HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 46/NQ-HĐND |
An Giang, ngày 30 tháng 9 năm 2024 |
VỀ CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 22 (CHUYÊN ĐỀ)
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày 10 tháng 11 năm 2022;
Căn cứ Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở;
Căn cứ Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư;
Căn cứ Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở;
Xét Tờ trình số 930/TTr-UBND ngày 27 tháng 9 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh dự thảo Nghị quyết về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang; báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang.
2. Đối tượng áp dụng
a) Cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp (viết tắt là cơ quan, đơn vị, địa phương) trên địa bàn tỉnh An Giang;
b) Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Điều 2. Các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở
1. Bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho người được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, gồm:
a) Xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nắm vững về chuyên môn, nghiệp vụ, có tư duy triển khai thực hiện pháp luật, có kỹ năng thu thập và xử lý thông tin nhanh nhạy, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước trong thực hiện dân chủ cơ sở đáp ứng nhu cầu thực tiễn;
b) Các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức quan tâm, tạo điều kiện, cử cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở;
c) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chủ động nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ trên nền tảng năng lực, trình độ và phẩm chất cần thiết để thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
2. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, gồm:
a) Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương;
b) Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là ngành Tư pháp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nghiên cứu nắm chắc đặc điểm, tình hình của từng địa bàn, đối tượng cần được tuyên truyền pháp luật để có nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp. Đa dạng hình thức tổ chức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo yêu cầu thực tiễn, đảm bảo thực chất, hiệu quả tạo sức lan tỏa trong Nhân dân;
c) Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả và chất lượng giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và vai trò giám sát của Nhân dân thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong việc thực hiện pháp luật và thực hiện dân chủ ở cơ sở;
d) Thực hiện đăng tải các nội dung cần xin ý kiến Nhân dân công khai lên Cổng Thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
đ) Tăng cường trao đổi các mô hình mới, cách làm sáng tạo trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
3. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương, vai trò nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở khóm, ấp trong việc thực hiện dân chủ và bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; lấy mức độ thực hiện dân chủ ở cơ sở của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, gồm:
a) Hàng năm xây dựng Kế hoạch thực hiện dân chủ ở cơ sở tại cơ quan, đơn vị, địa phương; duy trì thực hiện hiệu quả các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện để cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; thực hiện tốt phương thức “Dân tin - Đảng cử” trong bầu cử; mở rộng mô hình người dân trực tiếp đánh giá sự hài lòng đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân; nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong công tác vận động Nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền;
b) Thực hiện nghiêm Luật Tiếp công dân; quy định về việc dự sinh hoạt chi bộ của các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ cấp tỉnh, cấp huyện và cấp ủy viên cấp xã; định kỳ (hàng tháng hoặc quý) Bí thư cấp ủy cấp trên giao ban đối thoại, làm việc với Bí thư cấp ủy cấp dưới, đại diện chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường đối thoại, trao đổi thông tin hai chiều trong hệ thống chính trị với người dân, doanh nghiệp; quan tâm giải quyết hiệu quả đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân từ cơ sở; hướng dẫn công dân chấp hành tốt các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo;
c) Nâng cao chất lượng hoạt động và phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân trong các cơ quan, đơn vị, địa phương và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở địa phương. Thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, lựa chọn, bố trí những người có phẩm chất, năng lực tốt, được tín nhiệm làm công tác thanh tra nhân dân. Hàng năm, xây dựng kế hoạch hoạt động; hỗ trợ kinh phí cho Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, tổ chức, đơn vị hoạt động theo quy định của Luật; tổ chức hoạt động kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật; phát huy vai trò, trách nhiệm đại diện cho công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong thực hiện kiểm tra, giám sát tại cơ sở;
d) Người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo các cơ quan liên quan hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết những vấn đề Nhân dân quan tâm kiến nghị, phản ánh chính đáng trong phạm vi lãnh đạo, quản lý;
đ) Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu Nhân dân; phát huy, mở rộng dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương. Nghiêm cấm các hành vi xâm phạm quyền làm chủ của Nhân dân. Tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, chống vi phạm pháp luật; kịp thời xử lý việc lợi dụng dân chủ, lôi kéo, kích động gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội;
e) Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân; rà soát để kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện các văn bản của Trung ương về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với triển khai Bộ tiêu chí và thang điểm xã, phường, thị trấn đạt chuẩn “Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ”; đồng thời thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, đảm bảo cho Nhân dân được tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, giám sát cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ, công vụ trên cơ sở kết quả đánh giá mức độ hài lòng của người dân hàng năm;
g) Hàng năm, xem xét mức độ thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện công tác cải cách hành chính tại các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã để làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo cơ quan, cán bộ quản lý;
h) Thường xuyên thanh tra, kiểm tra công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
4. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các gương điển hình, có nhiều thành tích trong việc phát huy và tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; phát hiện và xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, gồm:
a) Xây dựng quy định cụ thể về đối tượng, tiêu chuẩn đối với điển hình tiên tiến trong thực hiện dân chủ ở cơ sở;
b) Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp tích cực, chủ động phối hợp với cơ quan tuyên giáo, thông tin, truyền thông, báo chí làm tốt công tác phát hiện, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân về vai trò, ý nghĩa của các phong trào thi đua và tuyên truyền gương điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trong thực hiện dân chủ ở cơ sở;
c) Chú trọng công tác giáo dục rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
5. Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - kỹ thuật, trang bị phương tiện kỹ thuật và bảo đảm các điều kiện cần thiết khác cho việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở phù hợp với tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số, gồm:
a) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở. Vận dụng, phát huy ưu thế của mạng nội bộ, Cổng Thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật trong việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở;
b) Kiện toàn, nâng cao chất lượng của công chức, viên chức - người thực hiện chuyên trách, kiêm nhiệm công nghệ thông tin ở các cơ quan, đơn vị, địa phương đi đôi với việc nâng cao khả năng khai thác, sử dụng công nghệ thông tin về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong giai đoạn mới.
1. Kinh phí bảo đảm để triển khai thực hiện Nghị quyết được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định phân cấp quản lý ngân sách hiện hành trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương.
2. Thực hiện xã hội hóa và vận động các nguồn lực hợp pháp để phục vụ cho các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định.
Điều 4. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện nghị quyết này theo quy định pháp luật.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang khóa X, kỳ họp thứ 22 (Chuyên đề) thông qua ngày 30 tháng 9 năm 2024 và có hiệu lực từ ngày ký./.
|
CHỦ TỊCH |
Nghị quyết 46/NQ-HĐND năm 2024 về Biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang
Số hiệu: | 46/NQ-HĐND |
---|---|
Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh An Giang |
Người ký: | Lê Văn Nưng |
Ngày ban hành: | 30/09/2024 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Nghị quyết 46/NQ-HĐND năm 2024 về Biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang
Chưa có Video