Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2008/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 28 tháng 02 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA HỆ THỐNG KIỂM LÂM TỈNH KON TUM.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26-11-2003;

Căn cứ Nghị định số 119/2006/NĐ-CP, ngày 16-10-2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của kiểm lâm;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 22/2007/TTLT-BNN-BNV, ngày 27-3-2007 của Liên bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của kiểm lâm địa phương;

Quyết định số 83/2007/QĐ-BNN, ngày 04-10-2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nhiệm vụ công chức kiểm lâm địa bàn cấp xã;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của hệ thống Kiểm lâm tỉnh Kon Tum.

Điều 2. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm chịu thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Các Quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Xuân Quí

 

QUY ĐỊNH

VỀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA HỆ THỐNG KIỂM LÂM TỈNH KON TUM
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 08/2008/QĐ-UBND, ngày 28/02/ 2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

Nhằm thực hiện nghiêm chỉnh Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, đổi mới tổ chức và hoạt động của kiểm lâm địa phương, tăng cường hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của hệ thống kiểm lâm tỉnh Kon Tum.

Chương I

VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC

Điều 1. Vị trí, chức năng.

1. Chi cục Kiểm lâm.

Chi cục Kiểm lâm là cơ quan chuyên trách của Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chức năng bảo vệ rừng, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

Chi cục Kiểm lâm chịu sự quản lý chỉ đạo, điều hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng thời chịu sự chỉ đạo của Cục Kiểm lâm về chuyên môn và nghiệp vụ.

Chi cục Kiểm lâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng để giao dịch, công tác.

Trụ sở Chi cục Kiểm lâm đóng tại 71- Phan Đình Phùng - thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

2. Hạt Kiểm lâm huyện.

Hạt Kiểm lâm ở các huyện, thị xã (gọi tắt là Hạt Kiểm lâm huyện) là đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm có chức năng bảo vệ rừng, giúp Chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.

Hạt Kiểm lâm huyện có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước theo quy định của pháp luật.

3. Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng; Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ.

Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ là đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm có chức năng quản lý, bảo vệ các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.

4. Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Các Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng là đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm có chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện các hoạt động kiểm tra, ngăn ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; là lực lượng trực tiếp, nòng cốt phòng cháy, chữa cháy rừng chuyên ngành, đặt d­ưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chi cục trư­ởng Chi cục Kiểm lâm.

Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng là đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm, có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.

5. Kiểm lâm địa bàn cấp xã.

Kiểm lâm viên địa bàn cấp xã là công chức nhà nước thuộc biên chế của Hạt Kiểm lâm huyện, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ (viết chung là Hạt Kiểm lâm), phân công về công tác tại địa bàn xã, phường, thị trấn có rừng (viết chung là kiểm lâm địa bàn) chịu sự quản lý, chỉ đạo của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, đồng thời chịu sự chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn.

1. Chi cục Kiểm lâm.

1.1. Tham mưu cho cấp có thẩm quyền về bảo vệ rừng và bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương:

a) Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về bảo vệ rừng, quản lý lâm sản trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

b) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn, năm năm, hàng năm về bảo vệ rừng, quản lý lâm sản; phương án, dự án phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, khai thác và sử dụng lâm sản, phòng cháy, chữa cháy rừng ở địa phương;

c) Huy động các đơn vị vũ trang; huy động lực lượng, phương tiện khác của các đơn vị, cá nhân đóng trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn, ứng cứu những vụ cháy rừng và những vụ phá rừng nghiêm trọng trong những tình huống cần thiết và cấp bách;

d) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, chế độ, chính sách sau khi được ban hành; hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ rừng, quản lý lâm sản ở địa phương;

đ) Đề xuất với cấp có thẩm quyền quyết định những chủ trương, biện pháp cần thiết thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ bảo vệ rừng ở địa phương.

1.2. Tổ chức, chỉ đạo bảo vệ rừng ở địa phương:

a) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp chống chặt, phá rừng trái phép và các hành vi trái pháp luật khác xâm hại đến rừng và đất lâm nghiệp;

b) Tổ chức dự báo nguy cơ cháy rừng; xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng chuyên ngành; thống kê, kiểm kê rừng và đất lâm nghiệp; tham gia phòng, trừ sâu bệnh hại rừng;

c) Quản lý hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn; trực tiếp tổ chức bảo vệ các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thuộc địa phương quản lý;

d) Chỉ đạo, phối hợp hoạt động bảo vệ rừng đối với lực lượng bảo vệ rừng của các chủ rừng, kể cả lực lượng bảo vệ rừng của cộng đồng dân cư trên địa bàn.

1.3. Bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương:

a) Kiểm tra, hướng dẫn các cấp, các ngành trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn;

b) Chỉ đạo và tổ chức, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng trong lực lượng kiểm lâm địa phương và trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý khai thác và sử dụng lâm sản theo quy định của pháp luật;

c) Quản lý, chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện các hoạt động xử lý vi phạm hành chính; khởi tố, điều tra hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản theo quy định của pháp luật;

d) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ rừng khi rừng bị xâm hại.

1.4. Tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương.

1.5. Xây dựng lực lượng và bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức kiểm lâm.

a) Quản lý, chỉ đạo hoạt động các đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng ở địa phương;

c) Cấp phát, quản lý trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, cờ hiệu, thẻ kiểm lâm, vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị chuyên dùng của kiểm lâm địa phương; ấn chỉ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản theo quy định của pháp luật.

1.6. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong hoạt động của kiểm lâm địa phương.

1.7. Quản lý tổ chức, cán bộ, biên chế, kinh phí, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức kiểm lâm địa phương theo quy định của pháp luật.

1.8. Chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ; chấp hành chế độ báo cáo thống kê theo hướng dẫn của Cục Kiểm lâm.

1.9. Thực hiện các nhiệm vụ khác về phát triển lâm nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân công.

2. Hạt Kiểm lâm huyện. 

2.1. Hạt Kiểm lâm huyện, thị xã tham mưu giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản trên địa bàn; huy động các đơn vị vũ trang, lực lượng, phương tiện khác của các đơn vị, cá nhân đóng trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn, ứng cứu những vụ cháy rừng và những vụ phá rừng nghiêm trọng trong những tình huống cần thiết và cấp bách.

2.2. Phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng, thực hiện bảo vệ rừng trên địa bàn:

a) Bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, phát triển rừng; phòng, trừ sâu bệnh hại rừng;

b) Kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản; tổ chức tuần tra, truy quét các tổ chức, cá nhân phá hoại rừng, khai thác, tàng trữ, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép trên địa bàn;

c) Tuyên truyền, giáo dục pháp luật, chế độ, chính sách về quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng, quản lý khai thác và sử dụng lâm sản; vận động nhân dân bảo vệ, phát triển rừng; xây dựng lực lượng quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; huấn luyện nghiệp vụ cho các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng;

d) Hướng dẫn chủ rừng, cộng đồng dân cư địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch, phương án bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, quy ước bảo vệ rừng;

đ) Phối hợp với Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ trong công tác bảo vệ rừng, quản lý lâm sản trên địa bàn;

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác về phát triển lâm nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân công.

2.3. Tổ chức, chỉ đạo, quản lý hoạt động nghiệp vụ:

a) Quản lý tổ chức, biên chế, kinh phí, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức của đơn vị theo quy định của pháp luật;

b) Bố trí, chỉ đạo, kiểm tra công chức kiểm lâm địa bàn cấp xã; theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp;

c) Tổ chức, chỉ đạo, quản lý hoạt động của các Trạm kiểm lâm;

d) Xử lý hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xử lý các vụ vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản theo quy định của pháp luật;

đ) Kiểm tra việc thực hiện các phương án, quy hoạch, thiết kế kinh doanh rừng, quy trình điều chế, khai thác;

e) Chịu sự chỉ đạo, điều hành, chấp hành chế độ báo cáo thống kê và thực hiện các nhiệm vụ khác của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

3. Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.  

3.1. Tổ chức bảo vệ tài nguyên rừng, chống chặt phá rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng; phòng, trừ sâu bệnh hại rừng ở khu rừng đặc dụng hoặc khu rừng phòng hộ.

3.2. Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về rừng theo quy định của pháp luật.

3.3. Phổ biến, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng.

3.4. Tổ chức, chỉ đạo, quản lý các Trạm Kiểm lâm ở khu rừng đặc dụng hoặc khu rừng phòng hộ.

3.5. Tổ chức tuần tra, truy quét các tổ chức, cá nhân phá hoại rừng, khai thác, tàng trữ, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép trên địa bàn. Trong những trường hợp cần thiết, thì phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện sở tại tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện huy động lực lượng vũ trang, lực lượng, phương tiện khác của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để chữa cháy rừng, phòng, chống phá rừng trái phép.

3.6. Quản lý tổ chức, biên chế, kinh phí, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức của đơn vị theo quy định của pháp luật.

3.7. Chịu sự chỉ đạo, điều hành, chấp hành chế độ báo cáo thống kê và thực hiện các nhiệm vụ khác do Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh giao.

3.8. Thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển rừng trong phạm vi khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền

4. Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng.

4.1. Kiểm tra, tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, và quản lý lâm sản theo quy định hiện hành của nhà nước và sự chỉ đạo của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm;

4.2. Phối hợp với các đơn vị liên quan trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra, thuộc thẩm quyền của Chi cục Kiểm lâm;

4.3. Phối hợp, hỗ trợ các Hạt Kiểm lâm huyện, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ giải quyết những điểm nóng về chặt phá rừng, vận chuyển, kinh doanh lâm sản trái phép theo yêu cầu của các Hạt Kiểm lâm và sự chỉ đạo của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm;

4.4. Tổ chức các hoạt động nghiệp vụ nhằm chống tiêu cực trong thi hành công vụ của kiểm lâm địa phương theo sự chỉ đạo của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm;

4.5. Thực hiện các nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng chuyên ngành của Chi cục Kiểm lâm;

4.6. Quản lý tổ chức, biên chế, kinh phí, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức của đơn vị theo quy định của pháp luật.

4.7. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chi cục trưởng giao.

5. Kiểm lâm viên địa bàn cấp xã.

5.1. Tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có rừng (viết chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng đất lâm nghiệp, bao gồm:

a) Xây dựng phương án, kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện phương án được phê duyệt;

b) Đề xuất việc quy hoạch diện tích sản xuất nương rẫy và kiểm tra việc thực hiện; hướng dẫn công tác giao rừng;

c) Xây dựng các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng;

d) Huy động lực lượng dân quân tự vệ, các lượng lượng và phương tiện khác trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng, chống phá rừng trái phép, phòng trừ sâu hại;

đ) Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, quàn lý lâm sản theo quy định của pháp luật;

5.2. Thực hiện nhiệm vụ nghiệp vụ sau:

a) Báo cáo và đề nghị với Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm về công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn;

b) Phát hiện những vụ phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển, buôn bán lâm sản và động vật rừng trái phép báo cáo kịp thời với Hạt trưởng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ngăn chặn và xử lý kịp thời;

c) Thống kê, kiểm kê rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn được phân công;

d) Kiểm tra hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

đ) Hướng dẫn và giám sát các chủ rừng trong việc bảo vệ và phát triển rừng, gây nuôi trồng cấy nhân tạo động vật, thực vật hoang dã;

e) Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;

f) Xử lý các vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

5.3. Tham gia các hoạt động về lâm nghiệp khác khi Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã giao.

a) Hướng dẫn, vận động cộng đồng dân cư thôn xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng;

b) Các hoạt động về phát triển rừng và khuyến lâm;

c) Các hoạt động khác trong lĩnh vực lâm nghiệp;

Điều 3. Tổ chức bộ máy hệ thống kiểm lâm.

1. Chi cục Kiểm lâm: Có Chi cục trưởng, các Phó chi cục trưởng và bộ máy giúp việc Chi cục trưởng gồm các Phòng nghiệp vụ:

- Phòng Quản lý, bảo vệ rừng;

- Phòng Thanh tra, pháp chế;

- Phòng Bảo tồn thiên nhiên;

- Phòng Tổ chức, xây dựng lực lượng;

- Phòng Hành chính - Tổng hợp.

2. Hạt kiểm lâm huyện.

2.1. Hạt kiểm lâm huyện, thị xã: có Hạt trưởng, các Phó hạt trưởng và bộ máy giúp việc cho Hạt trưởng gồm các bộ phận:

- Quản lý, bảo vệ rừng;

- Bảo tồn thiên nhiên;

- Thanh tra, pháp chế;

- Hành chính, Tổng hợp;

- Tổ kiểm lâm cơ động & PCCC.

2.2. Các Trạm Kiểm lâm địa bàn, Trạm Kiểm lâm cửa rừng.

Việc thành lập, sát nhập, chia tách, giải thể các bộ phận nghiệp vụ, Trạm kiểm lâm thuộc Hạt kiểm lâm do Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm quyết định.

3. Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

3.1. Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ: có Hạt trưởng, các Phó hạt trưởng và bộ máy giúp việc cho Hạt trưởng gồm các bộ phận:

- Quản lý, bảo vệ rừng;

- Bảo tồn thiên nhiên;

- Thanh tra, pháp chế;

- Tổ Kiểm lâm cơ động & PCCCR;

- Hành chính, Tổng hợp;

3.2. Các Trạm kiểm lâm cửa rừng.

Việc thành lập, sát nhập, chia tách, giải thể các bộ phận nghiệp vụ, Trạm kiểm lâm thuộc Hạt kiểm lâm do Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm quyết định.

4. Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng có Đội trưởng, các Phó đội trưởng và các bộ phận giúp việc:

- Kỹ thuật bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng;

- Thanh tra, pháp chế;

- Hành chính, Tổng hợp;

- Các tổ công tác trực tiếp làm nhiệm vụ Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Việc thành lập, sát nhập, chia tách, giải thể các bộ phận nghiệp vụ, thuộc Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng do Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm quyết định.

Điều 4. Biên chế của Chi cục Kiểm lâm.

Biên chế của Chi cục Kiểm lâm (bao gồm bộ máy giúp việc cho Chi cục trưởng và các đơn vị trực thuộc) thuộc biên chế hành chính Nhà nước do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Giám đốc Sở Nội vụ.

Biên chế của các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm do Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm quyết định trên cơ sở tổng số biên chế được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao và nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục trưởng.

Chi cục trưởng là Thủ trưởng của cơ quan, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ các mặt hoạt động của Chi cục Kiểm lâm, có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

1. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 2 trong quy chế này đảm bảo kịp thời và đạt hiệu quả; đồng thời chịu trách nhiệm cung cấp các số liệu cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chất vấn trước đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại mỗi kỳ họp theo luật định;

2. Quản lý, sử dụng và chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng công chức, viên chức, tài chính, tài sản, phương tiện, trang thiết bị, tài liệu... phục vụ công tác của Chi cục và đơn vị trực thuộc theo quy định hiện hành của Nhà nước;

3. Thực hiện tốt các chủ trương chính sách, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần; nâng cao trình độ nghiệp vụ đối với công chức, viên chức của hệ thống kiểm lâm;

4. Làm chủ tài khoản của cơ quan;

5. Chỉ đạo các phòng chuyên môn và các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao;

6. Được quyền ban hành lệnh huy động lực lượng, phương tiện của cơ quan kiểm lâm địa phương trong những trường hợp cần thiết để kịp thời ngăn chặn tình trạng phá rừng trái phép, phòng cháy, chữa cháy rừng;

7. Được yêu cầu các ngành, các cấp phối hợp với lực lượng kiểm lâm thực hiện công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và tài nguyên rừng theo đúng quy định của luật bảo vệ rừng và phát triển rừng;

8. Ban hành một số văn bản theo thẩm quyền để hướng dẫn các ngành, các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và tài nguyên rừng;

9. Ra quyết định hoặc đề nghị cấp trên ra quyết định các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên rừng cũng như xử phạt các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, tài nguyên rừng theo quy định của pháp luật;

10. Quyết định các vấn đề về công tác tổ chức - cán bộ theo quy định phân cấp hiện hành, nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng, quản lý lâm sản;

11. Phân công các Phó Chi cục trưởng phụ trách lĩnh vực công tác hoặc ủy quyền giải quyết toàn bộ các mặt công tác khi Chi cục trưởng đi vắng.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của các Phó Chi cục trưởng.

1. Giúp việc cho Chi cục trưởng, chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng toàn bộ nội dung công việc thuộc lĩnh vực công tác do Chi cục trưởng phân công; tham gia ý kiến với Chi cục trưởng trong quá trình giải quyết công việc chung của Chi cục;

2. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục trưởng khi Chi cục trưởng ủy quyền;

3. Được Chi cục trưởng ủy quyền đăng ký chữ ký tại Kho bạc nhà nước;

Điều 7. Thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm.

1. Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm.

Căn cứ tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Chi cục trưởng, các Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm.

2. Lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, các đơn vị trực thuộc.

Việc bổ nhiệm. miễn nhiệm Lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, các đơn vị trực thuộc thực hiện theo quy định về phân cấp quản lý công tác cán bộ hiện hành.

3. Trạm trưởng Trạm kiểm lâm.

Căn cứ tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đề nghị Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Trạm trưởng, Phó trạm trưởng Trạm Kiểm lâm.

Chuơng II

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 8. Chế độ làm việc.

1. Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác.

Căn cứ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chương trình công tác của HĐND và UBND tỉnh, chương trình công tác Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Kiểm lâm. Chi cục Kiểm lâm xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cho từng thời kỳ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

2. Thời hạn giải quyết công việc.

- Những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Chi cục trưởng thì trong thời hạn theo quy định của Pháp luật, các phòng chuyên môn phải nghiên cứu đề xuất ý kiến trình Chi cục trưởng (hoặc Phó chi cục trưởng phụ trách lĩnh vực) giải quyết và trả lời cho tổ chức hoặc công dân. Trường hợp không giải quyết được phải trả lời rõ lý do cho tổ chức và công dân biết.

- Những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì Chi cục trưởng phải có văn bản trình Sở Nông nghiệp và PTNT giải quyết theo quy chế làm việc của Sở Nông nghiệp và PTNT.

- Trong trường hợp thật cần thiết, để thu thập đầy đủ chứng cứ thì thời hạn giải quyết công việc do Chi cục trưởng ấn định nhưng không quá thời gian pháp luật quy định.

3. Chế độ soạn thảo, trình ký và ban hành văn bản.

3.1. Việc soạn thảo, trình ký văn bản phải thực hiện đúng quy trình, thể thức văn bản. Nội dung văn bản phải rõ ràng, cụ thể không trái với quy định của pháp luật.

3.2. Ban hành văn bản: Văn bản chỉ được ban hành sau khi đã kiểm tra kỹ và văn thư vào sổ theo dõi. Văn bản ban hành phải đến đúng đối tượng thi hành trong văn bản.

4. Chế độ thông tin, báo cáo:

- Hàng tháng, quý, năm Chi cục trưởng báo cáo tình hình triển khai công tác đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Kiểm lâm theo đúng thời gian quy định;

- Hàng tháng lãnh đạo Chi cục phân công đi kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị trực thuộc;

- Khi đi công tác ngoài tỉnh, Chi cục trưởng phải xin phép Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT;

- Khi có vấn đề đột xuất nảy sinh vượt quá thẩm quyền thì Chi cục trưởng phải báo cáo với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xử lý kịp thời.

5. Công tác lưu trữ:

- Việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu phải tiến hành thường xuyên và đúng quy định hiện hành của Nhà nước;

- Tất cả các hồ sơ, tài liệu cơ quan gửi đi đều phải được lưu lại tại văn thư và phòng, đơn vị phụ trách mỗi nơi một bản chính;

- Việc cho mượn tài liệu, cung cấp số liệu thống kê phải được sự đồng ý của lãnh đạo Chi cục;

6. Chế độ hội họp: Thực hiện theo quy định hiện hành.

Công tác giao ban, sơ kết, tổng kết phải gọn, đúng nội dung, hiệu quả, tiết kiệm;

7. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT quy định về chế độ làm việc của Hạt kiểm lâm huyện, Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ, Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng và Kiểm lâm địa bàn xã.

Điều 9. Mối quan hệ công tác.

1. Chi cục Kiểm lâm:

a) Chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các mặt công tác được giao.

b) Chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Kiểm lâm về công tác chuyên môn.

c) Với các ngành có liên quan là mối quan hệ phối hợp- Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm tham mưu, hướng dẫn chức năng quản lý nhà nước đối với các ban, ngành, các cấp trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời các ngành, các cấp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Chi cục Kiểm lâm trong quá trình thực thi luật bảo vệ rừng và phát triển rừng.

2. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT quy định về mối quan hệ công tác của Hạt kiểm lâm huyện, Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ, Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng và Kiểm lâm địa bàn xã.

Chương III

KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT

Điều 10. Cán bộ công chức kiểm lâm trực thuộc Chi cục Kiểm lâm hoàn thành các công việc được giao, chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước và Quy chế này được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước.

Điều 11. Cán bộ công chức kiểm lâm trực thuộc Chi cục Kiểm lâm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc vi phạm các quy định của pháp luật và bản Quy chế này thì tùy theo mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, hoặc truy tố trước pháp luật.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm quy định cụ thể chức năng nhiệm vụ của các phòng nghiệp vụ, lề lối làm việc giữa các đơn vị trực thuộc và quyền hạn, trách nhiệm của công chức kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy định này./.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 08/2008/QĐ-UBND về Quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của hệ thống Kiểm lâm tỉnh Kon Tum

Số hiệu: 08/2008/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
Người ký: Đào Xuân Quí
Ngày ban hành: 28/02/2008
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [1]
Văn bản được căn cứ - [4]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 08/2008/QĐ-UBND về Quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của hệ thống Kiểm lâm tỉnh Kon Tum

Văn bản liên quan cùng nội dung - [6]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [2]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…