Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 240/KH-UBND

Hà Giang, ngày 24 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM GIỮA NHIỆM KỲ ĐỐI VỚI CÁC CHỨC DANH, CHỨC VỤ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ TẠI UBND TỈNH VÀ CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC UBND TỈNH

Căn cứ Quy định số 96-QĐ/TW, ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; Nghị quyết số 96/2023/QH15, ngày 23/6/2023 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn;

Căn cứ Kế hoạch số 426-KH/TU ngày 04/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với các chức danh, chức vụ cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý;

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý tại UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, như sau:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

I. Mục đích

1. Thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

2. Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm đánh giá đúng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và uy tín của người lấy phiếu tín nhiệm; giúp cán bộ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và nâng cao hiệu quả công tác đối với cán bộ.

3. Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch số 426-KH/TU ngày 04/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với các chức danh, chức vụ cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

II. Yêu cầu

1. Quá trình tổ chức lấy phiếu tín nhiệm phải thực hiện nghiêm theo Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội và Kế hoạch số 426-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các văn bản liên quan, đảm bảo dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, góp phần tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng.

2. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm hành vi vi phạm, làm sai lệch mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của cán bộ, công chức, viên chức, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.

3. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ và được công khai theo quy định. Những cán bộ có tín nhiệm thấp phải kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

4. Các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, nắm vững nội dung Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội, Kế hoạch số 426-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch này để triển khai, thực hiện ở cấp mình và chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra cấp dưới thực hiện đảm bảo yêu cầu, nội dung, quy trình, thời gian theo quy định.

B. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG LẤY PHIẾU, NƠI LẤY PHIẾU, THÀNH PHẦN GHI PHIẾU VÀ THỜI ĐIỂM LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM

I. Phạm vi, đối tượng

1. Chức danh, chức vụ lấy phiếu tín nhiệm

a) Phó Chủ tịch UBND tỉnh (không phải là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy); Ủy viên UBND tỉnh (trừ Ủy viên là Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh).

b) Cấp trưởng (không là Ủy viên UBND tỉnh), cấp phó các sở, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh;

c) Cấp trưởng, cấp phó các ban/chi cục/đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở, ngành (nơi có tổ chức trực thuộc là các phòng/khoa)[1];

d) Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Công ty, Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng ban kiểm soát, Kế toán trưởng các doanh nghiệp có vốn Nhà nước thuộc UBND tỉnh quản lý[2].

2. Cán bộ đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu tín nhiệm thì không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm[3].

II. NƠI LẤY PHIẾU VÀ THÀNH PHẦN GHI PHIẾU, THỜI ĐIỂM LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM

1. Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh (không là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy), các Ủy viên UBND tỉnh (trừ Ủy viên là Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh).

- Nơi lấy phiếu tín nhiệm: Tại Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm của UBND tỉnh.

- Thành phần ghi phiếu: Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc các sở, ngành, trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh.

- Thời gian lấy phiếu tín nhiệm: trước ngày 15/10/2023.

2. Cấp trưởng (không là ủy viên UBND tỉnh), cấp phó các sở, ngành; cấp trưởng, cấp phó các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh.

- Nơi lấy phiếu tín nhiệm: Tại các cơ quan, đơn vị.

- Thành phần ghi phiếu gồm: Tập thể lãnh đạo các sở, ban, ngành và tương đương; Ủy viên ban chấp hành đảng bộ cơ quan (hoặc chi bộ cơ sở); trưởng phòng (ban) và tương đương, cấp trưởng các đơn vị trực thuộc (nếu có); trưởng các tổ chức đoàn thể cơ quan, đơn vị;

- Thời gian lấy phiếu tín nhiệm: trước ngày 15/9/2023.

3. Cấp trưởng, cấp phó các ban/chi cục/đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở, ngành (nơi có tổ chức trực thuộc là các phòng/khoa).

- Nơi lấy phiếu tín nhiệm: Tại các ban/chi cục/đơn vị.

- Thành phần ghi phiếu gồm: Trưởng, phó phòng thuộc các ban/chi cục/đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở, ngành (nơi có tổ chức trực thuộc là các phòng/khoa).

- Thời gian lấy phiếu tín nhiệm: trước ngày 15/9/2023.

4. Người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp có vốn của Nhà nước:

- Nơi lấy phiếu tín nhiệm: Tại các doanh nghiệp.

- Thành phần ghi phiếu gồm: Tập thể lãnh đạo Công ty, các thành viên HĐQT, cấp ủy đơn vị, trưởng các phòng/bộ phận trực thuộc, trưởng các tổ chức đoàn thể.

- Thời gian lấy phiếu tín nhiệm: trước ngày 15/9/2023.

C. TIÊU CHÍ, QUY TRÌNH, TỔNG HỢP KẾT QUẢ, CÔNG KHAI VÀ SỬ DỤNG KẾT QUẢ LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM

I. TIÊU CHÍ LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM

1. Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật

- Lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; tinh thần trách nhiệm trong công việc, thái độ phục vụ Nhân dân; liêm chính, trung thực, công tâm, khách quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Ý thức tổ chức kỷ luật, việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; chấp hành sự phân công của tổ chức; thực hiện các quy định, quy chế của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi công tác; khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm.

- Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú.

2. Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu)

- Kết quả lãnh đạo, tham mưu, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Số lượng, chất lượng sản phẩm, hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trực thuộc.

- Kết quả lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác kiểm tra, giám sát; giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách.

II. PHIẾU TÍN NHIỆM, CÁCH GHI PHIẾU VÀ TỔNG HỢP KẾT QUẢ

1. Phiếu tín nhiệm và cách thức ghi phiếu

- Phiếu tín nhiệm theo mẫu ban hành gửi kèm theo Kế hoạch này (có Phụ lục kèm theo). Phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ tín nhiệm theo 3 mức: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”“tín nhiệm thấp”.

- Căn cứ vào nội dung tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm, người ghi phiếu tín nhiệm nghiên cứu, đánh giá khách quan về người được lấy phiếu tín nhiệm, ghi ý kiến của mình vào phiếu tín nhiệm. Người ghi phiếu tín nhiệm có thể ký tên hoặc không ký tên vào phiếu tín nhiệm.

2. Tổng hợp, phân tích kết quả phiếu tín nhiệm

- Kết quả phiếu tín nhiệm đối với từng người được tổng hợp như sau: Họ tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm; tổng số phiếu phát ra; tổng số phiếu thu về, số phiếu hợp lệ, số phiếu không hợp lệ; tổng số phiếu tín nhiệm cao và tỷ lệ phần trăm trên tổng số phiếu thu về; tổng số phiếu tín nhiệm và tỷ lệ phần trăm trên tổng số phiếu thu về; tổng số phiếu tín nhiệm thấp và tỷ lệ phần trăm trên tổng số phiếu thu về.

- Phiếu không hợp lệ: Là phiếu không do ban kiểm phiếu phát ra; phiếu gạch xóa họ tên người được in trên phiếu; phiếu ghi tên một người mà người ghi phiếu không đánh dấu vào ô nào hoặc đánh dấu vào hai hoặc ba ô.

- Trường hợp phiếu ghi thêm tên của người ngoài danh sách lấy phiếu tín nhiệm thì phần ghi thêm là không hợp lệ; các trường hợp trong danh sách còn lại nếu đánh dấu theo quy định thì hợp lệ.

III. TRÁCH NHIỆM CỦA TẬP THỂ, CÁ NHÂN TRONG LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM

1. Trách nhiệm của tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị

- Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định; đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, thực chất.

- Tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền về kết quả tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ công tác tại cơ quan, đơn vị (gồm cả các chức danh cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của cấp trên trực tiếp); sơ kết, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện lấy phiếu tín nhiệm.

- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm của cấp dưới trực thuộc.

- Quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm đối với cán bộ có tín nhiệm thấp. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ có tín nhiệm cao.

2. Trách nhiệm của cơ quan, bộ phận tham mưu về tổ chức, cán bộ

- Tham mưu xây dựng kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.

- Đề nghị người được lấy phiếu tín nhiệm cung cấp thông tin, báo cáo giải trình về các nội dung liên quan theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền hoặc của người ghi phiếu tín nhiệm trước khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.

- Tập hợp báo cáo giải trình, bổ sung của người được lấy phiếu tín nhiệm (nếu có), gửi báo cáo cấp có thẩm quyền hoặc người ghi phiếu.

- Tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền về kết quả tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ công tác tại cơ quan, đơn vị.

- Tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với những cán bộ có kết quả tín nhiệm thấp theo quy định; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đối với cán bộ có tín nhiệm cao.

- Giúp cấp có thẩm quyền hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm của cấp dưới trực thuộc.

3. Trách nhiệm của người được lấy phiếu

- Người được lấy phiếu tín nhiệm phải gửi hồ sơ, báo cáo, cung cấp đầy đủ thông tin trung thực, chính xác về các nội dung lấy phiếu tín nhiệm theo quy định (danh mục hồ sơ; mẫu báo cáo tại Phụ lục kèm theo) và gửi đến cơ quan, bộ phận tham mưu về công tác cán bộ trước ngày lấy phiếu tín nhiệm theo thời hạn quy định.

- Chậm nhất 03 ngày trước ngày lấy phiếu tín nhiệm, người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo, giải trình, cung cấp thông tin bổ sung liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền hoặc người ghi phiếu tín nhiệm (nếu có).

4. Trách nhiệm của người ghi phiếu

- Nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá khách quan, thận trọng, trung thực, công tâm về người được lấy phiếu tín nhiệm và nội dung báo cáo, giải trình (nếu có) thể hiện mức độ tín nhiệm cụ thể trong phiếu tín nhiệm.

- Khi có vấn đề cần làm rõ thì người ghi phiếu đặt yêu cầu bằng văn bản đối với người được lấy phiếu (1) qua Sở Nội vụ đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý ở cấp tỉnh; (2) qua bộ phận tham mưu về công tác cán bộ của cơ quan, đơn vị đối với các chức danh cán bộ diện cơ quan, đơn vị quản lý; chậm nhất là 10 ngày trước ngày lấy phiếu tín nhiệm.

IV. QUY TRÌNH LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM

1. Căn cứ Kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị chỉ đạo bộ phận tham mưu, chuẩn bị các nội dung sau:

Bước 1: Chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm

- Đề nghị người được lấy phiếu tín chuẩn bị báo cáo bảo đảm đúng, đủ các văn bản, tài liệu liên quan theo hồ sơ quy định và gửi đúng thời hạn.

- Có văn bản đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Sở Nội vụ cử thành phần đại diện dự, giám sát tại Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm.

- Xác định số lượng người ghi phiếu theo thành phần quy định.

- Tập hợp báo cáo, hồ sơ của người được lấy phiếu tín nhiệm theo quy định và báo cáo giải trình, cung cấp thông tin về nội dung liên quan (nếu có), gửi cho người ghi phiếu trước 15 ngày; các nội dung, vấn đề cần làm rõ theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền hoặc người ghi phiếu tín nhiệm thì gửi cho người được lấy phiếu tín nhiệm trước 10 ngày lấy phiếu tín nhiệm.

- Chuẩn bị phiếu tín nhiệm ghi danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức tín nhiệm và có đóng dấu treo của cơ quan, đơn vị theo quy định.

- Đề xuất ban kiểm phiếu.

Bước 2: Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm

- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ trì hội nghị quán triệt về mục đích, yêu cầu việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ theo quy định.

- Bầu ban kiểm phiếu; ban kiểm phiếu tiến hành phát phiếu, hướng dẫn cách ghi phiếu.

- Cán bộ trong thành phần ghi phiếu thực hiện ghi phiếu và bỏ phiếu vào thùng phiếu theo quy định.

Bước 3: Báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm

- Ban kiểm phiếu tiến hành kiểm phiếu và thông báo kết quả kiểm phiếu với hội nghị.

- Biên bản kiểm phiếu được lập thành 03 bản (02 bản gửi cấp trên trực tiếp; 01 bản lưu tại cơ quan, đơn vị) và quản lý theo chế độ mật.

- Kết thúc việc lấy phiếu tín nhiệm, các cơ quan, đơn vị tổ chức lấy phiếu tín nhiệm báo cáo kết quả với UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ tổng hợp), gồm:

+ Báo cáo sơ kết, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện lấy phiếu tín nhiệm (do người đứng đầu ký) - Văn bản Mật;

+ Báo cáo kết quả phiếu tín nhiệm (theo Phụ lục gửi kèm) - Văn bản Mật;

+ Thời gian: Ngay sau khi kết thúc Hội nghị.

2. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm lập danh mục hồ sơ người được lấy phiếu tín nhiệm (theo phụ lục gửi kèm) để quản lý, lưu trữ theo chế độ Mật đúng quy định.

V. CÔNG KHAI KẾT QUẢ PHIẾU TÍN NHIỆM

1. Kết quả phiếu tín nhiệm được công khai đối với tập thể và cá nhân sau

- Thành phần tham gia ghi phiếu tín nhiệm.

- Cấp có thẩm quyền trực tiếp quản lý cán bộ.

- Cá nhân người được lấy phiếu tín nhiệm.

2. Cách thức công khai kết quả phiếu tín nhiệm.

- Công khai tại Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm.

- Các nội dung công khai khác, thực hiện theo Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội.

VI. SỬ DỤNG KẾT QUẢ PHIẾU TÍN NHIỆM

1. Kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

2. Những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.

3. Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

4. Đối với người được lấy phiếu tín nhiệm ở hai nơi thì việc đánh giá tín nhiệm đối với cán bộ sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định trên cơ sở xem xét tổng thể kết quả phiếu tín nhiệm ở từng nơi.

D. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm:

- Lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; Kế hoạch số 426- KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh bảo đảm đúng đối tượng, thành phần, nội dung, thời gian, đúng quy định.

- Căn cứ vào Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch riêng của từng cơ quan, đơn vị mình và thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm tại cơ quan, đơn vị. Mời đại diện Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ dự và giám sát hội nghị lấy phiếu tín nhiệm tại cơ quan, đơn vị đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý tại tiết b, d, điểm 1, mục I, phần B, Kế hoạch này.

2. Giao Sở Nội vụ:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị nội dung, tài liệu và các điều kiện tổ chức Hội nghị của UBND tỉnh (phiên họp chuyên đề) lấy phiếu tín nhiệm đảm bảo thời gian quy định.

- Theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này bảo đảm theo quy định; giám sát việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý tại các sở, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh.

- Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trình Ban Cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ thuộc diện Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh quản lý theo quy định.

3. Giao Văn phòng UBND tỉnh

Phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan chuẩn bị các điều kiện tổ chức Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm của UBND tỉnh (phiên họp chuyên đề).

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu gặp vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời trao đổi với Sở Nội vụ để được giải đáp, nếu vượt quá thẩm quyền báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ tổng hợp) để kịp thời xem xét, chỉ đạo hoặc báo cáo cấp thẩm quyền./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy (để B/cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh (để B/cáo);
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy (để p/h);
- Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy (để p/h);
- Các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Công ty cổ phần đường bộ I, Công ty cổ phần đường bộ II, Công ty cổ phần cấp thoát nước, Công ty cổ phần môi trường đô thị, Công ty TNHH một thành viên xổ số kiến thiết;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Sở Nội vụ;
- Văn phòng UBND tỉnh: LĐVP, CV NCTH HCTC QTTV, Trung tâm TT-CB;
- Lưu: VT, NCPC.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sơn

 

PHỤ LỤC 1

DANH MỤC HỒ SƠ NGƯỜI ĐƯỢC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM
(kèm theo Kế hoạch số: 240/KH-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2023 của UBND tỉnh Hà Giang)

Danh mục hồ sơ người được lấy phiếu tín nhiệm thống nhất khổ giấy A4 và sắp xếp theo thứ tự sau:

1. Báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm.

2. Bản kê khai tài sản, thu nhập theo mẫu ban hành kèm theo quy định hiện hành (có ký xác nhận của người kê khai và người nhận bản kê khai theo quy định).

3. Báo cáo giải trình về các nội dung liên quan theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền hoặc của người ghi phiếu tín nhiệm (nếu có).

 

PHỤ LỤC 2

(kèm theo Kế hoạch số: 240/KH-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2023 của UBND tỉnh Hà Giang)

Tên tổ chức, cơ quan, đơn vị
………………………

 

 

………., ngày …… tháng …… năm ……

 

BÁO CÁO

CỦA NGƯỜI ĐƯỢC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM

Tại kỳ họp (hội nghị)....

Kính gửi: ………………….(1) …………………..

- Tôi là (ghi rõ họ và tên): ………………………………………………………………………

- Chức vụ: …………………………………..……..(2)………………..………………………..

- Đơn vị công tác: ………………………………………………………………………………

Căn cứ vào Quy định số 96-QĐ/TW, ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị và Kế hoạch (của địa phương, cơ quan, đơn vị) về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, tôi xin báo cáo như sau:

1. Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật

- Lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; tinh thần trách nhiệm trong công việc, thái độ phục vụ Nhân dân; liêm chính, trung thực, công tâm, khách quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Ý thức tổ chức kỷ luật, việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; chấp hành sự phân công của tổ chức; thực hiện các quy định, quy chế của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi công tác; khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm.

- Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú.

2. Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu)

- Kết quả lãnh đạo, tham mưu tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Số lượng, chất lượng sản phẩm, hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trực thuộc.

- Kết quả lãnh đạo công tác cán bộ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác kiểm tra, giám sát; giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách.

3. Hạn chế và giải pháp khắc phục

4. Báo cáo, giải trình các nội dung mà cấp có thẩm quyền hoặc người ghi phiếu tín nhiệm yêu cầu (nếu có)

 

 

Người báo cáo
(Ký và ghi rõ họ, tên)

Ghi chú:

(1) Ghi các thành phần ghi phiếu tín nhiệm.

(2) Chức danh được lấy phiếu tín nhiệm.

 

PHỤ LỤC 3

(kèm theo Kế hoạch số: 240/KH-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2023 của UBND tỉnh Hà Giang)

Tên tổ chức, cơ quan, đơn vị
……………………

 

(Đóng dấu treo)

……., ngày …… tháng ….. năm …..

 

PHIẾU TÍN NHIỆM

của …………(1)………..

đối với ………(2).............

năm 2023

Thực hiện Quy định số 96-QĐ/TW, ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị; đề nghị đồng chí thể hiện sự tín nhiệm của mình đối với các đồng chí có tên dưới đây bằng cách đánh dấu (X) vào ô tương ứng:

STT

Họ và tên

Chức vụ, đơn vị công tác

Mức độ tín nhiệm

Cao

Tín nhiệm

Thấp

1

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

4

 

 

 

 

 

5

 

 

 

 

 

 

 

Người ghi phiếu
(có thể ký hoặc không ký tên)

Ghi chú:

(1) Ghi các thành phần ghi phiếu tín nhiệm.

(2) Chức danh được lấy phiếu tín nhiệm.

 

PHỤ LỤC 4

(Kèm theo Kế hoạch số: 240/KH-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2023 của UBND tỉnh Hà Giang)

Tên tổ chức, cơ quan, đơn vị
……………………

 

(Đóng dấu treo)

………., ngày ……. tháng ……. năm ……

 

BÁO CÁO KẾT QUẢ PHIẾU TÍN NHIỆM

Tại hội nghị (kỳ họp) ………………..

Thực hiện nhiệm vụ do .... giao, từ ... giờ ... phút đến ... giờ ... phút, ngày …../…../….., tại …………….., Ban Kiểm phiếu gồm ... đồng chí, do đồng chí ... làm Trưởng Ban đã tiến hành kiểm phiếu tín nhiệm của ... đối với ...; kết quả cụ thể như sau:

1. Tổng số ủy viên ban chấp hành (đại biểu):... đồng chí.

- Số có mặt dự hội nghị (kỳ họp):... đồng chí.

- Số vắng mặt từ đầu hội nghị (kỳ họp) đến trước thời điểm bỏ phiếu:.. đồng chí.

- Số có mặt tại thời điểm bỏ phiếu: ... đồng chí.

- Số phiếu phát ra: ... phiếu.

- Số phiếu thu về: ... phiếu.

2. Kết quả kiểm phiếu

STT

Họ và tên

Chức vụ, đơn vị công tác

Số phiếu hợp lệ

Mức độ tín nhiệm

Cao

Tín nhiệm

Thấp

Số phiếu

Tỷ lệ %

Số phiếu

Tỷ lệ %

Số phiếu

Tỷ lệ %

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú: Tỷ lệ % tính trên tổng số phiếu thu về.

 

 

T/M BAN KIỂM PHIẾU
(Ký, ghi rõ họ tên)

 



[1] Khoản 1, Điều 3 Quy định số 96-QĐ/TW “Cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc”.

[2] Công ty cổ phần đường bộ I, Công ty cổ phần đường bộ II, Công ty cổ phần cấp thoát nước, Công ty cổ phần môi trường đô thị, Công ty TNHH một thành viên xổ số kiến thiết;

[3] Khoản 1, Điều 3 Quy định số 96-QĐ/TW “Cán bộ đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu tín nhiệm thì không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm”.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Kế hoạch 240/KH-UBND năm 2023 về lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý tại Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang

Số hiệu: 240/KH-UBND
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang
Người ký: Nguyễn Văn Sơn
Ngày ban hành: 24/08/2023
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [2]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Kế hoạch 240/KH-UBND năm 2023 về lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý tại Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang

Văn bản liên quan cùng nội dung - [4]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…