CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/1998/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 24 tháng 1 năm 1998 |
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 11 /1998/NĐ-CP NGÀY 24 THÁNG 01 NĂM 1998 BAN HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA CHÍNH PHỦ
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này Quy chế làm việc của Chính phủ.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Quy chế làm việc cụ thể của cơ quan mình phù hợp với Quy chế này.
|
Phan Văn Khải (Đã ký) |
QUY CHẾ
LÀM VIỆC CỦA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 11 /1998/ NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 1998
PHẠM VI VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC
Điều 1. Phạm vi và cách thức giải quyết công việc của Chính phủ
1- Chính phủ quyết định tập thể những công việc sau đây:
1.1- Chương trình công tác hàng năm của Chính phủ;
1.2- Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng;
1.3- Các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội và ủy ban Thường vụ Quốc hội;
1.4- Các nghị quyết, nghị định của Chính phủ;
1.5- Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội dài hạn, 5 năm, hàng năm; các công trình quan trọng quốc gia;
1.6- Dự toán Ngân sách Nhà nước và Tổng quyết toán Ngân sách Nhà nước hàng năm;
1.7- Các vấn đề quan trọng về chủ trương, chính sách và cơ chế phát triển kinh tế, xã hội; về quốc phòng, an ninh, đối nội và đối ngoại;
1.8- Các vấn đề về thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; thành lập, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính địa phương;
1.9- Các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước;
1.10- Những vấn đề khác mà pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ;
1.11- Những vấn đề mà Thủ tướng thấy cần phải đưa ra trình Chính phủ.
2- Các quyết định tập thể của Chính phủ quy định tại Khoản 1, Điều này phải được quá nửa tổng số thành viên Chính phủ biểu quyết tán thành. Đối với một số vấn đề không nhất thiết phải tổ chức thảo luận tập thể hoặc vấn đề Chính phủ cần quyết định gấp, nhưng không có điều kiện tổ chức họp Chính phủ thì theo chỉ đạo của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ hoặc cơ quan chủ trì đề án gửi toàn bộ hồ sơ đề án (theo quy định tại Điểm 1.3, Điều 8 Quy chế này) và Phiếu lấy ý kiến đến từng thành viên Chính phủ. Nếu quá nửa tổng số thành viên Chính phủ tán thành, thì Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và báo cáo Chính phủ tại phiên họp gần nhất.
Khi biểu quyết tại phiên họp cũng như khi dùng Phiếu lấy ý kiến, nếu số phiếu tán thành và không tán thành ngang nhau thì quyết định theo bên có ý kiến Thủ tướng.
3- Thành viên Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ phải nghiêm chỉnh thực hiện các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp không nhất trí với các quyết định đó, vẫn phải chấp hành, nhưng được tiếp tục trình bày ý kiến với tập thể Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2. Phạm vi giải quyết công việc của Thủ tướng Chính phủ
1- Thủ tướng Chính phủ giải quyết các công việc sau đây:
1.1- Những vấn đề được Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, các văn bản pháp luật khác quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng và những vấn đề được Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ và các văn bản pháp luật khác quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, nhưng không do Chính phủ quyết định tập thể;
1.2- Những vấn đề quan trọng có tính liên ngành đã được các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp xử lý, nhưng ý kiến còn khác nhau;
1.3- Những vấn đề do Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu các đoàn thể nhân dân đề nghị vượt quá thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ hoặc các vấn đề liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương, nhưng giữa các cơ quan đó còn có ý kiến khác nhau;
1.4- Những vấn đề tuy thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng do tầm quan trọng của nó, Thủ tướng Chính phủ thấy cần phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết dứt điểm trong một thời gian nhất định;
1.5- Những vấn đề đột xuất hoặc mới phát sinh, các sự cố nghiêm trọng như thiên tai, dịch bệnh, tai nạn... vượt quá khả năng giải quyết của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2- Trong hoạt động của mình, Thủ tướng thường xuyên giữ mối liên hệ giữa Chính phủ với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu cơ quan Trung ương của các đoàn thể nhân dân.
3- ít nhất mỗi năm một lần, Thủ tướng làm việc với Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban lãnh đạo cơ quan Trung ương của từng đoàn thể nhân dân để kiểm điểm sự phối hợp công tác, trao đổi về các đề xuất của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đối với công tác của Chính phủ và tạo điều kiện để các tổ chức này hoạt động có hiệu quả.
1- Các Phó Thủ tướng được Thủ tướng phân công thay mặt Thủ tướng giải quyết công việc theo các nguyên tắc sau:
1.1- Mỗi Phó Thủ tướng được phân công phụ trách một số lĩnh vực công tác và theo dõi hoạt động của một số Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
1.2- Phó Thủ tướng được sử dụng quyền hạn của Thủ tướng, nhân danh Thủ tướng khi giải quyết các công việc thuộc lĩnh vực được phân công và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng;
1.3- Phó Thủ tướng chủ động giải quyết công việc được phân công; nếu có vấn đề liên quan đến lĩnh vực của Phó Thủ tướng khác thì trực tiếp phối hợp với Phó Thủ tướng đó để giải quyết. Trường hợp có vấn đề cần có ý kiến của Thủ tướng hoặc giữa các Phó Thủ tướng còn có ý kiến khác nhau thì báo cáo Thủ tướng quyết định;
1.4- Thủ tướng chịu trách nhiệm về các quyết định của các Phó Thủ tướng trong khi thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phân công;
1.5- Theo yêu cầu điều hành trong từng thời gian, Thủ tướng Chính phủ có thể trực tiếp giải quyết một số việc đã phân công cho Phó Thủ tướng hoặc điều chỉnh lại sự phân công giữa các Phó Thủ tướng.
2- Trong phạm vi công việc được phân công, Phó Thủ tướng có nhiệm vụ và quyền hạn:
2.1- Chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
2.2- Kiểm tra, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tổ chức thực hiện các quyết định của Chính phủ và của Thủ tướng, các chủ trương, chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực mình phụ trách; phát hiện và đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung. Nếu phát hiện các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành văn bản hoặc làm những việc trái pháp luật thì thay mặt Thủ tướng quyết định đình chỉ việc thi hành văn bản và việc làm sai trái đó, đồng thời đề ra biện pháp xử lý;
2.3- Giải quyết các vấn đề cụ thể phát sinh hàng ngày thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để xử lý những vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách chưa được Chính phủ quy định hoặc những vấn đề quan trọng khác;
2.4- Theo dõi về tổ chức bộ máy và cán bộ đến cấp Vụ và tương đương; chỉ đạo việc xử lý các vấn đề nội bộ trong các cơ quan thuộc lĩnh vực được phân công theo dõi.
3- Phó Thủ tướng thường trực, ngoài những nhiệm vụ trên, còn làm các nhiệm vụ sau đây:
3.1- Thực hiện việc phối hợp hoạt động giữa các Phó Thủ tướng, sử dụng bộ máy của Văn phòng Chính phủ để thường xuyên duy trì các hoạt động chung của Chính phủ;
3.2- Được Thủ tướng ủy quyền ký một số văn bản của Chính phủ;
3.3- Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, giải quyết công việc của Thủ tướng khi Thủ tướng vắng mặt;
3.4- Giải quyết công việc của Phó Thủ tướng khác khi Phó Thủ tướng đó vắng mặt.
4- Khi Phó Thủ tướng thường trực vắng mặt, Thủ tướng Chính phủ chỉ định một Phó Thủ tướng khác tạm thay làm nhiệm vụ thường trực.
5- Phó Thủ tướng có thể giải quyết một số vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp dưới nói tại Điểm 1.4, Điều 2 Quy chế này.
6- Các Phó Thủ tướng dành ngày thứ Hai hàng tuần họp với Thủ tướng Chính phủ để báo cáo và xin ý kiến giải quyết công việc.
7- Các quyết định giải quyết công việc của từng Phó Thủ tướng phải được Văn phòng Chính phủ tổ chức thông tin kịp thời cho Thủ tướng và các Phó Thủ tướng khác biết.
1- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ giải quyết các công việc sau đây:
1.1- Những công việc thuộc thẩm quyền được quy định trong Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ và các văn bản pháp luật khác;
1.2- Giải quyết hoặc xem xét để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết theo thẩm quyền những đề nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân về những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước của mình;
1.3- Tham gia ý kiến với Thủ trưởng cơ quan khác của Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền của cơ quan đó, nhưng có liên quan đến chức năng, ngành, lĩnh vực mình quản lý;
1.4- Tham gia giải quyết các công việc chung của tập thể Chính phủ và thực hiện một số công việc cụ thể theo sự ủy quyền của Thủ tướng.
2- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đề cao trách nhiệm cá nhân, sử dụng đúng quyền hạn được giao, không chuyển công việc thuộc chức năng, thẩm quyền của mình lên Thủ tướng hoặc cho các cơ quan khác và cũng không giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của cấp dưới, của cơ quan khác.
3- Khi cần thiết, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp làm việc với Thủ tướng (hoặc Phó Thủ tướng) để xin ý kiến chỉ đạo về những vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực của mình, đề xuất ý kiến với Thủ tướng (hoặc Phó Thủ tướng) về các công việc chung của Chính phủ.
4- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm cá nhân trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về toàn bộ công việc thuộc chức năng, thẩm quyền của mình, kể cả khi đã phân công hoặc ủy nhiệm cho cấp phó.
Điều 5. Phạm vi giải quyết công việc của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
1- Tổng hợp và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua các Chương trình công tác của Chính phủ; theo dõi, đôn đốc các cơ quan có liên quan thực hiện các Chương trình đó; chuẩn bị các đề án, Báo cáo kiểm điểm công tác hàng năm của Chính phủ và các báo cáo khác theo sự phân công của Thủ tướng.
2- Giúp Thủ tướng Chính phủ duy trì và kiểm điểm việc thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ.
3- Giúp Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng thường trực phối hợp các hoạt động của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
4- Đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những vấn đề về chủ trương, chính sách, luật pháp, cơ chế quản lý cần giao cho các cơ quan có liên quan nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ý kiến xử lý các công việc thường xuyên thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
5- Theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chuẩn bị các đề án; phân tích, tổng hợp và có ý kiến đánh giá độc lập về các đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
6- Tổ chức phục vụ các phiên họp Chính phủ, các cuộc họp của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng.
7- Tổ chức việc công bố, truyền đạt, theo dõi, kiểm tra các ngành, các cấp thực hiện các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
8- Quản lý thống nhất việc ban hành các văn bản của Chính phủ, của Thủ tướng và việc đăng các văn bản quy phạm pháp luật trên Công báo của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
9- Thống nhất quản lý và sử dụng mạng thông tin của Chính phủ, ứng dụng công nghệ tin học hiện đại vào công tác quản lý và thông tin giữa các cơ quan hành chính nhà nước.
10- Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy định về thủ tục hành chính trong xử lý công việc và về quản lý công văn giấy tờ trong các cơ quan hành chính nhà nước.
11- Hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ công tác văn phòng đối với Văn phòng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
12- Giúp Thủ tướng và Phó Thủ tướng thường trực xây dựng và thực hiện các Quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ với các cơ quan Đảng, Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của các đoàn thể nhân dân.
13- Bảo đảm các điều kiện làm việc cho các hoạt động chung của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ.
14- Giải quyết một số việc cụ thể theo sự ủy nhiệm của Thủ tướng (được cụ thể hóa trong từng văn bản ủy nhiệm của Thủ tướng).
1- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ khi giải quyết vấn đề thuộc thẩm quyền của mình có liên quan đến chức năng của cơ quan khác, nhất thiết phải hỏi ý kiến Thủ trưởng cơ quan đó; Thủ trưởng cơ quan được hỏi ý kiến có nghĩa vụ trả lời và phải chịu trách nhiệm về các ý kiến đó. Việc lấy ý kiến được thực hiện theo các quy định tại Khoản 3, Điều 12 Quy chế này.
2- Đối với những vấn đề vượt ra ngoài thẩm quyền và khả năng giải quyết của mình, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ phải chủ động làm việc với các cơ quan có liên quan để hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
3- Đối với một số vấn đề quan trọng liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương thì Thủ tướng Chính phủ có thể thành lập các tổ chức làm tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ để giải quyết. Nhiệm vụ, phương thức hoạt động, thành phần và thời gian tồn tại của các tổ chức tư vấn được Thủ tướng Chính phủ quy định trong văn bản thành lập.
1- Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có yêu cầu làm việc với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ về lĩnh vực quản lý ngành trên địa phương mình, cần chuẩn bị kỹ về nội dung và thông báo trước với cơ quan liên quan. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ phải trực tiếp (hoặc phân công cấp phó) gặp và làm việc với Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm giải quyết các đề nghị của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền của mình và phải trả lời bằng văn bản trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị (kể cả khi vấn đề đó vượt thẩm quyền hoặc không được giải quyết). Hết thời hạn đó, nếu chưa nhận được văn bản trả lời thì Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Thủ tướng biết để chỉ đạo cơ quan có trách nhiệm giải quyết hoặc Thủ tướng trực tiếp giải quyết theo trình tự quy định tại Chương III, Quy chế này.
3- Trường hợp các kiến nghị của địa phương thuộc thẩm quyền giải quyết của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ nhưng liên quan đến nhiều ngành thì Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị một cơ quan có liên quan đến nội dung chính trong bản kiến nghị của mình làm đầu mối giải quyết. Cơ quan được địa phương đề nghị làm đầu mối có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý các kiến nghị của địa phương. Các cơ quan liên quan phải trả lời rõ về từng vấn đề của địa phương nêu ra. Trường hợp các cơ quan liên quan không thống nhất được cách giải quyết thì cơ quan đầu mối báo cáo rõ các ý kiến khác nhau để Thủ tướng xem xét quyết định; đồng thời, thông báo cho địa phương liên quan biết. Thời gian từ khi nhận được đề nghị của địa phương đến khi hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng không quá 15 ngày.
4- Văn phòng Chính phủ làm đầu mối phối hợp với các cơ quan có liên quan, hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định những vấn đề địa phương đề nghị vượt quá thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ.
5- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thường xuyên phối hợp với Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan chuyên môn của Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện pháp luật và các quy định của ngành, lĩnh vực; quản lý chặt chẽ các đơn vị trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh, xử lý các việc làm sai trái của cấp dưới.
Điều 8. Thủ tục gửi công văn, tờ trình giải quyết công việc
1- Các thủ tục cần thiết khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết công việc:
1.1- Công văn, tờ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đoàn thể ở Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị các Tổng Công ty Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (hoặc ủy quyền cho cấp phó) ký và đóng dấu đúng thẩm quyền.
1.2- Đối với những vấn đề có liên quan đến chức năng của cơ quan khác, trong hồ sơ trình phải có ý kiến chính thức bằng văn bản của các cơ quan đó.
1.3- Đối với các đề án nói tại Điểm 2.2, Điều 9, phải kèm theo:
1.3.1- Tờ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thuyết minh rõ nội dung chính của đề án, luận cứ của các kiến nghị, các ý kiến khác nhau;
1.3.2- Văn bản của cơ quan thẩm định đề án theo quy định của pháp luật;
1.3.3- Báo cáo ý kiến tham gia của các cơ quan có liên quan, kể cả ý kiến của Hội đồng khoa học hoặc Hội đồng tư vấn (nếu có);
1.3.4- Dự thảo văn bản chính và dự thảo văn bản hướng dẫn thực hiện văn bản ấy. Các dự thảo phải quy định rõ ràng, cụ thể để khi văn bản chính được thông qua, có thể thực hiện được ngay;
1.3.5- Kế hoạch tổ chức thực hiện khi đề án được thông qua, văn bản được ban hành;
1.3.6- Các tài liệu cần thiết khác.
1.4- Hồ sơ trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phải được vào sổ văn thư của Văn phòng Chính phủ tại Hà Nội.
2- Các công văn, tờ trình giải quyết công việc chỉ gửi 1 bản, đến một địa chỉ là cơ quan có thẩm quyền (hoặc cơ quan được yêu cầu làm đầu mối) giải quyết; nếu cần gửi đến các cơ quan có liên quan để biết hoặc phối hợp thì chỉ ghi tên các cơ quan đó ở phần dưới công văn, tờ trình (mục nơi nhận).
LẬP VÀ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Điều 9. Các loại chương trình công tác
1- Chính phủ có Chương trình công tác năm, quý và tháng; Thủ tướng và các Phó Thủ tướng có Chương trình công tác tuần.
2.1- Chương trình công tác năm của Chính phủ gồm hai phần: Phần một thể hiện tổng quát các định hướng, các nhiệm vụ và các giải pháp lớn của Chính phủ trên tất cả các lĩnh vực công tác; phần hai bao gồm nội dung các phiên họp thường kỳ của Chính phủ và Danh mục các đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm.
2.2- Các đề án được quy định trong Quy chế này và được đưa vào Chương trình công tác của Chính phủ bao gồm:
2.2.1- Các báo cáo, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thể hiện các nội dung do tập thể Chính phủ quyết định nêu tại Điều 1 Quy chế này;
2.2.2- Các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ (không bao gồm các văn bản cá biệt nêu tại Khoản 2, Điều 1, Nghị định số 101/CP ngày 23 tháng 9 năm 1997 của Chính phủ);
2.2.3- Các báo cáo, dự án liên quan đến chính sách, cơ chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thẩm định và thuộc phạm vi quyết định, phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
2.3- Nội dung các phiên họp thường kỳ của Chính phủ gồm một số đề án nói tại Điểm 2.2.1 Điều này và do tập thể Chính phủ thảo luận, quyết định.
2.4- Các đề án ghi trong Chương trình công tác năm của Chính phủ phải xác định rõ do Chính phủ quyết định hay do Thủ tướng Chính phủ quyết định, cơ quan ( hoặc tiểu ban hay nhóm chuyên gia do Thủ tướng
Chính phủ thành lập) chủ trì chuẩn bị, cơ quan thẩm định và thời hạn trình từng đề án.
2.5- Thời hạn trình các đề án ghi trong Chương trình công tác năm phải dự kiến đến từng quý, từng tháng.
3- Chương trình công tác quý chỉ bao gồm phần Danh mục các đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nội dung các phiên họp Chính phủ trong quý nhằm bổ sung, điều chỉnh để chuẩn xác hóa về nội dung và thời gian của các đề án (trừ Chương trình quý I đã được xác định trong Chương trình năm).
4- Chương trình công tác tháng bao gồm phần Danh mục các đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nội dung phiên họp Chính phủ trong tháng, nhằm bổ sung, điều chỉnh để chuẩn xác hóa về nội dung và thời gian của các đề án trình (trừ chương trình tháng đầu qúy đã được xác định trong chương trình qúy).
5- Chương trình công tác tuần của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng bao gồm các hoạt động của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, theo từng ngày trong tuần.
Điều 10. Trình tự lập Chương trình công tác của Chính phủ
1- Chương trình công tác năm:
1.1- Chậm nhất vào ngày 15 tháng 11 hàng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi Văn phòng Chính phủ Danh mục những đề án cần trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm tới. Danh mục phải thể hiện rõ: tên đề án, cấp quyết định (Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ), cơ quan thẩm định, thời hạn trình của từng đề án. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đoàn thể nhân dân ở Trung ương cần đăng ký lịch làm việc với Thủ tướng về những nội dung quy định tại Khoản 3, Điều 2 và Khoản 1 Điều 30 Quy chế này.
1.2- Văn phòng Chính phủ dự thảo Chương trình công tác năm sau của Chính phủ và chậm nhất vào ngày 25 tháng 11 gửi lại cho các cơ quan, tổ chức có liên quan để tham gia ý kiến.
1.3-Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo Chương trình công tác của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức phải có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi Văn phòng Chính phủ để tổng hợp trình Thủ tướng xem xét cho ý kiến chỉ đạo, hoàn chỉnh và trình Chính phủ thông qua tại phiên họp thường kỳ cuối năm.
1.4- Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày Chính phủ thông qua Chương trình công tác năm, Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành và gửi các thành viên Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan biết, thực hiện.
2- Chương trình công tác quý:
2.1- Trong tháng cuối của mỗi quý, các cơ quan phải đánh giá tình hình thực hiện Chương trình công tác qúy đó, soát xét lại các đề án của quý tiếp theo đã ghi trong Chương trình năm và xem xét các vấn đề mới phát sinh để đề nghị điều chỉnh Chương trình công tác cho quý sau.
Chậm nhất là ngày 15 của tháng cuối quý, các cơ quan gửi dự kiến điều chỉnh Chương trình quý sau cho Văn phòng Chính phủ. Quá thời hạn trên, coi như không có nhu cầu điều chỉnh.
2.2- Văn phòng Chính phủ tổng hợp Chương trình công tác quý của Chính phủ (các đề án được phân theo các lĩnh vực do Thủ tướng Chính phủ và từng Phó Thủ tướng xử lý) trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và chậm nhất là ngày 20 của tháng cuối quý phải gửi Chương trình công tác qúy sau cho các cơ quan, tổ chức liên quan biết, thực hiện.
3- Chương trình công tác tháng:
3.1- Hàng tháng, các cơ quan căn cứ vào tiến độ chuẩn bị các đề án đã ghi trong Chương trình quý, những vấn đề còn tồn đọng và phát sinh thêm để đề nghị điều chỉnh Chương trình tháng sau. Đề nghị này phải gửi đến Văn phòng Chính phủ chậm nhất vào ngày 20 hàng tháng. Quá thời hạn trên, coi như cơ quan không có đề nghị điều chỉnh Chương trình.
3.2- Văn phòng Chính phủ tổng hợp Chương trình công tác tháng của Chính phủ, có phân theo các lĩnh vực do Thủ tướng và từng Phó Thủ tướng xử lý, trình Thủ tướng quyết định và chậm nhất là ngày 25 hàng tháng phải gửi Chương trình công tác tháng sau cho các cơ quan, tổ chức liên quan biết, thực hiện.
4- Chương trình công tác tuần:
Căn cứ Chương trình công tác tháng và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ phối hợp với các cơ quan liên quan, xây dựng Chương trình công tác tuần của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng quyết định và thông báo cho các cơ quan liên quan, tổ chức biết chậm nhất vào ngày thứ 7 tuần trước.
5- Văn phòng Chính phủ phải thường xuyên phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chủ tịch nước để xây dựng các Chương trình công tác của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng.
6- Khi có điều chỉnh Chương trình công tác, Văn phòng Chính phủ phải thông báo kịp thời cho các thành viên Chính phủ và Thủ trưởng các cơ quan liên quan biết.
7- Trình tự lập Dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết, Nghị định thực hiện theo quy định tại Nghị định số 101/CP ngày 23 tháng 9 năm 1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
Điều 11. Kế hoạch chuẩn bị các đề án
1- Căn cứ Chương trình công tác năm của Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan (hoặc nhóm chuyên gia được Thủ tướng, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ) chủ trì đề án (gọi tắt là chủ đề án) phải lập Kế hoạch chuẩn bị các đề án, trong đó xác định rõ danh mục các vấn đề cần phải hướng dẫn thi hành khi văn bản hoặc vấn đề chính được thông qua, phạm vi của từng đề án, các cơ quan phối hợp; bảo đảm thời hạn trình đề án đã được ấn định và gửi Kế hoạch chuẩn bị các đề án đến Văn phòng Chính phủ để theo dõi, đôn đốc thực hiện.
2- Nếu chủ đề án muốn thay đổi yêu cầu, phạm vi giải quyết vấn đề của đề án hoặc thời hạn trình thì phải báo cáo và được sự đồng ý của Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực đó.
Điều 12. Quan hệ phối hợp trong chuẩn bị đề án
1- Sự phối hợp trong khâu chuẩn bị đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là quyền hạn và trách nhiệm của các thành viên Chính phủ và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan.
2- Chủ đề án mời Thủ trưởng các cơ quan có liên quan đến bàn việc chuẩn bị đề án hoặc cử cán bộ tham gia chuẩn bị đề án. Cơ quan được mời có trách nhiệm cử người tham gia theo yêu cầu của chủ đề án. Người được cử là đại diện của cơ quan tham gia chuẩn bị đề án, phải thường xuyên báo cáo và xin ý kiến Thủ trưởng cơ quan trong quá trình tham gia xây dựng đề án.
Các hoạt động phối hợp xây dựng đề án trên đây không thay thế được các thủ tục xin ý kiến chính thức quy định tại Khoản 3 Điều này.
3- Sau khi đề án đã được chuẩn bị xong, chủ đề án phải xin ý kiến chính thức của các cơ quan liên quan bằng hình thức sau đây:
3.1- Tổ chức họp: chủ đề án phải gửi tài liệu cho các cơ quan được mời ít nhất 5 ngày trước ngày họp. Thủ trưởng cơ quan chủ đề án chủ trì cuộc thảo luận, giới thiệu nội dung và thu thập ý kiến để bổ sung hoàn chỉnh đề án, những ý kiến thảo luận phải được ghi vào biên bản, có chữ ký của chủ tọa cuộc họp.
Cơ quan được mời họp phải cử đại diện có đủ thẩm quyền đến họp, phát biểu ý kiến của Thủ trưởng cơ quan và phải báo cáo đầy đủ kết luận cuộc họp cho Thủ trưởng cơ quan biết. Trường hợp đại diện cơ quan được mời vắng mặt, chủ đề án gửi phần kết luận có liên quan cho cơ quan đó. Trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận được công văn, Thủ trưởng cơ quan được hỏi ý kiến phải trả lời bằng văn bản. Nếu quá thời hạn trên, Thủ trưởng cơ quan được hỏi ý kiến không trả lời, thì coi như đồng ý với đề án và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan.
3.2- Sử dụng hình thức công văn: Chủ đề án gửi bản thảo cuối cùng của đề án và hồ sơ kèm theo đến Thủ trưởng cơ quan có liên quan để lấy ý kiến. Thủ trưởng cơ quan được hỏi ý kiến có trách nhiệm phát biểu ý kiến chính thức của mình bằng văn bản, gửi chủ đề án trong thời hạn chậm nhất là 7 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị với đầy đủ hồ sơ cần thiết. Văn bản góp ý kiến phải chỉ rõ những điểm đồng ý, không đồng ý, những kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung. Nếu hồ sơ đề án chưa đủ rõ hoặc do vấn đề phức tạp cần có thêm thời gian nghiên cứu thì cơ quan được hỏi ý kiến có quyền yêu cầu chủ đề án làm rõ hoặc cung cấp thêm các tài liệu cần thiết và thỏa thuận lại thời hạn trả lời, nhưng tối đa không quá 15 ngày.
Nếu quá thời hạn trên, Thủ trưởng cơ quan được hỏi ý kiến không trả lời, thì coi như đồng ý với đề án và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan.
3.3- Riêng đối với các dự án luật, pháp lệnh còn phải thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 18 Nghị định số 101/CP ngày 23 tháng 9 năm 1997 của Chính phủ.
TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Điều 13. Hình thức giải quyết công việc hàng ngày của Thủ tướng
1- Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng xem xét, giải quyết công việc hàng ngày chủ yếu trên cơ sở Phiếu trình của Văn phòng Chính phủ.
2- Văn phòng Chính phủ chỉ trình Thủ tướng, Phó Thủ tướng những vấn đề thuộc phạm vi giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng quy định tại Điều 1, Điều 2, Điều 3 và có đủ thủ tục quy định tại Điều 8 Quy chế này.
Điều 14. Văn phòng Chính phủ chuẩn bị Phiếu trình
Khi nhận được hồ sơ của các cơ quan gửi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ:
1- Kiểm tra về mặt thủ tục: Nếu công văn gửi trình không đúng quy định tại Điều 8 Quy chế này, trong vòng 2 ngày, Văn phòng Chính phủ phải trả lại cho cơ quan trình và yêu cầu chuẩn bị thêm. Đối với những vấn đề phải giải quyết gấp, thì Văn phòng Chính phủ làm phiếu báo cho cơ quan trình bổ sung thêm thủ tục; đồng thời, báo cáo Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng biết.
2- Kiểm tra về mặt nội dung:
2.1- Nếu nội dung vấn đề trình không thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, trong vòng 3 ngày, Văn phòng Chính phủ phải trả lại cho cơ quan trình và nêu rõ lý do trả lại.
2.2- Nếu trong nội dung trình còn có những vấn đề chưa rõ hoặc còn có ý kiến khác nhau, Văn phòng Chính phủ yêu cầu chủ đề án giải trình thêm hoặc tổ chức họp với chủ đề án và các cơ quan liên quan để xử lý, trước khi báo cáo Thủ tướng quyết định.
3- Chậm nhất là 3 ngày (hoặc 7 ngày nếu là những đề án quy định tại Điểm 2.2, Điều 9 Quy chế này) kể từ khi nhận được hồ sơ đúng thủ tục, Văn phòng Chính phủ phải hoàn chỉnh Phiếu trình Thủ tướng (hoặc Phó Thủ tướng) giải quyết. Phiếu trình phải ghi rõ và trung thành ý kiến của các cơ quan, kể cả các ý kiến khác nhau; ý kiến đề xuất của chuyên viên trực tiếp theo dõi và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, có kèm theo các hồ sơ cần thiết.
Điều 15. Xử lý Phiếu trình và thông báo kết quả
1- Đối với các nội dung trình không thuộc các đề án nói tại Điểm 2.2, Điều 9 Quy chế này, chậm nhất 2 ngày kể từ ngày Văn phòng Chính phủ trình, Thủ tướng (hoặc Phó Thủ tướng) có ý kiến chính thức vào Phiếu trình.
2- Đối với các nội dung trình là các đề án nói tại Điểm 2.2, Điều 9 Quy chế này, nếu Thủ tướng (hoặc Phó Thủ tướng) cần tham khảo ý kiến tư vấn của các chuyên gia hoặc yêu cầu chủ đề án và cơ quan liên quan trình bày thêm trước khi quyết định thì Văn phòng Chính phủ chuẩn bị kỹ các nội dung và tổ chức để Thủ tướng (hoặc Phó Thủ tướng) làm việc với các chuyên gia, chủ để án và các cơ quan này. Thời gian Thủ tướng, Phó Thủ tướng ra quyết định xử lý cuối cùng các đề án này không quá 10 ngày.
3- Riêng đối với các đề án thuộc quyền quyết định của tập thể Chính phủ nói tại Điểm 2.2.1, Điều 9 Quy chế này, sau khi đã xem xét, tùy tính chất và mức độ chuẩn bị của từng đề án, Thủ tướng (hoặc Phó Thủ tướng) quyết định:
3.1- Cho trình đề án ra phiên họp Chính phủ;
3.2- Hoãn việc trình đề án ra phiên họp Chính phủ để chuẩn bị thêm, nếu xét thấy đề án chưa đạt yêu cầu;
3.3- Cho áp dụng hình thức Phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ quy định tại Khoản 2, Điều 1 Quy chế này.
4- Trong thời hạn 5 ngày, kể từ khi nhận được ý kiến quyết định cuối cùng của Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ phải hoàn chỉnh dự thảo văn bản trình Thủ tướng, Phó Thủ tướng ký ban hành.
Đối với các trường hợp không cần thiết phải ra văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, theo chỉ đạo của Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng, trong thời hạn 5 ngày nói trên, Văn phòng Chính phủ thông báo bằng văn bản cho cơ quan trình và các cơ quan liên quan biết.
5- Chậm nhất 20 ngày, kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ của cơ quan trình Thủ tướng Chính phủ, nếu chưa có quyết định cuối cùng của Thủ tướng, Phó Thủ tướng thì Văn phòng Chính phủ phải gửi công văn thông báo cho cơ quan trình biết rõ lý do.
Điều 16. Chuẩn bị và triệu tập họp
1- Thủ tướng triệu tập phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Trong trường hợp xét thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của ít nhất 1/3 tổng số thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triệu tập phiên họp bất thường.
2- Phiên họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ bắt đầu vào ngày Thứ Tư cuối cùng trong tháng. Tùy theo yêu cầu giải quyết công việc, Thủ tướng có thể quyết định đổi ngày họp nhưng phải thông báo trước cho các thành viên Chính phủ ít nhất 5 ngày trước ngày phiên họp bắt đầu.
3- Chậm nhất 10 ngày (trường hợp đặc biệt là 5 ngày) trước phiên họp Chính phủ, Chủ đề án phải gửi hồ sơ đề án đã được Thủ tướng (hoặc Phó Thủ tướng) xem xét và cho trình ra phiên họp theo quy định tại Điểm 3.1, Điều 15 Quy chế này cho Văn phòng Chính phủ. Số lượng bộ hồ sơ gửi trình Chính phủ để thông qua tại phiên họp thường kỳ là 100 bộ (trừ trường hợp có thông báo khác của Văn phòng Chính phủ).
4- Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ:
4.1- Kiểm tra, tổng hợp các hồ sơ đề án trình ra phiên họp;
4.2- Chuẩn bị Chương trình nghị sự phiên họp, dự kiến thành phần họp, trình Thủ tướng quyết định;
4.3- Gửi giấy mời họp và tài liệu họp đến các thành viên Chính phủ và đại biểu được mời trước khi họp ít nhất là 5 ngày, trừ trường hợp họp bất thường.
Điều 17. Thành phần dự họp Chính phủ
1- Các Thành viên Chính phủ phải tham dự đầy đủ các phiên họp Chính phủ. Thành viên Chính phủ vắng mặt vì lý do sức khỏe hoặc được Thủ tướng cho phép đi công tác, có thể ủy nhiệm cho cấp phó đi họp thay nhưng phải được Thủ tướng đồng ý và phải chịu trách nhiệm về ý kiến của người do mình ủy nhiệm. Người đi họp thay phải phát biểu ý kiến của người đã ủy nhiệm và phải báo cáo kết quả phiên họp với người đã ủy nhiệm, không được tham gia biểu quyết tại phiên họp.
2- Phiên họp Chính phủ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 tổng số thành viên của Chính phủ tham dự.
3- Thủ tướng Chính phủ mời Chủ tịch nước tham dự các phiên họp của Chính phủ. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, người đứng đầu cơ quan trung ương các đoàn thể nhân dân, đại diện các Ban của Đảng và các ủy ban khác của Quốc hội được mời tham dự phiên họp Chính phủ khi thảo luận những vấn đề có liên quan.
4- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thừa lệnh Thủ tướng Chính phủ, mời Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đại biểu khác dự họp Chính phủ khi cần thiết.
Đại biểu không phải là thành viên Chính phủ được mời phát biểu ý kiến, nhưng không tham gia biểu quyết.
Điều 18. Trình tự phiên họp Chính phủ:
1- Thủ tướng Chính phủ chủ tọa phiên họp Chính phủ. Khi Thủ tướng Chính phủ vắng mặt, Phó Thủ tướng thường trực thay Thủ tướng chủ tọa phiên họp.
2- Các Phó Thủ tướng chủ trì việc thảo luận các đề án trình Chính phủ theo lĩnh vực được phân công.
3- Phiên họp Chính phủ được tiến hành theo trình tự sau đây:
3.1- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo số thành viên Chính phủ có mặt, vắng mặt, những người dự họp thay và những người được mời tham dự; thông báo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phiên họp;
3.2- Chủ tọa điều khiển phiên họp;
3.3- Chính phủ thảo luận từng đề án theo trình tự:
3.3.1- Chủ đề án trình bày báo cáo tóm tắt đề án, nêu rõ những vấn đề cần xin ý kiến Chính phủ, không đọc toàn văn đề án. Nếu vấn đề cần xin ý kiến đã được thuyết minh rõ trong tờ trình thì chủ đề án không phải trình bày thêm;
3.3.2- Các thành viên Chính phủ phát biểu ý kiến, nói rõ tán thành hay không tán thành điểm nào trong đề án. Thời gian mỗi lần phát biểu tối đa không quá 15 phút;
3.3.3- Chủ đề án phát biểu ý kiến cuối cùng về những điểm chưa nhất trí;
3.3.4- Phó Thủ tướng chủ trì thảo luận đề án kết luận và lấy biểu quyết của Chính phủ;
3.3.5- Nếu thấy vấn đề thảo luận chưa đủ rõ, Thủ tướng đề nghị Chính phủ chưa thông qua đề án và yêu cầu chuẩn bị thêm;
3.4- Trường hợp xét thấy cần thiết, Thủ tướng quyết định việc thành viên Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ báo cáo, thông báo với Chính phủ một số thông tin cần thiết; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tình hình hoạt động của Chính phủ giữa hai lần họp;
3.5- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình Chính phủ thông qua Nghị quyết phiên họp Chính phủ. Nghị quyết phải ghi rõ các vấn đề đã thông qua, chưa thông qua tại phiên họp, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện Nghị quyết;
3.6- Chủ tọa phát biểu kết thúc phiên họp Chính phủ.
Điều 19. Biên bản phiên họp Chính phủ
1- Biên bản phiên họp Chính phủ phải ghi đầy đủ các ý kiến phát biểu và diễn biến của phiên họp, ý kiến kết luận của người chủ trì thảo luận và của Chủ tọa, các kết qủa biểu quyết. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tổ chức việc ghi biên bản và trực tiếp hoặc ủy nhiệm cho Phó Chủ nhiệm ký biên bản phiên họp Chính phủ.
2- Biên bản phiên họp cùng với các tài liệu lưu hành trong phiên họp được lưu vào hồ sơ Nhà nước và được bảo quản theo chế độ bảo mật.
Điều 20. Công bố Nghị quyết phiên họp Chính phủ
1- Ngay sau khi phiên họp kết thúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hoàn chỉnh dự thảo, trình Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ và gửi cho các thành viên Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai thực hiện, đồng thời gửi cho các cơ quan, tổ chức hữu quan và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng (trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước).
2- Việc ban hành các văn bản đã được Chính phủ thông qua tại phiên họp thực hiện theo quy định tại Chương V Quy chế này.
BAN HÀNH VÀ CÔNG BỐ CÁC VĂN BẢN CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
1- Chậm nhất 5 ngày kể từ khi kết thúc phiên họp Chính phủ, hoặc kể từ khi Thủ tướng đã quyết định về các đề án nói ở Khoản 4, Điều 15 Quy chế này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng chủ đề án hoàn chỉnh dự thảo văn bản trình Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng ký ban hành.
2- Các văn bản hướng dẫn thi hành nghị quyết, nghị định của Chính phủ phải được chuẩn bị cùng lúc với dự thảo nghị quyết, nghị định và phải ban hành trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành văn bản của Chính phủ. Trường hợp các cơ quan phải phối hợp ra văn bản hướng dẫn liên tịch, thì thời hạn chậm nhất cũng không được quá 20 ngày, kể từ ngày ban hành văn bản của Chính phủ.
Điều 22. Thẩm quyền ký các văn bản
1- Thủ tướng Chính phủ ký các nghị quyết, nghị định của Chính phủ và các quyết định, chỉ thị của Thủ tướng về những chủ trương, chính sách quan trọng, về tổ chức bộ máy và nhân sự.
2- Phó Thủ tướng phụ trách các lĩnh vực công tác ký thay Thủ tướng Chính phủ các quyết định, chỉ thị, các văn bản để xử lý các vấn đề cụ thể nảy sinh theo lĩnh vực được Thủ tướng Chính phủ phân công phụ trách.
3- Ngoài các văn bản nói tại Khoản 2, Điều này, Phó Thủ tướng thường trực còn được Thủ tướng Chính phủ ủy nhiệm ký một số văn bản nêu tại Khoản 1, Điều này.
4- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thừa ủy quyền Thủ tướng ký một số văn bản hành chính khi được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền.
5- Ngoài việc ký các văn bản thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký các văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (hoặc Phó Thủ tướng) để các cơ quan có liên quan biết, thực hiện. Các văn bản này chỉ có giá trị thông tin, đôn đốc, không thay thế các văn bản quy phạm pháp luật.
6- Các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng thuộc về chính sách, chế độ phải được thể hiện thành văn bản do Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng ký.
1- Các nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các quyết định, chỉ thị, thông tư do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ ban hành, văn bản quy phạm pháp luật liên tịch của các cơ quan ở Trung ương, đều được công bố công khai theo quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 101/CP ngày 23 tháng 9 năm 1997 của Chính phủ; đồng thời, được cập nhật vào mạng tin học diện rộng của Chính phủ.
2- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tổ chức việc cập nhật văn bản trên mạng tin học diện rộng của Chính phủ và đăng Công báo theo quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 101/CP và Quy chế này.
THANH TRA, KIỂM TRA VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
1- Tổ chức công tác thanh tra và kiểm tra các ngành, các cấp thực hiện các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trực tiếp giải quyết và chỉ đạo cơ quan thuộc quyền tiếp công dân, xét và giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân và cán bộ, nhân viên về những việc thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách.
2- Thực hiện thẩm quyền kiến nghị, tạm đình chỉ, đình chỉ, bãi bỏ các văn bản trái pháp luật; ra quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trước pháp luật về những quyết định và kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đó.
3- Giải quyết kịp thời các vụ việc thanh tra và kiểm tra, các đơn thư khiếu nại và tố cáo của công dân thuộc thẩm quyền và các vụ việc do Thủ tướng trực tiếp giao hoặc do Thanh tra Nhà nước, các cơ quan của Đảng và Nhà nước chuyển đến.
4- Gửi Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Tổng Thanh tra Nhà nước các quyết định và kết luận thanh tra; các quyết định và kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân do mình giải quyết.
5- Trực tiếp xem xét, giải quyết các đơn thư tố cáo cán bộ, tổ chức cấp dưới trực tiếp, không chuyển hồ sơ cho cấp đó tự giải quyết.
6- Tổ chức, chỉ đạo thực hiện triệt để các kết luận giải quyết khiếu nại của Thanh tra Nhà nước, kết luận liên ngành và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo kết qủa với Tổng Thanh tra Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ.
Điều 25. Trách nhiệm của Tổng Thanh tra Nhà nước
1- Trực tiếp thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành công tác thanh tra; tiếp dân, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và các vụ việc do Thủ tướng trực tiếp giao; xem xét và ra quyết định giải quyết khiếu nại đối với các quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2- Trong các phiên họp thường kỳ của Chính phủ vào tháng đầu mỗi quý, Tổng Thanh tra Nhà nước báo cáo tổng hợp tình hình thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong cả nước; đánh giá những ưu điểm, nhược điểm, các giải pháp khắc phục và kiến nghị biện pháp xử lý đối với những Bộ, ngành, địa phương có nhiều sai phạm.
3- Đề nghị Thủ tướng triệu tập lãnh đạo các cơ quan trung ương, địa phương liên quan họp đề xuất các biện pháp để Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo xử lý đối với các vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, địa phương.
Điều 26. Trách nhiệm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
1- Phối hợp với Thanh tra Nhà nước tổ chức tiếp nhận, phân loại các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Thủ tướng Chính phủ và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho ý kiến chỉ đạo, giao cho các Bộ, ngành, địa phương giải quyết; trực tiếp xem xét các vụ việc do Thủ tướng Chính phủ (hoặc Phó Thủ tướng) giao.
2- Đôn đốc, kiểm tra các cơ quan trung ương, địa phương báo cáo kết quả giải quyết các vụ việc do Thủ tướng Chính phủ giao và các quyết định của Tổng Thanh tra Nhà nước đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thực hiện. Trong trường hợp nhận thấy các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, nhưng trái với pháp luật hoặc xuất hiện những tình tiết mới làm cho các quyết định đó không còn đúng pháp luật nữa thì trình Thủ tướng Chính phủ giao Tổng Thanh tra Nhà nước xem xét giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả giải quyết trong thời hạn 30 ngày.
3- Thừa lệnh Thủ tướng Chính phủ trả lời cho các đương sự có đơn thư trong những trường hợp cần thiết.
TIẾP KHÁCH NƯỚC NGOÀI, HỘI HỌP, ĐI CÔNG TÁC
Điều 27. Tiếp khách nước ngoài
1- Ngoài các cuộc tiếp các đoàn khách cấp cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế theo các quy định và chương trình của Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng thực hiện các cuộc tiếp khách nước ngoài khác bao gồm tiếp xã giao, tiếp làm việc (chính thức hoặc không chính thức) theo đề nghị của các cơ quan và các đề nghị trực tiếp của khách đến Thủ tướng, các Phó Thủ tướng.
1.1- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, xét thấy cần Thủ tướng (hoặc Phó Thủ tướng) tiếp khách nước ngoài, phải thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
1.1.1- Gửi công văn đề nghị tiếp khách đến Văn phòng Chính phủ ít nhất 7 ngày trước ngày dự kiến tiếp và kèm theo các hồ sơ cần thiết: Nội dung và hình thức cuộc tiếp; thành phần và tiểu sử tóm tắt Trưởng đoàn và một số thành viên đáng chú ý trong đoàn khách; hoạt động của khách cũng như của tổ chức cấp trên của khách ở nước ngoài; thành phần phía Việt Nam; các đề xuất và kiến nghị;
1.1.2- Trường hợp khách nước ngoài là người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài hoặc của các tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, liên Chính phủ và nội dung làm việc có liên quan đến quan hệ chính trị đối ngoại thì cơ quan đề nghị tiếp khách phải trao đổi và có ý kiến chính thức bằng văn bản của Bộ Ngoại giao;
1.1.3- Phối hợp với Văn phòng Chính phủ chuẩn bị các nội dung tiếp và tổ chức thực hiện các kết quả của cuộc tiếp.
1.2- Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ:
1.2.1- Trình Thủ tướng Chính phủ (hoặc Phó Thủ tướng) tiếp khách theo đề nghị của các cơ quan nói tại Điểm 1.1 Điều này hoặc đề nghị trực tiếp của khách và thông báo kịp thời ý kiến của Thủ tướng (hoặc Phó Thủ tướng) cho các cơ quan liên quan biết;
1.2.2- Phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung cuộc tiếp và tổ chức phục vụ cuộc tiếp;
1.2.3- Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện các kết quả đạt được tại cuộc tiếp.
1.2.4- Quyết định cụ thể việc phóng viên báo chí quay phim, chụp ảnh và đưa tin đối với từng cuộc tiếp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (hoặc Phó Thủ tướng),
1.3- Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh cho các cuộc tiếp.
1.4- Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm phối hợp phục vụ cuộc tiếp, bảo đảm các yêu cầu về chính trị đối ngoại, về các nghi thức và tập quán tiếp khách quốc tế.
2- Việc tiếp khách nước ngoài của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
2.1- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định tiếp khách nước ngoài do các đơn vị trực thuộc hoặc các cơ quan trung ương và địa phương khác đề nghị, nhưng phải có công văn nêu rõ nội dung, thời gian và thành phần tiếp;
2.2- Đối với khách là doanh nhân nước ngoài, trước khi tiếp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tham khảo ý kiến của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan trung ương có liên quan;
2.3- Sau cuộc tiếp, nếu có vấn đề cần giải quyết nhưng không thuộc thẩm quyền của cơ quan mình thì phải gửi văn bản đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết; sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ trưởng Ngoại giao và Thủ trưởng cơ quan có liên quan.
2.4- Chi phí tiếp khách nước ngoài phải phù hợp với các quy định hiện hành của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Điều 28. Tổ chức cuộc họp của các cơ quan Trung ương
1- Mỗi năm ít nhất 1 lần, Thủ tướng Chính phủ (hoặc Phó Thủ tướng) họp với lãnh đạo từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để kiểm điểm việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; hướng dẫn việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách mới ban hành.
2- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khi cần tổ chức hội nghị có mời lãnh đạo nhiều Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hoặc các hội nghị tổng kết công tác (hàng năm hoặc một số năm) trong cả nước, trong từng vùng lớn thì phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý trước về nội dung, thành phần, thời gian và địa điểm họp. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có quyền quyết định tổ chức các cuộc họp cán bộ trong ngành để bàn về nội dung chuyên môn hoặc tập huấn nghiệp vụ. Tất cả các cuộc họp này phải được tổ chức ngắn gọn, thiết thực và tiết kiệm.
3- Trong thời gian Quốc hội họp, Chính phủ họp, các thành viên Chính phủ không được đi công tác nước ngoài, đi địa phương xa. Trường hợp đặc biệt phải báo cáo và nếu được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thì thông báo cho Văn phòng Chính phủ biết địa chỉ, số máy điện thoại nơi đến công tác để liên hệ khi cần thiết.
1- Mỗi năm ít nhất một lần, Thủ tướng Chính phủ họp với các Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước để triển khai thực hiện Kế hoạch kinh tế - xã hội, Ngân sách nhà nước và bàn một số chủ trương, biện pháp về quản lý nhà nước.
1.1- Chánh Văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Giám đốc Sở có liên quan được tham dự họp.
1.2- Các báo cáo tại hội nghị phải được chuẩn bị như chuẩn bị các đề án trình Chính phủ và gửi cho các đại biểu trước khi họp ít nhất 5 ngày.
1.3- Tại hội nghị, chủ đề án chỉ trình bày báo cáo tóm tắt đề án và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để hội nghị thảo luận và quyết định.
1.4- Sau cuộc họp, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt các nội dung đã kết luận trong cuộc họp và triển khai thực hiện các công việc có liên quan tại địa phương.
2- Khi cần thiết, Thủ tướng Chính phủ triệu tập Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương họp để phối hợp giải quyết một số chuyên đề quan trọng liên quan đến nhiều địa phương:
2.1- Thủ tướng Chính phủ phân công một Phó Thủ tướng hoặc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan và địa phương liên quan tổ chức điều tra, khảo sát tình hình, nghiên cứu xây dựng các đề án cụ thể trình Thủ tướng xem xét trước khi tổ chức hội nghị;
2.2- Hồ sơ cuộc họp phải gửi cho các đại biểu ít nhất 5 ngày trước ngày họp và tại cuộc họp chỉ trình bày tóm tắt, có kết luận rõ ràng;
2.3- Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tham gia chuẩn bị các đề án, cử người đúng thành phần dự họp và triển khai thực hiện tại địa phương mình các kết luận của cuộc họp.
3- Trong trường hợp cần giải quyết vấn đề đột xuất, cấp bách, hoặc những vấn đề của địa phương, không liên quan đến các cơ quan trung ương, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể trực tiếp làm việc hoặc báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (hoặc Phó Thủ tướng).
Điều 30. Đi công tác địa phương
1- Theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và đề nghị của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Văn phòng Chính phủ lập chương trình của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ đi thăm và làm việc chính thức với Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để kiểm tra tình hình thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc chỉ đạo của các cơ quan trung ương và địa phương, kịp thời giúp địa phương khắc phục các khó khăn; khảo sát tình hình thực tế, tiếp xúc với nhân dân; nghiên cứu kinh nghiệm và mô hình tiên tiến và uốn nắn các lệch lạc (nếu có).
1.1- Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chủ tịch nước trong việc bố trí lịch cho các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước thăm và làm việc tại các địa phương.
1.2- Nội dung làm việc của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến cơ quan nào thì cơ quan đó phải chuẩn bị trước. Nếu địa phương có các vấn đề kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý, thì phải gửi trình Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi các cơ quan liên quan ít nhất 20 ngày trước ngày Thủ tướng Chính phủ đến làm việc theo lịch đã đăng ký trong Chương trình công tác năm nêu tại Khoản 1, Điều 10 Quy chế này.
1.3- Các cuộc thăm và làm việc chính thức phải được Văn phòng Chính phủ thông báo trước cho địa phương ít nhất 5 ngày.
1.4- Văn phòng Chính phủ phối hợp với các cơ quan liên quan của Chính phủ và của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chuẩn bị chương trình làm việc của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ với địa phương và trình Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng quyết định nội dung, thời gian và thành phần của Đoàn công tác.
1.5- Tổng số người tham gia Đoàn công tác (kể cả phục vụ) của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng không quá 30 người.
1.6- Nếu đi công tác các địa phương ngoài Hà Nội bằng ô tô thì Văn phòng Chính phủ tổ chức xe đi chung cho Đoàn.
1.7- Khi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng về làm việc, địa phương tuyệt đối không tổ chức các nghi lễ đón tiếp; không tổ chức đón, tiễn tại địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
1.8- Bộ Nội vụ bảo đảm an toàn cho Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng tại các địa phương.
2- Thành viên Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ dành thời gian đi kiểm tra đột xuất ở cơ sở, phường, xã..., khảo sát thực tế để tổng kết các mô hình, gặp gỡ tiếp xúc với nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân.
Tùy nội dung từng chuyến công tác để có hình thức tổ chức đi thích hợp, bảo đảm thiết thực và tiết kiệm, có thể báo trước hoặc không báo trước cho địa phương.
3- Khi các địa phương gặp thiên tai, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ gây thiệt hại nặng về người và tài sản, Thủ tướng Chính phủ quyết định các hình thức sau:
3.1- Gửi điện thăm hỏi, chỉ thị cho các ngành, các cấp tổ chức khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân;
3.2- Đích thân Thủ tướng Chính phủ tới hiện trường thăm và chỉ đạo công việc hoặc thành lập Đoàn công tác liên ngành do một Phó Thủ tướng hay một Bộ trưởng phụ trách để chỉ đạo công tác phòng, tránh và khắc phục thiệt hại. Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Trưởng Đoàn công tác liên ngành quyết định tại chỗ một số biện pháp trợ giúp khẩn cấp của Trung ương. Đoàn công tác có trách nhiệm báo cáo tình hình và đề xuất các biện pháp xử lý tiếp theo.
Các Đoàn công tác của Chính phủ phải gọn, có hiệu lực và hoạt động có hiệu quả, tránh gây phiền hà cho lãnh đạo và nhân dân địa phương.
Điều 31. Đi công tác nước ngoài
1- Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng đi công tác nước ngoài:
1.1- Theo đề nghị của Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ lập Chương trình đi thăm và làm việc tại nước ngoài của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
1.2- Bộ Ngoại giao phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan chuẩn bị nội dung chương trình làm việc của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng tại nước ngoài và thành phần của Đoàn công tác, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
1.3- Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức, phục vụ các chuyến đi thăm và làm việc tại nước ngoài của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng. Các cơ quan liên quan theo chức năng và nhiệm vụ của mình, phối hợp với Bộ Ngoại giao thực hiện tốt công tác này theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng.
1.4- Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan liên quan lập báo cáo kết quả chuyến đi và đề xuất các công việc cần triển khai để thực hiện các kết quả đạt được, trình Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng.
2- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đi thăm hoặc công tác nước ngoài phải tuân theo các quy định sau đây:
2.1- Có công văn xin phép Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ mục đích và nội dung chuyến đi, nơi đi, thành phần và số lượng người tham gia đoàn đi, thời gian ở nước ngoài, dự kiến những vấn đề nảy sinh và hướng giải quyết; ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan (nếu có). Văn bản này phải gửi đến Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan trước ngày dự kiến xuất cảnh ít nhất 15 ngày;
2.2- Phải thực hiện đúng các quy định hiện hành về phân cấp quản lý đoàn ra, đoàn vào;
2.3- Chậm nhất là 5 ngày, kể từ ngày kết thúc chuyến đi phải có báo cáo bằng văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ trưởng Ngoại giao và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan;
2.4- Chi phí cho các chuyến đi thăm và làm việc tại nước ngoài phải theo đúng các quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Điều 32. Công tác báo cáo, thông tin trong bộ máy hành chính
1- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ:
1.1- Củng cố các bộ phận chuyên trách công tác thông tin, báo cáo giúp cơ quan lãnh đạo nắm được tình hình chủ yếu diễn ra hàng ngày trong toàn ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách;
1.2- Gửi Thủ tướng Chính phủ các báo cáo định kỳ (tháng, quý, 6 tháng, năm), báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;
1.3- ủy quyền thường xuyên cho Chánh Văn phòng cơ quan mình ký các báo cáo đột xuất, báo cáo hàng tuần; tổ chức cập nhật vào mạng tin học diện rộng của Chính phủ các loại báo cáo, thông tin điều hành, các chương trình công tác và thông tin về các hoạt động hàng ngày của lãnh đạo cơ quan, các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan mình ban hành (trừ các thông tin mật);
1.4- Chuẩn bị các báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để trình các cơ quan cấp trên theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ;
1.5- Thường xuyên trao đổi thông tin với các cơ quan trung ương và địa phương có liên quan. Thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin khi nhận được yêu cầu hợp lệ của các cơ quan, địa phương khác. Mời cán bộ chuyên trách của Văn phòng Chính phủ tham dự các buổi giao ban khi cần thiết, các cuộc họp sơ kết, tổng kết công tác của cơ quan, địa phương mình.
2- Nội dung, thời hạn và phương thức gửi báo cáo do Thủ tướng Chính phủ quy định.
3- Ngoài nhiệm vụ như các Bộ trưởng khác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ còn phải thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
3.1- Tổ chức việc cung cấp thông tin hàng ngày cho Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng về các vấn đề đã và đang được Thủ tướng, các Phó Thủ tướng giải quyết; các vấn đề quan trọng do các cơ quan trung ương, địa phương gửi trình Thủ tướng Chính phủ và một số thông tin kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và tình hình quốc tế nổi bật trong ngày;
3.2- Tổ chức việc điểm báo hàng ngày trình Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng, thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng (hoặc Phó Thủ tướng) xử lý các vấn đề báo nêu cho các cơ quan liên quan và theo dõi việc thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng;
3.3- Tổ chức trao đổi thông tin và tham gia phiên họp giao ban hàng tuần với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội và các Ban của Đảng;
3.4- Báo cáo tổng hợp nửa tháng về hoạt động của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng gửi lãnh đạo một số cơ quan cấp cao của Đảng và Nhà nước;
3.5- Báo cáo tổng hợp hàng tháng về sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tình hình nổi bật về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại gửi các Thành viên Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lãnh đạo một số cơ quan khác của Đảng và Nhà nước, ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể nhân dân ở Trung ương;
3.6- Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các cơ quan thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo và tổ chức khai thác các thông tin này phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
4- Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, ngoài các nhiệm vụ nêu tại Khoản 1 Điều này, còn phải thông báo tổng hợp về tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước trong kỳ tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư để làm thông báo và phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Điều 33. Thông tin về hoạt động của chính quyền cho nhân dân
1- Thành viên Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thông tin cho các cơ quan báo chí và nhân dân về các quyết định quan trọng thuộc thẩm quyền ban hành và việc thực hiện các chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước thông qua nhiều hình thức khác nhau.
1.1- Thủ tướng Chính phủ (Phó Thủ tướng) trực tiếp hoặc ủy quyền cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hoặc cho Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, họp báo định kỳ hàng tháng, họp báo sau phiên họp Chính phủ, sau các cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương, ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của các đoàn thể nhân dân và tiếp khách quốc tế v.v....
1.2- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hoặc Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ thường xuyên cung cấp thông tin cho báo chí về hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định.
1.3- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ:
1.3.1- Duy trì mối quan hệ thường xuyên và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thông tin đại chúng trong việc cung cấp các thông tin chính xác, kịp thời về các sự kiện xẩy ra trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình;
1.3.2- Tổ chức họp báo định kỳ hàng tháng, họp báo trước hoặc sau khi ban hành các văn bản quan trọng, khi triển khai các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, khi xẩy ra các sự kiện đáng chú ý khác;
1.3.3- Tổ chức việc yết thị, phát hành miễn phí các văn bản, các quy định có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của công dân;
1.3.4- Thường xuyên điểm báo và thực hiện việc trả lời trên báo chí theo đề nghị của các cơ quan báo chí hoặc theo yêu cầu của Thủ tướng; yêu cầu cơ quan báo chí đã đăng, phát các tin, bài có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, vu khống phải cải chính, hoặc thực hiện quyền khởi kiện ra Tòa án theo quy định của pháp luật;
1.3.5- Tăng cường quản lý công tác thông tin, báo chí và có quy chế họp báo, cung cấp thông tin trong nội bộ cơ quan, ngành, địa phương mình; không để lộ các thông tin mật của Nhà nước ra ngoài.
1.4- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo kế hoạch họp báo hàng năm của mình với cơ quan Văn hóa - Thông tin đồng cấp, không phải xin phép cho từng lần họp báo.
2- Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức của Nhà nước, các đoàn thể nhân dân phải có các hình thức công khai về tình hình thu và sử dụng các quỹ có huy động đóng góp của nhân dân (ngoài nghĩa vụ thuế nộp cho Nhà nước). Khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng hoặc sử dụng quỹ sai mục đích, lãng phí thì người có đóng góp và phóng viên báo chí trong nước được quyền yêu cầu người quản lý và thủ trưởng cơ quan đã quyết định huy động đóng góp, phải cung cấp và giải trình đầy đủ các số liệu này mà không có bất cứ một hạn chế nào.
3- Các cuộc họp, làm việc, tiếp khách của các cơ quan Chính phủ, cơ quan chính quyền địa phương nếu có nhu cầu đưa tin trên đài, báo thì có thể mời phóng viên báo chí đến quay phim, chụp ảnh 5 phút trước khi khai mạc. Sau phiên họp, cơ quan tổ chức họp báo thông báo kết quả phiên họp (nếu được người chủ trì cuộc họp đồng ý).
1- Thông tấn xã Việt Nam cùng Bộ Ngoại giao thực hiện việc điểm tin trên các báo nước ngoài và thường xuyên cung cấp thông tin đối ngoại cho Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ.
2- Bộ trưởng Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan trung ương và địa phương liên quan tổ chức việc thông tin thường xuyên tình hình của đất nước cho báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam.
3- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hoặc Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin tổ chức họp báo định kỳ hàng quý hoặc đột xuất để thông tin về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội... và hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho các cơ quan báo chí nước ngoài.
4- Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Tổng cục Bưu điện, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan thông tin báo chí khác mở rộng việc thông tin ra nước ngoài về tình hình mọi mặt của đất nước (trừ các thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước).
THE GOVERNMENT |
SOCIALIST REPUBLIC OF
VIET NAM |
No. 11/1998/ND-CP |
Hanoi, January 24, 1998 |
PROMULGATING THE WORKING REGULATION OF THE GOVERNMENT
THE GOVERNMENT
Pursuant to the Law on Organization of the
Government of September 30,1992;
At the proposal of the Minister-Head of the Government Office,
DECREES:
Article 1.- To promulgate together with this Decree the Working Regulation of the Government.
The ministries, the ministerial-level agencies, the agencies attached to the Government, the People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government shall issue specific working regulations of their agencies in conformity with this Regulation.
...
...
...
ON BEHALF OF THE
GOVERNMENT
THE PRIME MINISTER
Phan Van Khai
WORKING REGULATION OF THE GOVERNMENT
(promulgated
together with Decree No.11/1998/ND-CP of January 24, 1998)
Scope And Coordination
Relations In Handling Work
...
...
...
1- The Government shall take collective decisions on the following issues:
1.1- The annual work schedule of the Government;
1.2- The program of action to carry out the resolutions of the Party;
1.3-The draft laws and ordinances to be submitted to the National Assembly and the Standing Committee of the National Assembly;
1.4- The resolutions and decrees of the Government;
1.5- The strategies, long term, five-year and annual general plans for socio- economic development; the important national projects;
1.6- The annual draft State budgets and the Final State budget statements;
1.7- Important issues concerning the undertakings, policies and the mechanism of socio economic development; national defense, security, domestic and external relations;
1.8- Issues concerning the founding, merger, splitting, and dissolution of ministries, ministerial-level agencies, agencies attached to the Government; the founding, merger and splitting and the readjustment of the boundaries of the local administrative units;
...
...
...
1.10- Other issues which come under the competence of the Government as defined by law;
1.11- Issues which the Prime Minister deems necessary to be submitted to the Government.
2. The collective decisions of the Government defined in Item 1 of this Article which must get approval of more than half of the votes of the members of the Government. For a number of questions which are not necessarily subject to collective debate or which the Government needs to decide quickly but has no conditions to organize a Government meeting, then upon the instruction of the Prime Minister the Government Office or the project sponsoring agency shall send the whole dossier of the project (as stipulated in Point 1.3, Article 8 of this Regulation) and opinion polling forms to each member of the Government. If more than half of the members of the Government agree, the Government Office shall submit the project to the Government for decision and report to the Prime Minister at the nearest meeting.
During the voting at the meeting as well as when using opinion polling forms, if the numbers of yes and no votes are equal, the side which is supported by the Prime Minister shall prevail.
3. The Government members and the heads of the agencies attached to the Government must scrupulously carry out the decisions of the Government and the Prime Minister. They still have to carry out these decisions even if they do not agree with them but are entitled to continue to present their opinions to the Government and the Prime Minister.
Article 2.- Scope of the Prime Minister's action in handling work.
1. The Prime Minister shall handle the following work:
1.1- The questions which are defined by the Constitution, the Law on Organization of the Government and other legal documents pertaining to the handling competence of the Prime Minister and the questions which are defined by the Constitution, the Law on Organization of the Government and other legal documents pertaining to the competence of the Government but not to be handled collectively by the Government;
1.2- The important issues involving many branches which have been handled through the coordination by the ministers, the heads of ministerial agencies and the heads of the agencies directly under the Government but over which opinions still differ;
...
...
...
1.4- Questions which, though pertaining to the competence of the ministers, the presidents of the People's Committees of the provinces or cities directly under the Central Government, in view of their importance, the Prime Minister deems it necessary to be directly guided by him for a definite settlement in a given period;
1.5- Questions which arise unexpectedly or newly arise, serious incidents such as natural calamities, epidemics, accidents... which are beyond the handling capacity of the ministries, ministerial-level agencies or agencies attached to the Government or the People's Committees of the provinces or cities under the Central Government.
2. During his activities, the Prime Minister shall constantly maintain the relations between the Government and the General Secretary of the Central Committee of the Party, the President of the State, the Chairman of the National Assembly, the Head of the Supreme People's Inspectorate, the President of the Supreme People's Court, the Chairman of the Presidium of the Central Committee of the Vietnam Fatherland Front and the heads of the central agencies of the people's organizations.
3. At least once every year the Prime Minister shall work with the Presidium of the Central Committee of the Vietnam Fatherland Front and the leading committee of the central agency of each mass organization to review the coordination of work and discuss the proposals of the Fatherland Front and other mass organizations with regard to the Government work and create conditions for these organizations to work efficiently.
1. The Deputy Prime Ministers shall be assigned by the Prime Minister to handle work on his behalf on the following principles:
1.1- Each Deputy Prime Minister shall be assigned to take charge of a number of domains of work and monitor the activities of a number of ministries, ministerial-level agencies, and agencies attached to the Government;
1.2- The Deputy Prime Ministers are entitled to use the powers of the Prime Minister or act on his behalf to handle affairs in the domain under their assignment and shall be answerable to the Prime Minister;
1.3- The Deputy Prime Ministers shall take the initiative in handling the work under their assignment; in case the work is related to the domain of another Deputy Prime Minister, he shall directly coordinate with the latter to handle the work. In case the work needs to be subject to the Prime Minister for comment, or there still is divergence of views between the Deputy Prime Ministers, the affair shall be reported to the Prime Minister for decision;
...
...
...
1.5- As may be required by the need to run affairs in each period, the Prime Minister may directly handle a number of tasks already assigned to the Deputy Prime Ministers or readjust the assignments to different Deputy Prime Ministers.
2. Within the scope of the work assigned, the Deputy Prime Ministers have the following tasks and powers:
2.1- To direct the ministries, the ministerial-level agencies, the agencies attached to the Government, the People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government in working out regulatory and legal documents, the strategies, general plans and plans for development of the branches, domains, regions and localities and submit them to the Government and the Prime Minister;
2.2- To inspect and urge the ministries, ministerial-level agencies, the agencies attached to the Government, the People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government in organizing the execution of the decisions of the Government and the Prime Minister, the undertakings, policies and legal matters in the domain under their charge; detect and propose the necessary supplements and amendments. In case they detect law-breaking documents issued by or acts of the ministries, the ministerial-level agencies, the agencies attached to the Government and the People's Councils or People's Committees of the provinces or cities directly under the Central Government, they may represent the Prime Minister to decide to suspend the enactment of these documents or these wrong acts, and put forth measures of handling;
2.3- To handle specific affairs arising daily under the competence of the Prime Minister; consult the Prime Minister in handling affairs concerning mechanisms or policies not yet defined by the Government and other important issues;
2.4- To monitor on the organizational plane the mechanism and personnel up to the department and equivalent level; direct the handling of internal affairs in the agencies within the domain they are assigned to follow.
3. The Standing Deputy Prime Minister, besides the above tasks, shall have to discharge the following tasks:
3.1- To effect the coordination of action among the Deputy Prime Ministers, use the apparatus of the Government Office to permanently maintain the common activities of the Government;
3.2- He may be empowered by the Prime Minister to sign a number of Government documents;
...
...
...
3.4- To handle the work of another Deputy Prime Minister when the latter is absent.
4. In the absence of the Standing Deputy Prime Minister, the Prime Minister shall appoint another Deputy Prime Minister to replace him temporarily in discharging the standing task.
5. A Deputy Prime Ministers may solve a number of questions under the competence of a subaltern level stated in Point 1.4, Article 2 of this Regulation;
6. The Deputy Prime Ministers shall devote Monday each week to meeting with the Prime Minister to report to him and consult him in the settlement of affairs.
7. All decisions of each Deputy Prime Ministers must be notified in time by the Government Office to the Prime Minister and the other Deputy Prime Ministers.
1. The Ministers, the heads of the ministerial-level agencies and the heads of the agencies attached to the Government shall solve the following affairs:
1.1- Affairs under their competence stipulated in the Constitution, the Law on Organization of the Government and other legal documents;
1.2- To solve or consider for submission to the Government or the Prime Minister for settlement according to the corresponding competence proposals of the ministries, ministerial-level agencies, the agencies attached to the Government, the People's Committees of the provinces or cities directly under the Central Government, the Vietnam Fatherland Front and other mass organizations questions within the scope of their State managerial responsibility;
...
...
...
1.4- To take part in solving collectively common affairs of the Government and to solve a number of concrete affairs by delegation of the Prime Minister;
2. The ministers, the heads of the ministerial-level agencies and the heads of the agencies attached to the Government shall uphold their sense of personal responsibility, make right use of their assigned powers, and shall not refer affairs under their function and competence to the Prime Minister or to other agencies. Neither shall they solve affairs under the competence of the lower levels or other agencies.
3. When necessary, the ministers or the heads of ministerial-level agencies or the heads of agencies attached to the Government shall directly work with the Prime Minister (or Deputy Prime Ministers) to ask for guiding ideas about questions under their branches or domains, make suggestions to the Prime Minister (or Deputy Prime Ministers) concerning the common work of the Government.
4. The ministers, the heads of the ministerial-level agencies, the heads of the agencies attached to the Government shall take personal responsibility before the Government and the Prime Minister for all the work under their functions and competence even after they have assigned or delegated powers to their deputies.
Article 5.- Scope of work handling of the Minister-Head of the Government Office.
1. To integrate and submit to the Government and the Prime Minister for adoption the working programs of the Government; to monitor and urge the related agencies to implement these programs; to prepare the projects, and annual reviewing reports of the Government and other reports as assigned by the Prime Minister.
2. To help the Prime Minister maintain and review the observance of the Working Regulation of the Government.
3. To help the Prime Minister and the Standing Deputy Prime Minister to coordinate the activities of the Government, the ministries, the ministerial-level agencies, the agencies attached to the Government, the People's Councils and People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Governmen cils, the People's committees of the provinces and cities directly under the Central Government to prepare the projects; to analyze and integrate and put forth independent evaluations about the projects before submitting them to the Prime Minister.
6. To organize service for the sessions of the Government and meetings of the Prime Minister and Deputy Prime Ministers.
...
...
...
8. To assume the unified management of the issue of the documents of the Government and the Prime Minister and the publication of the legal and statutory documents on the Official Gazette of the Socialist Republic of Vietnam.
9. To assume the unified management and use of the information network of the Government, to use modern information technology in the management and information work among the administrative agencies of the State.
10. To submit to the Government and the Prime Minister for promulgation or to promulgate according to their competence the stipulations on administrative procedures in the handling of the work and in the management of documents and paperwork in the administrative agencies of the State.
11. To give professional and skill guidance on office work for the offices of the Ministries, the ministerial-level Agencies, the Agencies attached to the Government, the People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government.
12. To help the Prime Minister and the Standing Deputy Prime Minister work out and implement the regulation on the coordination of work between the Government and the agencies of the Party, the National Assembly, the Supreme People's Court, the Supreme People's Inspectorate, the Central Committee of the Vietnam Fatherland Front and the central agencies of the people's organizations.
13. To assure the working conditions for the common activities of the Government and the Prime Minister.
14. To solve a number of specific affairs by delegation of the Prime Minister (to be specified in each delegation document of the Prime Minister).
1. The ministers, the heads of ministerial-level agencies, the heads of the agencies attached to the Government, when settling affairs under their competence which are related to the functions of other agencies, must necessarily consult the heads of these agencies; the heads of the consulted agencies have the duty to answer and take responsibility for these answers. The opinion poll shall be effected as stipulated in Item 3, Article 12 of this Regulation.
...
...
...
3. For a number of important issues related to many branches, many localities, the Prime Minister may set up organizations as consultants for the Prime Minister to resolve them. The tasks, mode of activity, composition and duration of these consulting organizations shall be defined by the Prime Minister in the founding documents.
1. The chairmen of the People's Councils, the presidents of the People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government who need to work with the ministers, the heads of the ministerial-level agencies and the heads of the agencies attached to the Government in the domain of branch management in their localities, must make careful preparations about the contents and inform the related agency in advance. The ministers, the heads of the ministerial-level agencies, the heads of the agencies attached to the Government must directly (or delegate their deputies) to meet and work with the chairmen (or vice chairmen) of the People's Councils or the presidents (or vice Presidents) of the People's Committees of the provinces or cities directly under the Central Government.
2. The ministers, the heads of the ministerial-level agencies, the heads of the agencies attached to the Government have the responsibility to settle the proposals of the Presidents of the People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government in their respective competence and must answer in writing within 15 days from the date of the receipt of the written proposals (even if the question is beyond their competence or if the question is not solved). Past this time limit, if no written answer is available, the chairman of the People's Council or the president of the People's Committee of the province or city directly under the Central Government shall inform the Prime Minister so that the latter may direct the responsible agency to solve, or the Prime Minister shall directly solve in the order provided for in Chapter III of this Regulation.
3. In case the suggestions of the localities though coming under the handling competence of the ministries, the ministerial-level sgencies or the agencies attached to the Government but related to many branches, the chairmen of the People's Council or the Presidents of the People's Committees of the provinces or cities directly under the Central Government shall propose that an agency related to the main content of their petition act as the main coordinator in the settlement. The agency proposed by the locality to act as coordinator shall have to coordinate with the related agencies in handling the petition of the locality. The related agencies shall have to give clear answers for each question raised by the locality. In case the related agencies cannot reach consensus in the settlement, the coordinating agency shall report clearly the different views for the Prime Minister to consider and decide. At the same time, it must inform the related locality. The time limit from the receipt of the proposal of the locality till the completion of the dossier for submission to the Prime Minister shall not exceed 15 days.
4. The Government Office shall act as main agency to coordinate with the related agencies, complete the dossier and submit it to the Prime Minister for decision on questions proposed by the localities which are beyond the competence of the ministers, the heads of the ministerial-level agencies or the heads of the agencies attached to the Government.
5. The ministers, the heads of the ministerial-level agencies, the heads of the agencies attached to the Government shall regularly coordinate with the chairmen of the People's Councils, the presidents of the People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government and provide professional guidance, inspect and urge specialized agencies of the People's Councils and People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government to carry out legislation and the regulations of the branches and domains; closely manage the units directly under the Central Government located in their territories and rectify, correct and timely handle the wrong doings of their lower levels.
Article 8.- Procedures of sending official dispatches and proposals to handle affairs.
1. Necessary procedures when submitting proposals to the Government and the Prime Minister on handling a question:
...
...
...
1.2- If the question is related to the function of other agencies, the dossier of the report must have the official written opinion of these agencies.
1.3- With regard to the projects mentioned in Point 2.2, Article 9, they must be accompanied with:
1.3.1- The report to the Government and the Prime Minister clearly explaining the main contents of the projects, the foundations of the petition and the different views;
1.3.2- The document of the agency evaluating the project as prescribed by law;
1.3.3- The report on the opinions of the related agencies, including the Scientific Council or the Consulting Council (if any);
1.3.4- The draft of the main document and the draft of the document guiding the implementation of this document. These drafts must give concrete specifications so that when the main documents are ratified, work can proceed immediately;
1.3.5- The plan of organization for implementation when the project is ratified and the document is issued;
1.3.6- Other necessary documents.
1.4- The dossier sent to the Government and the Prime Minister must be entered into the files of the Government Office in Hanoi.
...
...
...
WORKING OUT AND
IMPLEMENTING THE WORKING PROGRAM OF THE GOVERNMENT AND THE PRIME MINISTER
Article 9.- Different kinds of working programs.
1- The Government shall have annual, quarterly and monthly working programs. The Prime Minister or Deputy Prime Ministers shall have weekly working programs.
2.1- The annual working program of the Government is in two parts: Part one represents the general line of the orientations, and the major tasks and solutions of the Government in all domains of work; Part two comprises the contents of the regular Government sessions and the List of the projects to be submitted to the Government and the Prime Minister in the year.
2.2- The projects defined in this Regulation and included in the working program of the Government include:
2.2.1- The reports, projects, draft documents on regulatory and legal matters reflecting the contents collectively decided by the Government as defined in Article 1 of this Regulation;
2.2.2- Draft documents on regulatory and legal matters under the issuing competence of the Prime Minister (excluding special documents stipulated in Item 2, Article 1, Decree No.101-CP of September 23, 1997 of the Government);
2.2.3- The reports and projects related to the policies, mechanisms, strategies, general plans, plans already evaluated by the competent State agencies and coming under the power of decision and ratification of the Prime Minister.
...
...
...
2.4- The projects listed in the yearly working program of the Government must state clearly that they will be decided by the Prime Minister or Deputy Prime Ministers and prepared by the agency (or by the subcommittee or the group of specialists founded by the Prime Minister) as well as the expertizing agency and the time limit for reporting each project.
2.5-The time limit for reporting the projects mentioned in the annual working program must be projected down to each quarter and each month.
3. The quarterly working program comprises only the list of projects to be submitted to the Government and the Prime Minister, and the contents of the meetings of the Government in the quarter aimed at supplementing and readjusting in order to correct and adjust the contents and time of the proposed projects (except the program for the first quarter which is already defined in the yearly program).
4. The monthly working program shall comprise the list of the projects submitted to the Government and Prime Minister and the contents of the Government meeting in the month aimed at supplementing and adjusting with a view to determining accurately the contents and time of the submitted projects (except the program for the first month in the quarter which is already defined in the quarterly program).
5. The weekly working programs of the Prime Minister and Deputy Prime Ministers shall comprise the activities of the Prime Minister and Deputy Prime Ministers for each day in the week.
Article 10.- Order in the elaboration of the working program of the Government.
1. The yearly working program:
1.1- On the 15th day of November each year at the latest, the ministries, the ministerial-level agencies and the agencies attached to the Government shall send to the Government Office the list of projects that need to be submitted to the Government and the Prime Minister in the coming year. The list must specify the following: names of the projects, the deciding level (the Government, the Prime Minister), the expertizing agency, the time limit for the submission of each project. The provinces and cities directly under the Central Government and the mass organizations at the central level shall have to register the time table to work with the Prime Minister on the contents defined in Item 3, Article 2 and Item 1, Article 30 of this Regulation.
1.2- The Government Office shall draft the working program for the following year of the Government and shall return it to the related office and organization on the 25th day of November at the latest for consultation.
...
...
...
1.4- Within no more than 10 days from the date the Government adopts the yearly working program, the Government Office shall submit to the Prime Minister for signing and promulgating the program and send to the members of the Government, the heads of the agencies attached to the Government, the chairmen of the People's Councils and the presidents of the People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government and the related agencies and organizations for information and implementation.
2. Quarterly working program:
2.1- In the last month of each quarter, the agencies must evaluate the situation in the implementation of the working program of this quarter, revise the projects for the subsequent quarter already listed in the yearly program and examine the newly arising questions in order to propose adjustments in the working program of the next quarter.
On the 15th day of the last month of the quarter at the latest, the agencies shall send the projected adjustments of the program for the next quarter to the Government Office. Past this time limit it is deemed that there is no need of readjustment.
2.2- The Government Office shall integrate the quarterly programs of the Government (the projects shall be arranged according to the domains and shall be handled by the Prime Minister and each Deputy Prime Minister) and submit it to the Prime Minister for decision and on the 20th day of the last month of each quarter at the latest it has to send the working program of the next quarter to the related agencies and organizations for information and implementation.
3. Monthly working program:
3.1- Each month the agencies shall base themselves on the tempo of preparation for the projects already listed in the Quarterly program, the remaining questions and newly arising questions and propose readjustment to the program for the next month. This proposal must be sent to the Government Office not later than the 20th day of each month. Past this time limit, it shall be deemed that the agencies have no proposal to readjust the program.
3.2- The Government Office shall integrate the monthly working program of the Government arranged according to domains under the handling competence of the Prime Minister and each Deputy Prime Ministers and submit to the Prime Minister for decision, and not later than the 25th day of each month it must send the working program of the next month to the related agencies and organizations for information and implementation.
4. The weekly working program:
...
...
...
5. The Government Office must regularly coordinate with the Office of the Central Committee of the Party, the Office of the National Assembly and the Office of the President of the State in order to work out the working programs of the Government, the Prime Minister and Deputy Prime Ministers.
6. When the working program is readjusted, the Government Office must inform in time the Government members and the heads of the related agencies.
7. Order in the making of the draft program for elaboration of laws, ordinances, resolutions and decrees shall comply with the stipulations in Decree No.101-CP on September 23, 1997 of the Government detailing the implementation of a number of articles of the Law on the Promulgation of Legal Documents.
Article 11.- Plan of preparing projects.
1. Basing themselves on the yearly working program of the Government, the head of the agency (or a group of specialists assigned by the Prime Minister or Deputy Prime Minister) has to draw up the plan for preparing the project in which it has to determine the list of questions which need guidance for implementation when the document or the main question is ratified, as well as the scope of each project and the agencies of coordination; ensure the time limit for presenting the project already determined and send the plan of preparation for the projects to the Government Office for monitoring and promoting their implementation.
2. In case the project owner wants to change the requirement and the scope of settling the question of the project or the time limit for presenting it he/she must report and get the consent of the Prime Minister or Deputy Prime Minister in charge of that domain.
Article 12.- Coordinative relations in preparing the project.
1. To assure coordination in the preparation of the project to be submitted to the Government and the Prime Minister is the right and responsibility of the members of the Government and the heads of the related agencies.
2. The project owner shall invite the heads of the related agencies to come and discuss the preparation of the project or send their cadres to take part in the preparation of the project. The invited agency has the responsibility to appoint its personnel to take part at the request of the project owner. The appointee is the representative of the agency taking part in preparing the project. He must regularly report to and ask the opinion of the head of the agency in the process of taking part in the elaboration of the project.
...
...
...
3. After preparations for the project are completed, the project owner must ask for the formal opinion of the related agencies through the following forms:
3.1- Organizing meetings: the project owner must send documents to the invited agencies five days before the date of the meeting at the latest. The Head of the agency owner of the project shall chair the discussions, present the content and collect opinions to complement and complete the project. The opinions in the discussion must be recorded in the minutes and signed by the chairman of the meeting.
The invited agency must send its competent representative to the meeting, present the opinion of the head of the agency and fully report the conclusions of the meeting to the head of the agency. In the absence of the representative of the invited agency, the project owner shall send the relevant part of the conclusion to that agency. Within 5 days after receiving the official dispatch, the head of the consulted agency shall send a written answer. Past that time limit, if the head of the consulted agency does not answer, he is deemed to have agreed to the project and must take responsibility for the related contents.
3.2- Use of the form of official dispatch: the project owner shall send the final draft of the project and the attached dossier to the head of the related agency for consultation. The head of the consulted agency shall have to make his official opinion known in a document sent to the project owner within seven days at the latest from the reception of the proposal together with the full necessary dossier. The official dispatch on recommendations must point out what has been agreed upon and what not, the suggestions on modification and supplement. If the project dossier is not clear enough or if the issue is complicated which needs more time for study, the consulted agency is entitled to ask the project owner to clarify or to supply more necessary documents and to reschedule the time for answer but for not more than 15 days.
Past that time limit if the head of the consulted agency does not answer, he is deemed to have agreed to the project and must take responsibility for the related contents.
3.3- In particular for the draft laws and ordinances, they still have to comply with Item 1, Article 18 of Decree No.101-CP of September 23, 1997 of the Government.
ORDER IN THE HANDLING OF
THE WORK OF THE PRIME MINISTER
Article 13.- Modalities in the handling of day-to-day work of the Prime Minister.
...
...
...
2. The Government Office shall report to the Prime Minister and Deputy Prime Ministers only questions under the handling competence of the Government, the Prime Minister and Deputy Prime Ministers defined in Article 1, Article 2 and Article 3 and according to the procedures stipulated in Article 8 of this Regulation.
Article 14.- The Government Office prepares the report.
Upon receipt of the dossier of the agency reporting to the Government and the Prime Minister, the Government Office shall have the task of:
1. Checking the procedures: if the official dispatch does not comply with the provisions in Article 8 of this Regulation, within two days the Government Office shall have to return to the reporting agency and ask for more preparation. For questions requiring urgent settlement, the Government Office shall make a bill to ask the reporting agency to complement the procedure, it shall at the same time report to the Prime Minister and the Deputy Prime Ministers for information.
2. Checking the content:
2.1- If the content of the reported question does not fall under the competence of the Government, the Prime Minister or Deputy Prime Minister, within 3 days the Government Office shall have to return the report to the reporting agency and specify the reason for the return.
2.2- If the content of the reported question still has unclear points or divergent opinions, the Government Office shall request the project owner to give additional explanations or organize a meeting with the project owner and the related agencies in order to handle before reporting to the Prime Minister for decision.
3. Three days at the latest (or 7 days if these are projects defined in Point 2.2, Article 9 of this Regulation) from the date of reception of the valid dossier, the Government Office shall have to complete the reporting bill to the Prime Minister (or Deputy Prime Minister) for settlement. The reporting bill must clearly and faithfully record the opinions of the agencies, including diverging views and the proposals of the specialist directly monitoring the question and the leadership of the Government Office attached with necessary documents.
Article 15.- Handling the reporting bill and reporting the result.
...
...
...
2. For the reported contents which are projects stated in Point 2.2, Article 9 of this Regulation, if the Prime Minister (or Deputy Prime Minister) needs to consult the specialists or to ask the project owner and the related agency to give more explanation before deciding, the Government Office shall have to make careful preparations about the contents and arrange working sessions between the Prime Minister (or Deputy Prime Minister) and the specialists and project owner and these agencies. The time for the Prime Minister or Deputy Prime Minister to issue the final decision on settlement of these projects shall not exceed 10 days.
3. In particular for the projects which come under the right of collective decision of the Government mentioned in Point 2.2.1 Article 9 of this Regulation, after examination, depending on the character and the extent of preparation of each project, the Prime Minister (or Deputy Prime Minister) shall decide on the following:
3.1- To allow the project to be presented to a government session;
3.2- To postpone the submission of the project to the government session in order to have more preparation if they deem that the project falls below the requirement;
3.3- To apply the modality of issuing polling forms to the members of the Government stipulated in Item 2, Article 1 of this Regulation.
4. Within 5 days after receiving the final decisive opinion of the Prime Minister or Deputy Prime Minister, the Government Office shall have to complete the draft document to submit to the Prime Minister or Deputy Prime Ministers for signing for promulgation.
For cases where it is not necessary to issue a document of the Government or the Prime Minister, under the guidance of the Prime Minister or Deputy Prime Minister, within the above-said 5 days the Government Office shall inform in writing the reporting agency and the relevant agencies.
5. Within 20 days at the latest after receiving the full dossier of the reporting agency to be submitted to the Prime Minister, pending the final decision of the Prime Minister or Deputy Prime Minister the Government Office shall send an official dispatch to the reporting agency to notify it of the reason.
...
...
...
Article 16.- Preparing and convening the meeting.
1. The Prime Minister shall convene the regular meetings of the Government. When he deems it necessary or at the request of at least one third of the total of Government members, the Prime Minister shall convene an irregular meeting.
2. A regular monthly meeting of the Government shall begin on the last Wednesday of the month. Depending on the need to settle the work, the Prime Minister may decide to change the date of the meeting but he must inform in advance the Government members at least 5 days before the meeting begins.
3. Ten days at the latest (five days for special meetings) before the meeting of the Government, the project owner must send to the Government Office the dossier of the project already examined and allowed by the Prime Minister (or Deputy Prime Minister) to be presented to the meeting as stipulated in Point 3.1, Article 15 of this Regulation. The number of dossiers submitted to the Government for approval at the regular meeting is 100 (unless otherwise informed by the Government Office).
4. The Government Office has the following tasks:
4.1- Checking and synthesizing the dossiers of projects submitted to the meeting;
4.2- Preparing the Agenda of the meeting, the projected participants and submit them to the Prime Minister for decision;
4.3- Sending invitations and documents for the meeting to the members of the Government and the invited guests at least 5 days before the meeting, except for the irregular meetings.
Article 17.- Participants in a Government meeting .
...
...
...
2. A meeting of the Government can take place when at least two thirds of the members of the Government take part.
3. The Prime Minister shall invite the President of the State to take part in the Government meetings. The Chairman of the Nationalities Council of the National Assembly, the Chairman of the Presidium of the Central Committee of the Vietnam Fatherland Front, the President of the Vietnam General Confederation of Labor, the Head of the Supreme People's Inspectorate, the President of the Supreme People's Court, the heads of the central agencies of the people's organizations, the representatives of the Commissions of the Party and of the Commissions of the National Assembly shall be invited to take part in the Government meetings which deliberate related questions.
4. The Minister-Head of the Government Office acting on order from the Prime Minister shall invite the heads of the agencies attached to the Government, the chairmen of the People's Councils and the presidents of the People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government and other delegates shall attend Government meetings when necessary.
The delegates who are not members of the Government shall be invited to speak but shall not take part in voting.
Article 18.- Order in a meeting of the Government:
1. The Prime Minister shall preside over a Government meeting. In the absence of the Prime Minister, the Standing Deputy Prime Minister shall replace him in presiding over the meeting.
2. The Deputy Prime Ministers shall preside over the debates on the projects submitted to the Government according to the assigned domains.
3. A Government meeting shall proceed in the following order:
3.1- The Minister-Head of the Government Office shall report on the number of Government members present, absent, the proxy delegates and the invited persons, and report on the decision of the Prime Minister on the agenda of the meeting;
...
...
...
3.3- The Government shall debate the issues one by one in the following order:
3.3.1- The project owner presents a summary of the project, points out the questions which need the opinion of the Government; he shall not read the whole text of the project. If the question that needs consultation has been clearly presented in the report, the project owner shall not have to further elaborate;
3.3.2- The members of the Government shall make known their opinions, whether they are for or against any point in the project. Each speech shall not exceed 15 minutes;
3.3.3- The project owner shall make the final statement on the points where opinions still vary;
3.3.4- The Deputy Prime Minister shall chair the debate on the project shall draw conclusions and take the votes of the Government;
3.3.5- If he deems that the debate is not clear enough, the Prime Minister shall propose that the Government do not yet approve the project and ask for more preparation;
3.4- In case of necessity, the Prime Minister shall decide that the Government member(s) or the Head of an agency attached to the Government report to the Government the necessary information, and the Minister-Head of the Government Office shall report on the work of the Government between two sessions;
3.5- The Minister-Head of the Government Office shall submit to the Government for approval the resolution of the Government meeting. The resolution shall have to record the questions which have been passed at the meeting, those which have not, the responsibility of the Government members and the heads of the related agencies in the implementation of the resolution;
3.6- The chairman delivers his speech to conclude the meeting of the Government.
...
...
...
1. The minutes of a Government meeting must record fully the speeches and the developments of the meeting, the concluding opinion of the chairman of the debate and of the chairman of the session, the results of the votes, the Minister-Head of the Government Office shall organize the writing of the minutes and shall either directly sign or delegate his deputy to sign the minutes of the Government meeting.
2. The minutes of the meeting together with the documents circulated at the meeting shall be included in the State archives and preserved according to the regime of security protection.
Article 20.- Making public the resolution of the Government meeting.
1. Immediately after the meeting, the Minister-Head of the Government Office shall have to complete the draft resolution, submit it to the Prime Minister for signing and issue, and send it to the members of the Government, the heads of the agencies attached to the Government, the chairmen of the People's Councils and the presidents of the People's Committees of the provinces and cities under the Central Government for implementation, and also to the related agencies and organizations, and make it public on the mass media (except for the contents classified as state secrets).
2. The publication of the documents already adopted by the Government at its meetings shall comply with the provisions of Chapter V of this Regulation.
PROMULGATION AND
PUBLICATION OF THE DOCUMENTS OF THE GOVERNMENT AND PRIME MINISTER
Article 21.- Time-limit for publication.
1. Five days at the latest after conclusion of the Government meeting or after the Prime Minister decides on the projects mentioned in Item 4, Article 15 of this Regulation, the Minister-Head of the Government Office together with the project owner shall have to complete the draft to submit to the Prime Minister or Deputy Prime Minister for signing and issue.
...
...
...
Article 22.- Competence in signing the documents
1. The Prime Minister shall sign the resolutions and decrees of the Government and the resolutions and instructions of the Prime Minister on the important undertakings and policies, on the organization of the apparatus and personnel.
2. The Deputy Prime Minister in charge of specific domains shall sign on behalf of the Prime Minister the decisions, instructions and documents to handle specific questions arising in the domain assigned to him by the Prime Minister.
3. In addition to the documents mentioned in Item 2 of this Article, the Standing Deputy Prime Minister shall sign a number of documents mentioned in Item 1 of this Article when delegated by the Prime Minister .
4. The ministers, the heads of the ministerial level agencies shall sign a number of administrative documents when delegated by the Prime Minister.
5. Apart from signing to documents with authorization of the Prime Minister, the Minister-Head of the Government Office shall sign documents to inform the related agencies of the guiding opinion of the Prime Minister (or Deputy Prime Minister) so that they know and carry it out. These documents have only an informative and reminding character. They shall not replace the regulatory and legal documents.
6. The guiding opinions of the Prime Minister and Deputy Prime Ministers on the policies and regimes must be reflected in the documents signed by the Prime Minister and Deputy Prime Ministers.
Article 23.- Publication of the documents.
1. The resolutions and decrees of the Government, the decisions and instructions of the Prime Minister, the decisions, instructions and circulars issued by the ministers, the heads of ministerial level agencies or the Heads of agencies attached to the Government, the regulatory and legal documents jointly issued by the agencies at the center shall be published according to the Law on the Promulgation of Legal Documents and Decree No.101-CP of September 23, 1997 of the Government. At the same time, they shall be loaded on the broadband informatic network of the Government.
...
...
...
INSPECTING, CHECKING AND
SETTLING COMPLAINTS AND DENUNCIATIONS
1. To organize the inspection and control of the branches and levels in the implementation of the decisions of the Government and Prime Minister; to directly solve and direct the agency under their authority to receive the citizens, consider and solve the petitions, complaints and denunciations by citizens, cadres and personnel concerning affairs in their branches, domains and areas under their jurisdiction.
2. To effect the competence of proposing, temporarily suspending, suspending or annulling documents contrary to law; to issue decisions and conclusions on solving the complaints and denunciations of citizens as prescribed by law, and take responsibility before the Government, the Prime Minister and law for these decisions and conclusions on the settlement of these complaints and denunciations.
3. To settle in time the affairs under inspection and checking, the letters of complaint and denunciation of citizens that come under their jurisdiction, and affairs directly assigned by the Prime Minister or sent by the State Inspectorate or Party and State agencies.
4. To send the decisions and conclusions on the inspection, the decisions and conclusions on solving the complaints and denunciations of citizens handled by themselves.
5. To directly examine and settle the letters of denunciation from cadres and organizations of the lower level, not to transfer these dossiers to that level for self- settlement.
6. To organize and direct the thorough implementation of the conclusions of the State Inspector, the inter-ministerial conclusions and the guiding opinion of the Prime Minister; to report the results to the General State Inspector and the Prime Minister.
...
...
...
1. To directly inspect, check and guide the ministries and ministerial level agencies and agencies attached to the Government, the People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government to carry out their inspectoral work; to receive the people and settle the petitions, complaints and denunciations and other affairs assigned by the Prime Minister; to examine and issue decisions to solve complaints concerning the decisions of the Ministers, the Heads of the ministerial level agencies, the Heads of the agencies attached to the Government, the Presidents of the People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government.
2. At the regular meetings of the Government in the first month of each quarter, the General State Inspector shall present a general report on the inspection, the solving of the complaints and denunciations of citizens throughout the country; assess the good and weak points, the remedial measures and proposals of settlement concerning the ministries, branches and localities which have committed many mistakes.
3. To propose to the Prime Minister to call a meeting of the leaderships of the central and local agencies in order to suggest measures for the Prime Minister to examine and guide the settlement of the complicated cases involving many branches and localities.
Article 26.- Responsibility of the Minister-Head of the Government Office.
1. To coordinate with the State Inspectorate in receiving and classifying the letters of complaint sent by citizens to the Prime Minister and send them to the competent agencies for solution or report to the Prime Minister for examination and guidance or assignment to the ministries, branches and localities for solution; directly examine the affairs assigned him by the Prime Minister (or Deputy Prime Minister).
2. To urge and inspect the central and local agencies to report on the result of settling the affairs assigned by the Prime Minister and the decisions of the General State Inspector which have taken legal effect but are not yet implemented. When they detect that although a decision on solving the complaint has taken legal effect it is contrary to law or there have appeared new elements that make the decision no longer compatible with law, they shall submit them to the Prime Minister so that the latter might assign them to the General State Inspector for examination and settlement according to his competence then to report to the Prime Minister about the result of the settlement within 30 days.
3. Acting on order of the Prime Minister in replying to the complainants in necessary cases.
RECEIVING FOREIGN
GUESTS, ATTENDING MEETINGS, GOING ON MISSION
...
...
...
1. Apart from the reception of high-level delegations of the Party, National Assembly and Government of foreign countries or international organizations according to the regulations and programs of the Party and the State, the Prime Minister and Deputy Prime Ministers shall receive other foreign guests and delegations including protocol receptions, working receptions (formal or informal) at the proposal of the agencies and the direct proposals of the guests to the Prime Minister and Deputy Prime Ministers.
1.1- When they deem that a foreign guest or delegation needs to be received by the Prime Minister (or Deputy Prime Minister), the ministers, the heads of ministerial-level agencies, the heads of the agencies attached to the Government, the Chairmen of the People's Councils and the Presidents of the People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government shall have to conduct the following tasks:
1.1.1- To send an official dispatch to propose reception of the guests to the Government Office at least 7 days before the projected reception day attached with these necessary dossiers: contents and form of the reception; composition of the delegation and resumes of the head delegate and a number of the most noteworthy members of the delegation; activities of the delegation as well as of the higher level of the delegation in the foreign country, composition of the Vietnamese party at the reception; proposals and suggestions;
1.1.2- If the foreign guest is the head of the diplomatic representative office of a foreign country or an international organization in the United Nations Organization or an intergovernmental organization and the content of the meeting is related to external political relations, the agency which proposes the reception must discuss with and get an official comment in writing from the Ministry of Foreign Affairs.
1.1.3- To coordinate with the Government Office in preparing the contents of the reception and organize the implementation of the results of the reception.
1.2- The Government Office has the tasks:
1.2.1- To ask the Prime Minister (or Deputy Prime Minister) to receive the guest at the proposal of the agencies as defined in Point 1.1 of this Article or at the direct request of the guest, and inform in time the related agencies of the opinion of the Prime Minister (or Deputy Prime Minister);
1.2.2- To coordinate with the related agencies in preparing the contents of the reception and organize the service for the reception;
1.2.3-To coordinate with the related agencies in organizing the implementation of the results of the reception.
...
...
...
1.3- The Ministry of the Interior shall have to assure security for the reception.
1.4- The Ministry for Foreign Affairs shall have to coordinate in serving the reception, assure the political, external relations requirements and the formalities and habits in receiving international guests.
2. Reception of foreign guests by the Ministers, the Heads of the ministerial-level agencies, the Heads of the agencies attached to the Government and the Chairmen of the People's Councils and the Presidents of the People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government:
2.1- The ministers, the heads of the ministerial-level agencies, the heads of the agencies attached to the Government, the chairmen of the People's Councils, the presidents of the People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government shall decide to receive foreign guests proposed by attached units or central and local agencies but such proposals must clearly specify the contents, time and composition of the reception;
2.2- If the guest is a foreign businessman, before the reception, the chairman of the People's Council, the president of the People's Committee of the province or city directly under the Central Government must consult the President of the Vietnam Chamber of Commerce and Industry and the heads of the related central agencies.
2.3- After the reception, if there is a question that needs to be solved but does not come under the competence of his agency, he must send an official dispatch to the competent agency to consider a solution then report to the Prime Minister and also to the Minister for Foreign Affairs and the head of the related agency.
2.4- The expenditures on the reception of foreign guests must conform with the current stipulations of the Government and the guidance of the Ministry of Finance.
Article 28.- Organizing meetings at the central agencies
1. At least once a year, the Prime Minister (or Deputy Prime Minister) shall meet with the leadership of each Ministry, ministerial-level Agency, Agency attached to the Government to review the implementation of the undertakings and policies of the Party and State; guide the organization for the implementation of the newly issued undertakings and policies.
...
...
...
3. While the National Assembly or the Government is in session, the Government members are not allowed to go on mission abroad or to distant localities. In special cases, they must report to the Prime Minister, and if the latter agrees they must inform the Government Office about the address, telephone number of the place where they come so that they may be contacted when necessary.
1. At least once a year, the Prime Minister shall meet with the chairmen of the People's Councils, the presidents of the People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government throughout the country to discuss the implementation of the socio-economic plans, the State budgets and a number of undertakings and measures to manage the State.
1.1- The office directors of the People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government and a number of ministers, the heads of a number of ministerial-level agencies, the heads of a number of agencies attached to the Government and the directors of the related services are allowed to take part in the meetings.
1.2- The reports at the meeting must be prepared in the same way as the projects to be submitted to the Government and must be sent to the participants at least 5 days before the meeting.
1.3- At the meeting, the project owner shall present only the summarized reports and the questions where divergence of views still remain for the meeting to discuss and decide.
1.4- After the meeting, the Presidents of the People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government shall look after the popularization of the contents on which conclusions have been reached at the meeting and also after the implementation of the related work in the localities.
2. When necessary, the Prime Minister shall convene the chairmen of the People's Councils and the presidents of the People's Committees in a number of provinces and cities directly under the Central Government to coordinate in settling a number of important specialized jobs related to many localities:
2.1- The Prime Minister shall appoint a Deputy Prime Minister or a minister or the head of a ministerial-level agency, the head of an agency attached to the Government to assume the main responsibility and coordinate with the related agencies and localities to organize the investigation and survey of the situation, to study the elaboration of concrete projects to be submitted to the Prime Minister for consideration before organizing a conference;
...
...
...
2.3- The Chairmen of the People's Councils, the Presidents of the People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government shall take part in preparing the projects, appoint the right persons as required by the composition of the conference, and organize the implementation the conclusions of the conference in their localities.
3. When the need arises to solve an unexpected or urgent question or problems of the localities not related to the central agencies, the chairmen of the People's Councils and the presidents of the People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government may directly work with or report to or ask for the guiding idea of the Prime Minister (or Deputy Prime Minister).
Article 30.- Going on mission to the localities.
1. Under the guidance of the Prime Minister and Deputy Prime Ministers and at the proposal of the presidents of the People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government, the Government Office shall draw up a program for the Prime Minister and Deputy Prime Ministers to pay official working visits to the leaderships of the provinces and cities directly under the Central Government in order to inspect the implementation of the policies and laws of the State; and the direction of the central and local agencies, in order to help the localities overcome difficulties; survey the real situation , contact the people, study the experiences and models of advanced units and rectify the deviations (if any).
1.1- The Government Office shall closely coordinate with the Office of the Central Committee of the Party, the Office of the National Assembly and the Office of the President of the State in arranging the time tables for the high leaders of the Party and the State to visit and work in the localities.
1.2- The agency that is related to the contents of the working session with the Prime Minister shall have to prepare for the session. If the locality wants to petition the Government or the Prime Minister about an affair to ask for a solution, it shall have to send the petition to the Prime Minister and at the same time to the related agencies at least 20 days before the Prime Minister comes to work according to the registered date in the annual working Program mentioned in Item 1, Article 10 of this Regulation.
1.3- The official visits and working sessions must be announced by the Government Office to the locality at least 5 days in advance.
1.4- The Government Office shall coordinate with the related agencies of the Government and of the People's Committee of the province or city directly under the Central Government in preparing the working program of the Prime Minister and Deputy Prime Ministers with the locality, and submit it to the Prime Minister and Deputy Prime Minister for decision on the contents, time and composition of the working delegation.
1.5- The total number of persons taking part in the working delegation (including service personnel) of the Prime Minister or Deputy Prime Minister shall not exceed 30.
...
...
...
1.7- When the Prime Minister or Deputy Prime Minister comes to work in the locality, the latter shall absolutely not organize a welcome ceremony or a welcome or see-off at the administrative boundary of the province or city directly under the Central Government.
1.8- The Ministry of the Interior shall have to ensure security for the working delegation of the Prime Minister or Deputy Prime Minister going to work in the localities.
2. The Government members, the Heads of agencies attached to the Government shall spare time to conduct unnotified inspection of units, wards, communes..., and survey the reality in order to draw conclusions on models, meet and talk with the people, listen to their opinions and aspirations.
Depending on the content of each mission, they shall adopt the suitable form of the trip and to ensure the practicality and economy of the trip which may be notified or not to the locality.
3. When the localities meet with natural disasters or epidemics or unexpected accidents causing heavy losses in human lives and property, the Prime Minister shall decide the following forms:3.1- Sending messages of sympathy, instructing the branches and different levels to organize the overcoming of the consequences, to restore production and stabilize the people's life.
3.2- The Prime Minister personally goes to the site and direct the work or found an inter-ministerial working group headed by a Deputy Prime Minister or a Minister to direct the prevention and fight and the overcoming of the losses and damage. The Prime Minister may delegate the Head of the inter-ministerial working group to decide on the spot a number of measures to provide emergency aid of the Central Government. The working group shall have to report on the situation and propose subsequent solutions.The working groups of the Government must be compact and effective and must work efficaciously, avoid causing nuisances to the local leadership and population.
1. The Prime Minister or Deputy Prime Ministers shall go on mission abroad:
1.1- At the proposal of the Ministry for Foreign Affairs, the Government Office shall work out the program of the visit and work in the foreign country of the Prime Minister and Deputy Prime Ministers and submit it to the Prime Minister for decision.
...
...
...
1.3- The Ministry for Foreign Affairs shall have to assume the main responsibility in organizing and servicing the visits and working visits to foreign countries by the Prime Minister and Deputy Prime Ministers. The related agencies shall, as required by their functions and tasks, coordinate with the Ministry for Foreign Affairs in carrying out well this task according to the assignment by the Prime Minister and the Deputy Prime Ministers.
1.4- The Ministry for Foreign Affairs shall coordinate with the related agencies to make the report on the result of the visit and make suggestions on the work ahead in order to materialize the results already achieved and submit them to the Prime Minister and the Deputy Prime Ministers.
2. The ministers, the heads of the ministerial-level agencies, the heads of the agencies attached to the Government, the chairmen of the People's Councils and the presidents of the People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government who pay a visit or go on a working mission in a foreign country shall have to comply with the following prescriptions:
2.1- They must write an official dispatch to ask for permission from the Prime Minister, clearly stating the goal and aim of the trip, the place of the visit, the composition and number of participants in the delegation, the time spent in the foreign country, the questions that may arise and the direction for their solution; the written opinion of the Ministry for Foreign Affairs and the related agencies (if any). This document must be sent to the Prime Minister and to the Ministry for Foreign Affairs and the related agencies at least 15 days before the scheduled departure.
2.2- The current regulations on the assignment of responsibilities in managing delegations going in and out of the country must be strictly abidden by;
2.3- Five days at the latest from the date of conclusion of the visit, they must file a written report to the Prime Minister, the Minister for Foreign Affairs and the heads of the related agencies.
2.4-The expenses for the visits and working visits to a foreign country must comply with the prescriptions of the Government and the guidance of the Ministry of Finance.
THE SYSTEM OF REPORTING
AND INFORMATION
...
...
...
1. The ministers, the heads of ministerial-level agencies, the heads of the agencies attached to the Government, the presidents of the People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government shall have the task:
1.1- To strengthen the specialized sectors in the information and reporting work in order to help the leading agencies have a firm grasp of the main daily developments in the whole branch, domain and locality under their charge.
1.2- To send to the Prime Minister the periodical reports (monthly, quarterly, six-month, yearly), specialized reports, and irregular reports as prescribed by the Prime Minister;
1.3- To empower permanently the Director of the office of the agency to sign the irregular reports and weakly reports; to organize the loading into the broadband informatic network of the Government various kinds of reports, operating information, working programs and information on the daily activities of the leadership of the agency, the regulatory and legal documents issued by their agency (except classified information).
1.4- To prepare the reports of the Government and the Prime Minister to submit to the higher agencies as assigned by the Prime Minister;
1.5- To regularly exchange information with the related central and local agencies. To discharge the duty of supplying information when they receive valid requests of the other agencies and localities. To invite specialized cadres of the Government Office to attend the briefings when necessary, attend the meetings to conduct half-term and full-term reviews of the work at their agencies and in their localities.
2. The contents, time limit and modalities for sending reports shall be prescribed by the Prime Minister.
3. In addition to his task as other ministers, the Minister-Head of the Government Office shall have to accomplish the following tasks:
3.1- To organize the supply of daily information to the Prime Minister and the Deputy Prime Ministers regarding the questions which have been or are being settled by the Prime Minister and Deputy Prime Ministers; important issues submitted by the central and local agencies to the Prime Minister and some information on the economic and social situation, national security and defense, external relations and prominent international events in the day;
...
...
...
3.3- To organize the exchange of information and take part in the weekly briefings with the Office of the Central Committee of the Party, the Office of the President of the State, the Office of the National Assembly and the Commissions of the Party;
3.4- To make a synthetic report every half month on the activities of the Prime Minister and the Deputy Prime Ministers for the leadership of a number of high level agencies of the Party and State;
3.5- To make a synthetic report every month on the guidance and operation of the Government, the Prime Minister and the prominent situation in economic and social affairs, security, national defense and external relations and send it to the members of the Government. The heads of the agencies attached to the Government, the chairmen of the People's Councils and the presidents of the People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government and the leaderships of a number of other agencies of the Party and the State, the Central Committee of the Vietnam Fatherland Front and people's organizations at the central level.
3.6- To guide, follow and promote the agencies to strictly observe the regime of information and reporting, and organize the exploitation of these sources of information in service of the direction and operation of the Government and the Prime Minister.
4. Apart from the tasks set in Item 1 of this Article, the Minister of Planning and Investment shall also have to make a synthetic report on the implementation of the State plan at the regular meetings of the Government. The ministers, the heads of the ministerial-level agencies, the heads of the agencies attached to the Government, the chairmen of the People's Councils, the presidents of the People's Committees of the provinces and cities directly under to the Central Government shall have to supply information adequately and in time to the Minister of Planning and Investment so that he may make the communiqué in service of the direction and guidance of the Government and the Prime Minister.
Article 33.- Information on the activities of the administration to the people.
1. The members of the Government, the heads of the agencies attached to the Government, the chairmen of the People's councils, the presidents of the People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government must inform the press agencies and the people about important decisions under their issuing competence and the implementation of the undertakings and policies and legislation of the State through different forms.
1.1- The Prime Minister (or Deputy Prime Ministers) either directly holds or delegates the Minister-Head of the Government Office or the Spokesman of the Prime Minister to hold regular monthly press conferences or press conferences after a Government meeting, or after the meetings of the Prime Minister with the ministries, the ministerial-level agencies, agencies attached to the Government, the localities, the Central Committee of the Vietnam Fatherland Front, the central agencies of the people's organizations, or after the reception of international guests...
1.2- The Minister-Head of the Government Office or the Spokesman of the Prime Minister shall regularly supply information to the press about the activities of the Government and the Prime Minister according to the regulations.
...
...
...
1.3.1- To maintain regular contact and create all favorable conditions for the mass media in the supply of accurate and timely information about the developments in their branches, domains and localities;
1.3.2- To hold periodically monthly press conferences, press conferences before or after issuing important documents or implementing major policies of the Party and State, or when other noteworthy events take place;
1.3.3- To organize the posting up or distribution free of charge of documents and regulations related to the interests and obligations of citizens;
1.3.4- To make regular press reviews and answers in the press at the proposal of the press agencies or at the request of the Prime Minister; to request the press agencies which have carried or broadcast news and stories inconsistent with truth, or distortions and slanders to issue corrections, or to enact the right to take legal action to the Court as prescribed by law;
1.3.5- To strengthen the management of information and press work and to adopt a regulation on press conferences, to supply information within their agencies, branches or localities; not to divulge classified information of the State;
1.4- The ministers, the heads of the ministerial-level agencies, the heads of the agencies attached to the Government, the spokesman of the Prime Minister, the Presidents of the People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government shall inform the Culture and Information Services of the same level about their plan for annual press conferences without having to ask for permission for each press conference.
2. The chairmen of the People's Councils, the presidents of the People's Committees at all levels, the heads of the agencies and organizations of the State and people's organizations shall have to adopt forms to make public the situation about the collection and use of the funds to which the people have contributed (except the tax obligation to the State). When signs of corruption or wrong or wasteful use of the funds are detected, the contributors and press correspondents in the country are entitled to ask the managers and the heads of the agency that has decided to mobilize the people's contributions to supply fully the data and explain them without any limitation whatsoever.
3- If the need arises to report over the radio and in the newspapers about the meetings, working sessions and receptions of the Government agencies and agencies of the local administration, press correspondents may be invited to shoot films and take photographs five minutes before the opening. After the meetings, the agency shall hold press briefings to report on the result of the meeting (if the sponsor of the meeting agrees).
Article 34.- Information for external audiences.
...
...
...
2. The Minister for Foreign Affairs shall assume the main responsibility and cooperate with the central and related local agencies in organizing regular information about the situation in the country to the permanent foreign press agencies in Vietnam.
3. The Minister-Head of the Government Office or the Spokesman of the Prime Minister shall assume the main responsibility and cooperate with the Minister for Foreign Affairs, the Minister of Culture and Information in organizing regular quarterly press conferences or irregular press conferences to inform the press agencies of foreign countries about the economic, cultural and social situation and the activities of the Government and Prime Minister.
4. The Ministry of Culture and Information shall assume the main responsibility and coordinate with the Ministry for Foreign Affairs, the General Post Office, the Vietnam News Agency, the Voice of Vietnam Radio, the Vietnam Television and other information and press agencies in broadening the information to foreign countries about the situation in the country in all respects (except the information on the list of State secrets).
;Nghị định 11/1998/NĐ-CP ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ
Số hiệu: | 11/1998/NĐ-CP |
---|---|
Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ |
Người ký: | Phan Văn Khải |
Ngày ban hành: | 24/01/1998 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Nghị định 11/1998/NĐ-CP ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ
Chưa có Video