UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/CT-UB |
Bến Tre, ngày 03 tháng 12 năm 1999 |
CHỈ THỊ
“TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG, BỒI DƯỠNG ĐỘI NGŨ BÁO CÁO VIÊN PHÁP LUẬT CỦA TỈNH”
Trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ nhân dân phải đảm bảo thực hiện thường xuyên, liên tục và bằng nhiều hình thức. Mỗi hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đều có ưu thế riêng, trong đó hình thức tuyên truyền miệng có những ưu thế nổi trội và giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Tuyên truyền miệng do báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện, trực tiếp đưa thông tin pháp luật đến người nghe, thông qua việc chứng minh, giải thích, phân tích làm cho người nghe nắm và hiểu được những quy định trong văn bản pháp luật, từ đó chuyển biến nhận thức về pháp luật và có ý thức tuân theo pháp luật. Chính vì vậy trong Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg ngày 07/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay đã nêu: “Chú trọng hình thức tuyên truyền miệng trong việc phổ biến triển khai thực hiện các văn bản pháp luật cần thiết cho từng đối tượng, nhất là cán bộ chính quyền cơ sở, các tầng lớp nhân dân…”; Trong Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg cùng ngày 07/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến năm 2002 và thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật cũng quy định rõ: “… tổ chức mạng lưới báo cáo viên về pháp luật, đưa nội dung pháp luật vào hoạt động của các đội tuyên truyền văn hoá…”. Để thực hiện việc xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật từ Trung ương đến địa phương, ngày 09/7/1999 Bộ Trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ra quyết định số 210/1999/ QĐ-BTP về việc ban hành quy chế báo cáo viên pháp luật.
Đối với tỉnh chúng ta, trong thời gian qua hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật thông qua tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên đã đem lại nhiều kết quả, nhiều văn bản pháp luật quan trọng của Quốc hội, của Chính phủ, của các Bộ, ngành Trung ương đã được triển khai, báo cáo đến cán bộ nhân viên các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở; nhiều lúc nhiều nơi còn tổ chức báo cáo cho nhân dân. Tuy nhiên so với nhu cầu của công tác phổ biến giáo dục pháp luật hiện nay thì công tác quản lý đội ngũ báo cáo viên pháp luật trong tỉnh còn nhiều hạn chế như: Chưa nắm cụ thể danh sách lượng báo cáo viên pháp luật ở các ngành các cấp: mạng lưới báo cáo viên còn mỏng và vừa thiếu vừa yếu; chưa có quy chế hoạt động cụ thể; chưa tiêu chuẩn hóa rõ ràng; việc hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho báo cáo viên còn hạn chế; chưa tổ chức được việc cung cấp thường xuyên những thông tin, tài liệu, văn bản quy phạm pháp luật cần thiết cho báo cáo viên; chưa tổ chức sơ kết, tổng kết, trao đổi kinh nghiệm, khen thưởng đối với hoạt động báo cáo viên pháp luật; chưa có chế độ thù lao cụ thể cho báo cáo viên. Vì vậy hiệu quả hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật thông qua biện pháp tuyên truyền miệng còn hạn chế.
Để xây dựng mạng lưới báo cáo viên pháp luật từ tỉnh đến cơ sở và phát huy vai trò của lực lượng này trong việc đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong toàn tỉnh. Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
Ngành Tư pháp cùng Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện liên hệ với các cơ quan bảo vệ pháp luật, ngành văn hoá thông tin, cơ quan tuyên giáo của Đảng, các tổ chức chính trị xã hội trong khối mặt trận cùng cấp tuyển chọn, lên danh sách đội ngũ báo cáo viên pháp luật để tham gia công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong tỉnh, nhằm huy động đông đảo lực lượng cán bộ có trình độ pháp luật của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể quần chúng tham gia phổ biến giáo dục pháp luật bằng hình thức tuyên truyền miệng cho cán bộ, nhân viên tại các cơ quan, tổ chức đơn vị và các tầng lớp nhân dân ở cơ sở xã, phường, thị trấn, xóm, ấp, cụm dân cư.
Khi tuyển chọn báo cáo viên pháp luật, cần đảm bảo các tiêu chuẩn chung theo qui định tại Điều 8 của qui chế báo cáo viên pháp luật (ban hành kèm theo Quyết định số 210/1999/QĐ-BTP ngày 09-7-1999 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp) cụ thể là:
- Phải gương mẫu thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có phẩm chất chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt;
- Có uy tín trong công tác, sinh hoạt;
- Có kiến thức pháp luật, có khả năng báo cáo pháp luật trước công chúng;
- Tự nguyện, nhiệt tình, có đủ điều kiện về sức khỏe và thời gian để hoàn thành nhiệm vụ báo cáo pháp luật;
- Được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác, sinh hoạt hoặc chính quyền cơ sở giới thiệu.
Ngoài tiêu chuẩn chung quy định tại điểm a điều này, đối với báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh phải có trình độ đại học luật đã và đang công tác ở lĩnh vực có liên quan đến pháp luật. Đối với báo cáo viên pháp luật cấp huyện phải có trình độ từ trung cấp luật trở lên đã và đang công tác ở lĩnh vực có liên quan đến pháp luật.
Riêng lực lượng tuyên truyền viên pháp luật ở xã, phường, thị trấn chỉ cần đạt tiêu chuẩn chung của báo cáo viên pháp luật mà không yêu cầu điều kiện về bằng cấp, Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ ban hành quy chế tuyên truyền viên ở cơ sở để cấp xã, phường, thị trấn thực hiện.
Những người được chọn làm báo cáo viên pháp luật ở cấp tỉnh sẽ do Sở Tư pháp lập danh sách trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận và cấp thẻ báo cáo viên.
Những người được chọn là báo cáo viên pháp luật ở cấp huyện sẽ do phòng Tư pháp lập danh sách trình UBND huyện, thị quyết định công nhận và cấp thẻ báo cáo viên.
Những người được chọn là tuyên truyền viên ở các xã, phường, thị trấn do Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, lập danh sách trình Chủ tịch UBND huyện thị quyết định công nhận.
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và chính quyền cơ sở có người được chọn làm báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cần bố trí thời gian và tạo điều kiện thuận lợi để cho báo cáo viên, tuyên truyền viên hoạt động.
Trước hết và chủ yếu cần phát huy việc báo cáo viên pháp luật báo cáo pháp luật cho cán bộ, nhân viên, thành viên trong cơ quan, đơn vị, tổ chức mình. Đồng thời khi có yêu cầu huy động báo cáo viên để đi báo cáo pháp luật tại cơ quan, tổ chức khác thì cố gắng tạo điều kiện cho báo cáo viên tham gia.
Những cán bộ, nhân viên được chọn làm báo cáo viên cần phát huy năng lực, tích cực nghiên cứu và tham gia vào hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật trong địa phương.
Ngành Tư pháp là trung tâm và luôn chủ động để giữ mối quan hệ với báo cáo viên để nắm tình hình hoạt động của lực lượng báo cáo viên trong tỉnh nhằm giúp UBND tỉnh, UBND huyện quản lý hoạt động của mạng lưới báo cáo viên trong tỉnh hoạt động có hiệu quả, thường xuyên, liên tục.
Trước mắt Sở Tư pháp, Phòng Tư Pháp tham mưu cho UBND tỉnh và UBND huyện, thị trong việc nắm số lượng báo cáo viên từng cấp, quyết định công nhận, cấp thẻ và hướng dẫn thực hiện đúng quy chế, báo cáo viên pháp luật của Bộ Tư pháp ban hành đề nghị bổ sung hoặc thay đổi báo cáo viên. Đồng thời xây dựng ngay dự thảo quy chế tuyên truyền viên ờ cơ sở trình UBND tỉnh ban hành trong năm 1999.
Tăng cường công tác hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ, tổ chức trao đổi kinh nghiệm, sơ kết tổng kết, thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong hoạt động báo cáo viên pháp luật. Thường xuyên cung cấp thông tin, tài liệu, văn bản quy phạm pháp luật cho báo cáo viên.
Hàng quý, 6 tháng, năm Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh phải có kế hoạch cụ thể về công tác phổ biến giáo dục pháp luật để cơ quan, tổ chức có cơ sở thực hiện việc báo cáo pháp luật trong nội bộ tổ chức, cơ quan mình. Nếu có văn bản pháp luật quan trọng theo chỉ đạo của các cấp lãnh đạo cần tổ chức đợt tuyên truyền đột xuất thì Sở Tư pháp phối hợp với Ban Tuyên giáo và các cơ quan, tổ chức hữu quan hướng dẫn thực hiện đồng bộ trong cả tỉnh và huy động lực lượng báo cáo viên phục vụ cho đợt tuyên truyền.
Sở Tài chính nghiên cứu chế độ hiện hành để hướng dẫn cho ngành Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có báo cáo viên pháp luật thực hiện kinh phí về tài liệu, biên soạn in ấn đề cương và thù lao cho báo cáo viên pháp luật.
Báo cáo pháp luật là hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật đồng thời cũng là công tác tư tưởng, văn hoá, vậy UBND tỉnh đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Luật gia hỗ trợ UBND các cấp, ngành Tư pháp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức thực hiện tốt công tác báo cáo pháp luật.
Trong quá trình thực hiện Chỉ thị này giao Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan để đánh giá hoạt động của lực lượng báo cáo viên pháp luật và theo dõi báo cáo quý, sáu tháng, năm về công tác phổ biến giáo dục pháp luật, phải có phản ánh rõ hoạt động báo cáo pháp luật. Từng lúc nếu có khó khăn, vướng mắc phải báo cáo kịp thời để UBND tỉnh nắm và chỉ đạo tiếp./.
|
TM.UỶ BAN NHÂN
DÂN TỈNH |
Chỉ thị 26/CT-UB năm 1999 về tăng cường xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên pháp luật của tỉnh Bến Tre
Số hiệu: | 26/CT-UB |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bến Tre |
Người ký: | Trần Công Ngữ |
Ngày ban hành: | 03/12/1999 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 26/CT-UB năm 1999 về tăng cường xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên pháp luật của tỉnh Bến Tre
Chưa có Video