TÒA ÁN NHÂN DÂN
TỐI CAO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 390/KH-TANDTC |
Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2018 |
KIỂM TRA CÔNG TÁC CHUYÊN MÔN CỦA CÁC TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO
Thực hiện chương trình công tác năm 2018; căn cứ Quy chế công tác kiểm tra trong Tòa án nhân dân (được ban hành kèm theo Quyết định số 436a/2017/QQĐ-TANDTC ngày 01/3/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao), Tòa án nhân dân tối cao ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác chuyên môn năm 20181 và những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 của các Tòa án nhân dân cấp cao, cụ thể như sau:
1. Thông qua công tác kiểm tra để nắm tình hình thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của các Tòa án nhân dân cấp cao, về các kết quả đạt được và những hạn chế, thiếu sót để rút kinh nghiệm chung.
2. Phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của các Tòa án nhân dân cấp cao, từ đó đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đề ra các giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị này.
3. Phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và các văn bản hướng dẫn nhằm kiến nghị sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp.
4. Việc kiểm tra phải đảm bảo đúng nội dung và phải tiến hành một cách khách quan, toàn diện, hiệu quả, tránh hình thức.
5. Kết thúc đợt kiểm tra, các đoàn kiểm tra phải tổ chức rút kinh nghiệm với các đối tượng kiểm tra, phải chỉ ra những hạn chế, thiếu sót cần rút kinh nghiệm; đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét xử lý đối với những trường hợp có sai lầm nghiêm trọng, nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác chuyên môn của các Tòa án nhân dân cấp cao trong thời gian tới.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ NỘI DUNG KIỂM TRA
1. Đối tượng kiểm tra: Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh.
2. Nội dung kiểm tra
- Tiến độ, chất lượng công tác xét xử phúc thẩm của các Tòa án nhân dân cấp cao, trong đó lưu ý kiểm tra việc theo dõi để ra Lệnh tạm giam đối với các bị cáo;
- Tiến độ, chất lượng công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm;
- Chất lượng kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm;
- Việc gửi hồ sơ cho Tòa án nhân dân tối cao để xem xét giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khi có yêu cầu rút hồ sơ của Tòa án nhân dân tối cao;
- Tình hình thực hiện các chủ trương Tòa án nhân dân tối cao đề ra như: Công khai bản án, tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp,...
- Khó khăn, vướng mắc và kiến nghị về việc 03 năm thực hiện Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
- Kết quả thực hiện các kiến nghị theo các kết luận của các Đoàn kiểm tra các năm 2016, 2017.
III. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM KIỂM TRA
1. Thời gian kiểm tra công tác chuyên môn của các Tòa án cấp cao dự kiến thực hiện từ đầu tháng 12 năm 2018 và hoàn thành trước ngày 20 tháng 12 năm 2018 (Thời gian cụ thể do các đồng chí Trưởng đoàn kiểm tra quyết định).
2. Địa điểm kiểm tra: tại trụ sở các Tòa án nhân dân cấp cao.
1. Thành lập 03 Đoàn công tác tiến hành kiểm tra công tác chuyên môn của các Tòa án nhân dân cấp cao; cụ thể là:
* Đoàn kiểm tra công tác chuyên môn của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh do Đồng chí Lê Hồng Quang, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm Trưởng đoàn. Các thành viên Đoàn kiểm tra gồm:
- Đồng chí Bùi Ngọc Hòa, Thẩm phán - nguyên Phó Chánh án thường trực Tòa án nhân dân tối cao;
- Đồng chí Tống Anh Hào, Thẩm phán - nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
- Đồng chí Đặng Xuân Đào, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
- Đồng chí Nguyễn Thị Hoàng Anh, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
- Các đồng chí thư ký lãnh đạo, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tham gia đoàn kiểm tra;
- Đại diện lãnh đạo và 01 Thẩm tra viên của mỗi Vụ Giám đốc Kiểm tra Tòa án nhân dân tối cao.
- Đại diện các đơn vị: Vụ Tổ chức- Cán bộ, Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, Ban Thanh tra Tòa án nhân dân tối cao.
* Đoàn kiểm tra công tác chuyên môn của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng do Đồng chí Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm Trưởng đoàn. Các thành viên Đoàn kiểm tra gồm:
- Đồng chí Nguyễn Văn Thuân, Thẩm phán- nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
- Đồng chí Chu Xuân Minh, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
- Đồng chí Đào Thị Xuân Lan, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
- Các đồng chí thư ký lãnh đạo, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tham gia đoàn kiểm tra;
- Đại diện lãnh đạo và 01 Thẩm tra viên của mỗi Vụ Giám đốc Kiểm tra Tòa án nhân dân tối cao;
- Đại diện các đơn vị: Vụ Tổ chức- Cán bộ, Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, Ban Thanh tra Tòa án nhân dân tối cao.
* Đoàn kiểm tra công tác chuyên môn của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội do Đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm Trưởng đoàn. Các thành viên Đoàn kiểm tra gồm:
- Đồng chí Trần Văn Cò, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
- Đồng chí Lương Ngọc Trâm, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
- Đồng chí Lê Văn Minh, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
- Đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
- Các đồng chí thư ký lãnh đạo, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tham gia đoàn kiểm tra;
- Đại diện lãnh đạo và 01 Thẩm tra viên của mỗi Vụ Giám đốc Kiểm tra Tòa án nhân dân tối cao;
- Đại diện các đơn vị: Vụ Tổ chức- Cán bộ, Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, Ban Thanh tra Tòa án nhân dân tối cao.
2. Các Đoàn kiểm tra có trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra theo đúng mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng và thời gian của Kế hoạch này. Kết thúc kiểm tra, các Đoàn kiểm tra có trách nhiệm tổng hợp để báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về kết quả kiểm tra và đưa ra những kiến nghị và đề xuất.
3. Các Vụ Giám đốc kiểm tra, Vụ Tổ chức- Cán bộ, Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, Ban Thanh tra Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm cử cán bộ theo đúng thành phần tham gia Đoàn kiểm tra để thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của đồng chí Trưởng đoàn.
4. Căn cứ vào các nội dung kiểm tra được nêu trong Kế hoạch này, các Tòa án nhân dân cấp cao có trách nhiệm xây dựng báo cáo về kết quả thực hiện công tác chuyên môn của đơn vị mình để gửi cho Đoàn kiểm tra trước 03 ngày trước khi tiến hành kiểm tra; chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác kiểm tra; đồng thời thực hiện các nội dung khác có liên quan theo yêu cầu của các Đoàn kiểm tra.
Trên đây là kế hoạch kiểm tra công tác chuyên môn của các Tòa án nhân dân cấp cao. Các Đoàn kiểm tra và các đơn vị, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các nội dung của Kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện, Kế hoạch này có thể được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế./.
|
CHÁNH ÁN |
ĐỀ
CƯƠNG BÁO CÁO ĐOÀN KIỂM TRA VỀ CÔNG TÁC CHUYÊN MÔN TẠI CÁC TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP
CAO1
(Kèm theo Kế hoạch kiểm tra số 390/KH-TANDTC ngày 06/11/2018 của Tòa án nhân
dân tối cao)
Nêu và đánh giá ngắn gọn về đặc điểm tình hình của đơn vị; những thuận lợi, khó khăn trong công tác.
II. TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ CÔNG TÁC CHUYÊN MÔN
1. Về công tác xét xử phúc thẩm:
1.1. Về những vấn đề chung
- Tiến độ giải quyết các vụ án phúc thẩm thuộc thẩm quyền của các Tòa án nhân dân cấp cao;
- Việc tuân thủ đường lối xét xử đã được cấp giám đốc thẩm định hướng (đối với những vụ án mà cấp giám đốc thẩm hủy án để xét xử phúc thẩm lại);
- Việc thực hiện các kiến nghị của Viện kiểm sát trong việc khắc phục các vi phạm trong hoạt động xét xử.
1.2. Về những vấn đề cụ thể:
* Đối với công tác xét xử các vụ án hình sự:
- Các trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo từ 02 năm tù trở lên hoặc miễn hình phạt, xử dưới khung hình phạt, xử phạt tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo, áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ;
- Các trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng tăng nặng hình phạt đối với bị cáo;
- Các trường hợp mà Tòa án cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm;
- Các trường hợp mà quan điểm của Tòa án và Viện kiểm sát có sự khác biệt lớn.
- Các trường hợp bị cáo được đình chỉ, miễn chấp hành hình phạt theo quy định của Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự số 100/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13.
- Việc thực hiện các kiến nghị của Viện kiểm sát trong việc khắc phục các vi phạm trong hoạt động xét xử.
*Đối với công tác xét xử các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính:
- Các trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy, sửa án sơ thẩm;
- Các trường hợp không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát;
- Việc tuân thủ thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn gửi các bản án, quyết định cho Viện Kiểm sát, cơ quan Thi hành án dân sự, thời hạn gửi thông báo thụ lý cho Viện Kiểm sát, chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát nghiên cứu;
- Các trường hợp tuyên án không rõ, khó thi hành;
- Việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật, tính án phí.
2. Về công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm:
- Việc nhận, thụ lý và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (đặc biệt là việc giải quyết các đơn có nội dung kêu oan, khiếu nại bức xúc kéo dài, các đơn khiếu nại của đương sự do các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội hoặc Đại biểu Quốc hội chuyển đến);
- Việc xem xét, giải quyết kiến nghị giám đốc thẩm của các Tòa án nhân dân cấp tỉnh;
- Việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của các Tòa án nhân dân cấp cao (trong đó đặc biệt lưu ý các trường hợp mà các Tòa chuyên trách của Tòa án tối cao trước đây đã trả lời không có căn cứ kháng nghị, nhưng nay các Tòa án cấp cao lại kháng nghị);
3. Về công tác xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm:
- Các vụ án do Viện kiểm sát kháng nghị;
- Các vụ án do Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị và chuyển Tòa án cấp cao xét xử theo thẩm quyền.
4. Tình hình thực hiện các chủ trương lớn của Tòa án nhân dân tối cao đề ra: Công khai bản án, tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm,...
5. Tình hình thực hiện việc chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân tối cao theo yêu cầu rút hồ sơ để xem xét giải quyết vụ việc theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
6. Kết quả thực hiện các kiến nghị theo các kết luận của các Đoàn kiểm tra các năm 2016, 2017.
7. Những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị đề xuất về công tác chuyên môn
1. Về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân
Đánh giá về việc thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mới của Tòa án nhân dân như:
- Thực hiện quyền kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự;
- Thực hiện quyền yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên và những người khác trình bày về các vấn đề có liên quan đến vụ án tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự;
- Trong quá trình xét xử vụ án, Tòa án phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời Tòa án kết quả xử lý văn bản pháp luật bị kiến nghị theo quy định của pháp luật làm cơ sở để Tòa án giải quyết vụ án.
2. Về việc tổ chức Tòa chuyên trách tại các Tòa án nhân dân
- Đánh giá về việc tổ chức Tòa gia đình và người chưa thành niên tại các Tòa án nhân dân cấp cao (về nhân sự; cơ sở vật chất; tính chất, khối lượng công việc);
- Đánh giá về việc tổ chức các Tòa chuyên trách tại các Tòa án nhân dân cấp cao (về nhân sự; cơ sở vật chất; tính chất, khối lượng công việc).
3. Về kiện toàn bộ máy giúp việc tại các Tòa án nhân dân cấp cao
- Đánh giá về việc kiện toàn bộ máy giúp việc tại Tòa án nhân dân cấp cao.
4. Về thẩm quyền xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của các Tòa án nhân dân cấp cao
- Đánh giá về việc xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng 03 Thẩm phán, Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao (chất lượng, khối lượng công việc, tiến độ giải quyết).
5. Về thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh
- Đánh giá việc các Tòa án nhân dân cấp tỉnh không thực hiện nhiệm vụ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.
6. Về quy trình bổ nhiệm Thẩm phán
- Đánh giá chung (thủ tục, thời gian, điều kiện);
- Đánh giá về các điều kiện để được bổ nhiệm Thẩm phán (điều kiện đã trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán; kỳ thi nâng ngạch Thẩm phán trung cấp; kỳ thi nâng ngạch Thẩm phán cao cấp);
- Đánh giá về quy định thành lập Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp để tổ chức các kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán, kỳ thi nâng ngạch Thẩm phán;
- Đánh giá về quy định chỉ thành lập một Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia để bảo đảm chất lượng đồng đều giữa các ứng viên được tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm làm Thẩm phán;
- Đánh giá về quy định các ngạch Thẩm phán ở từng cấp Tòa án.
7. Về chế độ, chính sách đối với Thẩm phán
- Đánh giá về chế độ, chính sách đối với Thẩm phán và cán bộ, công chức Tòa án;
- Đánh giá về việc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án.
8. Về nhiệm kỳ của Thẩm phán
- Đánh giá về việc thực hiện quy định nhiệm kỳ đầu của các Thẩm phán là 05 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.
9. Về Hội thẩm: Đánh giá về hoạt động của Hội thẩm.
10. Về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động của các Tòa án nhân dân
- Đánh giá về kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc của các Tòa án nhân dân.
Kế hoạch 390/KH-TANDTC năm 2018 về kiểm tra công tác chuyên môn của các Tòa án nhân dân cấp cao do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
Số hiệu: | 390/KH-TANDTC |
---|---|
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Nơi ban hành: | Tòa án nhân dân tối cao |
Người ký: | Nguyễn Hòa Bình |
Ngày ban hành: | 06/11/2018 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Kế hoạch 390/KH-TANDTC năm 2018 về kiểm tra công tác chuyên môn của các Tòa án nhân dân cấp cao do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
Chưa có Video