THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/2004/CT-TTg |
Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2004 |
Trong những năm qua, các Bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là chính quyền địa phương ven biển) đã có nhiều cố gắng trong công tác phối hợp quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam còn xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng, làm thiệt hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, nguồn lợi hải sản của đất nước và môi trường biển, thậm chí vi phạm chủ quyền nước ta, ảnh hưởng bất lợi đến quan hệ đối ngoại.
Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do công tác tuyên truyền, giáo dục đối với nhân dân, nhất là ngư dân hoạt động trên biển về chủ quyền vùng biển Việt Nam chưa sâu, chưa thường xuyên; việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ của các ngành, các cấp liên quan còn nhiều hạn chế, nhất là sự phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng chưa tạo nên sức mạnh tổng hợp và chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ quản lý trên biển; việc gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên các vùng biển đảo với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh trong một số lĩnh vực thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
Để khắc phục tình trạng trên, nhằm tăng cường công tác phối hợp quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh trật tự trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam; triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Biên giới quốc gia, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan triển khai thực hiện tốt các công việc sau đây:
a) Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển đã được pháp luật quy định, Bộ Quốc phòng phân công rõ phạm vi hoạt động và xác định rõ trách nhiệm của từng lực lượng trên từng vùng biển cụ thể, nhất là vùng biển Vịnh Bắc Bộ và vùng biển Tây Nam; đồng thời Bộ Quốc phòng chủ trì chỉ đạo các Quân khu và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương xây dựng cơ chế phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng tại mỗi địa bàn cụ thể; đảm bảo trên các vùng biển trọng điểm luôn có lực lượng hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
b) Chỉ đạo Cục Cảnh sát biển và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, phối hợp hiệp đồng với các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương ven biển trong :
- Quản lý, tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.
- Xây dựng kế hoạch bảo vệ ngư dân hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển xa.
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho những người hoạt động trên biển về chủ quyền vùng biển Việt Nam; âm mưu, phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm trên biển; hướng dẫn biện pháp đấu tranh, nhất là chống trấn cướp biển. Trên cơ sở đó, phát động phong trào quần chúng tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.
c) Chỉ đạo Bộ đội Biên phòng và lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp với các lực lượng, các ngành tham mưu cho Bộ Quốc phòng và chính quyền các địa phương ven biển đối sách xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền, an ninh trật tự của người, phương tiện nước ngoài trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Thông tin kịp thời và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao để xử lý các vụ việc xảy ra trên biển liên quan đến nước ngoài.
a) Phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 107/2003/QĐ-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong tình hình mới và Nghị định của Chính phủ số 161/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2003 về Quy chế khu vực biên giới biển. Chú trọng trao đổi thông tin tình hình và biện pháp phối hợp xử lý các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự ở các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực biên giới biển.
b) Chỉ đạo Công an các địa phương ven biển phối hợp với Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển đấu tranh phòng chống có hiệu quả đối với hoạt động xâm hại an ninh quốc gia, các tội phạm về buôn lậu, trấn cướp biển; vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng chất nổ khai thác thủy sản của bọn tội phạm hoạt động ở các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực biên giới biển.
c) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy phối hợp với Bộ đội Biên phòng và ngành thủy sản tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho người hoạt động trên biển chấp hành các quy định liên quan đến bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa nhằm hạn chế những thiệt hại xảy ra do tai nạn, đâm va trên đường thủy nội địa.
a) Chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, địa phương liên quan báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác quản lý biên giới biển, các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam trên cơ sở các Điều ước quốc tế về phân định biên giới quốc gia trên biển được ký kết giữa nước ta với các nước láng giềng. Thúc đẩy đàm phán giải quyết tranh chấp trên biển, phân định các vùng biển và thềm lục địa với các nước liên quan; xác định phạm vi, chủ quyền và các quyền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên các vùng biển, hải đảo và thềm lục địa.
b) Hướng dẫn chính quyền địa phương ven biển và các Bộ, ngành liên quan về chủ trương, đối sách trong xử lý các vụ việc xảy ra trên biển có liên quan đến nước ngoài; đồng thời chủ động, kịp thời trao đổi thông tin liên quan để chính quyền địa phương ven biển và Bộ, ngành liên quan phối hợp thực hiện.
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và chính quyền địa phương liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản.
b) Tăng cường chỉ đạo lực lượng Kiểm ngư phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển để kiểm tra, kiểm soát các hoạt động nghề cá trên biển. Hướng dẫn, tổ chức thông tin, thông báo, chỉ đạo kịp thời, bảo đảm an toàn cho ngư dân ta hoạt động trên các vùng biển Việt Nam.
c) Phối hợp với Bộ Tư pháp, chính quyền các địa phương ven biển, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Bộ Ngoại giao (Ban Biên giới) biên soạn tài liệu và tổ chức tuyên truyền, giáo dục sâu rộng cho ngư dân về chủ quyền các vùng biển Việt Nam, không vi phạm vùng biển nước khác khai thác hải sản dẫn đến bị bắt, xử lý.
d) Nghiên cứu đề xuất phương án đàm phán hợp tác nghề cá với một số nước trong khu vực nhằm tạo môi trường ổn định, trật tự an toàn trên các vùng biển.
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa và an toàn hàng hải.
b) Phối hợp với Bộ Tư pháp và các phương tiện thông tin đại chúng thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa, an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
6. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư :
a) Bảo đảm kinh phí cho các Bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện Chỉ thị này; thẩm định dự toán, cấp kịp thời kinh phí cho các hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam theo kế hoạch ngân sách được Chính phủ phê duyệt hàng năm; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính - ngân sách được cấp.
b) Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan phối hợp với các Bộ, ngành và chính quyền địa phương ven biển làm tốt công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới biển và các hành vi vi phạm pháp luật hải quan khác.
a) Các Bộ, ngành khác có liên quan: trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động trên biển được pháp luật quy định, khi hoạt động trên biển phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng để hỗ trợ khi cần thiết và phối hợp tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Thực hiện tốt công tác phối hợp nhằm khắc phục tình trạng trên một vùng biển, cùng một thời điểm có nhiều lực lượng kiểm tra, kiểm soát hoạt động, gây phiền hà cho người, phương tiện sản xuất.
b) ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương: chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân hiểu biết về chủ quyền vùng biển Việt Nam; xây dựng phong trào quần chúng tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam; đồng thời có ý thức tôn trọng, không xâm phạm chủ quyền vùng biển của các nước khác.
- Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này.
Giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện Chỉ thị; hàng năm, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả tổ chức thực hiện Chỉ thị này.
|
Phan Văn Khải (Đã ký) |
Chỉ thị 34/2004/CT-TTg về tăng cường phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ
Số hiệu: | 34/2004/CT-TTg |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký: | Phan Văn Khải |
Ngày ban hành: | 14/10/2004 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 34/2004/CT-TTg về tăng cường phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ
Chưa có Video