HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 43/2024/NQ-HĐND |
Bình Định, ngày 12 tháng 12 năm 2024 |
QUYẾT ĐỊNH CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
KHÓA XIII, KỲ HỌP THỨ 20
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày 10 tháng 11 năm 2022;
Căn cứ Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở;
Căn cứ Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư;
Xét Tờ trình số 356/TTr-UBND ngày 04 tháng 12 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự thảo Nghị quyết quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 74/BC-BPC ngày 05 tháng 12 năm 2024 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
1. Đối tượng áp dụng
a) Công dân Việt Nam cư trú tại xã, phường, thị trấn, tại thôn, khu phố; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp.
b) Các cơ quan, đơn vị, địa phương và các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài nhà nước.
2. Mục tiêu thực hiện dân chủ ở cơ sở
a) 100% Cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp tổ chức thực hiện tuyên truyền, quán triệt, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
b) 100% Người được giao phụ trách thực hiện các quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở được tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trong nhiệm kỳ công tác.
c) 100% Cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định; 100% thôn, khu phố thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước theo quy định.
d) 100% Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện đúng, đầy đủ các vấn đề sau: Tổ chức công khai thông tin, tổ chức cho Nhân dân bàn và quyết định, tổ chức cho Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
đ) 100% Cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp phải thực hiện việc tổ chức công khai thông tin, tổ chức cho công chức, viên chức, người lao động được bàn và quyết định theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
3. Các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở
3.1. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
a) Các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp phải thường xuyên tuyên truyền, quán triệt các nội dung thực hiện dân chủ cơ sở bằng nhiều hình thức, đa dạng, phong phú như: Tuyên truyền thông qua “Ngày pháp luật”, qua các cuộc họp của cơ quan, đơn vị, cuộc họp thôn, khu phố, sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
b) Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác hiệu quả tiện ích của chính quyền số trong công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp hoặc thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp.
c) Thực hiện cung cấp thông tin thông qua việc gửi văn bản đề nghị tham gia góp ý, đăng tải trên Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương, trên Báo Bình Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định hoặc tổ chức hội nghị để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn tham gia góp ý vào các dự thảo văn bản có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; đặc biệt là các quy hoạch, dự án có thu hồi đất trên địa bàn liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định.
d) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả và chất lượng giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và của cộng đồng dân cư trong việc thực hiện pháp luật và thực hiện dân chủ ở cơ sở.
3.2. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, vai trò nêu gương của người đứng đầu và trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện dân chủ và bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
a) Duy trì thực hiện hiệu quả các hình thức dân chủ trực tiếp để đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền thông qua việc bầu trực tiếp Trưởng thôn, Trưởng khu phố; mở rộng mô hình người dân trực tiếp đánh giá sự hài lòng đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân.
b) Thực hiện nghiêm Luật Tiếp công dân; tăng cường đối thoại, trao đổi thông tin hai chiều trong hệ thống chính trị với người dân, doanh nghiệp; tập trung giải quyết hiệu quả đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ cơ sở, không để xảy ra khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, đông người; hướng dẫn công dân chấp hành tốt các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Kết quả giải quyết phải được thể hiện bằng văn bản theo đúng quy định của pháp luật.
c) Nâng cao chất lượng hoạt động và phát huy vai trò của Ban. Thanh tra nhân dân trong các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn; phát huy vai trò, trách nhiệm đại diện cho công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong thực hiện kiểm tra, giám sát tại cơ sở, đặc biệt là thanh tra, giám sát đối với các công trình, dự án phục vụ dân sinh trên địa bàn.
d) Thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; công khai các hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức có sử dụng lao động bằng nhiều hình thức khác nhau theo đúng quy định (trừ các hoạt động liên quan đến thông tin thuộc bí mật Nhà nước).
đ) Tổ chức lấy ý kiến tham gia của Nhân dân vào các quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư, bảo đảm hình thức và nội dung phù hợp với quy định pháp luật.
e) Tổ chức và ban hành Nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hằng năm. Định kỳ 06 tháng phải tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết hội nghị; thực hiện lấy ý kiến tham gia vào các quy chế hoạt động của cơ quan đơn vị, địa phương, doanh nghiệp.
g) Công dân, hộ gia đình tích cực quan tâm đến công việc chung của cộng đồng dân cư; có trách nhiệm tham gia hoặc cử đại diện hộ gia đình tham gia họp bàn, thảo luận, quyết định các nội dung và thực hiện nghiêm túc các nội dung thuộc trách nhiệm đã được cộng đồng dân cư quyết định bằng văn bản.
h) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có trách nhiệm tích cực, tham gia ý kiến, bàn và quyết định các nội dung được xin ý kiến nhằm bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nghiêm túc thực hiện các quyết định đã được tập thể thống nhất.
i) Hằng năm, xem xét mức độ thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện công tác cải cách hành chính tại các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập để làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và cá nhân các cơ quan, đơn vị, địa phương theo tiêu chí đánh giá, xếp loại kết quả thực hiện dân chủ ở cơ sở do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
3.3. Bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho người được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
a) Các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp quan tâm, tạo điều kiện, cử cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
b) Định kỳ hằng năm, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc thực hiện dân chủ cơ sở.
3.4. Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - kỹ thuật, trang bị phương tiện kỹ thuật và bảo đảm các điều kiện cần thiết khác cho việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở phù hợp với tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số.
a) Ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là công nghệ trí tuệ nhân tạo AI trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
b) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, điều hành hoạt động của các cơ quan hành chính; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa các cấp, thực hiện nghiêm túc việc khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính, không được yêu cầu người dân nộp các loại giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia. Thực hiện công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính của công dân, tổ chức theo quy định của pháp luật.
c) Tăng cường mở rộng áp dụng các tiện ích hỗ trợ người dân trong việc thực hiện các dịch vụ công; đưa vào sử dụng các ứng dụng thông minh hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
3.5. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các gương điển hình, có nhiều thành tích trong việc phát huy và tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
a) Hằng năm các cơ quan, đơn vị, địa phương đăng ký xây dựng các mô hình điển hình về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Xây dựng, triển khai kế hoạch, tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng, phát hiện và tổ chức tôn vinh mô hình điển hình tiên tiến thực hiện dân chủ ở cơ sở bằng các hình thức biểu dương phù hợp.
b) Thực hiện sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến hoặc có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
c) Hằng năm Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở theo thẩm quyền, nội dung kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở cần tập trung việc thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến người dân; các quy định về công khai dân chủ, minh bạch theo quy định của pháp luật; các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực.
d) Kiên quyết xử lý những hành vi lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của người dân, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp địa phương. Xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
4. Kinh phí thực hiện
Kinh phí triển khai thực hiện Nghị quyết được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành và các nguồn thu hợp pháp để phục vụ cho công tác thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định; các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm xây dựng dự toán chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định Khóa XIII Kỳ họp thứ 20 thông qua ngày 12 tháng 12 năm 2024; có hiệu lực thi hành từ ngày 22 tháng 12 năm 2024./.
|
CHỦ TỊCH |
Nghị quyết 43/2024/NQ-HĐND quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Định
Số hiệu: | 43/2024/NQ-HĐND |
---|---|
Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bình Định |
Người ký: | Hồ Quốc Dũng |
Ngày ban hành: | 12/12/2024 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Nghị quyết 43/2024/NQ-HĐND quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Định
Chưa có Video