ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/CT-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 19 tháng 12 năm 2017 |
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC THANH TRA TRÊN CÁC LĨNH VỰC NHẰM CHỦ ĐỘNG PHÒNG NGỪA, PHÁT HIỆN, XỬ LÝ KỊP THỜI CÁC HÀNH VI THAM NHŨNG, TIÊU CỰC
Trong thời gian qua, công tác thanh tra đã đạt được những kết quả tích cực đáng ghi nhận, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường pháp chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc tham nhũng được phát hiện còn ít ảnh hưởng đến hiệu quả chung của công tác phòng, chống tham nhũng.
Một trong những nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng là do một số địa phương, đơn vị chưa chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật; cơ cấu tổ chức, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng còn nhiều vướng mắc, bất cập.
Để tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thanh tra trên các lĩnh vực nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế
Quan tâm chỉ đạo, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra. Phát huy vai trò của cơ quan, tổ chức thanh tra, kiểm tra cùng cấp để kịp thời chấn chỉnh những sơ hở, thiếu sót và phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm nhằm chủ động phòng ngừa kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhất là những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vị trí trực tiếp giải quyết yêu cầu của công dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng để xử lý, kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Quan tâm, chú trọng việc nâng cao năng lực cơ quan, tổ chức thanh tra cùng cấp; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức làm công tác thanh tra.
Trong công tác tổ chức cán bộ phải thực hiện thường xuyên, toàn diện, đúng quy định, quy trình, đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai; cần quan tâm, xem xét kỹ trong việc điều chuyển cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng sang các vị trí công tác khác.
Xử lý nghiêm người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý có hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hoặc để đơn vị mình xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Xử lý nghiêm các cán bộ, công chức có biểu hiện bao che trong quá trình thanh tra, kiểm tra; thiếu kiên quyết trong việc kiến nghị, xử lý đối với các vụ việc tham nhũng.
2. Đối với các cơ quan, tổ chức Thanh tra
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo địa bàn, lĩnh vực thuộc chức năng nhiệm vụ quy định.
Nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra thuộc địa bàn, lĩnh vực; kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng để xử lý, kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Chú trọng thực hiện công tác xử lý sau thanh tra nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Xử lý nghiêm các cán bộ, công chức thanh tra có biểu hiện bao che, thiếu kiên quyết trong việc kiến nghị, xử lý đối với các vụ việc tham nhũng.
Hàng năm, trên cơ sở định hướng chương trình thanh tra, hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch thanh tra của cơ quan thanh tra cấp trên; yêu cầu công tác quản lý của địa phương, đơn vị, xác định những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, nhân dân có nhiều ý kiến để xây dựng Kế hoạch thanh tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý các hành vi tham nhũng theo thẩm quyền.
3. Sự phối hợp của một số cơ quan, đơn vị
Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan Thanh tra, Công an, Viện kiểm sát và các cơ quan chức năng khác trong việc phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công.
Sở Nội vụ phối hợp chặt chẽ với Thanh tra tỉnh trong việc hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra các Sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố Huế; trưởng phòng, phó trưởng phòng Thanh tra tỉnh.
Giao Thanh tra tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc các Sở, cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các cơ quan, tổ chức thanh tra cùng cấp trong công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng theo chức năng, nhiệm vụ quy định. Đối với các cơ quan, đơn vị thực hiện chưa đầy đủ, nghiêm túc phải báo cáo kịp thời với Chủ tịch UBND tỉnh để xem xét, chấn chỉnh, xử lý theo quy định.
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH |
Chỉ thị 26/CT-UBND năm 2017 về tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thanh tra trên các lĩnh vực nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời hành vi tham nhũng, tiêu cực do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Số hiệu: | 26/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thừa Thiên Huế |
Người ký: | Nguyễn Văn Cao |
Ngày ban hành: | 19/12/2017 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 26/CT-UBND năm 2017 về tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thanh tra trên các lĩnh vực nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời hành vi tham nhũng, tiêu cực do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Chưa có Video