Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 15 tháng 3 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN CÁC VĂN BẢN LUẬT ĐƯỢC QUỐC HỘI KHÓA XIII, KỲ HỌP THỨ 10 THÔNG QUA

Thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Công văn số 382/BTP-VĐCXDPL ngày 05 tháng 02 năm 2016 của Bộ Tư pháp về việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; đồng thời, nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 29 tháng 01 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, xây dựng và thực hiện Quy ước năm 2016, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Phổ biến, quán triệt nội dung các văn bản luật mới đến các ngành, các cấp; xác định nhiệm vụ của các ngành, các cấp trong việc tổ chức triển khai 16 văn bản luật được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua.

2. Yêu cầu

a) Việc triển khai, phổ biến các văn bản luật phải đảm bảo nội dung cơ bản, nhấn mạnh những điểm mới, sửa đổi, bổ sung, gắn với tuyên truyền, phổ biến Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; cần vận dụng, liên hệ thực tiễn ở từng ngành, lĩnh vực, địa phương để nội dung phổ biến được phù hợp, sinh động và thiết thực;

b) Công tác triển khai, phổ biến các văn bản luật phải được tiến hành kịp thời, đồng bộ, toàn diện, thống nhất, hiệu quả và tiết kiệm; hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến đa dạng và phù hợp với từng đối tượng, tập trung lựa chọn hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả ra nhân dân.

II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI

1. Bộ luật Hình sự

a) Bộ luật gồm 26 chương, 426 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016;

b) Nội dung cần tập trung phổ biến:

- Phần thứ nhất: Những quy định chung, gồm có 7 chương, từ Chương I đến Chương VII, quy định về những điều khoản cơ bản Bộ luật hình sự, quy định về tội phạm, những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, những quy định về hình phạt, các biện pháp tư pháp, quyết định hình phạt; thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, những quy định về xóa án tích; những quy định đối với pháp nhân thương mại tội phạm, những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội;

- Phần thứ hai: Những quy định về các tội phạm, gồm 19 chương, từ Chương VIII đến Chương XXVI, quy định về các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội phạm xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; các tội phạm về sở hữu; các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình; các tội xâm phạm trật tự, quản lý kinh tế; các tội phạm về môi trường; các tội phạm về ma túy; các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng; các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính; các tội phạm về chức vụ; các tội xâm phạm hoạt động tư pháp; các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của dân quân, tự vệ phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;

- Phần thứ ba: Những quy định về điều khoản thi hành.

2. Bộ luật Tố tụng hình sự

a) Bộ luật Tố tụng hình sự gồm 36 chương, 510 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016;

b) Nội dung cần tập trung phổ biến: Những quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân; hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự.

3. Bộ luật Dân sự

a) Bộ luật gồm 27 chương, 689 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017;

b) Nội dung cần tập trung phổ biến:

- Những quy định về địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm;

- Những quy định về quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản; nghĩa vụ và hợp đồng; thừa kế; pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

4. Bộ luật Tố tụng dân sự

a) Bộ luật gồm 42 chương, 517 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016;

b) Nội dung cần tập trung phổ biến: Những quy định về nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án giải quyết các vụ án dân sự và trình tự, thủ tục yêu cầu để Tòa án giải quyết các việc dân sự, trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án; thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài; thi hành án dân sự; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng quy định pháp luật.

5. Bộ luật Hàng hải Việt Nam

a) Bộ luật gồm 20 chương, 341 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2017;

b) Nội dung cần tập trung phổ biến: Những quy định về hoạt động hàng hải, bao gồm các quy định về tàu biển, thuyền viên, cảng biển, luồng hàng hải, cảng cạn, vận tải biển, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường, quản lý nhà nước về hàng hải và các hoạt động khác liên quan đến việc sử dụng tàu biển vào mục đích kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao, công vụ và nghiên cứu khoa học.

6. Luật Tố tụng hành chính

a) Luật gồm 23 chương, 372 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016;

b) Nội dung cần tập trung phổ biến: Những quy định về những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; trình tự, thủ tục khởi kiện, giải quyết vụ án hành chính, thi hành án hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính.

7. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

a) Luật gồm 05 chương, 91 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7
năm 2016;

b) Nội dung cần tập trung phổ biến: Những quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát.

8. Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự

a) Luật gồm 10 chương, 73 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7
năm 2016;

b) Nội dung cần tập trung phổ biến: Những quy định về nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự; tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Điều tra viên và các chức danh khác trong điều tra hình sự; quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát trong hoạt động điều tra hình sự; bảo đảm điều kiện cho hoạt động điều tra hình sự và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

9. Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam

a) Luật gồm 11 chương, 73 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7
năm 2016;

b) Nội dung cần tập trung phổ biến: Những quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành tạm giữ, tạm giam; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành tạm giữ, tạm giam.

10. Luật Trưng cầu ý dân

a) Luật gồm 08 chương, 52 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7
năm 2016;

b) Nội dung cần tập trung phổ biến: Những quy định về việc trưng cầu ý dân, những nguyên tắc trưng cầu ý dân, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, trình tự thủ tục quyết định việc trưng cầu ý dân và tổ chức trưng cầu ý dân, kết quả và hiệu lực của trưng cầu ý dân.

11. Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng

a) Luật gồm 07 chương, 52 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7
năm 2016;

b) Nội dung cần tập trung phổ biến: Những quy định về quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; quyền, nghĩa vụ, chế độ phục vụ, chế độ chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

12. Luật Phí và lệ phí

a) Luật gồm 06 chương, 25 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01
năm 2017;

b) Nội dung cần tập trung phổ biến: Những quy định về danh mục phí, lệ phí; người nộp phí, lệ phí; tổ chức thu phí, lệ phí; nguyên tắc xác định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí; thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức trong quản lý phí, lệ phí.

13. Luật Khí tượng thủy văn

a) Luật gồm 10 chương, 57 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016;

b) Nội dung cần tập trung phổ biến: Những quy định về hoạt động khí tượng thủy văn gồm: Quản lý, khai thác mạng lưới trạm; dự báo, cảnh báo; thông tin, dữ liệu; phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn; giám sát biến đổi khí hậu; tác động vào thời tiết và quản lý nhà nước; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khí tượng thủy văn.

14. Luật Thống kê

a) Luật gồm 09 chương, 72 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7
năm 2016;

b) Nội dung cần tập trung phổ biến: Những quy định về hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước; tổ chức thống kê nhà nước và hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê ngoài thống kê nhà nước.

15. Luật An toàn thông tin mạng

a) Luật gồm 08 chương, 54 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7
năm 2016;

b) Nội dung cần tập trung phổ biến: Những quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.

16. Luật Kế toán

a) Luật gồm 06 chương, 74 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01
năm 2017;

b) Nội dung cần tập trung phổ biến: Những quy định về nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, người làm kế toán, hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, quản lý nhà nước về kế toán và tổ chức nghề nghiệp về kế toán.

III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phân công trách nhiệm

a) Sở Tư pháp

- Tham mưu tổ chức Hội nghị cấp thành phố:

+ Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức Hội nghị triển khai, phổ biến 16 văn bản luật nêu trên; chuẩn bị đề cương, tài liệu và phối hợp với thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố, các ngành có liên quan (Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông vận tải, Tòa án nhân dân thành phố, Viện kiểm sát nhân dân thành phố, Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Hội Luật gia thành phố, Cục Thống kê) phân công Báo cáo viên chịu trách nhiệm triển khai, phổ biến các văn bản luật;

+ Đối tượng tham dự Hội nghị: Cấp thành phố: Đại diện lãnh đạo các Ban Xây dựng đảng thuộc Thành ủy; các ban của Hội đồng nhân dân; Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố; sở, ban ngành; các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức pháp chế các sở, ban ngành, doanh nghiệp Nhà nước; các cơ quan đại diện doanh nghiệp; thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; Báo cáo viên pháp luật….Cấp quận, huyện: Đại diện lãnh đạo quận ủy, huyện ủy; Hội đồng nhân dân; Ủy ban nhân dân; Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; Phòng Tư pháp và các phòng, ban có liên quan;

+ Thời gian thực hiện: Quý I năm 2016 (giao Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố tham mưu tổ chức thực hiện và chủ động phát hành Giấy mời).

- Hướng dẫn, phối hợp với sở, ban ngành thành phố, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật quận, huyện, xã, phường, thị trấn tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật nêu trên bằng hình thức phù hợp. Thời gian thực hiện: Quý I, II năm 2016;

- Tổ chức các Hội nghị chuyên đề phổ biến sâu rộng Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự gắn với tuyên truyền Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và các quy định pháp luật cần phổ biến sâu rộng ra các tầng lớp nhân dân:

+ Đối tượng tham dự Hội nghị: Tuyên truyền viên pháp luật; Trưởng ấp, Trưởng khu vực; Tổ trưởng Tổ hòa giải trên địa bàn thành phố;

+ Thời gian thực hiện: Quý II năm 2016 (giao Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố tham mưu tổ chức thực hiện).

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật mới nêu trên bằng các hình thức phù hợp:

+ Xây dựng tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật (tờ gấp, sổ tay...), phục vụ kịp thời công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định mới của luật;

+ Phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua phương tiện thông tin đại chúng; hướng dẫn nội dung phục vụ hoạt động tuyên truyền pháp luật qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở;

+ Trang bị, hỗ trợ sách pháp luật, tài liệu phổ biến các văn bản luật nêu trên tại các tủ sách pháp luật, các điểm Quán cà phê pháp luật;

+ Hướng dẫn nội dung tuyên truyền các văn bản luật, phục vụ hoạt động sinh hoạt Câu lạc bộ pháp luật, Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý..v.v.. và công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ra nhân dân;

+ Thời gian thực hiện: Quý I, II năm 2016.

b) Sở, ban ngành thành phố:

- Căn cứ kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố, ban hành kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật nêu trên cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị với hình thức, nội dung phù hợp;

- Thời gian thực hiện: Quý II năm 2016.

c) Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn:

Căn cứ vào Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố, ban hành Kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật nêu trên tại địa phương và tuyên truyền ra nhân dân bằng hình thức, nội dung phù hợp.

- Qua hình thức tuyên truyền miệng trực tiếp: Tổ chức các Hội nghị, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt Câu lạc bộ pháp luật, sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý…

+ Đối tượng dự triển khai, phổ biến: Đại diện Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã; thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật quận, huyện, xã, phường, thị trấn; lãnh đạo các phòng, ban; báo cáo viên pháp luật cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã và người dân trên địa bàn;

+ Thời gian thực hiện: Quý II năm 2016.

- Phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ được nêu tại tiết 3, điểm a, mục 1, phần III theo nội dung và tiến độ thời gian đề ra;

- Xây dựng tài liệu phổ biến pháp luật (tờ gấp, sổ tay…) hoặc nhân rộng tài liệu phổ biến pháp luật do Sở Tư pháp cung cấp, phù hợp với nhu cầu và đối tượng trên địa bàn;

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến những quy định mới của luật qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở; lồng ghép tuyên truyền qua hoạt động văn hóa, văn nghệ, qua hoạt động hòa giải ở cơ sở…;

- Lựa chọn nội dung pháp luật phù hợp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhà trường và đối tượng thanh thiếu niên tại địa phương.

d) Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố

Thực hiện xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, nhằm phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nội dung các văn bản luật nêu trên; trong đó chú trọng tuyên truyền những quy định của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự gắn với tuyên truyền Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và các quy định pháp luật cần phổ biến sâu rộng ra các tầng lớp nhân dân.

2. Tổ chức thực hiện

a) Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp; Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, thực hiện Kế hoạch này;

b) Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến ra nhân dân những quy định mới của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, gắn với tuyên truyền Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; những quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân;

c) Sở Tư pháp thường xuyên phối hợp với sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện rà soát nội dung và lập Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quy định nội dung về lĩnh vực có liên quan đến các văn bản luật mới được triển khai nêu trên, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ những văn bản không còn phù hợp;

d) Nguồn kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện các nội dung tại Kế hoạch này thuộc cấp nào thì do cấp đó bảo đảm và được bố trí theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành;

đ) Cơ quan tài chính cùng cấp chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, thanh, quyết toán việc chi ngân sách cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật kịp thời, đúng quy định;

e) Sở, ban ngành thành phố, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp tiếp tục đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tuyên truyền miệng (hội nghị, tập huấn,...), sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, sinh hoạt trợ giúp pháp lý, hoạt động hòa giải cơ sở, hội thi tìm hiểu pháp luật, các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, truyền thanh, truyền hình) và xây dựng tài liệu phổ biến các quy định của pháp luật, đảm bảo mọi đối tượng được tiếp cận pháp luật;

g) Báo cáo, sơ kết:

Sở, ban ngành thành phố, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật quận, huyện, xã, phường, thị trấn báo cáo kết quả công tác triển khai, tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật cùng với báo cáo chung về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 6 tháng đầu năm 2016, gửi về Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua của Ủy ban nhân dân thành phố. Trong quá trình thực hiện, phát sinh khó khăn, vướng mắc, cơ quan, đơn vị báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố (thông qua Sở Tư pháp) để chỉ đạo kịp thời./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Tâm

 

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Kế hoạch 32/KH-UBND năm 2016 về tuyên truyền, phổ biến văn bản Luật được Quốc hội thông qua do thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu: 32/KH-UBND
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
Người ký: Lê Văn Tâm
Ngày ban hành: 15/03/2016
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [20]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Kế hoạch 32/KH-UBND năm 2016 về tuyên truyền, phổ biến văn bản Luật được Quốc hội thông qua do thành phố Cần Thơ ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [4]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…