THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 87-TTg |
Hà Nội, ngày 24 tháng 08 năm 1963 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Kính gửi |
- Các bộ, các cơ quan ngang bộ, |
Trong thời gian qua, trong nhiều cơ quan Nhà nước, công tác kiểm tra đã được coi trọng; nhiều cán bộ lãnh đạo đã năng đi kiểm tra các đơn vị cơ sở và các cơ quan cấp dưới, do đó mà việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch và các chủ trương, chính sách được tăng cường.
Tuy nhiên, nhìn chung thì công tác kiểm tra trong các cơ quan Nhà nước các cấp chưa vào nền nếp, chưa thành chế độ, còn hiện tượng gặp đâu làm đấy; có cơ quan, đơn vị thì được cán bộ lãnh đạo các cấp năng đến kiểm tra, trái lại có cơ quan, đơn vị thì suốt năm không được kiểm tra lần nào. Việc kiểm tra từ cấp dưới lên cấp trên, việc phát huy tác dụng của các tổ chức quần chúng trong công tác kiểm tra chưa được quan tâm đầy đủ. Trong khi đó thì tổ chức thanh tra chuyên trách ở các ngành, các cấp nói chung là còn yếu.
Để khắc phục những thiếu sót trên đây nhằm tăng cường công tác kiểm tra là một khâu quan trọng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ lưu ý các Bộ, các ngành ở trung ương, các Ủy ban hành chính địa phương nghiên cứu và định kế hoạch thi hành những điều dưới đây cho sát với tình hình công tác ở mỗi ngành và mỗi địa phương:
1. Tăng cường công tác kiểm tra của cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp.
Trong mỗi cơ quan, đơn vị từ trung ương đến cơ sở, ngoài việc kiểm tra đột xuất khi cần thiết, công tác kiểm tra của các cán bộ phụ trách phải đặt thành chế độ, được ghi vào chương trình và lịch công tác của từng người. Thủ trưởng của các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành chế độ ấy.
Cán bộ phụ trách trong các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm kiểm tra công tác của cán bộ cấp dưới trực tiếp. Trong khi kiểm tra các đơn vị cơ sở là nơi thực hiện các kế hoạch, mọi chủ trương và chính sách của Nhà nước, cán bộ phụ trách các cơ quan, nhất là ở trung ương, cần chú trọng phát hiện những ưu điểm và khuyết điểm trong việc chỉ đạo của cấp trung gian đối với các đơn vị cơ sở đó.
Mỗi lần kiểm tra cần được chuẩn bị chu đáo, có kế hoạch cụ thể, có yêu cầu thiết thực, thích hợp với đối tượng được kiểm tra, chủ yếu là nhằm kiểm tra việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, việc chấp hành các chủ trương, chính sách, chế độ, thể lệ đã được ban hành. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, khi cử cán bộ đi kiểm tra, cần giao nhiệm vụ rõ rệt và thông qua kế hoạch kiểm tra.
Khi kết thúc một cuộc kiểm tra, cần làm biên bản ghi rõ những ưu điểm, những khuyết điểm trong công tác của cơ quan đơn vị được kiểm tra, có kết luật về trách nhiệm đối với những việc sai sót hoặc hư hỏng, đề ra những biện pháp để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, giải quyết những khó khăn, mắc mứu trong công tác của cơ quan, đơn vị được kiểm tra. Trong trường hợp cần thiết, cán bộ kiểm tra, tùy theo cương vị của mình, có thể quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định việc khen thưởng hoặc thi hành kỷ luật đối với những cá nhân, đơn vị có thành tích hoặc phạm lỗi.
Sau mỗi cuộc kiểm tra, cơ quan, đơn vị được kiểm tra có trách nhiệm thi hành nghiêm chỉnh những biện pháp đã được đề ra nhằm cải tiến công tác của mình. Cán bộ kiểm tra có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện những biện pháp ấy.
2. Phát huy tác dụng của các tổ chức quần chúng ở cơ sở đối với công tác kiểm tra.
Trong các xí nghiệp sản xuất, xây dựng và kinh doanh của Nhà nước, thủ trưởng xí nghiệp cần phối hợp với Ban chấp hành công đoàn và đoàn Thanh niên lao động ra sức động viên, giáo dục công nhân, viên chức giữ gìn kỷ luật lao động, thi đua thực hiện kế hoạch Nhà nước, chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách, chế độ của Nhà nước, chống tham ô, lãng phí. Cần phát huy tác dụng của Đại hội công nhân, viên chức, đồng thời tổ chức, hướng dẫn những phần tử ưu tú trong phong trào thi đua – trong đó có đoàn viên thanh niên lao động – làm công tác kiểm tra.
Đối với các hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã thủ công nghiệp, hợp tác xã mua bán, các ngành có trách nhiệm ở trung ương và các Ủy ban hành chính địa phương cần chú trọng tổ chức và hoạt động của các ban kiểm soát hợp tác xã, có kế hoạch, có biện pháp hướng dẫn và giúp đỡ các ban này làm đầy đủ nhiệm vụ như Nhà nước đã quy định.
3. Kiện toàn các Ban thanh tra ở các ngành, các địa phương.
Các Bộ, các ngành ở trung ương đã có Ban thanh tra, cần kiện toàn các Ban thanh tra đó. Các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng cần kiện toàn Ban thanh tra đồng cấp. Kiện toàn các Ban thanh tra đó, cần cử cán bộ có trình độ, có kinh nghiệm để phụ trách các ban đó; ở những nơi mà ban đó còn thiếu cán bộ thì cần bổ sung cho đủ biên chế, chú trọng bổ sung cán bộ có khả năng làm công tác thanh tra; cần thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thanh tra. Ngoài ra, cần hết sức tránh việc điều động, thuyên chuyển các cán bộ thanh tra đi làm những công tác khác.
Các Bộ, các ngành ở trung ương, các Ủy ban hành chính địa phương phải quan tâm đầy đủ thực hiện chỉ thị này để đưa dần công tác kiểm tra vào nền nếp. Ủy ban thanh tra của Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn về nghiệp vụ và theo dõi việc chấp hành chỉ thị này.
|
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Chỉ thị 87-TTg năm 1963 về tăng cường công tác kiểm tra do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 87-TTg |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký: | Phạm Văn Đồng |
Ngày ban hành: | 24/08/1963 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 87-TTg năm 1963 về tăng cường công tác kiểm tra do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chưa có Video