Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 78/KH-UBND

Thái Bình, ngày 17 tháng 10 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG GIẢM NGHÈO VỀ THÔNG TIN NĂM 2018 THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2016-2020

Thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Thông tư số 06/2017/TT-BTTTT ngày 02/6/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Công văn số 375/BTTTT-KHTC ngày 05/02/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tổ chức thực hiện sản xuất thông tin, tuyên truyền thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Công văn số 588/BTTTT-KHTC ngày 05/3/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc bố trí kinh phí sản xuất nội dung thông tin, tuyên truyền phục vụ cho khu vực thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Công văn số 2862/BTTTT-KHTC ngày 27/8/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông về kế hoạch triển khai hoạt động giảm nghèo về thông tin sản xuất chung cho khu vực năm 2018 của tỉnh Thái Bình, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai hoạt động Giảm nghèo về thông tin năm 2018 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

Vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) bao gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh, là cửa ngõ ở phía biển Đông với thế giới và là một trong những cầu nối trực tiếp giữa hai khu vực phát triển năng động là khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á.

Xác định tầm quan trọng của công tác giảm nghèo về thông tin, trong những năm qua, các địa phương trong khu vực nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng đã tập trung thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền vẫn còn một số hạn chế là: hoạt động thông tin, tuyên truyền chưa tập trung khai thác về các đề tài chuyên sâu và hệ thống của vùng nhằm tạo điểm nhấn cần thiết, có sự so sánh, tương quan theo vùng; các cơ quan truyền thông tại các địa phương tự thực hiện các nội dung thông tin, tuyên truyền một cách độc lập, không có sự kế thừa và khai thác các sản phẩm để dùng chung, ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền và hạn chế hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền có tính chất chung cho khu vực là rất cần thiết, bảo đảm khai thác được các chủ đề chuyên sâu, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.

Việc triển khai thực hiện các hoạt động giảm nghèo về thông tin năm 2018 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 (với 02 nhiệm vụ chính: Sản xuất nội dung thông tin, tuyên truyền phục vụ chung cho khu vực ĐBSH và hoạt động giảm nghèo về thông tin trên địa bàn tỉnh Thái Bình) sẽ giúp nhân dân khu vực ĐBSH nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng nâng cao khả năng tiếp cận thông tin, góp phần giảm nghèo về thông tin, đặc biệt là các thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các thông tin thiết yếu khác.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin, cách tiếp cận về giảm nghèo bền vững. Triển khai có hiệu hoạt động giảm nghèo về thông tin, tăng cường đưa thông tin thiết yếu, thiết thực đến với người dân nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và thay đổi hành vi của người dân về giảm nghèo bền vững tại khu vực ĐBSH.

- Phổ biến, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về các vấn đề kinh tế xã hội nhằm củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý điều hành của Nhà nước, tạo đồng thuận cao với các vấn đề nổi cộm trong đời sống kinh tế - xã hội.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc tổ chức các hoạt động truyền thông và giảm nghèo về thông tin

- Tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương, các cơ quan truyền thông, tránh chồng chéo, lãng phí.

- Nội dung thông tin, tuyên truyền phục vụ chung cho khu vực phải có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, phù hợp với đối tượng tiếp cận, tiết kiệm kinh phí, đạt được hiệu quả cao về công tác tuyên truyền.

III. ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT NỘI DUNG THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN PHỤC VỤ CHUNG CHO KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG

1. Nội dung, chủ đề

Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, gương điển hình trong giảm nghèo và các thông tin thiết yếu khác cho người dân nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.... Trong đó tập trung vào các nội dung sau:

1.1. Tuyên truyền về mục đích, nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và việc triển khai thực hiện các hoạt động trên nhằm hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội về thông tin trong chương trình giảm nghèo bền vững; hoạt động giảm nghèo về thông tin đã và đang được triển khai tại khu vực ĐBSH.

1.2. Tiềm năng phát triển của tỉnh Thái Bình và vai trò đóng góp cho sự phát triển khu vực ĐBSH

- Phân tích tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, như: Cơ chế chính sách, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp (chính sách, các khu công nghiệp trong tỉnh,...), phát triển nông nghiệp (lúa, rau màu, cây ăn quả...), lợi thế của Thái Bình đối với phát triển du lịch (nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang Hải Phòng - Hà Nội - Lạng Sơn - Nam Ninh và vành đai kinh tế ven vịnh Bắc Bộ), nhiều điểm du lịch hấp dẫn...

- Vai trò đóng góp cho sự phát triển và vị thế của tỉnh trong khu vực ĐBSH: Về liên kết vùng, bảo vệ sinh thái, phát triển kinh tế,...

- Hướng phát triển trong tương lai của tỉnh.

1.3. Tuyên truyền về phát triển kinh tế của vùng

- Phản ánh về Chương trình xây dựng nông thôn mới:

+ Các cơ chế, chính sách được ban hành, điều chỉnh, bổ sung; các kết quả đạt được qua 08 năm (2011-2018) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM); những khó khăn, thách thức được đặt ra trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, đặc biệt đối với các xã đã về đích nông thôn mới và các xã chưa về đích nông thôn mới...

+ Có sự so sánh về việc triển khai thực hiện Chương trình NTM giữa các tỉnh trong khu vực.

- Chương trình nước sạch nông thôn:

+ Phổ biến, đánh giá sâu về việc thực hiện thành công chủ trương xã hội hóa xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn tại Thái Bình với những thành công nổi bật: Trước khi triển khai thực hiện chương trình; việc thực hiện chương trình đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn (với 200/263 xã và 01 huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới); là tỉnh đầu tiên trong cả nước phủ kín mạng lưới nước sạch nông thôn (tính đến hết tháng 6/2018, 100% số xã được cấp nước sạch sinh hoạt; tổng số hộ dân đã đấu nối sử dụng nước sạch nông thôn của các xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh là 500.448 hộ, đạt tỷ lệ 94,2%).

+ Phân tích, so sánh, đánh giá chung với các tỉnh trong khu vực ĐBSH để các tỉnh có thể nghiên cứu, tham khảo thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thay đổi bộ mặt nông thôn các tỉnh trong khu vực.

- Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao:

+ Đánh giá về diện tích đất sử dụng trong nông nghiệp trong tổng diện tích đất tự nhiên của toàn vùng. Phân tích thực trạng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao trong vùng hiện nay, những tồn tại, bất cập.

+ Đánh giá về các cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại các tỉnh trong vùng.

+ Đề xuất các giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, trong đó tập trung vào các giải pháp về áp dụng khoa học và công nghệ vào mọi khâu sản xuất, từ canh tác, thu hoạch, chế biến đến quản lý; ban hành cơ chế thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp; tích tụ ruộng đất, nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn; tăng cường sự trao đổi, liên kết giữa các địa phương trong khu vực nhằm tìm ra giải pháp để xác định được nhu cầu ứng dụng, đổi mới công nghệ và mô hình liên kết “5 nhà” (Nhà nước, nhà đầu tư, nhà nông, nhà khoa học và ngân hàng), hợp tác hiệu quả theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp....

- Phát triển công nghiệp:

+ Thông tin toàn cảnh về số lượng các khu công nghiệp trong vùng; các ngành nghề, lĩnh vực đang được sản xuất tại các khu công nghiệp, trình độ và kỹ năng của người lao động tại các khu công nghiệp; vị trí của ngành công nghiệp trong phát triển kinh tế của cả vùng; so sánh với các vùng kinh tế trọng điểm khác...

+ Phân tích, đánh giá tình hình phát triển công nghiệp tại khu vực so với Quy hoạch phát triển công nghiệp vùng ĐBSH đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được phê duyệt.

+ Các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là đầu tư FDI vào các khu công nghiệp.

+ Các giải pháp phát triển công nghiệp của vùng trong thời gian tới.

- Phát triển du lịch, khai thác tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh thuộc Khu vực ĐBSH.

+ Phân tích, đánh giá về tiềm năng, lợi thế cho du lịch của khu vực, như: Lợi thế về du lịch biển, lợi thế về các di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc có giá trị nổi bật...

+ Phân tích về vị thế của ngành du lịch trong phát triển kinh tế của vùng; các cơ chế, chính sách, giải pháp trong quảng bá và khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch của các tỉnh trong vùng.

- Phát triển kinh tế biển và ven biển:

+ Phân tích lợi thế cho phát triển kinh tế biển và ven biển của vùng: lợi thế bờ biển có bãi triều rộng và phù sa dày là cơ sở nuôi trồng thủy hải sản; tiếp giáp với hơn 400km bờ biển, có cửa ngõ thông ra biển qua cảng Hải Phòng, dễ dàng mở rộng giao lưu với các vùng khác và các nước trong khu vực; lợi thế về giao thông với nhiều tuyến đường bộ ven biển đã và đang triển khai thực hiện nhằm liên kết các tỉnh, thành phố ven biển....

+ Tình hình phát triển kinh tế biển và ven biển trong thời gian qua: đã xây dựng được nhiều khu kinh tế ven biển lớn, như: Khu Kinh tế ven biển Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng), Khu kinh tế ven biển Vân Đồn (Quảng Ninh), Khu kinh tế Thái Bình...

+ Đề xuất các giải pháp khả thi nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển, tạo động lực phát triển công nghiệp khu vực ven biển với tốc độ cao và bền vững, từng bước thực hiện quai đê lấn biển, phát triển quỹ đất, mở rộng diện tích tự nhiên, đưa vào khai thác cho các mục đích nuôi trồng thủy sản, phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, đô thị ở khu vực ven biển...

1.4. Phổ biến, tuyên truyền về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm

- Sự cần thiết phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; thực trạng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở khu vực ĐBSH hiện nay (phản ánh thực trạng, nhận diện và phân tích rõ nguyên nhân).

- Tập trung phân tích rõ nghĩa vụ và quyền lợi của người tiêu dùng, các cá nhân, tổ chức kinh doanh trong toàn bộ quy trình từ sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm... Nêu rõ cá nhân, tổ chức kinh doanh thực phẩm có trách nhiệm gì trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm?

- Sự cần thiết và ý thức tham gia của người tiêu dùng để bảo đảm nghĩa vụ và quyền lợi của chính mình.

1.5. Phổ biến, tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

- Phân tích về ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu đối với vùng: Vùng ĐBSH là một trong hai châu thổ của Việt Nam chịu tác động nặng nề của thiên tai, biến đổi khí hậu, dễ dẫn đến sự tổn thương về môi trường, xã hội, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Hằng năm thường xuyên xảy ra các hiện tượng thiên tai cực đoan, như: Mưa kéo dài, bão, lũ, hạn hán ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội của nhân dân trong vùng.

- Đánh giá công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu của các địa phương trong vùng.

- Các giải pháp phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu của các địa phương trong vùng; sự hợp tác liên vùng trong chiến lược ứng phó của các địa phương.

1.6. Phổ biến, tuyên truyền về phát triển văn hóa, xã hội

- Phản ánh về các giá trị văn hóa truyền thống tại vùng, giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị này

+ Đánh giá tổng quan: Vùng ĐBSH là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước. Làng quê vùng ĐBSH gắn với rất nhiều các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể hình thành nên những nét đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam, nơi có nhiều lễ hội truyền thống và những công trình văn hóa đã được xếp hạng.

+ Phân tích ảnh hưởng của quá trình phát triển xã hội gắn liền với quá trình đô thị hóa đang làm mai một dần đi các giá trị văn hóa truyền thống.

+ Đề xuất vai trò của các cơ quan, đơn vị và mỗi cá nhân đối với công tác bảo tồn, gìn giữ và phát triển giá trị, bản sắc văn hóa, đặc biệt là giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của từng địa phương trong khu vực.

- Phản ánh điều kiện học tập, đời sống, sinh hoạt của sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong khu vực.

+ Tổng quan về các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong khu vực: Vùng ĐBSH là nơi tập trung đông các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Hiện có gần 100 trường cao đẳng, đại học, 70 trường trung học chuyên nghiệp, 60 trường công nhân kỹ thuật và 40 trường dạy nghề, trong đó tập trung đông tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh với số lượng sinh viên lên đến hàng triệu người.

+ Phản ánh đời sống học tập, sinh hoạt, văn hóa, các xu hướng đối với tầng lớp sinh viên hiện nay.

+ Đề xuất các giải pháp xây dựng lối sống, môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện để sinh viên học tập, rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội cho vùng và cho cả nước.

2. Hình thức thông tin, tuyên truyền

- Thể loại: Lựa chọn các thể loại phù hợp, như: Phóng sự, ký sự, phim tài liệu...

- Thời lượng: Từ 15-30 phút/chương trình.

3. Quy mô, phạm vi thực hiện

- Quy mô thực hiện: Căn cứ các hình thức thông tin, tuyên truyền và cơ cấu kinh phí bố trí cho từng nội dung, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông lập dự toán và xác định quy mô theo các quy định hiện hành, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Phạm vi thực hiện: Thực hiện tại 11 tỉnh khu vực ĐBSH gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh.

4. Phương án phát hành, đăng tải, phát sóng

Đối với các chương trình truyền hình tuyên truyền chung cho Khu vực ĐBSH:

- Phát trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình.

- Sau khi sản xuất xong, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chuyển các chương trình đến Bộ Thông tin và Truyền thông để chỉ đạo phát sóng tại các tỉnh trong khu vực, lựa chọn các chương trình có chất lượng phát sóng trên các kênh truyền hình Quốc gia và các tỉnh trên toàn quốc.

5. Phương thức thực hiện: Thực hiện đấu thầu theo các quy định hiện hành.

IV. ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG GIẢM NGHÈO VỀ THÔNG TIN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH

1. Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông cấp cơ sở

- Số lượng: Tổ chức 04 lớp bồi dưỡng ngắn hạn với thời gian là 01 ngày/01 lớp.

- Đối tượng: Cán bộ văn hóa và trưởng Đài Truyền thanh cấp xã; cán bộ thôn, tổ dân phố, cán bộ phòng Văn hóa Thông tin, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện; cán bộ, chuyên viên có liên quan của Sở Thông tin và Truyền thông.

- Giảng viên;

+ Lãnh đạo Cục Thông tin cơ sở - Bộ Thông tin và Truyền thông

+ Một số lãnh đạo, chuyên gia của các sở, ban, ngành của tỉnh Thái Bình.

- Nội dung: Tổng quan về công tác thông tin cơ sở, kỹ năng thực hiện công tác tuyên truyền miệng, một số thông tin cần thiết khác.

2. Tăng cường nội dung thông tin

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình sản xuất và phát sóng, đăng tải các chuyên mục, tin, bài, phóng sự nhằm phổ biến, tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, gương điển hình và các thông tin thiết yếu khác cho xã hội để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Tập trung vào các chủ đề sau:

- Chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước trong công tác giảm nghèo; thực trạng công tác giảm nghèo tại các địa phương;

- Chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình nước sạch nông thôn, mô hình tích tụ ruộng đất tại Thái Bình: Kết quả đạt được, phương hướng;

- Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn và sản xuất nông nghiệp theo chuỗi trên địa bàn tỉnh;

- Đào tạo nghề; vị trí, vai trò của đào tạo nghề cho lao động nông thôn; các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm có hiệu quả; tư vấn học nghề, việc làm miễn phí;

- Thông tin thị trường hàng hóa, hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hướng dẫn ứng dụng khoa học tiến bộ trong sản xuất kinh tế; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt;

- Phát triển kinh tế biển và ven biển, gắn với vươn khơi bám biển;

- Vấn đề dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm; vấn đề xả thải ở các nhà máy thuộc khu công nghiệp và sự ảnh hưởng của môi trường sống đối với người dân trong khu vực; vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt;

- Tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu;

- Tuyên truyền về phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Trong đó:

- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông

- Cơ quan phối hợp: Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình. Cụ thể:

+ Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình tổ chức sản xuất và phát trên sóng phát thanh chuyên mục “Giảm nghèo về thông tin”.

Số lượng: 24 chuyên mục, mỗi tuần 02 chuyên mục.

Thời lượng: 10 phút/một chuyên mục.

+ Báo Thái Bình xây dựng chuyên mục “Giảm nghèo về thông tin” trên Báo Thái Bình điện tử, đăng tải các tin, bài, phỏng vấn... trong chuyên mục.

- Hình thức: Đặt hàng.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Theo Quyết định số 2138/QĐ-UBND ngày 27/8/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2018 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cấp cho Sở Thông tin và Truyền thông.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Xây dựng kế hoạch lựa chọn đơn vị thực hiện nhiệm vụ sản xuất các chương trình truyền hình tuyên truyền chung cho Khu vực ĐBSH năm 2018 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020;

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự toán kinh phí, gửi Sở Tài chính thẩm định, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định hiện hành;

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện nội dung phổ biến, thông tin, tuyên truyền phục vụ chung cho Khu vực ĐBSH và các hoạt động giảm nghèo về thông tin trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông;

- Chủ trì tổng hợp tình hình thực hiện dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin và tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch này, báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì thực hiện hoạt động truyền thông về giảm nghèo, gửi Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định;

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện các nội dung được đề ra trong Kế hoạch này; phối hợp báo cáo định kỳ theo quy định và theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông thẩm định dự toán và hướng dẫn việc thanh quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành của Nhà nước.

4. Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình

- Phát trên sóng truyền hình các chương trình thông tin, tuyên truyền chung cho khu vực 11 tỉnh ĐBSH.

- Phát trên sóng phát thanh các chuyên mục “Giảm nghèo về thông tin” theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông.

5. Đề nghị Báo Thái Bình

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông mở chuyên mục “Giảm nghèo về thông tin” trên Báo Thái Bình điện tử, đăng tải các tin, bài, phỏng vấn... trong chuyên mục.

6. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng

Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình và các cơ quan, đơn vị có liên quan tạo điều kiện, phối hợp với tỉnh Thái Bình thực hiện nội dung thông tin, tuyên truyền phục vụ chung cho khu vực ĐBSH năm 2018 theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

VII. PHÂN TÍCH HIỆU QUẢ

1. Hiệu quả về chính trị

Phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là của các cấp chính quyền địa phương đến các tầng lớp nhân dân khu vực ĐBSH nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng sẽ góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của Đảng bộ, chính quyền các cấp, tạo nên sức mạnh để phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định chính trị và quốc phòng, an ninh.

2. Hiệu quả về kinh tế

Cung cấp thông tin cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các thông tin về phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, gương điển hình... của các tỉnh trong khu vực, giúp người dân nắm bắt được tình hình, thực trạng và định hướng phát triển kinh tế, nhằm khơi dậy tinh thần tự lực và thay đổi hành vi của người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo thành động lực phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo tại khu vực ĐBSH.

3. Hiệu quả về văn hóa xã hội

Kế hoạch được thực hiện sẽ đem lại hiệu quả lớn về văn hóa - xã hội, rút ngắn khoảng cách về văn hóa, thông tin giữa các địa phương, vùng miền; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về văn hóa, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, qua đó góp phần nâng cao dân trí, giáo dục truyền thống cách mạng, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, địa phương.

4. Bảo đảm sự ổn định về chính trị, quốc phòng - an ninh

Thực hiện tốt công tác phổ biến, thông tin, tuyên truyền đến người dân, Kế hoạch sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xây dựng thế trận an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ quốc phòng - an ninh, đấu tranh chống các luận điệu sai trái và chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; phòng chống tội phạm, phòng chống thiên tai, dịch bệnh qua đó bảo đảm sự ổn định về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội cho nhân dân khu vực ĐBSH nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng.

Trên đây là Kế hoạch triển khai hoạt động Giảm nghèo về thông tin năm 2018 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện, báo cáo kết quả trước ngày 15/12/2018 về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền thông)./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- UBND các tỉnh, thành phố Khu vực ĐBSH;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở: Thông tin và Truyền thông; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Đài PTTH Thái Bình, Báo TB;
- Lưu: VT, KGVX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Giang

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Kế hoạch 78/KH-UBND triển khai hoạt động giảm nghèo về thông tin năm 2018 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Thái Bình ban hành

Số hiệu: 78/KH-UBND
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
Người ký: Nguyễn Hoàng Giang
Ngày ban hành: 17/10/2018
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [2]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Kế hoạch 78/KH-UBND triển khai hoạt động giảm nghèo về thông tin năm 2018 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Thái Bình ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…