế hoạch, đề tài nghiên cứu khoa học, tổ chức triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt.
Sưu tập, nuôi trồng thực nghiệm, bảo tồn, phát triển các nguồn gen động, thực vật.
Xây dựng chương trình hợp tác quốc tế về quản lý, bảo vệ, bảo tồn phát triển tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế khi được cấp trên phê duyệt.
- Tổ chức thực hiện dịch vụ môi trường:
Xây dựng, bảo vệ quy hoạch, dự án phát triển dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái của Vườn Quốc gia và tổ chức thực hiện, tạo nguồn thu để hỗ trợ cho công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Tổ chức liên doanh, liên kết cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái với các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và trên cơ sở chủ trương thống nhất của Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Nghiên cứu, phát triển các loại dược liệu, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng.
- Tổ chức các hoạt động dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật:
Sản xuất, cung ứng giống con giống, cây giống phục vụ sản xuất; du lịch sinh thái theo quy định của pháp luật.
Tư vấn khảo sát thiết kế, giám sát, thi công các công trình lâm nghiệp; tư vấn điều tra, đánh giá hiện trạng rừng, khai thác gỗ rừng tự nhiên và rừng trồng.
- Quản lý số lượng người làm việc, biên chế viên chức, thực hiện chế độ tiền lương, chính sách, chế độ đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức, lao động của BQL VQG Sông Thanh theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức quản lý, sử dụng tài sản, vật tư, kinh phí nhà nước được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình cải cách hành chính; công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thuộc lĩnh vực được giao.
- Tổng hợp, thống kê, báo cáo định kỳ, đột xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh về các nhiệm vụ được giao.
c) Nhiệm vụ của BQL VQG Sông Thanh đối với vùng đệm:
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Nam Giang, Ủy ban nhân dân huyện Phước Sơn tổ chức xây dựng phương án và cùng tổ chức thực hiện phương án quản lý, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng. Tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến vùng đệm và lợi ích do việc bảo vệ Vườn Quốc gia mang lại;
- Hỗ trợ chính quyền địa phương hoạch định chính sách xã hội có liên quan đến bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học;
- BQL VQG Sông Thanh lập dự án và là chủ đầu tư dự án vùng đệm. Tổ chức các biện pháp thu hút các cộng đồng dân cư vùng đệm tham gia quản lý, bảo vệ khu rừng đặc dụng.
d) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan theo quy định:
- Phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng, sinh vật ngoại lai xâm hại rừng. Ngăn chặn kịp thời, điều tra, xử lý các hành vi xâm hại rừng, môi trường cảnh quan.
- Nghiên cứu xây dựng mô hình lâm nghiệp trang trại, mô hình khuyến lâm, khuyến nông ở vùng đệm, mô hình du lịch, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật cho nhân dân vùng đệm.
- Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình tuyên truyền giáo dục cho nhân dân địa phương, học sinh và du khách về đa dạng sinh học và pháp luật về bảo vệ rừng. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia.
- Tổ chức họp giao ban về công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng hàng quý với chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan trên địa bàn để thống nhất các phương án phối kết hợp bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng hiệu quả nhất.
2. Quyền và nghĩa vụ
BQL VQG Sông Thanh thực hiện cụ thể quyền và nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 75 Luật Lâm nghiệp năm 2017 như sau:
a) BQL VQG Sông Thanh (Ban quản lý rừng đặc dụng) có các quyền:
- Các quyền được quy định tại Điều 73 Luật Lâm nghiệp năm 2017.
- Được hưởng chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng theo quy định tại Điều 94 Luật Lâm nghiệp năm 2017.
- Khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng theo quy định tại Điều 52, rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo quy định tại Điều 58, rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Điều 59 Luật Lâm nghiệp năm 2017.
- Được cho thuê môi trường rừng; hợp tác, liên kết kinh doanh du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng theo phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Tiến hành hoạt động khoa học và công nghệ, giảng dạy, thực tập, hợp tác quốc tế.
b) BQL VQG Sông Thanh (Ban quản lý rừng đặc dụng) có các nghĩa vụ:
- Các nghĩa vụ được quy định tại Điều 74 Luật Lâm nghiệp năm 2017.
- Lập và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững và thực hiện phương án đã được phê duyệt.
- Hỗ trợ cộng đồng dân cư trong vùng đệm ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại Điều 54 Luật Lâm nghiệp năm 2017.
- Khoán bảo vệ và phát triển rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại chỗ theo quy định của Chính phủ.
3. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định pháp luật hiện hành.
Điều 3. Lãnh đạo BQL VQG Sông Thanh
1. BQL VQG Sông Thanh có Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc.
2. Giám đốc là người điều hành toàn bộ hoạt động của BQL VQG Sông Thanh, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật; quy định chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thuộc BQL VQG Sông Thanh; chỉ đạo xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy chế làm việc của BQL VQG Sông Thanh, bố trí viên chức, người lao động phù hợp với nhiệm vụ được giao và Đề án vị trí việc làm được phê duyệt.
3. Phó Giám đốc Ban Quản lý là người giúp Giám đốc chỉ đạo một số mặt công tác và chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Khi Giám đốc vắng mặt, một Phó Giám đốc được Giám đốc ủy nhiệm điều hành các hoạt động của BQL VQG Sông Thanh.
4. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức, nghỉ hưu và thực hiện chế độ chính sách khác đối với Giám đốc, Phó Giám đốc BQL VQG Sông Thanh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định theo quy định pháp luật và theo phân cấp quản lý.
Điều 4. Tổ chức cấu thành của BQL VQG Sông Thanh
1. Phòng chuyên môn
a) Phòng Hành chính - Tổng hợp.
b) Phòng Kế hoạch - Kỹ thuật.
c) Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế.
2. Đội nghiệp vụ
Các Đội Bảo vệ rừng cơ động.
3. Các đơn vị trực thuộc
a) Các Trạm Quản lý bảo vệ rừng
Chức năng của các Trạm là thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp trong lâm phận Vườn Quốc gia Sông Thanh; chỉ đạo hoạt động của các Tổ Bảo vệ rừng trực thuộc; tổ chức công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa bàn được giao quản lý.
b) Ngoài ra, tùy theo nhiệm vụ hoạt động và yêu cầu cần thiết để thực hiện chức năng được giao của đơn vị, BQL VQG Sông Thanh lập hồ sơ, thủ tục xin ý kiến Uỷ ban nhân dân tỉnh để thành lập đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng, nhiệm vụ thực hiện dịch vụ sự nghiệp công, trực thuộc BQL VQG Sông Thanh.
Việc thành lập đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc BQL VQG Sông Thanh phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chí, trình tự, thẩm quyền theo quy định pháp luật hiện hành.
4. Về số lượng cấp phó tổ chức cấu thành
a) Phòng chuyên môn, Đội nghiệp vụ có từ 07 đến 09 người làm việc là viên chức được bố trí 01 cấp Phó; có từ 10 người làm việc là viên chức trở lên được bố trí không quá 02 cấp Phó.
b) Trạm: Được bố trí 01 cấp Phó.
c) Số lượng cấp phó đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc BQL VQG Sông Thanh (nếu có) thực hiện theo quy định hiện hành.
5. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các tổ chức cấu thành BQL VQG Sông Thanh do Giám đốc BQL VQG Sông Thanh quy định.
Việc bổ nhiệm, miễn nhiễm, thực hiện chế độ chính sách đối với cấp trưởng và cấp phó các tổ chức cấu thành BQL VQG Sông Thanh được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành và quy định phân cấp quản lý cán bộ, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Quảng Nam.
Điều 5. Số lượng người làm việc, biên chế của BQL VQG Sông Thanh
1. Số lượng người làm việc, biên chế viên chức của BQL VQG Sông Thanh được giao trên cơ sở vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của đơn vị và nằm trong tổng số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Quảng Nam.
2. Căn cứ Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm và số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức bộ máy được quy định và quỹ tiền lương của đơn vị, BQL VQG Sông Thanh xây dựng Đề án vị trí việc làm của đơn vị, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
3. Căn cứ số lượng người làm việc, biên chế viên chức được phân bổ và khả năng tài chính của BQL VQG Sông Thanh, Giám đốc BQL VQG Sông Thanh chủ động tuyển chọn người làm việc theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiêu chuẩn của ngạch cần tuyển và phù hợp với cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp đối với công tác chuyên môn và có trách nhiệm sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn nhân lực của BQL VQG Sông Thanh.
Điều 6. Căn cứ Quy định này, Giám đốc BQL VQG Sông Thanh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện Nam Giang, Ủy ban nhân dân huyện Phước Sơn và các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, công tác bảo tồn đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên của Vườn Quốc gia trình UBND tỉnh ban hành để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Giám đốc BQL VQG Sông Thanh có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho từng lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động của BQL VQG Sông Thanh theo đúng chức danh; chi tiết hóa quá trình tiến hành, thời gian thực thi, chế độ báo cáo công vụ cho mỗi loại công việc theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 7. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định này, nếu có vấn đề phát sinh hoặc cần phải bổ sung, sửa đổi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BQL VQG Sông Thanh, Giám đốc BQL VQG Sông Thanh phối hợp Giám đốc Sở Nội vụ báo cáo, trình Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Quyết định 09/2022/QĐ-UBND quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh do tỉnh Quảng Nam ban hành
Số hiệu: | 09/2022/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Nam |
Người ký: | Lê Trí Thanh |
Ngày ban hành: | 09/03/2022 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 09/2022/QĐ-UBND quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh do tỉnh Quảng Nam ban hành
Chưa có Video