CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 420-CT |
Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 1991 |
CHỈ THỊ
VỀ GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ ĐÀO TẠO SĨ QUAN DỰ BỊ TRONG HỌC SINH, SINH VIÊN
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta, trong nhiều năm qua, công tác giáo dục quốc phòng và đào tạo sĩ quan dự bị trong học sinh, sinh viên đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần tích cực vào việc củng cố quốc phòng. Tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ, chương trình và nội dung giáo dục chưa phù hợp, phân công chỉ đạo chưa thật rõ ràng, điều kiện bảo đảm chưa tốt... cho nên chất lượng công tác này còn hạn chế.
Để thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự và Luật về sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung và công bố ngày 2-1-1991; để thực hiện nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng - an ninh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong tình hình mới, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:
1. Giáo dục quốc phòng và đào tạo sĩ quan dự bị là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược đào tạo con người mới là nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ nói chung và cho học sinh, sinh viên lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần tập thể, tư duy và kiến thức quân sự, chuẩn bị nhân lực và đào tạo nhân tài cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
- Giáo dục quốc phòng là yêu cầu không thể thiếu trong chương trình ở các trường phổ thông trung học, dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, kể cả quốc lập, dân lập và các loại hình đào tạo khác.
- Tiếp tục đào tạo có chọn lọc các sinh viên đại học có ngành nghề phù hợp với quốc phòng thành sĩ quan dự bị của các ngành kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, để khi cần thì động viên phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo và quản lý công tác giáo dục quốc phòng và đào tạo sĩ quan dự bị trong hệ thống giáo dục quốc dân. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện. Hai Bộ cần củng cố tổ chức hiện có để quản lý, chỉ đạo điều hành công tác này.
2. Trên tinh thần tích cực đổi mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Quốc phòng cần sớm tổng kết; cải tiến lớn về chương trình, nội dung phương pháp giáo dục quốc phòng và đào tạo sĩ quan dự bị nhằm nâng cao chất lượng và khắc phục tình trạng hình thức, kém hiệu quả.
Cần chú ý nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên quân sự; xây dựng hệ thống tài liệu, giáo trình; bảo đảm cơ sở vật chất, trang bị huấn luyện, học cụ quân sự chuyên dùng và các mặt bảo đảm khác; áp dụng phương thức lồng ghép một số nội dung quân sự vào những môn học phù hợp của các trường; tổ chức cho học viên được học tập tại các trung tâm huấn luyện quân sự hoặc đơn vị, nhà trường quân đội để nâng cao năng lực thực hành.
3. Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Tổ chức và Cán bộ của Chính phủ cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Quốc phòng bàn bạc thống nhất để ban hành các chế độ, chính sách cần thiết, bảo đảm cho công tác này được thực hiện tốt. Kinh phí giáo dục quốc phòng được tính vào ngân sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kinh phí đào tạo sĩ quan dự bị được tính vào ngân sách của Bộ Quốc phòng. Những nội dung cụ thể khác, các Bộ có liên quan ra thông tư hướng dẫn thực hiện.
4. Bộ trưởng các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quốc phòng, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Tổ chức và Cán bộ của Chính phủ, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Thủ trưởng các ngành có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.
|
Phan Văn Khải (Đã ký)
|
Chỉ thị 420-CT năm 1991 về giáo dục quốc phòng và đào tạo sĩ quan dự bị trong học sinh, sinh viên do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Số hiệu: | 420-CT |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng |
Người ký: | Phan Văn Khải |
Ngày ban hành: | 30/12/1991 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 420-CT năm 1991 về giáo dục quốc phòng và đào tạo sĩ quan dự bị trong học sinh, sinh viên do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Chưa có Video