BỘ NỘI
VỤ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1149/HD-BTĐKT |
Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2019 |
HƯỚNG DẪN
TỔ CHỨC ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC CÁC CẤP TIẾN TỚI ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC TOÀN QUỐC LẦN THỨ X
Thực hiện Kế hoạch số 19/KH-HĐTĐKT ngày 24 tháng 5 năm 2019 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương về việc tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương hướng dẫn một số nội dung như sau:
I. HÌNH THỨC, THỜI GIAN, THÀNH PHẦN VÀ SỐ LƯỢNG ĐẠI BIỂU
1. Cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn, công ty, tổng công ty thuộc cấp tỉnh, bộ, ngành và tương đương).
- Hình thức: Tổ chức “Hội nghị điển hình tiên tiến”; “Hội nghị biểu dương người tốt, việc tốt”; “Hội nghị biểu dương những người lao động giỏi, lao động sáng tạo” hoặc “Đại hội thi đua yêu nước” (hình thức cụ thể do đơn vị lựa chọn, quyết định).
- Thời gian: 1/2 ngày vào Quý I năm 2020.
- Thành phần, số lượng đại biểu:
+ Đơn vị có dưới 200 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thì tổ chức Hội nghị toàn thể. Đơn vị có trên 200 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thì tổ chức Hội nghị đại biểu, số lượng đại biểu do đơn vị tổ chức quyết định trên cơ sở đề xuất của Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng.
+ Thành phần: Đại biểu khách mời; đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền; đại diện tập thể và cá nhân Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua, điển hình tiên tiến tiêu biểu xuất sắc; điển hình tiên tiến là công nhân, nông dân, người trực tiếp sản xuất, công tác; gương người tốt, việc tốt (đại biểu điển hình tiên tiến khoảng 70%; đại biểu khách mời khoảng 30%).
2. Cấp trên cơ sở (quận, huyện, thị xã, thành phố, sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc cấp tỉnh; tổng cục, cục và tương đương trực thuộc bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương).
- Hình thức: Tổ chức “Đại hội thi đua yêu nước” hoặc “Hội nghị điển hình tiến tiến”.
- Thời gian: 1/2 ngày vào Quý II năm 2020.
- Thành phần, số lượng đại biểu:
+ Thành phần: Đại biểu khách mời; đại diện tập thể và cá nhân Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua; gương điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc trong sản xuất, công tác; gương người tốt, việc tốt (do tập thể lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể của đơn vị cơ sở lựa chọn theo phân bổ đại biểu của cấp trên); chú trọng lựa chọn cá nhân trực tiếp sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu; đại biểu nữ, đại biểu dân tộc, đại biểu đại diện các thành phần kinh tế...
+ Số lượng: Tối đa 300 đại biểu (đại biểu điển hình tiên tiến khoảng 70%; đại biểu khách mời khoảng 30%).
3. Cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương (bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở Trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập).
- Hình thức: Tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước.
- Thời gian: 1/2 ngày hoặc 01 ngày vào Quý III năm 2020.
- Thành phần, số lượng đại biểu:
+ Thành phần: Đại biểu khách mời; đại diện tập thể và cá nhân Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Chiến sĩ thi đua, các gương điển hình tiên tiến, cần đảm bảo cân đối hợp lý về số lượng, cơ cấu đại diện cho các ngành, các cấp, các lĩnh vực, các thành phần kinh tế, dân tộc, tôn giáo; đại biểu nữ, đại biểu trẻ tuổi, chú trọng đến các đại biểu là người lao động trực tiếp; mô hình mới, điển hình mới qua các phong trào thi đua.
+ Số lượng: Tối đa 500 đại biểu (thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa số lượng đại biểu có thể nhiều hơn do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, thành phố quyết định).
Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương chỉ đạo điểm Đại hội thi đua tại Bộ Quốc phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An vào Quý II/2020.
Nhằm cổ vũ, động viên các điển hình tiên tiến, tạo không khí thi đua sôi nổi lập thành tích thiết thực chào mừng Đại hội Đảng các cấp, đề nghị bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo tổ chức Đại hội Thi đua vào thời gian trước khi diễn ra Đại hội Đảng các cấp.
II. CHƯƠNG TRÌNH, NỘI DUNG ĐẠI HỘI
1. Chương trình:
- Chào cờ.
- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và khai mạc.
- Báo cáo tổng kết phong trào thi đua và công tác khen thưởng 5 năm qua, phương hướng, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng 5 năm tới.
- Báo cáo tham luận của các điển hình tiên tiến (chú trọng lựa chọn điển hình thật sự tiêu biểu có sức lan tỏa, để lại ấn tượng tại Đại hội).
- Tổ chức các hoạt động giao lưu với các điển hình tiên tiến.
- Biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các điển hình tiên tiến.
- Phát động phong trào thi đua giai đoạn 2020 - 2025.
- Phát biểu hưởng ứng phong trào thi đua.
- Thông qua danh sách đại biểu đi dự Đại hội cấp trên.
- Tổng kết và bế mạc.
Căn cứ nội dung, yêu cầu chương trình nêu trên, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị có thể tổ chức các hình thức đa dạng, phong phú, sáng tạo, phù hợp, như: Đại biểu thiếu nhi chào mừng, biểu diễn văn nghệ, trao tặng các hình thức khen thưởng, giao lưu trực tiếp với các điển hình, xây dựng phóng sự, phim tư liệu để minh họa...
2. Một số hoạt động trước và trong dịp tổ chức Đại hội
- Đẩy mạnh tuyên truyền về tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, những điển hình trong các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt.
- Tổ chức đối thoại, gặp gỡ giữa lãnh đạo bộ, ban, ngành, địa phương với các điển hình tiên tiến về dự Đại hội.
- Giao lưu các điển hình tiên tiến trên các phương tiện truyền thông của bộ, ngành, địa phương.
- Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tuyên truyền, cổ động chào mừng Đại hội.
3. Một số nội dung trọng tâm của Đại hội
a) Báo cáo tổng kết phong trào thi đua và công tác khen thưởng 5 năm qua, phương hướng, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng 5 năm tới.
Đây là nội dung quan trọng cần được chuẩn bị công phu, chất lượng, bám sát mục đích, yêu cầu của Đại hội. Báo cáo phải nêu được những nét mới, sáng tạo, nhũng phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, nhũng mô hình mới góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị (có thể xây dựng phóng sự, video clip, hình ảnh để minh họa cho nội dung báo cáo).
Bố cục và nội dung chính của báo cáo gồm:
- Phần tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng:
+ Đánh giá kết quả đạt được của các phong trào thi đua yêu nước từ Đại hội Thi đua lần trước đến nay; nêu rõ các phong trào thi đua tiêu biểu và đánh giá tác động, tính thiết thực, hiệu quả của các phong trào thi đua góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, các địa phương.
+ Kết quả công tác khen thưởng; phân tích kết quả, chất lượng các hình thức khen thưởng, việc khen thưởng cho người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, công nhân, nông dân, việc chấp hành các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
+ Đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới tổ chức các phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong những năm qua.
+ Những tồn tại hạn chế chủ yếu, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.
- Phần phương hướng nhiệm vụ:
+ Xác định phương hướng, mục tiêu chung của phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong 5 năm tới.
+ Những nội dung chủ yếu đẩy mạnh phong trào thi đua và công tác khen thưởng góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị và các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh.
+ Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và các giải pháp chủ yếu.
Yêu cầu chung của báo cáo là thông qua việc đánh giá kết quả các phong trào thi đua yêu nước để biểu dương, tôn vinh các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; phân tích đánh giá tác dụng của phong trào thi đua đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm chủ yếu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua và công tác khen thưởng, đề ra giải pháp đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong thời gian tới.
b) Về báo cáo tham luận của các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến:
- Báo cáo điển hình phải được lựa chọn đảm bảo cơ cấu hợp lý; kết hợp giao lưu với các điển hình tiên tiến, có minh họa bằng hình ảnh, video clip, phóng sự. Nên lựa chọn những tập thể, cá nhân có những mô hình mới, sáng tạo trong các lĩnh vực sản xuất, công tác, học tập...
- Số lượng báo cáo: Tuỳ thuộc vào thời gian Đại hội; chú ý chỉ lựa chọn các báo cáo thực sự điển hình, có sức thuyết phục, nêu gương, giáo dục; bảo đảm tính đại diện các lĩnh vực, các thành phần.
c) Tên của Đại hội Thi đua thống nhất như sau:
Đại hội Thi đua yêu nước Bộ ...(ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị)
Lần thứ ... (2020 - 2025)
Địa điểm, ngày ... tháng ... năm 2020
Đoàn Chủ tịch Đại hội có nhiệm vụ tổ chức, điều hành Đại hội từ khai mạc đến bế mạc Đại hội.
Số lượng Đoàn Chủ tịch khoảng từ 09 đến 11 người. Thành phần Đoàn Chủ tịch gồm đại diện lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể và có 1/3 đại biểu là Anh hùng, chiến sĩ thi đua và các gương điển hình tiên tiến tiêu biểu, xuất sắc.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ nội dung, yêu cầu tại Kế hoạch số 19/KH-HĐTĐKT ngày 24 tháng 5 năm 2019 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch tổ chức Đại hội; thành lập Ban Tổ chức và các tiểu ban của Đại hội; lựa chọn các đơn vị điểm để chỉ đạo rút kinh nghiệm chung.
2. Từ nay đến Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách; pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, những điển hình trong các phong trào thi đua yêu nước; tổ chức các hoạt động tôn vinh điển hình tiên tiến gắn với các ngày lễ, kỷ niệm trọng đại của đất nước trong năm 2020.
Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương mở các chuyên mục, chuyên trang và tăng thời lượng cho việc tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội với những hình thức phong phú, giáo dục truyền thống thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
3. Đối với các đơn vị chỉ đạo điểm tổ chức Đại hội thi đua cấp bộ và cấp tỉnh, Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức duyệt kế hoạch của các đơn vị (sẽ có lịch thông báo cụ thể).
Trên đây là hướng dẫn tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X; đề nghị các Bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ Kế hoạch số 19/KH-HĐTĐKT ngày 24 tháng 5 năm 2019 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Hướng dẫn này để tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả về Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương (qua Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương)./.
|
TRƯỞNG BAN |
Hướng dẫn 1149/HD-BTĐKT năm 2019 về tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X do Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương ban hành
Số hiệu: | 1149/HD-BTĐKT |
---|---|
Loại văn bản: | Hướng dẫn |
Nơi ban hành: | Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương |
Người ký: | Trần Thị Hà |
Ngày ban hành: | 18/06/2019 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Hướng dẫn 1149/HD-BTĐKT năm 2019 về tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X do Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương ban hành
Chưa có Video