ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 57/KH-UBND |
Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 05 tháng 07 năm 2017 |
Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW; Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2021 của Ban cán sự đảng Chính phủ (Chương trình số 1087-Ctr/BCSĐCP), Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2017 - 2021 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với những nội dung sau:
1. Mục đích
a) Xác định rõ định hướng, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu trong việc tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp; đưa các nội dung cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ VI vào cuộc sống.
b) Tổ chức thực hiện thành công Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2021 của Ban cán sự đảng Chính phủ; Kế hoạch số 42-KH/TU ngày 07/9/2016 của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu về việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” (giai đoạn 2016 - 2021).
c) Tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, công chức viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với công tác tư pháp cải cách tư pháp; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
2. Yêu cầu
a) Các nhiệm vụ cải cách tư pháp phải đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị; bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2021 của Ban cán sự đảng Chính phủ và Kế hoạch của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu.
b) Xác định đúng các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể, sát hợp, khả thi trong đó có các hoạt động mang tính đột phá mà các ngành cần tập trung thực hiện trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2021.
c) Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có liên quan với Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp công tác cải cách tư pháp.
1. Hoàn thiện chính sách pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật
a) Tiếp tục tổ chức, triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; tổ chức thi hành hiệu quả các văn bản pháp luật mới ban hành, nhất là các đạo luật liên quan trực tiếp đến cải cách tư pháp như: Bộ luật dân sự năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Luật tố tụng hành chính... Đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 trên địa bàn tỉnh.
b) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh, địa phương ban hành có liên quan đến các luật, bộ luật về tư pháp nhằm bảo đảm sự đồng bộ, phù hợp với các luật, bộ luật mới ban hành và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Thời gian thực hiện: Hàng năm.
2. Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp
a) Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động của Sở Tư pháp, cơ quan Tư pháp cấp huyện, cấp xã và cơ quan điều tra, cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.
b) Triển khai có hiệu quả các đề án liên quan đến tổ chức và hoạt động tư pháp theo chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh.
Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Thời gian thực hiện: Hàng năm.
a) Thi hành có hiệu quả Luật thi hành án hình sự, Luật đặc xá; khẩn trương kiện toàn tổ chức cơ quan thi hành án hình sự; quan tâm đầu tư, nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.
b) Nâng cao hiệu quả thi hành Luật thi hành án dân sự, pháp luật về thi hành án hành chính; củng cố, kiện toàn hệ thống cơ quan thi hành án dân sự theo Luật thi hành án dân sự.
Tổ chức thi hành kịp thời, hiệu quả các bản án, quyết định; khắc phục án tồn đọng, tập trung giải quyết triệt để các vụ thi hành án kéo dài, gây bức xúc; giải quyết dứt điểm các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; xử lý nghiêm các trường hợp chây ỳ, trốn tránh, cố ý không thi hành án; tập trung phối hợp tổ chức cưỡng chế thi hành án, đặc biệt là cưỡng chế giao tài sản bán đấu giá thành cho người mua, người nhận tài sản để thi hành án; đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu trong công tác thi hành án được giao.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp; chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác phối hợp, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc phát sinh trong việc phối hợp cũng như trong hoạt động tổ chức thi hành án trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các cơ quan quản lý chuyên ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá tài sản liên quan đến thi hành án dân sự; phối hợp ngăn chặn tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh trách nhiệm thi hành án; cung cấp các thông tin về đất đai, thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất liên quan đến thi hành án dân sự; phối hợp xử lý tài sản tịch thu sung công theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi hành án dân sự. Hỗ trợ về kinh phí cho cơ quan thi hành án dân sự theo điều kiện ngân sách địa phương.
Cơ quan thực hiện: Công an tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Thời gian thực hiện: Hàng năm.
a) Đảm bảo các điều kiện thuận lợi để luật sư tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra, đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.
b) Tiếp tục phát triển đội ngũ luật sư về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn và kiến thức chuyên sâu đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Đề cao trách nhiệm và ý thức đạo đức nghề nghiệp của luật sư; tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động luật sư và phát huy vai trò tự quản của Đoàn luật sư tỉnh.
Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, Đoàn luật sư tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Thời gian thực hiện: Hàng năm.
a) Nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; triển khai thực hiện tốt các chiến lược, quy hoạch, đề án đã được phê duyệt với lộ trình phù hợp theo tinh thần Chiến lược cải cách tư pháp.
b) Thực hiện Đề án “Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của công tác trợ giúp pháp lý; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong việc tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý của Nhà nước; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đối tượng cần được trợ giúp, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, bảo vệ công lý, công bằng xã hội.
Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Thời gian thực hiện: Hàng năm.
c) Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Giám định tư pháp năm 2012; Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đổi mới tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đột phá về chất lượng và hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng mà trọng tâm là bảo đảm việc phán quyết của Tòa án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật, góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội.
Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, Sở Y tế, Công an tỉnh, các tổ chức giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Thời gian thực hiện: Hàng năm.
d) Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật công chứng năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành; đẩy mạnh xã hội hóa về hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đảm bảo các tổ chức hành nghề công chứng hoạt động đúng pháp luật, bình đẳng, có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu công chứng, chứng thực của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, Hội công chứng viên tỉnh, các tổ chức hành nghề công chứng và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Thời gian thực hiện: Hàng năm.
đ) Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án thừa phát lại tại địa phương; xây dựng chính sách hỗ trợ, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để thừa phát lại thực hiện công việc của mình.
Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Thời gian thực hiện: Năm 2017 và các năm tiếp theo.
6. Xây dựng và đào tạo đội ngũ công chức, viên chức tư pháp
a) Thường xuyên bồi dưỡng cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp theo hướng cập nhật các kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, có phẩm chất, đạo đức trong sáng, có bản lĩnh dũng cảm, sẵn sàng đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, tôn trọng và bảo vệ quyền con người.
b) Có cơ chế thu hút, tuyển chọn những người có tâm huyết, đủ đức, đủ tài vào làm việc tại các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp; mở rộng nguồn bổ nhiệm và cơ chế thi tuyển để lựa chọn người bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp.
c) Nghiên cứu, đề xuất về chế độ, chính sách tiền lương, khen thưởng phù hợp với hoạt động đặc thù của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp, có chính sách ưu tiên, khuyến khích cán bộ, công chức đến làm việc ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo và những nơi kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn.
Cơ quan thực hiện: Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tư pháp, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Thời gian thực hiện: Năm 2017 và các năm tiếp theo.
7. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp
a) Củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp với các tổ chức quốc tế; tổ chức thực hiện tốt các điều ước quốc tế đã tham gia; tăng cường phối hợp trong hoạt động phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm có yếu tố quốc tế và khủng bố quốc tế.
b) Đẩy mạnh việc đào tạo trình độ ngoại ngữ, nghiệp vụ chuyên sâu về tư pháp quốc tế cho một số cán bộ tư pháp; đề cao tinh thần cảnh giác phòng, chống âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch.
Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, Sở Ngoại vụ, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Thời gian thực hiện: Hàng năm.
8. Đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động tư pháp
a) Xây dựng kế hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện, trụ sở làm việc cho các cơ quan tư pháp.
b) Rà soát, đề xuất về việc hỗ trợ ngân sách đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, các cơ sở giam, giữ, cải tạo, kho vật chứng có hiệu quả, tiết kiệm; ưu tiên trang bị phương tiện kỹ thuật tiên tiến, phù hợp với yêu cầu sử dụng phục vụ công tác điều tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm, công tác thi hành án và công tác giám định tư pháp.
Cơ quan thực hiện: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Sở Y tế, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Thời gian thực hiện: Hàng năm.
9. Thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp, hoạt động tư pháp
Đẩy mạnh và đa dạng hóa các thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp, hoạt động tư pháp; các quy định, chính sách mới về trong các đạo luật, bộ luật được được Quốc hội thông qua.
Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Thời gian thực hiện: Hàng năm.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2021, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định một số giải pháp chủ yếu sau đây:
1. Tăng cường sự lãnh đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh; đảm bảo chỉ đạo kịp thời nhằm giải quyết những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện cải cách tư pháp.
2. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cần quán triệt đầy đủ, tạo sự thống nhất trong nhận thức của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức về mục tiêu, quan điểm và các nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm cải cách tư pháp.
3. Đảm bảo sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, cơ quan và cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ cấp tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, cơ quan đối với việc triển khai các nhiệm vụ cụ thể nêu trong Kế hoạch.
4. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành và giải quyết công việc chuyên môn trong lĩnh vực tư pháp; chú trọng ứng dụng trong hoạt động quản lý hành nghề của các tổ chức bổ trợ tư pháp và cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan tiến hành tố tụng, công tác thi hành án dân sự.
5. Phát huy hiệu quả các công cụ quản lý kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và thi đua - khen thưởng, bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm cải cách tư pháp.
6. Bảo đảm nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc cho việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực cải cách tư pháp.
1. Giao Sở Tư pháp
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung nêu tại Kế hoạch.
b) Theo dõi, đôn đốc, định kỳ kiểm tra và đánh giá kết quả việc thực hiện nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh và nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch này đề ra. Định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời tham mưu, báo cáo Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh theo quy định.
2. Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ nội dung Kế hoạch có trách nhiệm tiếp tục quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp. Xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện tại địa phương, cơ quan, đơn vị; phối hợp với Sở Tư pháp triển khai thực hiện, định kỳ 06 tháng và năm báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tư pháp để tổng hợp).
3. Sở Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời có văn bản gửi Sở Tư pháp để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Kế hoạch 57/KH-UBND năm 2017 thực hiện Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Số hiệu: | 57/KH-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Người ký: | Nguyễn Thanh Tịnh |
Ngày ban hành: | 05/07/2017 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Kế hoạch 57/KH-UBND năm 2017 thực hiện Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Chưa có Video