ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2009/QĐ-UBND |
Mỹ Tho, ngày 15 tháng 04 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUẢN LÝ CƯ TRÚ ĐỐI VỚI NHÂN KHẨU TẠM TRÚ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ vào Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban
nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ vào Luật Cư trú ngày 29/11/2006;
Căn cứ Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25/6/2007 của Chính phủ quy định chi
tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú;
Căn cứ Thông tư số 06/2007/TT-BCA ngày 01/7/2007 của Bộ Công an hướng dẫn thi
hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25/6/2007
của Chính phủ;
Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
1. Quyết định này quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất, hộ gia đình và người tạm trú trong công tác quản lý cư trú đối với nhân khẩu tạm trú.
Quản lý cư trú đối với nhân khẩu tạm trú là quản lý đối với người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó.
2. Quyết định này áp dụng đối với công dân Việt Nam (kể cả người Việt Nam định cư nước ngoài), người nước ngoài tạm trú trên địa bàn Tiền Giang nhằm mục đích sinh sống, làm việc, lao động, học tập, du lịch, thăm thân nhân.
Điều 2. Trách nhiệm của chủ cơ sở cho thuê trọ hoặc chủ hộ
1. Phải ghi vào sổ đăng ký lưu trú và báo cho Công an xã, phường, thị trấn theo quy định Luật Cư trú.
2. Trực tiếp quản lý cư trú, sinh hoạt của người tạm trú trong khuôn viên nhà trọ hoặc cơ sở tạm trú.
3. Nội quy nhà trọ phải quy định rõ những việc người tạm trú phải chấp hành và những việc không được làm; thời gian ra vào nhà trọ và chịu trách nhiệm về các vụ việc vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội xảy ra trong nhà trọ của mình.
4. Tạo điều kiện để người tạm trú an tâm trong quá trình cư trú, sinh sống, làm việc, lao động, học tập.
5. Khi có sự thay đổi về cư trú của người tạm trú, chủ cơ sở cho thuê trọ hoặc chủ hộ phải có trách nhiệm báo cáo ngay cho Công an xã, phường, thị trấn và nhà trường (nếu là sinh viên), doanh nghiệp (nếu là công nhân) hoặc cơ quan, tổ chức để kịp thời đăng ký điều chỉnh.
6. Nắm chắc tình hình cư trú, việc chấp hành các quy định của pháp luật, nội qui nhà trọ và các biểu hiện nghi vấn vi phạm pháp luật của người tạm trú. Báo cáo ngay những trường hợp vi phạm và biểu hiện nghi vấn vi phạm pháp luật cho Công an, xã, phường, thị trấn và Ban Giám hiệu nhà trường (nếu là sinh viên) hoặc Ban Giám đốc doanh nghiệp (nếu là công nhân) hoặc các cơ quan tổ chức để phối hợp giải quyết kịp thời, không để xảy ra phức tạp.
Điều 3. Trách nhiệm của Ban Giám hiệu nhà trường và Ban Giám đốc doanh nghiệp
1. Xây dựng nội qui ký túc xá, nhà ở tập thể công nhân phù hợp với đặc điểm và hiện trạng của đơn vị, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mình.
2. Đảm bảo quản lý chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên, công nhân và cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình cư trú, ăn ở, sinh hoạt trong ký túc xá, nhà ở tập thể của công nhân và cán bộ công nhân viên.
3. Xây dựng qui chế phân công trách nhiệm cụ thể cho từng bộ phận như: Ban Quản lý ký túc xá, nhà ở tập thể, Đoàn Thanh niên, công đoàn trong việc quản lý cư trú, sinh hoạt của sinh viên, công nhân và cán bộ công nhân viên.
4. Tổ chức xây dựng ký túc xá, nhà ở tập thể công nhân sạch đẹp, không để ma túy, tệ nạn xã hội xâm nhập vào ký túc xá và nhà ở tập thể công nhân đồng thời phát động phong trào sinh viên, công nhân phòng ngừa đấu tranh chống các loại tội phạm, bài trừ ma túy và tệ nạn xã hội.
5. Đối với các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp có người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tạm trú thì cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó có trách nhiệm thông báo lưu trú, khai báo tạm trú cho họ tại Công an xã, phường, thị trấn nơi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đặt trụ sở.
Điều 4. Trách nhiệm của Ban Quản lý ký túc xá, Ban Quản lý nhà ở tập thể của công nhân
1. Lập sổ sách, hướng dẫn thủ tục đăng ký tạm trú theo quy định Luật Cư trú, Nghị định 107/2007/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 06/2007/TT-BCA của Bộ Công an gởi Công an xã, phường, thị trấn nơi đặt trụ sở.
2. Trực tiếp quản lý việc tạm trú, đi lại, sinh hoạt của sinh viên, công nhân nội trú, bố trí cán bộ thường trực 24/24 quản lý việc ra, vào của sinh viên, công nhân trong ký túc xá, nhà ở tập thể của công nhân.
3. Khi có sự thay đổi về cư trú của sinh viên, công nhân và cán bộ công nhân viên phải có trách nhiệm lập danh sách và báo cáo cho Công an xã, phường, thị trấn nơi đặt trụ sở.
4. Kịp thời nắm tình hình chấp hành các quy định của Luật Cư trú và chấp hành nội quy nhà trường, nhà ở tập thể của công nhân kịp thời cung cấp danh sách sinh viên, công nhân cá biệt (phẩm chất, đạo đức, lối sống, quan hệ, sinh hoạt, đi lại có biểu hiện nghi vấn hoạt động vi phạm pháp luật) cho Công an xã, phường, thị trấn và Ban Giám hiệu nhà trường, Ban Giám đốc các doanh nghiệp và thủ trưởng cơ quan, tổ chức để phối hợp xử lý, không để nảy sinh phức tạp. Riêng đối với sinh viên, cán bộ công nhân viên xem việc chấp hành các qui định về cư trú là một trong những tiêu chí để xét hạnh kiểm trong tiêu chuẩn rèn luyện sinh viên và xét phân loại cán bộ.
5. Tổ chức thành lập tổ an ninh (tự quản) sinh viên, an ninh công nhân và cán bộ công nhân viên trong các ký túc xá, nhà ở tập thể công nhân và cơ quan, tổ chức.
Điều 5. Trách nhiệm của Công an, xã, phường, thị trấn
1. Hướng dẫn thủ tục đăng ký tạm trú theo quy định Luật Cư trú, Nghị định 107/2007/NĐ-CP ngày 25/6/2007 của Chính phủ và Thông tư 06/2007/TT-BCA-C11 ngày 01/7/2007 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Cư trú và các quy định về đăng ký tạm trú, lưu trú và chịu trách nhiệm hướng dẫn thủ tục đăng ký tạm trú cho từng người hoặc hướng dẫn cho Ban Quản lý ký túc xá, nhà ở tập thể, chủ cơ sở cho thuê trọ đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú và ghi vào sổ đăng ký tạm trú (mẫu HK12), sổ tiếp nhận thông báo lưu trú (mẫu HK13).
2. Nắm số lượng, địa chỉ các điểm có người tạm trú, thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định đăng ký tạm trú cho người tạm trú. Thực hiện tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, kiên quyết bài trừ, triệt phá các tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự trong địa bàn quản lý.
3. Xây dựng, phát động phong trào người tạm trú tự quản tại các nhà trọ và phong trào phòng ngừa, tố giác tội phạm nhằm nâng cao ý thức phòng chống tội phạm của những người tạm trú.
4. Phối hợp chủ nhà trọ, Ban Quản lý các ký túc xá, nhà ở tập thể để tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, thông tin các vụ việc có liên quan; cung cấp số điện thoại của công an cơ sở cho người tạm trú và giải quyết kịp thời các vụ việc về an ninh trật tự trong nhà trọ, ký túc xá, nhà ở tập thể.
5. Chủ động xây dựng quy chế trao đổi thông tin giữa các ngành có liên quan và các cơ sở cho thuê trọ, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình an ninh trật tự, các vụ việc có liên quan đến người tạm trú, chủ cơ sở cho thuê trọ, nhà trường và doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.
6. Tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ và các ban ngành có liên quan thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu kết nghĩa, tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa người tạm trú với thanh niên địa phương. Làm tốt công tác phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất việc nảy sinh tranh chấp giữa thanh niên địa phương với thanh niên tạm trú.
7. Định kỳ hàng quí, Công an xã, phường, thị trấn tổng hợp tình hình báo cáo Công an cấp trên việc chấp hành các quy định pháp luật của người tạm trú ở địa bàn, tổ chức họp với các chủ cơ sở cho thuê trọ, đại diện các doanh nghiệp, nhà trường... để kịp thời giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Công an tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn Công an các cấp tổ chức thực hiện quyết định này, đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Định kỳ 06 tháng, Công an tỉnh kiểm tra tình hình quản lý cư trú đối với người tạm trú; việc chấp hành các qui định của Nhà nước về an ninh trật tự người tạm trú giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác quản lý cư trú.
2. Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai thực hiện quyết định này.
Điều 7. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, các tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Quyết định 08/2009/QĐ-UBND về quản lý cư trú đối với nhân khẩu tạm trú trên địa bàn tỉnh Tiền Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành
Số hiệu: | 08/2009/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Tiền Giang |
Người ký: | Trần Thanh Trung |
Ngày ban hành: | 15/04/2009 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 08/2009/QĐ-UBND về quản lý cư trú đối với nhân khẩu tạm trú trên địa bàn tỉnh Tiền Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành
Chưa có Video