Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 158/NQ-HĐND

Tây Ninh, ngày 19 tháng 6 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG, BỐ TRÍ LỰC LƯỢNG, ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 13

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng cháy, chữa cháy ngày 22 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng cháy, chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế ngày 14 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế ngày 13 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ngày 28 tháng 11 năm 2023;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 40/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;

Căn cứ Thông tư số 14/2024/TT-BCA ngày 22 tháng 4 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;

Xét Tờ trình số 1748/TTr-UBND ngày 12 tháng 6 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án xây dựng, bố trí lực lượng, đảm bảo điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê duyệt Đề án xây dựng, bố trí lực lượng, đảm bảo điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (có Đề án kèm theo).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh phối hợp tuyên truyền và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh Khóa X, Kỳ họp thứ 13 thông qua và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2024./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Công an;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Tây Ninh; Đài PTTH Tây Ninh;
- Trung tâm Công báo - Tin học tỉnh;
- Lưu: VT. VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thành Tâm

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1747/ĐA-UBND

Tây Ninh, ngày 12 tháng 6 năm 2024

 

ĐỀ ÁN

XÂY DỰNG, BỐ TRÍ LỰC LƯỢNG, ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH

Phần I

SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, Dân phòng, Tuần tra nhân dân là các lực lượng có vị trí, chức năng quan trọng làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và tham gia hỗ trợ Công an chính quy thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở. Thời gian qua, lực lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, Dân phòng, Tuần tra nhân dân luôn được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành Công an, sự giúp đỡ, cộng tác, phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó, đã ngày càng được củng cố, kiện toàn và có những đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ờ cơ sở, qua đó đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, trước yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, nhằm tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở. Ngày 28/11/2023, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Theo quy định, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được kiện toàn từ lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và Đội trưởng, Đội phó đội Dân phòng hoặc được tuyển chọn theo quy định của Luật này. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã và giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh còn có lực lượng Tuần tra nhân dân cũng tham gia vào công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Nhằm thống nhất triển khai thực hiện Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ờ cơ sở, đảm bảo việc xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đúng quy định của pháp luật (gồm: tiêu chí thành lập, số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, đảm bảo điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở) cần phải ban hành Đề án xây dựng, bố trí lực lượng, đảm bảo điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh Tây Ninh, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự tại địa phương trong tình hình mới.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Các văn bản quy phạm pháp luật

1.1. Căn cứ chung

Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Luật Phòng cháy, chữa cháy ngày 22 tháng 6 năm 2001;

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng cháy, chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Luật Bảo hiểm y tế ngày 14 tháng 11 năm 2008;

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế ngày 13 tháng 6 năm 2014;

Luật Bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014;

Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ngày 28 tháng 11 năm 2023;

Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Nghị định số 40/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;

Thông tư số 14/2024/TT-BCA ngày 22 tháng 4 năm 2024 của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

1.2. Căn cứ cụ thể

Căn cứ các điều, khoản, điểm của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở giao Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chi tiết thi hành, cụ thể:

a) Khoản 3 Điều 14 giao Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí lực lượng tham gia bảo vệ ninh, trật tự ở cơ sở, cụ thể: “Căn cứ tình hình, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, điều kiện kinh tế - xã hội, quy mô dân số, diện tích tự nhiên của địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn quản lý”.

b) Khoản 1 Điều 23 giao Hội đồng nhân dân tỉnh hỗ trợ, bồi dưỡng đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, cụ thể: “Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định”.

c) Điểm b khoản 2 Điều 23 và điểm c khoản 2 Điều 23 giao Hội đồng nhân dân tỉnh hỗ trợ, bồi dưỡng đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ. Mức hỗ trợ, bồi dưỡng được quy định cụ thể như sau:

- Khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động được hưởng mức tiền bồi dưỡng do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

- Khi làm nhiệm vụ tại những nơi thuộc khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng được hưởng mức tiền bồi dưỡng ngày công lao động tăng thêm do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

d) Khoản 2 Điều 26 giao Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định nhiệm vụ chi của địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình, cụ thể: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức chi cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 26 phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương (Khoản 1 Điều 26, quy định về các nhiệm vụ chi của địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm, bao gồm: (1) Hỗ trợ mua sắm, sửa chữa phương tiện, thiết bị; công tác tập huấn, diễn tập, hội thi do địa phương tổ chức; bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; (2) Trang bị trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; (3) Thực hiện chi các nội dung quy định tại Điều 23 và Điều 24 của Luật này; (4) Sơ kết, tổng kết, tổ chức phong trào thi đua, khen thưởng đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do địa phương tổ chức; (5) Các khoản chi khác cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của pháp luật).

đ) Điểm a khoản 1 Điều 30 giao Hội đồng nhân dân tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm: “Quyết định về kế hoạch, dự án, đề án xây dựng, bố trí lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

2. Căn cứ thực tiễn

2.1. Thực trạng biên chế, bố trí lực lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, Dân phòng, Tuần tra nhân dân trên địa bàn tỉnh

a) Lực lượng Công an xã bán chuyên trách

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 38/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh, lực lượng này được bố trí tại các ấp thuộc xã với số lượng 02 Công an xã bán chuyên trách ở 01 ấp, hiện tại trên toàn tỉnh có 401 ấp, nếu bố trí đủ theo quy định thì cần phải có 802 Công an xã bán chuyên trách.

Đến thời điểm hiện tại, lực lượng Công an xã bán chuyên trách trên địa bàn tỉnh có 738/802 đồng chí (thiếu 64 đồng chí), trong đó:

- Trình độ từ đại học trở lên: 52 đồng chí (chiếm tỷ lệ 7%);

- Trình độ cao đẳng, trung cấp: 83 đồng chí (chiếm tỷ lệ 11,2%);

- Đã hoàn thành trung học phổ thông: 319 đồng chí (chiếm tỷ lệ 43,2%);

- Đã hoàn thành trung học cơ sở: 257 đồng chí (chiếm tỷ lệ 34,8%);

- Chưa hoàn thành trung học cơ sở: 27 đồng chí (chiếm tỷ lệ 3,6%).

b) Lực lượng Bảo vệ dân phố

Theo quy định tại Điều 3 Quy định về tổ chức, chế độ, chính sách và trang bị đối với lực lượng Bảo vệ dân phố trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (ban hành kèm theo Quyết định số 06/2021/QĐ-UBND ngày 30/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh), lực lượng Bảo vệ dân phố được bố trí tại các khu phố thuộc phường, thị trấn với số lượng là 09 người ở 01 khu phố (gọi là Tổ Bảo vệ dân phố, gồm 01 Tổ trưởng, 01 Tổ phó và 07 Tổ viên), đồng thời, ở mỗi phường, thị trấn thành lập 01 Ban Bảo vệ dân phố (gồm 01 Trưởng ban, 02 Phó ban và các Ủy viên - Ủy viên Ban Bảo vệ dân phố là Tổ trưởng các Tổ Bảo vệ dân phố); mỗi cụm dân cư có từ 400 đến 500 hộ dân thì lập 01 Tổ bảo vệ dân phố, đối với các cụm dân cư có số hộ dân cư trên 500 hộ thì cứ thêm 100 hộ dân được bố trí thêm 01 Tổ viên Tổ bảo vệ dân phố. Hiện tại, toàn tỉnh có 134 khu phố, 23 phường, thị trấn. Nếu áp dụng quy định trên thì phải bố trí 1.340 người tham gia lực lượng Bảo vệ dân phố (trong đó gồm 23 Trưởng ban, 46 Phó Trưởng ban, 134 Tổ trưởng, 134 Tổ phó, 1003 Tổ viên).

Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang bố trí 23 Ban Bảo vệ dân phố, 134 tổ, với 1.276/1.340 thành viên (kiêm nhiệm lực lượng dân phòng 1.118 thành viên), trong đó:

- Trình độ từ đại học trở lên: 16 đồng chí (chiếm tỷ lệ 1,2%);

- Trình độ từ cao đẳng, trung cấp: 24 đồng chí (chiếm tỷ lệ 1,9%);

- Đã hoàn thành trung học phổ thông: 151 đồng chí (chiếm tỷ lệ 11,9%);

- Đã hoàn thành trung học cơ sở: 372 đồng chí (chiếm tỷ lệ 29,1%);

- Chưa hoàn thành trung học cơ sở: 713 đồng chí (chiếm tỷ lệ 55,9%).

c) Lực lượng Tuần tra nhân dân

Quyết định số 42/2018/QĐ-UBND ngày 15/11/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định: lực lượng Tuần tra nhân dân được thành lập mỗi ấp 01 đội và mỗi xã 01 đội với số lượng mỗi đội Tuần tra nhân dân từ 12 đến 15 thành viên (gồm 01 Đội trưởng, 02 Đội phó và các đội viên), nếu bố trí đủ theo quy định thì cần phải có ít nhất là 5.664 người và nhiều nhất là 7.080 người.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 472 đội Tuần tra nhân dân (71 đội bố trí ở xã, 401 đội bố trí ở ấp), với 4.453 thành viên (kiêm nhiệm lực lượng Dân phòng 3.734 thành viên), trong đó:

- Trình độ từ đại học trở lên: 02 đồng chí (chiếm tỷ lệ 0,05%);

- Trình độ cao đẳng, trung cấp: 10 đồng chí (chiếm tỷ lệ 0,2%);

- Đã hoàn thành trung học phổ thông: 416 đồng chí (chiếm tỷ lệ 9,6%);

- Đã hoàn thành trung học cơ sở: 1.362 đồng chí (chiếm tỷ lệ 31,4%);

- Chưa hoàn thành trung học cơ sở: 2.663 đồng chí (chiếm tỷ lệ 58,7%).

d) Lực lượng Dân phòng

Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2013 (được hướng dẫn bởi Điều 30, Điều 31 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ), lực lượng Dân phòng được bố trí tại các ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh (tổ chức thành các Đội Dân phòng) với số lượng mỗi Đội ít nhất 10 người (trong khoảng 10 đến 20 người), trong đó có 01 Đội trưởng và 01 Đội phó (quy định tại khoản 2, Điều 30 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 535 ấp, khu phố. Nếu bố trí đủ theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP thì cần phải có ít nhất 5.350 người và cao nhất 10.700 người thực hiện nhiệm vụ dân phòng. Tuy nhiên hiện nay mới bố trí được 4.549 thành viên, thiếu 801 người so với mức thấp nhất và thiếu 6.151 người so với mức cao nhất mà Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định; tất cả số thành viên đang bố trí vào các Đội Dân phòng được huy động từ lực lượng Tuần tra nhân dân và Bảo vệ dân phố.

* Thống kê chung: đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 6.467 người tham gia lực lượng Công an xã bán chuyên trách. Bảo vệ dân phố, Dân phòng, Tuần tra nhân dân); trong đó lực lượng Tuần tra nhân dân và Bảo vệ dân phố đang kiêm nhiệm nhiệm vụ của lực lượng Dân phòng). So với quy định thì hiện đang thiếu từ 6.689 người đến 13.455 người.

Là những người sinh sống, sinh hoạt trực tiếp tại cơ sở, thường xuyên, trực tiếp tiếp xúc với người dân, có các mối quan hệ cộng đồng, dòng họ nên lực lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, Dân phòng, Tuần tra nhân dân hiểu rõ về đặc điểm tự nhiên, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, năng lực, uy tín của hệ thống chính trị cấp cơ sở, tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn... Các lực lượng này đã hỗ trợ tích cực cho lực lượng Công an chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở cơ sở, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở. Tuy nhiên, do trình độ, năng lực, tính chất tự nguyện tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở khiến lề lối làm việc của các lực lượng này có lúc, có nơi chưa được nghiêm túc, tác phong làm việc chưa nghiêm, một số chức danh do kiêm nhiệm cùng lúc nhiều nhiệm vụ nên hiệu quả công việc không cao. Việc tuyển chọn, thu hút công dân tham gia vào các lực lượng này cũng gặp rất nhiều khó khăn (thiếu từ 6.689 người đến 13.455 người). Nguyên nhân chính là do chế độ, chính sách không bảo đảm nên khó thu hút được công dân tham gia, nhất là những người có năng lực, đã được đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên.

2.2. Thực trạng chế độ, chính sách hỗ trợ lực lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, Tuần tra nhân dân, Dân phòng trên địa bàn tỉnh

a) Công an xã bán chuyên trách

- Phụ cấp hàng tháng: khoản 2, Điều 2 Nghị quyết số 38/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định: Công an xã bán chuyên trách được bố trí tại ấp có từ 350 hộ gia đình trở lên; ấp thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; ấp thuộc xã biên giới được hưởng mức phụ cấp hằng tháng bằng 1,66 lần mức lương cơ sở. Công an xã bán chuyên trách còn lại được hưởng mức phụ cấp bằng 1,2 lần mức lương cơ sở.

- Hỗ trợ trực sẵn sàng chiến đấu: khoản 1, Điều 1 Nghị quyết số 48/2011/NQ-HĐND ngày 09/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về mức hỗ trợ đối với lực lượng Công an xã, Bảo vệ dân phố, Tuần tra nhân dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh quy định: “Mức hỗ trợ thường trực sẵn sàng chiến đấu: Trưởng Công an xã, Phó Trưởng Công an xã và Công an viên khi làm nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu ở những nơi không thuộc địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự được hưởng hỗ trợ mỗi ngày bằng 0,04 lần của mức lương tối thiểu chung”.

Theo Nghị quyết số 38/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh, từ năm 2023 ngân sách tỉnh không còn chi Bảo hiểm y tế cho lực lượng Công an xã bán chuyên trách.

b) Lực lượng Bảo vệ dân phố

- Phụ cấp hàng tháng: Điều 4, Điều 5 Quy định về tổ chức, chế độ, chính sách và trang bị đối với lực lượng Bảo vệ dân phố trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (ban hành kèm theo Quyết định số 06/2021/QĐ-UBND ngày 30/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh) quy định: “1. Mức phụ cấp hàng tháng: a) Trưởng ban Bảo vệ dân phố: 1.500.000 đồng; b) Phó trưởng Ban Bảo vệ dân phố: 1.400.000 đồng; c) Ủy viên Ban Bảo vệ dân phố kiêm Tổ trưởng Tổ Bảo vệ dân phố: 1.200.000 đồng; d) Tổ phó Tổ Bảo vệ dân phố: 1.100.000 đồng; đ) Tổ viên Tổ Bảo vệ dân phố: 1.000.000 đồng”.

- Hỗ trợ bồi dưỡng trong thời gian trực đêm, tuần tra canh gác: khoản 2 Điều 4 Quy định về tổ chức, chế độ, chính sách và trang bị đối với lực lượng Bảo vệ dân phố trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (ban hành kèm theo Quyết định số 06/2021/QĐ-UBND ngày 30 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh) quy định: “Mức hỗ trợ bồi dưỡng trong thời gian trực đêm, tuần tra canh gác: Lực lượng Bảo vệ dân phố được hưởng mức hỗ trợ bồi dưỡng bằng 0,05 so với mức lương cơ sở/người/đêm trong thời gian được cơ quan có thẩm quyền huy động trực đêm và làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác ban đêm (huy động không quá 10 đêm/người/tháng; trừ nhũng trường hợp cần thiết)”.

- Hỗ trợ đóng Bảo hiểm y tế: khoản 4, Điều 4 Quyết định số 06/2021/QĐ-UBND ngày 30/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về tổ chức, chế độ, chính sách và trang bị đối với lực lượng Bảo vệ dân phố trên địa bàn tỉnh Tây Ninh quy định:

“Lực lượng bảo vệ dân phố được hưởng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế như sau:

a) Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 2/3 mức đóng bảo hiểm y tế.

b) Lực lượng bảo vệ dân phố tự đóng 1/3 mức bảo hiểm y tế”.

c) Lực lượng Tuần tra nhân dân

Điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 48/2011/NQ-HĐND ngày 09/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định: “Đối với lực lượng Tuần tra nhân dân khi được cấp có thẩm quyền huy động trực làm nhiệm vụ thì được hỗ trợ mức bồi dưỡng ngày (hoặc đêm) là 0,05 so với mức lương tối thiểu chung”.

- Hỗ trợ đóng Bảo hiểm y tế: Điều 2 Quyết định số 35/2013/QĐ-UBND ngày 13/8/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định: “a. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 2/3 mức đóng Bảo hiểm y tế cho người tham gia lực lượng Tuần tra nhân dân. b. Người tham gia lực lượng Tuần tra nhân dân tự đáng 1/3 mức đóng Bảo hiểm y tế".

d) Lực lượng Dân phòng

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có chế độ, chính sách chi cho lực lượng này.

Phần II

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN

I. QUAN ĐIỂM

Quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ An ninh quốc gia”, Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị khóa XI về “Công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”, Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành. Qua thực hiện đề án góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí quan trọng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, là lực lượng nòng cốt trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và là hạt nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở, nâng cao trách nhiệm, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong việc kiện toàn, xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả của công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo đúng quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của tỉnh Tây Ninh. Bố trí đủ số lượng và đảm bảo chất lượng; bồi dưỡng, huấn luyện chính trị, pháp luật và nghiệp vụ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đủ năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

2. Mục tiêu cụ thể

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được kiện toàn từ lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và Đội trưởng, Đội phó đội Dân phòng hoặc được tuyển chọn theo quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Phấn đấu đến 01/7/2024, thành lập 100% Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại 535 ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, mỗi tổ có từ 5 - 7 thành viên, trong đó có 1 Tổ trưởng, 1 Tổ phó và các Tổ viên. Trong năm 2025 tuyển chọn đủ số lượng người có đủ tiêu chuẩn như Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định; đồng thời hàng năm rà soát, bố trí đủ số lượng người, đủ tiêu chuẩn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở như quy định.

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được tuyển chọn có chất lượng và được đào tạo, bồi dưỡng định kỳ, thường xuyên, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao, phấn đấu 100% thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có 80% trở lên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Đảm bảo 100% các thành viên của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự được huấn luyện, bồi dưỡng về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ theo quy định của Bộ Công an.

III. PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN

Đề án này quy định về xây dựng, bố trí lực lượng, đảm bảo điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và phương án kiện toàn lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở từ lực lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, Tuần tra nhân dân, Đội trưởng, Đội phó Đội Dân phòng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, địa phương và Nhân dân trên địa bàn đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Phần III

NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

I. XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG

1. Tiêu chí thành lập, tiêu chí số lượng thành viên của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự

Thực hiện theo Điều 14 của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về tiêu chí thành lập, tiêu chí số lượng thành viên; chế độ, chính sách cho Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Tỉnh Tây Ninh có 94 xã, phường, thị trấn với 535 ấp, khu phố (401 ấp và 134 khu phố), tương ứng bố trí 535 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự. Mỗi Tổ bảo vệ an ninh, trật tự gồm 5 thành viên (trong đó có 1 Tổ trưởng, 1 Tổ phó và 03 Tổ viên); ấp có từ 350 hộ gia đình trở lên (253 ấp), khu phố có từ 500 hộ gia đình trở lên (87 khu phố) thì cứ thêm 100 hộ gia đình được bố trí thêm 1 tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự nhưng không quá 7 thành viên, số lượng thành viên mỗi Tổ bảo vệ an ninh, trật tự thực hiện theo Quyết định của UBND tỉnh Tây Ninh.

Trên cơ sở số hộ dân của từng ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh thì số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự như sau:

Địa phương

Số Tổ bảo vệ an ninh, trật tự

Tổng số

Tổ có 5 thành viên

Tổ có 6 thành viên

Tổ có 7 thành viên

Tổ

Thành viên

Thành phố Tây Ninh

19

10

25

54

330

Thị xã Trảng Bàng

39

13

27

79

462

Thị xã Hòa Thành

3

3

33

39

264

Huyện Gò Dầu

9

3

46

58

385

Huyện Bến Cầu

17

9

15

41

244

Huyện Châu Thành

26

8

39

73

451

Huyện Tân Biên

21

14

23

58

350

Huyện Tân Châu

40

11

25

76

441

Huyện Dương Minh Châu

21

7

29

57

350

Tổng cộng

195

78

262

535

3.277

2. Tiêu chuẩn, điều kiện tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Thực hiện theo Điều 13 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

3. Trình tự, thủ tục tuyển chọn Thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự

Thực hiện theo Điều 3 Thông tư 14/2024/TT-BCA ngày 22/4/2024 của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Điều 15 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Trường hợp khi kiện toàn 04 lực lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, Tuần tra nhân dân và Dân phòng thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có số lượng lớn hơn số lượng thành viên lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thì áp dụng các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để kiện toàn theo hướng ưu tiên lựa chọn những người đảm bảo sức khỏe, có uy tín, trình độ văn hóa, có thành tích, am hiểu về phong tục, tập quán trong cộng đồng dân cư, có thâm niên công tác dài hơn.

II. HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ

1. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động

Thực hiện theo quy định tại Điều 4 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

2. Nhiệm vụ chung của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12 của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

3. Nhiệm vụ của Thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự

Thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ngoài thực hiện nhiệm vụ chung của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở còn phải thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 4, Điều 16 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

4. Quan hệ công tác, phối hợp, hỗ trợ trong tổ chức, hoạt động thực hiện nhiệm vụ

Thực hiện theo quy định tại Điều 5 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

III. HUẤN LUYỆN, BỒI DƯỠNG

Thực hiện theo quy định tại Điều 16 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Điều 6 Thông tư số 14/2024/TT-BCA ngày 22/4/2024 của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

IV. ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG

1. Bố trí địa điểm, nơi làm việc

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm bố trí địa điểm, nơi làm việc cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại trụ sở Văn phòng ấp, khu phố hoặc nơi làm việc của Công an cấp xã hoặc địa điểm khác phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và khả năng bảo đảm của địa phương. Không phát sinh yêu cầu xây dựng trụ sở làm việc mới.

2. Trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị và công cụ hỗ trợ

Thực hiện theo Điều 21, điểm a khoản 1 Điều 26 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Điều 4 Nghị định số 40/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Điều 8 Thông tư số 14/2024/TT-BCA ngày 22 tháng 4 năm 2024 của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về tiêu chí thành lập, tiêu chí số lượng thành viên; chế độ, chính sách cho Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Mỗi Tổ bảo vệ an ninh, trật tự được hỗ trợ trang bị 03 bộ bàn ghế làm việc cá nhân và 02 cái giường cá nhân; với 535 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự thì trang bị 1.605 bộ bàn ghế làm việc cá nhân (với số tiền 1.605 bộ x 3 triệu đồng = 4.815.000.000 đồng) và 1.070 cái giường cá nhân (với số tiền 1.070 bộ x 2 triệu đồng = 2.140.000.000 đồng). Năm đầu tiên chỉ hỗ trợ trang bị tối đa 50% số phương tiện, thiết bị này (tối đa 802 bộ bàn ghế = 2.407.500.000 đồng và 535 cái giường cá nhân = 1.070.000.000 đồng); năm tiếp theo tùy tình hình thực tế và niên hạn sử dụng để bố trí cho phù hợp.

3. Trang bị trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Thực hiện theo Điều 22, điểm b khoản 1 Điều 26 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Điều 3 Nghị định số 40/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về tiêu chí thành lập, tiêu chí số lượng thành viên; chế độ, chính sách cho Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

a) Trang bị lần đầu cho mỗi thành viên:

STT

Tên trang phục

Đơn vị tính

Số lượng trang bị

Tổng số lượng trang bị cho 3.277 người

1

Mũ mềm gắn huy hiệu

cái

1

3.277

2

Mũ cứng gắn huy hiệu

cái

1

3.277

3

Mũ bảo hiểm

cái

1

3.277

4

Quần áo xuân hè

bộ

2

6.554

5

Áo xuân hè dài tay

cái

2

6.554

6

Dây lưng

cái

1

3.277

7

Giầy da

đôi

1

3.277

8

Dép nhựa

đôi

1

3.277

9

Bít tất

đôi

2

6.554

10

Quần áo mưa

bộ

I

3.277

11

Biển hiệu

cái

1

3.277

12

Giấy chứng nhận

cái

1

3.277

Tổng số tiền chi mua sắm trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận: 3.500.000 đồng/người x 3.277 = 11.469.500.000 đồng.

b) Trang bị những năm tiếp theo: thực hiện theo điểm c khoản 1 Điều 3 Nghị định số 40/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

4. Chế độ hỗ trợ, tổ chức tập huấn, sơ kết, tổng kết, hội nghị, tổ chức phong trào thi đua khen thưởng đối với Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về tiêu chí thành lập, tiêu chí số lượng thành viên; chế độ, chính sách cho Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Cụ thể:

a) Hỗ trợ thường xuyên hằng tháng

- Tổ trưởng: 2.160.000 đồng x 535 Tổ trưởng x 12 tháng = 13.867.200.000 đồng/năm.

- Tổ phó: 1.800.000 đồng x 535 Tổ phó x 12 tháng = 11.556.000.000 đồng/năm.

- Tổ viên: 1.500.000 đồng x 2.207 Tổ viên x 12 tháng = 39.726.000.000 đồng/năm.

Tổng số tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng trong 01 năm: 65.149.200.000 đồng.

b) Hỗ trợ khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau hoặc làm nhiệm vụ trong ngày nghỉ, ngày lễ hoặc khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: 60.000 đồng x 10 ngày x 3.277 người x 12 tháng = 23.594.400.000 đồng/năm.

c) Hỗ trợ khi làm nhiệm vụ tại những nơi thuộc khu vực biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng: 10.000 đồng/người/ngày x 22 ngày/tháng x 2.471 người (thuộc 403 ấp, khu phố) x 12 tháng = 6.523.440.000 đồng/năm.

d) Hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện:

- Tổ trưởng: 368.000 đồng/người/tháng x 535 người x 12 tháng = 2.362.560.000 đồng/năm.

- Tổ phó: 306.000 đồng/người/tháng x 535 người x 12 tháng = 1.964.520.000 đồng/năm.

- Tổ viên: 255.000 đồng/người/tháng x 2.207 người x 12 tháng = 6.202.620.000 đồng/năm.

Tổng số tiền hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện: 11.080.500.000 đồng/năm.

e) Hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế hằng tháng của tất cả thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự: 54.000 đồng/người/tháng x 3.277 người x 12 tháng = 2.123.496.000 đồng/năm.

g) Hỗ trợ bảo đảm điều kiện hoạt động của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự: 535 Tổ x 500.000 đồng/tổ/năm = 267.500.000 đồng/năm.

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, đồng thời chỉ đạo các cơ quan ban ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật nhằm nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành chức năng, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Nhân dân về vị trí, chức năng, tầm quan trọng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở trong tình hình hiện nay. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự ủng hộ to lớn của Nhân dân trong việc xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; tạo khí thế phấn khởi, động viên lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong toàn tỉnh tích cực tham gia đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở góp phần củng cố nền an ninh Nhân dân, thế trận an ninh Nhân dân và thế trận lòng dân vững chắc.

2. Tổ chức gặp gỡ, động viên những người hiện đang làm nhiệm vụ Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, Tuần tra nhân dân và Dân phòng tiếp tục tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Khẩn trương quyết định thành lập các Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và thành viên tham gia Tổ bảo vệ an ninh, trật tự theo đúng quy định. Sau khi đã kiện toàn những người tham gia các lực lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, Tuần tra nhân dân và Dân phòng vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở mà vẫn thiếu thành viên theo quy định thì nhanh chóng tuyển chọn cho đủ số lượng và đảm bảo về điều kiện, tiêu chuẩn; ưu tiên tuyển chọn công dân đã có thời gian phục vụ trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an xã bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ, công dân am hiểu về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư. Thường xuyên kiện toàn Tổ bảo vệ an ninh, trật tự đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, nhất là ở các địa bàn thuộc khu vực biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tại địa bàn trọng điểm về quốc phòng.

3. Ban hành Quy định về chế độ công tác của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.

4. Tiến hành rà soát tất cả các địa điểm trên địa bàn ấp, khu phố để chọn địa điểm bố trí nơi làm việc cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; ưu tiên lựa chọn trụ sở văn phòng ấp, khu phố hoặc nơi làm việc của Công an cấp xã hoặc địa điểm khác phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

5. Thống kê, thu hồi tất cả các phương tiện, thiết bị, công cụ hỗ trợ đã được trang cấp cho lực lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, Tuần tra nhân dân. Kiểm tra, phân loại, trang cấp cho các Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn những phương tiện, thiết bị, công cụ hỗ trợ còn sử dụng được; tiến hành thanh loại những phương tiện, thiết bị, công cụ hỗ trợ đã hư hỏng theo đúng quy định. Tổ chức mua sắm, trang cấp phương tiện, thiết bị, công cụ hỗ trợ cho các Tổ bảo vệ an ninh, trật tự chưa được trang cấp đủ so với quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 40/2024/NĐ-CP và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về tiêu chí thành lập, tiêu chí số lượng thành viên; chế độ, chính sách cho Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

6. Tổ chức mua sắm, trang cấp sớm trang phục, huy hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo danh mục, tiêu chuẩn trang bị quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định số 40/2024/NĐ-CP và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về tiêu chí thành lập, tiêu chí số lượng thành viên; chế độ, chính sách cho Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

7. Nhanh chóng tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ theo hướng dẫn của Bộ Công an cho người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để đáp ứng nhu cầu công tác. Thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp huấn luyện, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng công tác của lực lượng này.

8. Bảo đảm đầy đủ chế độ chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định tại Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Nghị định số 40/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về tiêu chí thành lập, tiêu chí số lượng thành viên; chế độ, chính sách cho Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

9. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm, tổ chức sơ, tổng kết công tác của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm phát huy những mặt tích cực, khắc phục những mặt còn hạn chế; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân điển hình, tiên tiến đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ; xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm, vi phạm quy trình công tác, vi phạm pháp luật.

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Từ nay đến hết năm 2024

- Tổ chức ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào ngày 01/7/2024.

- Hoàn thành việc kiện toàn lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (từ các lực lượng: Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, Dân phòng, Tuần tra nhân dân) và thành lập 535 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự (mỗi tổ có từ 5 - 7 thành viên, trong đó có 01 Tổ trưởng, 01 Tổ phó).

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ theo quy định của Bộ Công an, đảm bảo tập huấn cho 100% các thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.

2. Từ năm 2025 và những năm tiếp theo

- Tiếp tục rà soát, bổ sung đủ thành viên cho các Tổ bảo vệ an ninh, trật tự còn thiếu thành viên.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ đối với các thành viên mới được tuyển chọn và bổ sung kiến thức cho số thành viên cũ.

II. NGUỒN KINH PHÍ

Thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về tiêu chí thành lập, tiêu chí số lượng thành viên; chế độ, chính sách cho Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Dự kiến ngân sách của tỉnh chi hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (các nội dung chi cơ bản) cao nhất khoảng 119.618.176.000 đồng/năm. Năm 2024 ngân sách của tỉnh chi khoảng: 69.315.058.000 đồng.

III. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Công an tỉnh

- Chủ trì và là đầu mối, có trách nhiệm theo dõi, tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

- Phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, số lượng thành viên của mỗi Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

- Phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiện toàn Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

- Hàng năm, phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thành phố dự trù kinh phí, trang bị trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Quản lý việc sử dụng trang, thiết bị, đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích, hiệu quả, phù hợp thực tế yêu cầu công tác.

- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ, hội thi cho Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

2. Sở Tài chính

- Tổng hợp nhu cầu kinh phí của các sở, ngành, cơ quan liên quan, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách tỉnh báo cáo cấp thẩm quyền xem xét bố trí kinh phí chi thường xuyên theo pháp luật về ngân sách nhà nước.

- Đảm bảo nguồn kinh phí trang cấp, điều kiện hoạt động cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo nội dung của Đề án.

3. Các sở, ban, ngành khác có liên quan

Phối hợp Công an tỉnh thực hiện tốt Đề án theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách của ngành.

4. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã

- Căn cứ nội dung Đề án, tổ chức quán triệt, triển khai đến các ban, ngành, đoàn thể, địa phương và nhân dân. Chỉ đạo Công an cùng cấp tham mưu công tác kiện toàn lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

- Bố trí địa điểm, nơi làm việc cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự đảm bảo yêu cầu công tác, phù hợp với điều kiện của địa phương./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh ;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- LĐVP, PNC;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, VP.UBND.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Chiến

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Nghị quyết 158/NQ-HĐND năm 2024 phê duyệt Đề án xây dựng, bố trí lực lượng, đảm bảo điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Số hiệu: 158/NQ-HĐND
Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh
Người ký: Nguyễn Thành Tâm
Ngày ban hành: 19/06/2024
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [6]
Văn bản được căn cứ - [12]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Nghị quyết 158/NQ-HĐND năm 2024 phê duyệt Đề án xây dựng, bố trí lực lượng, đảm bảo điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…