Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số : 01-CP

Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 1977

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA  ỦY BAN THANH TRA CỦA CHÍNH PHỦ

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng chính phủ  ngày 14-7-1960.
Căn cứ vào bản Điều lệ tổ chức và hoạt động của Hội đồng chính phủ ban hành theo Nghị định số 172-CP ngày 01-11-1973 của Hội đồng chính phủ.
Căn cứ vào Nghị quyết số 164-CP và Nghị định số 165-CP ngày 31-8-1970 của Hội đồng chính phủ về tăng cường công tác thanh tra và qui định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ;
Theo đề nghị của đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Nghị định này bản Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ.

Điều 2. Những văn bản quy định trước đây trái với điều lệ này đều bãi bỏ.

Điều 3. Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ căn cứ vào bản điều lệ này để quy định cụ thể nhiệm vụ và tổ chức các đơn vị thuộc Ủy ban, các tổ chức thanh tra ở các ngành, các cấp và hướng dẫn thực hiện.

Điều 4. Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Duy Trinh

 

ĐIỀU LỆ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN THANH TRA CỦA CHÍNH PHỦ

Chương 1:

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA ỦY BAN THANH TRA CỦA CHÍNH PHỦ

Điều 1. Ủy ban Thanh tra của Chính phủ là cơ quan của Hội đồng chính phủ, có trách nhiệm thay mặt Hội đồng chính phủ thanh tra một cách thường xuyên, kịp thời, chính xác việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, kế hoạch và pháp luật của Nhà nước, chủ yếu về mặt kinh tế, và chỉ đạo hướng dẫn công tác thanh tra của Nhà nước và công tác thanh tra nhân dân của các ngành; các cấp nhằm bảo đảm chấp hành đầy đủ các chủ trương chính sách, góp phần giữ gìn kỷ luật, cải tiến tổ chức, đồng thời giúp cơ quan lãnh đạo kiểm tra lại sự đúng đắn của bản thân các chủ trương, chính sách đó.

Điều 2 Ủy ban Thanh tra của Chính phủ có các nhiệm vụ cụ thể:

a) Thanh tra việc thực hiện kế hoạch Nhà nước một cách có trọng tâm, trọng điểm theo yêu cầu của Thường vụ Hội đồng Chính phủ.

b) Nắm vững những trọng tâm và yêu cầu chính của từng mặt công tác của Nhà nước, của từng ngành, từng địa phương, trong thời gian để tiến hành thanh tra việc chấp hành các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Chính phủ, pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề có liên quan đến nền kinh tế quốc dân và đời sống nhân dân, nhằm góp phần làm cho các chủ trương, chính sách đó được chấp hành đúng đắn, đồng thời góp phần đấu tranh chống các hiện tượng quan liêu, cửa quyền, tham ô, lãng phí trong bộ máy Nhà nước.

c) Hướng dẫn về công tác tổ chức và nghiệp vụ thanh tra cho thủ trưởng các ngành, các cấp và cho các cơ quan thanh tra của Nhà nước và thanh tra nhân dân.

Đào tạo, bồi dưỡng đào tạo cán bộ làm công tác thanh tra cho các ngành, các cấp.

d) Hướng dẫn, đôn đốc và thanh tra thủ trưởng các ngành, các cấp làm đúng trách nhiệm trong việc xét, giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo của nhân dân, đồng thời tự mình xét, giải quyết các đơn khiếu tố trong phạm vi trách nhiệm của Chính phủ, nhằm bảo đảm quyền làm chủ tập thể và những quyền lợi hợp pháp của nhân dân.

Chương 2:

QUYỀN HẠN CỦA ỦY BAN THANH TRA CỦA CHÍNH PHỦ VÀ MỐI QUAN HỆ VỚI CÁC NGÀNH, CÁC CẤP

Điều 3. Căn cứ vào chủ trương chung của Hội đồng chính phủ, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ được quyền :

a) Quyết định tổ chức các cuộc thanh tra và cử các đoàn hoặc phái viên thanh tra đến các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở để thanh tra theo nhiệm vụ đã quy định; yêu cầu các ngành liên quan cử cán bộ tham gia các cuộc thanh tra của Ủy ban, số cán bộ này chịu sự chỉ đạo của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ trong thời gian thanh tra.

b) Triệu tập các cuộc hội nghị bàn về công tác thanh tra, thành phần được triệu tập từ cấp thứ trưởng và phó chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở xuống.

Cử đại diện tham dự những hội nghị có liên quan đến công tác thanh tra của các ngành, các cấp.

c) Yêu cầu các Bộ; cơ quan ngang Bộ, các Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan có thẩm quyền giám định, cung cấp những tài liệu, chế độ, thể lệ của ngành và địa phương cần thiết cho công tác thanh tra, hoặc điều tra, xác minh, kết luận những vấn đề thuộc trách nhiệm của mình.

d) Khi cần thiết, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ được quyền:

- Tạm thời đình chỉ những việc làm xét thấy đang gây hoặc sắp gây những thiệt hại nghiêm trọng về chính trị, kinh tế, đời sống cho Nhà nước và nhân dân.

- Tạm thời đình chỉ thi hành quyết định điều động những người đương cộng tác với cơ quan thanh tra hoặc đương là đối tượng thanh tra đi nơi khác nếu thấy việc điều động này trở ngại cho công tác thanh tra.

- Tạm thời đình chỉ công tác những cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước có hành động cản trở công tác thanh tra.

Sau khi có quyết định tạm thời đình chỉ như trên, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ cần thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý trên của đơn vị được thanh tra biết.

Đối với các thành viên của Hội đồng chính phủ, các thứ trưởng, các cán bộ giữ chức vụ tương đương và các Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khi xét cần tạm thời đình chỉ công tác người nào thì Ủy ban Thanh tra của Chính phủ đề nghị Thường vụ Hội đồng Chính phủ quyết định.

e) Sau mỗi cuộc thanh tra; có kết luận việc làm đúng, sai của cơ quan, đơn vị được thanh tra, nêu rõ nguyên nhân và trách nhiệm hoặc kiến nghị các biện pháp sửa chữa, khen thưởng, kỷ luật, đối với những người có hành vi phạm pháp nghiêm trọng thì chủ nhiệm xét và nếu cần, kiến nghị với viện kiểm sát nhân dân truy tố.

g) Căn cứ vào pháp luật của Nhà nước, nghiên cứu trình Chính phủ quy định hoặc tự mình ban hành những quyết định, thông tư, chỉ thị về công tác thanh tra và xét khiếu tố và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện ở các ngành, các cấp.

Quyết định sửa đổi hoặc bãi bỏ những quyết định không thích đáng của cơ quan thanh tra cấp dưới: yêu cầu các Bộ, Tổng cục, các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sửa đổi hoặc bãi bỏ những quyết định không phù hợp với những quy định của Nhà nước về công tác thanh tra.

Điều 4. Cơ quan, đơn vị được thanh tra có trách nhiệm phối hợp với đoàn hoặc phái viên thanh tra, bảo đảm cho công tác thanh tra và công tác của đơn vị đạt kết quả tốt.

Trong hạn 15 ngày kể từ khi nhận được kết luận, kiến nghị của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ, cơ quan, đơn vị được thanh tra phải báo cáo kết quả hoặc kế hoạch, biện pháp thi hành cho Ủy ban rõ; trường hợp không nhất trí thì phải báo cáo kịp thời cho biết, đồng thời báo cáo với cơ quan chủ quản cấp trên.

Điều 5. Để thực hiện nhiệm vụ thanh tra, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, các cơ quan hữu quan (công an, viện kiểm sát, tòa án, Ủy ban kiểm tra của Đảng…) để cùng nhau bàn bạc, kết luận và giải quyết những vấn đề quan trọng có liên quan chung.

Điều 6.  Ủy ban Thanh tra của Chính phủ cần có quan hệ chặt chẽ với các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin, báo chí để cùng nhau phối hợp kế hoạch trong công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức quần chúng tham gia các hoạt động thanh tra.

Chương 3:

TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA ỦY BAN THANH TRA CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CÁC NGÀNH, CÁC CẤP

Điều 7. - Ủy ban Thanh tra của Chính phủ có một Chủ nhiệm, một số Phó chủ nhiệm và ủy viên.

Ủy ban Thanh tra của Chính phủ làm việc theo chế độ thủ trưởng kết hợp chặt chẽ với việc bàn bạc tập thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ chỉ đạo chung công tác của Ủy ban, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Hội đồng chính phủ về toàn bộ công tác thanh tra như chương I, II của Điều lệ này quy định.

Các Phó chủ nhiệm giúp Chủ nhiệm lãnh đạo chung, và được Chủ nhiệm uỷ nhiệm chỉ đạo từng phần công tác của Ủy ban.

Trong các Phó chủ nhiệm; có một Phó chủ nhiệm thường trực giúp Chủ nhiệm đôn đốc, điều hòa phối hợp và giải quyết những công việc chung trong phạm vi Ủy ban đã quyết định; được Chủ nhiệm ủy quyền giải quyết một số việc của Ủy ban khi Chủ nhiệm, vắng mặt.

Các ủy viên giúp Chủ nhiệm phụ trách một số việc nhất định.

Điều 8. Tổ chức bộ máy của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ gồm có:

1.Văn phòng,

2. Vụ tổng hợp,

3. Vụ tổ chức và cán bộ,

4. Vụ thanh tra công nghiệp,

5. Vụ thanh tra giao thông và bưu điện,

6. Vụ thanh tra xây dựng cơ bản,

7. Vụ thanh tra nông nghiệp,

8. Vụ thanh tra thương nghiệp,

9. Vụ thanh tra nội chính – văn xã,

10. Vụ thanh tra xét khiếu tố,

11. Vụ quản lý công tác thanh tra nhân dân,

12. Trưởng cán bộ thanh tra,

Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ sẽ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ mối quan hệ giữa các tổ chức nói trên, chức năng chủ yếu của các Vụ thanh tra là giúp Chủ nhiệm đi thanh tra ở các ngành và các địa phương.

Điều 9. Các tổ chức thanh tra ở các ngành, các cấp gồm có:

a) Các cơ quan thanh tra chuyên trách của Nhà nước :

- Ban thanh tra các Bộ, các ngành quản lý tổng hợp, sản xuất, kinh doanh và sự nghiệp quan trọng ở trung ương và ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Ủy ban thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban thanh tra huyện và tương đương.

b) Ban Thanh tra nhân dân ở các đơn vị cơ sở chính quyền, kinh tế, sự nghiệp.

Các cơ quan thanh tra chuyên trách của Nhà nước là cơ quan của lãnh đạo chính quyền ở ngành, hoặc cấp đó; có trách nhiệm tiến hành các hoạt động thanh tra dưới sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của thủ trưởng các ngành, các cấp đó.

Ban thanh tra nhân dân ở các đơn vị là tổ chức thanh tra của nhân dân, do nhân dân cử ra được Nhà nước công nhận và hướng dẫn hoạt động, đồng thời cũng là tổ chức cơ sở trong hệ thống các tổ chức và lực lượng thanh tra của chính quyền ở từng ngành, từng cấp.

c) Ngoài các tổ chức thanh tra nói trên, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ và của các tỉnh, thành được phép sử dụng một số cán bộ ngoài ngành thanh tra để làm cộng tác viên, Chính phủ sẽ quy định về quy chế và thể thức sử dụng lực lượng cộng tác viên thanh tra trong một văn bản riêng.

Điều 10. – Căn cứ vào Điều lệ tổ chức và hoạt động này, theo tinh thần gọn, nhẹ, có hiệu lực thiết thực và sau khi thỏa thuận với Ban tổ chức của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Chính phủ ra các văn bản quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và lề lối làm việc, các mối quan hệ công tác cho các tổ chức thanh tra ở các ngành, các cấp.

Điều 11. Việc bổ sung, sửa đổi điều lệ này do Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ đề nghị Hội đồng Chính phủ xét và quyết định.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Nghị định 01-CP năm 1977 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu: 01-CP
Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
Người ký: Nguyễn Duy Trinh
Ngày ban hành: 03/01/1977
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [1]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [1]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Nghị định 01-CP năm 1977 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ do Hội đồng Chính phủ ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [6]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [5]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…