ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/KH-UBND |
Bắc Giang, ngày 11 tháng 5 năm 2023 |
NÂNG CAO CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH (PCI) NĂM 2023
Căn cứ Nghị quyết số 105-NQ/TU ngày 28/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 293/KH-UBND ngày 26/6/2021 của UBND tỉnh Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021- 2025; trên cơ sở Kết quả PCI của tỉnh Bắc Giang năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố ngày 11/04/2023, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, với nội dung sau:
1. Mục đích
- Duy trì vị trí xếp hạng PCI của tỉnh Bắc Giang trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và tiếp tục nằm trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế “tốt” trên bảng xếp hạng cả nước.
- Tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI tại Nghị quyết số 105-NQ/TU và Kế hoạch số 293/KH-UBND.
- Tiếp tục nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng điều hành, đẩy mạnh chuyển đổi số vào phục vụ và hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
2. Yêu cầu
- Các mục tiêu đặt ra trong kế hoạch cần phải sát với thực tế và có tính khả thi để duy trì vị trí xếp hạng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; các giải pháp đưa ra phải tổng thể để các sở, ngành, địa phương có căn cứ xây dựng kế hoạch chi tiết trong việc cải thiện điểm số các chỉ số, chỉ tiêu thành phần PCI do ngành mình được phân công thực hiện.
- Các sở, ban, ngành, địa phương phải chủ động nghiên cứu sâu các chỉ số, chỉ tiêu thành phần PCI mình được phân công phụ trách; học tập, nghiên cứu các tỉnh, thành phố có điểm số cao, cách làm hay đối với các chỉ số, chỉ tiêu thành phần để xây dựng kế hoạch hành động của ngành, lĩnh vực, địa phương mình đảm bảo tính hiệu quả, thực chất của các giải pháp nâng cao chỉ số thành phần PCI trong thời gian tới.
- Năm 2023 phấn đấu: Nâng điểm số PCI tỉnh Bắc Giang đạt 73,12 điểm; nằm trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế “tốt” trên bảng xếp hạng cả nước.
- Tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm cải thiện, giữ vững điểm số, thứ hạng của 05 chỉ số thành phần đang nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước: Chỉ số “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự”; Chỉ số “Chi phí không chính thức”; Chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng”; Chỉ số “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh”; Chỉ số “Đào tạo lao động”; Chú trọng cải thiện các chỉ số thành phần có gắn trọng số cao, tập trung khắc phục những hạn chế của chỉ số thành phần giảm điểm, giảm thứ hạng năm 2022: Chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường”, Chỉ số “Tính minh bạch”;
TT |
Chỉ số thành phần |
Mục tiêu 2023 |
Lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách |
Đơn vị đầu mối |
Đơn vị chủ trì |
1 |
Chi phí không chính thức |
≥ 8,03 |
Đ/c Lê Ánh Dương |
Thanh tra tỉnh |
Thanh tra tỉnh, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tòa án Nhân dân tỉnh, Sở Công Thương, Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Sở Xây dựng, Cục Quản lý thị trường Bắc Giang |
2 |
Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh |
≥ 7,64 |
Đ/c Lê Ánh Dương |
Sở Kế hoạch và Đầu tư |
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh |
3 |
Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự |
≥ 8,62 |
Đ/c Lê Ánh Dương |
Sở Tư pháp |
Sở Tư pháp, Tòa án Nhân dân tỉnh, Thanh tra tỉnh, Cục thi hành án dân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ |
4 |
Tính minh bạch |
≥ 6,35 |
Đ/c Mai Sơn |
Sở Thông tin và Truyền thông |
Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Cục Thuế tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh |
5 |
Chi phí thời gian |
≥ 7,43 |
Đ/c Mai Sơn |
Sở Nội vụ |
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, |
6 |
Đào tạo lao động |
≥ 6,85 |
Đ/c Mai Sơn |
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội |
Sở Lao động TB&XH, Sở Giáo dục và Đào tạo |
7 |
Tiếp cận đất đai |
≥ 7,35 |
Đ/c Lê Ô Pích |
Sở Tài nguyên và Môi trường |
Sở Tài nguyên và Môi trường |
8 |
Gia nhập thị trường |
≥ 6,65 |
Đ/c Phan Thế Tuấn |
Sở Kế hoạch và Đầu tư |
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ, Sở Lao động TB&XH, Sở Công Thương |
9 |
Cạnh tranh bình đẳng |
≥ 7,33 |
Đ/c Phan Thế Tuấn |
Sở Kế hoạch và Đầu tư |
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Thanh tra tỉnh, Sở Nội vụ |
10 |
Chính sách Hỗ trợ doanh nghiệp |
≥ 6,15 |
Đ/c Phan Thế Tuấn |
Sở Công Thương |
Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, NH Nhà nước CN tỉnh Bắc Giang, Sở Lao động TB&XH, Sở Tài chính, Sở Tư pháp |
(Phân công chi tiết tại Phụ lục I, II, III kèm theo)
1. Giải pháp về công tác chỉ đạo điều hành
- Các sở, ngành, địa phương tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI được đề ra tại Nghị quyết số 105-NQ/TU và Kế hoạch số 293/KH-UBND.
- Người đứng đầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục thống nhất cao chủ trương lấy doanh nghiệp làm trung tâm cải cách, tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Coi việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên và trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này.
- Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chủ động, linh hoạt trong quản lý điều hành phù hợp với pháp luật, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Kịp thời giải quyết, khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp khi cần thiết.
- Người đứng đầu các cơ quan đơn vị tiếp tục tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao. Đảm bảo không còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp.
- Các sở, ban, ngành được giao nhiệm vụ đấu mối, chủ trì phải chủ động kết nối với những địa phương dẫn đầu về các chỉ số thành phần PCI trong những năm qua nhằm học tập, trao đổi về những kinh nghiệm, cách làm hay trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đặc biệt là những giải pháp đảm bảo sự bền vững đối với các chỉ số do mình phụ trách.
2. Giải pháp về cải cách hành chính
- Các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành (CCHC) chính nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tập trung vào nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tổ chức bộ máy, cơ quan hành chính nhà nước các cấp, đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hiện đại hoá nền hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng dịch vụ công; cải cách TTHC nhằm rút ngắn về thời gian, giảm về kinh phí, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân và doanh nghiệp trong giải quyết TTHC.
- Tiếp tục quyết liệt cải cách TTHC theo hướng hiệu quả, thực chất. Rà soát, đánh giá TTHC trong quá trình thực hiện, đề xuất loại bỏ các thủ tục rườm rà, chống chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho người dân, tổ chức; loại bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết, không hợp lý; tích hợp, cắt giảm mạnh các mẫu đơn, tờ khai và các giấy tờ có nội dung thông tin trùng lắp trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số và các cơ sở dữ liệu sẵn có.
- Đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền trong việc giải quyết TTHC liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư. Yêu cầu các phòng ban chuyên môn thuộc các sở, ngành, địa phương phải xây dựng và thực hiện đúng quy trình giải quyết nội bộ của đơn vị, thống nhất cách hiểu các quy định pháp luật trong việc giải quyết TTHC đối với người dân và doanh nghiệp đặt biệt là các tình huống chưa thống nhất giữa các quy định của pháp luật.
- Các sở ngành, địa phương đảm bảo đưa ra các giải pháp thực hiện tốt các mục tiêu trong việc Kế hoạch CCHC nhà nước tỉnh Bắc Giang năm 2023, cụ thể: tối thiếu 30% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp thuận khi thực hiện thành công TTHC trước đó, mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết TTHC đang quản lý hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đó được cơ quan nhà nước khác sẵn sàng chia sẻ và đáp ứng được yêu cầu. 100% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến, trong đó tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 90%. Trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết các TTHC lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 85%. 100% TTHC nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước được thống kê, công bố, công khai và cập nhập kịp thời. Tổ chức triển khai quy trình số hoá hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại 100% Bộ phận Một cửa cấp huyện và 100% Bộ phận Một cửa cấp xã.
- Thường xuyên, kịp thời cập nhập, công khai TTHC dưới nhiều hình thức khác nhau, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức tìm hiểu và thực hiện.
3. Giải pháp về đối thoại, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
- Các sở, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường đối thoại, gặp gỡ, tiếp xúc với doanh nghiệp, nhà đầu tư (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa) nhằm tạo ra sự thân thiết, gần gũi giữa chính quyền và doanh nghiệp, đồng thời nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngành, địa phương quản lý để tham mưu UBND tỉnh, bộ, ngành trung ương giải quyết, tháo gỡ triệt để. Hằng năm, mỗi cơ quan, đơn vị tiếp tục tổ chức 1-2 lần gặp gỡ, tiếp xúc các doanh nghiệp, nhà đầu tư; các kiến nghị được giải quyết và đề xuất giải quyết sẽ được công khai hàng tháng, quý trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị để theo dõi, kiểm soát.
- Tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả các kênh thông tin tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp như: Tổ công tác, mạng xã hội, trang web, hòm thư, báo đài, các tổ chức hội doanh nghiệp, và đặc biệt là kênh tiếp nhận thông tin qua Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các Sở, ngành, địa phương (DDCI).
- Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị đặc biệt. Tổ chức thực hiện, triển khai linh hoạt các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các nút thắt, điểm nghẽn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình sản suất, kinh doanh như việc tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, chuỗi cung ứng hàng hoá.... các TTHC liên quan đến đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy... để các doanh nghiệp sớm đưa dự án đi vào hoạt động.
- Phát huy hiệu quả các Tổ công tác được UBND tỉnh thành lập để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cam kết bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp, nhà đầu tư vào tỉnh, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người lao động theo quy định.
- Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện tối đa để cộng đồng doanh nghiệp tham gia phản biện các cơ chế, chính sách của nhà nước có liên quan đến doanh nghiệp.
- Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp theo kế hoạch thực hiện nội dung phối hợp giữa Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh với các sở, ban, ngành về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2027.
4. Giải pháp nâng cao tính minh bạch
- Các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện công khai 100% thông tin, tài liệu (trừ tài liệu mật) với các nội dung về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh và các văn bản quy phạm phát luật, các TTHC, chủ trương, định hướng thu hút đầu tư, các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp và các thông tin khác mà cơ quan nhà nước có trách nhiệm phải cung cấp theo quy định pháp luật tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi họ có yêu cầu.
- Đẩy mạnh và phát huy hơn nữa hiệu quả Cổng thông tin điện tử của tỉnh, của các sở, ngành địa phương; thường xuyên cập nhật thông tin, cung cấp đầy đủ các dữ liệu về quy hoạch, cơ chế chính sách cũng như hướng dẫn theo hướng ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu và có chỉ dẫn rõ ràng để thuận tiện tra cứu. Nâng cao hiệu quả chuyên mục trao đổi, hỏi đáp đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, trang Web của các cơ quan, đơn vị, địa phương để kịp thời tiếp nhận và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
5. Giải pháp đối với cán bộ, công chức, viên chức trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
- Nghiên cứu xây dựng nội dung, chương trình giảng dạy đưa nội dung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh thành một chuyên đề giảng dạy trong Trường Chính trị tỉnh để cung cấp kiến thức và nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; mời những chuyên gia giàu kinh nghiệm tham gia truyền đạt, giảng dạy, trao đổi về các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
- Các cơ quan đơn vị được giao nhiệm vụ đầu mối, chủ trì các chỉ số thành phần của PCI thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị mình hiểu được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của các bộ chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) và DDCI (chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương) đối với việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, của địa phương.
- Hằng năm, đề xuất biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tổ chức có thành tích tốt trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nâng hạng các chỉ số thành phần PCI của sở, ngành, địa phương mình.
6. Giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số
- Tiếp tục xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số tỉnh Bắc Giang tổng thể, toàn diện, có mô hình hoạt động được thiết kế, vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số để đưa hoạt động của các cấp chính quyền lên môi trường số, đảm bảo an toàn thông tin; thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số để thay đổi mô hình quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, tạo ra các giá trị mới cho xã hội.
- Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, tập trung giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Chuẩn hoá, điện tử hoá quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ, trao đổi văn bản trên môi trường mạng; số hoá kết quả giải quyết TTHC để nâng cao tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí. Nâng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh trên tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại các cấp chính quyền.
- Hằng năm tổ chức các khoá đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về chuyển đổi số, đẩy mạnh phát triển ứng dụng, sử dụng các sản phẩm công nghệ số. Tuyên truyền giới thiệu doanh nghiệp tích cực tham gia Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số (SMEDx).
- Trên cơ sở Đề án “Truyền thông về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2025” được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 499/QĐ-UBND ngày 04/4/2023, các sở, ngành, địa phương cần triển khai xây dựng kế hoạch hành động của ngành, đơn vị mình trong đó đề ra các giải pháp thực hiện có tính hiệu quả, đồng thời tích cực phối hợp, hỗ trợ hoạt động của các cơ quan báo chí trong tỉnh, các hoạt động tác nghiệp của phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương trên địa bàn; kịp thời cung cấp nội dung thông tin để báo chí phát huy vai trò là kênh thông tin quan trọng, chính thống và toàn diện nhất trong công tác thông tin, tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
- Các cấp, các ngành tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, thành phố (DDCI); chỉ đạo công chức, viên chức khi tiếp xúc với doanh nghiệp cần giải thích cho doanh nghiệp hiểu rõ ý nghĩa các chỉ số và sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền các cấp trong việc quản lý, điều hành nhằm phục vụ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Các tổ chức Hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động và tích cực tuyên truyền về tình hình, kết quả cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh tới các cơ quan thông tin, truyền thông và doanh nghiệp hội viên để lan tỏa và giám sát việc thực hiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
1. Thủ trưởng các sở, cơ quan, đơn vị và Chủ tịch UBND huyện, thành phố trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp chính được nêu trong kế hoạch, chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, đề ra biện pháp cụ thể để nâng cao Chỉ số PCI của ngành, đơn vị mình; kế hoạch của các cơ quan đơn vị phải đảm bảo tính khả thi trong việc giữ vững điểm số, thứ hạng các chỉ tiêu thành phần PCI, giải pháp được lượng hoá và thời gian hoàn thành cụ thể, phân công rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị triển khai và phối hợp thực hiện. Thời gian hoàn thành trong tháng 6/2023.
2. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại kế hoạch, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ đầu mối xây dựng Kế hoạch nâng hạng đối với từng chỉ số thành phần PCI cụ thể (10 chỉ số) trình đồng chí Lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách theo lĩnh vực để phê duyệt. Thời gian hoàn thành trong tháng 6/2023.
3. Trên cơ sở Kế hoạch này và Kế hoạch nâng hạng của từng chỉ số thành phần đã được phê duyệt, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh có nhiệm vụ chỉ đạo, giám sát, đôn đốc các đơn vị đầu mối và các cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức thực hiện các giải pháp nâng điểm số đối với các chỉ số thành phần được giao phụ trách nhằm đạt mục tiêu đã đặt ra. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về mục tiêu, điểm số của các chỉ số thành phần được giao.
4. Các đơn vị được giao đầu mối đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện kế hoạch của các cơ quan chủ trì đối với các chỉ tiêu thuộc chỉ số thành phần được giao, gửi báo cáo định kỳ hằng quý và hằng năm tới Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách chỉ số và Sở Kế hoạch và Đầu tư. Phân công các cơ quan, đơn vị đầu mối cụ thể như sau:
- Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm đôn đốc, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị được giao chủ trì nâng điểm số các chỉ tiêu của chỉ số thành phần “Gia nhập thị trường”, “Cạnh tranh bình đẳng” và “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh”.
- Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị được giao chủ trì nâng điểm số các chỉ tiêu của chỉ số thành phần “Tiếp cận đất đai”.
- Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm đôn đốc, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị được giao chủ trì nâng điểm số các chỉ tiêu của chỉ số thành phần “Tính minh bạch”.
- Sở Nội vụ có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị được giao chủ trì nâng điểm số các chỉ tiêu của chỉ số thành phần “Chi phí thời gian”.
- Thanh tra tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị được giao chủ trì nâng điểm số các chỉ tiêu của chỉ số thành phần “Chi phí không chính thức”.
- Sở Công Thương có trách nhiệm đôn đốc, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị được giao chủ trì nâng điểm số các chỉ tiêu của chỉ số thành phần “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm đôn đốc, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị được giao chủ trì nâng điểm số các chỉ tiêu của chỉ số thành phần “Đào tạo lao động”.
- Sở Tư pháp có trách nhiệm đôn đốc, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị được giao chủ trì nâng điểm số các chỉ tiêu của chỉ số thành phần “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự”.
5. Các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì đối với các chỉ tiêu thành phần chịu trách nhiệm trước Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách về mục tiêu, điểm số của chỉ tiêu thành phần đó.
- Chủ động xây dựng kế hoạch hành động chi tiết, đề ra giải pháp cụ thể để nâng cao điểm số và kết quả xếp hạng đối với từng chỉ tiêu thành phần được giao chủ trì; chỉ rõ những đơn vị cụ thể có liên quan cần phối hợp để cải thiện chỉ tiêu được giao trong kế hoạch.
- Tổng hợp kết quả thực hiện và gửi báo cáo định kỳ hằng quý và hằng năm tới đơn vị đầu mối. Yêu cầu báo cáo đảm bảo tính thực chất, nội dung kết quả đạt được phải liên quan đến nội hàm các chỉ tiêu thành phần của ngành, lĩnh vực mình được giao nhiêm vụ, đồng thời phân tích, đánh giá, làm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị hướng giải quyết đối với chỉ tiêu của mình, không xây dựng báo cáo theo hướng báo cáo thành tích, kết quả công việc thường xuyên của ngành, đơn vị mình quản lý.
- Tiến hành tổ chức kiểm điểm các công việc đã thực hiện ít nhất 6 tháng một lần; riêng những chỉ tiêu thành phần thấp điểm hoặc giảm điểm so với năm trước, tham mưu tổ chức kiểm điểm hằng quý.
6. Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ do đơn vị chủ trì yêu cầu phối hợp và thực hiện chế độ báo cáo (khi có yêu cầu từ đơn vị chủ trì).
7. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các tổ chức Hội doanh nghiệp tổ chức quán triệt, phổ biến sâu rộng về Kế hoạch này tới toàn thể doanh nghiệp và quần chúng nhân dân, tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích và ý nghĩa của việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
8. Đề nghị các Ban của Đảng, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông báo chí tăng cường giám sát, kịp thời phản ánh, thông tin (cả mặt tích cực và hạn chế tồn tại) về tình hình thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực thi công vụ, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến giải quyết TTHC, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân.
9. Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh phối hợp, đồng hành cùng với cơ quan quản lý nhà nước trong việc phát triển, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thực sự minh bạch, lành mạnh, công bằng trên địa bàn tỉnh; chủ động phản ánh cung cấp thông tin về Ban Chỉ đạo, Tổ công tác của Chủ tịch UBND tỉnh về những vấn đề tồn tại, bất cập, những hành vi gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức các cấp trong thực thi công vụ.
10. Chế độ tổng hợp, báo cáo:
- Sở Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện các giải pháp nâng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị được giao đầu mối, báo cáo và tham mưu UBND tỉnh tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch 6 tháng, 01 năm (trước ngày 18 tháng 6 và trước ngày 18 tháng 12).
- Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì, các đơn vị được giao nhiệm vụ đầu mối tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ đối với chỉ số thành phần mình được giao phụ trách gửi Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách các chỉ số thành phần đó theo quý, năm đồng thời gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi (báo cáo gửi trước ngày 10 của tháng đầu tiên quý tiếp theo và trước ngày 10 tháng 12 hàng năm).
- Các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ đối với chỉ tiêu thành phần mình được giao phụ trách gửi đơn vị được giao nhiệm vụ đầu mối hàng quý, năm (báo cáo gửi trước ngày 02 của tháng đầu tiên quý tiếp theo và trước ngày 02 tháng 12 hàng năm).
11. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc phải kịp thời phản ánh về Sở Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn, tổng hợp và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Kế hoạch 21/KH-UBND nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PIC) năm 2023 do tỉnh Bắc Giang ban hành
Số hiệu: | 21/KH-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bắc Giang |
Người ký: | Lê Ánh Dương |
Ngày ban hành: | 11/05/2023 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Kế hoạch 21/KH-UBND nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PIC) năm 2023 do tỉnh Bắc Giang ban hành
Chưa có Video