ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/CT-UBND |
Long An, ngày 08 tháng 10 năm 2014 |
Căn cứ Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26 tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo;
Căn cứ Công văn 1722/TTg-V.I ngày 11 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân;
Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã có nhiều cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đã đạt được kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế xã hội và giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như sau:
Công tác dự báo, nắm tình hình, làm rõ nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo chưa kịp thời; thiếu chủ động xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài; chưa xác định được những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để từ đó đề ra kế hoạch giải quyết cụ thể đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời điểm; sự quan tâm chỉ đạo thực hiện từng lúc, từng nơi chưa thường xuyên,...Còn tồn đọng các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật chưa được thi hành nghiêm túc. Một số vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách pháp luật nhưng công dân không chấp hành cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài. Công tác thanh tra trách nhiệm một số địa phương hiệu quả chưa cao, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo chưa thường xuyên, người đi khiếu nại, tố cáo chưa thấy nghĩa vụ của mình trong việc khiếu nại, tố cáo.
Những hạn chế nêu trên có ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả trong điều hành thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do một số người đứng đầu cơ quan đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài; việc tổ chức đối thoại với công dân và công khai kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số nơi còn hình thức. Năng lực của một bộ phận cán bộ làm công tác tiếp dân và tham mưu giải quyết khiếu nại tố cáo còn hạn chế; việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo chưa được duy trì thường xuyên.
Để khắc phục những hạn chế trên và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian tới; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở ngành, Thủ trưởng các cơ quan đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
- Giám đốc các Sở ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tự kiểm tra, khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót trong công tác tiếp dân; căn cứ vào tình hình thực tế, chủ động phối hợp trực tiếp về địa phương nơi xảy ra vụ việc để tiếp công dân (khi cần thiết).
Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26 tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị; Luật Tiếp Công dân năm 2013; Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác tiếp dân.
- Kiện toàn tổ chức, bộ máy Ban Tiếp công dân từ tỉnh đến cơ sở theo quy định; bố trí công chức có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thông nghiệp vụ làm công tác tiếp công dân; bố trí Trụ sở, nơi tiếp công dân, trang bị phương tiện làm việc đầy đủ và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tiếp công dân.
- Hàng năm, Thanh tra tỉnh phối hợp với các Sở ngành, cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ công tác tiếp dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo.
2. Về giải quyết khiếu nại, tố cáo
a) Giám đốc các Sở ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
Tự kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị, địa phương mình; tổng hợp số vụ việc đang giải quyết, số vụ việc chưa giải quyết, số vụ việc đã giải quyết nhưng công dân chưa nhất trí; xây dựng kế hoạch, phương án giải quyết từng vụ việc, định kỳ hàng tháng, hàng quý kiểm điểm kết quả thực hiện.
- Rà soát những vụ việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng, đặc biệt là những vụ việc phức tạp, đông người để chỉ đạo giải quyết theo quy định của pháp luật. Những huyện, thị xã, thành phố có các điểm khiếu nại đông người, yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hàng tuần nghe báo cáo cụ thể để chỉ đạo giải quyết. Đối với các vụ việc phức tạp, khó giải quyết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phải tranh thủ xin ý kiến của Thanh tra tỉnh và các Sở ngành có liên quan để thống nhất biện pháp giải quyết, đồng thời báo cáo đồng chí Bí thư cấp ủy và xin ý kiến của tập thể Ban Thường vụ nhằm tạo sự đồng thuận cao trong chỉ đạo thực hiện. Đối với những vụ việc đã giải quyết thấu lý, đạt tình, đúng pháp luật, cần phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân kiên trì thuyết phục, tổ chức công bố công khai kết quả giải quyết để tạo sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và tạo sức mạnh của cộng đồng dân cư về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với đối tượng cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài.
- Đối với các vụ việc đã giải quyết đúng chính sách pháp luật, đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm tra rà soát, có văn bản trả lời nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại tố cáo, cần hướng dẫn giải thích, yêu cầu công dân chấp hành. Trường hợp công dân vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo thì từ chối tiếp theo quy định tại Điều 9 Luật Tiếp công dân.
- Chủ động rà soát, đề xuất biện pháp tổ chức thi hành triệt để các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu lực pháp luật trên địa bàn. Những trường hợp đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, nhân dân kiên trì vận động, thuyết phục công dân hiểu và tự giác chấp hành; trường hợp cố tình không chấp hành các quyết định giải quyết đúng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền thì kiên quyết áp dụng biện pháp bắt buộc thực hiện theo quy định của pháp luật.
b) Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Rà soát các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; tham mưu, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có phương án giải quyết.
- Phân công lãnh đạo trực tiếp theo dõi, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tư vấn, hướng dẫn về nghiệp vụ để Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các huyện, thị, thành phố có điểm nóng về khiếu kiện đông người.
- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật, phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc có vi phạm.
- Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Thông báo chấm dứt giải quyết khiếu nại đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch số 2100/KH-TTCP ngày 19 tháng 9 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ.
- Phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh từng bước thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về việc không tiếp, không giải quyết đối với các vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan Trung ương, rà soát, đối thoại theo Kế hoạch số 2100/KH-TTCP ngày 19 tháng 9 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ nhưng công dân vẫn không đồng ý, tiếp tục khiếu kiện, tố cáo kéo dài.
c) Công an tỉnh:
Chủ động nắm tình hình các điểm khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người trên địa bàn, có biện pháp đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi kích động, lôi kéo, xúi giục người khác khiếu nại, tố cáo trái pháp luật; lợi dụng quyền dân chủ, quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối, xúc phạm, chống người thi hành công vụ hoặc tiếp tay cho các phần tử cơ hội chính trị; có biện pháp xử lý tình trạng một số công dân có thái độ bức xúc, mang theo khẩu hiệu, trẻ em, la hét, gây mất trật tự tại nơi tiếp dân hoặc có hành vi mạt sát, lăng mạ lãnh đạo tỉnh, cán bộ tiếp dân và cán bộ giải quyết khiếu nại, tố cáo, tình trạng tập trung đông người tại Trụ sở Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và nhà riêng các đồng chí Lãnh đạo tỉnh để khiếu nại, tố cáo. Có biện pháp giáo dục, răn đe, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng cầm đầu.
d) Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh:
- Thường xuyên đôn đốc các cơ quan chuyên môn tập trung xem xét, xác minh, đề xuất biện pháp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản giải quyết kịp thời đối với các vụ việc đã có kết quả xác minh, kết luận và đề xuất biện pháp giải quyết của các cơ quan chuyên môn. Đối với các vụ việc có quan điểm chưa thống nhất giữa các ngành, các địa phương, cần kịp thời tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tư vấn làm cơ sở cho việc giải quyết.
- Phối hợp với Thanh tra tỉnh rà soát, xem xét, làm rõ trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị không thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về giải quyết khiếu nại, tố cáo để công dân khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, đề xuất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có biện pháp, hình thức xử lý nghiêm minh.
- Phối hợp với Thanh tra tỉnh tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện các quy định của Luật Tiếp công dân và các văn bản có liên quan.
Giao Thanh tra tỉnh tăng cường thanh tra trách nhiệm đối với Giám đốc các Sở ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung vào những ngành, địa phương có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Chỉ đạo Thanh tra các huyện, thị xã, thành phố, tăng cường thanh tra trách nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn. Chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, thiếu sót trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cần chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, đầu tư, xây dựng, tài chính, chính sách xã hội,... Phải công khai, minh bạch trong việc thực hiện dự án, chế độ chính sách liên quan đến thu hồi đất, giải tỏa, bồi thường, tái định cư, giải quyết việc làm cho người lao động; kiên quyết thu hồi đất đã giao, đã cho thuê không đúng đối tượng, không sử dụng đúng thời gian quy định hoặc sử dụng không có hiệu quả, sử dụng sai mục đích; xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, các trường hợp tham nhũng, tiêu cực; đồng thời chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại, yếu kém trong quản lý sử dụng đất đai ở thôn, xã,...nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Thực hiện tốt quy chế dân chủ, công tác hòa giải ở cơ sở và công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để công dân tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước và thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân; đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng nhằm tạo ra môi trường pháp lý lành mạnh, hài hòa, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế xã hội và hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.
5. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo
- Giao cho Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án "Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013 - 2016" theo Quyết định số 1133/QĐ-TTg ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh chuẩn bị đầy đủ điều kiện để tổ chức thực hiện theo kế hoạch đã đề ra trong năm 2014 và những năm tiếp theo.
- Giám đốc các Sở ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ hiểu biết pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, công chức; gắn việc thực hiện nhiệm vụ tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cán bộ, công chức với tuyên truyền, phổ biến, giải thích chính sách pháp luật để công dân hiểu và thực hiện.
- Các cơ quan: Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp công dân, về khiếu nại, tố cáo. Biểu dương những gương điển hình tốt, phê phán, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên:
- Tăng cường vai trò tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật nói chung và pháp luật về khiếu nại, tố cáo nói riêng.
- Chỉ đạo phát huy vai trò và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ hòa giải ở ấp, khu phố để góp phần giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn ngay tại cơ sở.
Giao cho Thanh tra tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Chỉ thị 23/CT-UBND năm 2014 chấn chỉnh, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo do tỉnh Long An ban hành
Số hiệu: | 23/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Long An |
Người ký: | Đỗ Hữu Lâm |
Ngày ban hành: | 08/10/2014 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 23/CT-UBND năm 2014 chấn chỉnh, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo do tỉnh Long An ban hành
Chưa có Video