CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 91/2021/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2021 |
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Thủ đô ngày 21 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô.
1. Nghị định này quy định cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, trách nhiệm của các bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức trong việc phối hợp thực hiện các quy định của pháp luật về Thủ đô; cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm có quy mô vùng và tính chất liên kết vùng của Vùng Thủ đô.
2. Vùng Thủ đô gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên.
Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động phối hợp để thực hiện các quy định của pháp luật về Thủ đô tại các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.
Chương trình, dự án trọng điểm có quy mô vùng và tính chất liên kết vùng (sau đây gọi tắt là chương trình, dự án trọng điểm của vùng) là các công trình, dự án nằm trên địa bàn hai tỉnh, thành phố trở lên hoặc nằm trên địa bàn của một tỉnh, thành phố nhưng có tác động đến ít nhất một tỉnh, thành phố khác trong Vùng Thủ đô để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
NGUYÊN TẮC, NỘI DUNG VÀ LĨNH VỰC PHỐI HỢP TRỌNG TÂM
1. Tuân thủ Hiến pháp, quy định của Luật Thủ đô, các Luật liên quan về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của Vùng Thủ đô.
2. Việc phối hợp phải bảo đảm theo nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, công khai, minh bạch phù hợp với các quy định của pháp luật.
3. Thực hiện phối hợp thông qua các kế hoạch, chương trình, dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
4. Việc chủ trì tổ chức thực hiện công tác phối hợp được giao cho bộ, ngành, địa phương có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan hoặc chịu tác động nhiều nhất đến lĩnh vực, nhiệm vụ cần phối hợp.
5. Những vấn đề không đạt được sự đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành và địa phương trong Vùng Thủ đô thì căn cứ đề nghị của Hội đồng điều phối vùng, Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 5. Lĩnh vực phối hợp trọng tâm
Lĩnh vực phối hợp là tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm sau:
1. Quy hoạch xây dựng.
2. Phát triển y tế, giáo dục và đào tạo.
3. Phát triển khoa học và công nghệ.
4. Quản lý và bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
5. Quản lý đất đai.
6. Quản lý dân cư và phát triển, quản lý nhà ở.
7. Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
8. Phát triển và quản lý hệ thống giao thông vận tải.
9. Bảo tồn và phát triển văn hóa, lịch sử, du lịch.
Điều 6. Về lập và tổ chức thực hiện quy hoạch
1. Việc lập và tổ chức thực hiện các quy hoạch vùng, ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan trên địa bàn Vùng Thủ đô phải được phối hợp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch, trong đó các lĩnh vực chủ yếu cần phải hợp gồm: Kết nối hệ thống giao thông; hạ tầng thông tin và truyền thông; hệ thống cung cấp nước sạch và sử dụng nguồn nước; xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại; quản lý chất lượng môi trường không khí; khu du lịch; phát triển nguồn nhân lực; phát triển các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cơ sở nghiên cứu khoa học; các bệnh viện và xử lý ô nhiễm môi trường.
2. Phối hợp trong quá trình lập các quy hoạch vùng, ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan khác trên địa bàn Vùng Thủ đô phải được thực hiện theo pháp luật về quy hoạch và các quy định hiện hành bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và thứ bậc, trong đó trọng tâm là các nội dung liên quan đến các lĩnh vực nêu tại Điều 5 của Nghị định này.
3. Phối hợp trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch: Sau khi quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các cơ quan, địa phương quản lý quy hoạch có trách nhiệm tổ chức công bố, công khai quy hoạch, triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế tham gia thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện và có trách nhiệm phối hợp trong việc giám sát, kiểm tra thực hiện quy hoạch.
1. Trên cơ sở quy hoạch vùng, tỉnh, thành phố thuộc Vùng Thủ đô được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô chỉ đạo, phối hợp với các bộ, ngành và tỉnh, thành phố trong vùng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, huy động nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong nước để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trong vùng.
2. Các lĩnh vực phối hợp chủ yếu trong đầu tư phát triển gồm: xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại; kiểm soát chất lượng môi trường không khí; khí tượng thủy văn; xây dựng hệ thống đường giao thông liên kết vùng, đường cao tốc, cảng hàng không; hạ tầng thông tin và truyền thông; phát triển các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất; cơ sở hạ tầng trong khu du lịch quốc gia; xây dựng và phát triển các cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở đào tạo chất lượng cao; hệ thống cơ sở dữ liệu; phát triển hệ thống các trung tâm y tế chất lượng cao, trung tâm y tế vùng, trung tâm văn hóa, thể thao vùng.
Việc xây dựng các công trình, dự án xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy hoạch và lợi ích của người dân các địa phương lân cận và phải đảm bảo sự đồng bộ với triển khai các dự án có liên quan.
3. Đối với các dự án đầu tư trọng điểm của vùng đã có trong quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng thì các bộ, ngành liên quan, địa phương trong vùng có trách nhiệm phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
4. Đối với các dự án đầu tư trọng điểm của vùng chưa có trong quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng thì các bộ, ngành liên quan, địa phương trong vùng theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với cơ quan được giao chủ trì, thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh, bổ sung vào các quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch sau khi tham khảo ý kiến của Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô.
Điều 8. Về đào tạo và sử dụng lao động
1. Phối hợp trong việc đầu tư xây dựng phát triển các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương trong vùng nhằm phát huy thế mạnh của các cơ sở đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
2. Phối hợp trong sử dụng lao động, lao động từ khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lao động trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất. Định hướng, hướng dẫn, phối hợp hỗ trợ giới thiệu việc làm, hợp tác bố trí lao động, xử lý tranh chấp lao động khi cần thiết.
3. Phối hợp trong việc xây dựng và bố trí nhà ở, các công trình thiết yếu cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất; trong giải quyết các tệ nạn xã hội, vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Điều 9. Về xây dựng các cơ chế, chính sách
1. Các bộ, ngành rà soát, nghiên cứu xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ, huy động vốn đầu tư để áp dụng cho Vùng Thủ đô:
a) Hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương; thực hiện cơ chế xây dựng dự toán ngân sách địa phương công khai, minh bạch, phù hợp với nhu cầu phát triển của các tỉnh, thành phố giai đoạn tới;
b) Cơ chế tài chính hỗ trợ phát triển khu công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực điện, điện tử, công nghệ thông tin; khu công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao; cơ sở hạ tầng trong khu du lịch quốc gia; phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và công nghệ trực tiếp sản xuất;
c) Hỗ trợ đào tạo nghề bậc cao, chính sách thu hút nhân tài.
2. Ngoài chính sách áp dụng chung cho toàn Vùng Thủ đô, trong chức năng, thẩm quyền các địa phương quy định cụ thể chính sách cho phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương nhưng không trái với quy định hiện hành và các chính sách chung của toàn vùng. Khi có sự thay đổi cơ chế, chính sách, các bộ, ngành, các địa phương có trách nhiệm báo cáo Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô và thông báo tới các địa phương khác trong vùng biết để phối hợp thực hiện.
3. Trường hợp để giải quyết những yêu cầu cấp thiết vượt thẩm quyền và khả năng, các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô có thể thông qua Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội xem xét, quyết định.
Điều 10. Về cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng
1. Các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trong vùng có trách nhiệm cung cấp thông tin về các lĩnh vực, nội dung phối hợp cho Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô. Các nội dung thông tin cần cung cấp gồm: cơ chế chính sách đã ban hành, dự báo thị trường, các dự án liên kết vùng, sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ và tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.
2. Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu, tăng cường chia sẻ thông tin giữa các địa phương trong Vùng Thủ đô, giữa các địa phương với các bộ, ngành và Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô đảm bảo các vấn đề được xử lý kịp thời, chính xác. Các bộ, ngành, cơ quan và địa phương liên quan chịu trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời tới Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô để phục vụ công tác chỉ đạo chung.
CHÍNH SÁCH ƯU TIÊN ĐẦU TƯ CHO CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM VÀ TỔ CHỨC ĐIỀU PHỐI VÙNG THỦ ĐÔ
Điều 11. Các chương trình, dự án trọng điểm
1. Các chương trình, dự án trọng điểm của vùng là các công trình, dự án quy mô lớn có vai trò tạo động lực, sức lan tỏa và kết nối phát triển kinh tế, xã hội cho vùng và các tỉnh, thành phố trong vùng trong các lĩnh vực sau:
a) Về hạ tầng kỹ thuật: các dự án đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc hướng tâm và đường vành đai; đường sắt nội vùng, đường sắt quốc gia; nâng cấp cảng hàng không quốc tế; các dự án thủy lợi và phòng chống lũ liên tỉnh; phát triển hạ tầng kỹ thuật khu công nghệ cao; xây mới và nâng cấp các nhà máy nước liên tỉnh; các dự án xử lý chất thải rắn, nước thải; các trạm quan trắc chất lượng môi trường không khí; các dự án giao thông trọng điểm của các địa phương trong vùng;
b) Về hạ tầng xã hội: các cơ sở y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cấp vùng tại một số địa phương thuộc vùng;
c) Về thương mại - dịch vụ, khoa học công nghệ, du lịch, văn hóa, thể thao: các dự án gắn với các hành lang kinh tế, các tuyến đường cao tốc, đường vành đai;
d) Về phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn: các trung tâm hỗ trợ nông nghiệp cấp vùng và các vùng sản xuất chuyên canh, nguyên liệu hàng hóa quy mô lớn.
2. Căn cứ các lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều này, Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục chương trình, dự án trọng điểm của vùng trong từng thời kỳ làm cơ sở huy động nguồn lực đầu tư để triển khai thực hiện.
Điều 12. Chính sách ưu tiên huy động nguồn vốn đầu tư
1. Ngân sách trung ương hỗ trợ một phần cho các tỉnh, thành phố để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các công trình, dự án trọng điểm của vùng.
2. Ưu tiên huy động nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của vùng.
3. Các tỉnh, thành phố có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của vùng trên địa bàn của mình.
4. Ưu tiên tổng hợp các công trình, dự án trọng điểm của vùng vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư của các chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia.
5. Các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố thuộc vùng ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) cho các công trình, dự án trọng điểm của vùng.
6. Miễn tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian của dự án đối với các công trình, dự án trọng điểm của vùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, quản lý và bảo vệ môi trường được đầu tư toàn bộ từ nguồn vốn xã hội hóa. Việc miễn tiền thuê đất đối với các dự án trọng điểm của vùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, quản lý và bảo vệ môi trường thực hiện theo quy định của Chính phủ về chính sách xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo và môi trường.
Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục dự án cụ thể trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương sau khi Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô có ý kiến.
Điều 13. Tổ chức điều phối Vùng Thủ đô
1. Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô gồm các thành viên sau:
a) Chủ tịch Hội đồng: Phó Thủ tướng Chính phủ;
b) Phó Chủ tịch Thường trực: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
c) Phó Chủ tịch: Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội;
d) Ủy viên Thường trực: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
đ) Các Ủy viên:
- Thứ trưởng và tương đương của các bộ và cơ quan ngang bộ: Tài chính; Công Thương; Giao thông vận tải; Xây dựng; Y tế, Giáo dục và Đào tạo; Ngoại giao; Công an, Quốc phòng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nội vụ; Tư pháp; Văn phòng Chính phủ;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Bắc Ninh; Hưng Yên; Hà Nam; Hòa Bình; Phú Thọ; Bắc Giang; Vĩnh Phúc; Hải Dương; Thái Nguyên;
- Đại diện là chuyên gia, nhà khoa học tiêu biểu thuộc cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học của vùng; đại diện có uy tín của cộng đồng doanh nghiệp của Vùng Thủ đô.
e) Thường trực Hội đồng điều phối vùng gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực.
2. Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô có chức năng tham mưu, đề xuất và giúp Thủ tướng Chính phủ điều phối, kiểm tra, giám sát thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực, nội dung phối hợp của Vùng Thủ đô quy định tại Nghị định này.
3. Trên cơ sở đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô và quy định quy chế hoạt động và các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô.
Điều 14. Trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực, nội dung phối hợp trên địa bàn Vùng Thủ đô.
2. Thủ tướng Chính phủ:
a) Hằng năm, chủ trì làm việc với Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Vùng Thủ đô và các bộ, ngành liên quan để đánh giá kết quả thực hiện các lĩnh vực, nội dung phối hợp quy định tại Nghị định này;
b) Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng điều phối vùng, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế chính sách và quyết định các nội dung về quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, nhiệm vụ, dự án trọng điểm của vùng liên quan đến lĩnh vực, nội dung phối hợp trên địa bàn Vùng Thủ đô theo thẩm quyền.
Điều 15. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
1. Tổ chức xây dựng quy hoạch vùng liên quan và hướng dẫn các địa phương trong vùng phối hợp xây dựng quy hoạch tỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo trình tự, thủ tục của Luật Quy hoạch, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch, phù hợp với định hướng chung của vùng.
2. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong vùng tổng hợp danh mục các chương trình, dự án trọng điểm của vùng báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định hỗ trợ từ ngân sách trung ương và ưu tiên huy động nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ để triển khai thực hiện theo từng thời kỳ.
3. Trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong vùng, xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư của các chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia.
4. Làm nhiệm vụ Thường trực Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô; đầu mối phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong vùng xây dựng kế hoạch hoạt động của Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô; điều phối các lĩnh vực, nội dung phối hợp quy định tại Nghị định này.
5. Nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội và Vùng Thủ đô trong quá trình thực hiện liên kết phối hợp vùng.
6. Đôn đốc các bộ, ngành và tỉnh, thành phố trong vùng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn có liên quan quy định tại Nghị định này và theo phân công của Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô.
7. Theo dõi, giám sát, tổng kết hằng năm về thực hiện cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.
8. Thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định này.
Điều 16. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
1. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư để thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm của vùng.
2. Hướng dẫn các tỉnh, thành phố trong vùng thực hiện các nội dung phối hợp có liên quan tới các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định này và theo phân công của Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô.
Điều 17. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng
1. Chủ trì, hướng dẫn lập quy hoạch chung đô thị trong Vùng Thủ đô, các quy hoạch phát triển vùng đô thị và quản lý quá trình đầu tư xây dựng đô thị trong vùng theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Hướng dẫn các tỉnh, thành phố trong vùng thực hiện các nội dung phối hợp có liên quan tới các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định này và theo phân công của Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô.
Điều 18. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường
1. Xây dựng kế hoạch, chương trình, danh mục dự án đầu tư xây dựng về quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại; áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, triển khai thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn có tính chất liên vùng.
2. Hướng dẫn các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô thực hiện các nội dung phối hợp trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Điều 19. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương trong Vùng Thủ đô rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp để xây dựng đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng xu hướng dịch chuyển cơ cấu sản xuất và lao động phù hợp với nhu cầu thị trường.
2. Xây dựng cơ chế chia sẻ nguồn nhân lực chất lượng cao giữa các cơ sở đào tạo trong Vùng Thủ đô phục vụ nhu cầu của vùng và các địa phương lân cận.
Điều 20. Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo
1. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô rà soát quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học trong Vùng Thủ đô, trong đó ưu tiên phát triển một số cơ sở giáo dục đại học trọng điểm tại các địa phương lân cận Thủ đô Hà Nội nhằm giảm tải sức ép cho Thủ đô Hà Nội và đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
2. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Vùng Thủ đô.
Điều 21. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
1. Chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể trong bảo tồn và phát triển văn hóa, lịch sử, du lịch thể hiện tính đặc thù chung của Vùng Thủ đô.
2. Hướng dẫn các địa phương trong vùng xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt và quy hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 22. Trách nhiệm chung của các bộ
1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì hoặc phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các tỉnh, thành phố trong vùng xây dựng các chương trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm của vùng thuộc lĩnh vực phụ trách; đề xuất các nguồn vốn đầu tư để triển khai thực hiện.
2. Hướng dẫn các tỉnh, thành phố trong vùng thực hiện các nội dung phối hợp có liên quan tới các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định này và theo phân công của Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô.
Điều 23. Trách nhiệm của các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô
1. Xây dựng chương trình, kế hoạch để phối hợp với các bộ và các tỉnh, thành phố trong vùng triển khai các nội dung phối hợp quy định tại Nghị định này.
2. Phối hợp với các bộ liên quan và tỉnh, thành phố trong vùng nghiên cứu, đề xuất các chương trình, dự án trọng điểm của vùng.
3. Cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các công trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm của vùng trên địa bàn của mình.
4. Xây dựng và cung cấp các thông tin, dữ liệu về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại Điều 10 của Nghị định này và công bố thông tin về các ngành, lĩnh vực trọng điểm của tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.
5. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ban hành các biện pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế và thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các chương trình, dự án trọng điểm của vùng.
Điều 24. Trách nhiệm của thành phố Hà Nội
1. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành trung ương để hỗ trợ các tỉnh trong Vùng Thủ đô thông qua việc mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác cùng phát triển và phát huy hơn nữa vai trò động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng, vai trò dẫn dắt phát triển của Vùng Thủ đô.
2. Chủ động đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thủ đô và phải đặt trong mối quan hệ Thành phố vì cả nước và cả nước vì Thành phố phát triển, ngày càng văn minh, hiện đại; đồng thời, bảo đảm phù hợp với khả năng huy động đa dạng tiềm năng, lợi thế và khả năng chủ động của Thủ đô tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho Vùng Thủ đô và cả nước.
Định kỳ trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Vùng Thủ đô và các bộ, cơ quan liên quan có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng năm về kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao quy định tại Nghị định này và gửi Văn phòng Hội đồng điều phối vùng để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô.
1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 05 tháng 12 năm 2021.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Vùng Thủ đô và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
|
TM. CHÍNH PHỦ |
Nghị định 91/2021/NĐ-CP về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô
Số hiệu: | 91/2021/NĐ-CP |
---|---|
Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ |
Người ký: | Lê Văn Thành |
Ngày ban hành: | 21/10/2021 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Nghị định 91/2021/NĐ-CP về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô
Chưa có Video